Pages

Thursday, March 26, 2015

Ánh Hỏa Châu


Hỏa châu rực sáng một góc trời. Dưới đường tiếng người xôn xao, láo nháo vọng lên. Xe Jeep, xe Honda tới lui tấp nập từ Ty Cảnh Sát trên đường Trần Bình Trọng đổ xuống con dốc Yagut vỗn thường yên tĩnh suốt cả buổi chiều nay. Trời tối đã lâu, thế mà xe cộ vẫn còn qua lại ầm ì không dứt. Trên bàn thờ Phật, đôi cây nến đỏ lập lòe cháy, nhang khói cuồn cuộn, thơm lừng. Tôi ngồi thu lu trên góc ban công, khuất sau giàn hoa giấy rậm rạp, tay nắm chặt con voi đỏ nhồi bông gòn. Má xì xụp khấn vái hồi lâu bên bàn thờ rồi bước ra bảo tôi:
-       Nếu mình niệm đúng một trăm lần Nam Mô A Di Đà Phật thì tai qua nạn khỏi. Lạy trời khấn Phật xin phù hộ cho chúng con…
Rồi Má thở dài nhìn vào màn đêm bất an. Thế là tôi bắt đầu lẩm nhẩm câu kinh đầu tiên trong đời mình giữa ánh sáng chói lòa của hỏa châu, giữa tiếng súng đì đùng từng chập ở xa xa vọng về. Tôi chưa phân biệt được tiếng súng nào phe ta, tiếng nào phe địch. AK47 cắc bụp, cắc bụp hay M16 tạch tạch tạch, đối với tôi, đều mang đến cùng một sự chết chóc và chia lìa như nhau cả.  Điện đã bị cúp từ lâu. Chúng tôi lò mò trong ánh nến từ chạng vạng tối đến giờ. Ba bảo Nhà Đèn không có ai trực nên họ cúp điện luôn cho tiện. Đài phát thanh Dalat cũng đã tắt tiếng, cái tivi mất sóng, chẳng tiếng nói, không hình ảnh, màn hình đen ngòm. Cửa tiệm đóng cả mấy ngày nay, Ba ngồi nhà với cái radio cố dò làn sóng đài Voa hay BBC nhưng vô hiệu, chẳng nghe được gì ngoài tiếng nhiễu mạch rè rè.

Hôm trước tôi nghe Bác Tự nói với Má:
-       Thằng Mạnh tính lấy xe chở cả nhà nó chạy về Saigon, Cô Chú muốn thì cho hai đứa nhỏ đi, còn chỗ đấy.
 Má trả lời:
-       Thôi để chúng nó lại, biết có đi được tới nơi không. Tôi sợ lắm…
 Riêng tôi không thấy sợ, hồi hộp trong lòng thì đúng hơn. Tôi đang mong chờ một điều gì đó lớn lao xảy đến, và sẽ đến theo kiểu nào thì tôi không cách gì hình dung ra được. Chung quanh tôi mọi người chộn rộn, bồn chồn, lo lắng  như kiến vỡ tổ.

Từ dạo sau Tết đến giờ, thế giới trẻ thơ êm đềm của tôi có vẻ như không còn bình yên nữa. Nhìn nét mặt Ba Má tôi thì biết ngay. Biến chuyển thời cuộc thay đổi nhanh một cách đáng kinh ngạc. Tôi thường vẫn hay đọc báo cho Má tôi hàng ngày kiếm tiền tiêu vặt. Tôi đọc như một con vẹt mà chẳng hiểu gì mấy, đọan nào tôi không thích thì tự ý kiểm duyệt lọc bỏ, nhất là những khúc tiếng Anh rườm rà, tôi cứ thế phớt lờ nhảy cóc. Tội nghiệp Má tôi, thông tin thiếu hụt nhưng bà vẫn moi tiền trả tôi đầy đủ. Dù thích trang Bambi của báo Chính Luận hơn những bản tin chiến sự nằm chình ình trên trang nhất, tôi vẫn lơ mơ hiểu rằng sắp có đánh nhau to, rằng Việt Cộng đang ở đâu đây rất gần.

Ngày sinh nhật của tôi năm 1975 cũng là ngày mở màn cho cuộc tổng tiến công miền Nam do những người từ miền Bắc thực hiện, mà Ban Mê Thuột là thành phố đầu tiên hứng chịu nỗi kinh hoàng đó.
Ban Mê Thuột di tản



Buổi chiều đi học về, tôi đang ngây ngất với quyển sách Đỉnh Gió Hú thì cảm nhận được cả một bầu không khí nghiêm trọng trong nhà. Đầu tiên hết, Ba đóng cửa tiệm Nhật Tân về nhà sớm, rồi tôi thấy mắt Má đỏ hoe. Me và Bác Nội cũng lên nhà tôi, ngồi trong phòng với Má. Một lúc sau Bác Tự vào đến. Người lớn đóng chặt cửa ngồi trong phòng, lầm rầm với nhau. Lũ con nít chúng tôi bỗng dưng lặng lẽ một cách bất thường. Tôi và con em cũng thôi không gấu ó cãi nhau nữa. Tôi bỏ xuống bếp ngồi chơi với chị Hường, chị giúp việc trong nhà. Chị Hường bảo:
-       Ờ, ông bà đang lo cho cô Quỳ mà.
Tôi chợt nhớ ra bà chị tôi đang theo trường Caritas lên Ban Mê Thuột thực tập ngay sau Tết. Bà ấy thế là lọt thỏm vào giữa vùng loạn lạc đang đánh nhau chí mạng! Chiến tranh thực sự đã bắt đầu len lỏi vào nhà tôi và tôi được nếm mùi vị của nó bằng sự lo lắng không biết chị tôi đang ở đâu, làm gì trong cái lò lửa sôi sùng sục toàn đạn với bom đó.

Một hôm tôi bắt gặp bức ảnh đoàn người thất thểu chạy giặc trên quốc lộ 13, tuyến đường chính nối Ban Mê Thuột với Nha Trang, được đăng trên trang nhất của các tờ báo. Tôi cầm cho Má xem, Má lại nức lên:
-       Con ơi, Quỳ ơi!
 Má tôi cứ nước mắt giọt vắn giọt dài, nhờ chở bà đi khắp nơi để hỏi thăm tin tức. Ba tôi thì đóng cửa phòng lại, nằm khóc hờ “Con ơi, ối con ơi!” . Buổi tối cả nhà châu đầu xem tình hình chiến sự trên ti vi. Má bảo tụi mày nhìn kỹ xem có thấy nó không. Trong đám người chạy lọan, giữa muôn ngàn khuôn mặt lo âu thất thần, làm sao nhận cho ra chị? Dòng người như con sông lớn, cuồn cuộn đổ về phía xuôi, tay xách nách mang, túi bị lủng lẳng, chân thấp chân cao, mặt mũi vặn vẹo, mếu máo... Đàng  sau lưng họ, bầu trời vẫn rực đỏ màu lửa của đạn pháo xen lẫn màu đen cuồn cuộn của những đám cháy! Tôi còn nhớ hình ảnh bà mẹ trên đường chạy giặc, gặp đứa con trai là lính, đi chiều ngược lại, về nơi mà bà đã bỏ hết để thoát thân, về chốn chỉ có khói lửa, súng nổ, đạn bay và bom rơi. Hai mẹ con ôm nhau, chẳng ai nỡ dứt áo đi tiếp vì chia ly chỉ có thể là vĩnh viễn. Tôi đã bắt đầu hiểu chiến tranh là chỉ có chia lìa, như chị tôi với gia đình, như hai mẹ con người lính, như bao em bé lạc mất người thân kêu gào tuyệt vọng trên Đại Lộ Kinh Hoàng đó!
Đài phát thanh Dalat mỗi trưa, mỗi tối vẫn đọc lời nhắn với chị tôi “Con ở đâu cho gia đình biết tin gấp!”. Má tôi nghe rồi nghẹn ngào, Ba tôi không cầm được nước mắt, tuyệt vọng thở dài. Má tôi đến mức liều lĩnh tính mướn mấy người Thượng dẫn bà theo đường rừng lên Ban Mê Thuột tìm chị, nhưng khi nghe nói đến Fulro, bà chững lại.
Dạo đó nhà tôi cứ như là Tổng Ban Tham Mưu. Các ông bà bác xúm lại bàn luận chiến sự sau khi nghe BBC, Voa, bàn tán tình hình chiến cuộc cứ râm ran cả lên. Tôi, một con nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn, chẳng biết gì, thỉnh thoảng ló đầu vào phòng nghe ké. Được dăm phút tôi phát ngấy với những từ “Việt Cộng”, “Mặt trận giải phóng”, “Du kích”…Và rồi một hôm tôi nghe thấy chữ “di tản”.

Đà Nẵng di tản
Sau Ban Mê Thuột, đến lượt miền Trung rúng động. Huế rồi Đà Nẵng thất thủ, thêm một dòng người chạy trốn Việt Cộng tuôn về phía Saigon, bằng đường quốc lộ, bằng đường hàng không, bằng đường tàu  bè, bằng tất cả mọi phương tiện tìm ra được. Mọi đau thương chết chóc trên những con đường máu và nước mắt đó làm Ba Má tôi suy nghĩ đắn đo rất lâu cho hai từ “di tản”, hay nôm na hơn, chạy giặc.
Một hôm ông anh họ tôi là phi công tất tưởi chạy đến nhà tôi bảo Cô Chú cho các em về Saigon, Dalat sắp bị bỏ ngõ rồi. Má tôi chỉ kịp bảo chị tôi thu vén quần áo rồi đi ngay, vì chị sẽ phải thi tú tài Pháp, về Saigon chắc còn kịp thi, ở Dalat trường ốc đã đóng cửa, chẳng còn ai dạy dỗ cái gì. Chị hốt hoảng theo anh họ ra phi trường Cam Ly rồi bay về Saigon. Ở nhà lúc này chỉ còn Ba Má, tôi và con em mà thôi. Chị Hường đã xin nghỉ việc về quê cả mấy tuần trước, mặc cho Má tôi cản bảo ở ngoài Trung đang đánh nhau to, về làm gì. Chị khóc lóc:
-       Ở ngoải còn má con, con không về, ai dẫn bả chạy giặc?
 Má tôi thở dài, ừ thôi về đón bà ấy vào đây vậy. Ba Má tôi vẫn kiên tâm nấn ná cố thủ Dalat chờ đợi tin tức của chị tôi ở Ban Mê Thuột. Ông bà một phần sợ bỏ về Saigon, chị mất dấu vết tìm lại gia đình, phần khác còn cửa tiệm rồi nhà cửa, đâu thể phút chốc phủi tay mà bỏ hết cho được?

Ba tôi củng cố quyết định của mình bằng cách nhờ Ông Cai sau nhà đào giùm nhà tôi một cái hầm. Miệng hầm gần bể nước, kéo dài chữ chi đến tận cây ổi. Đám con nít tròn xoe mắt, căng thẳng chờ ngày căn hầm hoàn tất, cả lũ kéo vào thắp nến lên chơi trò buôn bán, nấu cơm trong bóng tối, chẳng sợ mùi đất ẩm ướt và tỉnh bơ coi thường những con rết dài ngoằng. Ông Cai còn dặn tụi tôi:
-       Vào hầm chơi nhớ coi chừng rắn!
Huế di tản
Nghe nói rắn kỵ với xả, tụi tôi nhảy ngay xuống vườn nhà bà Dét nhổ trộm vài củ xả đem bỏ trong góc hầm, thế là yên tâm vào chơi tiếp.
Ba tôi dùng một tấm tôn lớn làm cửa hầm, cuối chân hầm là một cửa nhỏ thông lên được Ba đậy bằng một tấm tôn khác. Má tôi khệ nệ mang vào hầm một thùng giấy đựng vài ký gạo, một cái nồi nhọ nhem, hộp quẹt, đèn dầu và bình nước. Tôi giúp Má mang vào theo một hai cái mền mỏng và tấm chiếu. Má bảo phòng khi không trở vào nhà được hay nhà bị cháy mình không chết đói. Tôi nhìn căn nhà hai tầng màu vàng nhạt, không cách nào tưởng tượng ra được cảnh nó sẽ chìm trong biển lửa!

Trường học đóng cửa từ lâu. Tôi và con em lơ phơ lất phất chơi rong cả ngày. Má bắt tụi tôi lấy sách ra đọc nhưng có được chữ nào vào đầu! Những buổi tối học thêm với Ba cũng bị bãi bỏ từ lâu, Ba không còn hồn vía đâu mà dạy chúng tôi nữa. Một tối Má đưa cho tôi một cái ruột tượng tự tay bà may, bảo tôi quấn quanh bụng xem có vừa không, rồi Má bảo bà sẽ bỏ cho tôi một chỉ vàng và nhét đầy gạo vào đó. Má còn cẩn thận viết địa chỉ của chị tôi ở Saigon vào mặt trong của cái ruột tượng. Chưa hết, Má bọc hai bản sao giấy khai sinh của tôi và con em trong bao ny lông nhét luôn vào đấy. Má bảo nếu lỡ đêm hôm phải chạy loạn, nhiệm vụ của tôi là vớ lấy cái ruột tượng này mà đeo vào bụng, vật bất ly thân của tôi phải giữ cho kỹ. Nhưng nhiệm vụ lớn hơn thế nữa là phải theo sát con em, hai chị em không được để lạc nhau. Bình thường tôi và nó cãi nhau như quạ không mỏi miệng từ sáng đến tối, tự dưng tôi được trao trách nhiệm nặng nề như thế, nó cũng nể tôi một phần, vùng vằng bảo được rồi nó sẽ đi theo tôi.  Má bảo tôi lấy cái cặp đi học, bỏ vào đó vài bộ đồ, quyển vở, bút thước, chờ nếu ông anh họ bay lên Dalat được lần nữa, Má sẽ cho tôi và em tôi theo ông ấy về Saigon. Tôi nhớ tôi đã cầm cái áo dài trắng của mình nhét vào cặp, ngộ nhỡ về Saigon đi học lại, tôi có áo mà mặc. Vài ngày trôi qua, chuyện ông anh họ lái máy bay lên được Dalat là chuyện không tưởng, Má không nói tôi cũng biết. Tôi lẳng lặng treo cái áo dài lại vào tủ và cất cặp đi.

Dalat di tản
Buổi tối hôm đó sau khi lầm rầm một trăm câu kinh với Má, và ngồi một lúc nữa trên ban công, Má bảo tôi đi ngủ. Cả ngày tôi và em tôi lăn lộn ngoài căn hầm với trò chơi mua bán bằng lá dâm bụt với hoa bìm bìm, người mệt nhoài nên giấc ngủ đến rất nhanh. Tôi đang say giấc thì giật mình choàng tỉnh vì một tiếng nổ ầm rất lớn, cửa kính rung bần bật, cả căn nhà rên lên. Tôi hốt hoảng ngồi vùng dậy. Má tôi đã đứng ở cửa mùng, ra sức lôi em tôi ra và bế nó lên tay. Má tôi hét :
-       Chạy vào hầm mau!
 Ba tôi đã đi trước, tay cầm cây đèn dầu, ngoái đầu lại quát chúng tôi:
-       Nhanh lên!
Tôi vội vàng nhảy ra khỏi giường, không kip xỏ chân vào đôi dép, đành quơ lấy cầm trên tay, rồi vơ cái ruột tượng được nhét dưới gối, lật đật chạy theo Má. Đến cửa bếp, tôi thoáng thấy bóng mấy người nhà Ông Cai đang nhấc hàng rào vào vườn nhà tôi. Tôi hốt hoảng nói với Má:
-       Con John! Má! Con John!
 John là con chó berger coi nhà rất hiệu quả, tôi không thấy bóng dáng nó đâu. Tôi gọi toáng:
-       John! John!
 Hết hồn hết vía vì những tiếng nổ liên tiếp, nó chui xuống dưới gầm cầu thang trốn, thấy tôi gọi nó phóng vụt ra rồi nhảy vào hầm cùng lúc với tôi. Ba tôi chỉ chờ có thế để đóng ụp cái tấm tôn lại. Ông Cai cầm sẵn cây đèn pin, rọi đường cho tụi tôi lom khom đi vào tuốt bên trong. Em tôi thì thầm:
-       Chết rồi, không có dép!
 Nó được Má cắp trên tay nên không kịp mò đôi dép Nhật của mình. Má suỵt bảo thôi không sao đâu. Nó ngồi thu lu trên cái chiếu Má trải ra, mắt nhắm mắt mở, mặt còn ngái ngủ. Tôi ôm con John, im thin thít trong một góc, không dám hó hé vì sợ Ba tôi đuổi John ra ngoài. Bà Cai thì thào:
-       Trời đất, còn mang chó vào hả!
 Má nạt nhẹ:
-       Thôi kệ nó đi!
 Một lát sau có tiếng Bác Hiện gọi ngoài cửa hầm. Ba tôi đẩy tấm tôn ra đón nhà bác vào. Căn hầm chật chội hẳn, tôi và John lại càng ráng thu nhỏ hơn nữa. Tôi nghĩ đến con mèo. Bây giờ mà bảo phải đi ra tìm con mèo, mọi người sẽ mặc sức mà quát tôi! Ông Cai mở hé tấm tôn đậy nắp hầm phia sau cho thoáng. Trời Dalat tháng Tư lạnh buốt, phả hơi sương ẩm ướt vào căn hầm. Tôi bỗng run lên vì sợ nhiều hơn là vì lạnh. Đàn gà trong chuồng lục đục, sục sạo. Những tiếng nổ ầm ầm làm chúng tỉnh giấc và bắt đầu kêu quang quác.
Người lớn thầm thì:
-       Pháo kích ở Cam Ly!
-       Nổ kho đạn bên Tiểu Khu!
-       Hồi chiều tui thấy lính bỏ chạy hết rồi!
-       Tụi Võ Bị rút đi hết hôm qua!
-       Trên Ty Cảnh Sát không còn một ai…
-       Có ai thấy Việt Cộng về không?
Con trai lớn của Ông Cai là nhân dân tự vệ, con trai lớn của Bác Hiện là giao liên Việt Cộng. Đêm đó, cả hai ông đều náu mình trong căn hầm chật chội của nhà tôi, vẻ mặt lầm lì, không nói không rằng. Chẳng ai biết được hai ông nghĩ cái gì.

 Những tiếng nổ ầm ầm vẫn tiếp tục dội về. Mặt đất rung lên từng chập. Thỉnh thoảng Ba tôi hé cửa hầm nhìn ra ngoài. Bầu trời chớp đỏ lóe sáng một góc phía Cam Ly. Dalat đang hấp hối.


Sương trắng
Ngồi đến năm giờ sáng, tiếng nổ chậm dần và ngưng hẳn. Nhà Ông Cai rời hầm trước tiên, sợ nãy giờ ngồi trong này, nhà cửa bỏ chạy không kịp khóa kẻ trộm vào. Tôi nghĩ, kẻ trộm nào còn hồn vía mà lấy cắp được cái gì trong buổi tối đó. Sau đó nhà Bác Hiện cũng rút về. Ba tôi bảo ngồi thêm một lát nữa rồi  mới cho Má và chị em tôi ra khỏi hầm, lò mò đi vào nhà lại. Điện vẫn chưa có, tôi đi theo ánh đèn dầu của Má, trở lại căn giường giờ đã lạnh ngắt. Con mèo trong góc bếp thò đầu ra nhìn tôi. May thật! Tôi sợ nó hoảng tiếng nổ, bỏ chạy lung tung rồi bị lạc.
Sáng hôm đó Dalat thức giấc với màn sương trắng êm ả và bình yên như thường lệ. Những hạt sương nặng rơi rụng trong ánh nắng lấp lánh như những giọt pha lê. Dalat của buổi sáng ngày 2 tháng 4 năm 1975 là một thành phố vô chính phủ, Việt Nam Cộng Hòa bỏ chạy, Việt Cộng chưa vào đến. Cả thành phố đóng cửa im lìm. Mọi người nhìn ngó nhau ngơ ngác. Tôi nhớ ngày hôm  sau những người thân Cộng (Má tôi gọi thẳng toẹt là đám ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng Sản) cùng với các Cha bên nhà thờ và các Thầy bên chùa phải lái xe jeep xuống Đức Trọng bắc loa gọi có ông Việt Cộng nào không về tiếp quản Dalat. Quốc lộ 20 về Saigon đã bị cắt, đường đèo Ngoạn Mục cũng không đi lại được. Dalat bị cô lập hoàn toàn và thất thủ vào tay Việt Cộng rất dễ dàng. Sau này đọc báo bên thắng cuộc,kể chuyện các sư đoàn Việt Cộng kéo quân ồ ạt tấn công Dalat từ ngả Bảo Lộc, Di Linh lên, từ Trại Hầm đổ qua, tôi chỉ có thể nói:
-       Xạo!

Số phận của từng người dân Dalat, hơi thở của cả thành phố Dalat đã bắt đầu khác đi rất nhiều sau cái đêm hỏa châu sáng lòa đó.

Má tôi lúc ấy trạc tuổi tôi bây giờ. Tôi thường hay hoảng lên mỗi lần gọi điện thoại cho hai thằng con mà không thấy chúng trả lời ngay, tôi lo ngay ngáy không biết chuyện gì xảy ra. Má tôi khi ấy có bảy người con, qua một đêm đạn pháo rực trời, năm đứa lớn thất tán ba bốn ngả, chỉ còn hai đứa nhỏ nhất bên cạnh. Tôi có hỏi Má làm sao sống nổi qua những ngày những đêm với năm đứa con không biết trôi nổi ở đâu, lưu lạc chốn nào. Má bảo Má không biết, lúc đó đầu óc rối mù, nhớ gì nghĩ gì làm nấy, không còn suy nghĩ kỹ được cái gì cả. Má sợ lắm, mất ăn mất ngủ, lo đến quặn ruột nhưng không biết phải tính toán ra làm sao, đành phó mặc cho trời vậy. Còn Ba, nếu có những nếp nhăn mới hằn trên mặt hay một mảng tóc bạc trắng vì những ngày này, tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên.

Lưu lạc
Tôi ngày ấy mười hai tuổi. Bốn mươi năm sau tôi ngồi viết những dòng này, trên thế giới vẫn còn hàng triệu đứa trẻ nửa đêm bị đánh thức bởi tiếng bom đạn, tất ta tất tưởi chạy vào căn hầm ẩm ướt mà không hiểu vì sao lại có chiến tranh, vì sao người với người mãi cứ nhẫn tâm nhả đạn giết chết nhau cho kỳ được. Đêm hỏa châu ấy đẩy tôi về phía bên thua cuộc, dù vậy tôi vẫn mừng vì ít nhất trẻ em Việt Nam thôi không còn nhếch nhác, lếch thếch chạy theo bố mẹ trên những con đường di tản đầy máu và nước mắt, trẻ em Việt Nam cuối cùng có được một giấc ngủ tròn đầy không còn tiếng bom, tiếng súng đánh thức chúng dậy một cách phũ phàng nữa, và trẻ em Việt Nam thôi không còn ngơ ngác bên những xác người nằm xuống, tuyệt vọng gào khóc gọi cha gọi mẹ. Bốn mươi năm rồi, ánh sáng của hỏa châu đã phai mờ dần trong ký ức, nhưng tiếng rì rầm đọc kinh cầu an của hai mẹ con trên ban công đêm nào và màn sương trắng của Dalat vào rạng sáng ngày hôm sau vẫn còn đọng mãi trong lòng. 

 

Lan Hương

Fort Worth 03/25/2015

3 comments:

  1. Hay tuyệt! Một khúc ngoặt của lịch sử, một turning point của đời người. Tuổi teen trong chiến tranh và hòa bình ... Lũ con mình có lẽ sẽ tự ngẫm their life is so booorrring in USA!
    Quynh

    ReplyDelete
  2. Excellent memories, i wish i could write down one day mine too.
    the first news i got from these events was the lost of Ban-Me-Thuot, when reading 'herald Tribune' from trash bin in an office somewhere near Sablon, at this time, i did office cleaning job after office working hours. Then suddenly i told to myself, .. But Quy is in BMT ? then since that day, i collected all the Herald Tribune from trash bin to follow up the end of the VN war.

    Qui

    ReplyDelete
  3. Vậy mới thấy là lúc ấy tao vô tư, không biết những gì ba má và hai đứa em làm gì ở Đà Lạt những ngày ấy. Giờ đây nghĩ lại mới thấy thương ba má nhưng chỉ là được coi như đạo đức giả. Những lúc chửi cha mắng mẹ có ai nghĩ đến cái lo quặn thắt trong lòng của ba má những lúc giặc giã mà phải lo cho chừng ấy đứa con? Nước mắt chảy xuôi...

    ReplyDelete