Đó
là năm 1989. Gia đình tôi chộn rộn với chuyện đi đứng, chẳng ai còn lòng dạ nào
cho những ngày Tết Kỷ Tỵ mặc dù đó là cái Tết cuối cùng của mọi người ở Việt
Nam. Thậm chí cây mai già bên nhà Bác Hiện đã nở hồng một góc trời, tôi cũng
không để ý đến. Mùa hoa quỳ đi qua từ lúc nào, tôi cũng không hay. Gió lạnh về
làm cho bầu trời xanh hơn, cao hơn, tôi cũng không ngước lên nhìn. Và lòng tôi
tuyệt nhiên chẳng chút xôn xao với những đám sương mù trắng xóa ẩm ướt mỗi sáng.
Tôi không còn tâm trí nào tơ tưởng đến cây với cảnh, đến bầu trời, đến cụm mây,
đến những hàng thông xôn xao bên kia đồi, đến những tia nắng vàng hanh chiếu
xiên vạt tường, lúc mà mở toang cửa sổ phòng
khách, tôi vẫn còn nhìn thấy được mái trường Petite Lycee Yersin và con đường uốn
lượn dẫn vào khu Du Sinh.
Đã
bao nhiêu năm qua, ký ức cứ dần dần trôi tuột theo ngày tháng, cứ như nước chảy
qua kẽ ngón dù cho mình đã cố khép chặt bàn tay lại. Thi thoảng tôi tự hỏi năm
đó ở nhà có gói bánh chưng không, và nếu có, thì ai là người gói, ai là người
thức canh nồi bánh? Tôi đồ rằng việc lau lá đãi đậu xanh vẫn đến tay tôi vì gói
ghém thì tôi chẳng làm nên trò trống gì, nhưng tôi biết không còn cái cảnh
giăng chậu giăng rổ ở sân trước rồi ngồi ê mông đãi đậu từ sáng đến trưa. Tôi
không nhớ Ba có tự tay chẻ lạt hay mua sẵn mấy bó giang ngoài chợ. Tôi cũng
quên mất Má có nấu món thịt đông, có muối vại dưa cải hay không. Và anh Doãn,
người gói bánh chưng đẹp nhất họ, năm ấy có lên nhà tôi, ề à xốc kính ngồi vào
cái chiếu trải giữa nhà rồi sai tôi chạy rót nước, đong đậu, thêm lá, thêm lạt
hay không? Lúc ấy hai bà chị tôi đã sang Bỉ trước, nhà chỉ còn Ba Má và bốn người
con, dâu rể và bốn đứa cháu, tổng cộng 12 mạng, trong đó một nửa sẽ đi vào khoảng
2 tuần sau Tết, phần còn lại dứt áo từ biệt Dalat vào tháng Tư. Tôi nằm trong
danh sách kế tiếp thế nên mấy ngày trước Tết, trong Tết hay sau Tết, một nửa hồn
tôi đã ra khỏi Việt Nam mất rồi, bay lơ lửng đâu đó khoảng giữa Dalat và
Bruxelles, nửa hồn còn lại chẳng đủ cho tôi chân chạm đất, đi gom góp hết những
gì tôi muốn giữ lại trong ký ức mình trước khi từ biệt quê nhà. Từ Dalat cho đến
Saigon, từ nhà số 7, đến tiệm Nhật Tân, con dốc Yagut, con đường Hoàng Diệu, đường
Lê Lai, Trần Bình Trọng, rồi từ trường Hùng Vương, trường Lam Sơn đến Bùi Thị
Xuân. Và bạn bè. Và người thân…Biết bao thứ mà tôi thì cứ lơ mơ ở tận đâu đâu.
Vậy mới hay khi ra đi, có bao nhiêu thứ mình để lại sau lưng…
Tôi
nhớ ngày 29 âm lịch, theo thông lệ cả họ vẫn tụ tập ở nhà Bác Tự ăn Tất Niên.
Má bảo tôi lên thắp nhang cho Me và các cụ, khấn vái mong cho chuyến đi xuôi
trước lọt sau. Giấy tờ, vé máy bay đã cầm trong tay, nhưng bà vẫn lo, chẳng tin
chắc vào điều gì. Tôi leo lên ba tầng lầu, cái sân thượng dạo nào là sân chơi của
chúng tôi thuở chùi mũi chưa sạch, giờ đã
thành lầu ba và Bác Tự dành nguyên một căn phòng lớn làm nơi cúng kiến thờ phượng.
Đứng trước di ảnh của Me, tôi nhớ mình lầm rầm khấn “Me phù hộ cho con nghe” rồi
lại nghĩ mà Me có biết tìm mình ở đâu không mà phù với hộ? Tôi vốn mâu thuẫn
như thế, nửa tin vào thế giới bên kia, nửa còn lại rất thực tế, bảo làm sao người
âm đến với người dương để mà đỡ đần. Câu chuyện của cả họ hôm đó chủ yếu là
chuyện nhà tôi đi định cư ở Bỉ. Ba Má tôi buồn vì không biết đến bao giờ gặp lại
họ hàng thân thích, riêng tôi thì hồi hộp, chờ đợi những điều mới lạ ở chân trời
mới, người bay bổng trên chín tầng mây. Ăn cỗ xong tôi nằm ngả ngớn trong chiếc
giường lớn của các bà chị họ mà không ngờ rằng hôm ấy là ngày cuối cùng trong đời
tôi, tôi được nằm nghe các bà rì rầm tán đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện
trong nhà ngoài ngõ. Chỉ vì tôi tâm tâm niệm niệm rằng có lúc tôi sẽ trở về, sẽ
gặp lại tất cả mọi người, không chóng thì chầy. Tôi đi Bỉ chứ có phải đi đến
nơi tận cùng thế giới đâu nào. Cái tâm niệm này đã qua mấy chục năm mà tôi chưa
một lần quay lại Việt Nam. Và anh chị họ của tôi, dù muốn hay không, đã có những
người trở thành những vì sao biết cười trên bầu trời của tôi. Họ chẳng thể chờ
tôi được. Để gặp lại họ, tôi chỉ còn cách nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm và lắng
nghe những vì sao ngân nga.
Buổi
chiều về nhà, tôi bắt đầu lôi những cuốn nhật ký của mình ra đốt. Những cuốn
lưu bút ngày xanh của bao năm làm học trò Lam Sơn, học trò Bùi Thị Xuân tôi đã
đưa cho đứa bạn thân giữ giùm, tôi không nỡ quăng những dòng mực xanh, những
câu văn non nớt, những tấm hình đen trắng của bạn bè thuở mới lớn vào cái miệng
lò há toang hoác đen xì muội khói. Tâm sự nỗi niềm của tôi trong suốt những năm
tháng ở Dalat, ở Saigon, cộng thêm với cuốn truyện dài tôi viết cho riêng tôi đọc,
đủ để đun sôi một nồi nước to đùng cho tôi gội đầu, tắm táp đầu xuân. Thậm chí
tro tàn cũng đủ cho một nồi nước nóng khác để tôi lôi ba con chó ra tắm luôn. Đốt
những cuốn nhật ký này, tôi đoạn tuyệt với những năm tháng ở Việt Nam, dứt áo
ra đi và chuẩn bị cho một cuộc sống xa lạ khác ở một đất nước xa lạ khác, nơi rồi
sẽ có những cuốn nhật ký khác, những mối bận tâm khác, những tâm tình khác. Hành
trang lên đường của tôi đã sẵn sàng trong hai cái vali bằng da giả và một cái
rương bằng thiếc, kẻ tên tôi và địa chỉ của anh tôi bên Bỉ màu xanh, rõ ràng,
thẳng tắp. Khi ra phi trường Tân Sơn Nhất làm thủ tục cân đo hành lý, con mụ chằn
ăn làm việc ở đó nhìn vào vali và cái rương của tôi rồi thốt lên “ Nhà này đến
cái chổi cùn cũng mang theo!”
Ngày
ba mươi Tết, Má vẫn nấu xôi vò gà luộc cúng Giao Thừa, Ba vẫn phơi phóng phong
pháo ở góc bếp để đốt cho nổ dòn. Một tí chộn rộn đây kia nhưng nhiệt tình của
những Tết xa xưa đã chẳng còn bao nhiêu. Nhà thiếu hai người mà đâm ra vắng vẻ
hẳn. Tôi tiếc không chụp lại hình ảnh cây mai cuối cùng nơi góc nhà. Tôi tiếc
không giữ lại được mùi pháo cuối cùng của đêm ba mươi rất sâu rất tối. Tôi vẫn
lấy cái khăn bàn trắng ra ủi rồi trải lên cái bàn ăn tám chỗ ngồi, tôi vẫn soạn
sửa mứt với hạt dưa đem ra bày. Theo tục lệ, nhà tôi không thể không có hoa nên
nên khắp phòng la liệt những bình hoa được cắm công phu, tỉ mỉ. Nhưng tôi quên
mất cái đêm ngồi thức canh bánh chưng cuối cùng ở Dalat ra sao, tôi có bỏ trốn
đi ngủ sớm không, tôi có chịu khó đứng gần bể nước múc nước đổ vào cái thùng
phi sôi lục bục không. Rồi sáng hôm sau tôi có đứng phụ vớt bánh ra, nhúng vào
cái thau to tướng để rửa trước khi đem ép không. Tôi cũng chẳng nhớ nổi mùi vị
cái bánh chưng cuối cùng được ăn ở Việt Nam như thế nào. Mùi mứt dừa, mứt gừng ra
sao cũng không còn trong dư âm. Với tất cả những nỗi háo hức về chuyến phiêu
lưu sắp tới , tôi đã bỏ qua rất nhiều điều mà sau này nghĩ lại, chúng như những
chiếc gai nhọn, cào vào ký ức tôi, nhức nhối. Và đôi khi làm tôi bần thần cả
ngày với cả đống những câu hỏi không câu trả lời.
Ngày
mùng một Tết, cả nhà sửa soạn ăn mặc đẹp, có chụp hình hay không tôi không nhớ,
mà nếu có hình thì tôi cũng chẳng giữ được cái nào. Con mụ ở phi trường đanh đá
bảo tôi “mang theo chổi cùn”, thật ra có mấy cuốn album tôi còn chưa mang đi được
nữa kia. Sau khi Ngoài Hàng kéo vào nhà tôi đòi Ba Má tôi lì xì rầm trời, rồi một
màn bầu cua của thiên trả địa chớp nhoáng, cả đám lại kéo xuống Thái Phiên như
thông lệ hàng năm. Khi Bác Chính đưa cho tôi cái phong bì đỏ, Bác bảo sang đó cố
học hành cho giỏi rồi về thăm Bác. Anh Hưởng, người hay gọi tôi là “Dế Mèn” khi
tôi còn nhỏ, chắc vì màu da tôi không được trắng trẻo cho lắm, lần này không chọc
tôi nữa mà chỉ nói khi nào lấy chồng nhớ đừng quên anh. Vậy mà tôi đã đi biệt chẳng
về thăm Bác lấy một lần. Đám cưới tôi anh Hưởng không có mặt. Bây giờ cả hai
Bác đã làm một chuyến đi xa không quay lại,
hai Bác Tự nối gót, rồi đến Ba Má tôi cũng bỏ chúng tôi đi nốt. Anh Doãn cũng không
còn để sai tôi chạy vặt, anh Hưởng cũng không còn để làm cho tôi sợ hãi mỗi khi
gặp anh, anh vừa cười vừa gọi “Con Dế Mèn đâu?” Họ chẳng còn ở đó chờ tôi quay về,
chờ tôi đến trước cánh cổng nhà Chính Lầu hay hai cánh cửa sắt Thanh Trà mà hét
tướng lên “Chào Bác, cháu về rồi!”
Có
lẽ Ba Má tôi là những người ý thức được đó là cái Tết cuối cùng ở Việt Nam rõ
ràng nhất nên khi chia tay ra về, tôi thấy mắt Má đỏ hoe. Riêng tôi đã kịp đảo
một vòng khắp vườn của Bác, từ vườn trên xuống vườn dưới, thăm thú cả cái chuồng
heo, thăm các cây đào huyết, bụi túc cầu xanh lơ, hồ cá đóng bèo xanh ngắt. Như
một lời từ biệt dành cho Thái Phiên, cho thời thơ ấu vô tư lự với những kỷ niệm
tràn đầy khắp nẻo trong ngôi nhà và khu vườn của Bác Chính. Nơi hai bác vốn
thương con cháu, chẳng nỡ rầy la đứa nào, để mặc cho cho chúng tung hoành khắp
vườn trên vườn dưới.
Ngày
mùng hai làm gì tôi không nhớ, ngày mùng ba cũng thế. Tôi biết chắc rằng không hề có chuyện nhà số 7
với đám Ngoài Hàng kéo nhau vào Đa Thiện hay đi Datanla, hay đi Suối Vàng. Số 7
bận bịu với chuyện ra đi, Ngoài Hàng khi ấy các anh chị đã lập gia đình, bận bịu
với những việc riêng của mình, nên chẳng ai rủ ai làm một chuyến chơi Tết trong
rừng như những năm nào. Tôi chỉ nhớ trong mấy ngày đó tôi có mượn chiếc xe
Honda của bà chị, rủ con bạn thân đi thăm Dalat một vòng trước khi tôi rời xa
nó. Gởi xe ở đầu dốc, tôi và nó thả bộ xuống hồ Đa Thiện, tôi nhớ những lần cả
nhà rủ nhau đi picnic, tay xách nách mang, vác đồ ăn vác đàn đi tuốt vô sâu
trong rừng, càng xa đám du khách càng tốt.Mặt nước hồ yên ả, lác đác vài bóng xe
đạp nước hình thiên nga. Tôi bần thần đứng nơi cửa đập, nhìn xuống dòng nước ri
rỉ chảy ra suối, không biết phải chia tay với kỷ niệm như thế nào. Sau đó tôi và nó leo lên hồ Con Rồng trên đỉnh
đồi. Nhớ thuở nào đám con gái trong lớp kéo nhau ra đây, nghịch ngợm thi nhau
leo lên đầu rồng chụp hình. Tôi có ghé vào vườn hoa Dalat. Du khách chưa đổ tới
nên tôi vẫn còn thấy được những bông coquelicot màu đỏ thắm, hoa muguet muôn
màu, hoa thược dược khoe sắc và hàng tỉ màu hoa đặc trưng khác của Dalat. Và có
hay không những bông hoa Fortget Me Not xanh nhạt, tôi không nhớ nổi. Tôi chở bạn
lượn lờ trên con đường Trần Hưng Đạo, hàng cây thông vẫn reo trong gió, và cây
xá lị nở hoa trắng xóa cuối con dốc. Thấp
thoáng xa xa mặt hồ Xuân Hương im lặng soi bóng Đồi Cù. Bạn rủ tôi đến chùa Trại
Hầm xin xăm. Trong chừng đó ngôi chùa trong đời tôi, tôi chỉ nhớ về Linh Sơn với
tiếng chuông ban mai ngân nga trong đám sương mù lành lạnh, nhớ về Khuôn những
đêm trăng rằm vằng vặc ngồi sinh hoạt thiếu nhi trước sân chùa mênh mông. Chùa
Trại Hầm không để lại ấn tượng gì nhiều với tôi ngoại trừ những bậc cầu thang
lên đồi cao vút. Buổi chiều về nhà, tôi lấy chổi quét sân trước, những cánh mai
hồng bên nhà Bác Hiện vẫn rơi rụng theo gió đông, đáp xuống sân nhà tôi, trộn lẫn
với xác pháo đỏ Ba tôi đốt đêm Giao Thừa và sáng mùng một. Vừa quét, tôi vừa nhủ
thầm, khi nào tôi sẽ quay về để quét những cánh hoa mai này lần nữa, quét những
xác pháo này lần nữa? Một năm, hai năm, hay mười năm? Lúc ấy tôi không biết rằng,
chẳng bao giờ. Mãi mãi chẳng bao giờ.
Buổi
tối có mấy người bạn đến nhà chơi. Đám bạn biết tôi sắp ra đi thành ra ngồi nói
chuyện với nhau câu chuyện bỗng dưng rời rạc, chẳng đâu vào đâu. Đáng lẽ tôi phải
nói lời từ biệt một cách văn hoa bay bướm hơn vì biết đến khi nào mới gặp lại
những khuôn mặt thân thuộc này? Tôi chỉ thông báo gọn lỏn “Ờ mình sắp đi,không
biết bao giờ về”. Bạn nói “Vậy hả? Sang đó làm gì?” “Đi học lại, mình nghĩ vậy”.
Thế thôi. Rồi cả đám thi nhau cắn hạt dưa, nghe nhạc ABBA, Modern Talking. Nói
chuyện tầm phào vô thưởng vô phạt. Bóng bạn chưa khuất dưới dốc, tôi đã thấy trống
rỗng trong lòng, để rồi mãi về sau này, hình bạn bè theo internet đến với nhau,
cả đôi bên ngỡ ngàng vì thời gian trôi qua chẳng thương xót cho riêng một ai.
Cái
Tết cuối cùng ở Dalat đó, chẳng ra gì, tôi có thể nói như thế. Vì hồn tôi không
ở cùng Tết, không ở cùng Dalat. Vì tôi đã chuẩn bị cho mình với tư thế là một
người sắp đi xa, đi mà không biết bao giờ về. Thế nên thay vì ráng giữ tất cả
những hình ảnh đẹp nhất của ngày Tết, tôi vô hình chung xóa sạch chúng trong ký
ức của mình. Để bây giờ tôi khổ sở ngồi moi óc ra ráng nhớ, những ngày đầu năm
1989 ấy, mình đã làm gì? Mình đã đem theo những gì trong cái Tết cuối cùng ấy
đi cùng mình đến một nơi không còn Tết nữa? Đến một nơi mà mỗi khi Tết về, thấy
lòng hụt hẫng, và chợt mơ về cánh hoa mai rụng năm nào. Đến một nơi khi cắm những
bông hoa glaieul cho một ngày Tết duy nhất, lòng bồi hồi nhớ về những cánh hoa đỏ thắm
trên bàn thờ đêm Ba Mươi trước hiên nhà.
Sân
trước một nhành mai nở, sân sau những chậu lan nở, cây mimosa trồng muộn màng
góc vườn đã nở, đám hoa verveines vẫn đưa hương, dàn huỳnh anh dăm bông nở lác
đác, riêng dàn hoa giấy quanh năm suốt tháng với màu đỏ tươi . Chừng đó màu sắc làm
nên nhà tôi trong những ngày Tết. Vậy mà trí óc tôi cứ mờ mịt, lãng đãng, không nhớ
cái này, bỏ quên cái nọ. Rồi buồn bã nhìn vào mớ kỷ niệm ít dần theo ngày với
tháng.
Tôi
đã rời bỏ xứ sở của tôi. Tôi đã rời bỏ ngôi nhà của tôi. Tôi rời bỏ mặt trời ban
mai trên những ngọn đồi, rời bỏ tiếng hát vi
vu của những rặng thông, rời bỏ Đồi Cù với cỏ hồng man mác, rời bỏ rặng núi Bà chập
chùng xa xa. Và rồi trong những ngày tháng phiêu bạt, mặt trời xưa thỉnh thoảng
trở về, tiếng thông reo trong gió thỉnh thoảng trở về, mùi đất xông sau cơn mưa
trở về. Ký ức cũng trở về. Riêng tôi, giật mình hoảng hốt, vì thật ra mình chẳng
còn nhớ được gì nhiều, dù đã cố sức nhặt nhạnh những hồi ức đây đó.
Nhưng
chẳng đủ để cho ngày Tết của tôi bên này bớt thiếu vắng hơn.
Lan
Hương
Fort
Worth 02/08/2016
No comments:
Post a Comment