Pages

Thursday, January 29, 2015

Tiếng người, tiếng ta


Đố mọi người hiểu câu này có nghĩa là gì “Tơn ọp ê lếch trích si ty bi pho ju sờ líp”. Biết chết liền!
Bạn mình gởi cho mình một bức hình chụp từ cuốn sách dạy tiếng Anh, xuất bản ở Việt Nam. Đọc xong mình cười muốn té ghế! Coi như được xả stress giữa lúc đánh vật với hai cái projects một lúc. Cười xong mới ngẫm nghĩ, mình cũng đã từng gặp những cảnh éo le với ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Nhưng dù sao đi nữa mình cũng không học tiếng xứ người từ những cuốn sách kinh khủng như vậy. Mình nghĩ nếu nó được in ra thì tất sẽ được bán và sẽ có người mua. Mà người mua là những ai vậy nhỉ? Mình tò mò hết sức. Mình không nghĩ đám con nít nhà giàu ở Việt Nam học tiếng Anh trong những cuốn sách như thế này. Còn nếu đám thanh niên học để rồi đi sang Úc sang Mỹ du học thì coi như toi! Mà mình cũng phục luôn người viết sách, chắc họ có đầu óc tếu táo sẵn trong người cộng thêm với tính coi trời bằng vung.
Sợ chưa?
Mình nhớ cái ngày sang Bỉ tị nạn, tiếng Pháp còn lơ tơ mơ. Ngồi trên máy bay từ Thái Lan sang Bruxelles, mình và con em không ngủ nghê gì được một phần vì lo lắng, một phần thì cứ khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ lại bị đánh thức để chiêu đãi viên nhồi đồ ăn như nhồi ngỗng. Bà chiêu đãi viên đọc tràng giang đại hải các món, mình chỉ nhận ra được mỗi chữ “boeuf” thế là hùng dũng nói ngay “Boeuf, s’il vous plaȋt!” mà không hề có tí khái niệm món thịt bò của mình giống cái gì. Con em thì nghe thủng chữ “cá” rồi sau đó ngồi ngao ngán nhìn miếng cá hồng hồng bơi lều bều trong váng sữa, đành ăn bánh mì bơ đường cho chắc! Máy bay đổ hai con ngáo ộp vào cái phi trường rực rỡ ánh đèn và muôn nẻo đường đi. Phi trường Tân Sơn Nhất độc đạo, sang đây trăm ngả, biết đi ngả nào? Mà thiên hạ chung quanh thì vội vã chạy tươm tướp. Mình tá hỏa, mắt mũi dớn dác, tính chạy theo, đọc biển báo mà chẳng hiểu gì vì có ngờ đâu tiếng Pháp tiếng Hòa Lan cộng thêm tiếng Anh nằm êm ấm trên một bảng, mình hoang mang nhè tiếng Hòa Lan mà đọc, thấy chẳng quen với thứ tiếng Pháp mình đã khổ công nhồi nhét ở Việt Nam. Làm sao nhìn cho ra "Uitgang" là "Sortie"? Sau cùng một ông cảnh sát đến hỏi mình cần gì, mình gần khóc, tuyệt vọng văng ra đúng  một câu “Je veux sortir!”. Thế là ông ấy dẫn mình đến thẳng cửa exit! Phù, cũng không đến nỗi tệ hả?

Zaventem Airport
Những ai đã và đang sống ở xứ người chắc sẽ có những khoảnh khắc dở khóc dở cười  khi tiếng người chưa là tiếng ta. Như những buổi đầu đến lớp ở trường Paul Lampin.Môn kế toán học trong giảng đường gần 200 đứa sinh viên, mình lọt thỏm vào đó, nhớn nhác. Buổi học đầu tiên, 199 đứa kia ngồi ghi chép lia lịa, mình chỉ vẽ được vỏn vẹn 3 hàng! Ông thầy già trên bục giảng thao thao, ngôn từ tuôn ra như suối, mình ngồi như vịt nghe sấm, chữ được chữ mất. Sau đó thì mình thù luôn môn kế toán này cho đến tận bây giờ.
Tiếng Pháp tạm ổn thì đời mình đụng phải tiếng Anh. Phỏng vấn với nhân viên di trú ở phi trường Chicago, mình tuyệt vọng hỏi “Ông có biết tiếng Pháp không?” Nếu hỏi ông có biết tiếng Mễ không thì may ra mình có cơ hội. Qua đây mình bèn đi học tiếng Anh dành cho dân ngoại quốc. Được  2, 3 tháng gì đó mình quyết định thi GED, bằng trung học tuơng đương. Hôm đó mình vừa mới dẫn con Coco đi ra park về, ghé trường học thì bà cô Carol bảo thôi vào thi luôn đi. Mình đâu sợ gì, quay ra xe vặn cửa sổ xuống cho Coco khỏi chết ngộp rồi vào phòng thi. Toán thì như ăn gỏi, lý hóa sơ đẳng dễ như gì. Đến phần văn chương thì mình trúng tủ, hỏi toàn Mark Twain với con sông Mississipi của ông ấy, mà truyện của ông ấy thì mình đọc tiếng Việt nhẵn rồi. Thế là mình thi đậu vẻ vang. Đám Mỹ ngồi thi cùng phòng phục mình sát đất.
Vào học Purdue University, mình gặp ông thầy Ấn Độ dạy môn kinh tế. Cha mẹ ơi, tiếng Anh của mình chưa tới đâu, gặp giọng Mỹ pha cà ri thì coi như ai nói người đó hiểu. Mình nhìn mấy đứa Mỹ chính hiệu khác cũng đang nghệt mặt ra, lòng yên tâm hẳn. Ông ấy chắc cũng biết , cho nên ra sức vừa nói vừa viết lên bảng, mình ung dung chép lại. Đến kỳ thi cuối khóa, ông ấy gần như bật mí đề thi cho cả lớp. Mình được “A” môn này mà nói thật kinh tế Mỹ hay kinh tế thế giới lên xuống mình vẫn chưa hiểu tại sao.  
Kinh tế xuống dốc!
Khi có con thì bắt đầu vật lộn với các ngôn từ bệnh tật. Trước khi đem con đi khám, mình phải đọc sách tiếng Anh trước để còn biết tên bệnh mà khai. Đọc kỹ quá cộng với mớ cố vấn tham khảo của bà chị, gặp bác sĩ mình kể tên bệnh, tên thuốc ro ro. Sau này mỗi khi đem con đi khám, ông ấy hay hỏi “Tôi cho cháu uống thuốc như thế này, bà thấy có được không?” Làm như mình là bác sĩ không bằng.  
Mấy tháng đầu khởi sự nghề nghiệp của mình, mình sợ cái điện thoại gần chết. Mỗi khi nó reng, mình không dám nhấc lên, sợ bên kia đầu dây tuôn ào ào mà mình bảo đảm không hiểu nổi lấy một nửa. Chi bằng lờ tít đi, người gọi sẽ để lại lời nhắn, sau đó mình nhẩn nha bấm nút replay nghe tới nghe lui xem chúng muốn gì. Và mới đây thôi chứ đâu, buổi trưa mình hay đi bộ trong downtown Fort Worth. Đèn cho người đi bộ đang màu đỏ, nhưng nhìn trái nhìn phải không có xe, mình băng qua đường. Ông Mỹ già đứng bên kia cũng chờ đèn, lúc mình đi ngang qua, ngài buông một câu “You have a beautiful soul!” Mình ậm à, ậm ừ. Đi một quãng mới vỡ óc hiểu ra lão già đanh đá nói móc mình là con liều mạng!  
Nhớ đến Má ngày sang Mỹ năm 1997. Má đi một mình từ Indy xuống Houston, từ nhà bà con này sang nhà bà con khác. Mình đưa Má đến tận cửa máy bay rồi yên chí về nhà. Đến 7 giờ tối thì bà chị gọi điện thoại cho mình hỏi Má đâu! Trời đất! Có lẽ nào Má lại mất tích trên máy bay? Ngay sau đó thì Má gọi điện thoại cho mình, bảo là máy bay bị bão, không đáp xuống Houston được mà phải xuống một phi trường khác, khi nào trời quang mây tạnh sẽ bay về lại Houston. Mình phục Má hết sức, làm sao mà Má có được chừng đó thông tin, và điện thoại ở đâu mà Má có để gọi cho mình? Thì ra Má ngồi cửa sổ thấy máy bay vòng vòng mãi không chịu đáp xuống, mà đã trễ giờ hẹn đến với con, bà bèn xông thẳng vào buồng lái (may mà vụ không tặc ở New York chưa xảy ra, nếu không Má sẽ bị Marshall ập vào đè cổ xuống đất và còng tay lại!). Với mớ tiếng Pháp ít ỏi của mình, Má truy hai ông phi công tại sao không chịu đáp xuống Houston. Một ông ngẩn tò te không biết tiếng Pháp, ông kia biết lõm bõm, rồi kèm với tay, chân, mắt, mũi ông ấy giải thích cho Má hiểu trời đang bão. Má về lại chỗ ngồi, nhấp nhổm, không biết làm sao liên lạc với mình, bèn đưa số điện thoại của mình cho bà Mỹ ngồi bên cạnh xem, rồi nói  “Telephone hả, ma fille hả”. Đôi bên hiểu nhau tuốt. Bà ấy lôi cell phone ra bấm số của mình rồi đưa cho Má nghe. Gặp người tử tế, chứ hồi đó cell phone gọi như thế là phải trả tiền.
Sau này mỗi lần rủ Má sang Mỹ, Má hay nói, ngồi một mình trên máy bay chán chết, không có ai nói chuyện. Mình bảo hay là Má uống thuốc ngủ, ngủ một giấc là đến nơi, chẳng cần ai trò chuyện? Nhưng Má đã ngại đi xa rồi.

Mình thấy những người già tha hương không biết tăm biết tiếng cũng lạc lõng, tội nghiệp. Gặp thành phố nào có người Việt đông thì còn đỡ, những nơi hiếm hoi thì người già cảm thấy cô đơn biết chừng nào. Mẹ chồng mình vốn tiếng Anh chưa đầy một bụm tay, cũng may ở Dallas người Việt giăng ra khắp nơi, ở trong đủ mọi ngành, mọi nghề, bà xoay sở không tệ lắm. Hôm nọ bà vào nhà thương mổ túi mật. Con cái ở với bà gần như suốt ngày. Nhưng có những lúc “giao ca” thì lại không có ai. Một lần như thế cái máy báo dịch truyền nước biển của bà gần cạn, phát tín hiệu vang rân. Bà bấm chuông gọi y tá. Y tá Mỹ ló đầu vào, bà chỉ vào cái máy, điềm tĩnh nói  “Nó bíp bíp”. Thế là y tá thay ngay cho bà túi nước biển khác. Đám cháu bà phục lăn. Nhưng đến bây giờ bà vẫn không dám đổ xăng trả bằng thẻ credit/debit card. “Nó hỏi nhiều quá, mẹ biết đàng nào mà trả lời”, bà nói. Mà đúng thật, nhét thẻ vào rồi cứ thế mà trả lời “yes” với “no” không đến phát chán mới xăng mới chịu bơm ra. Hôm nào nắng chói vào màn hình, không đọc được chữ nào thì mình đành đoán mò. 
Đã qua rồi cái thời gọi điện thoại đặt pizza, nói rõ là pepperoni and cheese, lúc pizza được mang tới thì nó thành ra cái của nợ khác hẳn. Ngậm ngùi ăn và ngậm ngùi cho thứ tiếng Anh u sầu của mình. Mà đến giờ cũng vẫn chưa ra sao, bằng chứng là mấy cái xe hơi đời mới có voice commands, mình ra sức gào “call home”, xe trả lời “Không hiểu. Xin nói lại”. Mình cáu, rủa “Stupid!”, xe điềm nhiên như không “Không hiểu. Xin nói lại”.  Bà chị dâu của mình manh nha muốn mua chiếc xe BMW mà chỉ cần nói vào cái điều khiển “Pick me up”, xe sẽ tự động chạy tới chỗ người gọi. Mình tính can, vì xe hơi với lại smart phone còn dở tệ, chưa nhận ra được giọng tiếng Anh pha nước mắm. Thay vì chạy tới đón thì nó lại chạy đi đâu mất tiêu thì toi của!
Dù cho tiếng Anh tiếng Pháp có khá theo năm tháng, thành thật mà nói, tiếng Việt mẹ đẻ của mình vẫn hơn. Trẹo lưỡi trẹo họng, về với tiếng Việt như cá gặp nước. Đánh tennis với mấy ông Việt Nam, banh văng ra ngoài lằn trắng, mấy ông ấy gọi “Ngoài!”. Mình nghe quen, nhập tâm.  Đến Tennis Club đánh với Mỹ, banh văng ra, mình hô lớn “Ngoài!” Mỹ gật đầu, “Yes, it’s out!”.
“Tí ti dôn, tí ti noa. Lủy xực me xừ, lủy xực cả moa!” Cứ thế, người Việt chúng ta tung tóe khắp mọi ngả trên trái đất này mà không sợ bất cứ cái gì. Ngôn ngữ trở ngại ư? Chẳng là gì cả so với sự sống còn. Hè năm 2008, 18 mạng nhà mình lên đường từ Bỉ đi sang Ý du lịch. Hành trình xuyên qua 4, 5 quốc gia mới tới được Ý. Buổi trưa cả đoàn dừng lại một quán ăn ở Đức. Cả lũ trầy trật với cái menu, tiếng Pháp tiếng Anh được lôi ra, người bán hàng cứ trố mắt nhìn. Bà chị họ của mình bèn tiến vào, gọi đồ ăn bằng tiếng Đức ào ào. Nửa tiếng sau đồ ăn mang ra tới tấp, đâu vào đó. Các bà em họ và cháu họ phục lăn lóc. Lúc đến nơi thì bà chủ nhà trọ ở Ý chỉ biết tiếng…Ý, 4 ngôn ngữ khác nhau của 18 người không cách gì làm cho bà ấy hiểu. Bà chị mình bèn lôi một cây bút với tờ giấy, trở lại ngôn ngữ cổ đại của loài người là hình vẽ. Vẽ hình người xong thì vẽ hình con nít nhỏ hơn một tí, muốn ăn thịt bò thì vẽ con bò, ăn cá vẽ cá, hình giống con giun là cọng spaghetti.Vẽ chai rượu lại còn dễ hơn nữa, nhà mình toàn là chủ xị không mà. Trả giá bữa ăn thì viết con số 8 euro, gạch ngang một cái chách, viết lại 5 euro, chẳng lẽ không hiểu sao? Ăn bữa sáng thì vẽ cảnh mặt trời mọc, ăn chiều thì cũng mặt trời nhưng tô đen thui, cẩn thận vẽ thêm vài ngôi sao vào cho chắc. Chủ nhà khua tiếng Ý không ngớt, người thuê vừa tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức cộng tiếng Việt rôm rả không kém. Cả chủ nhà lẫn người thuê nhà đều hỉ hả. Bà chị mình còn thêm, tiếng Ý dễ ợt, cứ nói tiếng Pháp xong rồi thêm “a” hay “i” đàng sau, tùy ý, là thành tiếng Ý! 
Thôi nhé, cứ vui với ngôn ngữ thứ hai của mình vậy. Dùng nó để kiếm tiền, còn tiếng Việt mẹ đẻ thì để kể chuyện trên trời dưới đất, kể mọi kỷ niệm xa xưa cho mọi người nghe chơi. Riêng “Tiếng Việt mến yêu” mình sẽ viết về nó sau. Còn bây giờ mình mà nói với ông co-worker ngồi bên cạnh rằng “ai wȇch ắp ất sích o cờ lóc dịt mo ninh, xô nao ai pheo sờ líp pình!” thì ông ấy sẽ hỏi mình có bị ấm đầu không!
Fort Worth, 01/28/2015

Friday, January 23, 2015

Giỗ Ông


Khói nhang một nén
Hôm qua giỗ ông. Mọi người chép miệng, mới đó đã mười ba năm, thời gian thật như thoi đưa! Ngày giỗ ông càng lúc càng thưa người. Lớp cháu chắt phần đi học xa, phần bận rộn với những công việc riêng của mình, không đến. Lớp con cái bất hòa, cố tránh mặt nhau nên cũng không đến nốt. Chỉ vỏn vẹn gia đình hai đứa con trai và bà vợ cũ. Thế thôi.

Ông sinh ra ở tỉnh Quảng Trị, một trong những tỉnh nghèo khó nhất của Việt Nam. Ổng kể thuở nhỏ ông phải đội quần áo, sách vở lên đầu, bơi qua sông đi kiếm chữ. Không biết ông kể chuyện vượt sông thế nào mà con cái ông bây giờ ai cũng sợ nước và chẳng ai biết hay chịu học bơi cho đến nơi đến chốn. Có mỗi chồng tôi tài năng bơi lội khấm khá nhất nhà thì dừng lại ở mức bơi...chó! Nhưng nhờ bơi sông hàng ngày, có một năm trong cuộc thi bơi của Đông Dương, nghĩa là có Việt Nam, Lào và Campuchia, ông đoạt giải nhất. Ấy là lúc ông còn trẻ, độ tuổi hai mươi. Sau này ông bị suyễn, chỉ cần đi bộ một quãng ngắn, ông đã phải dừng lại thở dốc, mặt mày đỏ gay. Khi nhà tôi xây xong hồ bơi, ông hăng hái nhảy ào xuống nước để biểu diễn tài  bơi lội mà quên thay quần bơi, kết quả là cái cell phone ngập nước, đem dấu vào lu gạo cả ngày, rồi máy sấy tóc, máy sấy quần áo cũng không cứu được, đành mất toi. 

Mẹ ông, tức là bà nội ruột của chồng tôi, mới mất cách đây ba năm, bà thọ 103 tuổi. Nghe kể tuy đã già, nhưng bà còn minh mẫn chán, con cháu đố hòng lấy được của bà một đồng nào, vì của nả bà nhét tất vào cái gối ôm khư khư suốt ngày trước ngực. Bà thọ như thế nhưng ông lại mất khi chỉ có 72 tuổi. Quan tài ông phải vắt một dải tang trắng hàm ý ông bất hiếu đi trước mẹ. Ông thật sự không sống với bà mà lại sống với bà mẹ nuôi ở Phan Rang. Ông có quãng tuổi thơ chẳng êm đẹp gì, nghe nói ông thường xuyên bị mẹ ruột đánh đập, hành hạ. Khi về ở với mẹ nuôi, ông mới được ăn học đàng hoàng.

Tan tác
Năm 75, ông đi tù vì chức vụ trưởng ty thuế vụ Dalat. Hỏi Ba Má tôi có biết ông không, thì Ba tôi vốn là người nghiêm chỉnh  chấp hành luật pháp, đóng thuế đầy đủ, đâu ra đó  không thiếu một đồng nên chẳng bao giờ cần phải đến ty thuế vụ gặp ông trưởng ty làm gì. Họ chỉ quen biết nhau khi cả đôi bên thành xui gia. Ông phải ngồi tù 10 năm, ra tù ông quyết định đi vượt biên. Ông ra khơi với một nửa dân số trong nhà, gồm chồng tôi, bà chị và con em. Phần còn lại ở với bà mẹ. Quyết định chia đàn xẻ nghé này là một trong những nguyên nhân khiến gia đình chồng tôi lục đục suốt. Người đi kẻ ở cộng với mười năm chia rẽ làm vợ chồng xa mặt cách lòng, con cái xa nhau từ trong tâm.  

Chồng tôi kể, sang Mỹ ông đã dành dụm tiền mua một chiếc xe gắn máy loại nhỏ, rồi mất hết cả tuần ngồi tháo rời từng bộ phận, đóng thùng lại gởi về Việt Nam để bên đó đem bán lấy tiền xài. Vài tháng sau ông nhận được thư từ quê nhà, chì chiết ông gởi chi cái thứ không ai muốn mua, lại còn phải tốn tiền cho thợ lắp ráp lại nữa nên cầm bằng đem cho không người ta, thật không đáng công xếp hàng chầu chực lãnh quà. Ông đã ngồi lặng đi hết mấy ngày.  

Chẳng hiểu ông thù oán gì với dân Bắc Kỳ mà tôi biết tôi là đứa con dâu ông không hề mong muốn. Trong bức thư đi hỏi vợ của ông gởi cho Ba Má tôi, ông viết ông muốn con ông lấy vợ người miền Nam, trẻ hơn 10 tuổi và nữ công gia chánh đầy đủ. Ba Má tôi thở dài bảo, nếu tôi thật sự muốn lấy thì Ba Má tôi gả, chứ cái kiểu viết thư như thế này  chẳng ai muốn gả con cho. Tôi đọc đi đọc lại bức thư hỏi vợ cho con của ông, trong đó tên tôi bị viết lộn ngược thành tên của một nữ ca sĩ tôi không lấy gì làm thích, lòng tự hỏi lòng mình sẽ làm gì. Hai mục đầu thì tôi chẳng làm sao thay đổi được, mục thứ ba thì sau này tôi khám phá ra khoản nữ công gia chánh của tôi hơn hẳn tài năng các bà con gái của ông cộng lại. Tôi làm cơm cúng ông, hết một nửa món nấu theo kiểu Bắc Kỳ. Tôi lầm rầm khấn, con chỉ biết nấu có chừng đó, thôi Ba ráng ăn vậy nghe. Chắc ông cũng rầu lòng không ít, nhưng bảo tôi làm món cá kho quẹt cúng giỗ thì tôi chịu. Nhưng tôi đã biết cúng xôi đậu xanh thay vì xôi vò, và ráng không để món miến gà vào thực đơn. Nếu vào ngày cận Tết, tôi sẽ cúng bánh tét thay vì bánh chưng, và sẽ cúng chè chuối nước dừa thay vì chè hoa cau. Tôi biết ông sẽ vui vẻ hưởng cỗ của tôi, vì xét cho cùng, ông không phải là người chấp nhặt.  

Turkey Run River
Tôi nhớ dạo ông bà và hai đứa em chồng lên Kokomo, Indiana thăm vợ chồng tôi. Khi ấy tôi đang mang bầu đứa thứ nhất, không biết sợ trời sợ đất là gì, thay vì dẫn nhà chồng đi shopping, tôi lại rủ họ đi chèo canoe 15 miles trên dòng sông Turkey Run River. Trên nguyên tắc vì đang mang bầu nên tôi chỉ có việc ngồi giữa thuyền che dù ngắm cảnh, chuyện chèo chống đã có chồng và mẹ chồng tôi lo. Mười lăm phút ngồi nhìn mẹ chồng quạt chèo sang đông, chồng đẩy mái sang tây, thuyền đi ngang như cua, mẹ con cãi nhau ỏm tỏi, tôi giải quyết xung đột bằng cách cầm mái chèo làm nốt 14 miles rưỡi còn lại một cách nhẹ nhàng. Chắc nhờ vậy mà con đầu lòng tôi sinh nở không lấy gì làm khó nhọc cho lắm. Đó là lần duy nhất nhà chồng lên thăm chúng tôi, có lẽ sau đó khi nghe nói đến chuyện thăm chúng tôi họ e dè 15 miles canoe ấy chăng? Dù sao đó là một trong những khoảnh khắc êm đẹp nhất từ khi tôi về làm dâu nhà ông.

Chưa kể đến chuyện ông là người dạy tôi chơi bài khi thấy tôi ngồi xớ rớ bên sòng bạc. Ông chỉ cho tôi cách cầm 13 lá bài sao cho không tuột khỏi tay rơi tung tóe, cách xếp bài làm sao để nhìn thấy rõ ràng. Tôi chơi bài theo kiểu phân tích logic, ông không tài nào hiểu nổi nhưng vẫn khen tôi học nhanh. Thú thật tên các kiểu chơi tôi không cách chi nhớ, nhưng tôi biết xếp bài theo cách nào để kiếm điểm cao nhất. Và cho đến bây giờ mẹ chồng tôi vẫn còn kể chuyện ông cầm tiền mua xe hơi cho bà đem về Saigon nướng sạch vào sòng bạc trong một đêm. Về lại Dalat, ông chỉ nói ngắn gọn “Thua hết  rồi”.

Gia đình ông đoàn tụ chưa được bao lâu thì ông bà chia tay, con cái cũng chia làm hai, một nửa binh vực bố, nửa kia theo phía mẹ. Chỉ có đám dâu rể là đứng giữa, ai gọi thì dạ, ai bảo gì cũng vâng. Vì vậy mà gia đình ông lục đục không yên suốt bao năm nay. Ngay cả khi ông đã nằm xuống, mọi người vẫn không cách chi ngồi chung được với nhau. Quà Noel vẫn còn gởi qua đường bưu điện mặc dù sống cách nhau không đầy một tiếng lái xe. Chuyện ly dị của ông bà là chuyện dài nhiều tập. Tôi nghe đầy tai từ mọi nguồn mọi phía, chỉ văn hoa tóm tắt như vầy “mười năm vợ chồng xa cách đã để lại nhiều hậu quả khó lường…”. 

Ly dị được chừng 2, 3 năm một hôm ông tuyên bố sẽ về Việt Nam lấy vợ. Cả nhà thất kinh. Ý trung nhân của ông  trẻ hơn ông khoảng 30 tuổi  và có một đứa con gái đang ở độ tuổi nhi đồng. Bà này vẫn mày tao chi tớ với con gái lớn của ông rồi đùng một cái muốn làm mẹ của bạn. Cả nhà đâm ra hoang mang, nếu ông lấy vợ thì thật không biết phải xưng hô như thế nào với vợ và đứa con mới của ông. Điện thoại đường xa dạo đó cứ tới tấp gọi không ngừng. Tôi dạo đó mải nâng niu cái job đầu tiên cộng với hai thằng con thay phiên đau ốm nên không để ý gì nhiều. Chỉ thực tế hỏi chồng tôi nếu mang bà ấy với đứa con sang đây thì tiền bảo hiểm sức khỏe tính sao. Thế là điện thoại dồn dập. Sau đó tôi xem một bộ phim Mỹ, kể chuyện cảnh về già của những người đơn thân lẻ bóng, cảm động quá tôi bèn bảo chồng tôi, có bà ấy sang chăm sóc ông cũng không phải là điều dở, chừng đó gia đình con cái chẳng lẽ không lo được cho ông và bà vợ mới sao, về già, người ta đâu đòi hỏi gì nhiều. Điện thoại lại dồn dập đổ chuông.

Mọi sự có lẽ sẽ tốt đẹp nếu như ý định lấy chồng chỉ để đi Mỹ của bà ấy đừng lộ liễu quá và ông đừng trở bệnh nặng. Ông là một người chiến đấu với bệnh tật gan dạ và bền bỉ nhất mà tôi biết. Khi biết mình mắc bệnh ung thư gan, ông không từ bất cứ cái gì để thử, kể cả nước thánh mang từ La Vang mà ông cạy cục nhờ người đem từ Việt Nam sang. Ông chiến đấu với bệnh bằng mọi giá, trong đó có mục cải đạo sang đạo Thiên Chúa, chỉ vỏn vẹn một, hai tháng trước khi ông mất. Nếu không bao giờ thấy ông báng bổ đạo Thiên Chúa thì đã không lấy làm ngạc nhiên trước quyết định này của ông. Tôi thì cho rằng ông bệnh vái tứ phương, phương nào làm cho ông khỏi bệnh, ông sẽ theo. Kết quả là bây giờ giỗ ông, ai theo đạo Thiên Chúa thì đọc kinh ở nhà thờ cho ông, còn ai theo đạo thờ cúng ông bà thì làm cho ông bữa cơm, bữa giỗ. Linh hồn ông tôi không rõ trôi giạt theo ngả nào.

Dù vái tứ phương như vậy, ông vẫn biết mình không qua khỏi. Ông chuẩn bị cho ngày cuối cùng của mình khá chu đáo bằng cách để lại một tờ di chúc. Ngoài chuyện phải mặc cho ông thứ gì khi ông mất, dặn các con đừng hỏa táng vì nóng lắm, ông không chịu nổi, còn chuyện của nả ông để lại nữa. Chẳng bao nhiêu nhưng là như vầy: hai ngàn đồng dấu dưới thảm xe dành cho…Hai ngàn đồng khác đựng trong cái hũ trên nóc tủ lạnh dành cho…Còn tiền dưới gầm tủ nhỏ gần đầu giường dành cho…Tượng Phật ngọc cất trong túi áo…treo trong tủ…dành cho…Chiếc nhẫn gói trong khăn cất ở tủ dành cho…Cả nhà tung tóe đi săn lùng kho báu. Tôi chỉ tiếc ông không thêm vào đó một dòng “Các con nên thương yêu lẫn nhau và hãy chăm sóc mẹ thật tử tế”. Nếu được như vậy thì ngày giỗ ông năm nay hẳn đã đông người hơn và mẹ chồng tôi không còn cay đắng đến tận bây giờ.  

Tôi còn tiếc thêm một chuyện nữa là không kịp đưa ông đi thăm thú Las Vegas, thành phố trong mơ của ông. Tôi không hiểu tại sao chừng đó con cái không ai để ý đến điều này, chỉ có tôi, cô con dâu Bắc Kỳ của ông, là nhớ đến. Khi bảo chồng tôi xem xét ngày giờ mua vé đưa ông đi, ông rất vui, hân hoan chuẩn bị mọi thứ. Rất tiếc chuyến đi ấy không bao giờ thành vì phổi ông đã bắt đầu ngập nước. Tôi ân hận vì mình đã không chịu đốc thúc chuyến đi này lúc ông còn khỏe mạnh. Và đây cũng là lý do tôi quyết tâm lôi kéo cả nhà về Bỉ ăn Noel năm 2002, Noel đầu tiên về lại cố quốc từ khi lấy chồng. Tôi thấy rõ trên đời này có những điều không thể chờ đợi được.  


Ngàn cánh hạc
Còn vài ngày nữa ông mất, đứa cháu lớn nhất của ông tin rằng nếu xếp cho ông một ngàn con hạc giấy, ông sẽ tai qua nạn khỏi. Khi ông nhắm mắt, nó mới xếp được khoảng 600 con. Nó tuyệt vọng nước mắt vòng quanh. Tôi bảo nó, hãy xếp cho đủ một ngàn con, ông sẽ rất vui khi ra đi với một ngàn con hạc trắng, và rồi tôi ngồi xuống xếp phụ nó 400 con còn lại. Ngàn cánh hạc đưa ông về trời, Thiên Đàng hay Niết Bàn, nơi nào ông cũng xứng đáng để được đưa đến cả.   

Fort Worth, 01/18/2015

Wednesday, January 14, 2015

Mái nhà xưa


Biết nói gì về ngôi nhà vẫn hiện về trong những giấc mơ nửa đêm về sáng của bạn? Ngôi nhà nửa xa lạ, nửa gần gũi, nửa ấm cúng, nửa lạnh lùng? Và dù bạn có mơ kiểu gì đi nữa, nó rất lạnh lẽo, hoang vắng, bí ẩn  và ma quái? Biết nói gì về ngôi nhà nơi bạn sinh ra, lớn lên, trưởng thành, rồi ra đi vĩnh viễn, và chỉ quay về trong những cơn mộng mị mà khi tỉnh dậy, bạn thường có cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối, từ bỏ, ngậm ngùi?

Đó là căn nhà trong tâm tưởng khi nào cũng tràn ngập ánh nắng và gió; các cửa sổ trong ngoài đều mở toang theo mọi nẻo, các rèm cửa trắng khẽ cuốn lên từng hồi theo từng cơn gió nhẹ thổi qua, và bóng lá lung linh mãi trên các bức tường quét vôi vàng nhạt. Đó là ngôi nhà trong ký ức không bao giờ bị ẩm mốc, loang lở, lạnh tanh vì thời gian, vì thiếu sinh khí, vì vắng bóng con người. Đó là ngôi nhà trong tim bạn, mãi mãi duy nhất trong tim bạn, dù trong đời bạn đã từng ở, từng sở hữu trong không biết bao nhiêu căn nhà khác, lộng lẫy hơn, tân kỳ hơn, và dù cho có đi qua bao nhiêu nhà cũng thế, khi mơ, bạn chỉ mơ về nó, như một nỗi ám ảnh, tận cùng, khắc khỏai. Nó trở đi trở lại mãi trong những đêm dài, mỗi lúc mỗi lạ lùng, mỗi xa vắng, và có lúc bạn sợ nó, nhưng bạn không sao dứt bỏ được nó, bởi nó đang mang một phần hồn của bạn. Bởi vì nó đã chứng kiến quãng đời đẹp nhất của bạn, bởi bạn bỏ nó ra đi, không quay trở lại dù chỉ một lần, để nói rằng, “này, ta đã trưởng thành, đã có căn nhà của riêng ta, nhưng mi mới là độc nhất”. Bạn đã không làm như vậy, và vì thế, như một lời trách cứ, nó sẽ mãi là cái gai của đóa hồng ký ức trong tim bạn, thỉnh thỏang cào vào tâm tưởng bạn như một lời nhắc nhở về sự hiện hữu của nó trong quá khứ. 


Trong giấc mơ của bạn, bạn đi lâu nay trở  về nhà, bạn nghĩ mọi người thân yêu đang chờ bạn, bạn mong nhìn thấy ánh đèn ấm cúng chào mừng bạn, bạn mong ngôi nhà mở rộng cánh cửa lớn như mở một vòng tay đón bạn, như những thửơ xa xưa khi bạn còn nhỏ. Trong cõi mênh mông nửa tỉnh nửa mê, bạn chỉ gặp những khung cửa sổ đóng kín mít, những căn phòng lạnh lẽo, mùi tường vôi ẩm mốc, không một ánh đèn và tuyệt nhiên chẳng có ai chờ đón bạn cả. Tự trong đáy lòng, dấy lên một cảm giác buồn rầu vô hạn đến nỗi bạn có thể phát khóc lên được. Ngôi nhà tuổi thơ của bạn như đang phản bội bạn, đang ngỏanh mặt đi với bạn. Và không có nỗi mất mát nào bằng. Vì bạn đã mất nơi chốn để quay trở  lại, vì bạn không sao quay về được nữa .

Ngày xưa thân ái
Còn gì buồn bã hơn bạn mơ Tết đang đến rất gần, ngày mai, tối nay, thế mà trong ngôi nhà im lìm, ngoài bạn ra, chẳng có ai. Người thân ở đâu, bạn không biết, bạn đi từng phòng réo gọi, tìm kiếm, chẳng một ai xuất hiện. Tết đến, bạn không biết phải làm cái gì để lấp đầy khoảng trống quạnh hiu trong ngôi nhà, trong tim bạn. Nuớc mắt vòng quanh, tim muốn vỡ ra vì cảm giác bị bỏ rơi, bạn tuyệt vọng tìm kiếm mọi người, tìm kiếm không khí Tết xa xưa, tìm kiếm, để thấy dù chỉ một chút, những hình ảnh, đồ vật thân quen năm nào. Bạn nhớ phải trải cái khăn bàn trắng để đón giao thừa, nhưng lục tìm mọi xó xỉnh, bạn chẳng thấy nó đâu, bạn nghĩ đến cái lọ cổ hay dùng cắm gốc đào già, bạn sờ đến nó thì nó bể toang, hỏang kinh tỉnh giấc, bạn cảm thấy có phần nào nhẹ nhõm vì bạn biết rất rõ mình đang ở đâu, mọi người đang ở đâu, ngôi nhà đang ở đâu. Nhưng cảm giác cô đơn trong ngôi nhà của bạn vẫn cứ ám ảnh lấy bạn, ít nhất là nguyên một ngày hôm đó, hoặc cho đến khi cuộc sống thực tế lôi cuốn lấy bạn, xoay bạn vòng vòng đến nỗi không còn một khắc thảnh thơi để quay đầu nhìn lại những gì đã qua.

Các ngôi nhà của tuổi thơ đều lớn và đẹp. Thực tế trưng bày ra những vệt mốc đen trên các bức tường, những lằn nứt nẻ trên sân nhà, những vết rêu xanh bên thềm nhà, những dòng nước mưa bụi bẩn ngoằn ngoèo trên cửa sổ, những căn phòng chật hẹp, lôi thôi, những cánh cửa chớp lung lay bản lề, nứt rạn theo gió sương, bạn vẫn ngoan cố cho rằng ngày xưa nó không có thế. Ngày xưa nó đẹp lắm, đâu mà hoang mốc, ẩm thấp, lạnh lẽo, điêu tàn vậy. Phải, ngày xưa của mỗi người đều đẹp cả, từ kỷ niệm, từ bạn bè, từ ngôi trường, từ góc phố. Và bạn cứ than van mãi, nhắc nhở mãi những ngày hoa bướm đó, cứ như thể ngày hôm nay bạn không thể tìm được một niềm vui nào nữa vậy.


Sân nhà ngập nắng giờ tìm ở đâu?
Bởi chỉ có tuổi thơ mới đẹp khi mình đã mất nó, bởi chỉ có ký ức khi nhớ lại, đã lọc mất những nỗi buồn, đã gạn chắt những điều khó chịu, nhức nhối, để mọi sự có vẻ như được vẽ vời thêm, tô hồng thêm, đẹp mãi thêm với năm tháng. Bởi vì bây giờ bạn đã lớn, đã biết được đời không  tòan màu hồng, đã hiểu một ngày 24 tiếng, không phải giờ nào phút nào cũng đẹp, cũng êm đềm, mà có lắm lúc bạn tự hỏi, mình sinh ra để làm gì. Nhìn về lại tuổi thơ, như một cứu cánh, giúp cho bạn lấy lại thăng bằng, đi tiếp đọan đường không dễ dàng này. Tuổi thơ không đẹp, bạn sẽ mất đi điểm tựa của cuộc đời, vô hình chung, bạn đã làm cho nó rực rỡ thêm để bám vào đó cho tâm hồn nghỉ ngơi.

Ngôi nhà đã thay đổi rất nhiều, kể từ cái buổi sáng ban mai đầy sương mù, bạn từ biệt nó để làm một chuyến đi biền biệt, biền biệt qua bao nhiêu năm tháng mà bạn vẫn chưa trở về. Này, bạn đã xem biết bao hình ảnh của nó do mọi người chụp và gởi cho bạn xem. Bên cạnh nó đã có một ngôi nhà khác cất lên, thay cho cái vườn lan, vườn su su. Bạn biết rõ thế, nhưng trong tâm khảm của bạn, bạn vẫn chối từ sự hiện hữu của cái ngôi nhà mới kia, nhất định không chấp nhận sự có mặt của nó, và trong những giấc mơ, những cửa sổ phòng khách của bạn vẫn mở ra vườn su su xanh mướt màu nắng, chứ không phải là một bức tường của một ngôi nhà khác. Bạn tự dối mình, vì bạn đã quá yêu màu nắng trên những đọt su su non bạn vẫn nhìn từ khung cửa của bạn, bạn không thể quên hình ảnh trường Lycée Yersin bên kia đồi, nằm im trong ráng chiều mồi lần bạn vắt vẻo trên bậu cửa nhìn qua. Khung cửa đang nhìn sang một bức tường, thực tế là thế, bạn không tin đâu, bạn đang cố nhìn nhìn xuyên qua bức tường để tìm lại màu nắng năm xưa.
Chẳng bao giờ được nhìn thấy rừng thông bên kia đồi....

Mà nào chỉ có màu nắng mới làm bạn trở nên ngoan cố đến thế? Những buổi chiều mưa nước réo quanh nhà, bạn lom lom chờ bớt mưa để đi lội nước ngòai sân, ven theo ống cống bên hông nhà. Lớn lên một tí, bạn không thèm lội nước nữa, những giọt mưa đều trên mái tôn dưới nhà bếp làm tim bạn tự dưng thổn thức và một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm lấy bạn. Mùi đất xông lên sau những cơn mưa, bạn đâu thể quên được? Sau khi mưa tạnh là cả một tấu khúc của thiên nhiên, tiếng dế, tiếng ếch nhái, và cả tiếng những giọt nước đọng trên lá đang thánh thót rơi. Yên ấm trong ngôi nhà của bạn, bạn tha hồ mà thưởng thức những gì thiên nhiên ưu đãi mang lại cho bạn. Rồi để bây  giờ bắt chợt một tiếng dế gáy xa, bạn bồi hồi nhớ chiều mưa năm nào bạn cũng đã từng nghe tiếng dế kêu khan này, rồi nhìn nhừng giọt nắng vàng xuyên qua kẽ lá cây non đầu mùa, bạn nhớ màu vàng óng ả trên những đọt thông, rõ ràng như thể chỉ cần nhắm mắt lại, bạn có thể ngửi được cả mùi nhựa thông nồng cay trong không gian.

Mọi người kể rằng cái góc bếp năm xưa không còn là bếp, bếp chính bây giờ đi ra phòng ủi đồ, phòng ủi đồ dời đi đâu thì bạn không còn để ý đến nữa. Tha hồ cho mọi người nói, tha hồ cho cái đầu của bạn phải vẽ lại họa đồ nhà cửa, bạn vẫn “thấy” cái bếp đen nhẻm năm nào có con mèo già ngồi chễm chệ nhìn bạn. Cái hốc củi đựng đầy than bây giờ thành cái gì, bạn không hề muốn biết, không hề thắc mắc, vì đối với bạn, nó vẫn chứa đầy những hòn than đen, thỉnh thỏang bốc lên mùi nước đái mèo khai nồng. Trong mơ, bạn thấy nó nhưng nó chẳng đưng cái gì cả, chỉ là một cái hốc trống lốc, như con mắt, nhìn vào giữa mặt bạn, hỏi, nhừng ngày xưa nay ở đâu.

Mọi người tả  phòng giặt được sửa thành 2,3 cái cầu tiêu. Bạn không hình dung ra được, bạn vẫn thấy những song gỗ trên cao, cái máng nước hứng nước mưa chảy thẳng vào 2 cái thùng phuy móp méo, cái bàn giặt lúc nào cũng ẩm ướt, thỉnh thỏang một con nhớt bò ngang. Bạn thấy lại chậu nước trong vắt bạn đứng gội đầu năm nào. Nước trong phản ánh cả một bầu trời xanh cao lồng lộng ngòai chấn song. Chạm tay vào mặt nước, bầu trời rung rinh muốn vỡ, trời sóng sánh nhưng rồi trời lại xanh, lại lồng lộng. Cả một bầu trời trong lòng chậu nước của bạn, có khi nào bạn tìm lại được nó ở nơi chốn này? Còn hai ba cái cầu tiêu kia, chúng được xây như thế nào giữa đám kỷ niệm của bạn? Và bạn cũng chẳng buồn hỏi, nếu muốn giặt quần áo thì phải đi về căn phòng nào, góc kẹt nào bây giờ?

Và một lần bạn mơ bạn về ngủ lại căn phòng bạn đã từng ở những năm mới lớn. Chao ơi, có tin được không, bạn đã sợ ma đến chết khiếp trong căn phòng đó. Bạn chẳng tìm ra được cái gì quen thuộc với bạn ở đó cả. Chỉ có hai cái cửa sổ mở toang, gió thổi lồng lộng, bạn ra sức đóng lại mà chẳng được. rồi cái cửa ra vào, vô dưng vô cớ cứ tự đóng ập lai, như thể muốn nhốt bạn vĩnh viễn, rồi cái rương lớn nằm khuất sau tấm màn trắng trở nên một nỗi khiếp đảm đến nỗi bạn đã vùng chạy ra khỏi phòng, thề không bao giờ đặt chân vào. Khi tỉnh dậy, bạn có thể kể vanh vách trong cái rương đó đựng những gì. Quần áo cũ, mùng mền không xài tới, những xấp vải, xà phòng được gởi về tư ngoại quốc, mùi băng phiến trộn với mùi xà phòng Luxe. Thỉnh  thỏang bạn moi ra được một hộp phấn cũ, khô đét, bay màu, một chai eau de cologne gần cạn, vài chiếc kẹp tóc cũ, một búi tóc giả…Cả một kho tàng của tuổi nhỏ. Cớ sao trong mơ bạn lại đi sợ nó? Căn phòng quen thuộc, những đêm thức khuya học bài, những hôm bạn bè tới ngả ngớn trên giường tán chuyện Đông Tây, cái kệ sách, một niềm tự hào thưở mới lớn, tấm gương nhỏ xíu, chiếc lược nhỏ xíu, bộ trang điểm đầu đời của bạn, cớ sao lại khiếp nó? Phải chăng ngôi nhà của bạn đã trở thành như một haunted house, nhà ma vì không có bạn đã lâu?


Trường Trần Bình Trọng và con hẻm
Công bằng mà nói, nhà đang có người ở, tại sao bạn cứ mơ nó thật hoang vắng, thật im lìm, thật buồn rầu? Vì những chủ nhân “thật” đã không bao giờ quay trở về? Vì không khí ngày xưa đã mất vĩnh viễn? Bạn tự biết thế và ngôi nhà biết thế, không có bạn và người thân, nhà trở nên vô chủ, không còn không khí xa xưa, nhà trở nên ưu uất, trầm mặc.

Những năm tháng đầu xa xứ, bạn đã từng ước phải chi có phép màu để mang ngôi nhà đi theo cùng bạn. Nhưng rồi bạn loay hoay mãi mà không biết để ngôi nhà đó ở đâu cho đúng chỗ, đúng cách ở chốn tạm dung. Để bất kỳ ở đâu, nó đều trông lẻ loi, cô độc, tách bạch, “không giống ai” đến phát tội nghiệp. Chật vật một hồi, bạn hiểu ra rằng nó chỉ có

 thể ở chỗ mà nó đang ở được thôi, ra khỏi chỗ đó, nó không còn là ngôi nhà của bạn nữa. Vì thế nó đã theo bạn đi vào trong những giấc mơ tuyệt vọng của bạn. Như sự tuyệt vọng tìm lại hàng bông trắng với cây trạng nguyên hoa đỏ, tuyệt vọng tìm lại rặng hoa thạch thảo tím đưa hương mỗi sáng, mỗi chiều. Giàn hoa giấy đỏ vẫn còn nhưng đã lâu không trổ hoa, hai cây hồng trở nên những cây cổ thụ già cằn, hung dữ và đe dọa. Ngôi nhà trở nên âm u vì nó không còn trải mình ra dưới ánh mặt trời buổi sáng. Những hình ảnh đẹp đẽ không còn nữa. Có chăng là những căn phòng ngủ tòan giường và giường được trải chiếu thay vì đệm chăn ấm êm, có chăng là những tấm màn cửa sổ cũ kỹ bạc màu vì năm tháng, có chăng là sân nhà đầy nhừng vết nứt dọc ngang, lồi lõm, và cây mai hàng xóm cũng chẳng còn để mồi khi mùa xuân về, rụng đầy những cánh mai hồng trước hiên nhà cho bạn vừa quét sân, vừa mong chờ Tết đến. Có nhiều cái không còn mà bạn vẫn mong tìm lại, những cái trơ gan cùng tuế nguyệt bạn lại không chấp nhận. Như cánh cổng màu nâu  năm nào bạn đánh đu lên nó, làm một chuyến chân không chạm đất được dăm thước,  bây giờ được thay thế bằng hai cánh cổng màu trắng, hoa văn cực kỳ phức tạp, nhưng chẳng còn đứa con nít nào bu lên làm một chuyến đu gọn gàng. Trong thâm tâm, bạn đang cố tu sửa lại ngôi nhà, để cho nó vẫn là nơi chốn xinh đẹp, khó quên nhất trong đời của bạn.


Thôi hãy quên đi, thỉnh thỏang để cho nó, ngôi nhà tuổi thơ, trở về trong ký ức của bạn, đôi khi làm bạn sợ, đôi khi bạn lại có cảm tưởng như bao năm tháng đã qua, bạn không hề rời xa nó đến một lần, như tối hôm qua, bạn đã mơ thấy mình từ căn phòng trên lầu, chạy thẳng xuống cầu thang, tuôn ra hai cánh cửa mở rộng và bạn dang hai tay bay lên trời. Bạn thấy mình bay qua ngọn cây đào già, xọet qua khung cửa sổ trên lầu, và từ đó bạn tiếp tục bay lên cao, nơi bạn thấy giải Ngân Hà đang vắt vẻo ngang qua bầu trời, bạn thậm chí còn dơ tay vẫy ngôi sao Hôm sáng chói, và chung quanh bạn tinh tú tưng bừng. Không khí lành lạnh khiến bạn chỉ muốn bay mãi không ngừng, và ngôi nhà càng lúc càng nhỏ dần, xa dần, con đường đầy ổ gà chỉ còn như sợi chỉ nằm xa phía dưới…

Hãy để kỷ niệm đẹp nhất về ngôi nhà dưới ánh mặt trời sống mãi cùng bạn, dù cho có lúc chúng làm bạn bồi hồi, xao xuyến, tim đầy ứ và bạn buồn muốn khóc.

 

Tuesday, January 13, 2015

Je suis Charlie


Đang liu riu kể chuyện đi ski cuối năm, thì súng nổ và máu chảy ở Paris. 17 người buổi sáng đi làm mà không hề biết mình sẽ mãi mãi chẳng bao giờ trở về nhà vào buổi chiều muộn. 12 người ngồi quanh bàn họp, không hề đoán trước tử thần đang đội lốt đến từ ba người khác.  Một nữ cảnh sát mới vào nghề được 13 ngày bị bắn mà không kịp hiểu tại sao. Hai cảnh sát khác tình cờ có mặt không đúng chỗ, và rồi bốn thường dân đi chợ đột nhiên thấy mình vướng vào một cơn điên cuồng khát máu. Riêng tôi tự hỏi, tất cả bọn họ có kịp biết vì sao mình chết?

Cuộc nổ súng khởi sự vào thứ tư với 12 sinh mạng, thứ năm với một sinh mạng và thứ sáu kết thúc với 4 sinh mạng khác, cộng với sự trả giá của ba kẻ sát nhân. Thế giới theo dõi nước Pháp hàng giờ, tin tức cập được nhật hàng giờ. Từ lúc súng nổ ở tòa soạn báo Charlie Hebdo cho đến khi kẻ khủng bố cuối cùng ở siêu thị Do Thái bị hạ gục. Thời buổi internet cộng với smart phone, có muốn làm ngơ cũng không được.

Eiffel tắt đèn để tưởng niệm các nạn nhân
Paris bàng hoàng, nước Pháp rúng động, cả thế giới sực tỉnh. Tấn công tòa báo Charlie Hebdo giữa lòng thủ đô ánh sáng Paris như một đòn “ngày 9 tháng 11” giáng vào nước Pháp và giáng vào những người cầm bút. Cả thế giới sửng sốt vì hết 14 trong 17 người nằm xuống không hề có bất cứ một thứ vũ khí nào trong tay. 10 người chỉ có đầu óc trào lộng của họ, cây  bút vẽ của họ, cái máy tính của họ, 4 người còn lại lúc ngã xuống chắc tay còn đang cầm giỏ đi chợ. Cầm súng bắn vào đám đông không vũ khí tự vệ, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chốn nào, là sự tồi tệ nhất mà con người có thể nghĩ ra.

Rất tiếc bọn khủng bố đã không đạt được mục đích. Đêm đông lạnh không đủ ngăn bước hàng trăm ngàn người Pháp và người nước ngoài trên hàng trăm thành phố khắp châu Âu đang xuống đường hô lên sự công phẫn của họ, đoàn kết với các nhà báo Charlie Hebdo nói riêng, các nhà báo nói chung. Họ đã nói nên lòng tin không lay chuyển vào những giá trị của tự do, dân chủ. Họ đã không hề khiếp sợ như bọn khủng bố hằng mong muốn. Nổ súng vào 17 người, nhưng làm sao giết hết được những người đã đổ ra đường giơ cao khẩu hiệu Je Suis Charlie?

Khi kẻ sát nhân cuối cùng đã bị bắn hạ, dân chúng đổ ra đường ủng hộ cho sự tự do báo chí, tự do ngôn luận mà đỉnh điểm là ngày tuần hành hôm chủ nhật vừa rồi đã quy tụ được 4 triệu người trên toàn nước Pháp, riêng ở Paris có khoảng 3,1 triệu người. 50 vị nguyên thủ quốc gia cộng với tổng thống Pháp làm cho cuộc tuần hành thêm màu sắc và sức mạnh. Riêng nước Mỹ chỉ cử đại sứ Mỹ ở Paris tham dự. Phóng viên CNN bình luận “Chúng ta có nên xấu hổ không khi không có một đại diện cao cấp nào có mặt với 50 nguyên thủ quốc gia kia?” Dân Mỹ phản pháo liền. Một số kẻ bảo CNN đừng có rỗi hơi, chuyện nước Pháp để nước Pháp lo, không dính dáng gì với xứ Mỹ đang yên ấm bên này đại dương. Một số kẻ khác bảo, vì lý do an ninh, tránh voi chẳng xấu mặt nào, lỡ đi dự rồi thì là bị trả thù vì tội đồng lõa với “Je suis Charlie” thì sao. Lại có người nói, tôi là người Mỹ, làm việc tại Paris, hôm chủ nhật tôi cũng xuống đường với mọi người, gặp bạn đồng nghiệp hỏi thế tổng thống, phó tổng thống của anh đâu thì tôi xấu hổ, chỉ muốn độn thổ mà thôi. Mỗi người mỗi ý, nhặng xị cả lên. Cuối cùng thứ hai vừa rồi, White House mới thỏ thẻ “Ừ thì đáng lẽ ra Mỹ cũng nên cử đại diện cao cấp tới Paris để cùng xuống đường, nhưng vì lý do an ninh không kịp tổ chức cho thật chặt chẽ cho nên chẳng ai đi cả”. 

Mọi sự đã rồi. Dư âm của cuộc tàn sát rồi cũng lắng dịu. Chỉ còn thân nhân của nạn nhân vẫn còn từng ngày bàng hoàng với những gì đã xảy ra cho con em, vợ chồng của họ. Như cái video quay cảnh viên cảnh sát bị tên khủng bố bắn chết trên đuờng phố Paris đã được tung lên youtube rồi các đài truyền hình mua lại, chiếu tới chiếu lui mà không nghĩ rằng, mỗi lần chiếu ra như thế là làm đau lòng người thân đến thế nào. Đến nỗi anh trai của viên cảnh sát phải thốt lên “Tại sao lại làm như vậy? Tại sao lại đưa cảnh em trai tôi bị bắn chết lên tivi? Tôi nhìn thấy nó, tôi nghe thấy nó, tôi thấy nó ngã xuống và không bao giờ đứng dậy được nữa? Và tôi chẳng thể làm gì để giúp nó ngoại trừ nhìn thấy nó chết?” Tác giả của video này cũng lên tiếng hối tiếc vì việc đã phát hành nó một cách rộng rãi mà không để ý đến những gì thân nhân của nạn nhân phải chịu đựng.
Và rồi quay ra nhìn xung quanh mình, những người cùng làm việc với mình, những người không cùng tôn giáo với mình. Để xem nhé, trong cái sở này, cụ thể là cái IT department này, Tin Lành chiếm đa số, kế tiếp là Thiên Chúa giáo, cũng có cả Bà La Môn, rồi thì Phật giáo một mạng, nửa Phật nửa thờ cúng ông bà một mạng nữa! Riêng đạo Hồi thì không biết có ai không. Màu da có đủ trắng vàng đen, ngôn ngữ ngoài tiếng Anh ra có tiếng Ấn, tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Mễ. Họp nhau lại chỉ nói chuyện thời tiết nắng mưa, chuyện football thắng thua, hoặc cùng lắm than thở project ngập đầu. Không ai bảo ai, tuyệt  nhiên cấm kỵ tán dóc chuyện màu da, chuyện tôn giáo. Khủng bố sẽ chẳng biết chen chân vào chỗ nào được. Nếu cả thế giới cứ như cái IT department này, sẽ chẳng có ai phải nằm xuống vì bất kỳ một chính nghĩa nào mà mình cho là duy nhất tồn tại và duy nhất đúng.
 Hoặc hành xử như dân Paris. Khi đổ ra đường tuần hành hôm chủ nhật vừa rồi, họ không la hét, cuồng nộ hay đằng đằng sát khí, đòi máu trả nợ máu chẳng hạn. Thậm chí họ còn nhảy múa trên đuờng phố nữa kia, rất đỗi vui vẻ, chẳng có gì là buồn rầu. Nhưng khẩu hiệu “Je suis Paris” đã nói lên tất cả. Và thế là đủ.
 Vị tiên tri Muhammed sẽ tái xuất hiện trên tờ báo Charlie Hebdo vào thứ tư này tay cầm bảng “Je suis Charlie”, đứng dưới hàng chữ “Tha thứ cho tất cả”.  Đã phục bộ óc châm biếm của người Pháp chưa?

P.S. Ngày 15 tháng 01, súng lại nổ ở Viviers, Belgique. Lần này không một thường dân nào phải nằm xuống, chỉ có ba mạng Hồi giáo cực đoan phải trả giá cho chính nghĩa cực đoan của mình. Ba kẻ này là đồng lõa với tên sát nhân trong siêu thị Cacheri, và để trả thù, chúng đã lên kế hoạch tấn công nước Bỉ mà mục tiêu là cảnh sát. May mà âm mưu đã được phá vỡ, nếu không máu lại chảy nữa.
Riêng tờ báo Charlie Hebdo xuất bản 3 triệu bản bán hết vèo, nên họ đã quyết định xuất bản thêm 2 triệu bản nữa . Tiền lời sẽ được dùng để giúp đỡ gia đình nạn nhân. Bên Mỹ, tờ báo đã được đưa lên EBay bán với giá 1200 đô la. Con buôn nào được lợi trong chuyện này?

Thursday, January 8, 2015

Sun Valley - Thung Lũng Mặt Trời


Tuyết tùng Idaho
Nghe nói tới Idaho, cả lũ con nít rú lên, trời, mình sẽ đi ski trên mấy củ khoai tây! Đúng là đồ biết một không biết mười. Idaho ngoài khoai tây ra còn có Sun Valley Ski Resort là cái ski resort đầu tiên của nước Mỹ được xây dựng vào năm 1936, hay rặng núi Sawtooth hùng vĩ rất ấn tượng. Vùng đồi núi Sawtooth National Forest còn được mệnh danh là Thụy Sĩ trong lòng nước Mỹ cơ mà. Và có mấy ai biết Ngư Ông và Biển Cả Ernest Hemingway sống ở đây những năm cuối đời mình? Idaho còn có nhiều thứ nữa nhưng mình chỉ nhìn tận mắt được có chừng đó thôi, he he. 

Swiss Alps






Ông nội Averell Harriman, một trong những trùm của ngành xe lửa Union Pacific, vì quá yêu thích môn trượt tuyết của vùng núi Alps bên Thụy Sĩ, nên đã quyết định phải tìm cho ra một chỗ na ná ở xứ Mỹ này để ông có thể đi ski mà không cần phải bay qua đại dương mênh mông. Thế là ngài đã nhờ vả một công tước chính hiệu người Áo, ông Felix Schaffgotsch, đi từ đông sang tây, từ nam lên bắc, tìm cho ra một địa điểm trong mơ của ngài, cứ như anh Meaulnes đi tìm lại tòa lâu đài trong một đêm của mình vậy. Công tước Felix đi tới đâu cũng lắc đầu quầy quậy, chê từ Colorado đến tận Utah, gặp Lake Tahoe bên Cali cũng nhún vai dè bỉu. Cho tới khi cả đôi cùng mệt mỏi, thì họ đặt chân đến Sun Valley, Idaho. Không biết vì chán nhau hay vì hết tiền, mà cả hai ông nhìn quanh nhìn quất, gật gù,  bảo thế mới là Thụy Sĩ chứ. Ski resort đầu tiên của nước Mỹ ra đời từ hai cái gật đầu này. 

Nhà mình đến Sun Valley mùa đông 2014. Cũng bắt chước hai ông, nhìn quanh nhìn quất, cố liên tưởng dãy núi Alps với lại rặng Bald Mountain, cố liên kết các nhà sàn Thụy Sĩ bên sườn đồi thoai thoải với những ngôi làng nhỏ nép mình dưới chân núi của Sun Valley, rồi cũng gật gà gật gù, à, ừ, hơi giống!







Hoàng hôn ở Ketchum
Noel ở Sun Valley, chỉ có mình và hai thằng con. Từ phi trường Boise đến Sun Valley là 3 tiếng đồng hồ lái xe. Kinh nghiệm lái xe trên tuyết ở Indiana của mình bị mai một từ lúc dọn về Texas cho nên sau khi chật vật đánh nhau với con đường trắng xóa vì tuyết và băng giá rơi hôm 24, mà ngày hôm sau là Christmas, chẳng ma nào làm việc, cụ thể là quét dọn tuyết cho du khách nhờ, thì mình lả ra, chỉ mong về tới cái condo thuê còn nguyên vẹn tay chân và xe cộ. Năm ngày đi ski trước mặt, mình không muốn bất cứ cái gì hư hỏng hay gẫy, hay sưng, hay rời ra, để rồi tiền mất tật mang.

Ghé tiệm thuê ski cho hai thằng lấy ski và snow board. Tiệm sàn gỗ, lò sưởi bập bùng, chó đen chó vàng nằm ngủ thảnh thơi, dân tình đi thuê cũng lác đác và nhẩn nha, thấy lòng thật bình yên. Rõ là không phải bon chen với đám cao bồi Texas lúc nào cũng vội vã, tất ta tất tưởi mà chẳng hiểu tại sao lại phải vội vàng như thế. Dân số ở đây chỉ có 1406 mống, so với 792,727 mạng ở Fort Worth thì yên bình là phải rồi. Thành phố nhỏ xíu, đi dăm phút đã hết, nhưng toàn là những cửa hàng thời trang đắt tiền. Đang mùa Giáng Sinh, đèn đuốc rộn rã, cửa hàng sáng trưng, lò sưởi cháy đỏ, cây Noel lập lòe ở khắp mọi góc nhà, góc phố, trông cũng Pháp/Thụy Sĩ lắm. Chạnh lòng nhớ tới ngôi làng nhỏ bên Pháp năm nào đi với Ba Má vào dịp Noel như thế này.


Ski slopes
Liếc nhìn ngọn núi Bald Mountain với các đường trượt tuyết trắng tinh, mình cũng hơi ớn. Rõ ràng trên bản đồ bảo là màu xanh lá cây, nghĩa là dễ đi, mà sao nó cao vút thế? Bề rộng thì cỡ xa lộ ở Los Angeles với 8 làn đường mỗi bên, nhưng cha mẹ ơi, nó dốc tuột thẳng xuống thấy cũng hơi kinh. Nhưng nói cho ngay nhé, tiền mua vé ski lift đắt nhất nước Mỹ, ở đó mà đứng ngắm dốc lên với dốc xuống cho tốn…tiền, chi bằng cứ nhắm mắt lao xuống cho rồi. Thế đấy, vì tiếc…tiền, mình cứ liều đi thôi.  


Nhớ những lần ski trước, khi nào cũng có ông chồng làm hoa tiêu, ông ấy xuống trước, rồi sẽ ra hiệu cho mình chỗ nào dễ đi, mình cứ thế mà lao xuống, tin tưởng tuyệt đối vào chồng. Lần này ông ấy ở nhà vì không có ngày phép, mình nhìn con dốc thằng tắp trắng xóa, cảm thấy lạc đường. Nghe theo lời dạy của ông thầy già ở Taos năm nảo năm nào, phải vẽ ra con đường mình sẽ dự tính đi xuống trong đầu thì sẽ thấy dễ dàng hơn. Nói và làm như sách, mình nghiên cứu hẳn hoi con đường tính đi xuống, phóng được nửa đường thì một thằng con lao trên ski board xoèn xoẹt sau lưng, làm mình hết hồn lật đật cua gấp, lạc mất tiêu con đường vẽ trong trí nhớ. Dừng lại ở giữa dốc nhìn ngược lên, cảm thấy phục mình quá xá, nhìn xuôi xuống thì thôi rồi lượm ơi! Đường xuống còn xa tít tắp, cứ nhìn cái bóng của bà chị mờ ảo phía dưới mà ngẫm nghĩ đời mình. Một trong những con dốc đó có tên là Broadway Face mà mình tương cho ngay một cái tên không lạc vào đâu được là “Dốc Vỡ Mặt” vì nó thẳng đứng, từ đầu dốc nhìn xuống không thấy chân dốc đâu, chỉ thấy đường “phi đạo” kéo dài ra thôi. Nếu là chồng mình, ông ấy sẽ phóng thẳng một lèo từ trên xuống dưới để cảm nhận vận tốc ánh sáng. Mình thì dù cho mọi người ra rả rằng yêu thích ski là ngang bằng yêu thích vận tốc, nhưng thôi, cứ chữ chi mà lò mò đi xuống. Cẩn tắc vô áy náy mà lị.  
Dốc Vỡ Mặt (Broadway Face)

Trong một lúc hoang mang, mắt mũi dớn dác, đầu óc ong ong lên vì các con đường ngang dọc, cộng thêm lạc mất  bà chị đâu đó, mình quên béng là mình đang trượt xuống núi với vận tốc vừa phải, giật mình nhớ ra thì té cái đùng. Nằm thẳng cẳng trên tuyết, có cơ hội nhìn thấy bầu trời xanh biếc của Idaho. Nếu không vì cái đầu gối bắt đầu rêm rêm, hai cây gậy chống văng ra hai phía, thì mình sẽ nằm thêm một lúc nữa. Lồm cồm bò dậy việc đầu tiên là lo thu vén của nả, sau đó vì cái đầu gối bắt đầu đau dồn dập, mình đành bò xuống chân núi với hy vọng tìm được First Aid để xin một ít dầu nóng bôi vào cho đỡ đau. Nhân tiện đây cũng xin nói với các cao thủ trượt tuyết, hay là cứ bỏ sẵn một lọ dầu cù là trong túi khi đi ski cũng hữu sự lắm đấy. First Aid chỉ có băng keo đứt tay vớ va vớ vẩn, cho nên mình xin được gặp Ski Patrol may ra có cái gì khá hơn không. Khu ski resort này thuộc loại sang, nên sau khi mình đề nghị, chỉ năm phút sau có hai mạng Ski Patrol phóng từ trên núi xuống gặp mình. Ông Ski Patrol ngắm nghía đầu gối mình rồi phán, nếu tôi là bà, tôi sẽ đi nhà thương cho chắc, nhà thương thì cũng gần đây thôi. Mình nghe mà hoàn toàn mất hết tinh thần. Ngày ski đầu tiên của mình chẳng lẽ lại kết thúc tại nhà thương thì thật chẳng vui vẻ chút nào. Nghĩ đến cảnh loanh quanh trong nhà suốt tuần còn lại, nhìn thiên hạ nhộn nhạo chuẩn bị đi ski, nhìn ngọn núi với những đường ski như vẽ thì mới thấy thật sầu đời. Thôi cứ chườm nước đá, uống Advil rồi nghe ngóng tình hình đầu gối vậy.
Lò mò xuống núi

Sau bữa trưa thiên hạ lục tục đeo găng, xỏ giầy, đội nón ra đi còn mình ngồi lại trong phòng ăn, bèn nhè nhẹ đặt cái chân xuống, đi thử mấy bước thấy cái đầu gối không đình công, không nói năng gì. A lê hấp, thế là mình cũng đội nón, đeo găng, xỏ giầy rồi ra thẳng cái đường trượt mà mình đặt tên là “Baby Slope”, tên thật là River Run, vì nó dốc thoai thoải, cứ đứng yên một chỗ cũng tuột xuống tới nơi mà không cần phải làm việc nặng nhọc gì. Mình chấm dứt ngày ski đầu tiên của mình bằng vài chục cú trượt ở Baby Slope, nhiều đến nỗi ông soát vé phẩy tay không thèm nhìn vé của mình vì nhẵn mặt nhau quá.

Buổi chiều cả đám nhảy vào cái hồ bơi lộ thiên nước nóng bốc ngùn ngụt trong khu Sun Valley Inn được xây năm 1937. Cái đầu gối của mình phải cám ơn ông Steve Hannigan, người thiết kế khu nghỉ dưỡng Sun Valley Inn, đã quyết định phải có cái hồ bơi nước nóng để thiên hạ đừng nghĩ là “đi ski lạnh quá đi”.  Nhân tiện đây nếu ai có muốn ghé Sun Valley Inn thì Hemingway đã ở trong căn phòng số 26. Mình đến đây khi nào cũng với tư thế sẵn sàng xuống nước nên không ghé thăm phòng ốc gì của lão ấy cả. Trời lạnh khoảng 12, 13 độ F, mặc sẵn đồ bơi, mình phải nhìn qua khung cửa sổ để nghiên cứu xem sẽ đổ bộ ở chỗ nào trong hồ. Không có đủ can đảm mà lượn một vòng quanh hồ tìm chỗ ưng ý đâu nhé vì chân đất giẫm lên nước đá không sung sướng gì lắm đâu, và ngoài bộ đồ bơi cộng thêm cái khăn lông, đối diện với nhiệt dộ dưới độ đông đá thì đừng có mà chần chừ với lại nhẩn nha. Thế nhưng không tả nổi cảm giác dễ chịu khi trầm mình xuống làn nước nóng bốc hơi nghi ngút. Thôi thì cũng phải đồng ý với ông Steve, rằng ski thì lạnh nhưng nhảy xuống hồ của ông thì đúng là quá đã. Ngồi vớ vẩn một hồi cũng chán, thế là bà chị cùng với bà em quyết định phải uống bia. Bia Bỉ Shock Top Belgian White lạnh sẵn đàng hoàng nhé, mà thằng cháu bảo là nhẹ như nước cam vắt, ngồi ngâm người rồi thong thả mà uống và ngắm bầu trời hoàng hôn tối dần thì chẳng còn gì hơn, đời cứ như mơ (khi ta có tiền…).
Nhân tiện đây cũng vì cái hồ bơi này mà bà chị mình văng mất cái móng chân cái. Số là bà ấy trượt chân trong phòng tắm, móng chân nhét thẳng vào khe cửa và bị bẩy bật lên! Nghe như chuyện kinh dị! Kết quả là ngày cuối cùng cả nhà lên ski lift thì chị mình đi “ski” bằng xe hơi, sau khi đã cố vật lộn nhét bàn chân thiếu móng vào giày ski mà chẳng được. Nghe nói về đến Texas, mặc dù trời lạnh như cắt, chân cẳng bà ấy vẫn phải xỏ vào dép Nhật với lại giày sandal hở ngón hở gót mới rầu chứ. Sau đây bà ấy sẽ bị treo giò dài dài. Đó là một cực hình cho đôi chân lúc nào “cũng ở ngoài đường”. Biết làm sao được.




Mà lạnh thật chứ chẳng chơi à? Ngày cuối cùng đi ski nhiệt độ chỉ có -4oF, không dám đổi ra độ C, vì thiên hạ sẽ nghĩ có điên mới đi ski với cái lạnh như thế. Ngồi ski lift theo tụi nhỏ lên đỉnh núi, thấy tay chân lạnh dần, rồi buốt  dần, rồi đầu mình bắt đầu thấy nhưng nhức, và sau cùng là  tê rần lên. Vừa ra khỏi ski lift là mình đã hô hào tháo chạy xuống chân núi may ra có ấm áp hơn tí nào không. Cả lũ ngồi thở phì phì ra khói trong căn phòng ăn dưới chân núi, chân tay lạnh ngắt, tay sờ mặt không cảm thấy gì, chân bấu vào giày nhưng mất cảm giác hoàn toàn, nhưng vì là ngày ski cuối cùng nên sau mười lăm phút nhà mình lại tiếp tục có mặt trên đường ski. Lần này đi gondola lên núi, nhờ vậy cũng tránh được vài ngọn gió đông. Đúng là chẳng hổ danh Thung Lũng Mặt Trời vì phía bên kia sườn núi, mình đã thấy ánh nắng chan hòa khắp nơi. Thế là như hoa hướng dương quay về phía mặt trời, tụi mình cuốn gói sang bên đó ngay tắp lự. Thời tiết vẫn lạnh, khá hơn trên đỉnh núi vài độ, nhưng những tia nắng mặt trời làm cho mình có cảm giác ấm áp hẳn lên. Chiều xuống họ đốt một đống lửa lớn giữa sân, mình ngồi dán sát vào lửa, mắt nhìn vào khu đổ bộ của các cao thủ trượt tuyết, hòng gom góp con cháu đặng về nhà. Kịp nhận ra một ông con nhảy thoắt vào cái gondola làm cú chót, một ông cháu réo gọi điện thoại xin đón nó bằng xe vì lỡ lạc sang bên kia núi, đến khi muốn quay về lại thì cửa tùng (ski lift) đôi cánh gài, một ông con khác nữa hổn hển cặp bến với cái snow board phủ đầy tuyết, và cuối cùng là bà cháu mặt mũi tím tái thả phanh thắng ski kêu ren rét bên mình. Bếp lửa bập bùng, ấm áp, nhìn thiên hạ tuôn ra từ chân núi cũng là một cách giải trí vậy.



Snow shoes
Đã có ai thử xỏ chân vào đôi giày được gọi là Snow Shoes chưa? Snow shoes dùng để đi trên lớp tuyết dầy cỡ quá đầu gối mà nếu không có nó, mình sẽ lún tuột luôn vào đó. Nó như cái bàn đập ruồi, leo lên đi kêu phàm phạp, phàm phạp, như…đập ruồi! Không có nó, đố mà đi trên tuyết cao được. Mình đã đi dạo với snow shoes trên một con đường mòn tuyết trắng xóa trong vùng thung lũng Galena nằm yên ấm trong rạng núi Rocky Mountain. Đó là trái tim của Boulder Mountains với núi tuyết chập chùng khắp phía, thành phố được thành lập bởi những người đào mỏ bạc trong vùng vào năm 1879. Chỉ mới đến năm 1890 thì Galena đã muốn biến thành một thành phố ma vì cư dân dọn đi hết ráo, sau khi khám phá ra rằng có đào mỏ đến hết đời cũng chưa chắc tìm được cái gì cho ra hồn. Năm 1905 khi tổng thống Roosevelt ký giấy chứng thực cho vùng Sawtooth National Forest, thì khu này được hồi sinh để biến thành địa điểm du lịch với tất cả vẻ đẹp hoang dã của nó. Cứ thế, phàm phạp, phàm phạp mà đi để thấy vẻ đẹp Thụy Sĩ trong lòng Châu Mỹ. Phàm phạp, phàm phạp để thấy những người già về hưu vẫn còn sung sức đi cross country ski lằn ngang lằn dọc, đi back ski country leo lên núi, trượt vòng vèo xuống núi, cộng với mấy con chó vui vẻ chạy theo, rồi tự hỏi mai mốt về già mình có làm được như họ không. Phàm phạp phàm phạp để thấy tuyết trắng chập chùng, rừng cây im ắng, tĩnh lặng và thinh không. Phàm phạp, phàm phạp…để thấy lòng rất bình yên, êm ả một cõi.
Sawtooth khi trời quang mây tạnh



Sawtooth mây mù giăng phủ

Buổi  chiều cả bọn tất tả đi tìm rặng núi Răng Cưa (Sawtooth Range). Tiếc là trời mịt mù giăng đầy mây nên mình chẳng thấy đủ chừng đó răng (hình như gồm 57 ngọn núi cao hơn 10,000 feet và 77 cái răng kia thì cao khoảng 9,000 tới 10,000 feet). Nếu quay trở lại đây vào mùa hè thì sẽ thấy những ao hồ dưới chân núi đẹp rực rỡ. Mình đi vào mùa đông, tứ phía là màu trắng của tuyết, nhìn toét mắt không ra hình dáng một cái hồ nào cả. Lại tự bảo lòng sẽ quay trở lại vào mùa xuân hay mùa hè để nhìn thấy một trong những cảnh đẹp mà thiên nhiên đã hào phóng trao tặng. Mây mù giăng giăng nên Răng Cưa rất chi ư là mờ ảo, khi có khi không. May nhờ cái móng chân gẫy nên mình có hình Sawtooth bà chị chụp được vào một ngày nắng ngập chan hòa đàng hoàng tử tế để bỏ lên đây xem nè.


Mộ của Ernest Hemingway trong nghĩa trang Ketchum
Nhắc đến Ernest Hemingway, lũ con nít lại rú lên đọc truyện Ngư Ông và Biển Cả của lão chán chết đi được, có con cá câu mãi không xong cho chúng nhờ. Mình thích cuốn Chuông Gọi Hồn Ai và Giã Từ Vũ Khí của lão hơn. Dịp đi Ý năm 2008, mình có đi qua cái hồ (quên mất tên rồi) được lấy làm bối cảnh cho cuốn Giã Từ Vũ Khí, còn bây giờ mình được nhìn ngắm khung cảnh lão đã dùng để viết nên truyện Chuông Gọi Hồn Ai, đó là vùng đồi núi Ketchum này. Năm 1961, Ernest Hemingway đã  bắn vỡ đầu mình tại đây vì lý do sức khỏe. Nghe nói lão bị bệnh trầm cảm chữa mãi không khỏi, đến cuối đời đâm ra sợ đủ mọi thứ, đủ mọi người nên quyết định đi tìm cái chết. Ngắm nhìn ngôi mộ của lão ấy, mình quyết định khi nào mình chết, hãy đốt xác mình thành tro thả xuống biển cho xong. Đại văn hào của thế giới rốt cuộc chỉ còn là một nấm mộ lạnh lẽo với vài ba chai whisky lăn lóc. Còn khá hơn mộ bà vợ Mary, không một ngọn nến, không một dấu chân ai oán, và tất nhiên chẳng có con cái, họ hàng xa gần nào đến tảo mộ cả. Mình mong phải chi Mỹ có một thứ như đền Pantheon ở Paris để gom các ông các bà ấy vào, chứ nằm vất va vất vưởng dưới hai gốc cây thông thế này thì nhìn buồn lắm.

Trên đỉnh Bald Mountain
Quay trở về đời thường ở Fort Worth đã hơn một tuần, nhưng không thể không nhớ lại màu xanh biếc của bầu trời Idaho, càng xanh thì càng lạnh, kinh nghiệm bảo thế, màu tuyết trắng tinh khôi trong thung lũng Galena, những con dốc trượt đầy cám dỗ và mời mọc. Nhớ tiếng ski nghiến trên tuyết ken két sau lưng, nhớ cảm giác tha mang đôi giầy  boot nặng như đeo cùm, nhớ màu tuyết trắng đổ ra muôn hướng và nhớ đến cả con đường vòng vèo quanh núi Olympus Lane đẹp mê hồn mà mình hay trượt xuống. Nhớ cả đến chai whisky nghiêng ngửa trên ngôi mộ Hemingway nữa, mong rằng mùa xuân đến sẽ có hoa dại nở trên mộ ông.  
Sun Valley, hẹn ngày tái ngộ nhé và hứa sẽ đếm đủ chừng đó răng trên Sawtooth Range (còn chuyện nhớ tên răng là gì thì thôi đành nhờ Google).
Lan Hương -  Fort Worth 01/2015

Olympus Lane và làng Sun Valley dưới chân núi