Pages

Thursday, February 26, 2015

Một ngày thong thả


Đúng 6 giờ sáng, điện thoại báo thức của cô rung bần bật với bài C’est bon la vie của Nana Mouskouri:
Douc'ment me bouscule pas
Laisse-moi prolonger l'aube
Et chanter n'importe quoi
Vive la vie
Que c'est bon la vie
lalalala la la la c'est bon la vie
lalalala la la la c'est bon la vie”


Giá như mọi ngày khác cô phải nhảy bổ ra khỏi giường rồi mắt nhắm mắt mở quờ quạng đi vào phòng tắm, riêng sáng nay cô thong thả với tay tắt bài nhạc báo thức, rồi nằm yên nghe ngóng. Buổi sáng cực kỳ yên tĩnh, tuyệt không một tiếng động nào ngoài đường. Thường ngày ấy à, giờ này tiếng xe cộ đã bắt đầu ì ầm ngoài đầu ngõ. Hôm nay thậm chí lại còn chẳng nghe thấy tiếng chim hót, tiếng chó sủa gì cả, chỉ có tiếng mưa đá đập rào rào vào khung cửa kính mà thôi. Tivi với lại radio với lại Facebook cả mấy ngày nay ra rả báo tin trận bão tuyết sẽ đổ bộ vào vùng Fort Worth ngày hôm nay, bắt đầu là màn mưa đá trước, rồi tuyết sẽ đến sau. Nhiệt độ tiếp tục tuột dần xuống dưới mức đóng băng từ tối hôm qua. Từng hạt mưa kết thành những tinh thể trắng tinh nhỏ xíu rơi xuống nằm yên ấm trên đường, trên hè phố, trên mái nhà. Nhìn thì vô hại, nhưng nếu bước lên chúng thì sẽ biết tay nhau ngay! Đường xá trơn láng, mà đường trơn có nghĩa là xe cộ sẽ quay mòng mòng trên đó, mà xe cộ đi cứ như người say rượu thế kia thì nếu không có việc gì gấp gáp, xin các ông các bà ở yên trong nhà giùm, cảnh sát giao thông đã nói chắc nịch như thế rồi còn gì. Chưa kể tối hôm qua nguyên một danh sách hơn 700 học khu đóng cửa đã được chiếu chạy  không dứt trên tivi, nhà trường còn cẩn thận hơn gởi email cho quý vị phụ huynh, thông báo trường đóng cửa, con em quý vị cứ ở nhà mà ngủ nướng. Lũ học trò hò reo sung sướng hết mức, khỏi phải lo đối phó làm test với lại bài tập. Riêng bản thân cô cũng chẳng việc gì mà phải tích cực đi làm lấy điểm. Việc sở không làm một ngày chẳng chết ai, cô không dại mà lái xe đi trên đường trơn bóng láng như thế này để rồi ngồi bứt tóc vật lộn với mớ programs rối như canh hẹ kia.

Thế là cô nằm tiếp trên giường, tai lơ mơ nghe tiếng mưa đá tiếp tục gõ tí tách ngoài khung cửa. Đúng 15 phút sau, hai con chó cào cửa xin ra sân. Cái khoản này thì không thể nào lần khân được, cô bấm bụng bò ra khỏi  chăn ấm nệm êm, xuống nhà mở cửa sau. Không khí lạnh buốt táp vào mặt làm cô tỉnh cả người. Sân sau đã trắng xóa bởi hành triệu triệu những hạt mưa đá nhỏ li ti. Cô lấy chân di di trên bậc thềm cửa. Cũng khá trơn, nhưng nếu đi đứng cẩn thận thì không đến nỗi ngã vỡ mặt. Cái hồ cá đã đóng một lớp băng mỏng trên mặt. Hôm qua cô quên nhắc ông chồng bỏ cái sưởi vào hồ, nếu làm thế mặt hồ không bị đóng băng kín bưng, không khí mới có chỗ vào cho cá thở. Hai con chó xong việc vội vàng nhào lại vào nhà, sủa ầm lên vì lạnh. Cô liếc đồng hồ, chưa đến bảy giờ, quyết định lên lầu nằm nướng tiếp.

Vừa đặt lưng xuống giường, cô chợt nhớ cái đống quần áo mới giặt tối hôm qua, bây giờ mà không cho vào máy sấy thì nó sẽ hôi ình lên, phí công giặt với lại xà phòng với lại điện. Thôi đành bò ra khỏi giường lần nữa vậy. Bỏ quần áo vào, bấm máy sấy chạy xong, cô tiện tay mở cái tủ lạnh, lôi con gà đang trong tình trạng đông đá hoàn toàn ra. Phải rã đá bây giờ thì đến trưa mới ướp nó mà nướng lên được. Còn nồi canh ăn dư tối hôm qua chưa cất, nhân tiện cái tủ lạnh đang mở, cô nhét cái nồi vào. Nhưng làm gì có chuyện dễ như thế. Muốn bỏ nồi vào thì phải chịu khó sắp xếp một tí mới có chỗ. Đánh vật với mấy mớ hộp đồ ăn dư ngày Tết, cuối cùng nồi canh cũng được yên vị. Hai con chó lại vẫy đuôi rối rít, quấn lấy chân cô xin ăn sáng. Lấy đồ ăn cho chúng xong, cô thấy bình nước uống ở góc nhà đã cạn sạch, cô lôi bình ra cọ rửa rồi châm nước mới vào. Đi ngang hồ cá, khoảng chục con mắt ăn xin khác nhìn cô chằm chằm, không cầm lòng, cô bật đèn cho cá ăn. Trên nắp hồ cá, bình hoa cắm ngày Tết nước cạn còn một nửa. Cô đi lấy nước cho hoa. Mà đâu phải chỉ có một bình? Sau ngày Valentine, hoa hạ giá 50%, gặp trúng ngay dịp Tết nữa, nên cô có khoảng một chục bình hoa lớn nhỏ khắp nhà, chưa kể  cả đống những chậu hoa lan đang trổ mầm hoa mơn mởn. Sau màn tưới cây, cô chợt thấy thèm một bình trà nóng. Trà uống suông cũng chán, thôi nướng một cái bánh croissant cho đỡ buồn miệng. Cô quên mất tiêu là mình đã dự định quay lại giường nằm cho đến 9,10 giờ sáng. Đến khi nhớ ra thì hai con mắt đã ráo hoảnh, bụng cũng đã lưng lửng, thôi quyết định thức dậy luôn cho rồi còn nướng qua nướng về vào cái chỗ nào được nữa?
Đồng hồ thong thả buông 8 tiếng. Bình thường giờ này cô đã yên vị trước cái máy tính,vừa đọc tin tức trên internet, vừa chạy dăm cái programs, rồi nhảy vào facebook chớp nhoáng, đảo qua email trên sở, lội vào email trên Yahoo, lướt qua email trên Google. Bận vô cùng. Riêng sáng nay cô rút điện thoại ra, gởi cho boss một tin nhắn “Đường trơn láng bóng khắp nơi, không cách nào ra khỏi nhà. Tôi ở nhà nhé. Gặp lại vào ngày mai”. Boss trả lời ngay lập tức “Ừ, tôi cũng không đi làm được. Ngày mai gặp”. Thế là xong việc sở cho ngày hôm nay. Cô vừa nhâm nhi trà vừa nghĩ xem mình sẽ làm gì cho một ngày nghỉ bất ngờ này. Cô quyết định tặng cho mình một ngày thong thả, không đi đâu mà vội, mà thật ra có vội cũng không xong vì đường đang trơn láng thế kia. Cô hay uống trà trước khi đi làm, nhưng thường thì cô ra khỏi nhà khi tách trà vẫn còn nghi ngút khói, cô không có thời giờ uống cho hết. Hôm nay cô ngồi nhẩn nha nhìn những hạt mưa đá nhảy nhót trên mặt hồ cá đông đá, nhìn mái nhà hàng xóm lơ lửng vài cuộn khói, nhìn dăm cánh chim lạc lõng trên bầu trời xám xịt…Đường phố vẫn vắng lặng, không xe chạy, không bóng người qua lại. Màu trắng của mưa đá vẫn tinh nguyên.

Ngồi đến chín giờ sáng, hai con chó ai oán nhìn cô rồi thở vắn than dài. Cô cũng thở dài. Cô không quen ngồi một chỗ mà chẳng làm gì. Đọc sách nãy giờ mắt cũng bắt đầu mỏi rồi. Cô quyết định dẫn hai con chó đi ra park. Đeo găng tay, đội mũ len, quấn khăn quàng, mặc quần ski áo ski cho ấm, xỏ đôi giày snow boots cho chắc. Sau đó cô tiếc không đeo cái kính đi ski luôn một thể, mưa đá rơi quất vào mặt khá là đau, không có kính che chắn, đi cứ phải cúi gằm đầu xuống, chẳng thấy gì ngoài mũi đôi giày snow boots của chính mình với lại màu trắng xóa của tuyết trộn đá. Với từng đó thứ trên người, cô khệnh khạng mở cửa chính. Hai con chó phóng vút ra ngoài. Cô dẫn chúng qua phía bên kia đường, để cho chúng tha hồ chạy. Con Max chợt thấy một con sóc nhảy tưng tưng dưới đất, thế là nó cắm đầu cắm cổ rượt. Buster hớt hơ hớt hải chạy theo. Hai con chó dí đuổi con sóc trèo lên cây, ngồi cheo leo chót vót trên cành. Cô đã đi khá xa mà hai con chó vẫn lẩn quẩn dưới gốc cây sủa nhặng lên với hy vọng con sóc mỏi tay mỏi chân tự rơi xuống đất nạp mạng. Mười giờ sáng, giọng cô cao vút lảnh lót khắp xóm gọi chó. Cô chẳng ngại hàng xóm phiền. Nhìn đường phố lặng câm thế này, bảo đảm ai nấy còn quấn mền ngủ kỹ, chẳng mấy người dại dột như cô ra đường vào tiết trời đông giá lạnh căm như thế này. Chuyến đi bộ kéo dài hơn thường lệ vì các lối đi ngoài park đóng băng, cô không dám đi nhanh đi mạnh trên đó, sợ trượt chân. Cô phải gìn giữ đôi chân mình cho tennis, cho chạy bộ, cho đạp xe đạp cho nên cẩn tắc vô áy náy. Hơn nữa, với từng đó bộ đồ trên người, cô di chuyển khá giống một con chim cánh cụt lạch bạch hơn là một người nhàn nhã đi dạo. Ngoài park đã có dăm đứa trẻ háo hức với tuyết với đá, vác những cái nắp thùng rác ra ngồi trượt lấy trượt để ở bờ cỏ rồi.
Về nhà lúc 11 giờ, cô thảng thốt, ôi thôi, một ngày của mình sắp hết rồi! Giá mà đang ngồi ở sở, cô sẽ nghĩ khác “Mới có 11 giờ sáng thôi sao? Bao giờ cho đến năm giờ chiều đây hả trời?” Cô nhìn sơ qua tủ lạnh. Có dư đồ ăn cho bữa trưa, cô không cần nấu nướng gì cả, bớt đi một việc phải làm. Này nhé, nửa tô phở thằng con lớn ăn không hết để lại, nửa hộp cơm thịt nướng thằng nhỏ ăn cũng không hết, hôm nay bắt nó ăn tiếp, một hạt gạo là một hạt ngọc, thằng con biết rành rẽ câu châm ngôn này mà, nửa cái bánh chưng chiên cách đây hai ngày, nếu không ăn sẽ khô quắt lại và sẽ kết thúc trong thùng rác mất thôi. Nhưng chết thật! Đống quần áo cần phải ủi nằm trong thùng hơn 3 tuần rồi, bây giờ mà không ủi thì bao giờ mới làm được đây? Thế là cô lôi bàn ủi, soạn móc áo, tìm bình xịt nước. Vừa ủi cô vừa nhìn ra cửa sổ canh chừng những trận mưa đá rơi rào rào. Tivi vẫn tiếp tục chiếu cảnh xe cộ trượt tới trượt lui trên xa lộ. Có cả nguyên một chiếc xe tải nằm vắt vẻo trên thành cầu mới kinh chứ. Thông báo của cảnh sát giao thông xem ra không phải ai cũng ngán!  Xong công việc ủi đồ này cô không dám nhìn đồng hồ, bởi biết rằng thế là buổi sáng đã trôi qua cái vèo.

Sau bữa trưa, cô quyết định đình công, không làm gì hết ngoài chuyện đi luyện tiếp bộ phim dài nhiều tập của Tây Ban Nha, Grand Hotel. Đang đến hồi thứ 9, lúc nhân vật mà ai cũng nghĩ là đã chết tan xác từ lâu thì bỗng nhiên xuất hiện ngoài rừng, mặt mày tươi rói! Sau hồi 9, đến hồi 10, phải làm tiếp hồi 11 luôn vì chuyện đang hồi gay cấn, mọi tình tiết cứ rối tung rối mù lên. Nhất là bức thư bí mật thay vì được khóa trong két sắt để trong nhà băng cho chắc thì cứ được đút nhét không ở dưới đáy hộp, thì lại ở trong ngăn tủ bí mật, bí mật đâu không thấy, hễ ai động đến thì ngăn bí mật tự bật tung ra, vì thế bức thư cứ đi hết từ tay người này sang tay người khác, sốt cả ruột. Sau 3 hồi thì cô thấy đầu óc váng vất, cảm thấy quá đủ với mọi loại tình tiết, hình ảnh và bắt đầu nói “perfecto” thay vì “perfect”! Cô phục lăn mấy bà chị bà em bên nhà chồng, họ chuyên trị phim bộ Hàn Quốc hay phim Tàu cả mấy chục tập trong một ngày, nhịn ăn nhịn uống, nhịn ngủ để coi thâu đêm. Sáng hôm sau mắt mũi lừ đừ, đi đứng như zombie, chỉ còn thiếu nước nói tiếng Hàn hay tiếng Tàu nữa mà thôi. Cô thì xin chịu. Phải ngừng lại để còn suy ngẫm những gì mình đã xem nữa chứ.
Cô dứt ra khỏi khung cảnh tráng lệ của Grand Hotel để nhớ đến con gà đã ướp hồi trưa. Phải đem nó nướng lên thì ngày mai mới có bữa ăn tối. Còn phải soạn đồ ăn trưa mai đi làm nữa. Đồ ăn Tết còn dư phải xem cái nào ăn trước cái nào ăn sau. Đã đóng một mớ cho thằng con mang lên trường ăn dần, nhưng vẫn còn đầy trong tủ. Đó là hậu quả của việc 2 ngày nghỉ phép ở nhà cô ra sức nấu cúng ông bà từ Giao thừa, đến mùng một, sang mùng hai, qua luôn mùng ba Tết. Ông bà năm nay được ăn Tết khá kỹ, chẳng bằng mọi năm sau bữa Giao thừa cô hết cả hơi, chẳng còn thì giờ làm được cái gì khác cả. Cô cũng phải cắm lại bình hoa. Hoa mua giá rẻ có khác, được đúng 4 ngày là bắt đầu rũ rượi, ngả lên gục xuống. Từ hai bình, cô phải lựa những cái hoa nào còn tươi đem cắm chung lại thành một bình, rồi từ bình lớn phải chuyển sang bình nhỏ. Đại loại thế.

Mưa đá đã tạnh từ lâu. Tuyết không rơi nhiều như dự đoán. Không khí khô lạnh và thoang thoảng mùi củi lửa nhà ai đang đốt. Cô bật đèn sân sau lò mò đi đổ rác. Xung quanh hồ  bơi đá bám dày cộm, trơn tuột. Cô vái trời mình đừng lỡ bước rớt thẳng xuống hồ bơi thì có mà chết cóng! Cô rất thích bơi nhưng nước lạnh thế này thì xin đầu hàng hai tay hai chân luôn. Trời bắt đầu tối dần. Đồng hồ mang từ Bỉ về gõ boong boong năm tiếng. Coi như một ngày làm việc của mình đã xong. Lúc nãy đọc email sở, cô biết có vài mống liều mạng đi làm, chắc hẳn là những ma mới, chưa biết ất giáp gì, còn đám ma cũ đã lặn mất tăm mất tích. Cô qua cái thời kỳ phải đi làm để lấy điểm từ lâu rồi. Cô đang ở trạng thái thích thì làm không thích thì thôi, chẳng cần quái gì. Đây là triệu chứng của những kẻ đang muốn nghỉ hưu quách, đến tuổi hay không đến tuổi cũng thế!
Sau bữa ăn tối, cô rửa ráy chén bát, dọn dẹp căn bếp, cho hai con chó ăn, lại cho thêm 4 cái hồ cá ăn. Rồi tắt đèn dưới nhà, đi lên lầu. Cô đã xem thời tiết cho ngày mai. Nhiệt độ chiều nay đã ấm lên một chút làm cho đường xá bắt đầu sạch sẽ lại. Các cơn mưa đá đã đi tới tiểu bang Alabama. Sẽ không có chuyện ở nhà thêm một ngày để mà luyện Grand Hotel nữa . Cô vào giường lúc 10 đêm, đọc sách đến khi mắt mỏi, tay mỏi, cuốn sách rơi phẹt xuống sàn. Sáng mai cô sẽ thức dậy, ra khỏi giường  vào cái lúc Nana Mouskouri hát câu “Laisse-moi prolonger l'aube” và nhào vào phòng tắm (thay vì rạng đông như lời bài hát), chứ không thể chờ cho đến khi bà ấy véo von “lalalala la la la c'est bon la vie” như sáng nay được.

Thế là xong một ngày thật thong thả của cô. Thứ Sáu này lại dự báo một cơn bão tuyết khác sẽ đổ bộ, may ra được thêm một ngày thong thả nữa chăng? Cô còn 20 tập của Grand Hotel cần đốt!
 
Fort Worth 02/23/15

 

 

Monday, February 23, 2015

Câu đôi Tết (Phan Đình Kiểm)


 
Ngày tư ngày Tết đem chén rượu cuộc cờ vui chơi bè bạn khách,
Năm mới năm me  mượn tờ tranh câu đối tô điểm nước non nhà.

Wednesday, February 18, 2015

Năm lại mới


Bồ thân mến,
Hôm thứ sáu vừa rồi tui phải chạy ra chợ Việt Nam mua  chai nước mắm. Theo công thức nấu ăn của mẹ chồng, kho cá không có nước mắm thì cá đi đàng cá, nước đi đàng nước, đường trôi theo ngả đường, miếng cá sẽ trôi lờ đờ trong màu nước nâu nhàn nhạt. Vừa bước vào cửa tiệm, lòng tui bỗng nhói lên một cái. Màu đỏ của các hộp mứt, hộp trà, màu vàng của những bông mai giả đập vào mắt tui. Tết đang đến, bồ ạ!

Tui nhìn quanh quất khắp chợ, chẳng có cuốn lịch hay bất cứ thông tin nào nói cho tui biết vậy chứ Tết năm nay là năm con gì. Tui rất đỗi hoang mang lái xe về lại sở, nghĩ bụng đành nhờ  Google tìm dùm. Thế mà trên đường về, một cái bảng quảng cáo to đùng bên cạnh xa lộ vẽ hình 2 cái đầu con dê màu vàng, trên nền đỏ rực, quảng cáo cho sòng bạc Win Stars bên Oklahoma. Nhân dịp xuân về, sòng bạc có chương trình đặc biệt cho quý vị tóc đen da vàng đón Chinese New Year với một giải thưởng là 89 ngàn đô la gì đó! Tui đọc không kỹ, đang lái xe mà đọc cho bằng hết thì xe sau sẽ tông đít xe tui mất. Ha, thì ra là năm con dê. Tui cũng chợt nhớ nhà tui năm nay không có cuốn lịch treo tường nào cả. Lịch in hình các cô mặc áo dài đứng ưỡn bụng thì tui xin đủ, bồ ạ. Cả ngày nhìn thấy người, từ trong nhà ra ngoài ngõ, không lý gì phải nhìn thêm người trên lịch. Ở đây họ có bán lịch Tam Tông Miếu. Không biết má bồ đã mua chưa, nếu không tui sẽ tặng cho một cuốn mua vui bởi vì tui xem lịch mà cười ngất. Nếu theo đúng lịch thì giờ này tui phải ngồi ở nhà, vì lịch in rõ ràng giấy trắng mực đen là “không nên xuất hành theo hướng Nam”, mà cái sở của tui thì ở hướng Nam chứ còn ở đâu được nữa hả trời? Và buổi trưa thì tui nhịn ăn luôn vì lịch bảo “kiêng cử ăn mặn lúc 12 giờ”. Tui mà kể cho Ba Má tui nghe, thế nào cũng bị nói là đồ vô thần. Mà các cụ nhà tui cũng đâu có tin gì hơn tui đâu nà, bồ biết rồi đó. 

Bánh chưng bên Bỉ
Nhà  bồ đã nổi lửa nấu bánh tét chưa? Ở đây tui được bạn bè đi nhà thờ mua bánh ủng hộ tặng cho nhà tui đến những bốn cái, ba tét một chưng. Bánh chưng, bánh tét nhà thờ nấu khá ngon, đầu bếp chính là một bà già cực kỳ khó tính và giấu nghề như ranh. Khi bà nêm nếm nhân đậu, đố mà ai lại gần mà học hỏi được gì. Khi nào bà chết, tui từ biệt luôn bánh tét nhà thờ. Bà này phải học hỏi như bà chị tui bên Bỉ. Bà chị tui bỏ công thức lên máy tính, cuối năm lôi ra đọc rồi cứ thế mà lau lá với nấu đậu. Bánh nấu ra năm nào như năm đó, theo công thức gia truyền. Tui cầu mong đừng có con virus nào nhảy vào máy của bà chị tui, nó mà ăn mất phần công thức là coi như bà ấy mất phương hướng!  Nhắc đến bánh chưng, tui chạnh lòng nhớ mấy chiếc bánh chưng con của tui khi tui còn nhỏ quá. Ngồi chầu chực cả buổi, đong đậu, đong nếp, với lấy lá với rót nước, tóm lại là chân sai vặt, cuối cùng được bà chị vét váy gói cho một chiếc bánh chưng con con. Tui phải buộc chỉ đánh dấu cẩn thận, nếu không, khi bánh chín, nó sẽ thành vật tế thần làm bánh ăn nếm!    bố biết rồi đó, bánh chưng nếm là ngon nhất. Rồi sau đó ba ngày Tết cả nhà không đụng đến bánh chưng vì ớn! Bồ có nhớ Tết năm nào cả đám kéo đến nhà tui không? Tui hào phóng mang bánh chưng ra đãi thì cả bọn nhao nhao lắc đầu quầy quậy, hỏi tui có cái gì khác ăn được không chứ bánh chưng thì xin đủ. Tui xuống bếp lục cơm nguội với thịt kho tàu đem ra, cả đám ăn vèo vèo, không khách khí gì. Mỗi dịp Tết về thế này, tui thường bồi hồi nhớ lại cảnh gói bánh chưng năm xưa. Chộn rộn mấy ngày từ lúc nhà tui sực nức mùi giang tươi, Ba tui bắt đầu mài mấy con dao, Má tui lo mua lá, mua đậu, rồi chị em tui xúm vào đãi đậu cả ngày cho đến khi nồi bánh sôi sùng sục sau hiên nhà. Tui nhớ dạo ông anh rể tui năm đầu tiên về ăn tết nhà vợ. Giữa sòng gói bánh chưng ông ấy nhảy vào gói bánh tét. Cả nhà nhìn ông hì hà hì hục cuốn lá buộc dây. Buổi chiều Ba tui về nhìn mấy đòn bánh tét của ông ấy, rất đỗi hoang mang  không biết xếp vào chỗ nào trong nồi bánh chưng. Tết năm sau không thấy ông ấy trổ tài nữa, nồi bánh tuyền một dạng hình vuông. Ba tui thở phào. Nhập gia tùy tục là vậy.

Nhà bồ rất giỏi trong việc sên mứt, làm bánh trái ăn Tết. Đến nhà bồ, khi nào cũng thấy một cái nồi gì đó sôi liu riu trên lửa. Thật trái ngược với nhà tui. Chừng đó bà con gái, bảo sên mứt dừa là dễ nhất mà bà nào bà nấy chạy làng. Má tui cũng chẳng khá gì trong khoản bánh mứt cho nên có phần làm lơ, không đốc thúc tụi tui phải trổ tài gia chánh. Có một năm bà chị tui học được món mứt quất. Khệ nệ vác quất từ Saigon về, sau đó hò la cả nhà xúm vào châm quất với lấy hột, rồi phơi nắng, phơi sương, rồi ngồi sên với nước đường hàng giờ. Tết sang năm món mứt này không tái xuất hiện giang hồ nữa. Chị em tui mừng hết lớn. Mứt quất đi vào kỷ niệm một cách êm đềm nhất.

Hồi mới sang Mỹ ở xứ Kokomo trên Indiana, người Việt đếm trên đầu ngón tay, tui không nhớ nổi mình ăn Tết ra sao. Chắc chắn là chẳng bánh chưng, bánh tét, cũng không mứt dừa mứt bí gì cả. Ở đó muốn mua một bao gạo phải lái xe hơn một tiếng đồng hồ, đến một cái tiệm nhỏ xíu có gì mua nấy thì các món ăn ngày Tết là xa xỉ phẩm. Về Texas tui phát sốt với hàng mứt, hàng bánh. Hỏi Má tui có muốn ăn mứt thì tui gởi về Bỉ cho, nhưng Má tui không muốn, bảo ở bên Pháp cũng có đem sang bán, nhưng ăn chẳng ngon lành gì. Mà đúng vậy bồ ạ Ăn mứt phải kèm theo không khí Tết nữa mới thấy đúng vị. Tui nhớ hồi bên nhà, Má tui mua mứt ngoài chợ rồi cẩn thận giấu trong kho, thế mà vẫn không qua khỏi đôi mắt thèm đường của tui, bị tui lén vào moi trộm. Đến khi Tết đến Má tui chưng hửng với số lượng hao hụt một cách đáng kể! Ở đây tui cũng mua mứt để lên bàn thờ, rồi quên bẵng đi, khi nhớ ra thì mứt dừa đổ dầu hôi ình, còn mứt sen khô quắt, cứng ngắc, ném chó chắc bể đầu. Sau này tui lại còn mua ít hơn nữa, vì nghe nói Việt Nam chơi toàn mấy hóa chất độc hại, ăn mà không biết mình đang ăn cái gì cho nên thôi tránh là hơn. Vì thế mâm cúng Tết của tui càng ngày càng lèo tèo, càng đìu hiu hơn.


Bồ còn nhớ cành mai Tết của nhà tui không? Bồ hay hỏi mua hay chặt ở đâu mà đẹp vậy? Thường thì nhà tui không mua mà đi chặt ở…đâu đó! Nhà tui cắm mai hồng Dalat, trong khi nhà bồ lại chuộng mai vàng hơn. Bên hàng xóm nhà tui có cây mai già. Mỗi bận mùa hoa nở, tui quét sân nhà mình mệt nghỉ. Bây giờ tui ước chi mình được cầm chổi vun quét  những cánh mai hồng phai trong cái không khí se se lạnh, với bầu trời xanh ngắt của Dalat, và Má tui không cần phải nhiếc tui “ Nhờ quét cái sân mà mặt sưng mày sỉa!“
 Bồ có hỏi tui khi nào mới về Việt Nam ăn Tết. Câu trả lời của tui vẫn là “chắc không bao giờ”. Bồ biết đó, Tết là đi đôi với gia đình, mà nhà tui đã ở tuốt hết bên Bỉ rồi. Tui về Việt Nam ăn Tết với ai đây? Vả lại có về thì tui cũng sẽ giống như một du khách biết nói tiếng bản xứ. Thế thôi.

Hoa quả cúng Giao thừa
Bồ thân mến, đang kể chuyện Tết với bồ thì ông anh họ tui ở Việt Nam ra đi. Mọi ý nghĩ của tui về Tết trôi tuột mất tiêu. Tui không còn biết phải kể cho bồ nghe những gì nữa. Tui chỉ thấy mọi thứ đột nhiên không còn ý nghĩa là bao và tui mải lo nghĩ về đời người sao ngắn ngủi vô chừng. Bây giờ là 30 Tết rồi đó. Nhà bồ hẳn khói nhang đã lượn vòng, nến đỏ đã lập lòe và ở góc nhà cành mai vàng lặng lẽ nở hoa. Riêng tui vẫn ngồi ở sở, gõ phím chữ lóc cóc làm việc, như mọi ngày bình thường khác. Mâm cỗ cúng Giao thừa của tui đang ở dạng đông đá trong tủ lạnh, và cả nhà phân vân không biết có nên đi chùa hay không vì trời đổ lạnh bất chợt. Tui chạnh nhớ tới đêm Giao thừa thuở nhỏ, thấy lòng mình chùng xuống và man mác.
Năm lại mới, bồ ơi.  

Fort Worth 02/18/2015

Friday, February 13, 2015

Lời chia tay (Hương Quỳ)




Dũng là anh họ của tụi Quỳ, nhưng cũng là một người bạn từ thuở ấu thơ cho đến giờ.  Từ xa xưa kia, khi là nạn nhân của sự bất cẩn của một người trong nhà, khiến Dũng bị cháy nám mặt, Dũng vẫn hồn nhiên chấp nhận cho mọi người đổi tên gọi thân mật trong nhà, từ "Vện" (vì Dũng sinh năm tuất") sang "Sẹo" bởi biến cố này. Nhớ đến Dũng, là nhớ đến đứa trẻ hết sức sinh động, yêu mến súc vật và ôm ấp trong người những giấc mơ bay xa, đến những khung cảnh khác, thể hiện qua những hình ảnh Dũng hay vẽ thêm vào quyển vở luận văn, khi cùng cùng những anh chị em, quây quần học bài chung mỗi buổi tối ở phòng khách nhà số 7. 
 Có dịp gặp lại nhau, tụi mình vẫn vui vẻ cười đùa nhắc lại những chuyện đã xảy ra từ lâu, nhưng vẫn rõ ràng trong trí nhớ tụi mình như mới chỉ là ngày hôm qua . 
Dũng còn nhớ không? Những con sóc nhỏ, những con chim đủ màu sắc Dũng tìm mua lại của người dân tộc, chăm chút giữ theo mình khiến tụi Quỳ thèm được có ghê gớm. Và dự định mua cả một cái xe tăng được bán với giá hữu nghị về gỡ ra làm đồ phế liệu khiến cả nhà hết hồn. Rồi những chuyến đi Saigon Dalat bằng xe moto, thời đó là cả một sự liều lĩnh, những Dũng đã làm được một cách an toàn và thoải mái .
Dũng có cái nhìn về cuộc sống một cách nhẹ nhàng, không oán thù, không tỵ nạnh, không ganh ghét, như có Phật ở tại tâm, vàgiữ mãi tâm hồn trẻ thơ để đối phó với những thăng trầm của cuộc sống.
Mỗi đứa đi theo đường đời của mình, có lúc được ở rất gần nhau, chỉ cách một đoạn đường ngắn, có lúc cách xa nhau cả đến mấy bờ đại dương, nhưng khi có dịp dừng nhịp sống hối hả của mình lại, vẫn nghĩ lại quá khứ và nhớ đến nhà Dũng với rất nhiều tình cảm gắn bó.
Dịp gặp lại Dũng với các chị em khác bên này, vẫn là những kỷ niệm rất khó quên. Tụi Quỳ nhớ mãi những nơi chốn đã dẫn Dũng đi qua, từ những khung cảnh nhộn nhịp của phố phường, đến cảnh đồng quê êm đềm với cánh đồng lúa điểm đầy hoa coquelicot rực rỡ trong tháng hè. Cả đến mùa đông, với những lễ hội cuối năm, niềm vui sum họp gia đình làm mình quên cả những gió và mưa lạnh. Sao mà quên được  những tiếng reo vui khi mọi người thấy có lúc cây cỏ và khung cảnh , không khác gì trên quê hương của mình.
Cứ tưởng sẽ còn có nhiều cơ hội chia xẻ với Dũng những dự định trong tương lai, ngờ đâu căn bệnh tìm ra bất ngờ đã bắt tất cả phải dừng lại, bắt Dũng phải bỏ lại hết, và người thân chung quanh cũng chỉ còn biết bó tay.
Gửi về Dũng những lời thương tiếc, cầu mong Dũng  không phải ở một mình, mà có những người anh chị họ đã đi trước đang chờ Dũng ở một nơi chốn nào sẽ bình yên hơn để Dũng vẫn tiếp tục được những ước mơ của mình. 
Sáng nay, Quỳ pha ly cà phê, bỗng dưng thấy nghẹn ngào nhớ đến Dũng một buổi sáng ở đây, cùng ngồi ăn điểm tâm, nghe Dũng nói , mùi cà phê đang dắt Dũng trở về  quán cà phê ở góc đường của nhà Dũng.

Không quên được Dũng đâu Dũng ơi.

Bruxelles 02/12/2015

Hãy ngủ ngon giấc ngủ thật đầy (Tố Mai)


Biết nói  làm sao khi tin dữ vừa ập đến? Sáng sớm  đang chuẩn bị đi làm thì chuông điện thoại reo. Điện thoại sớm thế này thường là điều không vui  rồi đó. Hằng nức nở ở đầu dây : Mai ơi, Dũng đã mất rồi!
Phải, Dũng đã ra đi vĩnh viễn, đã không còn trên cõi đời  này nữa. Dũng vẫn còn nằm trong  bệnh viện đây, nhưng đồng thời  Dũng cũng  đã ra đi rất xa, có lẽ đang trên đường trở về  Dalat dấu yêu, của những ngày tháng  êm đềm  cũ rất xa xôi, và mới với  những thực tế hàng ngày, với vợ con, và các cháu. Đúng vậy, Dũng cũng đã là chủ một gia đình nhỏ  riêng của mình. Nhưng nghĩ về Dũng, nhớ về Dũng trong tôi vẫn là hình ảnh của  một thời  còn rong chơi khắp trời phiêu lãng  qua những đồi núi , vườn  tược  ở Dalat …
Dũng nhỏ hơn tôi nhiều tuổi. Kỷ niệm khó quên  hồi còn nhỏ là Dũng nghịch bình ga sửa xe  của bác Tự sao đó làm bình ga phát nổ và cháy xém mặt Dũng, từ đó chết tên Dũng Sẹo. Cũng không lấy gì làm phiền hà vói cái tên này hay những vết sẹo  ở bên mặt, Dũng  luôn quay trở về nỗi đam mê lớn nhất của mình là xe hơi.


Châu Âu du ký
Sau này khi tôi đã rời bỏ đất nước và lưu lạc xứ người,  có một lúc thật lâu không còn liên lạc nhiều với  những người còn ở lại, cho đến khi tôi trở lại VN , trở về căn nhà thời thơ ấu, đồng thời tới thăm nhà bác Tự với các anh chị em họ ở đây. Lúc đầu còn gượng gạo sau bằng ấy năm không gặp, nhưng rồi, những nhắc nhở về kỷ niệm ngày xưa đã xóa tan những khoảng cách này. Dần dần chúng tôi trở lại như ngày xưa còn bé. Nhưng nhất là 2 lần Dũng cùng mấy bà chị làm cuộc Âu du, đến thăm chúng  tôi ở Bỉ. Những dịp này đă khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn nữa. Cuộc sống mỗi người có đổi thay, nhưng cái tình chị em , tuy là chị em họ trong gia đình vẫn còn nguyên đó không hề suy suyển. Tôi nhớ những ngày Dũng ở nhà tôi ở Bruxelles, Dũng dậy thật sớm, mở của đi ra đường. Tôi nằm trong nhà nghe tiếng Dũng xuống cầu thang, tiếng mở khóa cửa, tự hỏi không biết ai đi đâu mà sớm thế. Sau này biết là Dũng, hay dậy sớm, ra ngoài đi dạo và hút thuốc một vòng trước khi trở về nhà cùng chị em ăn điểm tâm. Dũng không sợ đi lạc sao ? Sao mà lạc được Mai ? Dũng đi vòng vòng quanh đây thôi, có lạc thì hỏi người  ta, Dũng biết tiếng Pháp mà! Nhưng có biết địa chỉ nhà là gì không ? Ờ há, cũng không biết nữa hay quên mất rồi!!! Thế đấy, cũng có lần Dũng đi  mãi không thấy về, đi kiếm cũng chẳng biết ở đâu mà kiếm, cả nhà đành ngồi chờ, cuối cùng thì Dũng  cũng về đến nhà được sau khi đã  vòng mấy bloc nhà. Quả nhiên là có đi lạc thật .
Bạn mới

Lần sau cùng Dũng sang  Bỉ cùng với các chị và cháu ăn đám cưới Tố Chi, tôi nhận thấy Dũng có gầy đi hơn trước, và hút thuốc còn nhiều hơn  nữa. Nhưng vẫn vui vẻ, vẫn thích đi dạo buổi sáng để khám phá. Dũng nói qua đây để xem dân chúng ở đây sinh sống thế nào, xem cảnh vật chung quanh chứ đâu mà cứ đâm đầu vào mấy cái shopping  mall, Dũng không cần mua sắm gì cả. Dũng khoe khi ở Frankfurt đã một mình lấy xe lửa và xe điện đi cùng khắp thành phố, đi cả ngày đến chiều tối mới về.  Dũng  rất thích vậy, một mình đi đông đi tây, không chịu sự chỉ huy của mấy bà chị, cứ  hở ra là đi vào mấy cái mall ! Dũng sống đơn giản, thích làm cái gị mình thích, mà đã thích thì làm cho bằng được.
Vậy mà sau những ngày  sum họp vui vẻ, đám cưới, rồi Noel, rồi  Tết Tây chỉ  khoảng 2 tháng sau  là có tin dữ đến : Mai ơi, Dũng bị sốt, ho, vào bệnh viện  cấp cứu, họ chụp hình và chẩn đoán là ung thư phổi .

Dalat bình yên
Có lẽ nào lại thế, mới  vui vẻ với nhau đây thôi! Thế là những cú điện thoại qua lại, thư từ gửi gấm đưa Dũng về Saigon gặp bác sĩ chuyên khoa để họ xác định bệnh cho rõ ràng. Không biết suốt thời gian này  Dũng suy nghĩ những gì, lo sợ, hay tuyệt vọng ? Không, Dũng hoàn toàn tin tưởng vào bác sĩ sẽ chữa khỏi bệnh để Dũng lại tiếp tục rong ruổi với cái xe của mình. Riêng tôi thì đã hiểu tiên lượng cho căn bệnh này là rất xấu, dù có làm gì đi chăng nữa, có ở đâu đi chăng nữa, VN hay Mỹ, Đức, Bỉ cũng sẽ không có cách gì điều trị khỏi  căn bệnh quái ác này. Nhưng người trong cuộc thì vẫn hy vọng. Cũng phải được 7-8 năm nữa chứ, phải không Mai ? Hy vọng là nguồn sống, hy vọng cũng làm lu mờ lý trí  để có thể sống được trong một vòng  ảo giác nào đó. Cả một năm trời Dũng đã sống như vậy, rất lạc quan và tin tưởng , không nghi ngờ, không đặt câu hỏi, ngay cả khi các xét nghiệm về cho thấy là tình trạng đã xấu đi nhiều. Bây giờ y khoa tân tiến, họ phải có cách để chữa trị chứ, Dũng lý luận như thế. Chắc hẳn  chưa có lúc nào Dũng nghĩ đến cái chết có thể  đến và mang mình đi .
Cuộc sống quanh đây

Dạo sau này ít thấy hình Dũng chụp và đưa lên facebook. Dũng không còn đi xa được nữa, không còn lái xe được nữa, Dũng cũng tự thu mình vào và ít muốn tiếp xúc với ai, kể cả các bà chị, mặc dù ở kế bên mà đôi khi cũng không dám hỏi han hay tâm sự. Dũng suy nghĩ  gì trong những ngày tháng đó? Đau đớn, lo sợ? Cái cô đơn của người đi biển một mình! Nhưng có lẽ Dũng chưa bao giờ tắt nguồn hy vọng vẫn thắp sáng ngời ở một góc nào  đó trong tâm hồn, cho nên mới nhất định bằng mọi cách về đến  Saigon, vể đến Chợ Rẫy, như  một bảo đảm an toàn cho sự sống còn của mình. Cuối cùng Dũng cũng đã ra đi từ bệnh viện này, cái nơi  mà ngay từ đầu đã cho Dũng biết bao nhiêu là hy vọng để được sống  trong vòng hơn  một năm qua.

Cầu vồng đưa Dũng về trời
Cuối cùng thì Dũng cũng đã được trở về,  về nơi chốn đã hằng ấp ủ những giấc mơ, những kỷ niệm chắc chắn là êm ái vô cùng, sau những đau đớn dằn vặt của một căn bệnh oan nghiệt .
Dũng ơi, hãy ngủ ngon giấc ngủ thật đầy!

TỐ MAI ( 12/2/2015 )
Chú thích: Tất cả hình ảnh đều là do Dũng chụp

Thursday, February 12, 2015

Ngủ ngon, anh nhé



Mái trường xưa - hình Dũng chụp
Anh lớn hơn tôi đúng 5 tuổi. Khi tôi chập chững bước vào ngưỡng cửa trung học thì anh đã hiên ngang ở năm đệ nhị, chuẩn bị thi tú tài một. Không biết Má tôi nhắn gửi tôi cho anh ra sao mà cứ đến giờ ra chơi, anh hay đi tìm tôi, hỏi thăm tôi có đứa nào ăn hiếp không thì chỉ mặt cho anh! Lũ bạn tôi thấy anh thì sợ re, tôi vì thế đâm ra cũng có thớ trong lớp. Bọn con gái xếp de đã đành, bọn con trai nhìn khuôn mặt ngầu với dăm vết sẹo của anh, tự thấy ơn ớn nên không dám chọc ghẹo gì tôi. Tôi vào trung học với cả một cái khiên chắn bảo vệ như vậy nên yên tâm vô cùng.   
Chiếc xe màu cam của ông Mười Hòm đưa rước tôi hàng ngày từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Thỉnh thoảng lớp được ra về sớm, tôi phải nấn ná chơi ở sân trường chờ đến giờ xe đón. Những lúc đó mà gặp anh thì mừng hết lớn. Anh bảo chờ xe làm gì, lên anh chở về nhà. Thế là tôi vén áo dài nhảy phóc ngồi sau chiếc xe Honda 67 của anh, để anh phóng vù vù xuống dốc Nha Địa Dư, lạng lách quanh hồ Xuân Hương, vòng vèo trên khu Hòa Bình, tuôn dốc Duy Tân rồi anh thả tôi ở trước tiệm sách của Ba tôi. Coi như anh hết nhiệm vụ với cô em họ. Tôi còn nhớ một lần trường tổ chức triển lãm những nguy hại về việc dùng các loại thuốc gây nghiện và khuyên răn học sinh tránh cho rõ xa. Anh thấy tôi đang léng phéng ngoài sân, liền lôi tắp tôi vào phòng triển lãm, chỉ cho xem hình một ông nghiện gầy nhom dơ bẩn đang nằm vật vờ bên lề đường, bảo “Xem này, đừng có dại mà đụng đến thuốc phiện nhé!” Tôi gật đầu lia lịa mặc dù chẳng biết thuốc phiện tròn méo ra sao. 
Thông xanh mãi - Hình Dũng chụp

Đầu tháng 4 năm 1975, Dalat hấp hối. Thành phố lác đác có người đem cả gia đình chạy về Saigon. Tuy vậy trường lớp vẫn kiên gan tiếp tục mở cửa dạy dỗ chúng tôi. Buổi chiều hôm đó là giờ thể dục, cả lũ đang đứng lên ngồi xuống, hít vào thở ra thì cửa lớp xịch mở. Anh hùng dũng bước vào, nói gì đó với ông thầy thể dục của tôi rồi tiến đến chỗ tôi ngồi, bảo “Giờ này mà còn học hành gì nữa, đi thay quần áo rồi lên xe anh chở về nhà!”. Tôi hoang mang đi theo anh, lần đầu tiên trong đời tôi bỏ học ngang xương như thế. Đám bạn nhìn tôi nể nang thán phục ra mặt. Coi như tôi là đứa đầu tiên bỏ trường bỏ lớp, mở màn cho những khuôn mặt thân quen biến dần trong lớp học. Buối học cuối cùng của tôi được anh kết thúc rất bất ngờ và gọn gàng.

Mây trôi về đâu? - Hình Dũng chụp
Di tản 1975, nhà tôi tan tác. Các anh chị lớn đã về Saigon, một bà chị khác thất lạc đâu đó ở Buôn Mê Thuột. Ba Má tôi thương con không muốn bỏ Dalat, nấn ná ở lại chờ chị tôi về. Tôi và con nhỏ em út cũng ở lại với Ba Má tôi. Nhà đâm ra neo đơn hẳn. Bác tôi bèn cử anh vào ở với gia đình tôi, coi như để bảo vệ cô chú và các em trong cơn loạn lạc, tối lửa tắt đèn mà nhà chỉ trơ ra hai ông bà già và hai đứa con nít. Ban ngày anh đi đâu chơi không thấy mặt, buổi tối khoảng chín giờ anh gọi cửa rồi ở lại ngủ cho đến 7, 8 giờ sáng hôm sau lại biến mất. Ba Má tôi cũng chả phiền hà gì, bác tôi cũng coi là chuyện tự nhiên. Khi Dalat, thất thủ, người lớn hoang mang, lo lắng đứng ngồi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, riêng anh rất đỗi vô tư, phóng xe rủ tôi và con em đi lên Tiểu Khu nhặt đồ lính vứt lại. Anh khoe với tôi đã lượm một khẩu súng lục và cho tôi cầm chơi một chốc. Khẩu súng lạnh lẽo nặng trịch trong tay làm tôi khiếp vía hơn là thích thú nên tôi vội vàng trả lại cho anh ngay. Sân Tiểu Khu giấy tờ bay trắng xóa, áo quần, mũ nón vứt lung tung, ngổn ngang bàn ghế khắp nơi. Chúng tôi gom góp được vài cái mặt nạ heo, đeo vào dọa nhau cười nắc nẻ, dăm bình nước bi đông mà sau này rất tiện dụng để đi lao động xã hội chủ nghĩa, một hai cái ba lô lính dày dặn, và tuyệt nhiên chẳng thấy súng ống gì cả, chắc thiên hạ lượm hết rồi. Tôi vớ được một vỏ đạn rỗng. Anh bảo, đạn bắn rồi nhặt làm gì, nhưng vỏ đạn đồng đỏ sáng bóng rất bắt mắt, tôi tha thẩn cho vào túi làm kỷ niệm.
Suối vàng - hình Dũng chụp
Cái vỏ đạn này tôi phải vội vàng vứt vào thùng rác vì không lâu sau đó, anh bị bắt. Tôi ngây thơ sợ chính quyền lần ra cái vỏ đạn rỗng của tôi nên hốt hoảng đem vứt luôn. Họ kết án anh tội phản động chống phá nhà nước. Một nhúm học trò, mặt búng ra sữa, đang tuổi nổi loạn nên chuyện cãi cọ thầy cô là chuyện thường, tất cả những gì anh thấy trong trường lớp đều trái tai gai mắt nên ra sức chống đối lại. Không tấc vũ khí trong tay, tôi không hiểu anh và đám bạn anh phá hoại nhà nước cái nỗi gì. Bác tôi lo đứng lo ngồi. Cả họ lên ruột với anh, nín thở chờ anh được thả ra. Ngày anh ra tù, bác tôi mừng rơi nước mắt, mọi người trong họ đón chào một ông cháu mặt mày còn non choẹt, xanh lướt và gầy nhom như que củi. Tôi nhìn anh có phần nể phục và hơi sợ. Kể từ đó anh quyết định bỏ trường luôn, không đi học lại nữa.  
Những năm đói khổ ấy, kinh tế đời sống khốn đốn, nhà nào thủ thân nhà đó, lo một ngày hai bữa đã hết hơi, không còn để tâm đến chuyện thiên hạ nhiều. Riêng tôi bận bịu với trường lớp, các loại kế họach lớn nhỏ, các buổi lao động cuốc đất trồng khoai, không còn gần anh như trước nữa. Thỉnh thoảng gặp tôi anh hỏi “Đã được kết nạp thiếu niên tiền phong chưa?” rồi cười nửa miệng. Tôi tức anh ách vì lúc ấy tôi là một đứa ham vui, thấy thiên hạ được quàng khăn quàng đỏ thì tôi cũng muốn được đeo một cái như thế. Anh còn bảo, khi nào thành thiếu niên khăn quàng đỏ, nhớ đừng cắt quần ống loe của anh, đừng bắt anh phải đi cắt tóc ngắn, rồi anh phá ra cười khành khạch. Tôi càng tức hơn. Khi lớn hơn một chút, một hôm đi học về, tôi thấy anh dung dăng dung dẻ với chị ngoài đường. Gặp tôi, anh trịnh trọng nói “Đây là bạn gái của anh”. Tôi hãnh diện vì được giới thiệu một cách rất người lớn và rất đàng hoàng nghiêm chỉnh với chị. Riêng Tết năm đó cả lũ được anh mời tới nhà chị chơi. Hình như ba chị là đầu bếp một tiệm ăn Pháp nên cả bọn đánh bay các món bánh mứt chị bày ra không chút khách khí. Ăn hết sạch lại dám hỏi chị có còn nữa không!

Dalat sương khói - Hình Dũng chụp
Má tôi về Việt Nam nhờ anh chở đi chơi khắp nơi khắp chốn. Tôi nhớ Má kể chuyến đi Buôn Mê Thuột của hai cô cháu. Lên xe đi cả đỗi, hết hơn nửa ngày thì Má tôi chợt lo cho đống tiền không nhớ để đâu, còn anh thì đã lái lạc đường be bét, không còn biết nẻo nào dẫn đến Buôn Mê Thuột. Thế là hai cô cháu hỉ hả quyết định quay về lại Dalat, chẳng ai lấy làm phiền lòng. Má tôi nói, về Dalat cứ nhờ anh chở đi, đâu cũng tới được, còn bao giờ tới nơi là chuyện khác. Tính anh vốn tà tà, không có gì gấp gáp cho nên rất hợp với Má tôi, người cũng lề mề không kém và thường càm ràm chúng tôi đi đâu cũng như có ma đuổi sau lưng!
Tôi gặp lại anh bên Bỉ cách đây một năm. Anh vẫn như ngày nào, vẫn gầy còm nhom, có điều lớn tuổi anh càng giống bác trai tôi ở cái tính khề khà, không đi đâu mà vội. Tóc anh đã hai màu,  tóc tôi cũng lấp ló những sợi bạc đâu đó. Đã có một khoảng cách hơn hai mươi năm chúng tôi không gặp lại nhau rồi còn gì. Anh hỏi tôi có nhớ trường Hùng Vương nơi hai anh em học hồi còn nhỏ không, rồi anh rút cell phone mở hình trường cũ cho tôi xem. Kỷ niệm ùa về làm tôi bồi hồi nhớ lại một thuở. Đã lâu lắm không ai gởi hình mái trường thơ ấu cho tôi coi. Anh nhắc lại tên những người bạn ngày xưa cùng trường nhưng tôi đã quên rồi, chẳng còn nhớ được ai. Anh cho tôi xem hình Núi Bà bị chẻ làm hai, bảo người dân tộc sợ lắm, sợ hồn ma núi trả thù. Anh nói với giọng rất chân thành nên làm tôi cũng đâm tin là có ma núi thật. Thấy anh hút thuốc nhả khói như một cái đầu xe lửa, tôi kêu lên “Trời đất, anh không sợ lao phổi sao?” Anh khào khào bảo, ừ, hút quen rồi, không bỏ được giống như nghiện vậy, rồi anh cười khà khà. Anh nói thêm thôi để hè năm 2014 anh sang Mỹ, nhất định đến chỗ tôi để tôi dẫn anh xem cao bồi Texas chính hiệu hiên ngang trên lưng ngựa chăn đàn bò sừng dài. Hoạt cảnh lùa bò này diễn ra mỗi ngày một lần trên con phố chính để cho du khách chụp hình. Tôi chia tay anh với lời hẹn sẽ gặp lại nhau lần nữa.


Xanh màu lá, biếc màu trời - hình Dũng chụp
Hè năm 2014 trôi qua. Rồi năm 2014 cũng trôi qua. Anh không đến Texas. Anh trở bệnh nặng. Phổi của anh đến ngày đến giờ phản trắc lại anh. Tôi cứ nghĩ anh phải nằm liệt giường liệt chiếu. Ồ không đâu. Ông anh họ của tôi nặng lòng với Dalat, nên vẫn vác máy hình đi lung tung chụp cảnh rừng núi, đường đèo hồ Than Thở sương khói, một góc hồ Xuân Hương lấp khuất, một rẻo Thái Phiên đang hồi thay da đổi thịt,  rồi anh gởi cho mọi người xem. Nhìn hình anh chụp, ai bảo anh đang đau đớn? Hình của anh tràn đầy sức sống, xanh màu lá, biếc màu trời, ánh lên màu nắng ấm. Tôi xem hình, biết anh rất đỗi yêu đời, yêu người và nhất là yêu Dalat của anh.   
Năm Giáp Ngọ gần hết, Tết Ất Mùi gần kề, chỉ còn mươi ngày nữa thôi là tống cựu nghinh xuân. Ngỡ sẽ được xem những tấm hình chụp Tết 2015 của anh, nào ngờ nửa bên kia bán cầu anh ra đi, nửa bên này trái đất tôi bàng hoàng. Những người quen thân anh buột miệng, đời sao ngắn ngủi chi lạ. Riêng lời hẹn anh em gặp lại nhau thế là chẳng bao giờ thành.
Giờ phút này chắc anh đã gặp lại Bố Mẹ anh, gặp lại Ba Má tôi, gặp lại tất cả những người đã rời bỏ chúng tôi để đi biền biệt, đi mãi không quay về. Nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm, tôi hình dung anh vác máy ảnh bảo các cụ đứng xích lại gần nhau cho anh chụp và…rồi gởi cho chúng tôi xem, trong tâm tưởng.
Riêng trong đáy lòng tôi, anh mãi luôn là người anh họ năm nào, đến giờ ra chơi tìm tôi  để xem tôi có bị ai hà hiếp không. Và nước mắt tôi chảy tràn…
Dũng ơi, thôi hãy ngủ ngon, anh nhé.  
đường xưa lối cũ - hình Dũng chụp

Fort Worth, 02/12/2015




Thursday, February 5, 2015

Chuyện hậu Charlie (Hương Quỳ)


Tuần lễ sôi động vì biến cố tàn sát tòa soạn báo Charlie Hebdo bên Pháp đã qua đi, nhưng dư âm còn lại vẫn như một dãy hỏa diệm sơn đang sôi ùng ục, chưa tìm được lối thoát ra. 

Tuần lễ nằm trong phong trào " Je suis Charlie " cho tôi một tâm trạng như hồi 11 tháng 9 năm nào ở New York, với hai tòa nhà sụp cái rầm trực tiếp trên màn hình tivi, thấy đau như biến cố đó có ảnh hưởng đến mình, thấy buồn như hình ảnh những người đi tìm thân nhân bỗng dưng biến mất khỏi đời họ sau câu chào đơn giản trước lúc đi làm. 

Tuần lễ ấy, ra đường đối diện với những người cùng dân tộc với kẻ nhân danh này và nọ để giết người, bỗng dưng chân có khựng lại, và có ý muốn tránh xa. Mọi tia mắt đảo đi tứ phía, không còn dám nhìn thẳng vào mắt nhau. 

Tuần lễ ấy, khu phố tôi ở, đầy dân quốc tịch Pháp, nhưng cũng đầy dân ngoại quốc, chả thấy ai dám dán trước cửa nhà mình hoặc trên xe giòng chữ "Je suis Charlie ". Tôi trong gian hàng của mình, cũng không mang chuyện đó ra để làm câu chuyện đưa đẩy với khách  trong lúc chờ thức ăn làm xong, vì tôi nghĩ, mình cũng đang có bề ngoài của một người đến sinh sống ở xứ sở không phải của mình, từ "chine tock " vừa biến mất trong trường học của lũ trẻ chưa lâu, và dân bản xứ vẫn còn ráng ngẩng cao đầu một cách kiêu hãnh trước làn sóng kinh tế của Tàu như sunami đang nhấn chìm hết kinh tế đặc trưng của từng nước Âu Châu, thì cũng chả vì lý do gì tôi lại đi phê phán một nhóm ngoại nhân khác. 

Tuần lễ ấy, cũng suýt nổ ra thánh chiến trong nhà, khi tôi nhận xét đạo Phật không lên tiếng hoặc tham gia vào phong trào " Je suis Charlie ", thằng con rể phán ngay một câu, cũng là một đạo khoác cho mình tấm áo đạo đức giả, điển hình là những gì đã và đang xảy ra ở Birmanie. Tôi phang ngay, đạo ấy không kêu gào nổ ra một cuộc đấu tranh để dành phần thắng và lẽ phải về mình trên toàn thế giới, Phật tại tâm, Phật không phải là một người không ai dám báng bổ, Phật không buộc mọi người phải ràng buộc các loại thánh lễ để chứng tỏ lòng tin và sự thỏa thuận đi theo ... Cuộc tranh luận ngưng lại ở đó, mỗi người đứng ở phía của mình, với suy nghĩ tin chắc mình đang có lý.

Nhưng tôi vẫn tự hỏi tại sao lúc nào họ cũng muốn tỏ vẻ ma lanh hơn người khác. Khi có gì lộn xộn trong lúc lái xe ngoài đường, xếp hàng chốn công cộng ... cũng chỉ là những khuôn mặt ấy. Hễ đụng vào, là lôi chuyện phân biệt chủng tộc hoặc luật lệ các loại trong tôn giáo của họ ra. Bao nhiêu cuộc tranh luận đã xảy ra vì tấm khăn voile, vì không tham dự sinh hoạt thể thao trong trường khi nam nữ lẫn lộn, vì tranh cãi ở nhà thương  nơi đàn bà dứt khoát phải là y sĩ đàn bà mới được phép đụng chạm vào.

Năm trước, Bỉ làm một tháng kỷ niệm 50 năm di dân của người Maroc đến đây. Tôi nghe các cuộc tranh luận trên đài phát thanh mỗi sáng đi làm, lúc nào cũng là họ bị áp bức, bị đè đầu, bị gây khó khăn khi đi xin việc làm, bị cách ly.Ý kiến đến từ hai phía, khen ít chê nhiều. Nhưng vì đang ở trong một đất nước dân chủ, có những điều không thể thốt được ra bằng lời vì sẽ bị chụp ngay một số mũ. Như chuyên một người chuyên phân tích thời tiết trên một kênh truyền hình. Lần kia đi làm về, bị một xe chạy ẩu qua mặt, người lái xe còn bước xuống gây sự, sau nhận ra khuôn mặt đối tượng thường thay xuât hiện trên tivi, lại tương thêm vài lời chửi nặng nề hơn, trong khi lỗi của mình đang rành rành ra đó. Ông này tức quá  gào lên "Đây đâu phải bên xứ Mày đâu mà không biết tôn trọng luật lệ gì ráo trọi vậy ? ". Vậy là lu loa ầm ĩ lên. Để tránh cơ hội biểu tình chống kỳ thị chủng tộc, sở cho ông này nghỉ việc tại chỗ, lý do là đứng trước  màn hình hàng ngày, phải biết giữ mồm miệng cho đúng vị trí trung lập !

Nên chuyện Charlie là một cơ hội để mọi người tỏ thái độ của mình ; cầm biểu ngữ, không bạo động, không hô hào, nhưng ai cũng biết đằng sau đó là muốn nói lên điều gì, hay mọi người tự suy diễn sự im lặng đó theo ý mình để hả dạ hay ấm ức tiếp. 

Ấm ức vẫn còn đấy, hy sinh cho cuộc thánh chiến vẫn còn đấy, bằng chứng là chỉ sau một tuần của biến cố " Charlie ", bên Bỉ cũng mò ra được đường dây  khủng bố và cho về dưới hết hai em. Nhưng những bước chân nhện bắt đầu quều quào ra khắp nơi. Không,  những loài sinh vật tránh lộ diện đang chui rúc vào tận các hang cùng ngõ hẻm, để đe dọa, để kêu gọi lên đường như chinh phu khoác áo bào tung mình vào gió bụi( mà bụi thật cái xứ Syrie ấy !)


Rốt cuộc là Bỉ suốt ngày báo động bị đặt bom, bị khủng bố, 45 vụ báo động cho năm 2014, và mỗi tháng giêng đã 15 vụ . Hôm trước phải giải tán hầm métro, hôm nay lại báo động cả ba chỗ một lúc vì những cái xe đậu bỏ lại bên đường một cách đáng ngờ. Nơi bị nhắm nhe đến mấy lần là cái cung điện tòa án nằm  gần trung tâm thành phố, nơi chuyên xử những vụ án từ lặt vặt đến những vụ mang tầm vóc quốc gia, như lời nhắn nhủ công lý của mấy người đi chỗ khác chơi .Các vị luật sư mũ áo bảnh chọe đến xử các phiên tòa, cũng không còn nghênh ngang được nữa, hễ cãi lệnh kiểm tra của cảnh sát, là bị tống ép sát tường để củ soát, không tin được một ai nữa hết. Rồi đến những tòa nhà của cộng đồng Âu Châu, như một vương quốc nằm trong một quốc gia, nơi đầy những nhân vật chuyên môn tuyên bố chung chung, chả dám ra một chiêu rõ ràng cho một quyết định gì. Và dĩ nhiên là tòa lãnh sự Mỹ, nơi điển hình cho quyền lực ảnh hưởng đến thế giới, dù hai vợ chồng ông Obama cũng chỉ thấy dợt dợt và nói theo kiểu nhập đề lung khởi cho tình hình thế giới đang như một nồi nước sôi. 

Đường phố bắt đầu xuất hiện những màu áo ngụy trang của lính Bỉ, vũ khí đến tận răng, mặt mày căng thẳng nhìn thấy kẻ thù ở tứ phía, nhưng lúc hữu sự  thì lại không biết có được gì  không, như chuyện xưa kia ông cảnh sát nổ súng uy hiếp một cái xe tải không chịu dừng lại để khám xét. Tài nhắm bắn của ông này tài tình đến nỗi, thay vì bể bánh xe, thì lại làm chết oan một bà già ngồi chờ xe bus bên kia đường !


Ngay cả trong các trường học, nhất là các trường có đa số là người theo đạo Hồi Giáo, lại càng phúc tạp hơn. Hồi còn đang sôi động chuyện Charlie, có trường lôi chuyện này ra làm đề tài tranh cãi, đã có đa số phản đối rằng không việc gì phải thương xót cho kẻ dám báng bổ thượng đế của họ. Tuần rồi, trong một trường dậy nghề, thày giáo nhắc lại chuyện này, có đám học sinh hùng hổ tuyên bố: nếu gặp những người bị kết tội khủng bố ngoài đường, chúng sẽ chạy ào đến bắt tay. Thày tức quá giảng cho một bài luân lý, rằng không thích thì đừng đọc, không ai lại giết những người cầm bút. Thế là học sinh rủ nhau viết thư thu góp chữ ký để đi kiện, đòi đuổi thầy giáo ra khỏi trường, có vài em can đảm không chịu ký vì ủng hộ Charlie. Kết quả là những đòn đánh hội đồng ngay trong sân trường đến bị trọng thương,  mà ban giám đốc vẫn chưa dám hạ hồi phân giải. 

Tuần lễ rồi, là buổi biểu tình la cho rõ lớn là đừng có cạch mặt người Mulsuman, vì không phải tất cả người Mulsuman là dân khủng bố, nhưng có kẻ vặn ngược lại, rằng, nhưng tất cả những kẻ khủng bố, lại chỉ rặt là dân Mulsuman !

Đứa con gái lớn tôi lập gia đình, mua nhà trong khu phố  với sắc dân này hết 80% là hàng xóm. Hiện giờ thì an toàn, nhưng tôi chỉ mong vợ chồng chúng nó mở mắt cho to để nhìn về tương lai con mình khi đi chọn trường học .

Bên Pháp, tại Nice, một nhóm nhào vào tấn công bằng dao những người lính Pháp đang đứng để bảo vệ an ninh .

 Không khí căng thẳng đến độ hàng tôi vốn rất đắt hàng trong thời kỳ này, cũng đang ế chỏng vì không ai muốn bước ra đường với tất cả phiền toái đến vậy.

Nhớ đến đất nước mình trong thời nội chiến xa xưa, cứ tưởng đã thoát được hết ,  những cơn ác mộng có bom đạn réo, ngờ đâu  giờ đang quay trở lại, cộng thêm stress cho mình bên cạnh stress của cơm áo gạo tiền và của những đứa thuê nhà đang trây ra không chịu thanh toán tiền thuê !

Bà khách bảo, ớn quá, đến không muốn mở báo chí ra đọc. Nếu phải là như trong câu chuyện phù thủy Harry Potter, thì những hình ảnh trong báo sẽ ầm ầm lửa đạn, tiếng la hét và kêu khóc sẽ đến tận trời xanh.

Chả biết chuyện sẽ kết thúc như thế nào, có happy ending không hay sẽ lê thê từ đời này đến đời kia. Sao không làm giống như người mình, được nhập cư, thì còn biết chuyên tâm làm việc và học hành. Một mặt làm tròn bổn phận như các công dân của họ, một mặt vẫn giữ truyền thống giống nòi. Có hội dân Á Châu nào biểu tình cho con cái phải được nghỉ tết âm lịch, nghỉ lễ ...Phật Đản? Hoặc mặc áo dài đến trường, hoặc ăn chay một tháng một lần cho điên đầu đám đầu bếp của mấy cantine chơi đâu cơ chứ.

Đâu cần phải úp ba ba để hướng về mặt trời cầu nguyện, mà đằm thắm khấn Phật ở trong lòng lúc buồn hay vui như mình đây, thì thế giới sẽ bớt loạn xị xà ngầu hơn không ? Hở các ông các bà đang nghĩ mình đấu tranh cho lẽ phải?
 
(Bruxelles 02, 05 2015)

Trái tim người Mẹ (Hương Quỳnh)


Tết nhất đến nơi rồi, cậu con trai duy nhất còn ở với bà, rày đây mai đó, chẳng biết nó có về ăn tối với mình không. Chờ đợi mãi cũng chán, bà  sắp cái chén đôi đũa ăn một mình. Bộ phim Đại Hàn trên đài TV Việt Nam đang tới hồi gay cấn, cô đào thương có nên bỏ người yêu, nghe lời bố mẹ dạy, thằng ấy không ra gì.
À nhớ ra rồi, nó đang ở thành phố khác, đi show. Show này toàn ca sĩ thượng hạng, nổi tiếng nhất Hoa Kỳ. Phải con trai bà đứng ra mời các ngôi sao sân khấu mới chịu đi hát ở một địa phương, miệt dưới. Ừ nhỉ lần này nó cùng đi với cô bạn mới quen mấy tháng nay. Cô này thật thà chất phác, người giản dị không chưng diện, đang hợp tác làm ăn với con trai bà để ra tờ báo hàng tuần, cô làm chủ bút. Tìm hiểu nhau mấy tháng thế mà chẳng thấy tụi nó tính chuyện lâu dài. Ngày xưa bà là cô con út cưng nhất của một gia đình phú gia ở miền Bắc. Vào Saigon, cha mẹ bảo lấy con nhà hàng phở, thì cứ nhắm mắt mà nghe lời. Đâu mà cứ phải khấn trời khấn Phật cho tụi nó tiến tới thế này.
Này nhé, hai đứa mà lấy nhau, về ở chung với bà, chứ cái nghề làm báo kiếm đâu ra một căn nhà ở Quận Cam? Nhà bà rộng thênh thang, cả mươi người vào ở cũng không hết. Có được nàng dâu để mình truyền cho nó những món ăn tuyệt chiêu, giả cày, măng hầm xương heo, cá hem kho tộ, v.v… Cô này còn ở với bố mẹ, bếp núc chắc chưa được bằng cô con dâu cả. Dạy mãi cô cả vẫn vụng, bà cứ phải nấu rồi mang ra bưu điện gửi cho vợ chồng nó ở phương xa. Tội nghiệp thằng con cả, từ ngày lấy vợ, không biết món giả cày là gì. Nghĩ cũng tội chúng, ở miệt dưới không có cái gì ăn, từ bố mẹ đến con cái gầy dơ xương. Không đâu có đồ ăn ngon bằng đất vàng Cali này!

Cali đất vàng
Cô con dâu tương lai này còn trẻ chắc học nhanh hơn. Còn khối cái phải dạy nàng dâu. Dạy nàng biết lo cho chồng. Chồng đi làm về mệt, nàng phải biết nở nụ cười như hoa, pha sẵn nước cam cho chồng, hỏi han âu yếm chồng. Có thế chồng nó mới về nhà ngay, không đi hóng mát ngoài đường.
Vợ chồng nó yên ổn, bà mới yên tâm với tuổi già. Rồi biết đâu cháu lớn cháu bé chạy đầy nhà cho bà vui. Lâu lâu vợ chồng thằng cả chỉ ghé chơi được vài ngày. Hỏi chúng sao không ở chơi lâu hơn, chúng bảo phải về đi làm. Có dạo bà đã kiếm được căn nhà họ bán chỉ cách nhà bà vài bước. Đã thuyết phục được hai đứa nó mua rồi, cuối cùng chẳng ra làm sao, con dâu cả chê nhà đắt mà … xấu. Chúng chẳng hiểu gì cả, giá trị căn nhà là ở địa điểm, gần chợ búa, để về già cứ thế mà đi bộ ra chợ, không phải lái xe. Giá chúng nghe lời mình, giờ đây bà đâu có phải thui thủi với những tình tiết ly kỳ ở cái xứ Đại Hàn xa xôi.
Bà chợt nhớ ra cậu con trai và cô bạn đi show ở miệt dưới ngay chỗ anh chị nó. Bà cầm ngay điện thoại:
“Con ạ, em nó với cô bạn sắp đến chỗ con, con ráng bỏ ra vài ngày tìm hiểu chúng cho mẹ. Mẹ già rồi chỉ mong cho nó lấy vợ, mẹ chết mới yên lòng. Mẹ thấy cô ấy được lắm, thiếu cái gì về đây mẹ dạy thêm. Con phải hỏi riêng từng đứa, xem tình ý mỗi đứa ra sao”
“Làm sao con dám hỏi? Nó trên 50 rồi, nó biết nó muốn lấy người ta hay không chứ. Còn cô kia, con chỉ mới gặp một hai lần, cô là người học thức rất cao, âm nhạc văn chương chính trị con còn phải học hỏi thêm ở cô. Ai mà dám dò hỏi tình ý của cô.”
“Con cứ hỏi thẳng cho mẹ, giả dụ cô thấy em tôi ra sao, liệu có làm … chồng cô được không???”
“Con xin mẹ, người ta thông minh vượt bực, trình độ tiến sĩ, hiếm có người nào am hiểu nhạc opera như cô. Còn thằng kia chỉ biết nhạc Việt Nam, một loại nhạc đã dậm chân tại chỗ cả nửa thế kỷ nay”.
“Con nói gì thì nói, mẹ thấy chúng nó đi về có nhau thế kia, nhất định chúng nó phải hợp nhau. Con cứ nói vào cho mẹ, được tiếng nào hay tiếng đó.”
“Được rồi, con sẽ chỉ nói mẹ già rồi, sắp nằm xuống, anh em mình phải làm cho mẹ vui. Còn làm cái gì thì để tự nó suy ra.”
“Cũng được, đưa điện thoại cho vợ con, vợ con tính toán hơn người.”
“Con ạ, con cứ hỏi cô ấy xem cô ấy có tính về lâu về dài với em nó hay không?”
“Mẹ ợi con cũng không biết hỏi làm sao,con chỉ mới biết cô đó vài ngày, thôi để con liệu được tới đâu hay tới đó.”
“Mẹ trông mong tất cả vào con. Chỉ có con mới lo toan được cho gia đình mình. Chồng con lấy được con là phước lớn… ”
Cô dâu cả thấy rờn rợn. Cô cũng biết giá trị của mình. Cô không tin ai hết, ngoài mẹ ruột của mình.

Sân khấu cuộc đời

Được mời đi cái show này nhân dịp Tất Niên là vinh dự lắm. Người ta xếp hàng đầy ngoài đường mà vũ trường đã chật ních, mọi người ngồi lên nhau mà xem. Nghe nói nhạc thính phòng thì phải tới những chỗ như Music Hall, chứ sao lại vào vũ trường, vừa ăn chả giò vừa nghe nhạc? Bèn hỏi cô bạn chủ bút, nhạc thính phòng là gì? Cô giải thích là Chamber of Music, kiểu các salons thời xưa, họ mời một nhóm bạn tới nhà mình thưởng thức, có biết bao tài danh được lăng-xê từ những salons này ra. Biết vợ chồng nhà này hơi ngỡ ngàng với nhạc thính phòng, cô lăng xăng đi mua nước uống về cho anh chị, rồi biến mất. Cô có nhiệm vụ quay phim toàn bộ cái show để về xem lại, rút kinh nghiêm …
Còn lại hai vơ chồng bị tra tấn bởi giàn âm thanh tột cùng. Có thế mới át được tiếng cả ngàn người tán dóc. Ca sĩ cũng vì thế gào khản cổ.
 Mỗi người một tâm trạng, một công việc. Trên sân khấu tất cả đều rất bận rộn. Hát không xong, khán giả nó không thèm mua CD cho thì … lỗ. Ông chủ vũ trường lo lắm, lần đầu tổ chức nhạc thính phòng, kỷ niệm bao nhiêu năm lịch sử nhạc Việt Nam. Không thành công, thì không có lần thứ hai. Ông MC đang tức cái cô TTH tự nhiên lôi thằng em đỡ đầu lên hát song ca. Thằng mất dạy dám nhái giọng Khánh Ly, Tuấn Ngọc. May mà khán giả dễ tính vỗ tay khen trò hề. Khán giả khó tính họ thường giữ im lặng. Ông MC chỉ sợ chương trình bị đảo lộn vì ca sĩ trở chứng.
 Cô bạn ông MC quay phim mỏi cả tay. Cô chỉ muốn làm sao mang tờ báo của cô đem bán đươc cho cả ngàn người kia rồi đi về. Về nhà cô sẽ được trầm lắng bằng chính tiếng đàn piano của cô với những bản nhạc cổ điển xưa như trái đất.

Ánh đèn màu
Cô dâu cả được mẹ chồng giao sứ mạng tìm hiểu tình ý của đôi bạn, chào thua. Ngày mai đành thú tội là không dám hỏi, hay là cứ để chúng tự nhiên, con thấy chúng đang hạnh phúc có nhau, một câu hỏi không đúng lúc có thể phá vỡ… Cô chỉ muốn đi về thế giới riêng của mình, thoát khỏi cái thế giới âm thanh nghiệt ngã. Bóng đèn hình quả cầu lớn lấp lánh ánh đèn vẫn xoay tròn, xoay tròn. Hình như có bóng dáng người mẹ trong đó. Treo trên cao nhất, nổi bật nhất, lấp lánh, chói lòa, ôi những tham vọng của bà! Bà đã gặt hái được tất cả như ý bà muốn. Bà có thể biến tất cả thành những con rối dưới tay bà, trừ ông con út. Nó đã có lần giận bà mấy năm không gặp.
 Cô bỗng nhớ mẹ mình. Bà cũng có ước mơ, có tham vọng. Nhưng bà thương các con, bà biết chúng như bầy chim tung bay đi tìm tự do. Bà để chúng bay, và cũng như đàn chim di, mỗi chu kỳ, chúng bay về chốn cũ, nương náu dưới vòng tay che chở của bà.
Ngoài kia gió Xuân về tự hỏi mình ngồi đây làm gì nhỉ. À để làm vui trái tim một người mẹ.
 
Houston, 02/04/2015