Pages

Friday, March 31, 2017

Giấc mơ Thánh Gióng


Tương truyền Thánh Gióng lên ba tuổi chưa biết đi cũng chẳng biết nói, ăn cơm mẹ phải đút từng muỗng,  uống nước mẹ phải bưng tận mồm, cả ngày ngồi ì một chỗ không nhúc nhích cục cựa! Cả như bên này thì Gióng sẽ bị mang đi khám bác sĩ chuyên trị trẻ em, làm cả đống xét nghiệm từ thử máu đến soi óc xem Gióng có bị autism – tự kỷ, hay retarded – chậm phát triển hay không. Rồi Gióng sẽ được đưa vào trường đặc biệt học ăn học nói cho đến khi Gióng hòa nhập được với các bạn cùng lứa tuổi. Bố Mẹ Gióng sẽ hồi hộp xem con tiến bộ từng ngày, hoặc tối nào cũng cãi nhau như mổ bò không biết có nên cho Gióng tiếp tục uống thuốc để Gióng kiểm soát được tính khí của mình, lên trường không la hét vô cớ hoặc gây gỗ với bạn bè. Chẳng qua cái thuốc uống thường xuyên ấy làm cho Gióng mập phù, thở phì phò như kéo bễ, đã thụ động lại càng ù lì hơn. Ấy là nói chuyện bây giờ, hồi xưa khác cơ. Chẳng cần trường lớp với lại cô giáo đặc biệt nào, Gióng chỉ cần nghe giặc Ân tới liền hét to một tiếng rồi bật ra nói cười vanh vách, ăn một hơi hết mấy tạ cơm, ợ một cái như sấm nổ rồi vươn vai thành người lớn, leo lên ngựa đi đánh giặc. Đánh xong Gióng bay thẳng về trời, ở lại mất công bị nhiều người tới hỏi dò sao hay vậy, làm cách nào vậy, ăn uống trúng cái gì vậy. Mệt lắm. Đấy là Gióng không ở lại mà con nít ở Việt Nam đã bị nhồi cơm như ngỗng bị nhồi thịt rồi đấy. Gióng huyền bí như vậy nên sau này tượng Thánh Gióng mọc như nấm ở các bùng binh. Hình như năm nào có người đề nghị đúc tim vàng để vào tượng Gióng, nhân tiện làm luôn quả tim vàng khác để vào con ngựa của Gióng cho đồng bộ. Quên không biết có ngày Phù Đổng Thiên Vương để được nghỉ đi thăm các tượng của Gióng đặng thắp nhang khấn vái cho một cậu bé có vẻ bị autism mà trở thành anh hùng hay không.

Chỉ vì dân ta vốn khoái cái khoản đi ngang về tắt, chỉ cần một đêm, một ngày là giải quyết gọn nhẹ xong tất tần tật mọi việc, hơi đâu kéo dông kéo dài đến suốt đời mà chẳng thấy cái gì. Không tin thì cứ nhìn vào giấc mơ “Singapore thu nhỏ” đang lên đồng mà xem!

Nghe ra có vẻ báng bổ nhưng nếu bạn đã quen với chuyện Mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng thì không nên lấy làm ngạc nhiên. Riêng ông anh tôi bảo 99 trứng thôi, trong đó có một cái trứng thối! Truy bằng được thì ông ấy ngụy  biện trên thế giới này làm gì có xác suất trứng nở 100%? Phải có một cái trứng ung để đem cái xác suất ấy hạ xuống 99.99% cho gần với đời thường. Tôi cãi nhây bảo vậy 49 người lên núi hay 49 người xuống biển vì tỉ lệ 50/50 hoàn toàn đổ bể. Ông ấy nhún vai, chẳng quan trọng. Cãi với ông ấy chỉ thành cãi chày cãi cối, chấp nhận một trái trứng thối thì cũng vẫn còn lại 99 trứng thành người Việt bây giờ đây này. Còn nếu cãi tiếp Âu Cơ là tiên chứ có phải là chim hay cá cảnh đâu mà đẻ ra trứng thì e rằng tình anh em đến hồi kết thúc. Cứ chấp nhận tuốt đi, vì đó chỉ là huyền thoại.

Chỉ cần đừng ráng biến huyền thoại thành sự thật.

Tôi không nói đến truyền thuyết Thánh Gióng hay Mẹ Âu Cơ, những truyền thuyết như thế quốc gia nào mà chẳng có để kể cho trẻ con nghe, kể cho những tâm hồn trong trẻo không bận tâm đến chuyện bụng đâu chứa nổi cả tạ cơm. Tôi chỉ muốn nói đến cái tư duy tiến lên một số nơi bằng cách không làm một số chuyện cơ bản khác. Nếu đã từng sống sau năm 75, chẳng ai mà không thuộc làu cái câu “Tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản”. Đấy đấy, cái tư duy cứ đường tắt mà  đi ấy, tư duy vỗ ngực khoe khoang cả dân tộc chơi nổi đón đầu thế kỷ ấy!

Thế là bây giờ nhân dân è cổ trả giá cho cái chuyện bỏ qua với lại thẳng tiến. Có những điều có thể đi tắt, có những việc không chơi màn đón đầu được vì nó là cả một nền tảng phát triển nhân văn, khoa học nghệ thuật sống còn xuyên suốt hàng thế kỷ của nhân loại. Rùa thắng Thỏ trong cuộc thi ai chạy nhanh hơn là cả một sự lừa bịp trắng trợn! Thỏ thua oan ức không biết kiện vào đâu, Rùa thắng vênh vang với cái trò láu cá của mình!  Hạng người nào mới tự hào vì cái trò lừa đảo đó?

Nhiều ân oán của những chuyến tàu đón đầu đang được trả giá, tôi miễn bàn, người trong nước chắc chắn sẽ rõ hơn tôi nhiều. Tôi chỉ nói đến chiến dịch dành lại vỉa hè cho người đi bộ bằng cách để cho chủ nhà bước khỏi cửa không khéo sẽ bị té nhào sấp mặt xuống mặt đường, mà có lỡ ở mặt đường thì không cách gì leo lên nhà mình được. Vì các bậc thềm nhà biến mất. Dân đi trên vỉa hè ái ngại nhìn những thềm nhà qua một đêm bỗng cao vút, riêng chủ nhà méo mặt kê gỗ, kê gạch để bước vào nhà. Riêng khách đến thăm thì tốt nhất là mặc quần đừng mặc váy cho chủ nhà khỏi bối rối!  

Nói đến đây khối kẻ bảo tôi không làm gì được cho đất nước này thì im cái miệng lại. Thì tôi im, tôi có chống cái giấc mơ biến Saigon thành một Singapore thu nhỏ đâu nào. Ai cũng có quyền mơ ước mà lại. Saigon sạch đẹp ai mà chẳng thích? Saigon nhà nhà lịch sự, con người lịch sự, đường xá lịch sự, ai mà không tự hào? Tôi ủng hộ giấc mơ Singapore thu nhỏ đó bằng cả hai tay, cộng với hai chân cho thêm phần thuyết phục. Tôi chỉ chống cái cách làm giấc mơ đó biến thành sự thật.

Tôi sẽ không có ý kiến nếu như tòa nhà Hát Kịch hơn một trăm tuổi một hôm tự dưng thấy cái bậc thềm của mình lấn chiếm lòng đường, nó liền bị đập tan nát. Vậy người đi xem kịch làm sao leo lên được các bậc thềm còn lại để tiến vào cánh cửa chính? Và hôm đó nếu tôi mặc áo đầm xòe còn đỡ, nếu tôi diện áo đầm chuông bó sát nơi đầu gối, làm sao nhấc chân quá nửa thước để mà đi xem kịch, cộng thêm đôi giày cao gót sẽ làm tôi đi đứng bình thường còn lảo đảo, huống chi phải leo lên bậc thềm hơn quá đầu gối mình? Tôi đọc tin tức thì chưa thấy ai nói tôi phải mặc cái gì cho phù hợp để đi xem kịch cả. Hình như có một cái cầu gỗ được bắc tạm thì phải. Thế thì so với cái cầu gỗ khập khiễng, các bậc tam cấp hơn trăm tuổi ấy không đẹp hơn ư? Chưa kể cả thế giới chuộng đồ cổ, đi đâu cũng nghe nói bảo tồn văn hóa lịch sử, nâng như trứng hứng như hoa mấy cái tượng mốc, mấy cái nóc nhà nghiêng ngả. Thế mà dân ta có cái bậc thềm cổ kính thế kia lại phá cho tan hoang trả lại lề đường cho dân đi bộ, mà theo thống kê thì dân Saigon hình như ngồi xe máy nhiều hơn là đi bộ!

Đến đây có vẻ tôi đang cãi nhau với cái đầu gối của mình.

Tôi nghe nói Saigon dạo sau này cống rãnh không kham nổi chừng đó cư dân thường trú cũng như tạm trú, cho nên đến mùa mưa là đường xá thành sông ngòi. Thay vì xây cống, nới mương, nhà nước quyết định nâng cao mặt đường. Dân hai bên đường có hai lựa chọn: hoặc xây bê tông trước mặt nhà mình để cho nước khỏi tràn vào, hoặc nâng thềm nhà. Nhà cao 4 mét một hôm thấy trần nhà sà sát xuống đầu, đi đứng lom khom như thuở vượn chưa thẳng lưng thành người. Nhà một hôm đi làm về phải nhảy xuống giao thông hào vào cửa như vào lô cốt, tối tăm lù mù, có cằn nhằn thì bà mẹ nhấm nhẳn “Thế nước lụt có muốn leo lên ghế ngồi không?” Nếu bạn không tin, xin mời đến khu Khánh Hội!

Đuờng phố tấp nập, mật độ dân số tăng chóng mặt. Cư dân khắp nơi đổ về theo kiểu đất lành chim đậu. Chim bay đến hơi nhiều nên nạn giao thông ùn tắc. Đường xá liền được nới rộng ra, kẻ thêm làn đường. Đất đâu mà nới thế nên lấn vỉa hè. Vì thế mà thềm nhà Hát Kịch tự dưng nằm chình ình giữa hè đường. Còn bậc thềm nhà của người dân, nếu có quy hoạch rõ ràng, có tầm nhìn xa hơn cái túi tiền của mình, thì bản đồ xây nhà rõ ràng bắt đầu từ đó, dài đến đó, ngang đến đó, đừng đút lót bôi trơn gì cả, thì chẳng có đến nửa bậc lấn ra. Đến đây tôi đâm ra nghi ngờ trình độ của các bố quản lý đô thị hay quy hoạch đô thị gì gì đó. Đập bỏ những bậc tam cấp ấy chỉ tổ làm cho chủ nhà phiền hà. Muốn diệt tận gốc những bậc thềm vô trật tự ấy đi thì nên bắt đầu bằng những kẻ ra tay ký những văn bản sơ đồ cho xây cất nhà cửa. Nếu các bố làm như thế, tôi ủng hộ liền và dứt khoát là không thắc mắc oong đơ gì cả! Bây giờ người ta xây lên thành nhà năm sáu tầng, không thoát được bậc thứ nhất làm sao leo thang lên nốt những tầng nhà còn lại? Đập bỏ ư? Nhà có đập theo được không? Có xây lại được không? Có bưng cả cái nhà thụt vô khoảng dăm mét để nhường lại hè phố và xây lại cái bậc thềm cho đàng hoàng tử tế được không? Dân mình vốn đa mưu túc trí. Cứ nhìn cảnh bà cụ lập cập leo lên thùng gỗ để vào nhà thì biết! Chỉ đau tim lo bà lão xảy chân té gãy tay bể đầu thì tội lắm!

Các bố được thể tiến xa hơn. Các bố song song giải quyết vụ hàng rong một thể. Cấm hết, dọn sạch hết! Các bố hạ quyết tâm như thế và vung tay thực hiện rất quyết liệt. Khi hỏi rồi thì những người buôn thúng bán bưng lấy gì sống, các bố hồn nhiên nói khuyến khích họ buôn bán trên mạng. Bà Năm, dì Ba, bác Bảy hãy bỏ quang gánh đi mua lấy cái laptop, rồi lập ra cái website mang tên mỹ miều Cháo Huyết Mạng Bà Bảy rồi ngồi rung đùi chờ order. Riêng cái khoản làm sao cái tô cháo huyết ấy đến tay người dùng là chuyện khác. Thời buổi bây giờ cái gì cũng ảo ảo trên mạng mà lại. Tôi có đọc được một phản hồi của một người đang sống ở Saigon “Đuổi hết bọn dân quê ấy ra khỏi thành phố đi! Để họ buôn bán làm dơ dáy vỉa hè!” Nếu bạn này ở Mỹ sẽ bị khép ngay tội kỳ thị, láng cháng lên Facebook sẽ bị thiên hạ “Booo” cho nhức óc. Riêng cái bọn dân quê ấy tôi đồ rằng cực chẳng đã mới bỏ quê lên tỉnh. Họ hẳn chẳng sung sướng gì khi sống cầu bơ cầu bất với một manh chiếu nơi góc đường. Họ hẳn cực chẳng đã mới phải buôn thúng bán bưng, chẳng ai làm giàu được từ những mẹt rau rổ ổi, chẳng ai xây nhà lầu được với thùng mì, thúng mía. Bán hàng rong song song với chuyện sống ngày nào hay ngày đó. Và trời ạ, quê với lại chẳng tỉnh, cũng là một mạng người, một cuộc đời, máu cũng đỏ, da cũng vàng và cũng nói tiếng Việt cả đấy!

Cư dân ở trong xóm, trong hẻm không bị chuyện lề đường ảnh hưởng đến mình nên mạnh miệng nói, đập đi là đúng rồi, dọn dẹp lề đường là đúng rồi. Cư dân ngoài mặt tiền méo mặt vì một hôm đi làm về không làm sao dắt được con xe Honda vào nhà, mà để trước cửa thì chỉ dăm phút xe bốc hơi! Đã ở đó thì bạn hẳn phải biết câu châm ngôn “Của đi sát theo người”. Thêm cái chuyện đuổi đám bán hàng rong, dân có vỉa hè bỗng dưng thấy ngân quỹ nhà mình thiếu hụt vài ngàn mỗi ngày của cụ bà bán nước. Thế là phe ta cãi nhau ra trò. Ai cũng có cái lý của mình hết.

Nhìn cảnh xe máy đậu ngổn ngang trên lề đường đúng là không đẹp mắt, điều ấy tôi không thắc mắc. Nhưng các bố có vẻ mua bò trước khi làm chuồng. Nếu muốn dẹp hàng hàng lũ lũ xe hai bánh đậu trên vỉa hè, xe bốn bánh dưới lòng đường, các bố nên xây parking trước đã. Khi ấy xe nào léng phéng ngoài parking, các bố cứ việc cho cẩu xe và phạt chủ nhân méo mặt. Đàng này không có chỗ đậu xe, phương tiện giao thông công cộng hạn chế, thôi thì cư dân Singapore thu nhỏ ngồi nhà order bánh cuốn trên mạng vậy đi nhé, đừng ai ra khỏi nhà vừa hạn chế nạn kẹt xe, vừa có được cái lề đường đẹp nhức nhối.   

Tôi xa Việt Nam đã lâu lắm rồi, tôi không biết bây giờ họ nghĩ cái gì, nếp sống ra sao. Tôi và Việt Nam không còn ăn nhập gì với nhau nữa, ngoại trừ tôi vẫn nói tiếng Việt, viết tiếng Việt, cái thứ ngôn ngữ tôi sử dụng ở trình độ cách đây 30 chục năm ấy. Vì thế tôi không biết dùng từ “khủng”, loạng choạng với từ “con xế”, “đập hộp”, không biết đặt chữ “bị” ở đâu cho đúng, “bị hay”, “bị đẹp” tôi nghe mà phân vân, còn từ “đi xỏa”, ăn chơi xả láng thì mới học được từ con cháu. Tôi chỉ biết rằng dù ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu, đơn giản không thể đập phá trong một tháng là có thể biến Saigon thành Singapore thu nhỏ! Đơn giản không thể đuổi hết bọn chân quê ấy thì thành phố tự dưng đẹp đẽ văn minh hơn. Đơn giản không thể dạy cho Má Tám bán hàng qua website trong vòng vài tuần để rồi má nhàn nhã treo đôi quang gánh góc nhà làm kỷ niệm đẹp được.  

Giấc mơ vươn vai thành người lớn của Thánh Gióng chỉ có trong truyện cổ tích thôi, các bố ạ! Các bố nên nghĩ ra việc gì thiết thực hơn cái việc mang xe với mang búa đi tấn công các bậc thềm. Tôi góp ý thế này, bậc thềm nhà nào lấn chiếm vỉa hè thay vì đập bỏ, bắt nhà đó hàng tháng đóng thuế. Có văn bản luật lệ đàng hoàng.Tiền thuế được chi dùng một cách phân minh nhất, không có bảo kê hay nhóm lợi ích nào léng phéng vào đó. Chủ nhà nào không đóng thuế thì cứ thế mà phạt nặng lên. Hèm, chuyện tuân theo luật thì nghe nói bên đó chỉ có “luật rừng”. Thế thì các bố hãy chú trọng làm sao cho dân chúng và những người ngồi lên đầu dân chúng nhất nhất phải tuân theo luật pháp trước đã. Mà ra luật thì cũng phải hợp lý, phải có phiếu bầu của người dân, đừng ra luật chơi ép người thấp cơ bé miệng. Vậy thì đầu tiên hết các bố phải chỉnh đốn lại khoản chính quyền với luật pháp. Các bố phải có một chính quyền sạch, không tham nhũng. Tiếp theo các bố phải thu xếp cho cái đám dân quê quen với đòn gánh hơn cái laptop có công ăn việc làm. Rồi các bố phải học cách quản lý đô thị, không chỉ có mỗi việc đi thu phí đường mà còn chuyện xây cống rãnh như thế nào, xây bãi đậu xe ra sao. Các bố phải...

Hình như tôi lại nói chuyện với cái đầu gối mình rồi thì phải.

Chúc may mắn, giấc mơ Singapore và các bậc thềm ở Saigon.

Lan Hương

Fort Worth 03/27/2017






Monday, March 27, 2017

Chạy bộ


Bắt đầu
Hamlet của Shakespeare bảo “Tồn tại hay không tồn tại?” Hamlet của tôi gần với đời thường hơn, lại băn khoăn theo kiểu riêng của mình “Chạy hay không chạy?” Khoan hãy nói đến chuyện cao siêu rằng tôi có tồn tại hay không đã. Hãy nói đến chuyện tôi chỉ muốn đặt chân này trước chân kia, chạy bộ năm cây số mỗi ngày. Năm ngày một tuần. Weekend ai cũng nghỉ mà, Chúa cũng nghỉ đó thôi, huống gì đôi chân của tôi. 

Không chạy thì bụng bự, càng ngày càng bự, sau này trọng lượng mỡ thừa sẽ đổ lên hai cái đầu gối, thế là cà nhắc rồi phải đi mổ. Khối người trong office của tôi thay nhau đi thay đầu gối rồi kìa. Chạy bây giờ thì bụng sẽ bớt bự, không dám nói là nhỏ (ha!), nhưng chân liên tục dậm xuống mặt đường sẽ làm thốn đầu gối. Hamlet tôi lại lăn tăn “Đau đầu gối hay không đau đầu gối, BÂY GIỜ?”

Nói gì thì nói, dân ngồi văn phòng sẽ thấu hiểu cho tôi. Ngồi dán mông trên ghế gần 8 tiếng, không kể dăm phút đi vệ sinh, dăm phút đi tán dóc, đã cẩn thận chọn cái máy in xa tít tắp để có cớ đứng lên đi xa, đã dùng chiêu bài muốn nói chuyện với ai thay vì dùng điện thoại, tôi  cất công đến tận bàn mà nói, chừng đó thứ không đủ cho lớp mỡ thừa biến mất. Cái lớp mỡ cứ dày theo năm tháng vì tuổi tác ấy! Chẳng lẽ cứ một tiếng đồng hồ lại vào restroom thì đâm ra tè rắt? Khoảng nửa tiếng đi tán dóc đâm ra già chuyện? Lúc nào cũng đến tận nơi gặp mặt đâm ra tò mò tọc mạch đi xem thiên hạ làm gì? Tôi quyết định dùng một tiếng nghỉ trưa đi chạy bộ. Với hy vọng dâng cao là lớp mỡ không được hoan nghênh ấy sẽ biến đi cho tôi nhờ. Tôi vốn thuộc loại hoạt động tay chân chứ có phải “couch potatoes” thể loại ôm sô pha nằm coi tivi suốt đâu nào. Thế mà tennis ba lần một tuần không đủ, dẫn chó đi bộ hàng ngày không đủ. Tennis có partner cùng chạy với thì chả bõ bèn gì. Mà partner lại là chồng mình nữa thì coi như một mình ổng bao hơn nửa sân, nhiệm vụ của tôi gói gọn trong việc canh chừng một góc nhỏ xíu trên cái sân tennis vốn chẳng lớn gì lắm cho banh khỏi lọt qua! Có khi thắng nguyên game mà tôi chẳng cần đụng vợt! Cái kiểu đi bộ với chó thì khoảng dăm thước đứng lại cho hai em ghếch chân tè đánh dấu chủ quyền, tất nhiên hai con không khi nào tè cùng một lúc mà phải chờ con đi trước con đi sau. Rồi vài bước nữa dừng lại cho hai em hỏi han hít ngửi cái bụi cây, thêm vài bước thì con đi tay phải, con rẽ tay trái, tôi phải dừng lại lôi cổ hai em về với nẻo chính. Nếu gặp chó khác đi cùng đường thì mất thì giờ hơn đứng lại dàn xếp xem chủ nào chó nào sẽ đi trước để tránh “chiến tranh giữa các vì sao”. Ra đến bãi cỏ thả cho chúng chạy rong thì đến phiên tôi đi mò mẫm những cánh hoa dại, phải thong thả mà đi thì mới thấy được những cánh hoa e ấp chen lẫn với cỏ cao, nên chẳng có gì vội vàng. Thế thì đi bộ kiểu đó, tennis kiểu đó chẳng có ích lợi gì cho những trọng lượng không đáng có trên cơ thể mình.

Đường chạy bộ
Tôi bắt đầu chạy đã lâu rồi, nhưng không đều đặn vì mùa hè nóng tóe khói, con đường chạy bốc hơi ngùn ngụt làm tôi nản chí. Mùa đông gió lạnh táp vào mặt cũng làm tôi nản chí. Tôi lúc chạy lúc không, ba bảy hai mươi mốt ngày. Nói chung thời tiết chỉ là một cái cớ. Cái nguyên nhân sâu xa nằm trong óc để quyết định chạy hay không chạy mới là đáng nói. Nhưng bây giờ là mùa xuân, trời đất không có cớ gì làm cho tôi lười biếng cả.  Nhất là con  số trên mặt cân cứ nhấp nhỉnh ở khoảng 100 làm tôi thêm quyết tâm xuống được gram nào hay gram đó. Thế là xỏ giầy vào chân đi chạy thôi.

Thường thì tôi chạy năm cây số mỗi độ mùa Thanksgiving với nguyên cái đám dân cư trong xóm của mình. Đều đặn như thế cả bao nhiêu năm nay rồi. Chạy với cả một đám đông khác xa một trời một vực với chạy mình ên. Với đám đông mình thấy có khí thế hơn. Nhiều người chạy quanh mình tự dưng đâm ra phấn khích, quyết tâm về tới đích có người vỗ tay hoan hô. Dọc đường chạy có đám hướng đạo sinh rót nước dâng tận tay cho uống. Chạy một mình hay muốn té ngang té dọc, muốn tìm đường tắt đi về cho nhanh. Đến đích chỉ có ly nước lạnh đá cục để sẵn trong xe chờ làm phần thưởng, chẳng ai vỗ tay. Đành tự mình hoan hô lấy mình. 
Cầu Harrison

Tôi chạy 3 miles hay là 5 cây số mỗi buổi trưa, dọc theo con kênh Trinity River gần downtown Fort Worth.  Dọc hai bên bờ kênh là đường dành cho người đi  bộ, đi xe đạp. Xe máy dù chỉ có 2 bánh cũng bị cấm tiệt vào đây. Ngựa nghẽo cũng bị cấm tuốt vì thế không khí rất trong lành, ngoại trừ những hôm cái cống gần cầu Main bị rò rỉ, không khí không được thơm tho lắm. Lúc đó thì cứ việc chạy vù vù qua cho nhanh, khoảng năm phút ngửi cống là cùng, nếu chạy chậm thì ngửi nhiều hơn. Tùy ý chọn lựa đấy nhé!

Chạy vào buổi trưa giữa hai buổi làm việc nhiêu khê lắm. Đầu tiên là phải mang quần áo đi thay, nhất là đồ lót. Đến giờ thì vào restroom thay đồ chạy bộ, xỏ chân vào giày rồi ra xe lái xuống sát bờ kênh. Tôi có thể chạy từ office của mình, nhưng như vậy chẳng có gì hay ho vì vừa nhấp chân đã phải đứng lại chờ đèn xanh đèn đỏ, vừa chạy vừa lách người đi  bộ dọc vỉa hè không thích, thêm màn chạy cùng với xe cộ các phía hít ngửi khói xe thì không đau đầu gối cũng tan nát buồng phổi. Chịu khó lái năm phút đến sát con kênh, tha hồ mà sải bước, không sợ xe trằn. Chạy xong về lại office lại một màn thay quần áo nữa. Lần này lâu hơn vì phải lau sạch mồ hôi trên mặt rồi khắp người. Office của tôi không có buồng tắm vì sợ thiên hạ lợi dụng thay vì tắm táp ở nhà lại vào sở xối nước ào ào. Mà thật ra cái chính là sợ chuyện sexual harrashment, hãng không hơi đâu chuốc vạ vào thân. Lau xong chờ khô ráo lại phải make up lại một tí nếu không cái mặt cứ đỏ bừng bừng và nhất là tôi sợ mùi mồ hôi còn vương vãi. Thế cho nên mặc dù mang tiếng chỉ có một giờ ăn trưa, khi nào tôi cũng kéo thành một tiếng rưỡi. Không ai nói gì vì sau đó hay trước đó tôi làm trối chết theo kiểu “bù giờ”!

Tôi chọn quãng chạy từ cầu Main kéo qua cầu Landcaster. Chạy dọc theo con sông nên muốn băng ngang qua sông phải qua cầu. Mà cầu thì đâu phải chỗ nào cũng có. Từ chỗ đậu xe đến cây cầu đầu tiên chẵn chòi hai cây số. Đến lúc đó muốn quay lại thì cũng phải đổ mồ hôi trên từng cây số mà về. Qua cầu chạy tiếp cũng chỉ thêm một cây số cộng với lòng tự hào vì không bỏ cuộc. Lúc này Hamlet không  bảo gì vì logic rành rành ra đó rồi. Tôi còn chơi đòn tâm lý bằng cách lúc bắt đầu chạy, người ngợm sạch sẽ, sức lực đầy đủ, mặt mũi còn tươi tắn, chạy chiều song song với con đường có xe chạy kế bên, tài xế dừng xe chờ đèn đỏ hay bâng quơ nhìn ra đường chạy bộ, mình khi ấy trông cũng ra dáng dân “pro” lắm. Chiều bên kia một bên là con kênh, bên kia là cái park rộng rãi thường vắng  vẻ, không ai nhìn mình, người khi ấy đã dậm xong khoảng 3 cây số, mồ hôi mồ kê đầm đìa, mồm há hốc như cá ngão để thở, thiên hạ không phải ái ngại bảo nhau cái con nhỏ kia chạy gì mà lặc lè, lạch bạch như vịt vậy!

Con kênh Trinity River
Tôi vừa chạy vừa nghe nhạc, vừa thưởng thức cảnh quan. Sách bảo nghe nhạc sẽ làm cho tâm trí xao lãng chuyện nhức mỏi đầu gối, quên chuyện mệt thở không ra hơi, rồi kích thích hormone gì gì đó để quên luôn đường dài. Hai cái mục đầu thì sách nói đúng, cái mục quên đường dài thì chắc tác giả chưa bao giờ chạy 5 cây số mỗi ngày! Trước khi có cái wireless headset, tôi phải vừa chạy vừa chỉnh hai sợi dây cho khỏi tự siết cổ mình đến chết. Lúc này nhờ quà bà chị cho, văn minh tiến bộ nên không sợ nghẹt thở chết trước khi về đến đích nữa. Lựa nhạc để chạy với mình cũng khá quan trọng. Có lần tôi chọn Sarah Brightman giọng ca vàng Diva hát theo kiểu Opera, y như rằng tôi lết theo tiếng hát của bả. Sonata Moonlight của Beethoven cũng không khá hơn, ánh trăng giữa buổi trưa nắng gắt làm hai chân tôi tự động rã rời. Về sau cứ Taylor Swiff, nện chân theo Shake It Off có khác hẳn! Hay Roar với Katy Perry trống thúc sau lưng, đâm đầu chạy nhanh hơn. Để hôm nào tôi thử chạy với “Đường Làng Tôi” hay “Con Đường Xưa” xem như thế nào. Chắc chắn không có Chế Linh với Nhật Trường trong danh sách rồi, vì sẽ lê lết đến mùa quýt mới về được đến nơi. Nhưng có lần tôi phải ngừng chạy bất thình lình vì bài “Bông hồng cài áo” với tiếng hát Khánh Ly vang đột ngột trong tai!

Xe ở bên kia sông
Sau 3 cây số tôi bắt đầu thở hồng hộc, nhìn cây cầu nào bắc trên đầu cũng tự hỏi quay về nhé, quay về nhé. 100% sẽ chạy tiếp nhưng câu hỏi khi nào cũng bắt đầu ở đó. Qua cầu rồi thì tôi bắt đầu đặt ra những đích riêng để tự lôi mình đi tiếp. Đại khái như chạy đến gầm cầu 7th Street thì ngừng lại đi bộ nhé. Sau cầu 7th Street thì tự nhủ chạy đến gầm cầu Harrison thì nghỉ  đi  bộ một chút nhé. Khoảng 2 lần nghỉ như thế tôi sẽ về lại đến chỗ đậu xe. Nhưng phải nói thêm là khoảng giữa 7th Street với Harrison không lần nào mà không tự nhủ “Sao lại tự hành thân hành xác thế này hả trời?” Rồi tiếp theo đó “Thôi kệ bà nó đi, cho nó mập luôn đi” đó là nói đến cái bụng mỡ. Rồi thì là ngụy biện “Chiều nay đánh tennis, tại sao lại chạy cho mệt làm gì vậy nè? Mai có tennis nữa, dưỡng sức mà chơi chớ!” Kết thúc như đinh đóng cột “Thôi nghe, mai tui nhất định nghỉ xả hơi đó”. Cứ thế, tôi về đến xe, mồ hôi nhễ nhại, thở như kéo bễ. Không thể bỏ cuộc giữa đàng được vì xe đậu bên này sông, tôi bên kia sông. Đường tắt ngắn nhất là nhảy xuống bơi khoảng 50 mét.

Đến nơi!
Nói gì thì nói, về lại đến sở cái cảm giác mình đã làm được điều mình muốn làm khi nào cũng khích lệ tôi, cho tôi thêm chút dũng khí để ngày hôm sau xỏ chân vào giày đi chạy tiếp. Nhất là sau đó nếu có vui tay cho tọt một cục chocolat vào miệng, tôi không có cảm giác tội lỗi! Tôi không tơ tưởng đến half marathon hay là marathon gì cả. Mục đích tôi tự đặt ra cho mình không cao quá tầm tay để mà còn thực hiện được nữa chứ. Tự lôi mình ra chạy hàng ngày đối với tôi là cả một quyết tâm cao lắm lắm rồi. Thật ra không phải vì lý do sức khỏe mà vì tôi thích ra ngoài chạy hay đi  bộ dọc con kênh đào của Fort Worth. Bốn mùa nó có đủ bốn vẻ, từ lúc cỏ xanh mướt cho đến khi cỏ chết vàng vì lạnh, từ lúc nước lũ ồ ạt chảy về cho đến khi nó gần như cạn kiệt vì nóng nắng.  Nhất là cảnh quan mở tít tới tận chân trời, bao la và rộng khắp. Chạy với cỏ xanh và hoa dại, ai lại không thích? Chạy xong về lại hãng tự nhốt mình tiếp trong cái “chuồng” 4 mét vuông của mình tôi không cảm thấy bức bách và ngộp thở.

Dù rằng ngày hôm sau, trước khi nghỉ trưa khoảng một tiếng, Hamlet lại cất tiếng “Chạy hay không chạy?” Riêng ngày hôm nay thì Hamlet thêm vào “Dự đoán thời tiết bảo hôm nay có mưa giữa buổi trưa đó!”

Nhìn hình tôi chụp thì sẽ biết tôi có xem Hamlet ra cái củ khoai gì không!

Lan Hương

Fort Worth (03/24/2017)


Thursday, March 23, 2017

Thú tính


Maelbeek Metro
Ngày 22 tháng 3 năm 2016, 32 người ngã xuống vì khủng bố tấn công Bruxelles. Mùa hè tôi về lại sân ga Maelbeek. Tất nhiên máu đã được lau sạch, những vết đạn bắn đã được trám, tường sân metro được sơn quét lại, các mảnh vụn đã được dọn sạch sẽ. Có chăng hay chớ là những bức ký họa mới toanh trên tường. Hình các nạn nhân, những người một buổi sáng đi làm để rồi mãi mãi không bao giờ trở về nhà vào buổi chiều hôm đó. Vết thương tưởng đã lành thực sự không bao giờ khỏi. Những người hàng ngày đi xuống đi lên sân ga Maelbeek, họ nghĩ gì? Và những du khách đến Bruxelles đi ngang qua Metro Maelbeek phải chăng ai cũng có một câu hỏi không nói ra “Nó phải không?” Cái nơi chốn mà cả nước Bỉ sẽ không bao giờ quên ấy?

Cũng như cây cầu Westminster bên Luân Đôn ngày hôm qua.

Tôi đang ngồi đọc phỏng vấn của một vận động viên bóng rổ người Brazil, quốc tịch Bỉ, ông Sebastien Bellin, người có mặt không đúng nơi đúng chỗ rạng sáng ngày 22 tháng 3 năm 2016 ở Zaventem. Hậu quả ông phải mất cả năm trời tập đi tập đứng sau khi mổ tới mổ lui và chưa nói gì đến chuyện nhảy lên đập bóng vào rổ. Ông nói những đêm mộng mị ông thấy mình vẫn có thể nhảy với tay đến tận khung bóng rổ, đôi chân nhún nhảy bình thường như trước ngày 22 tháng 3 và cảm giác đó thật tuyệt vời. Tỉnh dậy ông nhìn đôi chân thấy buồn nhưng tập tễnh đi được là đã hơn hẳn 32 người vĩnh viễn nằm xuống.

Tôi đang xem hình ảnh bà Nidhi Chaphekar, người năm ngoái máu me lẫn lộn với bụi bặm ngồi thẫn thờ trên ghế ở phi trường Zaventem, người bây giờ nước mắt không cầm được đã đến Bruxelles cùng chồng dự lễ kỷ niệm một năm Bruxelles Attack.

Tôi đang xem…thì thấy một dòng chữ chạy bên dưới màn hình “London Attack!” Bán tính bán nghi, tôi nghĩ chắc tác giả viết lộn từ Bruxelles sang London.  

T
London Attack
ôi sợ những cái tên thành phố đính kèm theo chữ “attack”. Những thành phố tôi đã đi qua, những thành phố tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Những thành phố với những con người rất giống nhau vì khi máu chảy, giọt máu nào cũng đỏ như nhau, những nỗi đau nào cũng buốt như nhau, những nước mắt nào cũng mặn như nhau và những mất mát nào cũng khó phai nhòa như nhau. Và tôi có thể nói thêm, ở những thành phố ấy, khi nào cũng có những mầm mống nổi loạn giống như nhau.

Cây cầu Westminster tôi đã đi qua dăm lần, chỉ có đứng trên nó mới thấy hết được tòa nhà Parliament vĩ đại của nước Anh, hay một góc thánh đường Westminter Abbey lẫn trong bóng lá cây du cổ thụ. Bên này cầu là tháp chuông Big Ben huyền thoại. Dòng sông Thames êm đềm chảy dưới chân cầu, và như đại lộ Promenade des Anglais ở Nice, cầu lúc nào cũng đông người, nhất là du khách.  

Chiều hôm qua, một chiếc xe Hyundai lái như điên càn qua khách bộ hành trên cầu, tông chết 2 người trước khi đâm đầu vào hàng rào. Hung thủ nhảy ra khỏi xe, chạy vào sân trước tòa Parliament đâm chết một viên cảnh sát. Hắn bị hạ gục bởi những viên cảnh sát khác. Diễn biến từng giờ  từng phút, địa điểm từng nơi từng chốn lan tràn khắp trên internet. Ba người ngã xuống, trong đó có một người từ Mỹ sang London với vợ kỷ niệm 25 năm đám cưới. Vợ ông ấy bị thương nặng chưa tỉnh dậy để biết rằng chồng mình đã không còn trên cõi đời. Trong số những nạn nhân phải đưa cấp tốc vào nhà thương, có đám trẻ em từ Pháp sang chơi. Năm nào Bruxelles rộn rã hồi còi, năm nay London bấn loạn vì còi xe cứu thương.
Nice Attack

Bây giờ không nổ bom nữa mà là xe cán thẳng lên người đi bộ. Như ở Nice mùa hè 2016, như ở hội chợ Giáng Sinh mùa đông 2016 ở Berlin. Khách bộ hành bỗng dưng đâm ra hoang mang, phải đi ở đâu chốn nào mới tránh được đại họa khủng bố điên khùng?

Thiên hạ bảo nhau “Lại khủng bố!” Tháp Eiffel hôm qua tắt đèn kỷ niệm, building cao nhất ở Dallas hôm qua in màu cờ nước Anh. Tôi sợ phải nhìn thấy tháp Eiffel tắt đèn, tôi sợ phải nhìn thấy cổng thành Brandenburg Gate ở Berlin in hình cờ quốc gia bị nạn để tưởng niệm những người không bao giờ quay về lại nhà mình. Tôi thật sự sợ. Bởi vì chẳng có gì hay ho khi màu cờ quốc gia chiếu sáng trên Brandenburg Gate, Grand Place, Eiffel…Điều đó chỉ có nghĩa là Attack, có nghĩa là những người phải chết vì một chính nghĩa của ai đó.  

Một kẻ cuồng tín ra tay giết những người vô tư lự đi trên cầu, mắt còn đang dán chặt vào cảnh quan nổi tiếng của Luân Đôn. Một kẻ cuồng tín khác lái xe tải cán thẳng vào đám đông ung dung tận hưởng ánh nắng mặt trời mùa hè ở Nice, đầy phấn khích với biển với nắng ấm Địa Trung Hải. Một kẻ nữa tông thẳng vào đám người hân hoan đi hội chợ Giáng Sinh mùa đông lạnh giá, cướp đi sinh mạng của những người chưa kịp lựa chọn mua quà cho người thân hay cho chính mình. Một đám cuồng tín khác nổ bom vào đám đông vội vã đi đến sở một buổi sáng mùa xuân ở Bruxelles hay những người xếp hàng chờ lên máy bay cho một chuyến đi xa. Rồi kẻ cuồng tín khác xả súng vào những người vui chơi nhảy nhót một tối thứ bảy trong câu lạc bộ ở Florida.

Berlin Attack
Buổi tối tôi tình cờ ngồi xem bộ phim Patriots Day, nói về Boston Marathon năm 2013. Ba người chết, vô số người bị thương. Điều làm tôi đau lòng nhất là những vận động viên sống sót bị cưa chân, một chân, hai chân, những người đã dong duổi trên con đường chạy marathon, chạy mà không biết rằng quả bom đang chờ họ để kết thúc sự nghiệp chạy việt dã của họ. Bây giờ họ quay lại chạy khập khiễng trên đôi chân giả, rồi cũng tới đích, cùng với mồ hôi là những cay đắng khôn tả. Điều làm tôi đau lòng nhất là em bé 8 tuổi nằm chết trên đường, xác em không được di chuyển cho đến khi chiều muộn, vì mọi vết tích phải để y nguyên cho cuộc điều tra. Điều làm tôi đau lòng nhất là hình ảnh những đôi giày chạy bộ được treo lên hàng rào để tưởng nhớ nạn nhân. Những đôi giày chạy bộ, phải chăng họ chỉ là những con người rất đỗi bình thường, sống rất đỗi bình thường, như mọi người trong chúng ta?

Những cá nhân làm nổ tung bom ở đích đến của một cuộc chạy đua, ở trong câu lạc bộ đông người, trong hầm metro, trong phi trường, những cá nhân vô cảm lái xe trằn lên đám đông tản bộ trên vỉa hè, lạnh lùng xả súng vào đám đông vô tội không trang bị vũ khí, cá nhân đó, dù nhân danh bất cứ lý tưởng nào, theo bất cứ chính nghĩa nào, theo tôi chỉ là những con người tràn đầy thú tính mà thôi.

Xin chia buồn với tất cả nạn nhân ở London.

Lan Hương

Fort Worth 03/22/2017

Brandenburg Gate yesterday

Friday, March 10, 2017

Khi xuân vào nhà


Nó bắt đầu bằng một vệt màu trắng mờ mờ cuối vườn. Một sáng sớm thức dậy chuẩn bị đi làm, tình cờ nhìn về phía hai bụi hồng gai đang xơ xác vì mùa đông, chợt thấy lác đác những đốm trắng, tự nhủ không biết cái gì từ vườn hàng xóm bay sang bám lên đám cỏ chết khô này. Rồi cả ngày bận rộn quên béng cái màu trắng và nghi vấn về láng giềng. Buổi chiều đi vòng quanh hồ bơi dọn dẹp lá chết, nhớ tới màu trắng và nhìn về cuối vườn. Rồi lặng đi. Hoa mai trắng đang nở!

Tên tiếng Mỹ của nó là Quince, tôi chưa từng gặp nó ở Dalat hay bên Bỉ. Nó có hai màu trắng và hồng. Ở tiệm cây cảnh Việt Nam, nó được âu yếm gọi bằng mai hồng hay mai trắng. Mỗi khi đến độ Tết về, dân tha hương tìm cành tìm hoa của nó đem vào nhà thay thế những cánh mai vàng hay mai hồng đi vào ký ức thuở nào. Của đáng tội, nó ít khi nở đúng vào dịp Tết cho dân xa xứ khỏi chạnh lòng. Mà thường vào sau Tết, nó mới rộ lên dọc theo hàng rào, cuối sân. Dân tha hương vẫn hân hoan đón chào nó. Có còn hơn không ấy mà.

Nó mọc dại, hoặc được bán trong chậu cho những khu vườn cấm tiệt không được mọc dại cái gì. Nó không thuộc loại cây một thân vươn thẳng lên trời mà là dạng bụi rậm. Cành của nó mọc vô tổ chức lắm, đâm ngang đâm dọc, nếu không tỉa tót thì nó chĩa thẳng qua hàng rào hàng xóm, nếu không cắt cành thì nó nghiễm nhiên vươn lên trời cao hơn đầu! Và đầy gai. Đừng tưởng chỉ hoa hồng mới có gai, nó có gai trong từng kẽ lá. Thiên hạ không biết, tưởng nó hiền lành, vội vàng cầm lấy một cành mai mà chụp thì thay vì cười lại la oai oái. Tôi cắt vài cành đem vào nhà cắm trong cái tô màu đỏ. Thằng con đứng nhìn bảo có hơi hướng Nhật. Hoa đem vào nhà chóng tàn hơn hoa ngoài vườn. Nhưng mưa suốt mấy ngày, chẳng lẽ tôi che dù đứng ngắm hoa?

Nó đấy, bông hoa mai dại mong manh của dân tha hương xứ Mỹ.

Rồi một sớm mai thức dậy, lại thấy một vệt trắng khác cuối vườn. Lần này là từ cây mận, tên mỹ miều là Plum Rosa. Ra trái được đúng một mùa, trái khá ngọt. Những năm tiếp theo, các trận gió lộng thổi ngang vườn cuốn sạch cả hoa lẫn trái, chủ nhân mong ngóng mỏi mắt chẳng thấy gì có gì ăn được đành ra chợ mua về ăn cho nhanh. Không trái nhưng hoa năm nào cũng nở, làm cái hàng rào màu nâu bạc phếch sau lưng nó đâm ra đỡ buồn tẻ, làm cho tôi có cớ ra vườn sau những hôm trời lạnh, chỉ để ngắm nhìn những bông hoa bé tí, chi chít đầy cành. Và một sáng trời xanh biếc, nhìn màu trắng của nó nhớ đến những cây mận chua loét ở Thái Phiên. Màu trời liên tưởng đến nắng Dalat, màu trắng nối kết với hàng mận sau vườn nhà Bác Chính. Ôi ký ức!

Nó lưu lạc đến cuối vườn nhà tôi từ một người bạn. Bạn mua về chưa kịp trồng nó xuống đất thì bán nhà, dọn nhà. Nhìn cái chậu to đùng bạn hỏi tôi thôi mang về trồng nhé nếu không bạn đành vứt lại. Tôi không nỡ nhìn cành cây gầy đét lay lắt trong chậu nhựa bèn mang về đào lỗ trồng cuối sân. Không trái nhưng tháng ba nào nó cũng nở hoa cho tôi nhìn. Tháng ba nào nó cũng là một tín hiệu báo mùa xuân tới. Tháng ba nào nó cũng hân hoan nở hoa khi trời còn se lạnh và gió chưa về. Tháng ba nào nó cũng hỉ hả bung màu trắng tinh khiết lên nền trời xanh và cao của Texas những tháng đầu năm. Tháng ba nào nó cũng hân hoan gọi ong đến. Vo ve suốt ngày. Rồi một trận gió to suốt đêm, hôm sau tôi chỉ còn thấy những cánh hoa rơi đầy hồ bơi. Nó bây giờ lá xanh xum xuê chẳng còn hoa. Tôi sẽ chờ nó năm tới để thấy một vầng sáng trong khu vườn hãy còn hơi hướm mùa đông của tôi. Tôi sẽ chờ nó gọi mùa xuân tới.

Nó đấy, cây mận ăn trái để nhớ đến vườn Thái Phiên thời thơ ấu.   

Rồi một hôm lùi xe ra khỏi garage đi làm, chợt thấy vài vệt trăng trắng nơi kính chiếu hậu. Nhìn quanh quất thấy cây mận dại trước nhà lốm đốm những nụ. Chiều về hân hoan ra tận gốc ngước mắt lên trời và hồi hộp chờ. Ba ngày sau cả cây mận bung hoa trắng rợp góc trời. Hàng xóm đi qua bảo cây này đẹp thật, hàng xóm đi về bảo ô hoa nở rồi này. Tôi đứng dưới gốc cây lúc 7 giờ sáng cầm máy hình lom lom nhìn những cánh hoa qua ống kính, qua mắt thường thấy màu trắng rất đỗi tinh khôi cho một ngày tinh khôi. Tôi nhìn nó từ cửa trước rồi từ các khung cửa sổ trên lầu. Bắt thằng con nhìn, bắt ông chồng nhìn. Bởi vì dáng nó quá hoàn hảo. Xoe tròn, cân đối, nở đều tứ phía.  

Nó là cây mận dại, vì hoang dã nên mới chịu nổi nền đất sét xứ Texas. Sau khi đã trồng từ Dogwood đến Red Bud thất bại, vì nắng nóng, vì gió cành dòn nên gẫy ngang thân, tôi chọn nó, cây mận dại vững vàng. Nó lớn từng ngày, thoạt đầu chỉ nhỉnh hơn đầu tôi, bây giờ tôi phải bắc thang mới tỉa cành cho nó được. Mới đầu tôi rón rén cắt những cành nhỏ xòe thấp gần đất, bây giờ tôi phải dùng cưa để cưa những cành to hơn cho nó khỏi che mất nắng đám cỏ mọc dưới chân. Hoa của nó có mùi thơm nồng, đứng dưới gốc cây vào một ngày trời đẹp, gió nhè nhẹ, hít mùi hương của nó thấy xuân đã về. Buổi chiều chạng vạng dẫn chó đi bộ về, tôi thường ngắm nó từ phía bên kia đường, một mảng trắng nổi bật trên bầu trời xám tím chiều tà, rực rỡ nhưng lại vô cùng đơn sơ. Gió lặng hoa còn, nó như thế đến cả ba tuần mới bắt đầu úa vàng, rụng đi, rồi chồi xanh thay thế cho màu trắng của hoa. Nhìn cánh hoa tàn, tôi phải thốt lên “Thôi thế là xong”. Một năm nữa tôi sẽ gặp lại màu trắng của nó, của những cánh hoa gợi nhớ cây mai nhà Bác Hiện thời thơ ấu. Khi những cánh hoa theo gió rụng rơi, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến những cánh hoa mai hồng sân nhà số 7 năm nào. Tôi chỉ tiếc tại sao ngày ấy tôi không ngắm nhìn cây mai kỹ hơn để nó ở lại lâu hơn trong ký ức của tôi.

Nó đấy, cây mận dại vô cùng hiên ngang của tôi.

Mùa xuân tiếp tục gõ cửa nhà. Bằng bụi cây hoa mai màu hồng trồng trước khung cửa sổ. Nó có nhiều cánh, màu từ trắng sang hồng đậm. Cả năm trời nó lặng lẽ khoe những cánh lá màu xanh,nhìn chẳng có gì đặc biệt, chỉ là một bụi cây. Đến tháng ba, nó lặng lẽ cho ra những bông hoa bằng cúc áo màu trắng phơn phớt hồng, chi chít suốt cả cành. Tôi cuối xuống sát với nó ráng tìm một mùi hương nhưng không thấy. Nhìn kỹ nó gần giống một bông hoa hồng thu nhỏ hơn là một bông mai năm cánh. Nhưng tôi không chỉ nói về mai với mận, tôi nói đến những bông hoa đến vườn tôi mỗi độ xuân về. Và nó là một trong số đó. Khi mua về trồng, tôi không nghĩ nó sống qua nổi mùa hè tóe lửa ở đây. Thế mà nó đã ở với tôi được bốn năm rồi. Năm này sang năm khác, nó nở hoa, mọi người nhìn hỏi hoa gì vậy, chưa bao giờ thấy. Tôi có nó đã lâu, quên béng cả tên, chỉ biết nó ở đó, rất lặng lẽ, chịu đựng những hôm nóng đến cả trăm độ một cách can đảm, chịu đựng những hôm tuyết phủ đầy một cách can đảm không kém. Để rồi mỗi khi xuân về, nó nở hoa. Không tưng bừng nhưng là những đốm hồng mang mùa xuân tới. Chỉ là những đốm nhỏ nhưng đủ làm lòng tôi xôn xao. Sáng nay đi làm, nó vẫn còn nở và chờ tôi chiều về lại gặp nó với những bông hoa bé xíu mà tôi quên tên.   

Nó đấy, bụi cây mai bé nhỏ can cường của tôi.


Mùa xuân đầu tiên đến Bỉ, tôi nhớ cả nhà lặng đi nhìn những bụi cây mai vàng mọc dại dọc theo xa lộ. Những bông hoa vàng gợi nhớ đến Tết, đến một phần của xứ sở đã bỏ lại sau lưng. Sau đó mỗi độ xuân về, nhà tôi cắm những bông hoa này thay thế cho bình mai hồng chưng trong phòng khách nhà số 7. Và lấy làm tạm đủ. Sang đến Mỹ, tôi lạc nó mất mấy năm, có ý đi tìm lại nhưng không thấy. Xuống đến Texas, tôi lại càng tuyệt vọng đi tìm nó hơn rồi từ bỏ luôn. Tết năm nào lên chùa tôi hoang mang thấy nó được bày trên bàn thờ Phật. Tôi vừa lạy Phật vừa nhìn nó, thay vì nhìn Phật từ bi. Xong lễ tôi rón rén đến gần để xem hoa thật hay giả, len lén đưa tay bấm lên lá để bảo đảm không có cảm giác lụa là hay ny lông. Tôi đã đến tiệm cây cảnh của người Việt ở đây mấy lần nhưng không thấy cho nên cho rằng nó không thể nào sống được ở cái xứ Texas đất sét này. Và rồi bùm, nó ở đây, trên bàn thờ Phật trong ngôi chùa Việt ở FortWorth. Tôi mở chiến dịch săn lùng nó. Từ tiệm bán cây này sang tiệm bán cây khác. Khi thì không thấy khi thì đầy ra. Nó ở trong chậu nhựa, 12.00 một chậu. Quá rẻ so với công lao tôi đi tìm nó.  Tôi hân hoan đem về trồng bên hồ cá. Đã qua mùa xuân khá lâu, tôi chỉ thấy lá với cành không biết liệu nó có sống nổi để cho tôi xem những cánh hoa vàng tươi của nó hay không. Mùa hè, tôi tưới nước cho nó nhiều hơn hết thảy mọi cây khác, thông cảm nó thuộc dạng cây xứ lạnh, đến Texas thì chỉ có đổ mồ hôi. Mùa đông nó rụng lá, trơ cành. Tôi hàng ngày thăm nó sống chết ra sao bằng cách cào nhẹ vào thân cây xem màu xanh có còn hay không. Năm đầu tiên, tôi hồi hộp chờ nó nở hoa. Chờ mãi không thấy gì nên quên béng. Cho đến một hôm tôi mở cửa ra sân sau thấy vàng một góc hồ cá mới nhớ đến nó. Tất cả cây cối nhà tôi sống sót đến giờ phút này đều thuộc loại can trường. Nó là một trong số đó. Khí hậu Fort Worth không được như Dalat nên cây cối ra màu xanh là vui lắm, có hoa là cả một hạnh phúc. Những bông hoa mong mỏi bấy lâu nay là những gì còn hơn cả hạnh phúc. Tôi không chia xẻ điều này với ai được vì không ai hiểu tại sao tôi có thể vui sướng đến thế khi nhìn thấy những bông hoa vàng soi bóng bên hồ cá của mình.

Nó vững vàng cao lớn hàng ngày. Mùa xuân thời tiết mát mẻ, nó mạnh dạn đâm chồi nảy lá, mọc cành. Rồi đến lúc tôi phải cắt bớt cành của nó đi nếu không nó sẽ chọc thẳng vào người cắt cỏ, ý là chồng tôi, nếu léng phéng đến gần. Tôi không muốn nó bị đào gốc vứt bỏ nên gắng tỉa tót nó hết sức cho nó khỏi làm phiền người khác. Nó chiều theo ý tôi, nở cả hoa ở những chỗ cành bị cắt gọn. Hoa không mùi nhưng tôi nào có nề hà gì. Màu vàng của nó thắp sáng một góc vườn những khi sáng sớm thức dậy, trời đất còn tờ mờ trong màn sương mù nhè nhẹ. Màu vàng của nó rực rỡ khi nắng lên cao rồi đằm thắm khi hoàng hôn buông xuống. Cả nhà không hiểu tại sao tôi cứ lảng vảng quanh nó. Chỉ vì nó gợi nhớ đến những tháng năm đầu tiên tha hương xứ người, vịn vào màu vàng của nó để qua những năm tháng đầu tiên trong đời không Tết, không pháo, không mai hồng.

Nó đấy, cây mai vàng xa xứ của cả nhà bên Bỉ.

Và như thế, mùa xuân đã vào nhà tôi.

Lan Hương

Fort Worth 03/10/2016