Pages

Monday, February 22, 2016

Vì Dây Mây Quấn


Nếu bạn sinh ra trong một đại gia đình, xem nào, có khoảng bốn hay năm bà bác ông bác, khoảng hơn một tá các bà chị các ông anh họ, không kể anh chị em ruột của bạn, với đủ mọi lứa tuổi từ bò lê đến mặt mụn, bạn sẽ hiểu ngay thế nào là “tình thế trung lập”, thế nào là “đứng ngay hai làn đạn”, thế nào là khôn khéo đi giữa quan hệ họ hàng mà không bị bắn chết tươi từ các phía. Hơn thế nữa, cái đại gia đình này, trong một khoảng thời gian dài, đã từng ở chung dưới một mái nhà hai tầng, năm phòng ngủ, một gian bếp, một cầu tiêu, một phòng tắm, một sân trước, một sân sau. Nói thế cho bạn hiểu, cái mối quan hệ gia đình này rất, rất gần nhau trong một không gian cũng rất, rất chật hẹp. Nó chặt chẽ và chằng chéo lắm chẳng chơi!

Đến đây bạn có thể thở phào vì khi ấy bạn còn nhỏ quá, không thấy hết được những điều vui có, buồn có, đụng chạm có, bực mình có, phức tạp có của cái sự ở chung này. Bạn đang độ tuổi bò lổm ngổm nên không biết đến chuyện các bà chị họ kình địch nhau vì một màu áo, chuyện cãi cọ xảy ra như cơm bữa vì ai phải quét nhà, ai phải rửa chén, ai phải lau bếp mỗi sáng, mỗi tối. Chuyện các ông anh họ leo cửa sổ trốn đi chơi gần sáng mới về. Chuyện đám con nít binh dây, phe này choảng phe kia, hoặc ca bài đoàn kết đi đánh nhau với đám con nít Chợ Chiều. Vì khi bạn lớn lên, các bác đã dọn ra riêng. Thái Phiên về với Thái Phiên, Thanh Trà được xây cất ngay bên Nhật Tân, sau này làm luôn cái Thanh Trà 2 bên kia đường, to hơn, đường bệ hơn. Rồi Bác Nội dọn lên ở trên đầu dốc Trần Bình Trọng, trong một căn nhà gỗ hai tầng, nhỏ nhắn có khuôn cửa sổ nhìn vào giữa sân Tiểu khu với lính tráng cầm súng ống đi qua đi lại. Sau năm 75, Bác được đổi cho cái villa diễm lệ trên đường Hoàng Diệu với cái vườn sau kéo dài vuông góc với sân sau của ngôi nhà hai tầng kể trên. Riêng Bác Thìn đi xa hơn, bác dọn tuốt về Ngã Ba Ông Tạ ở Saigon rồi mất ở đấy, không một lần quay lại Dalat. Nhưng đó là chuyện mãi sau này cơ.

Cứ tưởng tượng bạn là nàng dâu mới toanh về nhà chồng. Buổi sáng đầu tiên vào vai dâu hiền, bạn vác chổi quét sân trước lấy điểm. Xì, chuyện nhỏ, cái sân bé tí ấy mà, dăm phút đưa chổi là xong, nhưng đối với bạn nó lâu gì đâu vì bạn phải quét dưới sự quan sát của khoảng năm sáu cặp mắt dè bỉu “Nhìn cái tướng kìa! Đến cầm cái chổi cũng không biết cách!” Cầm chổi phải cầm làm sao nữa hả trời? Bữa ăn sáng cũng nhanh gọn, người lớn vội vàng tản tứ phía đi làm, đám con nít mắt nhắm mắt mở phóng đến trường. Nàng dâu mới không lo lắm, ung dung đi rửa chén đĩa, chẳng lấy gì làm ầm ĩ. Nhưng chờ đến giờ cơm chiều nhé! Khoảng hơn chục cặp mắt của đám con nít lom lom nhìn cô dâu mới chia cơm chia trứng chia thịt. Rồi đứa này tị nạnh đứa kia, và chúng nhìn thẳng vào mặt bạn, nói toẹt chị chia phần không đồng đều gì cả, tại sao nó được nhiều hơn em? Bạn đang ấp úng thì chúng hùng hổ tuyên bố “Ông không thèm ăn!”  Bạn hết hồn, hết vía, làm cho chừng đó con mắt đen lay láy kia hài lòng là điều không tưởng. Nhưng con nít vốn dễ quên và dễ tha thứ, rồi thì chúng cũng phụng phịu cho xong  bữa, tản đi như đàn chim nhỏ, làm những việc riêng của chúng. Bạn sẽ thấy chúng rúc rích ở góc này, la hét ở góc kia, hoặc kéo nhau đi mất biến, làm ngôi nhà bỗng chốc vắng lặng hẳn. Chiều tối người lớn đi làm về, không hề biết đám trẻ con bỏ cả buổi  chiều đi tắm suối, lội nước lõm bõm dưới dòng thác Cam Ly ngầu đục, hay vừa mới làm một chuyến phiêu lưu đến tận Đỉnh Gió Hú, qua làng Mọi, lục xục không chán trên khu Lê Lai với những ngôi nhà hoang bí ẩn. Nàng dâu mới ấy nếu có biết lũ trẻ đã làm gì, đã đi đến tận đâu, cũng im luôn, vì nói gì thì nói, thông đồng với đám con nít dễ hơn là lấy lòng chừng đó các bác các cậu các mợ bên nhà chồng. Hơn nữa nàng cũng cần kéo đám con nít về phe mình để còn có sức đối phó với các mụ chị em họ ghê gớm của chồng.

Đó là cái làm cho các nàng dâu nhức đầu và kinh hãi nhất khi về  ở trong cái đại gia đình này. Mới quen nhau biết anh ấy là con một, nàng dâu thở phào nhẹ nhõm, có biết đâu là bên cạnh ông ấy là cả tá các bà “mỏ nhọn” chị em họ vô cùng thân thiết, ruột rà. Cái đám chị em họ ấy là những người ngang ngang với tuổi của mình, xê xích dăm năm, bên tám lạng bên nửa cân. Có bà đã lấy chồng nhưng vẫn ở chung trong cái nhà hai tầng này, có bà đang trong giai đoạn hẹn hò, bồ bịch đến gọi ơi ới, có bà sắp lấy chồng, lâng lâng trong cái khoảng giữa đám hỏi với đám cưới, ngày đêm chỉ lo mỗi một điều không biết phải may áo cưới màu gì. Dù cho các bà có ở giai đoạn nào, có ở tuổi nào, có ghét nhau cỡ nào, các bà đều có một cái rất chung: đoàn kết chiến đấu với kẻ địch là những cô con dâu mới toe chân ướt chân ráo về nhà chồng. Các bà nhìn người lạ vào nhà bằng đôi mắt dè chừng, soi mói. Thế rồi móng vuốt ngấm ngầm xòe ra. Các bà không ác. Không, họ không ác độc tí nào. Các bà chỉ thương cái ông anh, cái ông em của các bà quá mà thôi. Các bà chỉ muốn bảo vệ cái thằng anh hay thằng em ngu như gì, đi rước con thần nanh đó về mà không biết bên ngoài nó nói cười nhỏ nhẹ, một dạ hai vâng, nhưng bên trong nó ngấm ngầm một bụng dao găm. Nó khôn lắm nhé, nó sai khiến ông anh ông em họ của các bà, quay các ông như dế, đến nỗi các ông ấy cuối cùng chỉ còn biết “thờ bà” để được yên thân. Ấy, các bà to nhỏ nói thế sau cái đám cưới linh đình khoảng dăm tháng. Các bà ấy không biết, sau chừng đó ngày, nàng dâu mới đã thành cũ, đã biết tỏ tường lề thói nhà chồng rồi, dễ mà ăn hiếp được ấy à? Nàng dâu được đám con nít mách lẻo lại, chỉ cười lạt “Thế thờ bà thì xấu chỗ nào nào? Chỉ cho tao xem.” Đám con nít nghe câu trả lời phục lăn lóc.

Nhưng cái đại gia đình đó vốn làm cho bạn nhức đầu nhức óc, lại là một cái phao cứu tinh cho bạn những khi khốn đốn trong đời. Nhất là chuyện túng thiếu tiền nong, hụt trước hụt sau vì những khoản chi trả không lường trước được, chuyện con dại cái mang không biết phải làm sao khuyên nhủ chúng. Bạn rón rén nhờ họ hàng giúp đỡ thì thoáng cái vèo là đâu vào đó. Các bác các cậu các mợ các chú sắp xếp mọi chuyện đến rõ khéo, chẳng ai chê trách vào đâu được, chẳng ai nói năng vào đâu được. Ấy thế vậy mà cái hội đồng gia tộc vĩ đại đó đã bị một cú lừa hi hữu của thế kỷ. Chuyện kể lại cứ như trích dẫn từ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng với cảnh mẹ chồng tương lai là mụ ăn mày ngoài chợ được thuê mướn, các bà bác mắt mờ đi vì những đồng tiền được xòe ra mà không biết là tiền đi vay mượn tám phương mười hướng, các ông bác có tỉnh táo hơn, cố bỏ vào vài lời khuyên cũng bị các bà gạt phắt. Hậu quả người chị họ mắt to, mũi thẳng, phảng phất nét Tây lai, đẹp nhất họ, đẹp nhất nhì Dalat đi lấy chồng mà không biết mình cũng lấy luôn cái bàn hút thuốc phiện. Nhưng cũng phải nói thêm, cái bàn nghiện ấy rất yêu thương vợ con của mình.

Chuyện đại gia đình có rất nhiều bí mật mà nếu bạn chỉ là đứa con nít chập chững biết đi vào thời đó, thì bạn đã bỏ sót bao nhiêu chuyện ly kỳ hay ho rồi. Khi lớn lên bạn được nghe kể lại thì đã tam sao thất bổn, mỗi người kể một kiểu, bạn chẳng biết tin ai. Như cái ngày bà bác nổi giận lôi sạch áo dài của bà con gái ra đốt, khét mù cả góc sân, bác điên tiết cấm không cho chị đi chơi, còn bạn thì mới té trên bàn máy may xuống, đầu sưng một cục vì ngồi chưa vững, lấy đâu ra mà hiểu có phải lỗi tại chị ấy hay không. Hoặc thiên tình sử của bà khác đang lúc lâm ly thì bị cắt đứt cái phựt! Mẹ của chị không cho chị quen lính, lấy lính làm chồng, bạn khi ấy mũi rãi còn thò lò, chỉ nhớ mang máng ông bồ chị hay đến nhà chơi trên chiếc xe Jeep bóp còi inh ỏi. Ôi những bà chị họ này. Có biết bao nhiêu mối tình dang dở, có biết bao nhiêu nước mắt nhỏ ra khi bậc cha chú chen vào tình cảm của các chị, lôi các chị trở lại với thực tế, thay vì để các chị lơ mơ trên mây, than khóc vớ vẩn cùng gió với mưa. Hoặc khi ông anh họ bị lửa xăng phựt cháy mặt, cả nhà hốt hoảng, táo tác, la hét, bạn còn đang nước mắt vòng quanh vì bị bà chị họ cắt tóc bằng cái kéo cùn, cắt phát nào đau điếng phát đó, như bị lột da đầu, rốt cuộc chịu không nổi bạn khóc thét lên, bà ấy giận dỗi quăng kéo để bạn với mái đầu nham nhở như chó táp. Buổi tối Má bạn ra sức sửa lại để rồi ngày hôm sau đi học, bạn nhất quyết đội nón ngay cả trong lớp!

Đến khi bạn được chính thức nhận vào hàng ngũ “buôn chuyện” của đám chị em họ, bạn đã ở cách xa ngôi nhà hai tầng năm phòng ngủ một cầu tiêu một phòng tắm cả vạn dặm, và đại phần cái đám “buôn chuyện” ấy tóc đã được nhuộm đen nhánh,  lòi chân gốc bạc trắng, da mặt nhiều nếp nhăn của thời gian và đôi mí mắt đã bắt đầu sùm sụp nắng nề. Các bà bây giờ đang toát mồ hôi lo chuyện con chuyện cháu của mình, rảnh rang một tí mới nhìn ngang nhìn ngửa sang chuyện họ hàng. Bây giờ chuyện “buôn dưa lê” trong họ không còn là một màu áo, một màu son, chuyện tị nạnh ai phải quét sân trước, ai phải cho gà ăn, ai phải đi chợ, ai phải chia cơm cho lũ con nít. Không còn là chuyện bà ấy được đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ, thì bà này cũng phải được đi học cái gì đó ở đâu đó cho công bằng. Chuyện bây giờ khác xưa lắm rồi, mang màu chết chóc nhiều hơn, đại khái như cúng giỗ chẳng hạn, ma chay chẳng hạn hay bốc mộ chẳng hạn. Chẳng gì thì gì, các cụ đã lần lượt rủ nhau về dưới, người trước kẻ sau. Thần Chết đã gõ cửa đại gia đình này khá lâu rồi.

Bạn ở cách xa nơi xảy ra chuyện khoảng một nửa trái đất, chuyện thực hư ra sao bạn chẳng biết tỏ tường. Nhưng chị em gọi cho bạn bảo đám ma anh ấy họ hàng đến nhà viếng mà vợ anh đón tiếp nhạt phèo, như người dưng, ngồi một lúc lạnh lẽo quá đành đứng dậy ra về. Bạn không tưởng tượng được cái nàng dâu phải quét nhà dưới dăm cặp mắt năm nào lại hành xử như thế. Nhưng bà ấy chẳng bao giờ liên lạc với bạn cho nên bạn không có cơ hội kiểm chứng có phải thế không. Cái ông anh họ đó ngoài chuyện là anh của bạn còn là thầy của bạn cùng lúc là tác giả bài thơ lục bát bằng tiếng Pháp “Depuis que je te connais. Il y a dix huit années…” không còn nữa. Bạn cũng muốn gởi một lời chia buồn, nghe thiên hạ nói ra nói vào bạn đâm ra hoang mang rồi đành vừa nghe vừa đánh nhịp thế ạ, thế ạ cho qua chuyện. Cả họ coi như mất đứt một nhánh vì chị dâu đoạn tình với cái đại gia đình này. Nhưng mà có thật như vậy hay không thì còn khuya bạn mới biết, trừ phi bạn về lại Việt Nam, gõ cửa nhà bà ấy xem bà ấy đón tiếp mình theo kiểu gì.

Sau rồi đến chuyện tảo mộ. Cụ bà mất ở Dalat nên chôn cất trên Mả Thánh, sau này hài cốt của cụ được dời về khu Du Sinh, trong mảnh đất mà ông em đã mua sẵn cho cả dòng họ. Cụ ông đi sau, mất ở Saigon, nên được chôn ở Saigon. Ông bà ở xa nhau cả mấy chục năm trường, biền biệt đôi ngả. Nếu giá đất đai ở Việt Nam không nhảy vọt một cách vô cùng tự do, tấc đất là tấc vàng, đến nỗi phải giải tán nghĩa trang đem đất đi bán, thì ông với bà còn tiếp tục xa nhau. Nhưng đất cần cho người sống hơn người chết, lệnh giải tỏa nghĩa trang đưa ra. Con cái ở xa, họ hàng không kịp thông báo, mà có báo chắc cũng không kịp về. Hơn nữa theo di chúc để lại của ông bác, vốn con trai cầu tự của cả dòng họ, bác muốn mọi người được sum họp với nhau ở Du Sinh, cho nên họ hàng bên Việt Nam quyết định tảo mộ cho cụ ông. Bạn chẳng hiểu đầu cua tai nheo tình hình khẩn cấp đến cỡ nào, bạn chỉ nhớ bạn nhận được một mẩu tin báo rồi bảo cả họ chung tiền giúp đỡ chuyện tảo mộ. Bạn hăng hái gởi tiền về Việt Nam góp phần vì bạn vốn thương bác trai dáng người cao gầy, ngày ngày kẹp ống quần tây lại, đạp xe đạp từ Hoàng Diệu xuống gần Đa Thiện thăm cháu nội, đều đặn ngày hai buổi đi đi về về. Bàn ăn tám chỗ bạn nhớ bác ngồi phía bên tay phải, đầu bàn còn bạn thì ngồi cạnh bác, mặc dù đã được kê cái ghế đòn ngồi cho cao, bạn vẫn không với tới được đĩa thịt, bác thò đũa gắp giùm cho bạn. Bác vừa ăn vừa ho vừa khạc nhổ ầm ĩ, coi mọi người như pha. Nhưng chẳng ai để ý. Căn phòng của bác bạn thừa hưởng sau khi bác về Saigon, cộng thêm cuốn sổ nhật ký và “cái rương ma” làm quà. Thế rồi bác mất và bây giờ mộ bác bị dời đi. Nếu chỉ đơn giản thế đã không thành chuyện. Chỉ vì bây giờ bạn được quyền buôn dưa nên bạn nghe mọi người thi nhau gọi tán loạn lên về chuyện này. Bên Việt Nam đưa tro cốt bác về Dalat, bên Mỹ nhảy dựng lên bảo sao không nói một tiếng. Bên Việt Nam bảo có nói nhưng anh chị có làm gì không. Bên Mỹ bảo bác đang mồ yên mả đẹp, phần đất bác là do công của người này tiền của người kia, không nỡ bội ơn bỏ mộ như vậy. Bên Việt Nam bảo người ta đòi đất, phải đem cốt bác đi chứ. Bên Mỹ bảo tại sao không nói sớm? Việt Nam bảo không kịp, họ bảo phải tảo mộ ngay!  Và bạn là người đứng giữa các làn đạn bắn đi đó, đầu óc vẫn ù ù không hiểu chuyện gì xảy ra…Nếu là bạn, bạn sẽ thắp hương cho bác, bảo, bác ơi, đã đến lúc mình trở về Dalat rồi, cái xứ mà khi bác chia tay nó về Saigon năm nào, bác đã ứa nước mắt. Thế thôi.

Còn bây giờ thì bạn đang ra sức là người trung dung, dặn lòng không được ngả theo phe nào để cho các bà chị họ tiếp tục gọi bạn, nói chuyện với bạn, tán dóc với bạn. Để có chỗ cho các bà ấy trút nỗi niềm, những khúc mắc mà nghe xong, bạn được dặn với “Em nghe để bụng đừng nói một ai”. Bạn để bụng ấy chứ, đâu dám kể cho ai nghe? Bạn chả dại gì đem dầu đổ vào lửa. Và có lần bạn cẩn thận ba phải đến mức một bà cáu tiết la lên “Trời ơi cái con này ngây thơ quá! Nghĩ như em thì em là Phật rồi đấy!” Té ra làm Phật cũng dễ thật! Bạn chỉ muốn các bà cứ tha hồ mà thố lộ tâm tình, nếu không bạn đâm buồn vì chẳng ai gọi chuyện tán dóc với bạn nữa. Mà bí mật gia đình vốn là những đề tài hấp dẫn nhất. Tất cả mọi cuộc đời, dù buồn tẻ cách mấy, cũng có những bí mật của nó. Trình độ tán chuyện của bạn đang ở hạng Facebook, Viber với lại Skype, nhưng bạn vẫn chờ những cú điện thoại của các bà, vì các bà chẳng biết Viber tròn méo ra sao, không cách chi mò lên Skype được, và Facebook chỉ tổ làm các bà hoang mang. Các bà nhấc điện thoại lên gọi cho bạn để bạn còn được nghe ngóng chuyện đời xửa đời xưa, hoặc chuyện nóng hổi mới xảy ra, tất cả những chuyện mà nếu có viết lên Facebook thì tốn tỉ giờ ngồi mò dấu hỏi dấu ngã, có gởi email lại càng mất hứng hơn. Có lắm hôm nghe xong bạn thở dài “Tội nợ họ hàng!” nhưng phần lớn bạn tự nhủ “Thế a?”.  

Mà nói cho cùng, bạn rất yêu các bà ấy. Thật thế. Họ là một phần đời của bạn. Qua họ, bạn thấy lại những năm tháng xa xưa, những kỷ niệm xa xưa, thấy lại ngôi nhà xưa, thấy mình còn là đứa con nít, tai lúc nào cũng dỏng lên hóng hớt, lượn lờ quanh đám người lớn nghe lóm “chuyện cấm”. Và cho dù bây giờ họ có lẩm cẩm, khó tính, khó chiều, bạn vẫn yêu họ như thường. Nhất là khi họ nói tuổi của họ cho bạn nghe, bạn giật mình và càng yêu họ hơn.

Vì dây mây quấn ấy mà.

Lan Hương (Fort Worth, 02/22/2016)
 

No comments:

Post a Comment