Pages

Thursday, April 28, 2016

Biển Chết


Cách đây mấy tháng, đọc thấy bản tin trên CNN News kêu toáng lên “Năm 2050 sẽ có nhiều plastic hơn là cá ở các đại dương”, tôi hốt hoảng về nhà la lối mấy thằng con không được vứt bất cứ cái gì bằng ny lông, bằng nhựa vào thùng rác mặc dù đến năm 2050, tôi xem chừng đã ra người thiên cổ từ lâu. Tôi bảo “Các con thích đi lặn không? Thích xem cá với san hô dưới đáy biển không? Hay là thay vì nhìn thấy từng đàn cá đủ màu, mình phải nhìn thấy những bao rác trôi lờ đờ, những thùng nhựa lớn bé ngập ngụa đáy biển? Bây giờ mẹ dẫn con đi xem cá, sau này con sẽ dẫn con của chính mình đi xem. Vì thế đừng vứt rác xuống đáy biển kẻo không thế hệ các con của con chẳng còn gì mà nhìn!” Xong bài giáo huấn, tôi ấn vào tay mỗi thằng một chai xà bông rửa chén bắt mang vào trường “Mẹ không tiếc tiền mua hộp nhựa đựng đồ ăn cho con, nhưng làm ơn đừng vứt chúng vào thùng rác, vì cuối cùng chúng sẽ ở dưới đáy biển mất thôi. Rửa sạch hộp rồi đem về cho mẹ.” Hai ông con nghe lời, thỉnh thoảng về thăm nhà vác theo mấy cái hộp nhựa, phần lớn có hộp không có nắp, hoặc có nắp mất tiêu cái hộp. Thôi thì được gì hay nấy. Tuổi trẻ chỉ biết sống cho ngày hôm nay, không nghĩ xa xôi đến tận năm 2050, không thấy cái viễn cảnh làm tôi sởn da ốc: cả một đại dương lềnh bềnh túi ny lông!

Ở nhà chỉ có thùng recycle cho vỏ chai, vỏ lon, thùng nhựa, và giấy…nhưng tuyệt nhiên không được vứt túi ny lông vào. Vì thế tôi đành phải gom túi lớn túi bé lại cuối tuần đi chợ xách tung tảy vứt vào cái thùng recycle lớn ở trong chợ Walmart. Austin, Dallas và gần như khắp Châu Âu đã nói lời từ giã với các túi ny lông, tôi cũng mong một ngày nào đó Fort Worth bắt chước làm theo. Khi nói ra ý này của mình, khối kẻ phản đối rầm rầm, bảo đi chợ mà phải mang theo túi của mình thật bất tiện. Đúng thế, nhưng làm ơn nhìn chung quanh mình một tí, phải chăng con người đang ra tay tàn phá thiên nhiên một cách không thương tiếc? Cả một cánh rừng bị hạ xuống để làm giấy, giấy đem bán để cho thiên hạ in ấn. Thiên hạ in ra tờ giấy nhìn đúng 2 giây rồi quăng toẹt vào thùng rác. Chẳng lẽ cả cuộc đời một cái cây chỉ có thế thôi sao? Vẫn thừa biết rằng ở các quốc gia tân tiến có đốn rừng nhưng bên cạnh cũng có trồng rừng, nhưng một cái cây to lừng lững thế, thả ra không biết bao nhiêu ô xy cho mình hít thở, một ngày kia cây nằm chết để cho ra một tờ giấy in tồn tại đúng 2 giây! Nghe vô lý quá. Thế cho nên tôi hạn chế in ấn, cái gì nhìn được qua màn ảnh máy tính thì nhìn, qua màn ảnh nhỏ xíu của cái điện thoại thì nhìn. Không xong mới nghĩ đến chuyện in ra. Rồi nếu giấy chất chật bàn không nỡ quăng vào thùng rác thường, tôi đành vác về nhà bỏ vào thùng recycle chờ cuối tuần xe rác đến đem đi. Công việc tôi làm để bảo vệ môi trường như muối bỏ biển nhưng nếu không bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt đó thì phải bắt đầu từ đâu?

Và rồi mấy ngày hôm nay nghe tin cá chết trắng bờ biển ở miền Trung Việt Nam. Mới đầu tôi chỉ đọc như là một bản tin vô thưởng vô phạt. Tôi ở xa cái bờ biển đầy cá chết đó khoảng nửa vòng trái đất, chuyện chẳng dính gì đến tôi, ngoại trừ tôi đọc nó bằng tiếng Việt. Nhìn hình ảnh những con cá chết dạt bờ, thấy xúc động một tí,  nhìn hình ảnh người dân ngồi thẫn thờ bên bờ biển phơi xác cá trắng toát, thấy tràn một nỗi thương cảm, chỉ thế thôi. Mọi chuyện có lẽ tôi đã cho vào quên lãng, quên béng đi để lo cho những chuyện thực tại ngay mắt mình nếu như những hình ảnh đó không kéo dài đến mãi tận bây giờ, nghĩa là sau hơn 20 ngày. Biển vẫn đầy cá chết, người dân vẫn đầy thắc mắc và những khuôn mặt vẫn đầy nét hoang mang. Và tôi mỗi ngày mang nặng câu hỏi chuyện cá chết ra sao rồi, sao không thấy ai làm gì hết?

Đọc tất cả những mẩu tin trên Internet, tôi nhìn thấy cả cái chính phủ Việt Nam rối tung lên như gà mắc tóc. Buồn cười nhất là trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã có hai nguồn tin xác nhận nguyên nhân cá chết hoàn toàn khác nhau. Ngày hôm trước Bộ Tài Nguyên Môi Trường bảo à thì tại tảo nở hoa, thải độc tố làm cá tắc thở, chỉ tay đổ tội cho đám tảo biển hiền lành. Dân chúng ùn ùn phẫn nộ. Từ giới đánh cá cho đến đám khoa học gia. Ngày hôm sau Bộ Nông Nghiệp bảo à không phải tảo mà chất độc do con người thả xuống biển, nguồn căn chất độc ấy ở đâu ra thì còn đang tìm.



Đến đây thì tôi không hiểu nổi. Hai mươi ngày đủ để mang một mẩu nước đem đi đâu đó kiểm nghiệm xem nó có chứa những thứ gì mà làm cho cả những con ngao, con hến cũng phải phơi thây. Tôi tin rằng Viện Hải học Nha Trang, viện Pasteur Dalat dư sức kiểm tra mấy mẫu nước này. Nếu không làm được thì Thái Lan, Singapore ngay bên cạnh đó, đi du lịch ngắn ngày còn được huống gì đi nhờ thử xét nghiệm một mẫu nước biển. Rồi thì cả đám chính phủ bộ này bộ kia cà lăm với nhau, mãi không chỉ ra được thủ phạm làm cá chết là ai. Dân chúng biết tỏng ai rồi chỉ cho chính quyền xem, chính quyền gạt phăng đi, làm gì có, không có bằng chứng, không được nói bừa. Dân chỉ bằng chứng, chính phủ bảo phải nghiên cứu, phải mất đến mấy tháng, rồi kêu lên có yếu tố nước ngoài, không tiện vào tận nơi xác minh được. Chính phủ tiếp tục xách đèn cù chạy loanh quanh giữa cơn phẫn nộ của quần chúng. Trong khi đó cá vẫn tiếp tục chết thảm, kéo theo ngư dân không dám đánh bắt tôm cá, lôi cả toàn dân một lòng không ăn đồ biển, thêm mùa hè sắp tới lôi luôn đám con nít lẫn khách du lịch không dám thò chân xuống nước . Chính phủ vẫn ra rả, đừng lo mọi sự đang trong tầm kiểm soát. Thử hỏi để cái ông nói câu ấy có dám ăn con cá chết tức tưởi ấy không, có dám nhúng mình xuống bãi biển được xem là nhiễm độc ấy không. Ngồi sa lông máy lạnh nói gì mà chẳng được nhỉ? Nếu chuyện xảy ra ở Nhật hay Đại Hàn, sẽ có khối ông Bộ trưởng cúi rạp đầu xin lỗi nhân dân rồi từ chức luôn, và chắc chắn chẳng có ai tệ bằng Thứ trưởng cái bộ Tài nguyên sau khi đổ lỗi cho thủy triều đỏ (mẹ cha ơi, tôi không biết nó là cái giống gì) thì nổi sung với phóng viên khi được gặng hỏi thế lượng kim loại nặng tìm thấy trong nước cao ngất ngưởng thì giải thích thế nào, ngài hầm hầm “Hỏi như thế là tổn hại cho đất nước!” rồi cút thẳng, chấm dứt họp báo với họp chí. Chưa bao giờ tôi thấy dân Việt bị đối xử tàn tệ như thế, chưa bao giờ tôi thấy dân Việt bị coi rẻ rúng đến thế. Họ, những người nuôi toàn bộ cái guồng máy ấy, bị khinh thường bởi chính người cầm đầu chính phủ của chính đất nước mình.

Đến đây thì tôi cảm thấy mình hơi rảnh rỗi, chuyện “xứ người” không phải “xứ mình” hơi đâu mà lo. Đúng vậy, tôi ở đây an toàn về khoản cá mú nếu không nghĩ đến chuyện sau dăm năm đi chợ mua chai nước mắm liệu nó có được làm từ những con cá chết oan ấy hay không. Nghe nói dân chúng đi dọc bãi biển thu gom cá chết đem bán. Bán cho ai thì người bán lúng túng á khẩu không biết, chỉ thấy có người muốn mua. Chính phủ bận với việc có hay không có tảo đỏ, quên béng không để ý theo dõi những con cá chết ấy đi về đâu. Dù cho chúng có đi về đâu nữa thì mầm mống chất độc mang theo cùng với chúng khá cao, ngay cả chỉ để làm phân bón. Đó là số phần của những con cá đã đành. Còn ngư dân thì sao? Những người quen giăng buồm trên biển, quen gỡ cá ra khỏi  lưới… Họ sẽ sống ra sao trong những ngày sắp tới? Sẽ làm gì để sinh tồn? Cả cái bãi biển trải dài hàng dặm ấy đang bốc mùi kinh khủng, ai là người sẽ dọn dẹp, và dọn dẹp như thế nào? Nước biển đang bị ô nhiễm tàn tệ, sao không thấy nói làm sao cho nó trong veo trở lại? Nếu tôi có hỏi thêm thì câu trả lời hẳn là để điều tra nguyên nhân trước đã. Đã 20 ngày rồi mà nguyên nhân còn lẩn trốn như trạch, chính phủ lần mò mãi không dám chỉ mặt vạch tên, vì “có yếu tố nước ngoài”.  Vụ tràn dầu trong vịnh Mexico năm 2010 làm dân chúng Mỹ giận dữ, thủ phạm rành rành ra đó chạy trời không khỏi nắng, nhưng tất nhiên không tóm ngay được mà còn phải điều tra. Trong khi điều tra, chính phủ chi trả tỉ tiền để lau rửa từng con chim lông dính đầy dầu, lau luôn mấy cục đá dính đầy dầu, rồi khử nước, lọc nước để cho các sinh vật khác tiếp tục tồn tại. Đây là sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Obama tá hỏa đi thăm vùng biển, ra lệnh om lên mà vẫn bị chửi là phản ứng chậm chạp. Các nhà bảo vệ môi trường không sốt ruột sao được khi thấy những con chim kiệt quệ dính dầu nhớt hôi ình, không bay nổi không đi nổi, chết dở sống dở, nước biển lờ đờ một vầng dầu nhìn kinh hãi. Tôi không tin Việt Nam sẽ làm được điều này, nhưng chí ít, cần hốt sạch những con cá chết đem chôn để cho mùi hôi thối không làm bầu không khí thêm nặng nề.

Tôi tính để mọi chuyện qua phà, đèn nhà ai nấy rạng nếu không kịp nhìn đến một mẩu tin khác: thu nhận chữ ký để thỉnh cầu Nhà Trắng can thiệp vụ cá chết! Cái này thì hơi quá rồi đấy. Nghe nói ở Việt Nam có khoảng hơn hai mươi ngàn tiến sĩ. Các tiến sĩ ấy đang làm gì mà phải vời đến ngoại bang can thiệp chuyện cá mú? Cái thân phận nhược tiểu mãi mãi là nhược tiểu đến thế hay sao? Cá mình chết ở biển mình cớ sao phải gởi thư đến tận đâu đâu để nhờ can thiệp? Tiếng nói người trong một nước không thiêng bằng tiếng nói của một tên mắt xanh mũi lõ ở cách mình cả nửa vòng trái đất à? Việt Nam mình đến khi nào mới thôi thói đội ngoại quốc lên đầu hả trời? Dân Việt Nam đã bao giờ dám tự đứng lên làm cái gì đó cho chính bản thân mình chưa nhỉ? Cái dân tộc ấy im lặng để cho một thằng cha Tàu Đài Loan quát vào mặt “Chọn tôm cá hay là chọn gang thép?” Sau câu nói làm nhục quốc thể đó “anh hùng bàn phím” xuất hiện nhan nhản, báo chí chắc cảm thấy hơi tủi thân nên rón rén lên tiếng. Viết đến đây tôi chợt buồn vì cái kiếp người Việt sao suốt đời phải làm nô lệ cho một ai đó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Suốt đời cứ ở mãi dưới đáy xã hội, nhìn quanh thấy bao nhiêu láng giềng đã ngoi lên, mình còn lóp ngóp tự bóp cổ nhau mà giết nhau.  

Cách đây 30 năm, nhà máy nguyên tử Chernobyl ở Ukraine nổ tung, ngoài chuyện đám mây nhiễm xạ bao phủ Nga, Belarus, Ukraine, tràn tới Châu Âu và tận miền Đông Hoa Kỳ, nguyên một thành phố phải bỏ không, người di tản không được mang theo quần áo, hậu quả còn khủng khiếp đến nỗi cả một chính quyền Liên Bang Xô Viết lung lay tận gốc rồi rã đám. Vụ nổ này cho thấy toàn bộ cái yếu kém của một chính thể không biết phải giải quyết những cơn khủng hoảng ra sao, cho thấy khi nói dối nhân dân, coi thường nhân dân chuyện gì sẽ xảy ra, khi ra lệnh cho bác sĩ không được chứng tử bằng hai chữ “phóng xạ”, khi nói dối về con số thật sự tử vong, ngăn cản những điều tra về hậu quả của vụ thảm họa, chuyện gì sẽ xảy ra. Tự hỏi với tất cả những phẫn nộ mà dân Việt có trong 20 ngày qua, liệu có thể sẽ là một mầm mống Chernobyl đâu đó không?

Thôi tôi chả rỗi hơi nữa. Ngày 30 tháng Tư này riêng ở Việt Nam sẽ có mùi cá rữa và màu trắng của cá chết.

Lan Hương

Fort Worth 04/28/2016

Tuesday, April 26, 2016

Quà Vặt Tuổi Nhỏ


Hôm qua đi chợ Đại Hàn, tình cờ trông thấy món kẹo mỏng chua chua ngọt ngọt thường được bày bán trước cổng trường năm xưa. Chồng cầm lên bảo hồi nhỏ ghiền ăn món này lắm, vợ bảo vậy mua về ăn thử có giống không. Về nhà mỗi người nhón một miếng  bỏ vào miệng, nhìn nhau cùng lắc đầu “Không giống ngày xưa chút nào”.

Miếng kẹo tròn xoe màu hồng nhạt y như ngày xưa, chỉ có người là khác, người bây giờ không còn là đứa con nít tóc rối quần áo xốc xếch, sẵn sàng tấn công bất cứ món ăn vặt nào đến tay mà không hề băn khoăn tự hỏi món ấy có sạch không, được làm bằng gì, có con ruồi nào đã té ngang qua chưa. Người bây giờ đi tìm lại những món ăn vặt ngày ấy, thấy hụt hẫng nhiều hơn là tìm lại được, dù chỉ là một tí, cái vị ngọt ngào thấm đầu lưỡi của những năm tháng làm con nít. Bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu mây trắng đã trôi rồi còn gì.

Ngày ấy trong túi có bao nhiêu đồng tiền lẻ mình đem cúng hết cho tiệm bà Hậu ở nhà số 10. Tiệm bà ấy chỉ là một gian hàng nhỏ, dài hẹp, bày mấy lọ thủy tinh bán kẹo, bán bánh vớ vẩn, ngang tầm mắt treo lủng lẳng những bịch ny lông to tướng đựng bánh tráng nướng, góc nhà bày hũ dưa cải, chậu nhựa ngâm giá sống. Mình mê mẩn hũ bánh men của bà ấy, một đồng được một nắm khoảng 10 cái bánh men tròn tròn bỏ vào miệng kiên quyết không nhai, để cho bánh tự tan trong miệng. Sau này thỉnh thoảng mình cũng vác một hũ bánh men nước dừa thơm lừng ngoài chợ về ăn. Bỏ chiếc bánh mập tròn vào miệng nhớ hồi nhỏ đứng sốt ruột nhìn bà Hậu bốc bánh cho vào tờ giấy được quấn thành hình cái phễu, bà ấy chậm chạp nhẩn nha đếm bánh để làm cho mình miệng ứa nước miếng, nôn nóng chờ.

Khi chán bánh men, mình quay sang món xí muội ăn xong uống nước như điên. Nhưng cái thú vị cầm từng hột xí muội lên nhâm nhi chút chút một thì không gì so sánh bằng. Khi có bầu thằng con lớn, đọc sách bảo mấy bà bầu thường thích ăn xí muội vì trở miệng. Mình với ông chồng lặn lội xuống Indianapolis vào tiệm tạp hóa Á Đông duy nhất của “Thằng Khùng”, cái tiệm nhỏ nhít có gì mua nấy ấy vậy mà có bán xí muội mới lạ. Mình khuân về một gói phòng ngừa lỡ thèm xí muội không phải cất công lái 45 phút, qua bao nhiêu là xa lộ với ruộng bắp mới mua được. Rốt cuộc gói xí muội được xếp trong tủ cho đến kỳ sinh thằng con thứ hai mà mình không buồn đụng đến! Thế mới biết đâu phải bà bầu nào cũng thèm xí muội. Trước khi đem nó vứt thùng rác, mình ăn thử một cục, thấy giống như gặm một cục muối, tự hỏi không hiểu tại sao hồi nhỏ mình ghiền xí muội đến thế. Thường thì con nít thiếu đường chứ ít đứa nào thiếu muối thì phải. Trước năm 75 nghe nói đến cụm từ tuổi ô mai, mình chẳng hiểu là cái tuổi gì, nhưng ô mai đưa cho mình ở bất kỳ tuổi nào mình cũng quất sạch. Ô mai đỡ mặn hơn xí muội, vị nhàn nhạt của cam thảo bọc bên ngoài càng làm cho miếng mận (ô mai là mận xấy khô ra mặt chứ còn gì nữa, tên chỉ nghe kêu bóng bảy thế thôi) bên trong thêm dậy mùi. Tất nhiên ô mai đắt tiền hơn xí muội, nên mình vẫn trung thành với hũ xí muội của bà Hậu cho đến sau năm 75, bà ấy đóng tiệm bán nhà dọn đi đâu mất tăm.

Quà vặt ngày xưa không kể đến món me ngào của Bà Cai là một thiếu sót lớn. Đã có ai trong nhà mình lớn lên mà không qua giai đoạn liếm sạch tờ giấy báo nhỏ xíu đựng vừa  đúng một muỗng me ngào rắc tí mè bên trên của bà ấy? Nghệ thuật ăn me ngào thoạt đầu là dùng đầu tăm khều khều phần ngọt ngọt chua chua của nước cốt me trộn với đường,  bỏ vào miệng mút từ từ cho vị ngọt vị chua trộn lẫn chút ớt cay đi vào vị giác, sau đó là tấn công ba hột me chua đến óc, kết thúc là thè lưỡi liếm tờ giấy liếm luôn vài con chữ in mà chẳng nề hà. Có hôm lên trễ bà ấy hết me ngào, cầm mấy đồng tiền về thấy buồn vô hạn, nhất định không mua gì khác mà chờ ngày hôm sau chen chúc với đám học trò tóc cháy nắng, khê nồng mùi mồ hôi để mua một đồng một muỗng me của Bà Cai. Mặc dù Má bảo chậu me của bà ấy ruồi bâu kín, viễn cảnh cứt ruồi không làm cho cơn thèm vị chua ngọt ấy dừng lại. Má bèn tuyên bố tụi mày ăn phải bùa Bà Cai!

Không biết có ai còn nhớ đến kẹo “cứt chuột” giống y như…cứt chuột, nghĩa là nhỏ xíu nằm trong cái ống bằng nhựa đủ màu không? Kẹo này quá nhỏ để có thể nhâm nhi từng viên cho nên sau khi mở nắp ống nhựa, mình trút thẳng tất tật vào mồm. Kẹo có vị chua ngọt, chẳng biết làm từ cái gì, nhưng đó là món kẹo rẻ tiền nhất trong đám quà ăn vặt ngày xưa của mình. Mình sẵn sàng hào phóng cho con em luôn hai ống một lúc là phải biết nó rẻ đến thế nào. Riêng ống kẹo sau khi ăn xong đem cho Má để Má đựng kim khâu. Thỉnh thoảng mở ống lấy kim chỉ cho Má, mùi kẹo thơm thơm còn vương vấn đâu đây.

Xong cái khoản chua ngọt của me, của xí muội, của kẹo cứt chuột là đến khoản ngọt lịm của chè. Con nít luôn thiếu đường vì mấy cái chân chạy nhảy không ngừng suốt ngày cần nạp năng lượng nhanh nhất, hữu hiệu nhất. Chè là giải pháp tối ưu. Mua chè được gói trong bịch ny lông đem về nhà không bao giờ bỏ ra ly lấy muỗng ăn cho tử tế mà mình sẽ cắn một góc bịch rồi để chè từ từ chảy vào miệng. Gặp chè đậu trắng thì phải cắn góc to hơn một tí thì hạt đậu mới trôi ra được. Thế là tay bóp miệng há, chè trôi vào họng mình, từ tốn, thong thả và chắc chắn ngon hơn ăn chè trong ly với muỗng. Sau này về Saigon ăn chè Đồng Khánh mùi nước dừa nức mũi, mình chạnh nhớ đến những cái bịch ny lông được mút mát sạch sẽ, mút luôn cả sợi dây thun xanh đỏ cột chặt miệng túi của đứa con nít tóc cắt ngắn, quần ống cao ống thấp, hoan hỉ với bịch chè trong tay, quên tuốt mọi sự quanh mình.

Mình còn nhớ bà bán chè đậu đen thường hay gánh từ ngõ Ba Toa ra. Điểm dừng đầu tiên của bà ấy là trước cửa tiệm Nhật Tân. Nồi chè của bà thơm lừng mùi gừng quyện với mùi đường mía, rồi thỉnh thoảng Má gọi vào mua cho mỗi người một chén. Cái gánh bán chè của bà ấy đơn giản vô cùng, một bên là thùng chè với cái bếp than nhỏ xíu phía dưới giữ cho chè lúc nào cũng nóng, bên kia như một cái tủ chạn nho nhỏ chứa mấy cái chén sành nhỏ xíu, muỗng ăn chè nhỏ xíu, và dưới cùng là thau rửa chén. Thôi thì khỏi nói, ăn xong chén nào bà ấy cầm chén nấy khoắng trong chậu nước, lấy cái giẻ treo bên đòn gánh lau một lượt xong úp vào đống chén hồn nhiên chờ đến lượt người khác. Hồi ấy mình thấy đó là chuyện bình thường, sau này kể cho con nghe nó bảo “Dơ quá!” Nghe kể thì kinh thật nhưng chè đậu của bà nấu rõ khéo, hột đậu mềm thấm đường mà không nát nhừ ra. Mình cũng thử nấu chè đậu đen ở đây. Đầu tiên hết là hột đậu to đùng, nhìn giống con nhặng đen, đem ngâm đúng 24 tiếng chẳng thấy suy suyển, hạt đậu vẫn cứng ngắc, bỏ vào nồi hầm thêm 24 tiếng, đậu bây giờ chuyển sang dạng nát bét, đậu đi đàng đậu, đường đi đàng đường. Nồi chè sẽ kết thúc trong thùng rác.

Mình nhớ ngoài tiệm Ba có thẩu kẹo màu đỏ xếp ngay hàng thẳng lối với mấy hũ kẹo khác trên mặt tủ kính. Mình nhớ hũ kẹo này là vì có bén mảng ra tiệm, Ba chỉ cho mình mở nắp nhón mỗi món kẹo này mà thôi, trong khi thẩu bên cạnh đựng đống kẹo bi đủ màu vui mắt hơn rất nhiều. Mình chẳng màng, kẹo nào cũng được hoan nghênh cả, giống như con dê nuôi ở bên nhà Bác Tự. Mỗi lần nó đi lang thang trước cửa tiệm, mình xin Má một cục kẹo đỏ đem ra đút tận miệng cho nó ăn! Nhìn nó thè cái lưỡi dài liếm láp cục kẹo, mình vừa sợ vừa thích. Khi nghe tin Bác giết nó, mình khóc hết mấy ngày trách người lớn sao mà độc ác thế và thề không ăn thịt dê từ dạo ấy đến tận bây giờ. À, tất nhiên bây giờ thì không phải vì thương nhớ con dê lông đen mướt ấy mà vì cái mùi thịt dê mình chưa vượt qua nổi. Thế cho nên có đi ngang qua tiệm dê 7 món, thiên hạ dừng lại hít hà đọc thực đơn, mình tỉnh bơ đi thẳng vào tiệm phở cho chắc.

Bây giờ mỗi độ Halloween về, mình mua một đống kẹo phát không cho con nít, vừa phát vừa thương bố mẹ nó chẳng chóng thì chầy phải dẫn nó đi gặp nha sĩ, nhưng làm sao cấm một đứa con nít không ăn kẹo? Lẫn trong đống kẹo mua về, mình bắt gặp những viên kẹo màu đỏ trong suốt gói trong giấy bóng kính, mình không khỏi nhớ lại hũ kẹo ngoài hàng và con dê lông đen mướt. Ôi tuổi thơ, mình có thể quên nhiều thứ nhưng cái hũ kẹo ấy và con dê con ấy mình chẳng bao giờ quên.

Trong cái đám ăn vặt của ngày xưa phải kể đến bắp nướng. Đến mùa bắp, nhiều bà mở hàng bán bắp ngay góc đường, đơn giản chỉ với một cái bếp lò than đỏ hồng, một âu mỡ hành bên cạnh và tay quạt miệng đon đả chào mời. Người mua kẻ bán chỉ cần có thế. Mình đi mua bắp về hiếm khi cầm cả trái gặm mà tảy ra từng hột, xong lấy cây tăm xiên đống hột đó lại đem đi chơi trò đồ hàng. Trò chơi đồ hàng của mình ăn giả lá dâm bụt, hoa bìm bịp với hoa ngũ sắc mãi cũng chán nên mấy que hột bắp xiên là cả một yến tiệc. Thường thì sau ba bận mua bán qua lại, cả người bán lẫn người mua đều mất kiên nhẫn, chia nhau phần bắp còn lại mà cạp cho nhanh. Những hôm trời mưa, không ra hông nhà chơi đồ hàng được, mình và con em lấy tám cái ghế trong bộ bàn ăn ra xếp thành nhà, phủ cái mền lớn lên trên coi như nhà có nóc, rồi cả đám chui ra chui vào cái nhà đó, có giả bộ đi học, giả bộ đi chợ, giả  bộ nấu ăn. Ông anh học bài trên lầu, chạy xuống hỏi đến giờ ăn chưa, lũ em đang phân vân quên mất mình đang ở cái giai đoạn đang đi dậy học hay là đi chợ thì ông ấy bảo hôm nay làm sinh nhật nhé, mình ăn sinh nhật bây giờ đi rồi nẫng luôn đống bắp xâu của mình. Hai con em ấm ức nhưng vì đó là một phần của trò chơi nên đành im miệng không dám phản đối.

Có ai trong đám chị em họ hàng nhà mình ở Dalat lớn lên mà không biết đến khoai lang trộn mật? Miếng khoai lang mỏng dánh được chiên vàng ruộm, rưới mật hay nước đường vàng lừ làm cho mình dù tóc đã hai màu khi nghĩ lại thấy cả một trời thương nhớ. Ở đây không có khoai lang mật như Dalat, có lần mình thử cắt mỏng củ khoai lang mua ở chợ rồi đem chiên, nhưng càng chiên miếng khoai càng mềm ra và ngập ngụa dầu ăn nhìn thấy phát sợ. Cho nên chưa kịp đến giai đoạn rưới mật miếng khoai đã nằm gọn trong thùng rác để rồi cho mình vẫn tơ tưởng đến miếng khoai vàng rụm trộn mật ngọt nơi góc đường Phan Đình Phùng với Hai Bà Trưng. Coi như có thêm một kỷ niệm đẹp không tìm lại được vậy.

Giống như kỷ niệm chiếc xe bán sắp sắp. Tên gọi mỹ miều là gỏi đu đủ nhưng tiếng chiếc kéo to cắt thịt bò xấy khô, cắt miếng gan xấy khô lách cách mà thành món “sắp sắp”. Hôm nào vời được ông sắp sắp đẩy chiếc xe đạp lên con dốc trước cổng nhà mình thì hôm đó coi như trúng tủ. Lũ con nít đứng vây quanh chiếc xe đạp với thùng sắp sắp cột sau yên xe, nhìn chằm chằm hai bàn tay ông lượn lên lượn xuống bốc đu đủ, cắt khô bò, cắt miếng gan cháy, đến khi ông ấy cầm bình nước chấm xịt chung quanh đĩa thì đã có khối đứa nuốt nước miếng ừng ực. Dạo ấy mình không ăn cay được nên phải canh ông ấy cẩn thận để ông ấy đừng tiện tay cho một quầng tương ớt. Sắp sắp được xếp trên chiếc dĩa nhôm méo mó, ăn bằng đôi đũa nhựa, gắp miếng đu đủ lên thì tuột xuống hết một nửa nhưng chẳng làm chậm tốc độ ăn của bọn con nít háu đói. Ăn xong một đĩa mắt liếc người lớn ra điều hỏi có được ăn thêm đĩa thứ hai không. Hôm nào trời đi vắng thì người lớn sẽ gật đầu ban ơn cho cái bao tử chỉ chứa một đĩa đu đủ chẳng bõ bèn gì. Sau này mình đã làm thành công món sắp sắp bên xứ người, có đủ gia vị chẳng thiếu món gì ngoại trừ tiếng chiếc kéo lách cách cắt miếng thịt bò, thiếu chiếc dĩa nhôm, đôi đũa nhựa và khoảng hơn một chục con mắt lom lom của đám con nít.

Đúng vậy. Có nhiều món ăn vặt mình tìm đã lại được bên này, nhưng giống như miếng kẹo chua ngọt mua ở chợ Đại Hàn, cho vào miệng chỉ thấy thuở nhỏ tràn về, làm đầy ứ con tim. Chỉ thấy lại hình ảnh đứa bé ngày xưa tay nắm chặt mấy đồng tiền cắc, phân vân không biết nên mua bánh men hay mua xí muội, mắt đảo qua đảo về giữa hai lọ kẹo vừng, kẹo bột, tính nát óc không biết nên mua theo số lượng hay theo chất lượng, rồi lưỡng lự mãi không biết nên mua miếng dứa quệt muối ớt đỏ lừ hay trái cóc ngâm được tỉa tót nằm im trong thẩu nước có màu vàng của cam thảo. Đứa trẻ ấy đã lớn lên,  kẹo me kẹo mút chùm ruột ngâm không còn ở trong những món ăn vặt hàng ngày, kẹo cứt chuột không biết bán ở đâu, chẳng lẽ lên Amazon mà tìm? Mía hấp lá dứa chỉ còn là kỷ niệm đẹp xếp bên cạnh nồi xôi bắp thơm mùi hành phi. Bồi hồi nhớ lại những món ăn tuổi nhỏ chỉ để cốt tìm ra hình ảnh chính mình trong những ngày tháng xa xưa ấy, vô tư lự liếm láp tờ giấy dính me ngào hay mút mát đến trong veo bịch ny lông đựng chè, thèm từng tí đường dính ở đây ở kia.

Ôi nỗi thèm đường của những đứa con nít ngây thơ…

Lan Hương

Fort Worth, 04/26/2016   

Monday, April 18, 2016

Nhạc Sến (Hương Quỳ)


Ru mãi cháu không chịu ngủ, dương bốn con mắt tròn xoe đen nhánh nhìn Bà , miệng ngậm chặt vú da nghe Bà dốc cạn  hết những bài ru em ngô nghê còn nhớ lại từ ngày xưa, lẩy thêm một mớ thơ Kim vân Kiều mà vẫn không đâu vào đâu.

 

Chợt nhớ đến một bà khách nói với tôi về một site  trên internet để tự học tiếng Việt , nên bấm một phát vào Google trên smart phone  đi tìm điệu hát ru em Việt Nam. Loay hoay sao lại rớt vào tuyển tập những bài ca chọn lọc của Việt Nam thời trước 1975, tò mò mở ra cho cả cháu lẫn Bà cùng nghe. Bỗng thấy lặng người đi với những bài hát một thời xa xưa , vẫn bị chúng tôi chê là " nhạc sến ",

Ca sĩ Phương Dung hát rung bần bật bài "Nỗi buồn gác trọ", tôi nhớ đến hình ảnh của chính mình với bà chị họ, quần áo tới bốn màu xốc xếch đứng trên sân khấu là cái giường đại trên lầu nhà số bảy, ra sức diễn tả một nỗi buồn chả ăn nhậu gì đến lứa tuổi lên 10 của mình. Khán giả ngồi mé giường bên kia, nhìn qua khung cửa sổ in bóng những đóa hoa quí dại nở rộ, chắc cũng tự vấn lòng may mà mình không bị ở trong một cái gác trọ hiu hắt đến vậy. Hoặc một bà chị họ khác đơn ca bài "Nó ", bắt đầu bằng câu nghe đã thấy thương tâm : "Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ ... ", con nít ngồi thưởng thức, chả so sánh đời ai sướng hơn ai, nhưng cứ rên rỉ cho bằng thích. Thằng em cùng với  đứa khác lên song ca bài "Mưa rừng ", thiên hạ vỗ tay rầm rầm vì cám cảnh trời bên ngoài một hôm khác có trời mưa lê thê không dứt, giam hãm hết mấy cái chân hay chạy nhảy  ở cái sân khấu bỏ túi này. Mấy bà chị trước giờ mở màn của những vở diễn kịch sau giờ học buổi trưa với ba tôi, đẩy một ca sĩ thượng thặng tên là Thảo, con gái một gia đình không biết sao lại ở trong nhà tôi lên hát mở màn bài " Biệt kinh kỳ " trước khi bắt đầu vở kịch tâm lý xã hội kẻ ở người đi rất lâm ly. Hoặc bài " Nỗi buồn sơn cước " trong lúc sơn nữ đang giã lúa huỳnh huỵch ở một góc, và chàng thợ săn  hào hoa khoác lơ lửng bó cung tên đang lạc toét lối đi trong rừng , ngơ ngác với tiếng chày  quyện với tiếng hát mê đắm lòng người . 

Những vở kịch dã chiến ấy, vai vế được chọn theo cá tính của từng đứa, tôi lúc nào cũng được đóng vai lính hộ vệ, hộ tống  những bà chị yểu điệu những khi gặp ... cướp cản đường. Nhiều lắm , nhưng nhớ mãi vở kịch "Hàn Mặc Tử ", bà chị gân cổ ngâm nga mấy câu thơ " Ai mua trăng , tôi bán trăng cho, chẳng bán tình duyên lẵn hẹn hò ..." khiến tôi đâm nghi hoặc khi nhìn những vầng trăng rằm vằng vặc, biết là những người bị bịnh cùi đang bị vi trùng xơi tận tình, chỉ đỡ được khi rán một chảo mỡ bên cạnh cho vi trùng nghe thơm quá chuyển hướng tấn công, đó là lời nhận xét chắc nịch của bà chị họ có biệt tài kể chuyện kinh dị . Hoặc một vở kịch hết sức tình cảm, nhân vật chính là bà chị họ khác bị té xe đạp hôm trước gẫy chân , đành phải ngồi trên chiếc bàn thấp do lũ con nít xúm lại đẩy đến tận sân khấu chính là phòng ngủ của Ba Má tôi, đạo diễn phải sửa lại vở kịch để thích hợp với cái chân què này . Có mở màn sân khấu đàng hoàng nhờ tâm rideau kéo che giường ngủ.

Truyền thống ấy được giữ đến tận bên này, những dịp Noel , bắt tụi con nít đóng kịch . Vở kịch " Les trois petits cochón " có một đứa hay hờn , thì được chọn đóng vai ít lời nhất , nếu có ăn vạ thì chỉ cần nằm úp ba ba! Ngày họp mặt đại gia đình năm 2002 , vở kịch " 101 Dalmaciens " diễn hết sức thành công , cô em dâu đóng xuất sắc vai bà ác Cruella , mấy đứa cháu nhỏ trong bộ đồ hóa trang đốm đen bò lồm cồm khắp nơi đúng hệt những chú chó con.

Mấy chục năm trong nội chiến điêu tàn cùa đất nước, chiến tranh vẵn là chủ đề chính của nhũng dòng nhạc, cộng với những chia lìa , những cảnh đời gẫy đổ  cho thấy nỗi ghê sợ của chiến tranh, còn thì thật ra trong thành phố Dalat, những tham gia trực tiếp vào cuộc chiến không nhiều, không xảy ra hàng ngày như cơm bữa, những tiếng bom dội  vọng ì ầm ban đêm nghe quen như nghe tiếng sấm trộn lẫn với mưa rơi, những trái hỏa châu thắp sáng bầu trời, nhìn riết quen, không còn thấy kỳ lạ nữa mà chỉ mong có lần nào hỏa châu rớt thật gần, để còn lươm được chiếc dù nhỏ giúp hỏa châu chao lươn trên bầu trời. Phi trường quân sự không xa nhà mấy, còn giúp chúng tôi phân biệt được đủ kiểu máy bay lên xuống, và mỗi lần một chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh, còn đủ sức chạy lên hết ngọn đồi trường tiểu học Trần Bình Trọng, xem  bóng máy bay  đáp xuống chạy dài trên phi đạo Cam Ly, thấp thoàng giữa rừng thông bao quanh.

Tôi vẫn còn thích bài " Đồi Tím Hoa Sim ", bản đầu tiên, không phải là bản thứ hai do nhạc sĩ Phạm Duy soạn lại, lời bài hát phổ thơ  mộc mạc mà trữ tình. Làm mỗi lần đi qua một đồi hoa sim tím ở quanh khu hồ Than Thở, nhìn thấy bóng các tân binh trường Võ Bị Quốc Gia đang tập trận, lại nhớ đến bài hát với hình ảnh  lính tráng Việt Nam vừa oai hùng vừa lãng mạn. Và cũng là bản nhạc cho các anh chị họ tôi tập nhảy điệu boléro. Những đợt anh chị mới lớn thôi, còn lũ con nít chúng tôi ngồi chầu rìa trên tấm phản lớn  trên phòng giữa của tầng trên nhìn thiên hạ lả lướt , mong cho tuổi qua nhanh thêm nữa để được hết bị coi là là lũ trẻ ranh. 

Mỗi chủ nhật, các bà chị họ lớn mở radio nghe hát tuyên lựa ca sĩ, không biết sao lại đọng trong trí nhớ của tôi bài "Hoa Biển " do Nhật Trường hát , rồi nào là " Phiên Gác Đêm Xuân ," nào là " Đời ta sinh ra đã cô đơn ".... Các  thí sinh hát xong, đã được các bà chị tôi cho điểm trước khi giám khảo quyết định, phê bình các giọng ca, chị em cười nắc nẻ với nhau, qua đi những buổi sáng chủ nhật êm đềm để nhiều khi sau này, trong cuộc đời riêng của mỗi người, lại không còn tìm thấy nữa , mà chỉ còn lại những "chủ nhật buồn ".

Năm tôi học đệ lục, đất nước như một nồi nước sôi. Biểu tình khắp nơi, phản đối chính quyền , trường học phải đóng cửa, bàn thờ Phật chạy ra ngoài đường , mấy bà chị họ lớn cũng tham gia đi biểu tình theo gương nữ sinh anh hùng Quách Thị  Trang , người lớn ở nhà không ngăn nổi , vì cũng còn bận hì hục khiêng bàn thờ để chúng tỏ chính kiến tôn giáo của mình. Tụi nhỏ lỡ cỡ như tôi không bị ai kiểm soát, đến trường , trường đóng cửa, thế là đến nhà bạn bè chơi hoặc ra sức lội hết bao nhiêu quả đồi mỗi buổi sáng ra chợ lớn Dalat mua rau về nuôi vịt  khi cái màn hy sinh tô mì quảng với câu yêu cầu bà bán hàng " để rau lên trên " vẫn không đủ sức cho lũ vịt con háu ăn bớt gào toáng lên "cạp cạp".

Đó là thời kỳ tôi có một con bạn học cùng lớp nhà nghèo , phải ở đưới tầng hầm một căn phố đường Minh Mạng . Nó học cũng không giỏi , nhưng lại có giọng ca rất hợp với các bản nhạc sến. Nó vẫn tha tôi đến các tiệm bán sách nhạc ở trên cùng con đường , lôi về một mớ hát đến thuộc lòng rồi cho tôi. Tôi mang về nộp chung với tập sách nhạc của các anh chị trong nhà , "Tình anh lính chiến " nằm sát " Thu vàng " , "Nắng Chiều "  ở cạnh "Tà áo xanh" . Đến một ngày kia , anh chị mở tập nhạc để lựa bài hát , phát hiện ra giòng nhạc lạc điệu này, rú lên như bốc phải sâu cây đào , quăng ra hết. 

Tôi cũng theo phong trào chung , không nghe những giọng hát của Thanh Tuyền, Chế Linh , còn bận rượt theo Khánh Ly , Lệ Thu ,Vũ Khanh ...Kể chuyện như trò vui về chuyện ca sĩ Hùng Cường hát bài "Ông lái đò "  trên tivi, quăng quật hết góc sân khấu này sang góc khác để diễn tả  hoàn cảnh ông lái đò đang sắp đến thời phá sản vì không hiểu sao mà không ai cần đò đi qua sông nữa!

Hoặc Chế Linh gầy nhom hốc hác trong bộ đồ lính dù, tóc chải láng coong dầu briantine, dựa gốc cấy dừa trên sân khấu lê thê với bai "Xuân này con không về " , khán giả chúng tôi tự hỏi, giặc đến, có cầm nổi súng chiến đấu không , hay đã bị đóng đinh tại chỗ vì đôi giầy bốt đờ sô đi hành quân  nặng như hai cái cùm !

Lâu rồi, nhìn những hình ảnh trên face book của Dalat, thấy lạnh băng , cứ như một thành phố ở đâu đó , chả ăn nhậu đến mình. Nhưng khi nghe giọng Hoàng Oanh hát “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa ..." tim bỗng lặng đi , nước mắt muốn dâng lên mi khi nhớ đến thành phố yêu kiều thanh lịch của mình xa xưa, niềm kiêu hãnh với dân bản xứ , và cả khi ra nước ngoài, vẫn trang trọng nhắc đến thành phố  như một dấu ấn bảo đảm cho tính cách của mình . Tìm nghe lại đi , để thấy lại Dalat của mình.

Và mỗi lần giao thừa, trong cái nghiêm linh chờ lúc bước qua thềm năm mới, không khỏi chùng lòng tri ân những người lính  khi nghe bài " Phiên gác đêm xuân ", hoặc câu " mùa xuân năm ấy con ra đi , mùa xuân này nữa con chưa về "…. 

Vậy đấy,  hầu hết những bài ca về lính tráng của miền Nam , không rực lửa chiến đấu, không đòi phanh thây xé xác kẻ thù , mà vẫn còn mơ mộng những đẩu đầu đâu , nên bị phe bên kia phang ngay cho lời phê bình là nhạc vàng! Cho nên càng muốn bịt tai lại khi thấy kẻ chiến thắng vò vẻ hát nhạc phản chiến, nhạc tình cảm sau ngày giải phóng.

Tôi chỉ đặt chân đến xứ Huế sau ngày đi lấy chồng, thành phố còn trầm lặng hơn cả Dalat, và mãi sau này , trong những chuyến về thăm quê hương , thành phố vẫn chậm rì đi theo phong trào phát triển nhà đất  lẫn con người. Nhưng giờ đây , nghe lại " Đêm tàn Bến Ngự " do Thanh Thúy hát , mới thấm thía tình quê của người xứ Huế. 

"Bên cầu biên giới ", có chạnh lòng không, những kẻ tha hương , những kẻ  thấy chân trời trước mắt mình không biên giới, nhưng sao lại có một rào cản khi nghĩ đến ngày hồi hương.

Bốn con mắt đen tròn xoe không còn ngơ ngác nhìn Bà Ngoại ra rả hát theo lời nhạc , mà trĩu nặng dần đi vào giấc ngủ  theo điệu nhạc ảnh hưởng rất nặng nhạc FADO của xứ Portugal, chắc ông Alexandre de Rhodes khi sáng chế ra mẫu tự tiếng Việt , cũng mang theo bên mình điệu dân ca trữ tình của xứ sở, âm điệu lê thê , hiếm khi có những hành khúc vui tươi. 

Chỉ còn tôi ngồi đây, nhìn ra khu vườn của đứa con gái thiếu công chăm sóc , mà cũng đang nở rộ những bụi hoa jascinthe xanh tím, những bụi jonquille vàng tươi tắn, cùng vơi những cành hoa mận và lê trắng xóa trên cao, quay cuồng trong cơn lốc kỷ niệm của mình, và thấy mình còn nhiều may mắn lắm, vì khi nghĩ về những ngày tháng xa xưa ấy, vẫn còn tìm thấy những nụ cười , không một chút hối tiếc 60 năm có hơn đã đi qua đời mình ....

Hương Quỳ


Bruxelles, 04/17/2016

Friday, April 8, 2016

Bơi Ra Biển


Bố nó bảo “Nó có niềm khao khát được đi Mỹ đến phát khùng lên, cô ạ! Cháu chẳng hiểu vì sao nữa! Nó cứ một hai muốn đi Mỹ để học. Cháu bảo để hè sang Mỹ chơi thì nó bảo không đủ. Nó muốn được trải nghiệm đời sống thật ở Mỹ”. Cãi vã với bố mẹ mãi, chắc làm cả nhà phát ớn, bố mẹ nó tống khứ nó sang Wisconsin , ở một cái làng nhỏ cách Milwaukee 2 tiếng lái xe, đi theo chương trình trao đổi học sinh.  Đi theo diện này, nó không được chọn ở thành phố nào, ở với ai, học trường nào. Vì thế rốt cuộc nó từ một cái làng nhỏ bên Đức sang ở một cái làng nhỏ khác bên Mỹ. Khác màu cờ, khác quốc ca, khác ngôn ngữ, khác lối sống. Hẳn đó là điều nó đang tìm kiếm.  

Tôi đón nó vào một ngày trời mưa lâm râm ở Corsicana, Texas. Tôi ngồi trong tiệm bánh ngọt uống trà hương nhài thơm ngát nhìn mưa rơi chờ bà mẹ “nuôi” hộ tống nó từ Hunsville lên. Nó sang đến Wisconsin từ hồi tháng 9 năm ngoái, tôi không liên lạc gì với nó được cho đến tận cuối tháng 12. Lúc ấy tôi đang lò mò lật áo jacket xem giá chơi trong tiệm thuê ski ở Salt Lake City thì nó gọi cho tôi, kêu tôi bằng bà khiến tôi giật bắn cả người. Tôi bảo để tôi tìm cách cho nó xuống Texas đến ở với chúng tôi vài ngày vào dịp nghỉ xuân. Nó mừng rơn vì được đi chơi xa. Riêng tôi tự cắn lưỡi mình vì không biết sẽ phải làm gì với nó suốt một tuần. Chúng tôi đi làm, hai thằng con đi học xa, nó có đến chơi thì vào vai ông từ giữ chùa với hai con chó mất. Lỡ đâm lao phải theo lao, tôi liên lạc với bà Cindy, mẹ nuôi của nó, hay đúng hơn, bà mẹ nơi nhà nó đến ở trong thời gian đi học bên Mỹ để sắp xếp cho nó làm một chuyến đi Texas.

Cái bà Cindy này lần đầu tiên đón một đứa lạ hoắc vào nhà cho ăn cho ở, lại còn chở đi học hàng ngày, nên nhất nhất theo sách theo vở, theo luật lệ. Khi tôi nói chuyện với bà ấy bảo để cho nó xuống Texas ở với chúng tôi vài ngày, Cindy hoang mang bảo có lẽ không được vì theo luật nó không được ra khỏi tiểu bang một mình. Mà cũng đúng, nếu không thiên hạ tìm cách sang đây đi học rồi băng qua biên giới tiểu bang lạc vào mê hồn trận của 51 tiểu bang còn lại, biết đàng nào mà mò, lỡ vui chân qua luôn biên giới Canada hay Mexico thì đúng là tìm kim đáy biển! Chưa kể nạn buôn người nữa, thiên hạ có trăm ngàn kế để mà gạt nhau đấy mà.  Bà ấy cẩn thận thế cũng phải.

Mãi đến đầu tháng 2 Cindy mới gọi cho tôi bảo bà ấy sẽ mang nó xuống Texas chơi, một công đôi chuyện cho bà, vì bà ấy có đứa con gái đang học ở Sam Houston University, bà thăm con nhân tiện để cho nó gặp tôi.

Kết quả là tôi ngồi trong tiệm bánh thơm lừng mùi bơ một buổi sáng thứ sáu, giữa những đám ông bà già ăn donut uống cà phê nhìn mưa rơi mà thấy viễn cảnh của mình một ngày nào đó sẽ giống giống như vậy! Cindy lái xe 2 tiếng từ Hunsville lên, tôi lái 2 tiếng từ Fort Worth xuống, gặp nhau giữa đàng.

Tôi nhận ra nó ngay, phổng phao  xinh xắn hơn hẳn so với lần cuối cùng tôi thấy nó năm 2013 và một trời một vực khác xa con bé nhút nhát núp sau cánh cửa thò mỗi một cặp mắt láo liên quan sát chúng tôi khi tôi sang Đức năm 2005 đến chơi nhà nó. Nó mang nụ cười và nét mặt bố nó không lẫn vào đâu được. Và giọng nói thì nhất định là từ mẹ nó mà ra.    

Sau khi tán dóc, rỉ rả chuyện nắng mưa  với Cindy khoảng gần hai tiếng, vừa đủ cho đôi bên nghỉ chân uống nước thì tôi mang nó về lại Fort Worth. Dọc đường đi, vừa lái xe tôi vừa cố cạy miệng nó!

Chưa thấy đứa nào kiệm lời bằng nó. Mới đầu tôi thử tiếng Việt, nó lọng cọng, chữ được chữ mất. Sau đó tôi chuyển sang tiếng Anh, hỏi gì nó trả lời đúng cái nấy, tuyệt không thêm thắt một chi tiết nào. Sau nửa tiếng vật lộn với mọi câu hỏi thì tôi thầm nhủ hay là nó cứ việc tự nhiên lăn ra ngủ quách cho tôi thong thả lái xe, mắt liếc ngang liếc dọc đi tìm những bụi hoa bluebonnet bên đường mà không cảm thấy áy náy vì không nói chuyện gì với nó. Sau đó bố nó có bảo tôi ở nhà nó cũng im thin thít như thế, chẳng nói chuyện với bố mẹ tiếng nào! Nghe vậy cũng chẳng làm tôi thấy yên lòng hơn. Tôi nhớ hồi xưa còn nhỏ đi học về tôi hay la cà xuống bếp tìm Má rồi hót như sáo với bà, kể đủ mọi chuyện trên trời dưới đất cho bà nghe. Khi vào cái khoảng tuổi ương bướng nổi loạn 14, 15, tôi ít nói chuyện với Má hơn, trong lòng có đôi phần ngấm ngầm phản đối mọi luật lệ bà đặt ra với tôi nhưng không dám chống đối ra mặt. Giờ rảnh rang tôi hay rút lên phòng nằm đọc sách nhưng nếu có chuyện gì hay ho để kể, tôi vẫn tìm đến bà để “hót” cho bà nghe. Riêng con bé này, chẳng lẽ vì giấc mơ Mỹ mà nó nhất quyết không nói chuyện với bố mẹ nó? Tôi hỏi nó có thường gọi cho bố mẹ không thì tiếng Việt của nó làm cho tôi hiểu là không được nói nhiều với bố mẹ vì người ta cấm. Tôi ngẩn tò te hoang mang. Ngày xưa có lẽ vì tiền gọi điện thoại đường dài là cả một gia tài nên trong đám luật của bà Cindy chắc có hạng mục không được tiếp xúc với thân nhân quá bao nhiêu lần mỗi tháng, quá bao nhiêu phút mỗi lần. Thời đại của Skype, Viber thì cái luật này chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Bố nó cũng nói với tôi từ hồi nó đi sang Mỹ đến giờ, nó chỉ gọi về nhà, đúng hơn bố nó gọi cho nó, có ba lần, bố mẹ chưa kịp hỏi han ra ngành ra ngọn thì nó đã cắt đường dây!

Trên đường về lại Fort Worth, tôi đi lùng con đường Bluebonnet Trail của huyện lỵ Ennis, cốt ý thử tay nghề chụp hình của tôi với hoa dại Texas. Sẵn có nó, tôi lôi nó ra làm người mẫu. Cũng may nó cũng thích được chụp hình cho nên thay vì phải vắt óc moi chữ nói chuyện phiếm, tôi chỉ có việc chỉ nó ngồi chỗ nào, đứng chỗ nào để chụp hình mà thôi. Không ngờ đôi bên hả dạ hết ý. Kết quả là nó có khoảng hơn 30 bức ảnh với màu hoa biêng biếc của Texas mang về làm kỷ niệm. Tôi cũng thừa biết mình với nó là hai thế hệ khác nhau, nói chuyện không xong đừng nói gì dẫn nhau đi chơi chung. Chồng tôi bảo mời nó về nhà rồi biết làm gì với nó. Tôi đã lo trước nên phát lời triệu tập hai thằng con về nhà, giao khoắng nó cho hai ông con, mặc cho hai ông muốn dẫn nó đi đâu thì đi. Tôi mà dẫn đi chơi thì chỉ có đi ngắm cảnh, đi bộ trong rừng, lang thang ngoài park, tuyệt nhiên không có mục mua sắm và còn lâu mới lôi được tôi lên mấy cái trò đu quay, xe lộn ngược , rơi tự do vân vân ở Six Flags.

Và kỳ cục thay, khi gặp hai thằng con tôi, nó mở miệng, bắt đầu líu lo ra trò! Tôi cũng mừng, chỉ sợ hai thằng kia phải dẫn một “con hến ngậm miệng” đi chơi thì cũng tội cho chúng. Riêng tôi không được may mắn bằng hai thằng con, trong hơn hai ngày, tổng số câu nó nói với tôi có thể đếm hết 10 đầu ngón tay nhưng không hết 10 đầu ngón chân!

Nó chỉ ở chơi với chúng tôi một thời gian rất ngắn ngủi, chưa đầy 50 tiếng đồng hồ, nhưng cũng đủ cho tôi biết nó đang  ấp ủ giấc mơ được sống tại Mỹ vĩnh viễn. Nó bảo tôi nó muốn ở thêm một năm nữa nhưng bố mẹ không cho. Tôi biết bố mẹ nó gần sạt nghiệp khi lo cho nó sang đây. Trao đổi học sinh đâu có mà đơn giản, nó làm ngân quỹ của nhà nó giảm đi đáng kể, đến nỗi tôi hỏi nó bố mẹ năm nay có đi nghỉ hè ở đâu không thì nó trả lời ngắn gọn bố mẹ hết tiền rồi! Thế mà nó còn mơ sang thêm một năm nữa thì tôi thấy tội nghiệp cho cả bố nó cả mẹ nó và cả cái tiệm bán đồ ăn nhanh của nhà nó bên Đức.

Tôi đoán chắc nó muốn thoát ra khỏi cái làng nhỏ xíu cách Berlin 2 tiếng lái xe nơi bố mẹ nó đang ở, nơi nó sinh ra và lớn lên. Hẳn nó đã phát ớn với những điều lập đi lập lại hàng ngày, con đường hàng ngày, món ăn hàng ngày, những khuôn mặt hàng ngày, ngay cả trường lớp cũng không còn hấp dẫn nó nữa. Tôi đã đến thăm chốn này, một cái làng điển hình Châu Âu rất sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp. Chỉ có điều đó là một cái làng xinh xinh, không phải là một thành phố lớn tấp nập, mà nó thì đang là một con cá trong ao muốn bơi ra biển! “Con cá” đó đang gởi những tấm hình chụp với bạn bè bên Mỹ, những suy nghĩ rất Mỹ về cái trường làng bên Đức làm cho cả đám còn lại bắt đầu mơ tới những con đường ra đại dương!

Còn tại sao lại là biển Mỹ thì tôi chịu! Có những giấc mơ Mỹ không làm cho người ta lý giải nổi. Khao khát cháy bỏng được đến Mỹ, ở Mỹ của nó là một trong những số đó. Nó lớn lên tại Đức chứ nào phải cái xứ quê mùa lạc hậu ất ơ nào. Mà nền giáo dục ở Đức cũng thuộc loại có tiếng trên thế giới, có lẽ còn hơn cả Mỹ, nơi tụi học trò vừa học vừa chơi mà chơi là chính. Bố nó bảo bà Cindy nói với bố nó rằng nó còn “Mỹ” hơn cả đứa con gái của bà ấy! Tôi không biết “Mỹ” đến thế nào chứ cái màn ăn xong để nguyên chén đũa trên bàn cho tôi dọn, ngủ xong để nguyên giường chiếu cho tôi xếp thì tôi nghĩ Mỹ trăm phần trăm chắc khấm khá hơn.

Nhưng nói gì thì nói, nó đã đến nhà tôi chơi, mang theo những suy nghĩ của một thế hệ con cái lớn lên ở nước ngoài, có những đam mê, khát vọng riêng của mình. Chúng nó không phải tất bật cắm đầu học hành để ra trường, rồi long tóc gáy kiếm việc làm để tồn tại trong thế giới này. Chúng nó không bị gánh nặng nuôi nấng chính bản thân mình đính kèm nuôi nấng thêm cả gia đình đè nặng lên vai như thế hệ chúng tôi, những người chật vật đến được bến bờ tự do bằng đủ mọi cách, không cách nào dễ dàng cả. Tôi đã tiếp đãi nó đầy đủ với màn mở đầu chào đón bằng nem nướng, kết thúc bằng phở gà tiễn đưa. Nó quay trở về Wisconsin với Cindy, mang theo niềm hy vọng trước khi về lại Đức, Cindy sẽ cho nó xuống nhà tôi chơi một tuần!

Từ giờ đến đó, chắc tôi phải viết ra giấy những gì tôi có thể nghĩ ra để cạy miệng nó! Hy vọng lần này tôi sẽ đếm hết luôn 10 đầu ngón chân những câu nó sẽ nói với tôi! Tiếng Việt hay tiếng Anh, thảy đều tốt cả. Có còn hơn không mà lại.


 

Lan Hương

Fort Worth 04/08/2016