Buổi tối mây đen bắt đầu kéo đến, không khí
nặng chịch mùi ẩm ướt trước báo hiệu những cơn giông đang đến. Vì thế chẳng cần xem thời tiết cũng biết ngày
hôm sau trời sẽ u ám, gió sẽ to, sóng sẽ lớn, kéo theo những cơn mưa đây đó.
Thôi thì không ra biển nữa, mọi người quyết định đi Bisbal, thành phố gốm sứ nổi
tiếng của Tây Ban Nha, nơi từng cái chậu, cái lọ được đúc khuôn, hay nặn bằng
tay từ những mảng đất sét xứ Spain, không mang hơi hướng tí “made in China” đại
trà nào, và ngay cả thợ đúc khuôn cũng rặt mắt to mũi lõ và nếu khoác chiếc áo
đỏ, mặc quần chẽn, đi ủng da thì sẽ trở thành anh chàng toreador lẫy lừng hiên
ngang trước con bò mộng. Nhân tiện đây nghe nói bắt đầu sang năm Tây Ban Nha sẽ
bãi bỏ tập tục đấu bò này vì máu đổ dã man quá. Khối người tiếc hùi hụi, phong
tục từ cả mấy trăm năm nay, toreador cha truyền con nối coi như chấm dứt, thế hệ
mai sau chắc chỉ còn được nhìn toreador vung chiếc áo choàng đỏ trên màn hình
các loại. Thôi thì ném cà chua vào nhau cho nó lành, cũng cùng một màu đỏ như
máu vậy mà không ai không con gì phải chết.
Tên Bisbal là từ chữ “bishop” ra, nghĩa là
thành phố này vốn thuộc về các ông bishops của Girona, còn nghề làm gốm thì đã
có rất lâu và trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Con phố chính là
những cửa tiệm bán đủ mọi chai lọ, chén bát, hũ chậu các kiểu dọc hai bên đường.
Mặc dù thế, cửa tiệm đầu tiên mình bước vào, đi vài bước là biết ngay có mùi
Tàu đâu đây. Với cái giá rẻ vô cùng làm mình nhìn kỹ cái chén được nặn ra thấy
khang khác với cái tiệm bên cạnh, nơi giá mắc gấp đôi nhưng chủ nhân giận dỗi
nói tôi không bán đồ made in China!
Mình vốn là người mê chai lọ, lạc vào dãy
phố này giống như con nít lạc vào tiệm đồ chơi, cái gì cũng muốn mua đem về,
nhưng nghĩ cảnh máy bay sẽ bị rớt cái bịch vì mấy cái tượng gnown tính vác về để
cạnh hồ cá nên thôi, chỉ dám rón rén mua những thứ cực nhỏ, cực kỳ gọn gàng để
con số cân nặng chiếc va ly của mình không bị quá tải. Vì thế hai chục chiếc
chén đựng tương chấm, nước mắm chấm đang nằm gọn bưng trong tủ nhà mình bây giờ.
Nhìn chén bát một hồi mình muốn đi xem vậy
thì người ta làm nó ra như thế nào. Nhớ kỷ niệm hồi còn nhỏ được dẫn xuống Đức
Trọng hay Định An gì đó, nhìn ông thợ ngồi bên bàn xoay, tay ông cứ lượn lên lượn
xuống theo cục đất sét, nhẹ nhàng chậm rãi, vậy mà nặn ra thành những chiếc
bình thon cổ, cái ấm trà, chiếc tách cà phê. Cứ như là ảo thuật vậy, mình đứng
nhìn thán phục hết sức. Mình mon men rón rén lại gần thì được ông ấy cho một cục
đất sét trắng bằng ba ngón tay mang về nhà chơi. Thế là sướng lắm rồi, ở Dalat
lội suối Ba Toa suốt ngày không cách gì moi ra được một cục đất sét chính hiệu.
Bây giờ con nít ở đây không phải vắt óc ra đi tìm đất sét, một hộp Dough đất
sét giả bốn màu xanh đỏ vàng trắng được bán có 2 đồng thôi. Ra tiệm đồ chơi thấy
bán đồ lề để nặn bình nặn chén, vừa đất sét vừa bàn xoay chỉ có 40 đồng, tính
vác về nhà thử xem tay mình có khéo bằng tay ông thợ kia không thì được chồng
can hết sức.
Óc tò mò tăng thêm vì đêm trước ở thành phố
cổ Begur, mình chứng kiến tận mắt ông thợ già đầu trọc ngồi dưới ánh đèn điện, từ một bàn xoay và một cục đất sét, ông ấy nặn
ra đủ kiểu tặng đám du khách đang tò mò đứng nhìn. Khi thì bình hoa, khi thì lẵng
hoa, và nhìn thấy mình với chị mình đầu đen, ông ấy làm ra ngay một cái tô ăn
cơm để cho. Mình đem cái tô cơm còn ướt
về phơi nắng trên ban công, rồi kỳ cà kỳ cục gói ghém bỏ va ly đem về để làm kỷ
niệm. Đến nhà mở ra chỉ còn là những mảnh đất sét bể nát. Cát bụi về lại với
cát bụi…
Cả bọn kéo nhau đến xưởng đúc gần đó xem
người ta làm ăn ra sao. Vì số đông nên lại được tour private, nghĩa là chỉ có một
mình nhà mình đi theo ông chủ, từ gian trước ra gian sau. Ông ấy chỉ cho xem những
cái chậu cao to quá đầu người được ghép lại từ những mảnh đúc nhỏ, rồi chúng được
xếp hàng đứng phơi cả tháng trước khi cho vào lò. Đến những chậu có hoa văn rồng
rắn phức tạp hơn, té ra là từ khuôn đúc bằng thép có sẵn. Bỏ một cục đất vào
khuôn, bấm nút một phát, chờ khoảng năm phút, một cái chậu hiện ra, cứ như là
xoa tay vào cái đèn thần của Alladin vậy. Phần việc còn lại là dùng tay gọt
giũa những mẩu đất thừa rồi lại đem phơi phóng. Máy móc như thế không thích,
cho nên ông chủ dẫn cả bọn vào một góc nơi có cái bàn xoay. Thằng con mình thử
ngồi vào chỗ, ráng nặn cho ra một cái chén. Ông con hì hà hì hụi đúc thành một
cái nửa chén nửa tô hình bầu dục, bảo làm nghề này không dễ. Nếu chỉ bấm nút rồi
chờ năm phút thì nói làm gì, vì thế chén bát bày la liệt dọc đường con phố
chính ấy đắt là phải. Khuôn nào đúc ra được cái chén chấm tương nhỏ xíu của
mình?
Sau khi lê lết chán chê ở cái xưởng đúc chậu,
còn sớm nên cả lũ kéo ra Empuri thành phố “nhà sập”. Đường đi phải qua Estartit, thành
phố du lịch nổi tiếng của bờ biển Tây Ban Nha nên xe cộ đông đúc hẳn rồi tắc tị,
đứng ì ra. Nhẫn nại xếp hàng chờ tới phiên mình đi, trong lúc đó bà chị chỉ một
cửa tiệm bán cá tôm các loại bảo Má đã vào cửa tiệm này mua cá về ăn. Mình chững
lại, Má đã từng ở đây, Má đã từng đi trên con phố này, Má đã thấy giàn hoa giấy
tím cả một trời, Má đã thấy màu nước biển xanh biếc, Má đã đặt chân xuống bãi
cát ấm nóng ánh mặt trời, Má đã… Bây giờ mình ở đây còn Má đâu rồi?
“Nhà sập” ở Empuri phải trả tiền mới được
vào trong khi đứng nhìn qua hàng rào cũng thấy được vài khúc nên mình thà nhảy xuống biển bơi còn hơn. Nước buổi chiều vào một ngày u ám
thì cái lạnh nhân gấp đôi, sốc điện kỳ này mạnh gấp ba lần. Bơi khoảng nửa tiếng
cho đã thèm lại lên bờ đi dạo theo con đường ven biển. Hoàng hôn xuống dần trên
khu di tích Empuri được xây khoảng 575 năm trước công nguyên bởi dân Hy Lạp, thế
cho nên mấy cột nhà nhìn quen quen giống trong truyện Asterix Obelix mặc dù đã
sập gần hết. Đọc loáng thoáng qua mắt lưới hàng rào thấy đề đây là nhà bếp kia
là phòng khách mà thật sự chỉ là những ô đất vuông nứt nẻ, tường cao không quá
đầu gối, và phải có đầu óc tưởng tượng rất mạnh mới hình dung ra được nó ra sao
trước khi bị phá hủy bởi chiến tranh rồi thời gian.
Rời Empuri về nhà êm ấm với nồi spaghetti
và hai chai rượu dưới bầu trời rực đỏ ánh hoàng hôn. Ngày còn lại ở Spain cứ vơi
dần đi. Mọi người bắt đầu nói về chuyện quay về phương Bắc….
Lan Hương
Fort Worth 11/04/2016
No comments:
Post a Comment