Pages

Friday, October 14, 2016

Cát trắng Lla Franc



Quay đi quay lại ba ngày đã trôi cái vèo ở Costa Bava, trôi nhanh đến nỗi giật mình nghĩ bụng chẳng bao lâu lại khăn gói lên đường tiến về phương Bắc, để lại sau lưng màu xanh biếc ngút mắt của biển Địa Trung Hải. Rồi thì tự nhiên thấy mình cần kíp kíp đi cho bằng hết những bãi biển quanh đây mặc dù biết rằng chúng ở mọi nơi mọi chỗ, trải suốt chiều dài phía Đông của Tây Ban Nha, chia sẻ khí hậu ấm áp, khô và lặng gió của biển Balearic. Thôi thì đành cầm cuốn cẩm nang du lịch đọc tới đọc lui, quyết định đi theo đám đông lần này, chia tay những eo vịnh be bé xinh xinh nằm khuất giữa hai mỏm núi,  mà đổ đến Lla Franc, một trong những bãi biển nổi tiếng nhất của xứ Tây Ban Nha. Kẻo không đi về kể cho thiên hạ nghe họ không biết Begur ở đâu, Sa Sierra chỗ nào, nhưng  nói đến Lla Franc thì họ sẽ ồ à bảo à đã đi đến tận biển Tây Ban Nha đấy!  

Đến đây mới thấy những bãi tắm mình đã đi qua không có màu cát trắng và mịn màng,  mà rặt một màu cát vàng xỉn, đôi khi màu xám tro, hạt to đùng, đi chân không đâm vào chân đau điếng, mình tự nhủ hay là cát được mua ở đâu đó đem tới đây đổ như bãi Galveston bên Texas? Thôi thì cát màu gì cũng xong, hạt lớn hạt bé không thành vấn đề, bãi biển lổn ngổn đầy những viên đá cuội cỡ nắm tay như  Nice cũng nổi tiếng như cồn đấy thôi.  Mặt trời chín giờ sáng đã tưng bừng, hân hoan lấp lánh trên biển xanh ngăn ngắt, và thiên hạ đã đổ ra hụp lặn dưới nước hoặc nằm xếp cá mòi phơi nắng. Cả nhà tiếp tục cắm hai cái dù xuống, trải khăn rồi thì người rón rén xuống nước, người bắt đầu dáo dác nhìn quanh xem có cái gì khác ngoài một màu trời xanh biển xanh hay không.

Ở Costa Bava không có những khu resort to đùng chen chúc dọc bờ biển,  giăng dù giăng mái che làm của riêng, che luôn cả một phần cảnh quan thiên nhiên. Costa Bava chỉ có những khách sạn nho nhỏ xây men theo triền núi, và tuyệt nhiên không được xây quá cao ngọn núi sau lưng nó làm chắn gió chắn nắng, chắn cả tầm nhìn. Dọc con đường bãi  biển của Lla Franc là khu phố tấp nập cửa hàng, khách sạn làm mình nhớ tới Nice nhưng  Lla Franc nhỏ hơn.  Chỉ cần đi vòng ra sau một khu phố là sẽ thấy những con đường nhỏ dẫn sâu vào đất liền hoặc leo thẳng lên núi.

Tắm biển mãi cũng chán, mình quyết định đi bộ lên ngọn hải đăng Sant Sebasta. Mình và bà chị hì hụi leo một con dốc dài bất tận ngoằn ngoèo từ bãi Lla Franc, lượn quanh triền núi, một bên là biển xanh trải dài, bên kia là vách núi với những ngôi biệt thự cửa kính từ mái nhà đổ xuống hứng trọn cảnh trời nước trước mặt. Con đường đi lên có bóng mát của những cây thông cây tùng nên cũng không đến nỗi đổ mồ hôi nhưng hai bắp chân thì căng cứng vì nó rất dốc. Mấy con dốc Dalat so với nó chẳng bõ bèn gì. Hay là hồi nhỏ chân tay dẻo dai chạy lên chạy xuống dốc Duy Tân, dốc chùa Linh Sơn, dốc Minh Mạng coi như pha, bây giờ đầu gối bắt đầu mỏi, xương khớp bắt đầu lỏng lẻo đây kia, đi dăm bước đã muốn hụt hơi nên thấy con dốc nào cũng cao vút? Leo dốc khoảng hơn nửa tiếng thì ngọn hải đăng Sant Sebasta xuất hiện, chìm trong đám cây hết một nửa, nửa còn lại vươn thẳng lên trời. Ngọn hải đăng này không cao lắm và chắc đã ngừng hoạt động từ lâu. GPS với một tỉ thứ công nghệ hiện đại khác đã giết chết không biết bao nhiêu ngọn hải đăng trên thế giới này. Thôi thì các tàu bè cứ GPS mà theo, đi theo ánh đèn hải đăng nhiều khi nó cúp điện hay hết dầu hay người canh lửa đèn đi vắng thì đâm đầu vào đá còn nguy hơn.  Ngọn hải đăng này được xây để dẫn đường cho tàu bè cặp bến cảng Lla Franc dưới chân núi, cái bến cảng rộn rịp buôn bán vang bóng một thời ngày nào bây giờ trở thành bến đậu êm ả cho những chiếc du thuyền trắng muốt và tuyệt nhiên chẳng còn thấy buôn bán cái gì nữa cả, chỉ thấy du khách lượn lờ đi tìm thời đã khuất.

Từ con đường đi lên, ngọn hải đăng nhìn không đẹp bằng chịu khó đi vòng qua nó, đi tiếp con đường mòn dọc bờ biển và nhìn ngược lại. Sant Sebasta ngạo nghễ cheo leo trên mỏm núi, vươn ra biển, mang sứ mệnh cứu tinh của tàu bè cách đây hàng trăm năm, khi đêm đêm nó được thắp sáng làm người dẫn đường. Bây giờ nó trở thành nhà hàng bán cà phê buổi sáng, bán bia buổi chiều, và những ngọn đèn trên tháp im lìm tắt bóng. Mình tự hỏi ánh đèn của nó có khi nào được bật trở lại, dù không còn hướng dẫn cho bất cứ một chiếc tàu lạc lối nào, nhưng hướng dẫn cho các vì sao đến với bãi biển Lla Franc một đêm lặng gió chẳng hạn?

 Đến tầm ba giờ chiều mình từ biệt Lla Franc, lên xe lái ngược về Agua Blava cho hai thằng con đi lặn còn mình và ba mạng kia đi snokel. Nước biển ở đây khá lạnh nên cả nhà được nhét vào tay mỗi người một bộ wet suit, mặc vào nhìn cũng ra vẻ lắm.  Sáu mạng nhà mình cộng với một anh diver master, một chị lái tàu, ngồi trên chiếc thuyền phao ra khơi. Càng ra xa, biển dần dần xám lại, sâu thăm thẳm, sóng cũng bắt đầu mạnh hơn. Nhìn ngược về đất liền thấy nguyên con đường đi bộ, con đường đi không đến từ Begur đến Fonda. Tự cảm phục mình đã leo chừng đó mỏm núi, đi qua chừng đó con vịnh, băng qua chừng đó làng chài. Rồi thì thuyền phao neo lại, hai thằng con nhảy ùm xuống biến với anh diver master có nét mặt hao hao giống tài tử Tobey Maguire đóng vai Spider Man, tiếng Anh bập bẹ chen lẫn tiếng Tây Ban Nha nhưng cả bọn hiểu nhau tuốt. Bọn đi lặn mất tăm dưới nước sau khi để lại một màn bong bóng không khí phun từ dưới đáy biển lên. Mình cũng nhảy xuống, kêu trời vì nước lạnh nhưng may có bộ wet suit chứ không thì sẽ ở dạng đông đá đi xem cá. Khi chìm đầu xuống nước, vừa định hồn thì thấy nguyên một bức tường cá trước mặt! Cá tuyền một màu đen hoặc xám, hẳn vì không đủ mặt trời và nước quá lạnh để rực rỡ hơn, nhưng nhiều vô kể,  bơi lại gần thấy chúng cũng lớp lang thứ tự lắm, cá nhỏ ở trên, cá lớn ở sâu bên dưới, cá tầm vừa một bữa ăn cho hai mạng thì lượn lờ ngang  mắt nhìn.  Mình nhìn cá, cá nhìn mình, không biết bên nào ngạc nhiên hơn bên nào. Gió buổi chiểu khá to, nếu ai dễ bị say sóng mà mặt úp xuống nước suốt cả hai tiếng đồng hồ sẽ thấy tá hỏa cả ngàn ngôi sao thay vì thấy cả ngàn con cá. Cái chị lái thuyền tên Anna trên nguyên tắc phải dẫn tụi mình đi snokel nhưng thấy tụi mình đã làm cả chục vòng quanh hòn đảo mà không hề hấn gì cho nên chị quyết định ngồi trên thuyền chờ, mặc cho cả lũ muốn đi đâu thì đi. Thế mà sướng vì đương nhiên chỉ có một mình nhà mình trên tàu nên coi như là private tour, chuyến đi không có người lạ chen vào. Cái lần đi snokel bên Punta Cana đông đúc người với người, vừa xuống nước thì chân vịt đạp lên đầu nhau la oai oái, nước bắn tung tóe bốn phía, con nít người lớn la nhặng xị, úp mặt xuống chỉ thấy toàn chân với tay và hễ có con cá nào lởn vởn thì chừng đó người ầm ầm bu tới, cá hoảng kinh trốn tiệt trong hốc đá không dám thò mặt ra! Ở đây cá lặng lờ đứng yên như một bức tường tha hồ cho mình bơi vòng quanh quan sát chúng dưới đủ mọi góc cạnh, chẵn chòi 360 độ!


Biển Tây Ban Nha không có một tí san hô nào gọi là. Mình nghĩ chừng đó kem chống nắng bôi vào người, chừng đó mạng nhảy xuống biển hàng ngày, chẳng san hô nào sống sót được. Vấn nạn san hô chết vì bàn tay con người, cụ thể là du khách đang được báo động trên thế giới. Mình quyết chí bảo vệ san hô bằng cách không bôi kem mà mặc áo dài tay, và nếu chẳng nắng lắm thì cứ để cho mặt trời tự nhiên hun nóng cái lưng mình. Hậu quả là thằng cháu, mặc dù nó không hề có ý định bảo vệ san hô như mình, nhưng ông nhỏ phơi nắng quá lâu ở bãi Lla Franc, bị cháy béng hai cái mông và khuôn mặt. Cả mặt lẫn mông đỏ rực như phải bỏng làm mình xém gọi ông cháu là khỉ đỏ đít. Ngày hôm sau ra bãi biển ông như mèo đứt tai, mông bỏng rát không dám nhúng xuống nước mặn,  ông đành nằm bẹp úp ba ba trên bãi ngủ cho lại sức và cho quên màu nước trong vắt làm ông phơi nắng với con cá sấu không ngừng suốt mấy ngày vừa rồi!

Một ngày trôi qua với biển và nước, ra về bắt đầu đếm từng ngày còn lại ở Costa Bava, mong mình trúng số độc đắc để suốt cuộc đời còn lại là những ngày hè không bao giờ dứt!

Lan Hương

Fort Worth 10/14/2016