Pages

Friday, April 24, 2015

Thắng Tư trắng, giọt lệ hồng (Tố Mai)

 Khi có người hỏi tháng Tư có màu gì, đỏ hay vàng theo màu cờ chính trị tôi  nghĩ ngay tháng tư có màu trắng. Với những xôn xao của  cả hai phía thắng và thua về ngày 30-4, đối với tôi đã rất xa, và trong tôi chỉ còn lại một màu trắng. Màu trắng của hoa mơ, hoa mận, hoa anh đào, hoa linh lan...mọi thứ hoa đang nở rộ đón mùa xuân tới. Nhưng tôi chỉ còn thấy màu trắng của vòng hoa tang và giải khăn sô quấn vội lên đầu một ngày tháng tư năm nào.
Viết về Má ư ? Viết về người mẹ đã đột ngột ra đi, nay đã 4 năm, viết về nỗi đau không thể nói thành lời, viết về những kỷ niệm với Má, những hình ảnh bất chợt trở về trong mơ hay ngoài đời  thật? Thật thế, Má đã không còn nữa nhưng trong tâm tưởng của tôi Má vẫn ở đâu đó, lúc ẩn lúc hiện, lúc vui vẻ, lúc tư lự,  lúc buồn phiền, lúc trách móc, lúc mãi mãi hoài niệm về một quá khứ xa xăm. Không bút nào tả xiết, không lời nào  nói hết được tâm tư của những đứa con ngỡ ngàng đã mồ côi mẹ. Nỗi đau đến bàng hoàng, nỗi đau đến vô cùng và bất tận.

Những năm đầu tôi không hề nằm mơ thấy Má bao giờ, làm như đã bị hoàn toàn tê liệt không còn cảm giác gì. Nhưng gần đây tôi lại hay nằm mơ thấy Ba và Má trong những sinh hoạt hàng ngày, khi thì ở nhà số 7, khi thì ở nhà Ba Má dưới Halle , nhưng không bao giờ trong căn hộ của Ba Má. Hàng tuần tôi vẫn đến đây một mình, thắp một nén hương trên bàn thờ, châm nước cho những chậu hoa lan trắng hay hồng mà ngày xưa Má rất thích, và rồi ngồi nhìn lên hình ảnh của Ba Má, nhìn thật lâu. Sao mà êm ắng thế này, tiếng xe cộ ngoài đường cũng không thể vọng lên làm tan đi được cái im lặng của những nguời  đã khuất bóng. Ba Má vẫn bất động nhìn  xuống, bình thản nhưng vô hồn làm sao! Tôi không có cảm giác Má còn ở quanh quẩn đâu đây nữa mặc dù vẫn là căn phòng này, nơi chốn này. Những vật dụng phần lớn đã được dời đi nhưng dấu ấn của Má vẫn còn đó. Mở ngăn kéo bàn phấn của Má vẫn còn lược gương kim chỉ. Mở các ngăn tủ ở bếp vẫn còn bát đĩa, muỗng đũa y nguyên, nồi niêu xoong chảo vẫn còn xếp đầy trong tủ. Trong cái tủ buffet bằng gỗ sồi  trong bếp vẫn còn bộ tách trà cổ màu xanh với hoa văn rồng  phượng. Ngày xưa Ba Má quí bộ tách trà này như vàng, chỉ ngày tết mới được đem ra lau rửa kỹ càng và bày lên cái khăn bàn trắng tinh để giữa phong ăn. Chỉ khách quý mới  được uống trong tách trà này. Những chai lọ có chữ viết của Má như tiêu, muối, bột ngọt, đường...đã được các con chia nhau lấy đi giữ làm kỷ niệm. Nồi nấu cơm điện nhỏ xíu vẫn còn đó như gợi lên nỗi cô đơn của người sống một mình. Vì công việc và cuộc sống gia đình của mỗi đứa, Má đã tự động đứng qua bên lề của các con. Có những lúc tôi dẫn Má về nhà mình ở một hai đêm, Má như bứt rứt thế nào, Má không thoải mái, đi ra đi vào rồi cũng muốn mau mau trở về căn hộ của mình. Ở đó là giang sơn của Má, những thói quen của Má, những sắp xếp theo cái hợp lý của Má. Ở với các con thế nào cũng chẳng được tự do như ở nhà mình.


Bây giờ mỗi buổi chiều chủ nhật lái xe từ Clabecq về nhà ở Bruxelles, trên đường đi tôi vẫn nhớ xưa kia có Má ngồi bên cạnh, khi huyên thuyên kể chuyện ngày xưa ở ngoài Bắc, có đến cả trăm lần rồi, nhưng với Má vẫn như  mới hôm qua, khi thì Má đột ngột im lặng trầm tư trong những suy nghĩ của riêng mình. Lúc mùa đông, nhìn hàng cây trơ trụi  Má suýt xoa sao mà lá rụng hết không còn đến  một cái nào. Mùa xuân đến cây lá đâm chồi rất nhanh và Má lại nói sao mà  nhanh thế, mới đó mà đã đầy lá rồi. Khi hoa mai vàng Forsethia nở rộ hai bên đường đi Má khen đẹp, khi đến đường Molière với những hàng cây cổ thụ bên đường tỏa rộng vòm lá che khuất cả mặt trời, Má nói, nhìn đến  mát mắt. Đến đường Vleurgat với  hàng cây sao thẳng tắp như tháp nến hai bên đường, Má khen hàng cây này đẹp quá, cứ  như là cây Noel! Đó là những nơi Má thường để mắt đến và mỗi lần, từ năm nay qua năm khác Má thường lặp đi lặp lại như vậy. Bây giờ lái xe một mình qua những con đường quen thuộc đó, tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây từ trong tiềm thức tiếng nói của Má. Năm đầu tiên khi Má mất, tôi vẫn thường   trở  lại những con đường quen thuộc này và lặng đi trong những hồi ức khiến mình xốn xang quặn thắt cả tâm can. Sau đó thì tôi không đi con đường này nữa. Nhưng trên xa lộ khi  sắp đến  ngã rẽ đi về Uccle, Drogenbos, tôi không còn quẹo vào đó nhưng mỗi lần tôi đều nhìn về hướng con đường này và tự nhủ trong lòng ngày xưa còn Má mình thường rẽ vào đây, bây giờ Má không còn nữa mình phải đi thẳng thôi. Đã 4 năm trôi qua nhưng không lần nào qua đây mà tôi không nhớ về Má.

Trước đây mỗi khi đưa Má về đến trước của nhà, Má xuống xe và bước đến mở khóa cửa. Tôi nhìn theo đợi Má mở được cửa rồi quay lại vẫy vẫy tay với tôi, Xong, cánh  cửa  nhẹ khép lại phía sau hình ảnh Má với chiếc áo cánh màu tím Má ưa thích nhất, thế là  Má đã trở về nơi chốn của Má, cái không gian riêng biệt của mình mà ngay cả tôi đứa con gần Má nhất cũng phải ở lại bên ngoài. Bao lần tôi tự hỏi sao mình không lại gần Má hơn. Nhớ những lần trước kia đến ăn cơm trưa với Má, rau đậu giản đơn nhưng Má thật vui khi có ai đó cùng ngồi với mình. Nhưng  lúc sau này Má cũng không còn muốn ai đến ăn vơi Má nữa, có hỏi Má sẽ nói tao chẳng có gì ăn đâu, có khi Má ngại phải nấu thêm món này món kia, nếu có ai đến. Má chỉ muốn ăn uống qua loa rồi đắm mình trong những cuộn băng video ông Trung thu cho Má. Niềm vui của Má chỉ còn thu hẹp lại như thế và tôi cũng  không còn dịp nào lại gần Má hơn để « nhìn mẹ thật lâu và noi nói với mẹ rằng, mẹ ơi, mẹ  có biết là con thương mẹ không? »
Trong đời sống hàng ngày, thỉnh thoảng cũng có người nhắc đến Má. Một bà bênh nhân già của tôi nay đã phải vào viện Dưỡng lão vẫn thường nhắc với tôi "Tao bằng tuổi Má mày đó, năm nay tao 90 rồi, nếu bà ấy còn sống cũng đã  90 tuổi như tao" . Ông Trung, một bệnh nhân khác của tôi và cũng là bạn trung thành của Má khi xưa cũng thường nhắc đến Má với những số điện thoại Má hay nhờ gọi, ông ấy còn đọc ra vanh vách số của chị Thúy ở Việt Nam, chị Nga, chị Bình ở bên Mỹ, số bà Bảy ở Manage …Còn số của hai con Quỳnh Hương  thì không cần nhớ vì tụi nó gọi về hàng tuần rồi, Má nói vậy.
Cuốn sổ địa chỉ của Má tôi vẫn còn cất giữ, thỉnh thoảng mở ra tìm kiếm những số điện thoại, những địa chỉ số nhà của những người thân quen khi xưa của Ba Má. Vậy mà nó cũng giúp tôi được ối việc! Kể cả ngày mất của Ba, Má đã cẩn thận ghi vào sổ với một tờ lịch với cả ngày ta và ngày tây. Tôi chỉ việc mở  ngăn kéo và giở ra là biết ngay ngày ta âm lịch. Vậy mà đến ngày mất của Má, không còn ai ghi vào cuốn sổ nào. Tờ lịch oan nghiệt tôi đã cất thật kỹ trên cao ở bàn thờ Má và mỗi khi  muốn tìm kiếm tôi lại phải nhờ đến internet để chuyển đổi ngày tháng .
Má không làm thơ như Ba, Má không mơ mộng và hoài niệm như Ba, Má là người  thực tiễn, cái gì Má làm là có mục đích, và những gì Má để lại cũng thực tiễn và đã giúp tôi được rất nhiều việc! Má có biết không nhỉ, khi Má mất đi đã để lại một khoảng trống to lớn dường nào trong lòng mỗi đứa con? Không , Má không biết được đâu, người chết là hết, là vĩnh viễn ra đi không ngoái đầu lại bao giờ. Má sẽ không bao giờ biết được nỗi đau của  các con hôm nay đâu! Có thể như thế là hơn chăng, vương vấn làm gì chỉ lại làm cho Má thêm khổ tâm mà sẽ không được thanh thản bình yên ở một góc trời nào đó!



Mùa Xuân đến với hoa anh đào hồng  nở rộ khắp đường phố, hoa rừng Halle ngát một màu tím, hoa linh lan đang nhú lên trong rừng đợi chờ ngày lễ mẹ sắp tới. Lẽ ra tôi phải hân hoan đón chờ những ơn phúc của thiên nhiên đang hào phóng ban phát. Nhưng không, từ 4 năm nay, mùa xuân với tôi luôn mang hình dáng của một vết dao sắc cứa đứt  trong tim ngày mất mẹ, và những giọt lệ hồng nhỏ xuống  không nguôi, cho đến bao giờ ….cho đến mãi mãi về sau !

T MAI 

Bruxelles ngày 24/4/2015 

Wednesday, April 22, 2015

Hoa trắng cài lên áo


Ngày 30 tháng 4, một nửa nước Việt Nam khóc thương cho ngày sụp đổ của chế độ Cộng Hòa, nửa kia của đất nước reo hò ăn mừng chiến thắng. Riêng tôi, đã bốn năm nay, ngày này tôi ngậm ngùi khóc cho chính mình, vì mình đã biết thế giới ra sao khi không còn mẹ. “Như đóa hoa không mặt trời. Như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn khôn thêm. Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…” Bốn năm nay tôi chỉ có thể gặp mẹ mình trong những giấc mơ, mộng thực lẫn lộn, vui buồn lẫn lộn. Như hôm qua chẳng hạn, tôi gặp Má trong căn nhà số 7, Má vừa mở cửa cho tôi vừa tươi cười hỏi mày đi đâu về. Choàng thức giấc thấy tim đau nhói và rồi bần thần cả ngày. Giá lúc đó nhớ ra mà hỏi Má, sao Má đi tận đâu mà con chẳng thấy? Sao Má đi mãi mà không về?
Tôi có thể viết tràng giang đại hải về hầu như tất cả mọi chuyện, riêng đối với Má, không một dòng chữ nào tuôn ra được. Tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, mọi câu cú cứ lẩn quẩn trong lòng không cách gì bật ra nổi. Tôi không thể nói gì về Má được, không thể viết một bài cụ thể nào về người mẹ của mình. Tôi chẳng thể bắt đầu đại loại như  “Má là một người rất mạnh mẽ và kiên quyết…” hay thậm chí đơn giản hơn “Quê của Má ở Nam Định, mùa đông giá buốt nước ngập nửa cánh đồng...” Nghe chẳng ra làm sao cả.  Mọi ngôn từ nói về mẹ mình cứ bất lực và tắc nghẽn trong đầu tôi. Câu tôi nói hay nhất về Má, từ thuở lọt lòng đến giờ có lẽ chỉ là “Má ơi”. Thế thôi.

Bốn năm nay, hoa trắng đã vĩnh viễn cài lên áo mình. Vườn nhà tôi bốn năm nay hoa trắng nhiều hơn tất cả các màu khác, và nếu ra đường bắt gặp một người cùng tuổi với mình nói chuyện với mẹ của họ, tôi luôn chạnh lòng và tủi thân. Tôi không còn được tự hào cài trên áo một bông hoa màu hồng nữa. Trong những câu chuyện hàng ngày của tôi, thỉnh thoảng tôi vẫn nói “Hồi xưa Má rất thích cái này, hồi xưa Má ghét cái kia lắm…”. Giá như không có hai chữ “hồi xưa” đó nhỉ, thì tôi đâu phải mủi lòng khi nhìn thấy bạn bè vẫn mang màu hoa hồng trên áo, hay nghe họ rộn ràng nói chuyện với mẹ mình. Bốn năm nay, mỗi lần nghe lại bài Bông hồng cài áo, nước mắt tôi vẫn tuôn rơi, như ngày nào trong bệnh viện, để cái iphone cho Má nằm im lìm nghe bài này mà lòng đau quặn, tim muốn vỡ tung ra. Đã bốn năm rồi, ký ức phai nhạt dần, nhưng màu hoa trắng trên các vòng hoa tang của Má, màu hoa tím của rừng Hal in trên thiệp báo tin buồn của Má theo tôi mãi đến tận bây giờ. Đến nỗi mỗi dịp cần cắm hoa, sau khi lượn lờ chán chê qua đủ các loại, các màu, tôi luôn dừng lại ở màu trắng và tím.


Ngày lễ Mẹ, khắp nơi bày bán những chậu hoa hồng, những cành hoa muguet trắng tinh khiết, những cành phong lan kiêu kỳ và dòng chữ Happy Mother Day rực rỡ. Khoảng ngày này bốn năm trước, tôi nước mắt vắn dài bước vào tiệm hoa đứng xếp hàng. Mọi người vui sướng với các bó hoa mua tặng mẹ của họ. Đến phiên tôi, tôi và em tôi đặt vòng hoa tang cho chính mẹ mình. Chủ tiệm nhìn chúng tôi ái ngại, chúng tôi nhìn nhau lòng đau buốt. Chúng tôi chẳng còn mẹ để có thể vui sướng mang về một cành linh lan trắng ngát hương. 


Mà không phải chỉ riêng ngày này tháng này tôi mới nhớ tới mẹ mình. Nhìn dăm ngọn rau húng nhú lên sau một mùa đông giá buốt, tôi nhớ đến Má và khoảnh vườn bé tí trên ban công của bà. Nhìn tên món ăn Việt Nam quen thuộc trong thực đơn, tôi nhớ Má bảo tôi “Hay là hôm nay nấu mì quảng ăn đi?”. Nhìn con đường đi dạo trước nhà, tôi cố hình dung ra bóng dáng bà bước đi chầm chậm. Nhìn Buster, tôi nhớ Má gọi nó là con Bớt và hay dấm dúi cho nó ăn. Tôi hỏi nó “Buster ơi, có nhớ bà không ?” rồi thấy nghèn nghẹn nơi cổ. Và nếu có bắt gặp hình ảnh một người nào đó giống như bà, tôi thường khựng lại, tần ngần nhìn theo và chợt thấy cay mắt. Buổi trưa mùa hè trời nắng chói chang, tôi đội cái nón màu nâu của Má rồi tông ra đi bộ ngoài downtown. Thiên hạ khen nón đẹp lắm, tôi sung sướng nói, nón của Má mình đấy. Thế a, bà cụ khỏe không? Không, Má mình mất rồi và hít một hơi thật sâu để mắt khỏi nhòa lệ.   
Tôi còn giữ đôi dép Má bỏ quên sau chuyến đi Mỹ cuối cùng. Thỉnh thoảng tôi xỏ chân vào đi đi lại lại vài bước rồi tháo ra. Chân Má lớn hơn chân tôi thế nên tôi không xài đôi dép này được, đành đem cất vào tủ để lâu lâu xỏ vào. Tôi cũng còn giữ được tấm thiệp Giáng Sinh năm 2010 Má gởi cho tụi tôi. Chẳng hiểu tại sao tấm thiệp này được Má gởi từ tháng 12 mà chỉ đến tay tôi đúng 3 tuần trước khi bà mất. Và đó là tấm thiệp duy nhất Má gởi cho chúng tôi, để rồi mỗi khi nhớ Má, tôi lại giở thiệp ra nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc của bà, những dòng chữ của một người chưa bao giờ học xong bậc tiểu học. Sau khi Má mất, tôi tha lôi về Mỹ một cái rổ  tre con con của bà, hai con cua dán trên tủ lạnh của bà. Hai con cua này một hôm mẹ chồng hỏi xin tôi một con, tôi từ chối, bảo rằng để con tìm mua cho mẹ con khác, hai con này của Má con để lại. Tôi vốn chẳng bao giờ từ chối mẹ chồng điều gì, nhưng những gì thuộc về Má, tôi không muốn chia xẻ. Tôi ráng níu kéo tất cả những gì Má đã từng chạm tay tới để chung quanh mình hòng mua chuộc ký ức rằng Má vẫn còn đây, với tôi.  

Không, Má không còn nữa, Má đã đi rất xa rồi….Để cho tất cả mọi tháng tư của tôi đều có màu trắng và buồn vô hạn.  

Có những năm, những tháng
Không có Má bên cạnh
Có những phút những giây
Không thấy bóng hình Má
Nhưng không buồn khổ
Nhưng không tê tái
Nhưng không nhỏ lệ.
Vì chỉ cần gọi,
Sẽ nghe thấy tiếng Má.
Vì chỉ cần một chuyến đi,
Sẽ thấy bóng dáng Má.
Giờ là những năm những tháng
Tuyệt đối không có Má.
Giờ là những phút những giây
Tuyệt đối không có Má.
Điện thoại không người nhấc
Để hỏi mình
“Bên đó đang mấy giờ?”
Những chuyến đi chẳng còn ai chờ
Trong căn phòng nhỏ.
Ngoại trừ bức hình Má
Im lìm
Trên bàn thờ nhìn xuống.

Năm tháng trôi qua
Sao lòng mãi vẫn đau.
Thời gian trôi qua
Sao tim mãi không nguôi.
Nỗi đau mất mẹ
như dao cắt
Chỉ một nhát duy nhất
Trong lòng,
Và không bao giờ khỏi.
Nuốt nước mắt nhìn lên
Trời cao lồng lộng,
Gió thổi lồng lộng.
Chẳng thấy nụ cười của Má
Chẳng thấy bóng dáng Má.
Có chăng
Chỉ một dải mây trắng nhẹ.
Như trên đầu các con
Khăn trắng bay năm nào
Và rồi hiểu ra rang
Mình tuyệt đối không còn Má nữa
Mình tuyệt đối chẳng bao giờ
Gặp lại Má nữa
Như màu khăn tang
Trắng tuyệt đối
Đội một lần

Để đau mãi mãi
Má ơi….

Lan Hương (Fort Worth 04/22/2015)





Thursday, April 16, 2015

Tháng tư có màu gì?



Cứ đến tháng tư hàng năm thì dân Việt Nam lại sôi sùng sục với chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc. Dân trong nước có người gọi với ra thôi thì mọi chuyện cho vào quá khứ, hãy cùng nhau nhìn về tương lai, người khác thì quyết định cho đám chạy theo tư bản đi luôn cho rồi, không cần tay bắt mặt mừng làm gì. Dân ngoài nước vọng về, chúng tôi chẳng việc gì phải hòa hợp hòa giải với bọn Cộng sản, nhưng lại có người nghĩ khác, thôi anh em một nhà, lá sẽ rụng về cội. Cứ thế, năm này sang năm khác, chuyện dài bất tận trên đủ loại trang báo, trang websites mà hòa hợp với lại hòa giải hai miền Nam Bắc, kẻ thắng người thua chưa đâu vào với đâu cả.
Thử nhìn sang nước Đức mà xem. Năm 1989 bức tường Bá Linh sụp đổ, Đông Đức gặp Tây Đức,  thống nhất làm một. Vì Tây Đức chẳng bắt Đông Đức đi cải tạo, vì Tây Đức không xếp loại công dân nước mình từ hang 1 là Đảng viên đến hạng 14 là sĩ quan Ngụy, vì Tây Đức không lên mặt làm kẻ chiến thắng, mắng nhiếc Đông Đức là lũ Ngụy quân Ngụy quyền Ngụy dân, cho nên họ chẳng cần phải nói chuyện hòa giải hòa hợp gì cả. Tôi sang Đông Đức năm 2005, các thành phố không sầm uất bằng, nét nghèo khó lẩn khuất đâu đây, nhưng dân Đông Đức chẳng có gì mặc cảm với đám phía Tây, ngược lại, đám Tây Đức cũng chẳng có gì là lên mặt với phần đất nước còn lại của họ. Bây giờ thủ đô nước Đức dời từ Bonn về Bá Linh rất êm thấm, chẳng ai lấy làm điều vì chúng tôi chiến thắng, thủ đô phải ở lại nơi nó đã từng ở. Như bây giờ mà bảo dời thủ đô Việt Nam từ Hà Nội vào Saigon xem, chắc vui phải biết.
Nhìn ngược về Việt Nam, 40 năm rồi, chuyện Cộng Hòa với Cộng Sản vẫn cứ mãi râm ran, không ai nhường ai, nhặng xị lên. Dĩ hòa vi quý bảo Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều là một. Khát máu hơn thì bảo “Đám dân chủ tư bản chỉ mang tàn tích đế quốc làm hư hỏng nước nhà”. Đám bỏ nước ra đi theo mọi kiểu mọi cách lại thề độc “không bao giờ đội trời chung với đám cộng sản”. Ngày 30 tháng 4, tại các thành phố lớn ở Việt Nam bắn pháo hoa ăn mừng chiến thắng. Ngoài Việt Nam mang cờ vàng ba sọc đỏ làm lễ tưởng niệm ngày quốc hận. Cộng sản bảo 30 tháng 4 đại thắng, Quốc Gia bảo đó là ngày 30 tháng 4 đen.  

Với tất cả mọi luận điệu và suy nghĩ ấy, tôi thấy hai bên chính nghĩa khó mà tay bắt mặt mừng được khi chính quyền Việt Nam xưng tụng cái chết của 10 cô gái ở Đồng Lộc, bị trúng bom Mỹ. Người Việt hải ngoại khóc thương cho 32 đứa trẻ chết tức tưởi ở trường học Cai Lậy bị Việt Cộng pháo kích. Miền Bắc ra rả Mỹ thả bom phố Khâm Thiên nát như tương, dân Huế vẫn còn tức tưởi với vụ thảm sát tết Mậu Thân. Tượng mẹ Việt Nam anh hùng được dựng lên cho những bà má hy sinh cho chồng cho con trong kháng chiến, thế nhưng những bà mẹ khác lặn lội nuôi chồng nuôi con trong nhà tù cải tạo, gian nan không kém mẹ đào hầm vót chông thuở nào thì chẳng ai nhắc tới. Những mất mát của chiến tranh đều xảy ra đồng đều cho cả hai phía. Gia đình bên nào cũng đau như nhau, mất mát như nhau, nước mắt chảy ra cùng một mùi vị, khăn tang đội trên đầu cùng một màu trắng, di ảnh trên bàn thờ của những người lính trẻ nhìn xuống cùng một kiểu…

Riêng đối với người Việt sống ở hải ngoại, ngày 30 tháng 4 kỷ niệm với cờ vàng ba sọc đỏ số người tham dự ít dần. Các cựu quân nhân, những người cao tuổi của chế độ Cộng Hòa dần dần đã về với giun dế, chẳng còn bao nhiêu. Thế hệ nửa nạc nửa mỡ sinh ra ở Việt Nam, gây dựng sự nghiệp ở nước ngoài có đầu óc cởi mở hơn. Nhìn cờ vàng tung bay với tấm lòng khoan dung vì cha ông đã ngã xuống cho màu cờ này, nhưng không tham gia đi biểu tình dù radio ra rả kêu gọi. Bên cạnh đó họ cũng chẳng chơi với cờ đỏ sao vàng vì ký ức những ngày những đêm lênh đênh trên biển vượt biên hay nỗi đắng cay trong những khu kinh tế mới vẫn còn đọng trong lòng. Con đi học về hỏi cô giáo bảo đem cờ Việt Nam lên trường thì con phải đem cờ gì, bố mẹ ấp úng, mãi không ra được câu trả lời. Thế hệ trái chuối, vỏ vàng nhân trắng thì khỏi cần nói. Sinh ra xứ người, nói tiếng xứ người nhuần nhuyễn hơn tiếng mẹ đẻ, nghe kể chuyện các ông tù cải tạo bắt ăn bất cứ con gì nhúc nhích được nghệt ra như được nghe một huyền thoại. Ông nội ông ngoại hôm nào diện bộ đồ lính xưa đi dự hội cựu quân nhân thì chúng trố mắt nhìn, hỏi ông có bị điên không? Bạn bè chúng đã có những đứa đi du học từ miền Bắc, chơi với nhau không hỏi bố mày là sĩ quan Ngụy hay Đảng viên, không hỏi mày gốc Bắc di cư trước 75 hay sau 75, không hỏi nhà mày vượt biên hay đi bảo lãnh, hay dân sang sau này bằng diện du học, đại loại thế. Ngày 30 tháng 4 đối với chúng chẳng mang bất kỳ một ý nghĩa nào. Và khi lớn hơn một chút, chúng hỏi bố mẹ sao mình chưa về Việt Nam, con muốn biết ở bên đó có gì. Bố mẹ chỉ có thể trả lời, chưa muốn về. Không phải vì chính kiến mà vì cảm thấy mình không còn là một phần của dải đất hình chữ S, vì cảm thấy quê hương thật ra đã ở mảnh đất tạm dung này mất rồi. Đi làm ở đây, đóng thuế ở đây, hưởng mọi phúc lợi từ đất nước này, quyền công dân từ đất nước này, có lý nào gởi hết tâm hồn về nơi mà mình đã bỏ ra đi cả bao nhiêu năm nay? Nếu phải gởi hồn về quê cũ, sao nghe ra có mùi phản bội và tráo trở.
 

Nếu không có ngày 30 tháng 4, thì tôi hẳn đã không có ngày sinh nhật của mình ở Petit Chateau. Ngồi chầu chực từ sáng đến chiều để xin được tị nạn xứ Bỉ với đủ màu sắc dân tứ xứ chung quanh, với đủ mọi ngôn ngữ lạ tai khác chung quanh. Trời tháng Ba mưa phùn rả rít, gió lạnh từng cơn, trong căn phòng của Lâu Đài, hơi người bốc lên nồng nặc, đủ thứ mùi trộn lộn, đến nghẹt thở. Chờ đến trưa vẫn chưa tới phiên được phỏng vấn, đám người chầu chực được hưởng bữa ăn trưa miễn phí gồm một tô súp lỏng toẹt và hai lát bánh mì đen. Ăn xong dài cổ chầu chực tiếp. Đến khi được gọi vào lăn tay và phỏng vấn, nhân viên di trú nhìn hồ sơ tôi rồi nói “À, ngày sinh nhật của cô. Chúc mừng sinh nhật nhé. Lý do xin di trú của cô là gì?” Vào cái tuổi đó, từ cái đất nước đó ra đi, lý do chỉ có thể là tị nạn chính trị. Thế tại sao lại xin tị nạn chính trị? Có tham gia đảng phái gì không? Rất đơn giản, thưa ông, tôi không được đi học! Nghe thế, nhân viên liền gật gù, à à, ở  xứ này bắt chúng đi học chúng không thèm đi, bên đó muốn đi học lại không được. Mà tại sao không được đi học? Gia đình tôi bị chính phủ Việt Nam xếp hạng 11, thi vào đại học cơ may trúng tuyển xếp sau 10 hạng kia, thế thì đến bao giờ mới tới phiên tôi? Mặc dù tài sức học hành của tôi hơn hẳn 10 đứa trước tôi kìa. Không học đại học, tôi đi xin việc bình thường cũng khó, vì vẫn phải chiến đấu với mười hạng trước đó. Cho nên đời tôi coi như bế tắc. Nhân viên mủi lòng, tinh thần hiếu học cao thế kia thôi cho ở lại Bỉ để được học hành. Ra khỏi Lâu Đài, trời vẫn chẳng sáng sủa hơn, bụng réo óc ách vì tô súp lõng bõng, ngày sinh nhật thôi thì thấy đời vui hơn một chút vì mình được tị nạn ở xứ này.  

Nếu không có ngày 30 tháng 4, tôi chẳng phải một lần nữa chầu chực ở sở di trú của tiểu bang Indiana. Lại phỏng vấn, lần này thì chẳng có mùi chính trị gì hết mà là diện hôn nhân. Giấy chứng nhận kết hôn chưa đủ, mang thêm hình đám cưới cho chắc. Nhân viên hỏi thăm vớ vẩn rồi cho giấy cư trú tạm 1 năm. Nhờ giấy này mới được đi thi lái xe.  Một năm sau lại vác mặt đến, lại phỏng vấn, mục đích xem chúng tôi có làm đám cưới giả không, có còn thật sự sống chung với nhau không. Lần này lãnh cái thẻ xanh sau khi được hỏi sinh nhật chồng bà làm gì cho ông ấy? Đủ để ghi tên đi học đại học chính thức mà không phải trả tiền dành cho diện sinh viên nước ngoài. Ba năm sau lại có mặt lần nữa, đem theo thằng con và một căn nhà đứng tên hai vợ chồng. Nhân viên chẳng bới ra được lý do nào từ chối cho nên thôi cho vào quốc tịch Mỹ cho rồi.

Ngày 30 tháng 4 làm tôi thay vì là công dân Việt Nam, đã trở thành công dân Mỹ. Đạo luật của Việt Nam ban hành cách đây hai năm bắt những ai đang ở nước ngoài muốn tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam thì phải làm đơn xin, còn không sẽ đương nhiên bị tước bỏ. Đám Việt kiều lăn ra cười bể bụng, chẳng đoái hoài gì đến “quê hương là chùm khế ngọt” với lại cái quốc tịch được chăng hay chớ ấy. Nghe đâu đạo luật vớ vẩn này chẳng mấy ai tuân theo nên dần dần chìm vào quên lãng.

Trở lại chuyện hãy tay bắt mặt mừng với nhau. Hòa giải đâu không thấy, nghe kể các nhà hàng ở Việt Nam có hai giá tiền, một cho dân bản địa, một cho Việt kiều. Hòa giải nên bắt đầu từ đó, đâu cho xa. Hãy đối xử với nhau bình đẳng trước đã, từ những việc nhỏ nhất, rồi hãy nói đến việc lớn hơn. “Những khúc ruột ngàn dặm” có mang tiền về Việt Nam thì thật sự họ chẳng hề có ý đồ muốn giúp đỡ nhà nước, mà họ chỉ muốn giúp đỡ chính bản thân gia đình họ trước tiên. Cho nên đừng nhìn vào các đồng đô la chảy vào Việt Nam rồi hô hoán lên, Việt Kiều tham gia xây dựng đất nước rất tích cực. Nghe những lời bánh vẽ đó khó chịu và sặc mùi giả dối lắm. Hãy sòng phẳng và thật lòng với nhau may ra mới được kẻ kia nắm lấy bàn tay đang giơ ra.

Tháng 4 đen hay tháng tư đại thắng, tùy theo cái nhìn của mỗi người, tùy theo chỗ đứng của mỗi người, vào thời điểm đó, bạn ở bên phía thắng cuộc hay bên phía đại bại. Và cũng tùy theo cảm tính của chính bạn, có muốn chìa một bàn tay cho người không cùng chính kiến với mình hay không. Cái chính là sau khi bắt tay nhau rồi thì chúng ta sẽ làm gì nữa. Hòa giải hòa hợp tắc tị ở chỗ này vì không ai biết phải đi bước tiếp theo như thế nào.
Rồi đây, khi thế hệ cha ông chúng ta, ngay cả thế hệ chúng ta không còn nữa, hòa giải hòa hợp chẳng còn mang ý nghĩa gì nữa cả. Thế hệ “nải chuối” của  chúng ta sẽ tự động bắc cầu hội nhập với nửa bên kia bán cầu  mà không hề thắc mắc về quá khứ của cha ông, mà chẳng thèm để ý tháng 4 có màu gì.

Thôi thì hãy kiên nhẫn chờ.

Lan Hương (Fort Worth 04/16/2015)

Monday, April 6, 2015

Dalat thất thủ (Thanh Điệp)


Khu Vĩnh Chấn - Dalat
Thấy nhiều người viết về ngày 30-4, tôi cũng háo hức muốn đóng góp. Đã viết một lần rồi nhưng nghĩ sao lại xóa đi, bây giờ thì cố viết lại, xin kể cùng các bác.
Tôi là dân Dalat nên kỷ niệm của tôi là ngày 30-3-1975 chứ không phả 30-4 như các bác ở đây.
Lúc đó tôi đang ở Sàigon, thấy dân Dalat di tản ào ào về Sàigon mà ba tôi nhất định không đi nên tôi quyết định về nhà để thuyết phục ba tôi cho cả gia đình di tản.
Vé máy bay mua dễ ơi là dễ. Nhưng lúc lên máy bay vào sáng 30-3 thì chỉ có tôi và một bà khách khác. Một tiếp viên phi hành nhìn tôi rất lạ, hỏi:

-      Người ta mua vé bay bay về Sàigon không nổi mà tại sao cô lại về Dalat?

Đến phi trường Liên Khương thì sân bay hoàn toàn hoang vắng, không một bóng nhân viên làm việc, không một bóng hành khách chờ máy bay mà cũng chẳng có xe ca đưa về thành phố. Thì ra đó là chuyến bay cuối cùng lên Liên Khương và chắc là để đón những nhân viên của họ rời Dalat. Tôi đành lủi thủi đi bộ ra ngã ba đón xe đò về Dalat.
Phi trường Liên Khương
 
 
 
Về tới chợ, cửa tiệm, quán xá đóng cửa im ỉm, không bóng người qua lại trên đường. Vậy mà tôi còn cố dừng lại ngắm nghía hồi lâu chiếc xe Molotova, chiến lợi phẩm kéo về để ngay cổng chợ; nó thật xấu xí và thua xa GMC của mình!
Đến nhà mới chỉ kịp chào hỏi, ba tôi đã nói ngay:
 
-      Con chọn gia đình hay chọn tương lai? Nhất quyết gia đình mình không đi đâu cả!

Tôi như chết trân chẳng trả lời được gì.
Đến chiều, xe của Ty Thông Tin đến ngay ngã ba trước nhà và còn nói:

-      Quân dân Dalat nhất quyết tử thủ, không bỏ thành phố!

 Ừ nhỉ, chắc chắn là như vậy rồi; vì còn Võ Bị, còn Chiến Tranh Chính Trị và còn cả Cảnh Sát Dã Chiến ở đây cơ mà! Nhưng mới tới sáu giờ chiều, những hàng người lũ lượt đi qua nhà tôi, hết giòng người này đi xuôi lại đến giòng người kia đi ngược, thông báo cho nhau Ty Cảnh sát cháy rồi, đi thôi! Mặt mày mọi người ngơ ngáo, mang theo mấy túi vải hay bị chắc là quần áo. Có người lại có cả ruột tượng gạo đeo chéo qua người (lần đầu tiên tôi thất ruột tượng như vậy). Họ đi đâu? Về phía đèo Prenn hay về phía đèo Ngoạn Mục?
Đường xá nháo nhào, đến chín mười giờ đêm mới có một toán đia phương quân chạy bộ từ Lạc Dương về. Có anh lính cùng xóm hỏi vọng lên:

-      Bác ơi, bác có thấy mẹ con còn nhà không bác?

-      Không, bà ấy và mấy đứa nhỏ đi về phía ấp Ánh Sáng rồi!

-      Trời ơi!

 Anh lính chỉ kêu lên có thế rồi cởi phăng quấn áo lính, giầy lính vứt xuống đường, vứt súng xuống mương và chạy về nhà.
Nửa đêm, vợ chồng bà chị họ tôi phóng ào vào nhà nói với ba tôi:

-      Võ Bị rút rồi cậu ơi! Toàn là đi bộ về phía Trại Mát. Cầu Đại Ninh bị giật sập rồi, tụi cháu có nên đi không?

-      Đi đâu nữa bây giờ! Còn đâu yên hàn hơn Dalat mà đi. Lại còn nhà cửa vườn tược như vậy bỏ cho ai mà đi?

Trường Võ Bị Dalat
Anh chị tôi xuôi theo ba tôi và quyết định ở lại. Vậy mà bà ấy cũng kịp dúi vào tay tôi cái “sac” du lịch:

-      Cái này tao nhặt trên đường, chắc của một sinh viên Võ Bị nào đó mang nặng quá nên vứt lại. Mày xem giấy tờ người ta ra sao, giữ lại sau này trả cho người ta. Tội nghiệp!




Than ôi, nguyên chiếc sac chỉ toàn là bản nhạc, có bản ký tên ghi ngày tháng, có bản không; nhưng chẳng hề có tên tuổi gì cả. Nhưng rồi tất cả cũng sẽ bị đốt vì sợ tội “lưu giữ sách báo đồi trụy!”
Sang ngày 31-3, một cô bạn thưở nhỏ đến nhà nhờ chở honda đi lấy “tài liệu cách mạng” vì ”Mình là cán bộ VC đây, kể từ giờ phút này bạn phải bảo vệ cán bộ!!!”. Thì ra thế. Vậy mà mình vẫn tội nghiệp cho nó xanh xao vì nhà nghèo bệnh tật nên không học được, chứ có ngờ đâu cô ta bỏ học để đi ra đi vào bưng biền và xanh xao vì thiếu ăn và vì sốt rét. Đã thế, ngồi đàng sau lưng mình lại còn nhắc đi nhắc lại hoặc say sưa kể về thành tựu cách mạng. Đất nước thống nhất rồi, rồi tụi mình sẽ ra thăm thủ đô Hà Nội. Tiến bộ lắm bạn không thể nào tưởng tượng được đâu! Nước bạn Liên Xô giúp ta xây dựng, chỉ trong một đêm là đã xong mấy buynh đinh!!!
Khu Hòa Bình Dalat

Chưa xong, lúc chạy vòng khu Hòa Bình mình lại thấy một ông sư, đã từng gặp nhau và nói chuyện trong một trại hè công tác xã hội. Nhưng sư hôm nay ngồi sau xe Honda do một người nào đó chở; vẫn mặc áo nâu sòng nhưng …một khẩu súng lục đeo lủng lẳng ngang lưng!
Đất trời dường như đảo lộn, thế giới quay cuồng chung quanh tôi!
Ngày hôm sau 1-4, hai chị em tôi chở nhau vào trường Võ Bị. Cả khu vực rộng mênh mông nhưng lạnh lẽo và có gì như là bất trắc? Một số người đã vào đó trước tôi, có người lấy súng bắn vu vơ, có người vác cả chiếc độc bình to tướng lên vai (họ lấy làm gì nhỉ? Liệu nhà có đủ lớn để đặt cái bình này không? Bán thì ai mua trong lúc này?). Tụi tôi thì chỉ muốn vào thư viện để xem mấy ông Võ Bị đã đọc những sách gì? Ở góc thư viện có dấu vết một đám cháy nhỏ, còn tất cả vẫn còn nguyên, những chiếc độc bình trang trí ở góc phòng và chân cầu thang vẫn còn. Sách trên kệ vẫn chất đầy. Chúng tôi chú ý tới một kệ sách toàn sách khổ lớn, bìa dầy mầu xanh lá cây. Tụi tôi leo lên lấy đại một cuốn mở ra thì ra đó là cuốn tự điển La Rousse. Nguyên một cuốn tự điển to đùng mà chỉ có một vần P, một quyển khác thì chung ba vần X,Y,Z. Tụi tôi bỏ sách lại chỗ cũ và ra khỏi thư viện vì vẻ lạnh lẽo thấy rờn rợn. Rồi đây ai sẽ vào thư viện này và ai sẽ đọc những cuốn sách này? Trên đường về, tôi gặp mấy người Thượng đen đúa, mặc quần đùi, nhưng lại khoác áo đại lễ Võ Bị trắng tinh còn nguyên ngù vai đỏ và giây huân chương; hai vai khoác đầy là súng mà báng súng thì bóng loáng. Hoặc một người Thượng khác ngồi trên chiếc ghế xoay có bánh xe, cũng lấy từ trường Võ bị đang thả trôi theo cái dốc thoải về phía Thái Phiên.
Về tới chợ, thấy người ta lũ lượt đi hôi đồ. Tất cả các gian hàng trong chợ đều bị phá tung ra, người ôm quần áo, người ôm vải vóc. Lò bánh mì Vĩnh Chấn cũng bị bắn bật khóa cửa sắt để người ta vào lấy bột mì. Ai cũng có thể có súng, vì thành phố không có chính quyền, có người để tự vệ, có người để đi bắn ổ khóa lấy đồ.
Trong khi đó mấy đứa em trai tôi mê máy bay nên đã vào phi trường. Tụi nó kể là có một chiếc L19 còn nguyên xi, không biết phi công đâu mà không lái nó đi. Tôi có biết ông thượng sĩ không lưu làm ở phi trường Cam Ly, thì may sao ông lại đi qua nhà, tôi mời ổng vào hỏi:


-      Anh có biết lái L19 không?

Đại Học Dalat
-      Lái L19 hả, dễ như lái taxi!

-      Vậy chứ anh có biết là còn cái L19 còn nguyên nằm ở phi trường không?

-      Biết chứ! Mấy ông phi công đáp xuống đó rồi ra phố chơi, tới tối Võ Bị rút mà mấy ổng không dám vào phi trường nên đi theo mấy ông Võ Bị chứ gì?

-      Vậy anh có biết kho xăng phi trường ở đâu không?

-      Sao không biết, làm ở đó bao nhiêu năm chứ bộ!

-      Vậy ngày mai anh với hai chị em em vào phi trường, anh đổ xăng vào máy bay, chỉ cần bay xuống phi trường Phan Rang thôi là anh họ của em là phi công sẽ đợi ở đó, anh dám không?

-      Dám chứ, anh cũng quen anh của em mà.

-      Vậy ngày mai nghe!

Thế là hai chị em tôi chỉ gói vài bộ quần áo vào cặp táp để người lớn không nghi ngờ. Hôm sau ổng đến thật nhưng bảo ráng đợi cho ổng thu xếp việc nhà (không biết việc gì, vì ổng đã có vợ con gì đâu) và chắc chắn hôm sau tụi tôi sẽ đi Phan Rang bằng L19. Nhưng hai chị em hồi hộp quá cứ rù rì bàn tán, mẹ tôi nghi ngờ đi theo hỏi bàn cái gì, tụi tôi chối bai bải.
Ngày hôm sau (2-4), ổng lại cũng ra nhưng cứ ngập ngừng cái gì đó. Tụi tôi căn vặn ông lần nữa:

-      Anh có chắc chắn biết lái L19 không?

Domaine de Marie - Dalat
-      Anh nói là biết mà, lái dễ như lái taxi chứ có gì đâu.

-      Vậy sao mình không đi?

Ổng ầm ầm ừ ừ. Thì vừa lúc đó bố mẹ tôi ra lườm lườm nhìn ổng như ngầm đe dọa “anh tính chuyện gì với con gái tôi vậy?” Thế là ổng vội vàng chào hai người và nói thôi chiều bàn tiếp.
Buổi chiều hôm đó trời âm u và buồn dễ sợ. Mẹ tôi thì cứ gườm gườm nhìn theo chị em tôi. May sao có nhỏ bạn học cùng lớp tới rủ đi xem tình hình, tôi mới được ra khỏi nhà. Hai đứa đi lang thang lên tận Domain De Marie. Ở đó một mái lầu bị cháy, đường xá vắng đìu hiu. Thêm vào đó là chuyện buồn đứt ruột của cô bạn. Bồ nó đang học Y Khoa ở Sàigon, còn nó đang học ở Đại học Dalat. Ba mẹ nó cũng quyết định không đi đâu hết, nên một mình nó đã liều về Sàigon để mong gặp người yêu. Về đến Sàigon thì anh ấy lại sốt ruột về nó và về gia đình nên đã về Dalat. Nó lại xoay sở mãi mới mua được vé máy bay về Dalat thì cả gia đình người đó đã di tản rồi. Nó cũng kẹt lại nên tìm tôi để trút gánh nặng.
Hai đứa lang thang mãi dù chiều đã tàn, gió lạnh mà cũng chưa muốn quay về. Chợt một người đàn ông đạp xe đạp ngược chiều vội vàng thắng lại trước mặt hai đứa:

-      Các cô làm gì ở đây? Về nhà ngay đi, VC nó về tới số Bốn rồi kìa!

Góc hồ Xuân Hương
Ông ta vội vàng đạp xe đi tiếp, chúng tôi cũng sợ hãi quay về.

Như vậy là ba ngày Dalat không có chính phủ. Đến ngày 2-4, bộ đội Bắc Việt mới bắt đầu lục tục vào thành phố. Rất ít, từng nhóm ba bốn người đi bộ ngơ ngác; có nhóm năm bảy người được chở về bằng xe lam hoặc bằng xe dodge chở cát đá.
Vì thế ở Dalat có một con đường mang tên đường 2 tháng 4.
Và thế là xong!
Ông không lưu đã nhập vào với những người tiều phu, vào rừng chặt cây, chiều chiều gánh củi ra chợ bán.
Bạn tôi thì mãi mãi lạc mất người yêu, sau này vượt biên qua Úc và cũng không lấy chồng.
Còn tôi ở lại tiếp tục như một cây non thiếu ánh sáng, còi cọc mà không hề lớn khôn thêm.

Còn biết bao nhiêu chuyện nữa mà không thể nào kể hết. Và tất cả vẫn còn rõ ràng trong trí nhớ như chỉ vừa mới hôm qua!
Buồn ơi là buồn…

Thanh Điệp (04/05/2015)











Friday, April 3, 2015

Hồi ức Ban Mê Thuột (Hương Quỳ)


Ban Mê Thuột
Bốn mươi năm trước, tôi và một người bạn cùng lớp đặt chân lần đầu tiên đếnthành phố Ban mê Thuột nhờ chương trình đi thực tập của năm thứ hai trường Cán sự xã hội Caritas tại Saigon, vào gần cuối tháng 2/1975. 

Trung tâm đến thực tập do các Soeur dòng Nữ Tử Bác Ái thành lập để dạy chữ quốc ngữ và hướng nghiệp cho trẻ em người dân tộc ở các độ tuổi khác nhau. Các em ăn ở tại trường theo chế độ nội trú.

Hai tuần lễ trôi qua kể từ ngày mới đến, chưa kịp lập xong chương trình tham gia vào sinh hoạt của trung tâm, tên các em học sinh còn chưa thuộc được hết, thăm viếng  trung tâm thị xã được đúng hai lần, Ban giám đốc đãi cho đi thăm một buôn làng của dân tộc Koho cùng một đồn điền trồng cà phê ở bên ngoài thành phố, còn bỡ ngỡ với khung cảnh vừa núi rừng hoang vu, vừa ruộng vườn trù phú cộng với khí hậu buổi sáng se lạnh, và lại trưa nóng đổ lửa.

Một buổi chiều thứ bẩy tiếp đó được rảnh rỗi, hai đứa toan tính đi xuống phố xem bộ phim "Exorciste" đang chiếu ở đây, thì Ban Giám đốc trường cho gọi lên, báo cho biết có thể có thay đổi, do tình hình Ban mê Thuột ngày càng chộn rộn, chạm súng quanh vòng đai thành phố từ nhiều ngày nay, khủng bố vừa đặt chất nổ trong thị trấn, nhiều người làm nghề đốn gỗ đã gặp những đoàn binh Việt Cộng trong rừng. Họ không bắt ai hết, chỉ bảo về nhắn dân chúng  di tản  ngay vì sẽ có đụng độ lớn. Soeur Giám đốc kết luận, chúng tôi nên quay về Saigon gấp, hủy bỏ chương trình thực tập ở đây. Chúng tôi ngỡ ngàng, vì những ngày qua, ngoài tiếng bắn hỏa châu soi sáng màn đêm vốn đã rất quen thuộc với chúng tôi ngay trên thành phố quê nhà, có nghe thêm được tiếng súng giao tranh nào khác vọng đến quanh khu đang ở. Do vậy chúng tôi yêu cầu được liên lạc với trường, Soeur giám đốc dẫn chúng tôi qua nhà Đức Tổng giám mục để gọi nhờ điện thoại. 

Nhà thờ Chánh Tòa
 Văn phòng của Cha tổng giám mục khi chúng tôi bước vào, với các bản đồ khắp các vùng chiến thuật vây quanh cùng ba bốn cỗ máy điện thoại trên bàn, giống một tổng hành dinh của quân đội hơn là một nơi làm việc tôn giáo. Cha giúp liên lạc về trường, trường đồng ý và yêu cầu giúp chúng tôi có phương tiện rời thành phố ngay lập tức.

Chúng tôi hồi hộp chờ Cha gọi điện thoại đến khắp mọi mối quen biết để tìm. Trước hết vé máy bay không còn chỗ, hạ xuống vé xe đò, chả còn chuyến nào khởi hành hôm nay và ngay cho cả các hôm sau. Quay tìm xe người quen để gửi gấm, thì thấy Cha toàn nhắc lại một cách thất vọng:

-        Đi hết rồi à?

 Cha buông điện thoại xuống, quay nhìn chúng tôi với đôi mắt mệt mỏi:

-        Chả hiểu sao trường lại để các Cô lên đây. Tình hình đã không tốt từ hồi đầu năm, chứ có phải bây giờ đâu. Bây giờ đành giao phó cho Chúa, vì đường ra khỏi thành phố đã không thể được rồi, coi mòi cả phi trường quân sự cũng chả còn ai, vì máy điện thoại không có ai trả lời.

Lạnh cả người! Và nhớ đến linh cảm của mình mấy hôm trước, chưa biết gì về tình hình chiến sự ở đây. Nhưng khi đi qua sân để về phòng ngủ sau bữa cơm chiều, ngắm bóng rừng  bao bọc chung quanh, lẫn gió lay cây ngả nghiêng, bỗng thấy bất an với bóng tối vây quanh mịt mùng...

Ngày tiếp theo đó, là ngày 10/03/1975, Ban Giám đốc  trường đã qui tụ tất cả mọi người vào khu nuôi các em suy dinh dưỡng, là gian nhà lớn nhất ở đây, không để ai ở rải rác trong các khu nội trú nữa. Mất cả ngày để nhốt kín bầy gia súc trong chuồng, đóng sắn khô và gạo vào những bao tải nhỏ đủ sức cho các trẻ em vác theo mình, cùng chêm đầy những bi đông đựng nước của quân đội, rồi chất hết ở góc phòng ngủ chung. Chúng tôi qua buổi tối một cách căng thẳng khi nghe sự im lặng rất bất bình thường của con đường chính chạy dọc hàng rào của trung tâm.

Khoảng 2 giờ sáng rạng ngày 11/03, bắt đầu tiếng đạn pháo kích ầm ầm giã vào thành phố. Điện tắt, con nít la khóc, cả lũ dúm dụm vào nhau, sợ hãi đến tê liệt cả chân tay, vì trung tâm không có hầm trú ẩn, mái nhà chỉ là một lớp tôle mỏng, chỉ cần một quả pháo đi lạc là tiêu hết. Các Soeur bắt đầu lâm râm cầu nguyện, tôi mụ mị cả người nhìn các ánh chớp lóe lên trước khi đạn phát nổ lọt qua các khe hở của tường lát gỗ, như trời đang gầm gừ sấm sét, rồi sau đó là cảm thấy đất dưới người mình rung lên dưới những viên đạn vỡ toang. Cứ như thế cả bao nhiêu thời gian tôi không biết, nhưng rất lâu, đến độ sau đó nghe quen tiếng nổ, tôi còn  đoán  ra hướng đạn được bắn đi, chỉ không biêt nó sẽ rơi xuống đâu mà thôi. Đều đều một loại đạn pháo kích, không nghe một tiếng súng nào khác đáp lại. Gần sáng, có tiếng trực thăng cất cánh, tiếng động mỗi lúc một xa. Sao mà nghĩ ra được chuyện thành phố đang bị bỏ ngõ....
Chạy loạn

Trời sáng rõ, tiếng đạn pháo kích đã ngưng, người lớn bắt đầu bò dậy, rón rén mở cửa nhìn ra sân. Một màu chì trên bầu trời thành phố, những cột khói đen nghi ngút khắp nơi, tiếng nổ liên tục của một kho đạn đâu đây, còn ngửi thấy mùi khét của lửa đạn. Chưa đứng được vài phút, đã lại phải nhảy bổ vào trong nhà, vì tiếng phát nổ ngay trước cửa trung tâm. Tiếp đó có tiếng chân đi dậm dạp đến gần, rồi cánh cửa của nơi trú ẩn bị đạp toang ra, những bóng mũ cối xuất hiện, chỉa súng vào bên trong và quát lên với giọng Bắc rất lạ: 

-        Thằng ngụy nào trong đó, bước ra ngay không ông nổ súng!

Soeur giám đốc nói to át tiếng kêu khóc của lũ con nít:

-         Chúng tôi chỉ là đàn bà và trẻ em. Đây là trung tâm nuôi các em dân tộc, không có quân đội trong này!

-        Bước ra trình diện, ngay lập tức!

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy những mũi súng chĩa vào mình, nhưng còn thấy sợ hơn những khuôn mặt người đang gườm gườm nhìn mình, xanh xao và sắt lại trong tư thế đề phòng.

Họ quây chúng tôi giữa sân. Một toán đứng canh gác, một toán đi lùng sục cả trung tâm nhưng không tìm thấy ai khác.

Người chỉ huy hỏi:

-        Ai chịu trách nhiệm ở đây?

Soeur giám đốc bước ra. 

Giọng nói dịu xuống: 

-        Chúng tôi cần cơ sở này để làm trạm liên lạc và tải thương, yêu cầu Chị dẫn tất cả mọi người di tản khỏi chỗ này, không cần mang nhiều hành lý, vì chúng tôi sẽ đảm bảo tất cả còn nguyên vẹn. Phải đi ngay đi, trước khi bộ binh vào thành phố.

Thế là lúp xúp tập trung các em nhỏ lại, đeo cho mỗi đứa bao lương thực và bi đông nước chuẩn bị từ hôm trước. Soeur giám đốc đưa cho tôi và đứa bạn hai tấm áo dòng, cùng tấm khăn choàng giả làm bà Soeur, dấu hết giấy tờ tùy thân của chúng tôi vào một khe hở trong góc phòng. Chúng tôi bước qua cánh cổng bị lựu đạn phá sập, bước ra đường cái trực chỉ nhà thờ Chánh Tòa nằm trên cùng con đường ở phía bên kia.

Dòng xe tăng bắt đầu ầm ĩ nghiến bánh xe trên đường tiến vào thành phố, cùng một đám bộ binh lom khom chạy hai bên. Một đoàn dân, valise lẫn bị gậy chạy ngược từ dưới phố lên. Họ bị chặn lại hết trước cửa trung tâm của tôi thực tập.

-        Đi đâu thế hả? Có quay trở lại ngay không? Giờ này đi vào rừng để làm gì, quân đang tràn đến, chết oan hết đấy!

Cả đoàn ngơ ngác dừng lại, những khuôn mặt thất thần, đen lại vì sợ, bối rối rồi quyết định đi theo  chúng tôi. Đoạn đường chưa đến 1 cây số để đến nhà thờ giữa hai hàng quân chĩa súng vào,  ai cũng thấy như đường đi không đến. Tiếng xe tăng nghiến trên đường, tiếng hô hào điểm quân...làm cho mọi người thấy cái chết đã gần kề. Họ không ngăn cản lúc chúng tôi chạy ào vào nhà thờ, nơi có cấu trúc rập theo kiểu nhà sàn của người dân tộc, vững vàng với cây thánh giá ở mặt tiền. Quân của họ đã tràn ngập phía trên, tôi còn kịp thấy Cha tổng giám mục tay trói quặt sau lưng bị dẫn qua đám người nhớn nhác như rắn mất đầu. Có ai đó nhớ ra gầm tòa nhà rộng rãi, thế là mọi người lũ lượt chui hết vào, ngồi sát cạnh nhau. Lính Việt Cộng lùa tiếp những dòng người chạy tán loạn vào cùng chỗ trú, chắc để rảnh rang đối phó với đám máy bay phản lực vùa đến xé bầu trời, bắt đầu dội bom. Ầm ầm tiếng đạn lớn nhỏ, mặt đất lại rung chuyển. Mọi người nhắm chặt mắt lại, bắt đầu cầu nguyện. Tôi cũng cầu xin đức Phật của mình, cùng xin Ông Bà che chở để đừng có viên trái phá nào đi lạc vào đây. 

Trải qua một ngày không ăn uống, dấn đến ban đêm với bầu trời chớp nhoáng ánh đạn, cùng những trái hỏa châu thắp sáng lên không ngừng. Những cuộc chạm súng không đến chỗ chúng tôi. Ngay tại đây, nghe thật gần chỉ là tiếng xe và tiếng chân người chạy không ngừng, cùng những tiếng nói, hoặc là lanh lảnh, hoặc là tro trẹ, cứ như là họ đang dùng một ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt.

Ngày hôm sau, Soeur giám đốc quyết định đưa cả trường đến một trung tâm khác của nhà dòng ngoài ngoại ô, cách nơi đây 5 cây số. Lý luận của Bà là phải ra khỏi thành phố, vì đây sẽ là địa điểm giao tranh, nếu kéo dài sẽ không có lương thực, trong khi chỗ sắp đến, còn rất nhiều ruộng khoai, rau  cùng gia súc. 

Thế là lên đường, đi về phía nam, qua những phố xá đầy những toán lính Việt Cộng nằm trụ ven đường, đưa mắt nhìn chúng tôi nhưng không cản lại. Cứ thế, chúng tôi lúp xúp vừa chạy vừa đi qua những đường phố có cửa ngõ đóng kín, treo phất phới bóng cờ giải phóng hai màu xanh đỏ cùng với ngôi sao vàng. Những khu chợ nhỏ họp ở góc phố, dân chúng hối hả bán buôn mớ gà vịt cùng rau quả, cùng những đồ gia dụng, nhỏ nhắn thì chén bát, cồng kềnh có cả ti vi với tủ lạnh, chả biết từ nhà ra hay từ đâu đến, và ai còn mua những thứ ấy vào lúc này. Ngập hàng ăn vặt, và đầy người ngồi ăn. Chắc họ cũng giống tôi, những khi ở trong tâm trạng bối rối, chỉ thèm ăn!

Không còn tiếng súng lẫn tiếng máy bay, đến xế chiều, chúng tôi đến được nơi cần đến, một khu trường học nằm trên đồi cao, cũng đầy dân chúng đi di tản đóng trụ trong khuôn viên, bếp lớn bếp nhỏ đang nhả lên trời những lượn khói lam. Như một hoạt cảnh cắm trại âm u, vì không có tiếng cười đùa, mà chỉ rặt những khuôn mặt sầu bi hướng mắt về thành phố, con nít cũng im re quẩn chân bố mẹ, không còn hứng thú đâu rượt theo bầy gà cục tác đi qua đám người đứng ngồi lổn nhổn.

Ở đây yên ổn được cả tuần, công việc chúng tôi làm là phụ các Soeur của trường tổ chức lại vệ sinh ăn ở, hoặc thu hoạch rau trái trong các ruộng vườn của trung tâm phân phát cho mọi người. Những bữa ăn độn thêm khoai khô và củ sắn, nhưng tôi còn thấy ngon, vì chưa được ăn trước đó bao giờ.

Cả tập thể như một bầy ong vỡ tổ khi buổi sáng kia, thấy một đoàn lính xếp hàng tiến thẳng đến trung tâm. Mọi người nháo nhào báo động:

-        Việt cộng đến kìa!

Nhưng chạy đi đâu nữa khi xa xa là rừng vây quanh, còn không chỉ là những cánh ruộng trống trải kéo xuống tận dòng suối dưới chân đồi. Họ nổ súng chỉ thiên yêu cầu trật tự, rồi tiến thẳng đến văn phòng trường yêu cầu gặp người lãnh đạo. 

Hóa ra họ chỉ muốn tổ chức một buổi học tập chính trị.

Buông súng
Mọi người lấm lét ngồi bệt dưới đất trong khoảng sân, các bà và các cô ra sức dấu tay sau lưng, vì có tin đồn họ sẽ rút hết những móng tay để dài. 

Tôi nhớ mãi buổi tuyên truyền đầu tiên ấy, khi họ giới thiệu, mục đích họ ở đây là để giải phóng dân miền Nam ra khỏi ách thống trị của bè lũ Mỹ Ngụy, họ không có ý định làm hại đến dân cùng tài sản của dân. Nhưng mọi người phải biết tự nguyện đóng góp sức mình và tài sản để sát cánh cùng quân đội hoàn thành nhiệm vụ. Không nói ra nhưng ai cũng biết điều ấy có nghĩa là gì, là họ sẽ tự chọn nhà cửa để cho những vị trí đóng quân, cây trái rau quả vườn nhà sẽ được trưng dụng. Chị Nga, người phụ trách phần bếp núc ở trung tâm, nghĩ được ra một cách hết sức cụ thể: 

-        Thế là đi đứt bầy heo với mớ gà vịt ngan ngỗng cùng với kho gạo ở trung tâm rồi!

Để kết thúc buổi họp, ông giảng viên còn nghiêm mặt dơ cao quyển sách "Cộng sản, người là ai?” không biết moi ở đâu ra (sau này tôi cũng vớ được một pho lén đọc thử) để cảnh cáo rằng, những cái thứ văn hóa thế này yêu cầu mọi người tự giác trao nộp để cùng đốt, cần phái xóa sạch mọi tàn dư chế độ cũ từ trong nhà ra ngoài ngõ, vân vân và vân vân.

Mọi người dần dần bớt căng thẳng , không lắng nghe cho lắm những lời giới thiệu Đảng và Bác tuôn ra như suối chảy, vì thấy những vấn đề chính cần phải giải quyết ngay, là cơm gạo cho từng này người, điều kiện vệ sinh, thuốc men, ăn ở chả thấy giảng viên đá động tới.

Soeur Giám Đốc mạnh dạn đặt câu hỏi, được ngài trả lời không ngần ngừ:

-        Thì phải huy động sáng kiến để khắc phục khó khăn chứ, chúng tôi còn việc lớn phải làm là quét sạch ngụy quân. Còn không thì về nhà lại đi, hòa bình rồi, ai bảo đến đây ở bờ ở bụi rồi còn than vãn!

Hòa bình...Hai chữ vẫn làm chúng tôi se lòng khi nghe bài hát "Ly rượu mừng" mỗi dịp tết đến:

"Chúc non sông hòa bình hòa bình, Ngày ấy quê hương yên vui, đợi Anh về trong chén tình  đầy vơi...."

Tôi không cảm nhận hòa bình đã đến ngay thời khắc ấy, bởi quanh mình vẫn đầy những hoạt cảnh nháo nhào, vì tôi vẫn đứt liên lạc với gia đình, vẫn lang thang ở đây không biết đến ngày mai. Tiếng súng đã ngưng nhưng mọi người vẫn còn sợ hãi, phải chăng vì kẻ chiến thắng không phải là người mình mong đợi để trao hai chữ linh thiêng này. Lại còn màu cờ lạ lẫm đang phất phới khắp nơi kia nữa, cho tôi  cảm giác không đang ở trên quê hương. 

Chuyện được đi lại tự do làm Soeur Giám Đốc quyết định cùng hai đứa tôi quay về thăm viếng cơ sở đã bỏ đi mấy tuần nay. 

Trung tâm Hướng Thượng hiện ra trước mắt chúng tôi với tất cả sự hoang tàn. Họ đã rút đi, nhưng không còn gì nữa, kể cả cây trái trong vườn cũng bị hái sạch. Mái nhà thủng lỗ chỗ, không hiểu để bắn máy bay trên trời, hay các ngài nằm buồn bắn chơi. Băng bông còn vương vãi bẩn thỉu, chứng tỏ đây đã là một trạm cứu thương. Giấy tờ dấu trong góc nhà biến mất, mấy cái valise của hai đứa tôi ở ngoài sân, bị đập bể toang, quần áo bị lôi ra xé rách. Chúng tôi thu lượm lại và đốt hết, vì trong tình trạng như vậy, thấy chúng như không còn là của mình. 

Cửa ngõ xiêu vẹo, theo gió đập qua lại, tạo nên những âm điệu đều đều mỏi mệt. Bàn ghế biến mất tiêu. Soeur ngán ngẩm nhìn cơ ngơi mấy chục năm gầy dựng của mình, buông tiêng thở dài:

-        Điệu này chắc trung tâm cũng ngừng sinh hoạt luôn, không dễ dàng làm việc với những người này…

Soeur và chúng tôi nấn ná cả ngày ở đây xem có còn lấy lại được gì không, rồi ngồi thu lu mệt mỏi trước thềm nhà sau việc làm không có kết quả. Soeur nói sẽ dẫn tụi tôi về tạm trú tại một trường học khác cũng của nhà dòng, nằm ở giữa phố. Để từ đây, chúng tôi sẽ dễ có cơ hội quay trở về gia đình.

Lại cuốc bộ thêm vài cây số nữa. Đến gần khu chính của thành phố, mới thấy cảnh đổ nát vì bom đạn. Có những dẫy nhà chỉ còn trơ vài bức tường, quần áo quân đội Việt Nam Cộng Hòa còn vương vãi trên đường phố. Có người dựng tạm vài miếng tôle làm chốn tạm trú ngay trên mảnh đất trước đây có lẽ là nhà của họ. Phố xá phồn vinh tôi mới chỉ kịp thấy đôi lần không còn gì nhiều. Các hàng quán vẫn đóng cửa. Sôi động trên đường vẫn chỉ là những đoàn quân xa, và túm tụm góc phố, vẫn chỉ là các quán bán hàng ăn!

Khu trường mới tới này chỉ bị sập dãy nhà phía sau, nếu khép cánh cổng sắt nặng nề lại, đây vẫn như một ốc đảo bình yên. Chúng tôi chôn chân ở đây thêm một thời gian, giúp các Soeur chăm sóc các lính Cộng Hòa cũ bị thương nhẹ, không có quyền đến bệnh viện, được đem đến đây. Sư đoàn 23 bộ binh một thời nổi tiếng, thường hay được nhắc nhở trong các bản tin chiến sự xa xưa như một đội hùng binh, giờ tan hàng hết, còn đây một mớ tàn binh với những vết thương có lúc có cả dòi trắng lúc nhúc, và những tâm sự âu lo cho gia đình không biết đã tan tác về đâu.

Còn có vài lần được học tập chính trị. Họ cho công binh đến giúp xây dựng một lô những hầm trú ẩn nổi bằng bao cát, có những chuyến xe chở thực phẩm đến tặng cho trường để tiếp tục hoạt động với trại trẻ em mồ côi ở ngay cạnh, và thuốc men để chăm sóc  những người bị thương.

Các Soeur mời một Cha đến ở trong trường để cho việc giao tiếp với chính phủ mới được dễ dàng hơn.

Cha được thụ phong Giám mục trong dịp lễ Phục Sinh ở đây. Rất là cảm động, vì lễ được tổ chức trong căn hầm chữ chi, bánh trái đơn sơ theo đúng thời loạn. Nhưng hình ảnh Cha với chiếc áo dòng màu tím lung linh trong ánh nến soi sáng trong hầm, cùng tiếng hát thánh ca âm âm cho tôi một cảm giác linh thiêng đến nghẹn ngào, vẫn còn nhớ cả những cành cây xanh được dắt trong hầm nhắc nhở mọi người về ngày lễ Lá. 

Một buổi chiều, Soeur giám đốc gọi tôi lại, nói có đoàn người sẽ đi về Dalat tối nay, vì nghe đồn Nha Trang đã giải phóng, Soeur sẽ gửi tôi đi theo nếu tôi muốn. Tôi chấp thuận không một chút ngần ngừ. Soeur bảo:

-        Em có thể không đến được tới nơi, vì Dalat chưa thất thủ, vậy em có muốn cùng đọc với tôi một bài kinh cầu nguyện không?

Và tôi quỳ xuống trong phòng nguyện, nhắc lại theo lời đọc của Soeur nguyên cả một đoạn kinh tôi biết đến lần đầu tiên trong đời. Không thấy sợ, chỉ muốn quay về nhà như một cái đích cần phải đạt đến trong đời mình lúc này.

Đại lộ Kinh Hoàng
Tôi lên đường, với xâu chuỗi Soeur tặng để chặt trong túi cùng một số tiền để phòng thân. Năm ấy, tôi mới 21 tuổi, và những chuyến xa nhà đầu tiên của tôi một mình, chỉ mới là những chuyến xe Saigon - Dalat, cùng chuyến đi đến thành phố Ban mê Thuột này mà thôi.

Tôi leo lên chiếc xe chở gỗ rừng, cùng một số gia đình những người lính quốc gia, và cả những người lính đã trút bỏ bộ quân phục. Nhìn thấy bóng Soeur và đứa bạn đứng trước cổng trường  mờ đi trong đám bụi đỏ khi xe rời khỏi thành phố vào buổi chiều chạng vạng. Trên đường đi, còn những đồi cà phê chưa bị tàn phá trắng xóa màu hoa, và hương hoa thơm ngát chạy theo xe như lời chào giã biệt.

Cả đoàn ở lại một đêm trong trại gia binh  của sư đoàn 23. Tôi im lặng ngơ ngác giữa đám người không quen biết. Một người vợ lính một nách hai đứa con, thương hại gọi tôi đến gần, bảo: 

-        Em cứ đi theo chị, chị người  Dalat, ông xã theo quân đội đi ra khỏi thị trấn từ hồi đầu tháng, chị không có tin tức, nên quyết định đi về nhà Bố Mẹ.

Người thiếu phụ trẻ, ngoan đạo và yêu đời, lúc rảnh rỗi trong suốt cuộc hành trình, vẫn dóng cổ hát những bản tình ca dành cho lính, không thấy một lần thở than cho số phận của mình mà chỉ nhắc đến những ngày hạnh phúc bên người chồng sĩ quan chắc là nuông chiều chị lắm.

Chuyến xe đi xuôi rót trên đường từ Ban mê Thuột về Tuy Hòa. Dọc đường, thấy bao nhiêu xe nhà binh của quân đội cũ lẫn những chiếc xe tư nhân bị lật, bị đốt cháy đen, xe gắn máy cũng vứt đổ ngổn ngang, cùng bao bị hành lý nằm chổng chơ suốt dọc đường, thậm chí còn đầy những dấu vết bếp lò nấu dã chiến trên ven đường cùng xoong nồi vất vưởng. Sau này nhìn lại hình ảnh cuộc di tản, mới thấy mừng là mình không nằm trong số những người chen nhau tháo chạy ra khỏi Ban mê Thuột  những ngày khởi đầu cuộc đại tấn công.

Gần đến chiều, xe qua đèo Phượng Hoàng. Nắng vàng hanh hắt lên đường nét những quả đồi trọc phủ đầy cỏ xanh, như đường đi Suối Vàng ở Dalat. 

Trên trời xuất hiện hai chiếc oanh tạc cơ. Mọi người nghếch mắt nhìn lên. Bỗng dưng một chiếc đổi chiều quay vòng lại, sà thấp hẳn về hướng xe đang đi. Có tiếng la hét cảnh cáo, ông tài xế dừng xe lại ngay. Mọi người ào ào nhảy xuống khỏi xe, lăn xuống hố ven đường, kịp lúc máy bay nhào xuống trút bom, tiếng nổ cách chúng tôi không xa mấy. Tôi cũng lăn xuống một hố, không kịp bịt tai lúc bom nổ, choáng cả đầu, tự hỏi mình đã lên thiên đàng chưa.

Máy bay còn vòng lại thêm một lần nữa, nhưng không thấy thả bom, và biến mât ở chân trời. 

Tôi lồm cồm bò dậy, mới biết mình đang nằm chung chỗ với hai xác người lính nằm sấp mặt. Tôi không hề thấy sợ, lo tập trung phóng theo chiếc xe đang chuẩn bị lăn bánh. Chỉ có tôi và một người khác bám được thành xe leo lên. Lũ người bị bỏ lại la hét ơi ới đằng sau. Ông tài xế tỉnh hồn, dừng xe lại và cho đi lùi để đón phái đoàn lên, may mắn không ai bị thương.

Xe tiếp tục qua đèo lúc trời đã tối, cảnh đẹp vô cùng với bày đom đóm bay chấp chới trên cánh đồng, đồi núi trọc cắt những bóng bình yên, và trên cao, muôn vạn những vì sao. Chả hiểu sao hình ảnh này mấy chục năm qua vẫn không phai trong trí nhớ tôi. 

Đến Tuy Hòa, mới biết Nha Trang chưa giải phóng, sân thao trường và phố xá ở đây ngập dân di tản.

Chúng tôi tụ nhau ngủ trên vỉa hè. Trời nóng, không cần chăn mền, chỉ cần chỗ ngả lưng, với những hình ảnh ban chiều còn rành rành trong trí, sao mà ngủ được. Phái đoàn yêu cầu chủ nhà chỗ chúng tôi nằm nhờ trước cửa để ông tài xế vào ngủ bên trong, còn chúng tôi ... canh bên ngoài, chỉ  sợ ông ấy rồ xe chạy mất giữa đêm thì biết làm sao? Chủ nhà tử tế cho mọi người vào rửa mặt, đi vệ sinh, chắc sợ như những vỉa hè khác, thiên hạ phóng uế tùm lum.

May mắn (?) là chỉ một ngày sau, Nha Trang thất thủ, chúng tôi vào thành phố cùng với đoàn quân tiếp quản. Phố xá có cửa đóng im ỉm, có cửa bị phá tan hoang, đồ đạc rơi vãi khắp nơi.

Lại thấy tràn ngập sắc cờ giải phóng, và đã nghe tiếng loa nheo nhéo những bài hát lạ tai. Thiên hạ cũng đi lại dập dình, bớt tang thương hơn ở những chỗ tôi vừa đi qua.

Trong đoàn từ Ban mê Thuột về đây, có anh chàng đi làm lính cậu trên đó, là người thứ hai đã rượt kịp cái xe bỏ đi cùng với tôi, giờ được về đến nhà, trút bộ áo nhà binh, biến thành công tử vi vút trên xe gắn máy đến thăm phái đoàn đang ở nhờ trong một khách sạn quen với gia đình cậu. Còn mở miệng rủ tôi đi tắm biển. Tôi lắc đầu quầy quậy, vui sướng gì lúc này mà ra biển. 

Nhờ cậu, phái đoàn được chở đến một khu nhà thờ ở Thành, cách Nha Trang 10 km, tạm trú chờ đến phiên Dalat được giải phóng. Một nhà thờ nằm yên ổn, trị vì ruộng vườn xanh ngắt chung quanh, không thấy dấu vết gì của chiến tranh đụng tới. 

Di tản
Tôi có những ngày yên bình ở đây với nhóm đi cùng. Một lần đi lang thang trong sân nhà thờ, Cha xứ đến hỏi thăm, và trao tặng ngay cho tôi chục ký gạo cùng một số tiền, bảo về gom góp với người ta để quan hệ dễ dàng hơn. Đúng là nhờ vậy tôi được nể nang, thỉnh thoảng mấy bà vợ lính còn nhờ tôi đi xin sữa cho con hoặc xin tiền đi chợ, Cha không lần nào từ chối. Có lần theo họ vào chợ làng tìm thức ăn vặt, nhìn những khuôn mặt hoan hỉ, tôi tự hỏi sao họ lại chẳng lo lắng ưu phiền gì hết, vẫn tiếp tục đi ăn hàng, đi uốn tóc, như cuộc sống trước, dù mấy ông chồng sống chết ra sao đã có biết đâu.

Ngày 3/04/1975, tôi hân hoan nghe tin Dalat giải phóng. Phái đoàn quê Dalat được cha xứ chở ra bến xe đò hồi hương. Suốt dọc đường đi, vẫn là những cảnh xe cộ lật ngửa, cháy đen, những vật dụng cá nhân, những bếp lửa ven đường... kéo dài lên hết cả  đèo Ngoạn Mục, rồi đèo Cầu Đất. Tôi đặt chân xuống khu Hòa Bình lúc 9 giờ đêm, dẫn theo người vợ lính có hai đứa con nhỏ. Đi được nửa dốc Duy Tân, tôi không thể ngăn mình tuôn chạy xuống. Cảnh trí vẫn không có gì thay đổi. Tôi đẩy cửa bước vào gian hàng của Bác tôi. Me nhận ra tôi đầu tiên, hét lên một tiếng mừng rỡ, nói trong tiếng nghẹn ngào: 

-        Cả nhà tưởng con chết rồi, Quỳ ơi...

Và cả nhà Bác tôi xuất hiện, xúm xít vui mừng. Sau đó, Bác trai cùng mấy người anh họ chở Me, tôi, cùng người vợ lính về nhà số 7 của Ba Má tôi.

Me dành quyền lên trước, đập cửa phòng ngủ Ba Má tôi rầm rầm báo tin tôi đã về. Ba nghe không ra, tưởng rằng tin tôi chết, bắt đầu rú lên, nhưng sau tiếng cửa lạch cạch, mở ra thấy tôi, Ba Má mới khóc òa mừng rỡ. Hai con em mắt nhắm mắt mở bước ra, thì thào méc :

-        Hôm trước chị Quỳnh ngồi học thi, thấy một con bướm lớn đậu ngoài cửa, nghĩ là hồn Chị hiện về, sợ quá nhảy tót xuống nhà, không ngừng khấn vái để chị đừng có nhát chị ấy nữa!

Đêm ấy, tôi ngủ lại trên chiếc giường xưa kia của mình, từng bỏ trống mấy năm tôi đi học xa nhà, khép mắt lại với cảm giác mình như mới hồi sinh.

Thân thể tôi mệt mỏi như một chiến binh vừa tàn trận đấu, nằm nghỉ và nghĩ đến chiến công của mình. Tôi hài lòng với tuổi 21 của mình lúc ấy, đã đến được đích, là tìm được lại gia đình. Thành phố Ban mê Thuột đã như một bóng mờ, những ngày ngắn ngủi ở trong nó như một giấc mơ dữ dội. Vậy mà bây giờ nghĩ lại, mới thấy còn bao điều để nhớ....

Hương Quỳ

Bruxelles 04/02/2015