Pages

Thursday, March 10, 2016

Thêm Một Tuổi


Sinh nhật năm mươi ba tuổi. Không nến, chẳng bánh cũng không hoa. Sinh nhật năm mươi hai cũng thế, và năm năm mươi bốn cũng sẽ thế. Lần cuối cùng mình thổi nến sinh nhật cách đây hơn 20 năm thì phải, khi chân ướt chân ráo đi làm cho EDS. Buổi sáng ngày 10 tháng 3, đám coworkers đem cho mình một cái cup cake bằng nắm tay với một cây nến cắm trên đó rồi hò la bảo thổi đi, thổi đi, “make a wish” đi. Mình hồ hởi phấn khởi thổi ngọn nến duy nhất, kịp nghĩ nhanh trong đầu, mong cho hai thằng con mau khỏi bệnh, chỉ thế thôi cũng đủ mừng rồi. Khi ấy hai thằng đang mắc bệnh chicken pox, người lấm tấm mụn đỏ như beo gấm, phải nằm nhà hơn một tuần. Mình có mặt tại sở lúc 6 giờ sáng, bỏ nghỉ trưa để ra khỏi sở 2 giờ chiều, phóng về nhà coi con cho bố nó đi làm lúc 3 giờ, về nhà 10 giờ đêm. Vợ chồng thay phiên nhau coi hai thằng vì nhà trẻ từ chối “beo gấm” sợ lây lan biến nhà trẻ thành sở thú mất, mà họ hàng bà con nhìn trước nhìn sau chẳng có ai chung quanh đỡ đần. Ông chồng cám cảnh kêu lên “Hai đứa mình sao giống con mồ côi quá vầy nè!” Mẹ chồng sau này nghe thế bảo “Ăn với nói!”

Lần được tặng hoa cuối cùng là ngày trở về sau đám tang của Má. Mình suy sụp hoàn toàn, lết vào nhà thấy bình hoa dại hai ông con đi bứt dưới park về cắm trong cái ly uống nước kèm theo một tấm thiệp nguệch ngoạc “Chúc mừng Ngày lễ Mẹ”. Nhìn bình hoa lẫn lộn cỏ dại đã héo hơn nửa, mình hiểu cuộc sống dù sao cũng phải tiếp diễn, dù có Má hay không có Má. Đức ông chồng mình lần sau chót tặng hoa cho mình không biết vào cái dịp gì thì kèm với hoa, mình được nhận thêm câu “Hoa gì mà đắt kinh khủng! Đúng là rip off!” Mình cắm hoa vào bình, cắm luôn cái cảm giác đã để cho ông chồng bị trấn lột một cách vô nhân đạo vào trong lòng. Sau đó mình có gợi ý thay vì mua bó hoa, mua cho mình một chậu hoa, nghĩa là có đất, có rễ, mình sẽ chăm sóc nó để nó nở hoa tiếp sang năm. Mình nhận được một chậu lan rồi im bặt, không thấy gì nữa. Đến cả hoa lan cũng được liệt vào hạng “trấn lột” thì thôi, mình chẳng mong ngóng gì nữa cả. Cũng may cái chậu lan này năm nào cũng nở một cành cho đến tận bây giờ. Ngẫm tới ngẫm lui, cũng tội ông ấy. Giá như mình thích cà rá bông tai thì dễ cho ông ấy biết chừng nào. Đi mua một sợi dây chuyền tặng ông ấy không cảm thấy phung phí bằng mua một bó hoa mà nó chỉ tươi tắn được đúng 10 ngày nếu chăm chỉ thêm nước thay nước rồi cuối cùng cũng kết thúc trong thùng rác. Nhưng mình chẳng buồn đâu. Đến khi mình chết, mình sẽ gom đủ hết hoa cho chừng đó năm không được tặng hoa. Hê hê!

Cách đây mấy năm, nhân dịp ông anh lên ngồi chiếu cụ với số tuổi 60, ông ấy bảo không cần quà cáp, chỉ cần mỗi người viết cho ông ấy biết những suy nghĩ của mình trong quá khứ, hiện tại và mơ ước cho tương lai. Mình nhớ mình tống cho ông ấy hai bức thư dày cộm kể lể quá khứ và hiện tại. Ông ấy chờ cho đến bây giờ mà không thấy bức thư tương lai của mình ở đâu. Chỉ vì nó mở đầu như thế này “Ceux qui ne regardent que dans le passé ou le présent sont certains de rater l’avenir”. Chấm hết. Chẳng bao giờ mình gởi nó đi Dubai. Nghĩ về tương lai ư? Chắc chỉ mong cho chân tay khỏi đau để chạy cho nhanh, chơi tennis cho khỏe, không thì đến phải xài meldonium như Maria Sharapova mới trụ được. Mà nghe nói, sau khi Maria bị treo vợt, số lượng thuốc meldonium được bán ra đắt như tôm tươi! Thế mới biết trên đời này có biết bao nhiêu cái tay đau cái chân đau vẫn còn luyến tiếc với cái việc nâng vợt vụt một cái cho sướng. Còn con cái ư? Sau khi hai thằng vào đại học, mình phủi tay được chưa? Mình không biết đến khi nào thì Ba Má mới không phải lo cho mình? Lúc mình chia tay cả nhà ở phi trường Zaventem, đi lấy chồng nước mắt như mưa chăng? Còn tương lai riêng cho bản thân mình ư? Ngày nào đi làm về cũng thấy tấm bảng trưng số độc đắc lên hàng triệu đô la. Nếu trúng số, việc đầu tiên mình làm là mua vé máy bay về Bỉ, ngồi ghế hạng nhất duỗi chân duỗi tay cho bằng sướng. Chứ bây giờ ngày nào cũng lên Google mò vé tuyệt vọng, toàn giá trên trời dưới đất, đem nhân cho bốn thì đúng là nghèo mà chơi sang. Giá xăng đã rẻ biết bao nhiêu rồi mà sao đường về cố quốc còn xa vời đến vậy? Riêng khoản sự nghiệp thì đến tuổi này rồi không còn nhìn ngang nhìn ngửa muốn nhảy hãng nữa. Và cũng không còn nghĩ “Nếu được lựa chọn mình sẽ đi học cái này, làm cái này thay vì làm nghề này, vân vân”.  Mà cái số của mình bị dính chặt với hãng này mất rồi. Mấy lần manh nha tính bỏ đi thì vừa tu sửa cái resumé xong ông chồng thông báo hãng ông ấy đang cho nghỉ việc. Mình ngậm ngùi cất resumé, tiếp tục lái xe vào Downtown. Hai mươi năm đi làm, đổi chỗ ngồi 4 lần, ơn trời dưới cùng một hãng, chỉ xách cái computer đi từ bàn này sang bàn khác. Boss cũng già theo mình, thình lình lên chức bà ngoại bất đắc dĩ mà không có con rể. Boss cũng đã kịp đổi bồ ba lần, trong đó có một ông thay vì lên xe bông với Boss đã chết ngay trên xe của Boss trên đường đến nhà thương vì đau tim. Gò má Boss hơi cao nên Boss lận đận mãi đến năm ngoái mới lấy được ông chồng này, cái ông mà cả team nói lén sau lưng Boss “Người ngợm trông giống nông dân quá!” Riêng trong team đã có hai ông nghỉ hưu, bốn ông bị đuổi việc và một ông chết vì ung thư da. Thời gian như thoi đưa, mình ngồi một chỗ nhìn thiên hạ đến rồi đi. Mang theo buồn vui hỉ nộ ái ố một thuở đi làm.

Năm ngoái viết blog còn tự hỏi “Bao nhiêu tuổi là già?” thì cách đây ba tháng tóc đã được nhuộm. Đúng ra không phải nhuộm mà là highlight. Mình đi highlight ngày chủ nhật, thứ hai đi làm với cái đầu nhìn rất mới mẻ, ngay cả mắt mình nhìn cũng không quen. Đến mười giờ sáng đi họp team, cái lão mà mình ghét nhất trong team nhìn chăm chăm lên đầu mình rồi hỏi “Mày làm gì với bộ tóc của mày vậy hả?” Boss liền chen vào “Đẹp đấy chứ. Nhìn thấy trẻ ra hẳn”. Boss nói thì không nên tin lắm vì mụ ấy đang ra sức nịnh mình để mình làm cho mụ cái report cấp tốc.  Sau một tuần với cái đầu mới , mình rút ra kết luận, đối với Mỹ, nhuộm tóc, highlight bất cứ màu gì ở bất cứ tuổi nào, chúng cũng khen đẹp. Mỹ vốn chuộng sự thay đổi mà. Da vàng mũi tẹt phe ta thì phải chia làm hai loại. Đối với bạn bè, cả đám kêu lên, ôi trông chị trẻ ra quá, mô đen quá sau khi quất sạch nồi mì quảng của mình. Đối với nhà chồng, im thít, “no idea”. Mà ôi thôi, đã từ lâu mình không còn màng đến chuyện nhà chồng nghĩ cái gì nữa. Riêng ông chồng sau ba tháng một hôm mới dám nói “Không đẹp”. Khổ thật, ông ấy không biết rằng tóc phải highlight để che những sợi bạc lấp ló. Ngày nào cũng ráng nhổ hết tóc bạc thì mình sẽ thành “trọc phú” chứ chẳng chơi.

Năm mươi ba tuổi, nhìn lại chừng đó năm tự dưng thấy tội cho đức ông chồng. Nếu mình ăn rồi chỉ mê phim Hàn, suốt ngày dán mắt xem “Mẹ chồng ăn thịt nàng dâu”, chạy ra chạy vào giữa phòng khách với nhà bếp, mắt để tivi chân ở ngoài garage hầm xương nấu phở nghi ngút khói, nấu cháo lòng nhuyễn nhừ không biết nấu spaghetti thì có lẽ ông chồng mình sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Nếu mình không biết đi bộ là gì, đi cắm trại là gì, đi đạp xe đạp là gì, ngồi xem 송중 (có trời mới biết đó là ai, mình tìm thấy trên Google) nhỏ lệ với 손예 thì có phải là đơn giản cuộc đời cho ông ấy không? Phim truyện cực kỳ dễ hiểu với mô tip chàng đẹp trai nhà giàu, nàng nhà nghèo cũng đẹp không kém, hoặc ngược lại ở cái khoản gia cảnh khó khăn, khi nào đạo diễn muốn thay đổi thì cho chàng hoặc nàng bị mù để thêm phần lâm ly. Kéo dài đến phút 59 của tập cuối cùng thì hoặc chàng hoặc nàng sẽ chết, hoặc cả hai cùng chết trong một tai nạn xe cộ mà tay vẫn nắm chặt lấy nhau. Ở đây đạo diễn muốn mua nước mắt của người xem nên coi khinh phản xạ tự nhiên các loại, coi coi như pha cả những tình tiết hiển nhiên khi cho cả hai nằm chết trong cái xe bốc cháy ngùn ngụt mà mặt mũi vẫn sạch sẽ, đố có dính một vệt khói muội nào. Lâu lâu thay đổi mùi vị, đạo diễn sẽ cho nàng chết vì đau tim cho điệu đàng, chứ chết vì kiết lỵ thì hơi tởm, chàng khóc sưng mắt chẳng bao lâu sẽ có chị em song sinh của nàng xuất hiện, và phim cứ thế hồn nhiên kéo thêm mấy chục tập. Cái này là mình phịa ra chứ mình chưa từng xem bất kỳ bộ phim nào, chỉ ngồi nghe thiên hạ kể lại mà thôi. Và nếu mình chán phim Hàn với mặt mũi tài tử hao hao như sinh đôi nhờ các viện thẩm mỹ, thì tại sao mình không chịu coi phim đánh đấm, đạn nổ như mưa, vỏ đạn rơi tung tóe như rắc confetti mà tài tử chính chẳng rụng lấy một cọng tóc, coi tới chữ THE END thì chẳng còn gì trong đầu, thay vì tâm tư đi tìm tính nhân bản trong phim The Departure, hay L’Amour hay Nebraska làm gì cho mệt óc.

Ở đây phải mở ngoặc một tí. Khi mình lắng nghe Brahms No 3 thì ông chồng mình líu lo với “Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi”, khi mình chuyển sang Adele với Water Under the Bridge, chồng mình sẽ nghe Hotel California, mình tiến tới nhạc 2015, ông ấy còn dừng và không chịu tiến thêm một bước nào ở thập niên 80, thời đại học của ngài. Thế cho nên lên xe ngồi chung với nhau, chớ mà mở nhạc, bất cứ nhạc kiểu nào, kẻo mất lòng nhau. Đồng xe dị mộng là đây chứ còn ở đâu cho xa? Cũng may có headphone, ông ấy cứ việc thả hồn theo “Cô lái đò bến Hạ”, mình theo đuổi “Million years ago”, lặng đi một tí ở cái đoạn “I feel like my life is flashing by. And all I can do is watch and cry. I miss the air, I miss my friends, I miss my mother…”.  Đến khi mình bắt đầu đi xem opera thì chồng mình giở nón chào thua, bảo không thể chịu nổi tiếng rên ư ử ấy. Cú sốc văn thể mỹ đã xảy ra cách đây vài chục năm, dạo hai thằng con còn chưa ra đời, mình sống sót đến bây giờ vẫn chung một mái nhà thì cú sốc ấy chẳng còn mùi mẽ gì nữa. Cứ tâm tâm niệm niệm thế này nhé, chỉ nhìn những điều tốt đẹp của nhau mà thôi.

Khi nào chán phim thì  sao không đi shopping, chồng mình ngay từ đầu đã hỏi như thế. Ừ, đi bộ một mile thì rên đến trời, chứ đi shopping cả ngày chẳng nghe ai kêu rên, ấy là mình suy từ bên chị em chồng ra. Còn mình hùng hục chạy 3 miles nửa tiếng về thì mọi người nhìn mình như con rồ. Nghe mình bảo đạp xe đạp 150 miles thì quay sang nhìn ông chồng mình ái ngại, lo con vợ chỉ mải mê xe đạp, không chịu ở nhà dọn dẹp nhà cửa cơm nước hầu chồng. Đến cái khoản vác ba lô dẫn chó đi camping, ngủ bờ ngủ bụi, nhà chồng rùng mình đành nhắm chặt mắt á khẩu. Và thói thường đến giai đoạn này họ càng thương yêu “nạn nhân” là đức ông chồng của mình nhiều hơn, chĩa mũi dùi về phía mình nhiều hơn. Và họ vẫn không hiểu tại sao mình xếp cái mục vui thú nhất trần đời là shopping vào hạng mục cuối cùng trong cái list những việc mình thích làm. Sờ quần sờ áo vui thế mà lại!

Mình luôn luôn nói với hai thằng con sống phải có ước mơ, dù là ước mơ nhỏ nhoi nhất. Đến khi nó hỏi mình ước mơ trong đời của mình là gì, mình trả lời ngay “Tibet!” Một thằng bảo Mẹ ơi, nó chẳng nhỏ chút nào và thằng kia hỏi tại sao lại là Tibet? Vì chuyện Tintin đọc hồi còn nhỏ con à. Tibet, nóc nhà thế giới, vùng đất bí ẩn với những ngôi đền xây trong đá, đã từng cấm cửa du khách mấy trăm năm, ám ảnh mình đến tận bây giờ. Năm ngoái có con nhỏ người Nepal cùng làm với mình đã hẹn hò mình đi Nepal rồi từ đó đến Tibet với nhau, được nửa chừng xuân, nó nghỉ việc mất tiêu. Mình đâm ra mất phương hướng. Mình biết bây giờ đi Tibet không phải là chuyện không thể làm được nhưng mình vẫn để Tibet trong tâm tưởng như một cái đích để nhắm tới, như ông lão Rudi trong bộ phim Cherry Blossoms, lần mò đến ngọn núi Fuji nhìn nó thay cho bà vợ, người một lòng yêu mến những cánh hoa anh đào nở ở xứ Nhật xa xôi. Chứ cái gì cũng làm hết rồi thì cuộc đời đâm ra lại vô vị mất.
 
 
Thêm một tuổi, đâm ra hơi lẩm cẩm mặc dù từ sáng đến giờ nhận cả đống những lời chúc mừng sinh nhật, mở màn lúc 6 giờ sáng, bằng lời nói qua đức ông chồng, sau đó qua FaceBook, qua Viber, qua Email. Rất vui. Thật thế.  
Chiều nay đi làm về liếc mắt lên con số độc đắc, hơn ba triệu, dư tiền vé máy bay về Bỉ để ngồi giữa anh chị em. Năm nay Bính Thân nghe nói hợp với tuổi Mẹo. Biết đâu đấy.

Lan Hương

(Fort Worth 03/10/2016)






No comments:

Post a Comment