Pages

Tuesday, March 10, 2015

Bao nhiêu tuổi là già?


Mình xem hình mọi người qua Facebook, qua Picasa, thấy anh chị mình ai cũng có một vầng hào quang màu trắng quanh đầu. Mọi người hóa thành thiên thần  vào cái lúc nào thế nhỉ? Không lẽ người gởi rảnh rỗi xài Photoshop để tặng thêm vầng hào quang không tốn tiền cho mọi người? Đành lôi cặp kính xuống lau, chớp mắt mấy cái cho bụi ghèn trôi sạch, tiện tay lau luôn cái màn hình máy tính,  rồi nhìn kỹ lại. Ối trời, đấy là những mái tóc đang ngả màu thời gian, nghĩa là từ muối tiêu đang biến dần thành tuyền màu muối trắng! Mình  thở ra nhẹ nhõm, chí ít họ không phải là thiên thần chắp cánh sau lưng nhìn mình từ thiên đường. Và rồi mình hít vào nghe nặng trong tim. Chúng ta, thì thôi, đã già rồi. Tóc mình lật lên cũng đầy những sợi bạc con con, và nếu có con mắt sau gáy, sẽ nhìn thấy vô số những cọng tóc bạc lấp ló không cách gì dấu diếm được. Một buổi sáng soi gương, tháng thốt thấy những vết nhăn chung quanh mắt. Và khi xem hình mình chụp dạo gần đây, thấy mình càng ngày càng giống Má với đôi mí mắt đã bắt đầu sụp xuống và hai nếp nhăn quanh mũi rành rành ra.  
Mình cảm biết là tuổi già đang đến khi mà gọi về hỏi thăm mọi người thì thấy không người này cũng người kia bắt đầu khai đau lưng, đau chân, đau vai, nhức mỏi toàn thân. Cứ như Má mình ngày nào vậy. Mười cuốc điện thoại gọi về thì y như mười cuốc mình nghe Má ca cẩm cái vai với cái tay! Và nhất là câu kết luận như đinh đóng cột của bà: uống thuốc mãi mà chẳng bao giờ khỏi được! Thiên hạ xung quanh bắt đầu càm ràm về sức khỏe trái nắng trở trời thay vì chuyện con cái với lại công việc. Và gần đây nhất, tin mọi người đi ski té oành oạch, từ Mỹ sang Đức đến Bỉ. Toàn là tự dưng không đâu ngã bổ chỏng, chẳng ma nào tông trúng cho có chuyện đổ hô. Thôi đành phải tự hiểu, mắt đã đi đàng mắt, chân đã đi đàng chân, trí óc làm việc chung với chân tay trật đường rày, dây thần kinh từ não đến chân tay hỏng hóc đâu đó mất tiêu rồi, chỉ trật mất một phần ngàn giây thế mới ra nông nỗi té trật mắt cá, sưng đầu gối. Nặng như chị họ phải chống nạng, nhẹ ngồi nhà nghỉ tennis như chị mình, riêng cái đầu gối của mình thì vẫn ca cẩm đình công mỗi khi chạy bộ. Hoặc nếu chúng ta chưa té nhưng đứng trên đầu dốc ski slope, nhìn xuống tự dưng thấy hoa mắt, chân tay bủn rủn, thì hiểu thủng ra là cái gì cũng có tuổi tác của nó! Dũng khí một thời son trẻ đã qua, chỉ còn tuổi già, chân hễ hổng mặt đất là run bần bật, thấy đường trơn láng, toát mồ hôi không biết nên đặt chân trái hay chân phải xuống trước, thấy vũng nước to to, sợ không đủ sức nhảy qua  được.  Ấy là mình luận theo Ba Má mình, bảo ông bà đi lên dốc hay đi xuống dốc, ông bà tự dưng chậm hẳn lại, mỗi bước chân đặt xuống đã có một tí suy nghĩ đắn đo cẩn thận.

 Mình nhận ra thời gian trôi qua không thương xót khi vào tiệm ăn đèn đuốc lù mù cực kỳ thơ mộng, riêng mình cầm tờ menu vật vã chịu chết không đọc được chữ nào! Tự nhủ lần sau đi ăn tiệm phải mang theo thứ nhất là cái kính lão, thứ nhì là cái đèn pin, khi đó mới có thể gọi đồ ăn mà không cần phải đoán mò, hoặc nhờ thằng con đọc giùm. Nó nhìn mình cứ như mình ở hành tinh nào khác đến. Chẳng lẽ nó không biết, thì có một ngày nào đó mẹ nó cũng phải già đi chứ? Có lẽ nào chúng ta cứ dừng lại ở tuổi cách đây 10 năm, 15 năm, hay thôi vậy, năm năm về trước? Cái làm mình hơi buồn với đôi mắt là tốc độ đọc sách của mình đã chậm hẳn lại. Chắc chắn là mình không phải vừa đọc vừa đánh vần, nhưng mà ngày xưa một tuần đốt hai ba cuốn là chuyện thường, còn bây giờ mãi có một cuốn hết hai tuần mà chưa xong. Chẳng phải truyện dở, có điều đọc lâu đâm mỏi mắt, choáng váng mặt mày. Chuyện này khá lạ vì lúc trước chẳng bao giờ xảy ra cả. Mình sẽ đổ thừa cho sách in chữ nhỏ quá, đèn trong phòng không đủ sáng, kính không đủ độ, vân vân.  
Ừ, dăm năm về trước phóng xe trên xa lộ vù vù, mình coi trời bằng vung. Còn bây giờ rón rén bật đèn signal cả đỗi, quay đầu tới lui muốn trặc cần cổ, mà xe chậm chạp mãi không sang làn đường được đến nỗi xe sau phát cáu tặng ngay cho một hồi kèn! Rồi sẽ đến một ngày nào đó, một đứa lái xe trẻ tuổi nhìn mình thốt lên “Má Hai ơi, ở nhà giùm cho rồi chứ lái xe làm gì cho kẹt đường người ta!”. Đó là câu mình thường nói khi vượt qua một con rùa được điều khiển bởi Méme’ hoặc Pépe’ tóc bạc trắng phau, mặt mũi âu lo căng thẳng. Còn chưa bằng sau khi nghe tin chị mình tông gốc cây, ngày hôm sau đi làm, mình lái cứ như thể mới ra khỏi nhà thương, hồn chưa về lại với xác. Tốc độ bình thường mình hay tự tặng cho mình thêm 5 miles chạy vèo vèo, nay giảm xuống dưới vận tốc giới hạn đến những 3 miles để cho xe sau bực bội nhấn ga vượt mặt! Nhìn chung quanh mình cảm thấy chóng mày chóng mặt vì xe cộ ào ào không dứt. Gặp khúc đường kẹt xe lại thở phào nhẹ nhõm, yên tâm đủng đà đủng đỉnh lít nhít trên xa lộ! Cả như ngày xưa, đố đứa nào dám cắt ngang trước mặt mình!  Tuổi già ôi thôi thế là bắt đầu ngả xuống đời mình rồi.

Dăm năm về trước, đi làm mình là đứa tích cực. Mọi projects lớn bé mình đều xung phong nhận, rồi thì đi sớm về trễ, tự nguyện làm thêm thứ bảy chủ nhật cho kịp. Còn bây giờ ấy à? Chỉ cần giữ mình lại sau 5 giờ chiều khoảng 10 phút là mình đã nhăn nhó, bực tức, đừng nói gì đến chuyện làm thêm weekend! Các projects nóng hôi hổi ấy à? Còn khuya mình mới tình nguyện lãnh. Boss muốn mình làm thì cứ ấn vào tay, đừng có mà mơ mình tự vơ vào nữa. Rồi một hôm mình lẩn thẩn ngồi tính xem nếu mình nghỉ hưu sớm, mình sẽ được lãnh bao nhiêu tiền một tháng. Sau mười lăm phút cộng trừ nhân chia, so sánh tới lui, mình thở dài xếp cuốn Cẩm Nang Cho Người Về Hưu lại, rồi quay về đời thường, cắm mũi vào mớ codes rối bời bời. Trời đất ạ, còn lâu lắm mình mới có thể nghỉ làm mà vẫn được ăn lương hưu đầy đủ. Ngoại trừ mình tính sống thật thanh đạm cơm cà mắm muối , nhất quyết không được ốm đau gì sất, rồi đừng nói đến ski với Caribean Sea với lại Belgium, thì mới có thể ngồi nhà viết chuyện phiếm lúc này được. A lê hấp, tiếp tục “sáng vác ô đi chiều vác về” vậy nhé. 
Già Joel trong nhóm của mình còn khoảng một năm nữa về hưu, ngày ngày lão đi làm cho có tụ, đủng đỉnh như đi chơi, không có gì gấp gáp vội vàng, đến nỗi giao việc cho lão, phải lựa những việc nào không cần kíp lão sẽ tà tà làm cho xong. Mới có tám giờ sáng lão đã tuyên bố huyết áp của lão lên vù vù vì chịu nhiều áp lực công việc quá. Buổi trưa lão gác chân lên bàn, ngồi đánh một giấc, boss lớn boss nhỏ đi ngang qua, vừa rón rén khỏi phá giấc ngủ của lão, vừa lắc đầu lia lịa. Bốn giờ chiều lão xem đồng hồ thở dài sườn sượt đến tận năm giờ. Cái lão-không thể-đuổi-việc ấy khi về hưu thì từ trên xuống dưới ai cũng mừng, mọi người thở phào, nhất là mình, vì mình không phải cáng đáng thêm việc của lão nữa. Biết đâu đến một ngày nào đó, một đứa khác cũng nhẹ nhõm cả người khi mình về hưu, vì cuối cùng thì là con mụ ấy cũng phải ngồi ở nhà cho được việc đi chứ! Mình chưa đến nỗi gác chân ngủ trưa như Già Joel, nhưng khoảng hai ba giờ chiều, mình phải kiếm chuyện gì khác để làm, ví dụ như viết những dòng chữ này, còn nếu không đầu mình sẽ bổ xuống keyboard mất. Rồi đến tối ấy hả, mắt mũi thao láo, đếm cả hàng mấy đàn cừu mà vẫn không ngủ được. Nằm chờ giấc ngủ tự nhiên đến là cả một chuyện cực kỳ khó dã man. Mình đã uống từ trà artichaud đến trà xanh, qua trà ô long, xuống trà hoa cúc, đủ loại trà giúp cho giấc ngủ, chẳng ăn thua gì. Coi như mất ngủ là bệnh Má để lại cho làm kỷ niệm.


Trong những triệu chứng tuổi xế bóng, mình ớn nhất là chuyện không nhớ để cái gì ở đâu. Mình chưa đến nỗi tung tóe đi tìm cặp kính trong khi đang đeo nó trên mắt, nhưng lắm lúc không cách nào nhớ ra cái cell phone đang ở chỗ nào. Phải lấy điện thoại nhà gọi cho nó rồi nương theo tiếng nhạc mà lôi cái cell phone không từ trong túi tennis thì cũng trong túi áo khoác, hay vùi lấp giữa đống bao bọc đi chợ. Cũng may mà chưa lôi ra từ tủ lạnh! Lâu lắm rồi mình có xem một bộ phim khá hay, nói về người vợ bị bệnh Alzeimer, ông chồng tận tình giúp đỡ, chăm sóc bà hết cách. Triệu chứng mà ông ấy biết vợ mình mắc bệnh này là một hôm sau khi lau rửa chén đĩa sạch sẽ xong, ông thấy bà xếp chúng gọn gàng vào tủ lạnh để cất! Thế rồi một hôm mình cầm cái tô sạch đem cất vào microwave! Tích tắc sau đó mình ý thức được việc mình đã làm và toát mồ hôi hột! À, thôi thì tóc cứ bạc, mắt cứ không cười vẫn có hai ba đuôi, nhưng mình chưa có chuẩn bị cho bất kỳ cái gì gọi là hội chứng kinh khủng Alzeimer với lại Dementia đâu nhé, mặc dù mình vẫn thường xuyên đi quanh nhà tìm kính mát, kính cận, kính lão. Nhưng khi nào mình bắt đầu lẩn thẩn kể đi kể lại mãi một chuyện thì nhớ cho mình biết với!
Nhờ Facebook mình biết mình cũng ngày sinh với hai ông anh họ khác. Một ông đã gia nhập đội ngũ hàng tỉ tỉ ngôi sao lấp lánh trên trời, mỗi một linh hồn là một vì tinh tú mà lị, còn ông kia chỉ vì nhỏ hơn mình một tuổi, nên từ nhỏ đến tận bây giờ, mình  tuyệt nhiên chẳng bao giờ gọi ông ấy là “anh” cả, chỉ mày tao chi tớ rất đỗi thân tình thôi. Mình nhớ sinh nhật mười hai tuổi, ông ấy mua cho mình cuốn Đỉnh Gió Hú làm quà, sau khi mình đã lôi ông ấy ra cái xe bán sách nhỏ tí trước cổng trường Hùng Vương, chỉ tận nơi cuốn sách mình muốn. Thôi thì ngày này tự chúc mừng mình và hai ông anh kia. Dù sao chăng nữa, mình sẽ cố gắng để nốt nửa phần đời còn lại, mình sẽ là một trái táo tàu nhăn nheo trên sân tennis, tay run run cầm vợt, hoặc trên yên xe đạp, dù thấy dốc là hoảng, hoặc trên đường chạy bộ, dù chạy chậm rì rì, chứ không làm một bà già cù rù ngồi bên bếp lửa, nhiệt độ mới tuột xuống 60oF đã lôi mền điện ra đắp!

Chúc mừng sinh nhật cho những ai sinh ngày 10 tháng 3 và những ai đã qua cái đoạn  “over the hill” nhưng vẫn còn đủ minh mẫn và kiên nhẫn tự tìm ra cặp kính hay chùm chìa khóa vứt đâu đó! Ha!

Fort Worth 03/10/2015

No comments:

Post a Comment