Vườn Thái Phiên |
Một
trong những Bác gái của tôi có một nông trại trồng rau ở cách Dalat khoảng 8
km. Thời chúng tôi còn nhỏ, đây là nơi Bố Mẹ chúng tôi một đôi lần gửi con cái
xuống cả tháng vào dịp hè, còn không, chí ít một lần trong tuần, những gia đình
sống ở Dalat ghé xuống thăm.
Đường
đi đến nơi Bác ở, qua bao cảnh đẹp của Dalat, hồ Xuân Hương, khu nhà ga
xe lửa, khu Chi Lăng, đến hồ Than Thở, qua mấy dẫy nhà xây cho gia đình
sĩ quan của trường Võ Bị, rồi đến cổng làng, sừng sững trên cao với dòng chữ
"Ấp Thái Phiên".
Thời
lập khu dinh điền của cố tổng thống Ngô đình Diệm, và để xác đinh chính kiến
với phe nằm vùng suốt ngày quấy rầy dân chúng, làng còn được vây quanh bới hàng
rào ấp chiến lược.
Đến
bây giờ, ngay cả trong những lần nhớ về quá khứ, nơi chốn này hiện ngay ra
trong tâm trí tôi với con đường làng gập ghềnh ổ gà và bụi mù đất đỏ, bên phải
là những ruộng rau xanh theo tầng lớp xuống triền đồi, vắt qua ngọn đồi
đối diện, và tiếp nối đến tận chân ngọn núi Hồng Bồ xa xa dõi nhìn xuống làng
ấp êm đềm chung quanh. Bên trái là rừng thông bạt ngàn chen lẫn sắc hoa
sim cùng các loài hoa cỏ dại khác.
Hoa túc cầu |
Trước
cổng nhà Bác, lối đi vào nhà được viền hai dẫy hoa, có lúc là hoa túc cầu (
hortensia), có lúc là hoa chùm đại đóa màu xanh biếc chạy dài đến hiên
nhà. Trong lúc chờ các Bác dưới vườn đi lên, chúng tôi đã kịp chạy mấy vòng
trong khoảng sân, nơi có cây hoa lựu đỏ tươi, cây trái Phật thủ, cùng giống với
chanh, nhưng lại túa ra trên đầu những ngón tay vặn vẹo. Có cả một cây bưởi
trĩu trái, nhưng rất chua, chả làm được gì khác ngoài việc cắt vỏ cho khéo làm
thành một cái mũ đội lên đầu chơi, hoặc lăn trái trong sân thay thế quả banh.
Tôi
có ba người anh chị họ ở đây, sấp xỉ cùng tuối. Trong niên học, anh chị lên ở
nhà ba má tôi, nghỉ hè, anh chị trở về trị vì vương quốc của mình.
Chúng
tôi ríu rít lời chào hỏi với hai Bác, quăng vội mấy giỏ quần áo lên
phòng; rồi theo Anh Chị đi thăm viếng vườn đất. Con đường bên hông nhà dẫn qua
những vườn mận, mùa hè trái chín vàng phủ một lớp phấn trắng, cắn vào thì chua
ê cả răng, nhưng chúng tôi cũng không từ, leo lên hái vội vài trái, rồi tiếp
tục lên cao trên sườn đồi đến thẳng chuồng nuôi gia súc, nơi có bầy heo nái nằm
một cách lười biếng cho cả chục heo con rúc vào bú mẹ, thỉnh thoảng ụt ịt lên
vài tiếng, và nhướng cặp mắt ti hí nhìn chúng tôi. Mùi phân oải không làm chúng
tôi sợ hãi, chỉ chăm chú đếm tổng số heo lớn bé đang có trong chuồng. Chuồng gà
ở bên cạnh, ríu rít tiếng gà con quẩn quanh chân gà mẹ. Trước đôi mắt ngưỡng mộ
của chúng tôi, ba người anh chị họ hào phóng xông vào giữa bầy, bắt cho mỗi đứa
một chú gà con cầm... chơi, vuốt ve cho bằng thích, cho đặt tên, coi như tài
sản của riêng mình suốt những ngày ở đây (và tôi nhớ lúc đi về, cảnh chia tay
với gà hết sức bịn rịn không kém gì những phim tình cảm Trung Hoa thời đó!). Chuồng
vịt ở không xa, đầy những con vịt lông trắng toát, lạch bạch đi quanh chậu nước,
thỉnh thoảng rúc đầu vào tát nước lên mình một cách sảng khoái, bầy lẻ loi một
con với màu lông pha lẫn đen, không hiểu sao lại được chúng tôi đặt tên là con
" Sáu Cà", là tên của người thợ sửa xe, gần như là con nuôi của một
người Bác khác, có lẽ vì ấn tượng với bộ quần áo nhem nhuốc dầu máy xe và tật
nói hơi bị cà lăm của anh ta.
Vườn rau xanh ngắt một màu |
Hai
bác tôi để hết phía trên đồi cao để trồng cây ăn trái : mận, đào, chanh...Chắc
bán buôn cũng chả được là bao với lũ cháu xuống đây mùa trái chín, tấn công cây
trái không khác gì giặc châu chấu.
Sau
đó cả lũ tuôn hết xuống sườn đồi, băng qua con đường làng xuống ruộng vườn bên
dưới. Lại là một cảnh trí khác với những hộc nước được đào để chứa nước tưới
rau, đầy nòng nọc, và sẽ là hồ bơi thuyền (bằng một thau nhựa lớn) của chúng
tôi. Lần nào cũng phải vào vườn carotte nhổ một cây lên, rửa sơ qua, và cắn dòn
tan trong miệng dù chả đói kém gì. Những cây sú trắng, choufleur, salade
được trồng ngay hàng thẳng lối. Đất thịt đỏ thắm, không đến một cọng cỏ, nhờ
công lao nhưng người thợ được mướn chăm sóc hàng ngày. Dưới đáy thung lũng, là
một hồ lớn hình chữ nhật, đầy hoa súng và cỏ lau, chứa đựng bao nhiêu điều bí
ẩn với màu nước hồ lúc nào cũng xanh đen, nơi chúng tôi vẫn bỏ ra hàng
giờ để câu những con cá chép nhỏ, hay rình bắt những con chuồn chuồn đủ màu sắc
đậu trên những cành lau. Cuối ranh giới vạt đất của bác tôi, còn một hồ lớn nữa,
được trồng viền những đám mía voi sắc tím, là thứ giải khát chúng tôi rất
ưa chuộng. Bằng những đôi chân không mệt mỏi, chúng tôi còn leo tiếp lên
ngọn đồi trước mặt, ven theo ruộng vườn của nhà khác, như một lối tắt đi vào
trung tâm làng.
Thái
Phiên dạo ấy, không đến trăm nóc gia, phần lớn là người nói tiếng Huế và tiếng
Quảng Nam. Chỉ đâu chục gia đình thuộc gốc người miền bắc như bác tôi. Chúng
tôi đi xuyên qua làng với những lời thăm hỏi từ các quán xá ven đường :
" Con nhà Chính đi đâu thế hả?" để đến khu đât mới của bác tôi gần hồ
Than Thở. Đất chả có hàng rào phân chia lô, chả hiểu làm sao anh chị họ tôi lại
biết đât nào của gia đình. Đất chưa khai phá, đầy thông non. Mỗi đưa leo lên
một cây cao nhất theo sức mình để ... săn lùng ổ chim. Tôi thì thích xăm soi
dưới đất ngắm nhìn thềm thực vật với những bông hoa nhỏ xíu, những cây bắt ruồi,
những loại cỏ nâu, những loại lau lách bên những hục nước nhỏ, nơi có
những con nhện nước làm ảo thuật băng mình trên mặt nước như tia chớp ,cùng một
mớ nòng nọc lăng quăng lội với cái đuôi kỳ lạ của mình.
Hồ Than Thở |
Sau
đó phái đoàn còn men theo giòng suối nhỏ, băng vũng đất lầy để qua phía bên kia
hồ Than Thở, thử hết các vật chắn và cột leo trên bãi tập của sinh viên trường
võ bị quốc gia, lội thêm một mớ trong các vũng nước đọng, rồi mới quay về nhà
bằng con đường chính, rơi đúng vào bữa cơm đang đợi mình.
Buổi
chiều, chúng tôi tìm khe hở vượt qua hàng rào ấp chiến lược, leo lên các ngọn
đồi thông tìm sim và trái mát mát, hoặc đi theo một đoạn đường đất đỏ có dòng
người dân tộc đang trở về buôn làng ở đâu đó rất xa đàng trước. Có lần trời mưa
trong chuyến du hành này, chúng tôi chả ngại ngần gì ghé thẳng vào một vườn
tược gần đấy, hái một mớ lá môn làm dù che mưa. Con đường đất đỏ này nằm trong
tâm trí tôi như một đường đi không đến, vì chúng tôi lúc nào cũng bỏ cuộc nửa
chừng để quay về nhà.
Trường
Võ bị quốc gia nằm cách làng vài quả đồi. Chúng tôi khám phá ra nhờ những lần
đi tập lái xe gắn máy. Cả lũ nghịch ngợm leo lên cái xe Goebel, đứa cầm tay lái
ráng giữ thăng bằng cho đứa khác đẩy đằng sau xe lấy trớn sang số, lý do là
chân cẳng con nít còn ngắn quá không thể tự đạp xe để đề cho máy nổ. Sau đó, đứa
đẩy nhảy phóc lên ghế sau. Và cứ thế đi dài hết con đường cho đến hồ Than Thở.
Tắt máy xe quay đầu lại, hì hục đẩy tái diễn màn cài số xe, và vi vút đến tận
cùng con đường, nơi chắn sừng sững cổng trường võ bị quốc gia. Người lính gác
cổng nghiêm chỉnh nhìn chúng tôi, mỉm một nụ cười trước lời chào hỏi. Tôi nhớ có
lần xoay sở mãi trước cổng mà xe không nổ máy, cũng chả có ai ra la mắng đuổi
đi, chắc tại thời ấy, chưa có kamikaze!
Cổng trường Võ Bị Quốc Gia Dalat |
Những
buổi cơm tối ở nhà Bác, trong ánh đèn dầu vì có thời ở đây không có điện. Cả lũ
xơi tận tình những bữa cơm rau trái vườn nhà, lâu lâu được đệm thêm miếng thịt
nai hoặc heo rừng mua được từ những người thợ săn hoặc người dân tộc, và há hốc
miệng nghe bác trai kể lại thời oanh liệt của Bác, khi là lính ngự lâm của ông
Hoàng Bảo Đại, chuyên theo Ngài đi săn bắn ở Ban Mê Thuột. Kỷ niệm những lần
săn bắn ấy, Bác còn giữ lại cho mình hai cái gạc sừng nai trang trí trong phòng
khách, nơi lũ trẻ chúng tôi vẫn ráng ném từ xa các mũ đội đầu để được móc
vào sừng nai.
Ông
anh họ dẫn cả lũ lên lầu sau bữa ăn, thăm viếng mấy tổ chim én dưới rầm nhà, lôi
cả trứng chim ra đếm mặc chim mẹ kêu la. Sau đó là vào giường, êm ái chìm vào
giấc ngủ với tiếng chim rúc rích, và tiếng người lớn nói chuyện xuyên qua các
khe hở của sàn nhà bằng gỗ. Bóng tối tràn lan khắp nơi không làm tôi sợ hãi, vì
còn vài khung cửa sổ thi thoảng vẫn được thắp sáng lên nhờ ánh trăng.
Mỗi
ngày, đi lại qua ngần ấy con đường, ngần ấy ruộng vườn, thăm viếng ngần ấy súc
vật, nhưng sao chúng tôi không hề chán, có lẽ vì mỗi lúc, lại có một sự kiện gì
đó xen vào, chả hạn tìm được vài hang dế, nhổ được một củ carotte mọc dính liền
nhau, khám phá ra mớ nấm mèo mọc trên hàng rào ấp chiến lược ....
Cứ
như thế, mùa nghỉ hè hoặc những lần thăm viếng hai Bác êm đềm trôi qua.
Rồi
bất ngờ dừng lại, khi một tai nạn thảm khốc lấy đi hai anh chị họ, một chị khác
bị trọng thương. Chúng tôi biết tin ấy khi vừa đi học về. Cả nhà nháo nhào lên
và ngập tiếng than khóc. Người em gái út mất đi ngay tại chỗ, người anh
cả còn vẫy vùng kêu la suốt cả đêm dài trong bệnh viện rồi mới ra đi, người em
kế hôn mê ...
Hai
Bác mụ mị đi trước tin dữ, và quyết định mang các con về nhà, ở trong căn nhà
mới xây chưa kịp ăn tân gia. Bác gái vừa khóc vừa nhắn vơi chúng tôi :
"Các
cháu đến ở lại với Anh Chị mấy ngày cho ấm cúng nhà Bác".
Đường đến Thái Phiên |
Nên
cả lũ chúng tôi đến, xếp chiếu nằm ngủ mấy đêm liền dưới chân hai quan tài thắp
nến, trong căn phòng mịt mờ hương khói. Vẫn còn ngơ ngác với cụm từ âm dương
cách biệt. Cũng biết sợ với sự im lăng khủng khiếp của hai cỗ áo quan. Nằm sát
vào nhau, đẩy hai đứa con trai ra nằm hai mép chiếu. Và thấy lạnh, cái lạnh đến
từ cõi chết, dứt ra khỏi chúng tôi những kỷ niệm sôi động mới chỉ vừa cuối tuần
qua. Không đứa nào cất tiếng khóc, chỉ thấy tê tái trong lòng với ý nghĩ
những người bạn của mình bỗng dưng bị kết án dừng cuộc chơi lại, bỏ chúng tôi
mà đi, hoặc đang lặng lẽ nhìn chúng tôi quây quần, nhưng không còn cất được
tiếng nói nữa.
Cũng
đọc kinh cầu siêu, những dòng kinh bằng tiếng Phạn, đọc lên mà chả chuyên chở
một ý nghĩa gì để trấn an chúng tôi rằng hai Anh Chị sẽ nhờ vào đấy mà đi đến
thiên đàng, còn làm chúng tôi bật cười vào cái lúc không nên cười tí nào, chả
qua tại thằng cháu cứ gào váng lên một cách nghiêm chỉnh....
Cái
chết của hai anh chị gây một ấn tượng rất lớn trong thời niên thiếu của tôi, cho
đến tận bây giờ, ngày tháng ấy, tôi vẫn nhớ lại và thấy se lòng.
Chúng
tôi vẫn tiếp tục đến thăm gia đình Bác, và không thể quên hình ảnh của Bác gái
đứng trước cổng nhà dõi mắt nhìn chúng tôi đi. Vẫn nhớ những bữa cơm Bác xới ra
một mâm để trên bàn thờ, nơi có hình ông anh họ với đôi mắt "sọ dừa ",
và hình người chị họ với đôi mắt bồ câu, khuôn mặt xinh đẹp hay bị tụi con nít
lợi dụng làm "mỹ nhân kế " mỗi lần gửi đi mua me ngào của bà
cai trường Trần bình Trọng sau nhà. Bác thắp nén hương đặt trước
các hình, nói một cách tự nhiên :
"Các
em nó đến chơi với chúng mày kìa, Mẹ làm những món chúng mày ưa thích, có ngon
không đấy? "
Như
chả có gì ngăn cách Bác với những người con không còn lớn nữa.
Rồi
chúng tôi đi xa, rất xa. Hai Bác lần lượt qua đời, chúng tôi không có hình ảnh
để có thể đặt chung trên bàn thờ gia tộc, chứng tỏ sự thiệt thòi bác gái vẫn
hay bị trong cả cuộc đời của bác, so với các chị em gái khác . Người chị họ
sống sót, lập gia đình, từng cùng đi với tôi xuống Saigon để chữa bệnh hiếm
muộn, và sau đó, cho ra một lèo bốn mống con trai đã cùng với chị và ông
chồng gánh vác cơ ngơi vườn tược của hai bác để lại .
Lần
tôi về thăm nhà lần đầu sau 15 năm, ấp Thái Phiên vẫn đón tôi bằng con đường
bụi đỏ, nhưng không còn thấy những ô ruộng tầng lớp lẫn những đồi thông xa xa. Tất
cả đều khuất dưới những tấm nylon thay thế nhà kính, kéo dài khắp nơi, xấu một
cách khủng khiếp. Các nhà nông ở đây đổi qua phần lớn trồng hoa xuất khẩu.
Những đóa hoa cúc, hoa glaieul, hoa đồng tiền hàng hàng lớp, sặc sỡ, nhưng đẹp
một cách vô hồn. Thằng em tôi chắt chiu gửi về những giống hoa túc cầu
(hortensia), chắc để tìm lại lối vào nhà trĩu nặng những bông hoa loại này
trong trí nhớ, nhưng hoa không mọc lên được trong điều kiện dưới lớp nylon. Những
vườn cây trái trên cao biến thành vườn trồng cà phê, khu gia súc chỉ còn lại
vài con heo ụt ịt, bầy gà lao xao trong vườn, thêm bày ngỗng xà cái cổ
dài rượt đuổi chúng tôi trong vai trò canh giữ nhà cửa. Thế thôi, ruộng rau
xanh bị đẩy đi tít những tận đâu không biết. Người chị họ tôi đứng với đứa con
trai út, nhìn chúng tôi như những vị khách lạ, câu chuyện bỗng ngập ngừng, vì
hai cảnh đời chăng? Khiến chúng tôi cũng không dám đặt câu hỏi cái này và cái
kia giờ ở đâu.
Chuyến
về thăm quê hương lần ấy, để lại trong tôi những nỗi buồn hoài cổ, đến độ tôi
còn thấy mừng khi rời Dalat, rời Việt Nam.
Thái Phiên ngày nay |
Lần
về Việt Nam 2008, tôi lại quay xuống đây, ấp Thái Phiên. Tôi nhìn thấy mớ chén
bát rửa còn chưa ráo nước ở ngoài sân cho giỗ 49 ngày người chị họ, mất vì ung
thư phổi, chiến đấu can cường với căn bệnh cả năm trời, không chấp nhận cái
chết đến với mình khi con cái còn chưa trưởng thành, và còn bao nhiêu công việc
còn dở dang. Vì cái tội trồng hoa trong vườn rào kín nylon, và hít hết hóa chất
xử lý cây theo tiêu chuẩn phải không? Bàn thờ ngoài hình hai Bác và hình
hai người con không lớn tiếp, còn có hình chị họ tôi với nụ cười thiếu phụ tươi
tắn.
Tôi
nhìn người chồng và những đứa con phờ phạc vì những tháng dài vất vả, nhìn
ruộng vườn đã cầm cố hết để trả nợ, nhìn lối đi dạo còn hạn chế hơn nữa, vì
không còn là của nhà. Tôi dừng lại trong khoảng sân, vẫn còn cây lựu đỏ, cây
bưởi, và hàng hiên nơi đã có tấm hình chụp cả lũ quần áo xốc xếch, cười
toe toét khoe những hàm răng đứa nào cũng sún vài cái vào một mùa hè rất
xa xưa...Rồi quay người đi xuống cổng, làm như không nhìn thấy tấm bảng rao bán
nhà. Lúc này nước mắt mới bắt đầu tuôn rơi, cho một dĩ vãng đã qua đi không bao
giờ còn thấy lại.
Vĩnh
biệt ấp Thái Phiên, nơi đã trao tặng cho tôi những kỷ niệm làm đẹp hết cả thời
tôi còn ở quê nhà, vĩnh biệt hai Bác và những anh chị họ đã qua đời. Hiện tại
như một cánh cửa được khép lại, nhưng trong tâm trí , tôi vẫn nhìn thấy hiển
hiện trước mắt mình những ngày tháng êm xưa, và sẽ mãi mãi mang theo mình những
hình ảnh đó cho đến lúc trí nhớ bị phai tàn ...