Pages

Wednesday, May 27, 2015

Bạn đến chơi


Bạn từ Cali sang chơi. Mang theo 6 cái giò chả cột dây ba màu khác nhau, 100 cái bánh nậm và 50 cái bánh bột lọc ở dạng đông đá cứng ngắc làm quà cho dân Texas, nhét chật tủ lạnh. Bạn sợ đồ ăn Việt bên này không được ngon, mình cản hết sức bảo ở đây bây giờ cũng như Cali, người Việt và tay nghề nấu ăn cũng chẳng thua kém gì, và nếu ai có tinh thần chủ nghĩa dân tộc cao vút có thể tự đấm ngực xưng xưng bảo còn ngon hơn cả Cali nữa là đàng khác. Nhưng thôi, Little Saigon nói tiếng Việt xoen xoét khắp hang cùng ngõ hẻm khu Phước Lộc Thọ, được thành lập ở tiểu bang Cali đã là niềm tự hào cho mọi dân Việt lang thang đất Mỹ, và vô hình chung cũng  tạo thành thương hiệu đồ ăn Việt ngon nhất nước Mỹ rồi, khỏi mắc công tranh cãi làm gì.
 Nhưng hơn hết thảy, bạn mang lại cả một khung trời kỷ niệm đến với mình. Kỷ niệm những năm hoa mộng học trò, thời áo len vàng váy xếp ly xanh Hùng Vương, thời xắn quần lội nước ở trường Việt Anh những hôm mưa lớn, thời Lam Sơn cuốc đất trồng khoai, và nhất là thời Bùi Thị Xuân với tuổi mới lớn dậy thì.
Thật ra bạn sang cùng với gia đình đông đảo của bạn, mục đích đi ăn đám cưới thằng cháu ở Abilene. Bạn dò tìm thành phố Abilene trên Google, thấy Fort Worth nằm trên đường đi đón dâu, thế là bạn ghé nhà mình ở 2 đêm 2 ngày. Anh chị em cháu của bạn, và ngay cả bạn nữa, là những người duy nhất gọi tên mình đầy đủ với cả chữ lót. Mình nghe tên mình mà cứ ngỡ như tên ai! Cái tên ngày xưa nghe nói Bác Tự đặt cho mình vì Ba chỉ muốn đặt tên con gái cực kỳ đơn giản là Hoa, là Huệ nhưng Má đã gạt phắt đi. Cái tên đầy đủ hai chữ của mình này đã lâu lắm rồi mình mới được nghe lại, ngay cả ông chồng hay anh chị em mình cũng không bao giờ xài đến chữ lót hoa mỹ của tên mình. Còn Ba Má thì sau khi để bằng được chữ “Thị” trên giấy khai sinh khẳng định mình là con gái, rồi có gởi thư cho mình cũng tự động cắt mất chữ “Thị” luôn, nhưng ít nhất chữ lót còn lại vẫn hiện diện trên các phong bì. Khi lấy chồng, mình đổi họ Phan thành họ Nguyễn. Nhưng đối với Ba Má, mình muôn đời là con nhà họ Phan, thế nên chẳng bao giờ tìm được một bức thư nào gởi cho Nguyễn Lan Hương từ Ba hay Má cả.   

Gặp bạn và gia đình bạn ở phi trường, một số người mình quen, một số người mình ngờ ngợ thì câu đầu tiên được nhắc nhở giới thiệu là “tiệm Nhật Tân đó”. Mọi người đều ồ à lên “Tiệm Nhật Tân hả? Thế thì quen quá rồi. Anh/chị nhớ chứ sao không? Anh/chị xuống đó mua sách mua vở, mua lưỡi câu hoài mà”. Thế là ngoài giò chả chất đầy trong tủ, bạn mang lại cho mình hồi ức về tiệm Nhật Tân mà từ hồi nào đến giờ nằm ngủ yên ấm trong tâm tưởng của mình cùng với hình bóng của Ba Má mình. Nhật Tân ngày nay là một khách sạn bốn năm tầng, ngất ngưởng bóng loáng cửa kính. Nhật Tân của tâm tưởng mình là một tiệm bán sách nhỏ, đơn giản với hai tủ kính hai bên, một tủ kính lớn nằm chính giữa, tủ nhỏ bán lưỡi câu để bên tay mặt. Mỗi khi ra trông hàng với Ba, mình hay ngồi đàng sau cái tủ nhỏ này trong khi Ba đứng ngồi tuốt trong góc tiệm. Ngày xưa khi chưa làm cửa kéo bằng sắt, mình nhớ Ba phải vác từng tấm gỗ có đánh số thứ tự hẳn hoi ra lắp vào đường rãnh để đóng cửa tiệm. Và tận bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn còn nằm mơ thấy căn phòng nhỏ đàng sau quầy để tiền, nơi Ba cất hàng hóa. Căn phòng có một khung cửa sổ nhỏ xíu nhìn ra mảnh sân nhỏ xíu, rọi một thứ ánh sáng lờ mờ vào các kệ để hàng phủ một lớp bụi mỏng. Mình hay lẻn vào đây lục lọi, sờ mó các thứ trên kệ, mặc cho từng đám bụi bung lên mỗi khi mình ráng mở nắp một cái thùng giấy, hay giở đến một chồng sách cũ. Mình còn nhớ đến cả hai trụ cột thấp xây xi măng trước cửa tiệm, Má bảo để chặn xe tuột thắng dốc Duy Tân không đâm thẳng vào cái tủ gương! Mình chẳng biết điều đó, chỉ biết leo lên, leo xuống không biết mỏi trên hai cái trụ này. Mình còn rủ anh chị em họ mình chơi trò ma da lên bờ nữa kìa. Đứa nào leo lên được một trong hai cột trụ coi như thoát nạn ma da kéo cẳng!  

Mình hỏi thăm bạn ngôi nhà xưa của bạn. Bạn bùi ngùi bảo đã bán lâu rồi, nhưng hồi năm nào có về thăm thì thấy nó nhỏ tí, không hiểu làm sao ngày xưa chứa nổi khoảng gần 15 mạng anh chị em và ba má bạn. Riêng cái lối vào nhà chật chội, sao hồi đó bạn thấy nó to và rộng rãi lắm, phóng xe đạp, xe Honđa ào ào mà chẳng sợ va quẹt vào cái gì. Mình nhớ cái bếp nằm ngang của nhà bạn lúc nào cũng có một cái gì đó sôi lục bục trong nồi, và một trong những bà chị của bạn lúc nào cũng ở trong bếp nấu với nướng rất bận rộn. Rồi trí óc tụi mình rủ nhau qua nhà số 7 với cây ổi sau nhà. Bạn bảo ngày đó đến nhà mày sợ nhất là con chó nhưng không cản được đám tụi tao đến leo cây đào đầy sâu lông và mái chuồng gà sau vườn. Đã bao buổi chiều bọn mình ngồi trên mái tôn chuồng gà, vừa gặm ổi vừa dõi mắt nhin sang bên kia đường Yersin. Nắng nhạt chiếu xiên vạt rừng, mùi ổi chín thoang thoảng, và tụi mình nói chuyện đủ thứ trên trời dưới đất, đủ mọi chuyện lan man của trường lớp, bè bạn. Thuở ấy không có internet, chẳng computer, chẳng smart phone, bạn đến chơi nhà không mời Coca Cola, chẳng mang ra bánh trái, cứ thế dẫn bạn thẳng ra cây ổi, rồi cả đám thay nhau ngước cổ dáo dác tìm ổi chín. Hái được trái đầu tiên, hào phóng chia cho bạn trước như một món quà thân tình tuổi nhỏ dành cho tuổi nhỏ.  
Bạn xưa

Suốt hai ngày, tụi mình xưng mày tao và toàn nói chuyện trường xưa bạn cũ. Đại loại như “Mày có nhớ con..thằng..không? Bây giờ nó ở…đang làm…” không ngớt. Hai đức ông chồng ngồi nghe như vịt nghe sấm. Thuở áo vàng Hùng Vương của tụi mình, một ông đang ở Couvent des Oiseaux chơi nhảy dây với con gái, ông kia ở Saigon làm bạn với Ba Tàu Chợ Lớn, chẳng chen được vào chỗ nào trong cái đám bạn bè xưa rích của mình. Bạn cho mình xem hình cả bọn năm lớp năm. Ảnh trắng đen đã phai mờ theo năm tháng. Những khuôn mặt non nớt kia làm sao gọi cho được ai là Trang ai là Phượng ai là Vân, của ngày hôm đó và ngay cả của ngày hôm nay?

Bạn và mình làm bạn với nhau từ thuở học lớp năm, lớp sáu trường Hùng Vương. Bạn có một trí nhớ tuyệt vời về những người bạn xa xưa. Bạn nhắc tên bạn học cũ, mình nghe ngờ ngợ nhưng không cách nào moi được trong bất kỳ một nếp nhăn của trí não nào hình ảnh người bạn ngày xưa cùng lớp cùng trường, đành ngượng ngùng thú nhận “Tao nghe tên thì quen, nhưng không cách gì nhớ mặt mũi ra sao”. Bạn nhắc nhở đến tên Thầy Cô cũ. Mình chỉ nhớ cô Phương chủ nhiệm năm lớp sáu mà cả lớp thường trù ẻo mỗi khi cô đến dạy trễ “Lậy trời cho gió đông sang, cho cô trúng gió cho con được về”. Thầy Nhơn giám thị “ác” có tiếng, cô Tứ hiệu trưởng có hàm răng hô mà đám học trò ác miệng bảo nhau nếu trời mưa, chỉ cần đứng dưới hàm răng của cô chắc chắn không bị ướt! Rồi thầy Lân dạy vẽ, thầy Phong năm lớp 5, ông thầy Pháp già lớp hai chuyên môn đá đít bọn con trai, xoắn tai bọn con gái. Rồi thôi, trí óc mình ngừng cộng tác để bật ra thêm bất kỳ một cái tên nào.

Thầy Doãn trong ban giám hiệu trường Lam Sơn
Bạn chuyển sang thời Lam Sơn và tự hỏi sao ngày đó đi học không sợ. Mình thắc mắc sợ cái gì. Bạn bảo cái trường đó âm u, nằm dưới chân ngọn đồi Domaine de Marie, chung quanh chẳng có gì cả, toàn rừng thông. Bạn “chỉ” cho mình nhớ ngôi nhà hoang gần trường nơi tụi mình hay vào thám thính, chẳng thấy gì ngoài mấy bãi phân bò, phân người thối hoắc và những khung cửa vỡ tối om, lạnh lẽo. Bạn nhắc đến cô Thoa với lối giảng dạy “rất mới” thời đó: không được học thuộc lòng, vì kết cuộc sẽ như một con vẹt kiểu “Rắn là một loài bò. Rắn là một loài bò. Sát không chân. Sát không chân”. Hay cô Cúc dạy toán với áo dài tím thướt tha, tiếng Huế nhẹ nhàng, mỗi khi có giờ dự thính, cô khi nào cũng bảo mình lo học trước vì cô sẽ gọi mình lên trả bài. Ông thầy Chiến hiệu trưởng là bộ đội chuyển ngành. Sau giờ học, ông ngồi xổm nấu cơm trên bậc thềm, lũ học trò tinh ranh chờ ông đi khuất vào phòng, nhào ra tắt bếp của ông cho nồi cơm chương lên. Ông nhảy bổ ra, tiếng Nghệ trọ trẹ chửi đám học trò rắn mắt rồi lui hui nhóm lửa lại. Mình còn nhớ những buổi chiều lao động trồng khoai, bọn mình ráng đi sớm để ghé nhà bà dì của bạn thăm cây ổi đá. Trái cứng ngắc ném bể đầu nhưng tụi mình vẫn nhiệt tình leo hái trong khi bà dì chắc lưỡi “Ăn chi cái thứ đó con! Coi chừng té lòi chân! Con gái con đứa!” Nhắc đến Lam Sơn là nhắc đến thầy Doãn, vừa là thầy toán của mình năm lớp tám vừa là ông anh họ. Có ông anh họ cùng trường đã ớn, lại còn dạy học mình nữa thì càng đáng chán hơn. Vì mình chỉ sợ ông ấy méc Ba méc Má mọi việc mình không nên làm ở trường. Gần cuối kỳ thi lớp tám, mình xuống nhà Bác Nội chơi, Bác nhờ mình xỏ kim vì mắt Bác nhìn không rõ nữa. Mình hào phóng ngồi xỏ luôn cho Bác hơn mười cái kim với chỉ màu trắng màu đen để sẵn. Thầy Doãn đi họp về thấy mình cặm cụi xỏ kim, bảo mình, này đề thi cuối năm nay có muốn xem không. Sau đó mình mang cái đề thi này chia xẻ cho đám bạn thân. Kết quả khỏi phải nói, đám mình được điểm tối đa. Thầy Doãn biết thừa nhưng không nói gì.  

Mới đây mình tìm lại được, đúng hơn một bạn học khác ở Lam Sơn tìm lại được mình trên facebook, gởi hình cho mình xem. Thú thật mình vẫn không thể tưởng tượng được ngày xưa lớp chín chung trường, bạn mình ra sao, làm gì, nhà ở đâu. Bạn facebook này đã thành bà nội, có cháu nội đích tôn mới lên hai. Nhìn hình bạn, mình vẫn chịu chết, chẳng thể nào nhớ được bạn ngồi ở đâu trong cái lớp chín của mình trong khi bạn kể về mình vanh vách: tóc ngắn, nói tiếng Bắc, nhà trong khu Hoàng Diệu…Trí óc mình vẫn đặc sệt với khuôn mặt ngày xưa và ngày nay của bạn, đành tự an ủi, biết nhau cùng lớp thế là đủ làm bạn facebook rồi.

Bùi Thị Xuân xưa
Khi trí nhớ của tụi mình chán chê với Lam Sơn, bạn đổi tần số sang Bùi Thị Xuân. Cái này thì dễ nhớ hơn một chút mặc dù đã có những cái tên, những khuôn mặt mình đang quên dần. Chẳng hạn như Thắng Điệu. Nghe tên thì quen, nhưng khi gặp lại người thật ở Dallas cách đây mấy tuần, cả mình và nó nhìn nhau không cách gì liên tưởng được khuôn mặt ngày nay với khuôn mặt cách đây 25 năm! Dù vợ chồng nó đãi cả nhà bạn và cả mình một bữa sushi chật bụng, mình cũng không tài nào nhớ nổi khuôn mặt của nó ngày xưa trong những lớp học hay sân trường Bùi Thị Xuân. Cảm ơn bữa sushi thịnh soạn nhưng mình biết mình sẽ không bao giờ gặp lại nó nữa.
Bạn nhắc đến thầy Ngọ, ông thầy dạy Thể dục của tụi mình. Thầy Ngọ ngày xưa có dạy  ở Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân trước năm 1975. Thầy bây giờ đã 85 tuổi, mắc bệnh ung thư. Gia cảnh thầy khá bi đát. Một trong các con trai của thầy cũng đang bị ung thư. Vợ thầy bị trí óc không phát triển được gọi một cách văn hoa là thiểu năng trí tuệ, nên chẳng giúp đỡ, chăm nom gì được ai, ngay cả chính bản thân bà cho nên các con gái của thầy phải lo chăm sóc mẹ. Nghe tin này mình không khỏi xúc động. Ngày xưa giờ thể dục của thầy, đám con gái chạy ì ạch khi nào cũng bị thầy hét sau lưng “Chạy gì mà chậm như rùa!” rồi thầy thổi còi toét toét ra điều bực tức lắm.
Bạn nhắc đến những buổi họp mặt gia đình Bùi Thị Xuân. Mình chợt thấy lòng dửng dưng chứ không rộn ràng cố tìm bất kỳ một hình bóng thân quen, một ký ức vỡ vụn nào. Cái gia đình đó, mình có cảm tưởng mình chẳng thuộc về nó nữa. Mình đã đi xa khỏi nó quá lâu rồi, đến nỗi đường quay về trở nên mờ mịt, cổng trường vụt trở nên xa tít tắp. Bùi Thị Xuân đã thế, huống chi những ngày họp mặt của cựu học sinh Hùng Vương. Ngày rã trường, mình đang ở lớp sáu, chẳng nhớ gì nhiều. Có nhớ chăng là tháp chuông cao vút, thư viện nằm bên kia sân trường, nhớ tầng bốn được đồn thổi có ma, không dám héo lánh mò lên, nhớ những lần ra chơi, mình tha thẩn ra tận hàng rào phía Hồ Xuân Hương đi tìm hoa quỳ vàng, nhớ những cây xá xị bị đám học trò bóc vỏ trơn láng trước dãy lớp bốn. Và chừng đó nỗi nhớ không đủ để đến một buổi họp mặt mà mình chẳng thấy quen ai hay nhớ được ai. Đường về tháp chuông trường cũ lại càng mịt mờ hơn.

Water Garden, Fort Worth
Bạn sang thăm Fort Worth những ngày mưa nắng thất thường. Cali đang hạn hán nên gặp mưa Fort Worth, bạn hồi tỉnh, bảo ủa ở đây cũng đầy màu xanh hoa lá cành nè. Vườn nhà mình đang tầm mùa xuân nên cây cối cũng trông không đến nỗi, và cái park dưới nhà mình đang trổ hoa vàng dại man mác khắp nơi. Mình rủ bạn đi park nhưng bạn bảo bị dị ứng hắt hơi xổ mũi, bạn không dám ra ngoài. Mình đành cho bạn đi xem Water Garden của Fort Worth. Nước chảy ào ạt trong các hồ lớn nhỏ, phun rào rào lên đám lá quanh hồ, bạn lại trầm trồ, nhiều nước há. Giá bạn đến Fort Worth năm ngoái, ao hồ trơ đáy ra, bạn sẽ nghĩ mình đang sống ở sa mạc. Bạn về lại Cali, hẳn sẽ mang theo một Fort Worth với những hạt mưa long lanh chứ không phải là một Fort Worth với những ngày nóng tóe lửa trên 100 độ F.
Tiễn bạn về Cali, mình ở lại với những kỷ niệm bạn vừa khơi gợi ra, với những tiếng gọi mày tao thân thiết mà mình chỉ dùng khi nói chuyện với bạn. Thoáng chút bùi ngùi cho một thời trẻ thơ cắp sách đến trường đầy hoa mộng.

Ngày hôm sau đi làm, mình quay về với đời thường. Những kỷ niệm đó được mình xếp gọn ghẽ vào trong ký ức, chờ lần sau tụi mình gặp lại, mình lại lôi ra kể cho nhau nghe.
Năm tháng đi qua
Kỷ niệm vẫn ngọt ngào
Hồn thơ trẻ
Dạt dào bay trong gió
Ký ức xưa
Vẫn còn nguyên đâu đó
Tuổi học trò
 Hoa mộng dưới hàng cây
(Trịnh Công Sơn)

Hẹn bạn lần sau nhé.
Lan Hương (Fort Worth, 05/15/15)

Sunday, May 17, 2015

Pour Maman et Papa (Dinh Qui)


Aujourd’hui c’est le 16 mai 2015, celà peut être un jour insignifiant pour beaucoup, pour moi c’est un jour différent des autres.

Ce jour je me suis plongé dans les souvenirs lointains, en écoutant Khánh Ly sur Spotify, les chansons d’avant 75, d’avant 71, sur la guerre, sur les souffrances d’un père d’une mère dont le fils, la filles est morte  à cause de la guerre, sur l’amour perdu, l’amour impossible etc.. et avec celà, mon âme est fondu.

Je suis seul dans les 4 murs de l’appartement, dans une ville sans âme, rien que des superficiels, dehors le soleil brûle à 39 degré. Loin d’ici, Kim-Liên et sa maman se battent avec les dernières retouches de sa thèse qu’il faut rentrer le Lundi, et que je ne n’y peux rien pour les aider.

Et surtout ce soir, Mai et les autres préparent le giô ~ de papa et maman. Je lis les récits sur le blog de Huong, je découvre des choses dont j’ignore comme l’histoire de papa qui ramène du poulet tous les jours pour maman, et d’autres de vous du temps après 75 et avant de venir en Belgique, ou des vacances, des sorties passé avec eux au bois de Halle, à Keukenhof …

Cela me fait plongé dans la période juste avant le décès de maman, je me rappelle il y a un temps, après que papa est parti, je viens tous les mercredi travailler dans l’appartement de maman, j’ai eu la chance de pouvoir travailler à distance pour le boulot, les collègues sont sur instant message ou sur téléphone et peu importe la place de mon ‘bureau’. J’arrive vers 9h matin, souvent il y a monsieur … beau frère de Trí passé pour bavarder un peu avec maman et pour un café, le midi soit on descend chez Quy pour un hu-tiêu, soit maman prépare un petit plat, ensuite elle écoute BBC ou France Internationale sur sa radio internet, plus tard c’est le tour de la télévision vietnamienne, qu’elle déteste et écoute pourtant à cause de l’ennuie. Vers 17h je pars pour la maison. Ainsi une journée passé avec maman, on peut n’échange que quelques phrases banales, pourtant je me sens très satisfait et heureux, en fait c’est sa présence qui compte, ses petits soins au repas qui font colorer la journée, il ne faut pas dire grande chose et on est comble. En voyant une photo de mon ‘bureau’ sur le récit de Quy, je ne peux pas m’empêcher de dire ‘Oh oui ! comment j’étais heureux ces temps là’.

 


Le temps passe et me voici, aujourd’hui loin de tout et je me sens vraiment triste et mélancolique, je nage dans la musique de Khanh-Ly, les paroles qui percent le cœur, les souvenirs lointains du temps de mon adolescence qui font monter les larmes.

Non, on ne peut pas retourner en arrière, non on ne peut pas revivre ces moments vécus, n’empêche que j’ai envie un jour ….. marcher avec papa pour aller chez bác Phú, prendre le chemin qui travers les villas en haut de la rue Yagut, comme j’ai fait en 1983 quand je suis retourné au VN pour la première fois, on a rien dit entre nous mais je sais que les paroles sont de trop dans ces moments pareils.

Il y a trop de souvenirs avec papa et maman de nos enfances, peut être il nous faut une deuxième vie pour les remplir.

Le jour de giô ~ de papa et maman, je pense certainement à eux, mais pas seulement, je pense à nous tous et nos souvenirs, je pense à Kim-Liên et sa thèse à terminer à tout prix aujourd’hui.

Dinh Qui (Dubai, 05/17/2015)

 

Friday, May 15, 2015

Nhớ về Ba Má (Hương Quỳ)


Ngày giỗ Ba Má sắp đến theo ngày Ta, nhưng đã qua đi từ hơn tuần nay theo lịch Tây. Mọi người nghĩ về những mất mát ấy theo cách của mình. Tôi tự nhủ, có những cái mất đi, như luật tuần hoàn của trời đất, có cái muốn làm cũng không còn làm được nữa vì không đúng thời điểm , vậy thì quay quắt với lương tâm của mình khi nghĩ về Ba Má chả để làm gì; và sao không gạt bớt những giọt lệ thương khóc, để nghĩ về Ba Má với quãng đời qua, có những kỷ niệm bỗng làm cho mình bỗng thấy ấm lòng.

60 tuổi đời có lẻ, bao điều để nhớ về một ông Ba nghiêm khắc, hiếm khoảnh khắc cười đùa với con cái, mỗi lời nói ra chỉ là mệnh lệnh, không có những dịu dàng mà chỉ như một hung thần gắn liền với roi vọt và hình phạt. Có thể nhờ đó chúng tôi chỉ biết ra sức học để tránh những cái cốc nháng lửa lên đầu những giờ khảo bài ban trưa, thu mình cho rõ nhỏ lại khi "hàng xóm" bên cạnh đang lãnh phạt, như lần ông Anh lãnh hàng loạt cốc, vì không phát âm đúng hai chữ "bánh" và "bắn", như lần đứa em gái bay vèo qua cửa sổ vì quên luôn cả một cái cartable ở trường. Có thể nhờ đó chúng tôi đi đúng con đường cần đi. Có tôi lâu lâu nổi loạn, xé rào bằng những lần đi lang thang hoặc đi chơi ban đêm với bạn. Sau đó Má thương hại báo động Ba đi bán hàng đã về để tôi còn kịp thời chạy trốn để tránh những nhát roi. Vài lần ăn roi trong đời thôi, nhưng nhớ mãi và cám ơn Ba vì nhờ đó, tôi lấy được quyết định đúng  trước một ngã ba, không biết đưa chân theo ngả nào.

Những lần tổ chức mời bạn bè ăn uống ở nhà, không thể thoát qua thủ tục mời Ba Má vào tham dự chung. Lúc nào cũng chỉ sợ Ba chửi toáng lên vì những trò bị Ba coi là hào nhoáng đó. Nhưng không, Ba chỉ phản đối con cái, không trước mặt người lạ, nên chúng tôi thở phào tiếp tục cuộc vui của mình.

Ba sống thảng thắn, chân thật, nên không chịu được những trò ranh mãnh tôi đã phạm phải. Như trao đổi bài thực tập nữ công với sáng tác luận văn với một con bạn, êm ái cho đến khi giận nhau.  Nó nhờ Ba của nó ra mua báo hàng Ba tôi đòi trở lại những tác phẩm nữ công tôi đính dõng dạc trong vở tập. Thế lại lãnh vài roi.

Ba luôn luôn im lặng, nhưng lại cho chúng tôi một cuộc sống không thiếu thốn, điển hình là những năm đi học xa nhà. Mỗi tháng, Ba đưa cho một số tiền tiêu vặt, không dặn phải cần kiệm ra sao, nhưng tự dưng tôi biết cần phải dè xẻn. Lần lãnh lương đầu tiên nhờ đi dạy kèm kiếm thêm tiền, tôi hân hoan đi mua tặng Ba Má một cái radio, có cái phải mua đồ cũ, và bị lừa, máy không chạy. Tôi nguyền rủa người bán vì món quà tặng Ba Má đầu đời của tôi phải chui vào thùng rác. 

Kinh khủng nhất, là thời kỳ sau giải phóng, mọi người chuẩn bị rời khỏi đất nước với bất cứ giá nào. Má ra sức ủng hộ vì Má luôn luôn muốn con cái mình vươn lên. Kẻ lên dàn phóng đầu tiên là chị Mai, chưa ra khỏi nhánh sông, đã bị tóm cổ vô tù ngồi. Điều sợ là phải báo cho Ba biết tin dữ. Trách nhiệm báo tin được giao cho cô em dâu. Ba nghe xong , nằm trong phòng cả mấy ngày, bên ngoài mẹ con tính toán để lôi bà chị ra, vì tết còn sắp đến. 

Khả năng xoay sở của mỗi đứa thể hiện lúc này, tôi phục lăn cô em Quỳnh tả xung hữu đột tìm mối đút lót đưa chị ra, chúng tôi chỉ biết ngồi trên những chuyến xe lam chạy trên những con đường thẳng tắp và dài thăm thẳm  xuyên qua nhũng khu rừng đước, rừng tràm để thăm nuôi bà chị. Bà chị êm ấm trong tù, cũng không cực khổ lắm, vì còn khoe xách ghế đẩu đi xem ciné và nhắn gửi đàn guitare vào để tập văn nghệ!

Bà chị được đưa ra trước tết, cả nhà năm đó xì xụp lạy cảm ơn ông bà lại cho mọi người đoàn tụ , chứ không như những gia đình khác, thiếu gì kẻ đi không đến được nơi.

Đến lúc phải lo cho cả nhà đi với giấy tờ chính thức, vẫn phải làm lén lút sau lưng Ba. Bị lừa cả mớ nhưng sau cũng lần ra được đường dây. Lại lo sợ phản ứng của Ba khi báo cho Ba hay cả nhà sẽ rời quê hương, và chưng hửng hết khi thấy Ba đồng ý liền lập tức. 

Những năm sống ở xứ người, có thể có lúc Ba nhớ Việt Nam , nhưng lần về thăm vài năm sau đó, Ba dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, từ chối lời đề nghị quay trở về lần nữa, nhờ vậy, con cái bớt bứt rứt lương tâm, chú tâm hơn trong việc xây dựng cuộc sống của mỗi gia đình.

Tôi nhớ đến "cuộc chiến hoa hồng" giữa Ba với Má những năm cuối đời của hai Cụ, không ai chịu nhường nhịn ai, Ông mở tivi  và nhạc Việt Nam rõ to để nghe và chính là để gây khó chịu cho Bà. Bà không chịu nổi những lời ca lê thê đó, đòi đập máy truyền hình và quăng hết băng nhạc. Ông quyết định là bị điếc để không thèm nghe những lời riết róng, và không cần những đối thoại, dù chỉ còn hai người với nhau  sống chung trong một khoảng không gian hẹp từ lúc rời bỏ căn nhà dưới Halle lên Bruxelles. Bà vốn người ham tranh luận, bỗng dưng suốt ngày độc thoại với chính mình, điều đó không phải là dễ sống. 

Khi đưa được Ba Má ra căn nhà ngoài hàng của tôi, lúc đó mỗi Cụ mới có thế giới riêng của mình. Nhưng khổ cái căn nhà xưa đến gần trăm năm, trần và sàn nhà không cách âm. Mỗi lần Ba mở nhạc, khách hàng của tôi dưới nhà giật bắn người, Má thì vẫn phải rút lui vào căn phòng bên trong dù đã ở tầng trên. Một lần, Tôi nghĩ ra kế nhờ ông phát thư đang mặc đồng phục giả vờ làm cảnh sát lên yêu cầu Ba tôi vặn nhạc nhỏ xuống. Ông này lễ phép quá thể, nên Ba cứ "oui , oui , oui" , rồi sau đó phán ngay một câu khi ông ta đã ra về , rằng: 

"Làm cảnh sát mà hiền với lại chậm chạp như thế, ai mà thèm sợ! "

Và vẫn bình tĩnh cho nhạc vàng tràn ngập khắp không gian. 

Những cuộc đi dạo của Ba sau khi lên Bruxelles, bắt đầu giới hạn lại chỉ trong một số con đường , chắc vì Ba sợ đi lạc, con cái lén lút nhét địa chỉ của nhà vào túi áo trong, Ba lục ra được hết, và vất đi không thương tiếc. Ba không thích đi lang thang không định hướng , nên bắt đầu vào các siêu thị gần nhà ở, và bắt đầu tấn công bếp núc của Má bằng thịt gà dưới đủ mọi hình thức sau mỗi lần đi dạo. Mỗi ngày, Má nhận được nếu không là một con gà nấu súp, thì sẽ là một con gà da vàng lườm, hoặc một chú gà quay thơm phức. Nếu Má rít lên, thì hôm sau, sẽ là một vỉ đùi gà hoặc cánh gà. Lâu lâu, Ba thay đổi thực đơn bằng cách mua một vỉ tim gà, gan gà. Má vẫn lấy gà các loại ấy làm thức ăn cho Ba, Ba vẫn bình tĩnh ngồi thưởng thức, không một lần nào kêu ớn, chỉ có Má muốn đổ bịnh mỗi lần thấy một con gà nằm êm ấm trong tủ lạnh. Má càn nhằn lôi mấy con gà ra chuẩn bị bữa tối họp mặt ngày thứ bảy, và sau đó tuồn xuống hàng của tôi yêu cầu tiêu thụ dùm. Chả hiểu việc quyết định chỉ mua thịt gà ấy của Ba có chuyên chở một ý nghĩ nào không, hay chỉ là một việc làm vô thức, nhưng mỗi lần gần đến ngày giỗ Ba Má, tôi đứng trước quầy bán gà, bỗng thấy tim mình se lại trong kỷ niệm về ngày tháng trường kỳ mua gà của Ba.

Còn cả mớ gà bằng sứ , bằng đất nung Ba mua ở các chợ trời về vẫn  rực rỡ trên các bệ lò sưởi, nằm êm ấm bên ý thích khác của Má là những bình hoa giả. 

Mớ cây tre, giống mang từ Việt Nam qua những năm đầu khi người Bỉ quen trong nhà tính buôn bán từ bên đó qua đây, được tôi mua về vài đám trồng trong chậu lớn chậu bé, cao lớn ra phết , đem mang về cho Ba Má để trong căn hộ đầu tiên mướn ở Bruxelles, vì sợ Ba Má nhớ mảnh vườn ở Halle. Sau đó, mang về cho Ba hai chậu để trong phòng ở căn hộ mới khi lại phải dọn nhà lần nữa. Ba tưới cây hàng ngày, và Má đi lau nước tràn ra nhà hàng ngày, chị Mai đi mua hai  chậu lớn hơn để bớt chiến tranh giữa người tưới và người lau. Êm ấm một thời gian, thì đâu vẫn vào đấy, vì Ba quyết định tăng lượng nước tưới lên khi không thấy nước tràn ra sàn! Giờ tôi thừa hưởng hai chậu cây tre ấy, vẫn hì hục khiêng vào nhà mùa đông, vừa tưới vừa đứng canh cho nước khỏi tràn, sung sướng được khiêng ra ngoài trời những tháng ấm áp, tha hồ dội nước cho bõ lúc canh coi. 

Ba mất đi, Má  dọn xuống nhà dưới , thu hẹp không gian của mình lại hơn, từ chối ở căn lầu trên tôi đã sửa sang lại đàng hoàng. 

Nhớ về Má, là những lần té ngã bệnh hoạn, bóng Má phất phơ bên giường, hoặc chữa trị theo cách của Má, như lần tôi bị ù tai, phải nằm nghiêng để Má xông khói nhang, tôi chỉ sợ khói sẽ ra phía tai bên kia, rủ con em đứng canh xem có phải vậy không, chỉ vì cái tội đọc tiểu thuyết, bạn tù thanh toán nhau bằng cánh xuyên cây tre từ tai này qua tai kia! Hoặc những nồi lá artichaut chữa trị bệnh mụn cho ông anh. Cái nồi đất có hai vòi ấy , giờ biết tìm ở đâu cho ra nhỉ ?

Má đặt nhiều ước mơ cho con cái, gần gũi con cái hơn, tâm sự với con cái nhiều hơn. Vậy mà bây giờ, tôi vẫn chỉ thấy tê tái trong lòng, sao không có đứa nào trong bầy 7 người con, một lần hỏi ước mơ của Ba hay của Má là gì để xem mình có thực hiện được hay không. Tôi hiểu tâm trạng của mình khi không đặt câu hỏi đó, nhất là khi Ba Má đã lớn tuổi, vì câu hỏi đó gắn liền với hình ảnh Ba Má sẽ ra đi, và tôi không muốn ngày ấy đến, vậy thôi.

Má là người có đầu óc mở rộng, khuyến khích con cái và tạo điều kiện cho con cái đưa bạn bè về chơi. Cái nếp này tôi giữ luôn cho gia đình của mình. Tôi không phê phán bạn bè của các con, nhưng phải dẫn về nhà để biết, giới thiệu qua một cái, không cần phải dấm dúi bên ngoài gia đình. Chắc những người bạn của chúng tôi vẫn còn nhớ những lần đến ở trong gia đình tôi. Những bữa cơm thanh đạm đầm ấm, căn nhà sáng rực ánh đèn, và giàn hoa giấy nghiêng mình trước cổng nhà chào đón khách.

Tôi vẫn nghĩ, nếu Má học hành đến nơi, Má sẽ là một chính trị gia hoặc luật sư có tài, vì Má rất thích bàn chuyện thời sự, nghe chuyện thời sự. Những mẩu tin đài BBC buổi tối, tiếng chuông Big Ben còn ở trong tâm trí tôi, còn nằm trong kỷ niệm của Ba Má lần đi thăm Londre và nhìn tận mắt Big Ben.

Nên sau giải phóng, Má tham gia vào các sinh hoạt tổ khóm, tham gia cả văn nghệ, chỉ một lần, vì Ba giận khi Má đóng vai vợ với một người khác, thế là mầm non văn nghệ của Má bị đứt đoạn . Má có diễn đàn để nói, nhưng chỉ một thời gian ngắn, Má trốn không đi họp nữa, vì Má hiểu ra có những điều muốn nói mà không nói được, và những cảnh trái tai gai mắt khiến Má chỉ muốn bỏ xứ mà đi cho nhanh.

Tôi nhớ mãi những giọt nước mắt của Ba ngày tôi rời nhà đi theo chồng (dù chỉ làm cảnh trong vòng 48 tiếng!) , tôi tri ân vòng tay mở rộng của Má đón vợ chồng tôi về, cư xử với chồng tôi như một đứa con trong nhà, không một lời than vãn, không một lần đòi hỏi chúng tôi phải góp tiền cho chi phí chung. Cái đồng lương ấy, Má cũng biết thừa chả đủ cho tôi đi đổ xăng cho xe nữa là. 

Đến lúc chúng tôi cần ra riêng, Ba Má cho ngay mảnh đất cạnh hàng, và Má vẫn sát cạnh tôi những lúc tôi ra đời buôn bán, thay tôi chỉnh lũ khách hàng sâu bọ hung hãn hay hàng xóm ganh tỵ. Lúc nào Má cũng nhắc nhở cho họ biết chúng tôi không sinh ra để lăn lộn với đời thế này, nên tuy bán hàng ăn, tôi vẫn ngẩng cao đầu và biết mình ở một vị trí cao hơn người khác. 

Số phận bắt tôi dính liền với nghề nhà hàng. Lúc đầu lập nghiệp, Má giúp tôi rất nhiều, theo kiểu của Má, dĩ nhiên, nên tôi nhớ lần phải nằm nhà thương sanh Tố An, cô em Hương gọi điện vào cho tôi bảo tôi về coi hàng đi vì Má đang chửi nó quá cỡ vì tội nó phản đối Má đã cho cà ry vào món gà hạt điều!

Nhớ đến những món ăn của Má, trong thực đơn tôi đến giờ vẫn còn món xà lách xa xưa ở Dalat, vẫn còn món nộm gà, mới đây tôi còn cho thêm món "thịt kẹo" của Má vào dưới cái tên diễm lệ là heo với nước sốt caramel. Và tôi vẫn hãnh diện nói với khách hàng, thực đơn của tôi được làm với lời cố vấn của Má.

 Má những tháng cuối đời, nhớ nhớ quên quên, nên Má giữ chặt lấy những gì còn bắt giữ được trong trí. Là lần tôi thấy mớ chén bát phơi mưa nắng ngoài hiên nhà Má cả mấy năm, bèn rút ra một mớ cho người làm bước đầu lập nghiệp. Sau Má phát hiện ra, bắt đền. Tôi thuyết phục mãi không được, phải báo động cho ông anh đi tìm mua ở chợ trời, và nhờ đứa người làm đi lấy trả lại. Má quăng vào hàng tôi một bức thư viết bằng bút đỏ, kết tội người làm tôi lên lầu ăn trộm, tôi lại phải thuyết phục đứa làm lên lầu xin nhận tội. Sau đó, mỗi lần xuống hàng, Má hể hả cho đứa người làm một bài học về tội trộm cắp, nó dạ vâng liên hồi. Vậy mà trong những ngày quan tài Má còn trong nhà quàn, nó vẫn đến khóc sụt sùi nhớ lại những lời khuyên răn đó, chắc qua Má , nó nhớ đến bà ngoại bên quê nhà.

Má vẫn xuống hàng tôi mỗi buổi trưa đặt một đồng mở hàng, vì Má rất hãnh diện vì vía hên của mình. Má trịnh trọng đặt đồng bạc vào caisse, miệng khấn vái "xui xía lành vía cho chúng nó đắt hàng". Ngày Má mất đi , tôi giận hờn những hôm hàng vắng khách, vì không còn đồng bạc của Má mở đầu một ngày buôn bán tốt lành cho tôi.

Bàn thờ Ba Má giờ ở trên căn lầu cũ, tôi ráng giữ không thay đổi, nên cả một thời gian rất dài, vẫn còn mùi hương của Má phảng phất khiến tôi mỗi lần bước chân lên, cũng có lúc giật mình. Căn phòng của Ba Má, đầy những hình ảnh kỷ niệm, nơi qui tụ con cháu về thắp lên một nén hương, nơi tổ chức lễ vu qui của đứa con gái đầu lòng của tôi, nơi tôi vẫn chạy ù lên khấn vái lia lịa khi muốn cầu xin điều gì đó. 

Tro Ba Má đã trôi theo biển, nhưng tôi biết hương hồn Ba Má vẫn phiêu diêu từ nhà đứa này sang nhà đứa khác, nhìn ngắm và chở che cho chúng tôi từ trên cao, như một bóng mát đi theo chúng tôi, rất cần cho chúng tôi đi hết quãng đời mình. Ba Má ơi ....

 Hương Quỳ (Bruxelles, 05/14/2015)

 


 

Monday, May 11, 2015

Thành phố Trắng và dàn hoa pháo (Tố Mai)


Dạo cuối tháng 12, chúng tôi có dịp đến thăm một thành phố nhỏ nằm ven biển miền nam của Tây Bân Nha. Xa những xô bồ của khối lượng du khách thường đổ đến miền Andalousie này, thành phố khiêm nhượng nép mình bên sườn đồi thoai thoải đổ ra biển và biển hôm ấy thật trong xanh màu da trời, như trong những tấm ảnh carte postale mà khi nhìn thấy chỉ muốn nhảy lên một chuyến máy bay và bay ngay đến tận nơi.

Những ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh với mái ngói đỏ và tường quét vôi trắng toát  nằm dọc đường đi, nổi bật  trên nền đá màu xám của núi đồi và màu xanh của biển cả . Đó là NERJA , thành phố Trắng và cũng được mệnh  danh là Bao Lơn của Châu Âu nhờ một mỏm đá cao nhô ra  trên măt nước. Đứng ở đây mà ngắm biến Địa Trung Hải đẹp phải biết  như một bức tranh vẽ, biển xanh, núi xám , nhà trắng , hòa quyện nhau đến thật tài tình.

Sau đó chúng tôi  vào trong phố đi dạo qua những con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo với tiếng nhạc Giáng Sinh vang vọng bên tai và  các hàng quán sặc sỡ bán  những món hàng đặc  sản của  vùng này, nhất là những món đồ gốm thủ công, bát đĩa chai lọ, với những  hoa văn rất đẹp, nhưng giá cả thì như ở trên trời!

Sau đó tình cờ quẹo vào một con phố nhỏ ít người  qua lại , tôi chợt sững người  vì ở trên đầu là một  giàn hoa pháo màu cam rực rỡ dăng từ bên này sang bên kia của con đường.  Bất ngờ đến thế là vì từ dạo rời bỏ quê hương và Dalat đến định cư ở Bỉ, dễ cũng hơn 25 năm, tôi chưa từng thấy lại giống hoa này, mặc dù cũng đã bôn ba nhiều nơi nhiều chốn rồi. Hoa từng chùm màu cam rất đậm , hình nhọn  như những chùm tia nắng tỏa ra. Ở Dalat khi xưa hoa này mọc rất nhiều, được trồng quanh hàng rào những ngôi biệt thự  hoặc bám lên vách và phủ kín  một mặt tường, chỉ chừa  ra những khung cửa sổ , đứng ngoài nhìn vào hết sức là huyền bí và kêu gọi bao nhiêu  trí tưởng tượng và óc tò mò của bọn trẻ  con ngày ấy .

Đi thêm mấy bước nữa chúng tôi lại thấy những giàn hoa pháo ở khắp nơi, cũng bên hàng rào nhà người ta, làm thành từng tấm thảm màu cam rực lên trong ánh nắng trong vàng của một ngày cuối năm. Hình ảnh của hoa pháo vô tình lại đưa tôi về với kỷ niệm, của Dalat với thời thơ ấu xa xưa, nhưng nhất là gợi cho tôi nhớ về Ba. Ba đã gắn liền với hình ảnh của hoa pháo, không phải vì Ba rất yêu thích loại hoa này mà vì nó gắn với một kỷ niệm khó quên. Số là thời  đó chúng tôi rất mê các loại hoa thấy trong vườn nhà người ta, và thường thì nhất quyết tìm cách mang về trồng trong vườn nhà mình. Hoa pháo cũng thế.

Chúng tôi đã đánh được một cây về trồng ở vườn trước nhà, khi nó còn nhỏ thì chẳng ai để ý, khi nó đă lớn và vươn những dây leo mềm mại không biết bám vào đâu thì chúng tôi quyết định cho nó leo lên  vách tường của căn nhà, phía bên gốc  cây đào và từ đó sẽ bò ra cái lan can ở lầu một . Cứ tưởng tượng mình sẽ có một giàn hoa pháo rực rỡ trên lan can nhà mà đã sướng mê đi được! Thế là nhân lúc Ba đi Saigon cất hàng, ở nhà chúng tôi đã làm dây cho hoa leo lên của sổ và đến tận lan can trên lầu. Đến khi cây lớn dần, bắt đầu leo bám vào dây và bò đến tân vách tường nhà thì một ngày kia Ba tôi chợt nhìn thấy nó. Thế là thế nào! Sao lại để nó leo vào nhà thế kia, có ngày sập cả nhà! Làm sao mà những đám hoa nhỏ bé thế kia mà có thể kéo sập được ngôi nhà 2 tầng! Nhưng mặc kệ , Ba là người rất nguyên tắc , không thể để một cái gì đi ra ngoài cái kỷ luật của Ba. Thế là trong một buổi chiều Ba đã ra tay chặt hết cây hoa pháo của chúng tôi, trước những con mắt đau khổ và tiếc nuối của lũ trẻ. Và hình ảnh này cứ như in vào tâm não tôi. Nay chợt thấy lại hoa pháo ngày xưa, tôi không khỏi  nhớ tới Ba, người đã ra đi đến nay đã 9 năm .

Ba vốn là người thầm lặng ít nói, những tình cảm của Ba chẳng nói với ai, nhưng  Ba đã chịu khó ghi lại trong sách vở. Hồi còn bé tôi đã từng leo lên nóc cái tủ quần áo to đùng trong phòng ba má để đọc những dòng nhật ký của Ba ghi lại trong một cuốn sổ rất to. Khi đó còn quá nhỏ tôi không cách nào rinh cuốn sổ đó xuống được nên đành ngồi luôn trên đó mà đọc. Những đoạn đời Ba ghi lại là thời Ba còn ở ngoài Bắc, một thế giới hoàn toàn xa lạ với chúng tôi nên cũng không lấy gì làm quan tâm lắm và đến nay thì đã hoàn toàn quên sạch! Khi ổn định cuộc sống ở Dalat, Ba không còn viết nhật ký nữa. Với một đàn con 7 đứa, Ba Má đã chật vật bươn chải để nuôi dậy chúng tôi và cho chúng tôi có được ngày hôm nay.

Lúc phải quyết định rời bỏ Dalat, rời bỏ quê hương để đến một bến bờ hoàn toàn xa lạ chắc hẳn Ba Má đă đắn đo suy nghĩ nhiều lắm. Ba Má chắc đã phải đau đớn nhìn lại cơ ngơi Ba Má đã tạo dựng lên từ hai bàn tay trắng, căn nhà số 7, lúc một tầng rồi đến hai tầng, rồi cửa hàng Nhật Tân. Bao nhiêu công sức và nghị lực gây dựng từng ngày, thế mà bỗng chốc phải bỏ hết mà đi, nghĩ lại mới thấy sự hy sinh của Ba Má mới to lớn dường nào, ra đi để cho các con các cháu  có tương lai, có được  như ngày hôm nay. 

Sang đến xứ sở định cư này, vô hình chung Ba Má cũng đã bị gạt ra bên lề của cuộc sống, ở đây Ba Má không còn thi thố được tài năng gây dựng cơ đồ nữa, đến phiên các con lăn xả vào cuộc sống mới và mỗi đứa tư lo cho bản thân và gia đình riêng của mình. Nhưng không biết Ba Má lúc đó có biết không, là Ba Má đã là một chỗ dựa tinh thần lớn lao nhất cho các con. Làm gì thì làm, mỗi cuối tuần phải về tề tựu đầy đủ ở nhà Ba Má, như thể tìm về một tổ ấm để được an ủi nuông chiều như thuở còn bé thơ. Ba Má như là một cái nóc nhà vững chãi  mà mỗi đứa con, ngay cả khi đã  đi xa cũng cần phải có. Giai đoạn này Ba lại trở về với việc viết lách. Từ năm 90 Ba bắt đầu làm thơ, những bài thơ phản ảnh tâm tư của Ba, nỗi nhớ nhà triền miên, nhớ quê hương nay đã xa tắp biền biệt. Sau này khi Ba đã mất rồi chúng tôi mới có dịp đọc lại những bài thơ, những bút tích của Ba, với nét chữ thẳng tắp, đều đặn, chữ Ba viết rất đẹp, những  cuốn sổ này tôi vẫn còn cất  giữ mãi :

Chạnh lòng buồn nhớ quê hương ,

Muốn về quê mẹ nhưng đường thì xa ,

Lang thang những buổi chiều tà ,

Đường trần cất bước chân già lê thê .

Chúng tôi cũng thu xếp cho Ba Má về thăm lại quê hương năm 1998  Ba Má về Dalat, về quê miền Bắc, được cả làng ra đón, chắc Ba Má cũng chẳng còn nhớ ai với  ai, nhưng cũng là mãn nguyện rồi, cho bớt những ray rứt trong lòng kẻ  đã phải cắt đứt những dây mơ rễ má để  ra đi. Sau đó thì Ba không còn muốn về thăm quê nữa, có hỏi Ba có muốn về nữa không thì Ba chỉ im lặng lắc đầu: về làm gì?

Ba cũng là người thích thiên nhiên, thích phong cảnh , chỗ nào đẹp , dẫn Ba đến xem Ba cũng rất thích , những công viên mùa hoa nở nào chúng tôi cũng dẫn Ba đến nơi từ Huizingen  đến Keukenhof, Ba đều tỏ vẻ thích thú, và rất thích chụp hình, chỉ cần nói Ba đứng đây cho con chụp là  Ba sẽ đứng vào vị trí ngay không cần phải năn nỉ như  Má, và Ba chỉ có một  một dáng đứng từ bao nhiêu năm không thay đổi, từ ngày Ba đứng chụp hình trước của tiệm Nhật Tân những năm 60 cho đến những năm cuối đời, vẫn dáng đứng nghiêng, chân trước chân sau, vẻ mặt nghiêm nghị không bao giờ cười! Đố ai bảo được Ba cười để chụp hình! Ba cũng rất thích hoa, chảng thế mà Ba đã rắp tâm đặt tên cho một những cô con gái là Hoa , nhưng đã bị Má gạt đi! Ba thích nhất là hoa hồng màu đỏ, lần dẫn Ba đi vườn hoa hồng  Coloma, Ba  cũng phải tấm tắc khen và đòi chụp hình với những đóa hoa hồng to nhất màu đỏ thắm .

 Nhưng những chỗ Ba đã đi rồi Ba sẽ không trở lai nữa, đi rồi, biết rồi , ngoại trừ  khu rừng Halle. Đúng vậy đây là một ngoại lệ. Cũng như chúng tôi, Ba Má cũng rất gắn bó với rừng Halle, nó ở gần nhà, chẳng phải đi đâu xa thoắt một cái là đến nơi và đến đây là cả một trời thần tiên mở ra  không bút nào tả siết.  Lần đầu tiên Ba Má không ngớt suýt xoa, sao mà đẹp thế, sao mà hoa nhiều thế, không biết bao nhiêu hình đã được chụp ở đây, chụp chung, chụp riêng, chụp cả nhà!




Nhưng có lẽ Ba Má không thích màu hoa tím rừng Halle bằng mùa hạt dẻ. Phải, mùa hạt dẻ rơi rụng là mùa mà cả Ba lẫn Má đều hân hoan đón chờ vào rừng đi lượm. Mải mê thu hoạch, có đến cả mấy chục ký mà bảo thôi thì không ai chịu ngưng tay hết. Lần cuối cùng Ba đến rừng Halle để lượm hạt dẻ, tôi còn nhớ, Ba đã yếu đi nhiều, không còn đi xa được nữa, chúng tôi cũng không dám đi nhiều, và để Ba đến ngồi trong căn lều ở bờ rừng và tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của Ba trong chiếc áo bành tô  ngồi nghỉ trên một gốc cây ở đây, mắt  nhìn mông lung vào rừng, hơi thở dồn dập vì mệt. Hỏi Ba có muốn về không thì Ba bảo không, để Ba nghỉ một tí thôi. Sau đó thì Ba ngã bệnh và hơn 6 tháng cuối của cuộc đời Ba không còn dịp nào trở lại rừng Halle nữa.

Sắp đến ngày giỗ của Ba, bồi hồi nhớ về Ba với những kỷ niệm xa gần, tôi cố ghi lại vài dòng, sợ rằng sau này có khi mình sẽ bị bệnh lãng quên và không còn ghi lại được nữa. Thói quen viết lách này cũng thừa hưởng từ Ba, người văn hay chữ tốt nhất họ và nhất làng Thượng ngày nào.

Trên bàn thờ Ba sẽ có hoa đỏ, màu Ba thích nhất, có còn nhớ chiếc cà vạt đỏ của Ba luôn hiện diện trong những tấm hình chụp không? Còn món ăn Ba ưa thích ư? Có lẽ món cơm với đường chăng? Tôi chỉ biết  chắc là Ba ghét nhất món trứng dưới mọi hình thức, từ bún riêu đến trứng chiên, trứng nguậy. Vậy chớ có mà để món gì có  trứng trên bàn thờ Ba đấy nhé!

 
Căn lều ở rừng Halle, nơi Ba ngồi nghỉ lần cuối cùng đi thăm rừng

Ngày 7 tháng 5 năm 2015 (ngày giỗ Ba)


TỐ  MAI

Friday, May 8, 2015

Như cây non thiếu ánh mặt trời


Thursday, May 7, 2015

Ba về trời


Fort Worth, ngày 7 tháng 5, 2006
Ba ơi,
Thế là Ba đã ra đi chỉ mới cách đây 5 phút, con ở xa Ba cả 7 tiếng đồng hồ, biết làm sao để đến với Ba chỉ trong năm phút?
Con đã thức cả đêm chờ trời sáng để về thăm Ba lần chót. Thế mà Ba không đợi được và con cũng không thể nào về ngay được. Bảy tiếng đồng hồ, 12 tiếng bay vượt đại dương, Ba ơi sao nghìn trùng xa cách đến vậy?

 
Bruxelles, ngày 13 tháng 5, 2006
Thưa Ba,
9 giờ 15 phút sáng giờ của Bỉ, 2 giờ 15 phút sáng giờ của  Mỹ, ngày 7 tháng 5, Ba nhắm mắt xuôi tay,con không còn Ba trên đời này nữa, các con của con không còn Ông Ngoại để chào thưa mỗi khi về Bỉ thăm gia đình nữa . Và điều đó vẫn còn làm cho con bàng hoàng không thể tin được.
Thưa Ba,
Trong suốt cuộc đời 98 năm của Ba, Ba đã từng làm những chuyến đi rất  xa, vào Nam ra Bắc, sang Đông về Tây, nhưng khi nào Ba cũng kết thúc cuộc hành trình của mình dưới mái ấm gia đình. Giờ đây Ba cũng làm một chuyến đi xa nhưng Ba chẳng bao giờ trở lại. Đó là chuyến đi dài nhấ và cuối cùng của một kiếp người. Sinh lão bệnh tử, Ba đã trải qua và kết thúc. 
Thưa Ba,
Con là đứa con sống xa gia đình từ mười mấy năm nay. Những buồn vui hàng ngày của Ba, con đã không chia xẻ được với Ba, xin Ba tha lỗi cho con. Những đau đớn, bệnh tật của Ba, con không ở gần bên cạnh Ba để chăm sóc cho Ba, xin Ba tha lỗi cho con. Đến khi Ba nhắm mắt ra đi, con đã về không kịp với Ba ở những giây phút cuối cùng, xin Ba tha lỗi cho con. Và con cũng không đưa được chồng và các con về để chia tay với Ba lần chót, Ba ơi, một lần nữa, xin Ba tha lỗi cho con.
Thưa Ba,
Ba ra đi mang theo một phần của con, từ nay con không còn có Ba nữa . Đội giải khăn tang trắng này trên đầu cho Ba, lòng con vô cùng đau đớn. Con biết khóc lóc quyến luyến làm cho Ba khó siêu thoát, thôi thì giờ phút này đưa tiễn thân xác Ba về với cát bụi, linh hồn Ba về với nẻo Phật, con không mong gì hơn là ngàn cánh hạc đưa Ba về trời, Ba nhẹ bước thênh thang vào cõi Niết Bàn.
Cách đây ba tháng, con về thăm Ba lúc Ba  đau nặng,  lời cuối cùng con nói với Ba khi phải quay về lại Mỹ là Ba ngủ nhé, con đi đây, và Ba gật đầu, mỉm cười với con. Bây giờ con cũng muốn nói với Ba như thế, xin Ba hãy nghỉ ngơi trong sự bình yên và trong tình thương yêu của các con, của Má.
Ba sống khôn thác thiêng phù hộ cho Má và chúng con.
Vô cùng thương tiếc Ba, Ba ơi


Fort Worth, ngày 30 tháng 5, 2006
Thưa Ba
Thế là Ba đã vĩnh viễn không còn ở vớI các con được gần một tháng. Những ngày vừa qua, đối vớI từng đứa con, và riêng vớI con, cứ như một cơn mộng, hư thực lẫn lộn. Bên cạnh đời sống hàng ngày mà mỗI đứa phảI quay trở lạI để sống, là một sự thật phũ phàng: Ba đã không còn nữa.
Ngày hôm qua đi phố, con nhìn thấy những tấm thiệp cho ngày Father Day. Lòng con bỗng nhói lên: từ nay con không còn Ba để có thể có quyền mua một cái thiệp như vậy và gởi đi, từ nay trở đi, nghĩ về Ba, chỉ còn trong tâm tưởng.
Thưa Ba,
MỗI khi nghĩ đến những ngày bận rộn chuẩn bị tang lễ cho Ba, con vẫn không tin được đó là sự thật. Ngay khi nghe tin Ba không qua khỏI, con đã hốI thúc Đạo mua vé gấp cho con về, dù có gấp cho lắm chuyến bay sớm nhất là ngày chủ nhật và sáng thứ hai con mớI tới nơi. Con đã gọi điện thoại cho Mai để hỏI thăm tình trạng sức khỏe của Ba, lòng thầm mong con sẽ về kịp. Sáng sớm chủ nhật ngày 7 tháng 5, lúc 6 giờ sáng giờ của Bỉ, con đã gọi về nói chuyện với Mai. Khi ấy con còn nghe tiếng Ba rất thở nặng nhọc qua đường điện thọai. Và con đi ngủ để chuẩn bị cho chuyến đi xa ngày hôm sau, con vẫn còn tin tưởng con sẽ đến nơi kịp. Một giờ sáng con choàng thức dậy, lòng như lửa đốt. Lần đầu tiên trong đời con có cái cảm giác nóng lòng nóng ruột đến thế. Con xuống nhà, ngồi vào computer và vào internet, công việc mà chẳng bao giờ con làm trước đó. Hai giờ rưỡi điện thọai reo, tiếng chuông điện thọai mà con vốn khiếp sợ từ bao nhiêu lâu nay đã đổ dồn dập! Ba đã ra đi! Thưa Ba, chỉ có ba tiếng đồng hồ sau khi con được nghe hơi thở cuối cùng của Ba, Ba đã không chờ được và con cũng chẳng có phép màu nào để có thể ở bên cạnh Ba ngay lập tức. Con đã không khóc lóc ầm ĩ, chỉ lặng lẽ nhỏ nước mắt và bắt đầu đi tìm hình Ba để lập bàn thờ. Lúc ba giờ sáng, nước mắt ròng ròng, con ngồi lật những cuốn albums để tìm hình ảnh Ba. Con nhận ra rằng con chỉ có hình của gia đình riêng con là nhiều nhất, hình ảnh của Ba của Má chỉ lóang thóang trong những kỷ niệm của con. Con đã để hình Ba bên cạnh con cho tới  9 giờ sáng mới để lên bàn thờ, và bấy giờ con mới có thể  khóc òa lên, vì biết rằng điều phải đến đã đến, rằng Ba thật đã không còn nữa.  Rằng từ nay hình Ba sẽ ở trên bàn thờ như một vết chứng đau lòng đứt ruột. TốI hôm trước, lúc sọan quần áo để đi, con xếp bộ đồ đen vào, mà lòng đau như cắt, nhưng hy vọng được gặp Ba lần chót đã làm con vững tâm hơn.
Suốt chuyến đi về Bỉ, con như người mộng du, cứ tự hỏi tại sao mình lạI phải làm một chuyến đi khủng khiếp như thế này. Người ngồI bên cạnh hỏi con về Bỉ làm gì, con đã trả lời thật bình tĩnh “về thăm cha mẹ tôi”. Ba ơi, con ước gì chỉ là một chuyến về thăm Ba Má mà thôi, chứ không phảI về để chịu tang Ba.
Máy bay lượn trên Bruxelles. Trời hôm ấy có nắng, con có thể  nhìn thấy con kênh Bruxelles thẳng tắp và nhìn thấy cả khung cảnh quen thuộc của vùng Halle, con dõi mắt cố tìm ngôi nhà ở Halle của Ba Má nhưng không nhận ra. Khi khung cảnh Bruxelles tấp nập hiện ra, con đau đớn nghĩ thầm, Bruxelles ơi, từ nay không còn hình bóng của Ba trên đường phố của xứ Bỉ nữa rồi. TrờI vẫn xanh, nắng vẫn đẹp nhưng Ba đã không còn để có thể đi dạo ngòai đường, tận hưởng những gì thiên nhiên đã đem lại. Gặp Mai ngòai phi trường, hai chị em đã ôm nhau khóc và Mai bảo là “c’est trop tard!” Con biết chứ, phảI đến 24 tiếng đồng hồ sau khi Ba đi, con mớI về được đến nơi, con đã sống xa Ba quá Ba ơi, cách cả một ĐạI Tây dương thăm thẳm ….
Đã bao nhiêu năm rồi, con vẫn hằng tự nhủ, tuổi Ba Má mỗI năm mỗI cao, sức khỏe theo đó mà hao mòn đi, nếu có chuyện gì xảy ra, chắc chắn con sẽ về không kịp. Và đúng như vậy, con đã về không kịp…
Chiếc giường Ba nằm hàng ngày đã trống trơn, kim đồng hồ trên tường chỉ đúng 9 giò 15 phút, và Ba nằm đó, bất động ngòai salon. Ba nằm như ngủ, hai tay chắp lạI thanh thản, khuôn mặt không còn vết đau đớn nào, và điều đó làm con đỡ đau lòng biết bao. Nhang khói ngào ngạt, nến bập bùng cháy bên khung hình Ba, các chậu hoa màu trắng, màu đỏ, vốn là màu Ba yêu thích, được bày chung quanh. Ba ơi, kết thúc một đờI là như thế hay sao? Nhang, khói, hoa đèn và nước mắt của những ngườI thân?

 

Fort Worth, ngày 6 tháng 6, 2006
Ba ơi,
Thế là đúng một tháng Ba không còn có mặt trên đời này. Một tháng với 30 ngày, sao nỗi đau này còn mới, còn nhức nhối quá? Mỗi khi con nhớ đến Ba, con vẫn không cầm được nước mắt, bất kể nơi đâu, bất kể chốn nào…Chỉ cần nghĩ đến những gì Ba đã từng thích, một bông hoa đỏ thắm, một món ăn Ba hằng nhắc đến, một cảnh vật Ba từng ngợi khen, là nước mắt con lại tuôn rơi. ..
Ba đã không có mặt trong cuộc sống hàng ngày của con từ mười mấy năm nay rồi, nhưng chỉ cần nhắm mắt và nghĩ rằng thôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại Ba nữa thì lòng con lại đau như cắt. Con chưa từng biết có nỗi đau nào bằng nỗi sinh ly tử biệt như thế này.
Nhớ thưở còn nhỏ, con vẫn thường mơ có được 3 điều ước và điều ước dầu tiên của con bao giờ cũng là ba má ở với con mãi mãi. Khi lớn lên khi hiểu rằng có sinh ắt có tử, con vẫn còn hy vọng chuyện đau lòng này sẽ không bao giờ xảy ra. Thế mà Ba đã ra đi, nhớ về Ba chỉ còn là những kỷ niệm trong con, đôi khi thật rõ ràng, đôi khi thật mờ nhạt.
Bây giờ Ba đang ở đâu? Linh hồn Ba đang ở chốn nào? Ba có biết chăng sự ra đi của Ba đã mang mất một phần của đời sống con? Làm gì chăng nữa, con cũng không thể sống lại cuộc sống như trước kia, như khi Ba còn ở với chúng con…Con biết cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, con vẫn phải nhìn về tương lai, nhìn về các con của con và đi tiếp quãng đời còn lại, nhưng khi nghĩ rằng gia đình từ nay thiếu bóng một người, con lại cảm thấy không chịu nổi.

 
Fort Worth, ngày 7 tháng 6 2006
Con vẫn tự hỏI linh hồn Ba đã ở đâu trong suốt một tháng qua, có biết chăng đến nỗI mất mát lớn lao mà các con đang gánh chịu? NỗI đau nào rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng, nhưng sự thiếu vắng Ba sẽ còn mãi trong con, một thiếu vắng không gì bù đắp nổi.
Đời sống thường ngày con vẫn phải sống, bên cạnh là sự ra đi vĩnh viễn của người thân , đôi lúc dừng lại con tự hỏI, kiếp người sao quá mong manh, mới khóc đó, cười đó, buồn vui đó, đau đớn khổ sở đó rồi bây giờ chỉ là thân xác không hồn, im lìm bất động…
Con cầu mong linh hồn Ba siêu thóat đến nơi cõi vĩnh hằng, nơi không còn đau đớn, bệnh tật, khổ sở và không còn cả sự chia tay đầy đau đớn này. Con cầu nguyện cho Ba về nơi Niết bàn, Ba sẽ yên nghỉ trong sự bình an. Ba ơi, hẳn linh hồn Ba đã không còn bị trói buộc bởi bất cứ cái gì, Ba sẽ thong dong về Sơn Tây Trại Táo, thả bước trên các nẻo đường Dalat, Thái Phiên, Ba ung dung tự tại trên mọI nẻo đường Ba vẫn hằng mơ được đi, được tới, những nẻo đường, những nơi chốn mà khi còn sống, Ba đã không thể đặt chân về.
Con vẫn thường tự hỏi, lúc sinh thời Ba đã từng mong muốn những gì. Những mong muốn của Ba, các con đã có ai làm được chưa. Ba không nói, các con chỉ đóan và làm theo, có thể  đúng, có thể  sai. Ba ra đi, không để lại cho chúng con bất cứ một lời chỉ dẫn nào…Như thể Ba muốn đọan tuyệt với tất cả, muốn rũ bỏ tất cả…Và lắm khi con đau đớn tự hỏi có phảI Ba cũng không đóai hòai đến những giọt nước mắt ngày hôm nay con rớt ra từ tim vì Ba? Như cái ngày bình tro của Ba bị đánh cắp, con tự dằn vặt với mình bởi câu hỏI phải chăng Ba thật sự không muốn ở lại vớI chúng con, dù chỉ là dưới hình trạng một nhúm tro tàn? Tại sao Ba nỡ đành đọan chấm dứt hết tất cả mọI thứ, để cát bụI thật sự trở về với cát bụi? Ba đã muốn gởI cho chúng con một thông điệp gì, một mong muốn gì? Thôi thì nếu Ba muốn đi một mình trên nẻo đường cuốI cùng, không vướng bận, không quyến luyến, không nuối thương, con sẽ gạt nước mắt cho Ba đi được thảnh thơi…
Khi nghe tin tro cốt của Ba bị mất, con khóc lóc đớn đau như thể Ba bị chết lần thứ hai! Quyết định hỏa táng Ba cũng là quyết định của các con, Ba đã không hé một lời cho những mong ước cuối cùng của đờI mình.  Ba đã từng viết “đời tha hương không một nấm mồ…”, không phải các con không lập cho Ba lấy được một nấm mộ, nhưng nghĩ đến lúc Ba nằm xuống giữa nấm đất không phải là đất Việt Nam, không phải xứ sở của mình, chung quanh Ba là những người xa lạ, chúng con cũng đau lòng lắm. Nắm tro tàn của Ba ngày hôm nay ở với các con, phải chăng sẽ ấm cúng hơn, sẽ gần gũi hơn? Ba đã từng là quê hương của chúng con, thì ngày hôm nay, khi đã thành tro bụi ở xứ người , con mong các con sẽ là quê hương nơi Ba ký thác tử vong, ký thác nốt phần còn lại của một cuộc đời 98 năm.
Khi nghe tin tro cốt Ba tìm lại được, con đã hân hoan vui sướng đến độ quyết định trồng hoa vạn thọ ngay trước bồn hoa nhà con để tưởng nhớ đến Ba. Con nhớ rằng Ba vẫn thích lọai hoa này, và lần đầu tiên chúng ta gặp lại nó là nơi phiên chợ Halle. Ba đã mua về trồng trong mảnh vườn của Ba, như để nhớ lại phần nào hình ảnh quê hương mà Ba đã để lại bên kia bờ đại dương. Và ngày hôm nay, để nhớ lại Ba, người mà con đã không cùng sống chung mười mấy năm cuối cuộc đời, con trồng nó cho Ba, cho con, cho những gì chúng ta đã để lại không mang đi theo suốt cuộc đờI mình, cả lúc sống cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Khi con nghĩ đến Ba, nỗI đau của con lạI sống trở lại, mạnh mẽ hơn…
Con đã mơ một giấc mơ ngắn về Ba, Ba nằm như ngủ và hỏI chúng con đã đoc kinh cầu siêu cho Ba đến đâu rồi.
Ba trọn đời không đi theo Phật, nhưng đến những giây phút cuốI cùng chúng con mang Phật lại cho Ba, những mong Ba có chỗ mà đến sau cái chết. Kinh cầu siêu con đã đọc cả chục lần những ngày tang lễ của Ba, thế nhưng con lại chẳng nhớ gì ngoài mấy câu sau:
Hương linh quy y Phật
Hương linh quy Pháp
Hương linh quy y Tăng…
Con đã vừa đọc vừa khóc ngày làm lễ tẩm liệm cho Ba. Con thành tâm mong Ba đã đến được cửa Phật. Ý nghĩ vong hồn Ba dang lang thang không nơi đến làm con tan nát cõi lòng…
Những ngày đưa Ba ra nhà quàn, Ba nằm giữa các vòng hoa phúng điếu, các bó hoa đủ màu sắc, trùng trùng điệp điệp hoa…Và vòng hoa của gia đình nằm trên nắp quan tài Ba, những bông hoa màu vàng, màu đỏ, những màu Ba vốn thích..Ba ra đi, mang theo vòng hoa của Má và các con, mang theo nỗI thương tiếc không nguôi của các con. Con mong Ba ngậm cườI nơi chín suối. Chúng con đã làm tất cả vớI sức lực có hạn của mình cho Ba, mong Ba hiểu cho. Những điều không làm được, Ba ơi, cho con khất đến ngày con gặp lại Ba, khi ấy con sẽ trả…
Thưa Ba, con đang ngồI làm việc trên sở, đã được 2 tiếng rưỡi rồi, nhưng thật sự công việc con làm được không có bao nhiêu. Phần lớn thì giờ con đã dùng đẻ nhớ đến Ba, đến ngày Ba từ bỏ chúng con ra đi mãi mãi. Và con đã khóc không biết bao nhiêu cho vừa. Cuộc sống vẫn đang tiếp tục sôi động quanh con, trời vẫn xanh, nắng vẫn đẹp, hoa lá tưng bừng, như ngày con về đưa Ba đi, Bruxelles được một tuần nắng ráo, mùa xuân tràn ngập khắp mọI ngõ ngách. Thế mà đã có một sự sống từ bỏ cõi đời này. Con vẫn quặn lòng tự hỏI sao mọi vật bừng bừng sức sống, mà Ba đành đọan buông xuôi tất cả ? Con biết lắm chứ, Ba đã can đảm vật lộn vớI mọi đau đớn vì tuổI già, vì bệnh tật đến phút chót, và Ba đã đầu hàng, chấp nhận quy luật có sinh có tử…Bây giờ Ba chẳng cần gì nữa, câu kinh tiếng kệ nếu có, sẽ đưa Ba đi đến nơi Ba muốn, con nghĩ như thế. Thôi Ba hãy thanh thản mà đi vậy.

Papa, can you hear me?
Papa, can you hear me?
Papa, can you see me?
Papa, can you find me in the night?
Papa, are you near me?
Papa, can you hear me?
Papa, can you help me not be frightened?
Looking at the skies, I seem to see a million eyes
Which ones are yours?
Where are you now that yesterday
Has waved goodbye and closed it’s door?
The night is so much darker,
The wind is so much colder
The world I see is so much bigger
Now that I’m alone
Papa, please forgive me
Try to understand me
Papa, don’t you know I had no choice?
Can you hear me praying,
Anything I’m saying,
Even though the night is filled with voices?
I remember ev’rything you taught me
Ev’ry book I’ve ever read
Can all the words in all the books
Help me to face what lies ahead?
The trees are so much taller
And I feel so much smaller
The moon is twice as lonely
And the stars are half as bright
Papa, how I love you
Papa, how I need you
Papa, how I miss you
Kissing me goodnight...

 
Fort Worth, ngày 9 tháng 6 2006
Thưa Ba
Con gọi điện thọai về cho Má mà quên mất rằng Má đã sang Đức chơi. Con lắng nghe tiếng chuông điện thọai đổ dồn trong phòng của Má, và vọng xuống tầng của Ba. Chưa có gì trống trải cho bằng. Mọi vật dường như còn ở đây, mà Ba thì đã không còn nữa. Con vẫn không thể nào tuởng tượng nổI căn phòng của Ba không còn hình bóng Ba. Con đã sống xa Ba quá lâu để quên mất sự có mặt của Ba hàng ngày. ĐốI với con, Ba vẫn còn tồn tạI bên kia đạI dương, có điều nếu con có về thăm, con chẳng bao giờ gặp lại Ba. Đồ đạc của Ba còn đây, những kỷ vật Ba mua, hay người khác tặng Ba còn đây, nhưng  Ba thì đang ở đâu?
Ý tưởng Ba về với thế giớI bên kia sẽ gặp lại các Bác làm con thấy an tâm phần nào. Ba sẽ không lẻ loi, đơn độc trên chặng đường cuối của mình đâu Ba ạ. Nếu tình thương của các con có thể làm cho Ba được một cái gì đó, các con đã, đang và sẽ yêu thương Ba hết lòng…
Rất tiếc những điều này đến khi Ba qua đời mớI được nói ra, nhưng con tin rằng Ba đã cảm nhận được điều đó.

 
Fort Worth, ngày 13 tháng 6 2006
Thưa Ba
Vậy là Ba đã thật sự trở về với cát bụI đúng theo nghĩa của nó được 1 tháng rồI! 30 ngày trôi qua, một tháng trôi qua, cuộc sống của con dường như đã trở lại bình thường, nhưng thật ra, Ba ơi, chẳng bao giờ còn được như trước nữa, khi mà Ba đã ra đi, đã không còn tồn tạI trên cõi đời này. Con đã mồ côi Ba được 1 tháng, nghĩ về Ba chỉ còn biết gọi thầm và tự hỏi Ba có nghe con không.
Con thật sự không sống gần Ba cả mườI mấy năm nay rồI, nhưng ý nghĩ không còn Ba trên cõi dân gian này vẫn làm cho lòng con trống trải, cô đơn hơn trước. Bây giờ nếu cần gọi Ba gọi Má, con sẽ gọi đến vong linh của Ba, như một niềm an ủi, chứ không phải là một tiếng gọi và sẽ được trả lời bằng câu bằng chữ.
 Tối hôm qua con cất bức thư cuốI cùng Ba gởI cho con ngày 27 tháng 12 năm 2004 nhắc con đặt tiền mua báo Văn nghệ tiền phong cho Ba tiếp. Cầm lá thư trên tay, con bàng hòang tự nhủ, thế là chẳng bao giờ con được nhận những bức thư nhắc nhở như thế này nữa, và con đã nghẹn ngào…Nét chữ của Ba đã run rẩy lắm rồi, không còn ngay hàng thẳng lốI như xưa, và Ba cũng đã viết rất ít, không nhiều lời…Năm vừa qua, 2005, con nghe Má nhắn chuyện gởi tiền mua báo mà không phải là Ba. Con trông chờ mỏI mắt một bức thư nhắn gởi của Ba nhưng chẳng thấy, ngay cả một tấm thiệp Noel Ba vẫn hàng gởi cho con cũng không có, tim con đã lặng đi khi Noel, rồI Tết Tây, rồI Tết ta..mà chẳng nhận được gì của Ba. Cho đến khi nghe anh Lộc nói Ba đã vừa khóc vừa nhìn những tấm thiệp chúc Tết, Ba biết Ba đã quá yếu để có thể viết đôi dòng gởi cho ngườI thân, cho con cháu. …Ba ơi, nghĩ về những giây phút cuốI của Ba, con không cầm được nước mắt. Biết rằng Ba đi là giảI thóat, nhưng sao lại đau đớn cho con thế này?
Còn 2 tuần nữa là đến 49 ngày của Ba, theo thuyết Phật thì linh hồn của Ba đang tìm hướng đi, và đến 49 ngày là bắt đầu một kiếp khác. Con và Quỳnh sẽ làm 49 ngày cho Ba ở Mỹ, con không biết hương hồn Ba có vượt đại dương qua đây được với chúng con hay không, nhưng con tin rằng với lòng thành tâm thành ý của chúng con, Ba sẽ siêu thóat và sẽ tiêu diêu nơi cực lạc. Nơi cõi vĩnh hằng đó, Ba sẽ sống kiếp sau của mình trong tình thương của tất cả  mọi người, nhất là của các con của Ba.

 

Fort Worth, ngày 16 tháng 6 2006
Thưa Ba
Ngày chủ nhật này sẽ là ngày Father Day. Con không còn Ba trên đời này để có thể  gởI 1 cái thiệp, hay chí ítt gọi một cú điện thoại cho Ba…Một người làm chung với con ở đây bảo con cứ đi mua một cái, viết những lờI con muốn viết và để cạnh hình Ba, như thế Ba cũng đọc được. Con ước gì Ba đọc được hiểu được những gì chúng con đã phải trải qua từ lúc mất Ba…Ở trên cao, con mong Ba vẫn nhìn thấy chúng con, vẫn cảm nhận được nỗI nhớ Ba không nguôi trong mỗI đứa chúng con. Như khi Quí nói “Tu t’en vas, mon père”, con hy vọng chỉ có phần xác của Ba là trôi vào cõi hư vô, còn linh hồn Ba vẫn ở đây vớI chúng con.
Có những điều chúng ta chẳng bao giờ nói cho nhau nghe khi Ba còn sống, đến khi Ba qua đời con mới hốI hận tại sao con không nói  cho Ba biết con thương yêu Ba đến chừng nào. Cho dù Ba có nghĩ về con như thế nào chăng nữa, cho dù con có đóng vai trò nhỏ xíu như thế nào trong đời Ba chăng nữa  tình cảm con dành cho Ba vẫn là vô tận…
Ngày hôm nay đi chợ con thấy có bán bánh tro, bánh của tết Đoan ngọ, con đã hân hoan mua về cho Ba. Con nói to lên rằng Ba sẽ rất thích, vì con nhớ lại một cái tết Đoan ngọ ở Dalat có chú Tư ở ngòai Bắc vào chơi vớI Ba, chú đã hì  hục ngâm nếp, xay bột làm bánh,  mặc dù ngòai chợ con thấy có bán, nhưng Ba bảo không ngon, không đúng vị bánh quê Ba đã từng ăn…Bánh ở Mỹ chắc hẳn còn lạ lẫm hơn nhiều, nhưng con mong Ba sẽ hài lòng, vì cái tình của con với Ba, chứ không phảI vì hương vị của bánh.
Như Thảo mang nhạc Thúy Nga Paris vào nhà quàn mở cho Ba nghe, như con đã trồng hoa vạn thọ cho Ba ngắm, như các bức tranh tết Lân vẽ cho Ba nhìn…Như những bài điếu văn các con, các cháu nghẹn ngào đọc cho Ba nghe ở những giây phút cuối cùng trước khi quan tài của Ba trôi vào hai cánh cửa mở rộng, đi vào cõi vô tận…Tất cả những cái đó là từ tấm chân tình của các con mà ra. Con mong ở trên trời, Ba cảm nhận được và Ba sẽ siêu thóat, không còn nghiệp chướng nào níu giữ Ba lại.

 


Fort Worth, ngày 14 tháng 11 2006
Thưa Ba,
 Đã bao nhiêu ngày tháng trôi qua kể từ khi con không còn Ba trên đời. Có một điều con cảm nhận ra rằng nỗi đau mất Ba không còn mạnh mẽ như xưa, con đã không còn nhỏ nước mắt khi nhìn thấy một loài hoa Ba từng ưa thích, một món ăn Ba từng khen chê. Nồi đau này giờ đây đã lắng rất sâu vào trong tận đáy tâm hồn con, để đến nỗi khi nghe bài nhạc “Il pleut sur Bruxelles”, con chỉ còn nhìn thấy bóng hình Ba. Nhắc tới Bruxelles, con nhìn thấy Ba trước hết, sau đó mới là những gì còn lại của Bruxelles. Nam đang làm một project về xứ Bỉ. Con đang hướng dẫn nó với lòng tự hào, biết ơn và tràn đầy tình thương mến. Con yêu Bruxelles, vì ở đó có Ba, có Má, có anh chị em, có gia đình của con. Con yêu Bruxelles, vì đó là nơi chốn con sẽ quay về nếu có gì trở ngại trên con đường đời con đang đi, con yêu Bruxelles, vì nơi đó đang có nắm tro tàn của Ba, những gì còn lại cuối cùng của Ba…
Tháng 7 vừa rồi Mai và Má sang Mỹ, đem cho con tượng hai con gà Ba mua ở Mont Blanc, kỷ niệm chuyến đi trượt tuyết bên Pháp, chuyến đi chơi cuối cùng của gia đình con và Ba. Gần bốn năm đã trôi qua mà cứ ngỡ như ngày nào..Như không thể tưởng tượng được rằng tháng Ba năm ngoái gia đình con đã về Bỉ thăm Ba, và Ba còn ngồi ở salon đọc sách, Nam và Vinh mua được hai con rồng đem khoe với ông.
 Đã bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng rồi? Ba đã về với Phật, các con còn ở lại, chúng ta ngàn trùng chia cách, sự gặp gỡ lại nhau nếu có, chỉ là ở một thế giới khác, Ba đã ở đó và không còn lo lắng, bệnh tật, đau đớn.

 

Fort Worth, ngày 07 tháng 05 2015
Thưa Ba,
Sáng nay thức dậy, việc con nhớ đầu tiên là ngày mất của Ba, đúng vào hôm nay, đã 9 năm rồi.
Nắm tro tàn của Ba đã về với biển, linh hồn của Ba hẳn đã kịp chu du khắp nơi khắp chốn và vào trong những giấc mộng nửa hư nửa thực của con. Và mới thứ bảy đây thôi, con đã làm giỗ cúng Ba và Má. Thắp nén nhang cho Ba, thấy lòng mình tự dưng thanh thản, và biết rằng, ở đâu đó Ba hẳn cũng đang rất thanh thản…