Pages

Tuesday, February 2, 2016

Mừng Sinh Nhật 70 của Lục Công Tử (Phúc Nguyễn)


Từ năm 1974, thành phố Angoulême, tây nam Pháp, bảo trợ Đại Hội thế giới truyện tranh thường niên. Festival Internationational de la Bande Dessinée. Tại Âu Châu, bộ môn này được xem như nghệ thuật thứ chín, sau điện ảnh và truyền hình télévision.  Năm nay 2016 ban tổ chức dành riêng một triển lãm đánh dấu sinh nhật 70 tuổi của một tay cao bồi mà ai cũng thương mến. Đó là Lucky Lucke, LL. Hồi còn đi học tôi có nghe ai đó cho LL hai tên nghe rất hợp và bùi tai : Lục Xì , Lục Công Tử. Từ lúc vào trung học cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn mê truyện tranh, nhất là của các tay hoạ Pháp-Bỉ.  Mỗi khi có dịp qua Pháp tôi đều dành thì giờ lùng các bande dessinée (BD) này.

Cha đẻ LL là Maurice De Bevere (1923 –  2001), độc giả quen với tên Morris hơn. Sinh tại Bỉ, như nhiều hoạ sĩ truyện tranh khác như Hergé (Tintin), Peyo (Schtroumpf)... Ông trình làng LL trong tạp chí Spirou vào năm 1946.  Lục Công Tử sống vào thời điểm 1880 tại Arizona, khi vùng đất này chưa được xáp nhập vào Hiệp Chủng Quốc. Chàng cao bồi lúc nào cũng có nửa điếu thuốc gắn trên môi, hao hao như tài tử màn ảnh Marcello Mastroianni, chòm tóc rủ xuống trán, cưỡi con ngựa trắng, bờm, tóc vàng, rất thông minh có tên Jolly Jumper.   

Lục Công Tử là tay thiện xạ, rút súng ra khỏi bao nhanh hơn cả bóng của chính mình.  LL luôn đóng vai hào hiệp, giúp kẻ thế cô, chống hảo hán giang hồ, không màng phú qúy, khanh tướng.  Ít  thấy cốt truyện đề cập tới tình yêu như trong La Fiancée de Lucky Luke.  Chàng quả là cô độc, nhưng  không vì vậy mà cáu kỉnh. Khuôn mặt ít thấy táo bón như Robert Hossein trong loạt phim Angélique vào những năm 60. Chàng lạc quan  hay huýt sáo và đùa với Jolly Jumper. Có lúc  LL nổi cáu như trong truyện Canyon Apache, Morris đã vẽ cảnh chàng cao bồi nắm khăn quàng và la mắng ông sĩ quan chỉ huy trưởng đoàn lính kỵ binh đã phạm lỗi chiến lược khi tấn công trại trong khu vực người Da Đỏ.

Truyện hầu hết thuộc loại phúc có hậu.  Kết cuộc mọi phe đều hài lòng.  Ai về nhà nấy thơ thới hân hoan.

Dáng Lục Công Tử được Morris phỏng theo tài tử dong dỏng cao Gay Cooper. Tranh cuối của mọi truyện LL đều có cảnh chàng LL đơn thân độc mã, rong ruỗi theo hoàng hôn, nghêu ngao “ I ‘m a poor lonesome cowboy. And a long way from home” . Câu này cũng lấy ý  từ phim western Grand Bill chiếu năm 1945.  Cooper hát vào scène chót “  "I'm a poor lonesome cow-boy, I ain't got no home".  Nhân vật LL làm ta liên tưởng tới những vai anh hùng đơn thân độc mã của Clint Eastwood .

Morris dựa rất nhiều vào các diễn viên Hollywood để hoạ nhân vật truyện LL. Chẳng hạn tay xạ thủ xếu vườn Phil Defer , Dây Thép , nhắc độc giả tới tài tử với khuôn mặt xương xẩu, cao, gầy Jack Palance.

Morris thông hiểu phong tục, lối nói lóng dân dã...Hoa Kỳ vì ông sống tại đây 6 năm. Trong thời gian này ông thu thập nhiều tài liệu và ghi nhận vài kỹ thuật quay phim ở Hollywood, như vẽ cận cảnh , close –up ,trong vài khung  trong truyện. Tên sách với tựa như : Calamity Jane, Sarah Bernhardt, Billy the Kid, OK Corral...chứng tỏ ông rất quen thuộc  với huyền thoại miền Tây hoang dã.  Tuy nhiên có điểm khác biệt chính rõ rệt giữa phim Hollywood và truyện LL.  Phim western của Hollywood đều thâu những cảnh giết chóc, tàn bạo.  Trong khi đó độc giả cười nhiều với hí họa Morris và đối thoại Goscinny rất dí dỏm.  Goscinny trong truyện Jesse James lồng một câu thơ Shakespeare khi hai tên cướp Frank và Jesse nói chuyện với nhau. Frank James trong thời niên thiếu thật sự có đọc kịch Shakespeare từ tủ sách của ông bố.  Bi kịch Hamlet  của Shakespeare  cũng góp phần vào một cảnh trong  phim western My Darling Clementine do John Ford đạo diễn với Henry Fonda thủ vai quận trưởng. Wyatt Earp và Victor Mature đóng vai Doc Holliday.  À thì ra miền Tây hoang dã nhưng không phải vì vậy mà thiếu “văn hoá” .

Các viên đạn trong truyện LL thường chỉ làm thủng mũ, rách quần...tạo ra những khuôn mặt khiếp vía, khôi hài.  Thỉnh thoảng mới thấy cảnh gây cấn như lúc đọ súng tay đôi, Lục Xì rút súng bắn giữa ngực Phil Defer khi xạ thủ chưa kịp rút súng ra khỏi bao.

Trong 8 quyển đầu tiên, Morris kiêm cả vẽ và viết lời kèm theo tranh. Kể từ năm 1955 ông có thêm René Goscinny  (1926-1977) cộng tác lo viết cốt truyện.  Goscinny mất vì bệnh tim khi mới có 51 tuổi lúc đang làm stress test trong phòng mạch bác sĩ.  Morris chết vì tắc mạch ở phổi  pulmonary embolism

Bon anniversaire Lucky Luke.

Phúc Nguyễn (Giáp Tết Bính Thân 2016)

 
 

No comments:

Post a Comment