Pages

Friday, March 20, 2015

Khởi Xuân (Hương Quỳ)


Cái mắt cá chân bị trật vì tội tự té trên piste trượt tuyết khiến tôi phải dừng lả lướt trên các triền núi. Tính hay đi bị nhốt ở trong nhà, chịu sao thấu, nhất là với một tuần lễ trên núi cao, được  trao tặng bầu trời xanh biếc hòa với màu trắng của tuyết trùng trùng điệp điệp khắp nơi. Cái hạn phải bị trẹo chân theo tôi để chơi một vố chót vào ngay chiều 30 tết, khiến tôi không còn khả năng leo tuốt lên đỉnh núi cao để đón giao thừa. Nhưng lại phải quay qua cám ơn đứa  em lần này lựa ngay cái nhà ở dưới chân núi, cho bà chị còn ngồi được ở balcon ngập nắng ngắm nhìn dãy núi to sừng sững trước mặt mình, ngắm đoàn người muôn màu sắc tô điểm khắp nơi. Ngồi chán, tôi ráng đi cà nhắc trên con đường mòn ven theo dòng suối không bị đóng băng, uốn lượn qua các khu nhà nghỉ, thơ mộng ra trò với những cành cây còn đọng đầy tuyết trắng. Đâu đó trên đường đi hoặc dưới mái nhà, nghe tiếng chim hót lảnh lót, dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân.

Trở về lại Bỉ, trời cũng bắt đầu nhiều nắng, đã đến lúc thu dọn lại cái sân thượng nhỏ bé của tôi nơi đầy chậu hoa lớn nhỏ các cỡ đang  rụi đi hết với những tháng lạnh vừa qua.

Xưa kia, người hàng xóm già sau lưng nhà tôi tự đóng lấy một chuồng chim lớn, đầy những con két và những giống chim khác đủ màu sắc. Các đàn chim khác tự do bên ngoài cũng kéo đàn kéo lũ đến ăn ké nhưng thức ăn của chim vung vãi trong lồng. Ăn no xong, chim bắt đầu cất tiếng hót, khiến nhiều buổi sáng nằm êm ấm trong mền, trong tôi bỗng dậy lên cảm giác  êm đềm vì biết dù bầu trời còn đang ủ dột hoặc rả rích mưa, thì mùa xuân đã đến đầu ngõ. Chim cũng không phải ngoan hiền như các thiên thần đâu, vì chúng còn đến xới tung các chậu cây của tôi vừa được thay đất mới. Đặc biệt có giống chim nào đó quyết định chọc tức tôi bằng cách chọn đúng một chậu hoa để đào bới tan hoang. Đến cả chục lần với cuộc chiến thầm lặng đã từ mùa thu, chim bới ra, tôi trồng lại. Mỗi lần đi làm việc về, cây lại tơi tả khắp nơi, tôi cũng bõ công đào xới đất trong chậu để giải tỏa thắc mắc sao chim chỉ chọn đúng chậu này  dù không thấy  bóng dáng một em sâu đất nào cả mới lạ. Lại trồng lại, cẩn thận úp một cái rổ lên. Hôm sau rổ đi đàng rổ, cây đi đàng cây. Mà cả cây hoa này cũng lì lợm không kém, sau bao nhiêu lần bị mất "nhà ở ", vẫn xanh tươi lá, mọc thêm mớ rễ non để chống chọi với...đời. Tôi quyết định rào lưới quanh chậu, yên ấm được một thời gian, không biết rằng  lưới đang được dần dần nhấc lên một góc! Tuần rồi cây chuẩn bị đơm hoa cho nắng xuân đang tràn đến, thì lại tả tơi khắp nơi trên sân. Tôi tức quá, lấy luôn một ngày nghỉ ngồi rình. Mấy con chim bồ câu mập ú  trên nóc nhà hàng xóm gần đó, nghiêng ngó mắt nhìn tôi, xong thản nhiên êm ấm trong tổ, như xác định với tôi "Không phải chúng em đâu" . Tôi nhìn mấy thân hình ì ạch, chắc không đủ sức đứng vững trên thành chậu, nói gì đến chuyện đào xới. Một mớ chim sẻ bay ngang, chao lượn, nhưng không dừng bên bất cứ chậu đất nào. Sau rốt thủ phạm xuất hiện. Một con chim đen mỏ vàng như quạ, nhưng nhỏ hơn, đến hân hoan đào xới văng tít mù trong chậu cây mà không nhặt nhạnh gì hết. Tôi xuất hiện, chim vụt bay đi, không nghe thấy tôi nhắn với theo là lần sau chim còn mò đến, sẽ được xơi một viên đá vào mình. Chậu hoa được quăng vào thùng rác, từ đó, không thấy nó xuất hiện nữa. 

Gần nhà tôi, có một công viên khá rộng, nhưng hồi mới dọn về đây ở, tôi rất hiếm khi đặt chân vào. Có lẽ do kỷ niệm một lần đi dạo, mấy chú chó được thả lỏng quay vào cắn nhau, rồi các chủ của chó cất cao giọng còn hơn cả tiếng sủa. Tôi tránh đám cãi nhau, mắt lấm lét, chỉ sợ chó nhìn thấy tôi, buồn tình rượt theo cạp một miếng, lại lãnh vài chục mũi thuốc vào da bụng để ngừa chó dại thì kinh lắm, nên không đi vào công viên nữa. Chỉ mới gần đây, trên đường đi đến các sân tennis, tôi mới thấy công viên đẹp ra trò  với  những lần thay lá hoặc những lần tuyết rơi.

Lần này, trên đường đi tập thể dục cho cái  chân đau, tôi quyết định đi vào đấy tìm dấu hiệu mùa xuân đến. Niềm hân hoan trổi lên khi ngay bãi cỏ trên lối vào, vẫn còn lại vài bụi hoa xuyên tuyết ( perce neige ) với  màu trắng đơn sơ, mong manh, nhưng lại là loại hoa đầu tiên dám vươn mình lách qua thềm lá mục, khi tuyết vừa tan đi. 

Theo dốc đồi đang tràn ngập nắng, là crocus và narcis, những củ màu nâu xấu xí, ngủ hết mùa đông, thu nhặt không biết từ những nguồn dự trữ nào trong đám đất đông cứng, chỉ đợi một vài hôm ấm trời, sẵn sàng tung ra những cánh hoa đậm màu tươi tắn.  

Những cánh đồng bạt ngàn sắc hoa vàng của Jonquille đã từng làm tôi mê mẩn trong phim Docteur Jivago, tôi đã tìm thấy ở đây. Thành phố còn mạnh tay trồng suôt dọc những bãi cỏ trống trên đường vào thành phố, chỉ một vài tuần nữa, hoa sẽ rung rinh trong gió như lời vẫy chào những dòng xe cuồn cuộn vào trung tâm, tự nguyện hay bắt buộc vào điểm đến như nước được đổ qua phễu vào một cái lọ khổng lồ.

Xưa kia còn ở quê nhà, nhân một dịp bị bắt đi trồng cây hoa anh đào Nhật (hình như trong phong trào trồng cây để nhớ ơn Bác Hồ), chung quanh cơ quan tôi làm việc. Tôi trồng cây, mơ mộng đến một ngày kia, cơ quan mình sẽ nở hồng rực rỡ tháng đầu năm. Thực tế chả có đến một cây nào sống sót, chắc vì không biết cách chăm sóc sau khi trồng. Còn mỗi cây mimosa được tôi bảo vệ khỏi những nhát cuốc xới làm vườn tăng gia sản xuất cho đơn vị, đã biến thành một tàn cây lớn, nở hoa tươi tắn vài năm sau.

Tôi cũng từng mơ mỗi con đường ở Dalat sẽ mang tên một loại hoa chứ không cứng nhắc tên của các bậc anh hùng. Qua đây, ước mơ của tôi thành sự thật, nhờ những bước chân lang thang qua các khu phố quanh nhà, mới biết có một góc phố nhà cửa xinh xắn được chăm sóc chu đáo, chỉ mang rặt tên những loại hoa: đường Pensée , đường Magnolia , đường Mimosa ... 

Kiến trúc nhà ở Bruxelles muôn hình muôn vẻ, nhà tôi ở, lại là một trong những phường có kiến trúc nhà đẹp nhất của thành phố. Thuở hoàng kim của đầu thể kỷ thứ 19, các thương gia tụ họp về đây, cửa ngõ  phân phối hàng hóa vào trung tâm thành phố, nên hình ảnh tượng trưng cho nơi đây là con lừa (cité des anes ), tiếc rằng hình ảnh tượng trưng cho khu phố được vẽ trên tường ngôi nhà ngay ranh giới chia các hạt, tôi chưa kịp đi chụp hình, thì nó vừa biến mất để thay thế cho một khu nhà mới. Thỉnh thoảng trong tuần, một cỗ xe có lừa  hoặc những con ngựa già đáng lẽ phải kết thúc đời mình trong lò sát sinh, được kéo đủng đỉnh qua các đường phố quanh công viên để nhặt những bao rác từ vườn tược của dân bỏ ra. Tôi thắc mắc với chi tiết người ngồi chăn dắt lừa ngựa không biết tại sao vẫn phải đội mũ bảo hiểm? Với vận tốc 10km/giờ, té đi đâu được chứ ?

Thành phố tôi ở chưa đến độ tràn ngập dân số, nên chưa nhiều lắm những khối chung cư nhà ở, như tôi vẫn nhìn một cách hãi sợ khi đang đi trên vòng đai của thành phố Paris . Thăm Bruxelles có lúc cần đi bộ để từ tốn ngắm nhìn, những đường nét uốn lượn mềm mại trên những balcon bằng sắt hoặc các khung cửa gỗ theo mẫu của Horta, những kiến trúc của vùng Normandie, của thời Victoria bên Anh với các khung cửa phòng khách được xây lồi ra theo hình bán nguyệt, hoặc những khung kính màu vẽ hoa hay hình người màu sắc hết sức hài hòa của trường phái art décor. Chứ đâu lại chằn chặn một kiểu giống hết nhau màu đã xám như thành phố Edinburg ở Scottland, hoặc vô cảm như những khối nhà xây to lớn vuông vức của thành phố Berlin sau chiến tranh.

Tôi sẽ có những người bạn từ xa đến thăm, với mức độ đạt kỷ lục đi hết các thành phố lớn của Âu Châu trong vòng một tuần lễ, tôi tự hỏi lòng, người bạn nào sẽ tìm được thời gian đi theo tôi với những bước chân thong thả qua các con đường, để  tôi chia xẻ những màu sắc hình hài nhà cửa, những ô gạch men đủ màu sắc gắn trước các cửa nhà nghệ nhân, những hàng rào cây houx cổ xưa cùng thời với nhà cửa xây dựng, đầy trái đỏ mỗi lần Noel đến. Chả có, bằng chứng là tôi vẫn độc hành ...

 Mùa xuân, cũng được báo hiệu bằng các lễ hội hóa trang (carnaval), khới đầu từ thành phố Louvière, mới giữa tháng giêng đã trống kèn um sùm để xua bóng tối mùa đông. Ở đây có nhân vật hóa trang Gilles đã đi vào di sản của Unessco. Tôi đến đây tình cờ một lần cùng với hội đi bộ ngày chủ nhật, thấy cũng chỉ muốn nhảy múa theo tiếng guốc gỗ nện nhịp nhàng và vòng lục lạc đeo quanh bụng Gilles reo lên từng hồi vui vẻ.

Kỷ niệm của gia đình tôi, có lẽ là Carnaval của thành phố Halle. Phần lớn là trong cái lạnh còn cắt da hoặc những cơn mưa phùn nhẹ của tháng 3, kéo dài cả ba ngày. Đám xe hoa rước qua con phố chính sặc sỡ màu sắc và inh ỏi tiếng nhạc, quăng cho đám đông một cách hào phóng kẹo, cam, hoặc những đám giấy confetti như những đám mây muôn màu. Những đoàn majorette múa với đồng phục điển hình cho từng vùng, tung những cây gậy múa và chụp bắt lại một cách nhịp nhàng theo nhịp trống vẫn làm trên môi mình bỗng toét ra một nụ cười hớn hở không duyên cớ. 

Và không thể không nhớ đến chợ bán giống hoa ở Halle. Mỗi sáng thứ năm hoặc sáng thứ bảy hàng tuần. Hàng hà sa số hoa, moi hết không biết bao nhiêu tiền của chị em tôi, năm nào cũng hăng hái mua, hăng hái trồng trong căn vườn rộng của nhà Ba Má tôi, cho thỏa với ước mơ vườn tược dạo tôi còn phải ở tuốt tầng hai  nhà chung cư, chỉ có mỗi một rẻo balcon nhỏ treo  được đúng hai chậu hoa! 

Giờ thì tôi đã có thêm một căn nhà đồng quê, lúc tuổi đời mình cũng đang muốn xế chiều. Nên đã biết nhìn xa cho chục năm nữa, sẽ có lúc không còn tự chăm sóc được  vườn tược. Các hàng rào được chặt cho thấp xuống, trồng hết cả vườn loại hoa rụi đi vào mùa đông, nhưng sống lại vào mùa xuân. Vậy mà lúc nào cũng tiêu tốn hết một ngày weekend để đào xới và nhổ có dại với một cái lưng và hai đầu gối bắt đầu kêu mỏi, và mỗi lần đi qua khu chợ này, vẫn ngứa tay mua dăm ba loại hoa trồng chỗ này và chỗ kia như một thói quen không bỏ được.

Lần lang thang hôm nay, tôi còn rơi vào một đám ồn ào với rượu bia và quần áo toàn một màu xanh lá cây để kỷ niệm lễ Saint Patrick của Irlande. Lại nhớ đến vài năm trước, với chuyến đi camping nhớ đời trong một làng da đỏ tại Grand Canyon.

Grand Canyon ... đến nơi vào buổi tối, nhìn hình vidéo của đứa em đến trước quay với cảnh tuyết đang rơi vẫn không hình dung được. Chỉ đến sáng hôm sau, bước chân ra khỏi nơi ở, ngỡ ngàng với cả một khung cảnh hùng tráng hiện ra trước mắt mình. Tuyết rơi đêm hôm trước đọng trên các cành cây chênh vênh trên bờ vực. Màu đá đỏ của các khe núi đẹp đến thắt lòng, và dài đến hút tầm mắt. Đến lúc theo đoàn đi camping đi xuống đáy hẻm núi, nhiệt độ khác nhau cả 18 độ, áo sống cởi ra vác theo rã rời cả tay. Đường đi dài mãi không đến, nhưng không lả lơi vì nắng và không khát nước cho mấy vì hẻm núi tạo ra đầy bóng dâm. Tôi đi với cảm giác bỗng dưng mình bị thu nhỏ lại, và đang lang thang ở đáy một cái chai khổng lồ !!!!

Sau bao ngày nằm lều và tắm suối, dòng suối với màu nước xanh dương rất lạ, và những lần đi dạo quanh làng người da đỏ, cũng nhìn thấy mùa xuân đang đến trên những cây đào trổ hoa cạnh những bụi gai màu xám. Tôi cũng có lần ngồi trên một bờ đá bên đường, nhìn khoảng trời cao xanh ngắt cắt theo hình hẻm núi, nhìn những chiếc máy bay trực thăng đến và đi để chuyên chở hàng hóa, nhìn những bóng người ngồi bất động trước cửa nhà, không biết đã tỉnh chưa sau chầu rượu tối qua, bỗng thấy mừng vì mình chỉ đến rồi đi, vì cuộc sống ở đây sao như ngừng trệ lại. Chúng tôi theo con đường tải hàng và thư từ của đoàn lừa để leo lại lên trên, và chỉ cần vài tiếng đồng hồ lái xe sau đó, chúng tôi đã  về đến chốn phồn hoa Las Vegas tràn ngập ánh đèn.

Ngày lễ mừng thánh Patrick tôi biết được khi ở gần một khu du lịch ở Las Vegas. Buổi sáng đi thăm đập nước Hoover Dam hùng vĩ, nơi đã ngăn dòng sông Colorado ngừng chảy, nghĩ đến dòng sông Cửu Long bên quê nhà với đập thủy điện của Tàu ở trên cao. Lúc nào cũng phải có một bên lãnh thiệt thòi, số phận của những kẻ thấp cổ bé miệng, lịch sử đã chứng minh. Buổi chiều bước vào cửa hàng bán lưu niệm, chỉ thấy toàn màu xanh  lá cây được bán giảm giá, mới biết có ngày lễ này.

Đất trời chuyển mình, thay màu áo mới, khiến trong lòng ai không muốn cũng như vạn vật, gỡ bỏ những vướng víu muộn phiền của quá khứ, của những ngày tháng qua, để phơi phới lòng xuân cho những ngày sắp đến, những chuyến đi sắp đến, đi đến mọi chân trời góc biển, sau lại ngộ ra, cái mình muốn tìm kiếm, hóa ra lại ở rất gần, như ý nghĩa của những ngày khởi xuân, có kẻ bước qua mà không để ý tới, nhưng tôi, mùa xuân nào cũng là một mùa xuân đem đến biết bao rộn ràng.

 Hương Quỳ

Bruxelles (18/03/2015)

No comments:

Post a Comment