Pages

Friday, March 25, 2016

Il pleut sur Bruxelles


Đó là lời bài hát mà Dalida đã hát tôi vẫn nghe từ hồi nhỏ qua radio dù lúc đó chẳng hiểu ý nghĩa. Và rồi một ngày khi tôi đi một mình giữa rừng thu ở Bruxelles, trời hôm đó mưa lạnh làm ẩm ướt cả rừng lá vàng, tôi lại thấy lời bài hát ấy trở lại trong tôi theo bước chân lang thang của mình mà chẳng thấy buồn gì cả!
 
Và tôi đã chạy theo mùa thu khắp Bruxelles những ngày sau đó!

Thành phố bé nhỏ thôi nhưng chỉ cần quanh co một lúc là tôi có thể xuyên qua một công viên để ngắm nhìn cây lá thay màu theo mùa thu như thế nào!

Tôi đã ngẩn ngơ ngước lên tàn lá vàng mênh mông nổi bật trên nền trời xanh thẳm, vắt ngang là một vệt khói trắng của chiếc phản lực cơ nào đó để lại. Tôi đã chờ đợi rất lâu mong có một cơn gió để được hứng cơn mưa lá vàng. Sốt ruột, tôi với lấy một cành lá thấp nhất rung mạnh hết sức mình nhưng chẳng có chiếc lá nào lìa cành. Thất vọng tôi đành quay bước thì một cơn gió cuốn qua, những chiếc lá vàng rơi như cánh bướm chung quanh mình mà không kịp lấy máy ra ghi lại khoảnh khắc ấy.


Rồi có khi cùng Quỳ và Lộc đi vào rừng Halle, hôm ấy trời âm u, cảnh rừng âm thầm trong sương mù ẩm ướt. Nhưng đến một khoảng trống giữa rừng, bầu trời bỗng rực nắng, ánh sáng chói lòa làm màu lá vàng rực rỡ hẳn lên. Lòng tôi cũng rộn rã như gặp lại mùa xuân , thật mâu thuẫn vì mình đang đi tìm mùa thu!

Ngày cuối cùng trước khi rời Bruxelles, tôi lại cùng Mai, Quỳ, Lộc đi vào một công viên gần Clabecq. Trời lạnh lắm, cây cối trơ trụi gần hết và bây giờ lá úa đủ màu trải thảm dưới chân mình.Tôi ôm cả một ôm lá tung lên trời để thấy ngàn cánh bướm vàng, nâu, đỏ rơi phủ quanh người. Có chút gì như tiếc nuối, trời cuối thu rồi và để nhường cho  mùa đông!
 
Tôi đã tận hưởng cả một mùa thu như thể mà chẳng gợn chút buồn bã nào chỉ thấy một cảm giác lặng lẽ rất bình yên! Tôi hỏi Quỳ, mùa thu có gì buồn đâu mà sao người ta làm thơ và nhạc về mùa thu nhiều thế và lúc nào cũng buồn! Quỳ bảo vậy mà nhiều người trầm cảm nặng hơn về mùa thu và số người tự tử vào mùa thu cũng nhiều hơn các mùa khác (phải không Quỳ?)


Nhớ về Bruxelles là những kỷ niệm êm đềm như thế! Tôi có cảm giác như đã quen thân với thành phố nhỏ bé này. Tôi đã được tới đây không chỉ một lần vì nơi đó tôi còn có các chị em họ để thăm viếng và được cùng họ đi thăm thú khắp nơi. Nhưng hôm nay Bruxelles không còn êm ả nữa khi tiếng bom đã rung chuyển một lúc tại ba bốn nơi đông đúc người qua lại. Tôi mừng rỡ vì người nhà tôi tất cả được bình an, nhưng đã có nhiều người khác mất mát người thân hoặc trở thành tàn phế.

Không phải “Trời mưa trên Bruxelles” nữa mà là những giọt nước mắt của người Bruxelles cho thành phố thân yêu của họ !



Dalat, 25-3-2016
Thanh Đip



Wednesday, March 23, 2016

Bruxelles chỉ còn những hồi còi (Béatrice Delvaux)



Tiếng còi ồn ào vẫn còn vang, xé toạc thành phố như một vết thương bị vạch ra. Xe cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát lớn nhỏ với đèn ưu tiên náo loạn hối hả trên đường. Mọi người khựng lại, nhìn, choáng, với những ánh mắt ráo hoảnh. Giờ họ hiểu tất cả chuyện này là thực, mà họ cũng đã biết như vậy từ trước: chuyện này có thể đến, và có thể sẽ phải đến.

Trên hết là một nỗi buồn tràn ngập không dừng được, cứ len lỏi trên vỉa hè, thấm vào cả những viên đá vệ đường. “Buồn” là chữ duy nhất dính trên môi mọi người, phải, môi của “chúng ta”. Chính nó là kết cục. “Chuyện đó” đã xảy ra trên đất nước chúng ta. Cuộc tấn công tự sát đầu tiên “Nơi Của Ta”, với những thân thể nằm trên mặt đất ở phi trường Zaventem, những mảnh thịt vắt trên thành những toa tàu metro của chúng ta, vỡ tan, buộc phải dừng lại đột ngột. Ga Maelbeek, một trong nhiều cái tên khác mà các nhà báo nước ngoài rồi sẽ phải học cách phát âm. Mười ba người chết ở phi trường, mười lăm ở đây. Người ta nói thế cho đến lúc này.

Quay về tòa soạn, mới nhanh chóng cảm nhận, nghe, chứng kiến thành phố của mình đang đóng lại từng chút, từng mảnh, nơi này đến nơi khác. Đầu tiên là những chiếc máy bay, đến tàu điện, rồi xe bus, đường hầm ngầm, rồi những con đường. Còn trường học? Ta có thể thấy các ông cha bà mẹ lo sợ, đứng sát vào cổng trường muốn đón con mình về. Từ làn sóng điện, nhà chức trách từ chối: “Cứ để chúng ở trong trường, ở trong đó sẽ an toàn hơn”.

11h24, tiếng còi lại nhân đôi: Một vụ nổ ở Rue de la Loi (nơi đặt văn phòng chính phủ).

Vụ nổ ở Rue de la
Loi?” - một cậu bé nhắn tin hỏi mẹ, rồi được trả lời: “Ở yên trong nhà đi con”. Về nhà nhanh, quây mình lại, đã thành một thôi thúc cấp bách. Các dòng xe đổ ra các cửa ngỏ Bruxelles. Còn lại bên trong thành phố, còn rất đông người-ngoại trừ lũ xe cảnh sát chạy như điên về nơi mà sự nguy hiểm vừa mới xảy ra - thì không ai biết làm gì ngoài nghĩ suy, tìm nghe cho hết những gì có thể nghe. Người ta nhìn những chiếc xe inh ỏi chạy rất nhanh ngược xuôi tưởng sắp đâm vào nhau trong những đường hầm trống đến lạnh sống lưng, không biết chúng đang làm gì. Chỉ biết là mọi chuyện đang không bình thường.  Phải, hôm nay thành phố hoàn toàn không bình thường, cuộc sống đã bị dừng lại.

Em có ổn không?”, đó là câu nói được truyền tai. “Em ở nhà hay đang ở chỗ làm?”. “Cẩn thận đó”. “Không sao chứ?”. “Anh vẫn bình thường?”. Nỗi bồn chồn càng dâng cao khi mạnh điện thoại không hoạt động nữa, nghẽn, rồi đóng luôn. Twitter và mạng xã hội thay thế. Cùng với nỗi lo này, người ta gặp được nhau là hỏi ngay: “Nhà có ai bị gì không đấy”, ý muốn hỏi: “Không ai nằm trong đống xác chết ấy chứ”. Đúng là chết tiệt.

Giới nghiêm, khổ, lại phải trở lại với nó. Nhưng lần này, ngạc nhiên thay, cùng với cảm giác bị giam lỏng, còn có nhiệm vụ bắt buộc phải tránh xa những nơi của vốn thuộc về cuộc sống chứ không phải là sự chết chóc. Lần này toàn thành phố phải dừng lại, mức báo động 4 (cao nhất), metro ở thành phố xa như Charleroi cũng phải dừng, các chuyến tàu về thủ đô bị hủy, cả những chuyến về Paris, London, ra thế giới.

Bệnh viện Saint - Pierre kêu gọi hiến máu. Ngài thủ tướng xuất hiện cùng với nội các với giọng nghiêm trọng và xúc động. Thứ Sáu vừa rồi, chúng ta vừa bắt được Abdeslam (kẻ đánh bom Paris đào tẩu), giờ có vẻ chúng ta đang phải trả giá.

Mọi người hãy bình tĩnh, mọi người hãy đoàn kết, mọi người hãy ở nhà. Lãnh đạo đảng đối lập nói về sự kiện nghiêm trọng nhất từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Thủ tướng Pháp cũng lặp lại: Châu Âu đang trong tình trạng chiến tranh từ vài tháng nay. Nước Pháp sẽ huy động 1.600 cảnh sát, thêm 225 bên quân đội sẽ tăng cường cho Bruxelles. Ôi Chiến tranh…

Thủ tướng nói: “Hèn nhát, mù quáng”, Vua và Hoàng hậu viết: “Ghê tởm

Người dân thì chỉ còn những nỗi buồn, khôn nguôi.


Béatrice Delvaux, Tổng Biên Tập Báo báo “Le Soir”

Thứ tư - 23/03/2016 05:23
(Châu Quí Thiện chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp)

(Theo Nhịp Cầu Thế Giới)

Tuesday, March 22, 2016

Khi Tintin khóc....


Tám giờ sáng hôm nay, Tintin bật khóc. Chẳng phải vì con chó Milou mất tích. Mà vì ba quả bom thổi bay tính mạng của 36 người vô tội, làm 170 người khác bị thương. Tám giờ sáng, giờ mọi người đã thức dậy, đã xong một cái croissant, một ly cà phê, và trên đường tới sở, tới trường, một số người chuẩn bị cho những chuyến bay ngắn dài, với túi khoác trên vai, valy để sẵn sàng dưới chân, tay cầm passport. Một ngày hẳn sẽ giống như những ngày khác, một ngày rất mới mẻ để bắt đầu. Thế nhưng Tintin đã khóc khi ba quả bom nổ tung. Mang mầm chết chóc đến, mang hoảng loạn đến, mang nỗi sợ đến, mang giận dữ đến. Dù cho Jacques Brel có cất lời ca bài “Quand on a que l’amour” lúc này, hẳn mọi người sẽ khó lòng tha thứ. Nỗi mất mát lớn lao quá cho một đất nước quá nhỏ.

Nước Bỉ bé tí hin, nằm lọt thỏm giữa bên trái là đại cường quốc Pháp, bên phải là đại cường quốc Đức, mép phía trên là tulip Hòa Lan, khoảng phía dưới là ngân hàng Luxemburg. Nó nhỏ đến nỗi lái xe khoảng 3 tiếng tứ phía là đã sang đất nước khác màu cờ khác quốc ca khác lúc nào không hay. Nó yên bình hiền hòa đến nỗi quốc gia chút xíu có hai ngôn ngữ, mạnh ai muốn nói tiếng gì thì nói, dĩ hòa vi quý. Vua Bỉ đi ra đi vô cung điện, không trống kèn rầm rộ, nhìn cờ treo biết Vua ở đó, không có lá  cờ đen vàng đỏ trên nóc Palace,  biết ngài đi vắng. Hôm khai trường vừa rồi, Vua dẫn hai bà con đi học như mọi ông bố bình thường, đồ rằng Hoàng hậu sáng hôm đó đứng trong bếp gói đồ ăn vào hộp cơm cho con mang đi học. Nó yên bình đến nỗi cảnh sát của Bỉ hơi chậm chạp vì chưa từng đụng độ với bất cứ tình huống nguy hiểm nào, ngày diễn binh kéo xe tăng xe pháo mọi người bảo nhau có biết bắn hay không đấy.

Nói thế để biết cái đất nước đó nó hiền lành và ba phải biết bao nhiêu.

Thế mà sáng nay đất nước của Tintin có hơn ba mươi người nằm xuống, khoảng hơn một trămngười bị thương. Chỉ vì một nhóm người không thích cái lối sống của nước Bỉ, không thích những gì nước Bỉ đã cho mình, không thích tất cả trừ chuyện giết người vô tội. Tấn công tự sát, nghĩa là nó cũng nổ tung cùng lúc với trái bom cột chặt vào bụng, con đường đi lên thiên đàng ngắn nhất. Cứ việc đi, nhưng tại sao lại bắt chừng đó người, những người tay còn cầm túi hành lý, vé máy bay, chuẩn bị cho một chuyến đi xa, những người sáng ra đi làm như mọi ngày mà không biết rằng buổi chiều mình không về nhà, cùng đi với mình? Những người nằm xuống, không bao giờ biết ngày mai sẽ như thế nào, đã từng một cách trực tiếp hay gián tiếp, dùng chính tiền thuế đóng góp của mình nuôi cái quả bom tự sát đó, từ khi nó được đẻ ra, lớn lên đi học, chắc không đi làm, để rồi hôm nay nuôi ong tay áo. Họ, những người đã  nuôi cái  mầm mống ung nhọt hận thù đó, nằm chết trên sàn sân bay Zaventem mảnh vỡ tung tóe, trên sàn métro Maelbeek máu chảy loang lổ, mà không kịp hiểu tại sao lại là chính họ, mà không kịp biết vì đâu nông nỗi, mà không ngờ rằng lòng tốt của mình được trả giá bội bạc đến như vậy. Bắt đầu từ tối hôm nay trở đi sẽ có những bữa ăn dư một bộ dĩa muỗng, những công sở dư một chỗ ngồi, những bức hình chụp sẽ có một khoảng trống không gì lấp đầy được. Ai sẽ phải trả giá cho những mất mát đó? Cái thằng khốn kiếp chết cùng với họ ư? Gia đình của nó ư? Tổ chức nhà nước Hồi Giáo IS sẽ nhơn nhơn đứng ra nhận, rất đỗi tự hào vì đã đánh một cú chí tử vào “trái tim của Châu Âu”.  Nhưng chúng sẽ bị cả thế giới  sỉ vả, lên án và quyết tâm diệt tận gốc càng quyết liệt hơn. Giải pháp hòa bình cho mọi xung đột giữa tổ chức này với phần còn lại của thế giới càng đi dần về con số zero hoặc dưới zero. E rằng bạo lực sẽ càng mạnh mẽ hơn, từ cả đôi phía.

Cái đất nước bé tí này, cái đất nước của Xì Trum – Peyo, sáng nay có ba quả bom nổ ở hai chỗ khác nhau, mang theo hơn 30 sinh mạng, đủ để làm cả nước bị tê liệt. Nhưng có lẽ mọi người sững sờ, tê tái vì sự khủng khiếp, dã man, vô nhân tính của lũ giết người nhiều hơn. Métro đóng cửa, sân bay đóng cửa, biên giới đóng cửa, trường học đóng cửa. Xe nhà thương xe cảnh sát hú còi ầm ĩ, xe cộ ách tắc trên xa lộ. Và mọi người nhìn nhau bàng hoàng. New York năm 2001 đã từng trải qua thảm cảnh này, rồi tới Paris năm 2015 đã đi qua mọi chết chóc vô nghĩa, và hôm nay là Bruxelles. Nhân loại tê điếng vì cách người người đối xử với nhau. Nhân loại nhìn nhau không hiểu vì sao. Jacques Brel xứ Bỉ đã từng hát cách đây khá lâu “Quand on a que l’amour”, bài hát này được chọn hát trong dịp tưởng niệm những nạn nhân đã chết ở Paris năm ngoái, bây giờ cất lại lên cho những người nằm xuống ở Bruxelles. Bài ca hòa bình cho nhân loại  nhưng chắc chắn đã chẳng lọt vào tai những kẻ giết chóc, những kẻ cố tình chà đạp lên những gì cao đẹp nhất của loài người.

Quand on n' a que l'amour
A s'offrir en partage
Au jour du grand voyage
Qu'est notre grand amour

Quand on n' a que l'amour
Mon amour toi et moi
Pour qu'éclate de joie
Chaque heure et chaque jour

Quand on n' a que l'amour
Pour vivre nos promesses
Sans nulle autre richesse
Que d'y croire toujours

Quand on n' a que l'amour
Pour meubler de merveilles
Et couvrir de soleil
La laideur des faubourgs

Quand on n' a que l'amour
Pour unique raison
Pour unique chanson
Et unique secours

Quand on n' a que l'amour
Pour habiller matin
Pauvres et malandrins
De manteaux de velours

Quand on n' a que l'amour
A offrir en prière
Pour les maux de la terre
En simple troubadour

Quand on n' a que l'amour
A offrir à ceux-lа
Don't l'unique combat
Est de chercher le jour

Quand on n' a que l'amour
Pour tracer un chemin
Et forcer le destin
A chaque carrefour

Quand on n' a que l'amour
Pour parler aux canons
Et rien qu'une chanson
Pour convaincre un tambour

Alors sans avoir rien
Que la force d'aimer
Nous aurons dans nos mains
Amis, le monde entier



Quân khủng bố như cỏ dại, nhổ chỗ này, mọc chỗ khác. Bởi vì chúng chẳng còn gì để mất, hoặc tự cho là chẳng còn gì để mất, ngoại trừ thiên đàng như bánh vẽ trước mặt, và có thể đâu đó, là một số tiền kha khá để lại cho gia đình chăng? Nước Bỉ đã từng giang rộng vòng tay tạo cho không biết bao nhiêu người tị nạn những cơ hội ngang bằng dân bản xứ. Cơ hội đó là đồng đều, thế thì tại sao một nhóm thanh niên mặt mũi non choẹt, sinh ra ở Bỉ, nói tiếng Pháp xoen xoét, tiếng Hòa Lan bị bắt học ở trường cho rằng khó quá  ì à ì ạch mãi không xong một mẩu đối thoại, nhưng một câu chào chẳng lẽ không nói được, thì tại sao lại phải đi tự sát cho một chính nghĩa ở tận đâu? Cái chính nghĩa mà nói cho cùng, đã đẩy hơn hai phần ba dân số của Syria bỏ chạy tán loạn, sẵn sàng bỏ mạng chết trên biển để đến được Châu Âu, cái chính nghĩa đã đẩy mọi người ra khỏi tổ ấm của mình, ra khỏi mái nhà của mình, ra khỏi quê cha đất tổ của mình, để rồi tha phương cầu thực, vất vưởng trong các trại tị nạn, chờ tấm lòng nhân ái của một quốc gia nào đó. Và nếu quốc gia đó có mở lòng đón họ, cùng lúc đón luôn nguy cơ khủng bố chen vào. Sau này, nếu các quốc gia có tuyên bố đóng cửa cho làn sóng tị nạn, thì xin hiểu giùm cho tại sao.

Dù cho có nhân danh bất cứ cái gì đi nữa, lấy đi chừng đó sinh mạng của những người vô tội là điều bất chính nghĩa nhất trên đời, là điều đáng bị sỉ nhục, đáng bị lên án và không bao giờ tha thứ được.

Sáng nay đọc hàng tin lớn trên CNN “Brussels under attack” không kìm được nước mắt! Belgium là quê hương thứ hai của mình, mọi nhớ mong mọi trông ngóng đều hướng về nó, mọi vui buồn đều dồn về nó, vì nó có Ba có Má, có anh chị em, vì nó đã cưu mang mình những bước đầu chập chững đất khách quê người, vì nó đón nhận mình trong vòng tay rất đỗi êm ái, hòa bình và thân thiện của nó và vì nó đã cho mình một cơ hội để từ đó mình mới được như ngày hôm nay.  Mình rất đỗi tự hào để tuyên bố rằng “Je suis Bruxelles”, ngày hôm nay và mãi sau này.

 Tự trong đáy lòng, xin chia buồn với tất cả những nạn nhân của ngày hôm nay. Công lý sẽ đến với tất cả mọi người, mọi tội ác sẽ bị trừng phạt, nhân loại không dung tha cho mọi bạo lực đã và đang núp bóng dưới bất cứ chiêu bài nào, dưới bất cứ chính nghĩa nào dưới bất cứ tôn giáo nào.

Be strong, Belgium!

Lan Hương

Fort Worth 03/22/2016



Thursday, March 17, 2016

Mốc Thời Gian (Hương Quỳ)



 

Cửa kính mặt tiền  bị nứt một đường dài  chỉ một tuần lễ  sau ngày gian hàng bước qua năm thứ 25 , do bìa gỗ vây quanh  nứt nẻ bởi thời gian  cộng với đợt lạnh bất ngờ ập đến tháng giêng vừa qua. Những chữ dán trên kính  cũng đang tróc lở , mỗi lần rơi rụng đi một ít mảnh vụn khi kính được lau .

Tôi đứng đối diện với  gian hàng, mới thấy một phần tư thế kỷ để dấu ấn của mình ở khắp mọi nơi.

Căn nhà có nhà hàng của tôi không có gì đặc biệt, chỉ là một trong hàng loạt những cấu trúc nhà ở thành phố này  xây dựng vào năm 1930. Nhà có mặt tiền bằng  gạch trắng xanh rằn ri, tầng trệt để kinh doanh có tấm kính lớn với một góc uốn vòng cung, cùng với cặp nắm đấm cửa mang hình hoa lys bằng đồng. Trần nhà cao nhưng không được trang trí với những chi tiết tỉ mỉ như thường thấy trong các căn nhà khác cùng thời , thế thôi.

Ngày đầu xa xưa chuẩn bị sửa sang lại căn hàng, cả nhà xúm vào giúp, kể cả Ba Má . Không biết gì đến những hóa chất làm bong tróc nhũng chữ dán của người chủ trước, chúng tôi ra sức cạo đi bằng ...dao , kết quả là một khoảng trầy lớn nằm chễm chệ trên kính từ hồi đó đến giờ. Gian hàng mang tên của tôi , tên của những đóa hoa dại phủ kín rực rỡ những vạt đồi của Dalat xa xưa vào tháng cuối năm. Nên chúng tôi đã hân hoan sơn phết lên mặt tiền đá xám màu vàng tươi tắn, và các khung gỗ đánh vernis cổ xưa được khoác màu lá xanh. Ông anh với mắt nhìn nghệ thuật như người bản xứ, hãi hùng khi thấy nhà hàng sáng choang màu sắc vùng nhiệt đới, nổi hẳn lên cạnh mặt tiền xám đen của nhữngngôi nhà chung quanh. 

Lần thắng đợt đấu giá lấy lại căn hàng diễn ra rất căng thẳng, nên khi đặt bước chân đầu tiên vào gian hàng, tôi không khỏi không xúc động khi nghĩ mình đã  bước được bước đầu tiên để bắt đầu cuộc sống độc lập của mình từ đây. Chấm dứt những sáng dậy sờm từ 4 giờ đi làm việc tại một khách sạn, chấm dứt những cảnh xây sát với bạn cùng làm, những đứa sinh ra để làm công việc đó, không hề nghĩ đến chuyện vươn lên. Chấm dứt những đấng sếp lớn sếp bé ra rả dạy chúng tôi, công việc này, công việc của một " commis de salle polyvalent ", nôm na là chân sai vặt, không phải chỉ là hùng hục làm việc chân tay, mà phải biết dùng đén cả trí óc. Và  những lúc phải xếp hàng, xòe tay ra cho một con mụ da đen chằn ăn trăn quấn kiểm soát mức độ sạch sẽ, thậm chí chỉ còn thiếu màn vạch tóc xem có chí rận gì không nữa mới vừa lòng Mụ ta. Tôi vẫn  nuốt  đi những dòng nước mắt tủi thân, và hứa với lòng mình sẽ đi ra khỏi thế giới này  sau khi đủ số vốn mở cửa một hàng ăn, lối thoát duy nhất của tôi trên xứ sở mới, xóa đi từ những ngày tháng ấy giấc mơ trở lại trường học do tuổi đời và gia đình riêng của mình cần phải đứng thế tự lập cách nào nhanh nhất.

Gian hàng cho đến giờ vẫn còn những trang trí căn bản như từ lúc đầu. Bên trong ,  tấm kính lớn áp một măt tường để giúp tạo ảo giác căn hàng rộng bề ngang, những  vách tường còn lại lồi lõm theo kiểu nhà xứ nóng làm chúng tôi hết sức vất vả mỗi lần sơn quét lại, nhưng lại làm tôi nhớ đến căn nhà số 12 Yagut xưa kia, cũng có kiểu tường như thế ở mặt tiền. Trần nhà bằng kim loại, mỗi lần lau chùi trẹo cả cổ, nhưng chúng tôi chưa có ý định thay đổi, vì dây điện bắt chằng chịt dấu bên trên. Mớ bàn ghế  thuộc loại xưa cũ, hãng sản xuất ra đã phá sản đóng cửa từ lâu, chúng tôi cũng không thay đôi vì rất tiện để sắp xếp lại khi có khách nhiều hoặc ít. Thi thoảng tôi hứng lên thì gian hàng được sơn phết lại, làm khổ đức ông chồng với dàn đèn và trang trí theo bốn mùa, dù  không biết có phải nhờ vậy mà có thêm khách hay không, nhưng với tôi, là chứng tỏ sự cố gắng không ngưng nghỉ của mình để giữ gian hàng đi qua mọi khó khăn, phần thì hàng quán khác nhan nhản chung quanh phần thì các đợt  khủng hoảng kinh tế : năm 1991 và mới đây, năm 2008 kéo dài ảnh hưởng cho đến giờ. 

Tôi đã trải qua 25 năm trong khoảng không gian chưa đến 40 m2, với đủ loại trang trí làm theo trí tưởng tượng của tôi. Mùa xuân được đón chào với màu hồng của hoa mai dại gắn trên những cành cây khô ở mặt tiền, những bình hoa tươi tắn  trước mặt kính lớn, cùng những tấm vải màu xanh như đồng cỏ sống dậy sau mùa đông băng giá, lác đác những bông hoa tulipe được giăng trên tường. Đến tháng hè , lối bước vào hàng được đặt một tấm hình to chụp một cánh đồng đầy hoa dại muôn màu sắc. Trước bệ kính, thêm mấy con cóc màu xanh vắt vẻo trong những tư thế thư dãn, không biết tại sao lại làm tôi nhớ đến thằng cháu trai con của ông anh đầu, thằng bé hồi nhỏ làm bố mẹ  nhọc nhằn về mức độ relax của nó trong việc học, không có gì là vội vã. Ngày nó tốt nghiệp được bằng y tá , cả nhà thở phào mừng rỡ. Tháng 9, cái tháng tôi thích nhất trong năm, khi nhìn màu nắng vàng có sắc úa tàn ngay từ lúc bình minh và những màu lá rức lên màu sắc dữ dội trước khi lìa cành, cùng những đợt lạnh se da, là nguồn cảm hứng cho tôi giăng vải màu đỏ đậm ấm cúng quanh các bức tường, cùng những chùm đèn khoác lá vàng chen lẫn những chùm nho đen chín mùa thu hoạch đệm thêm những hạt quả màu đỏ và màu cam .Các bệ  cửa đầy nhóc những trái bí đủ mọi hình dạng.

Có năm tôi rinh cả một trái bí to đùng lấy từ căn vườn ở Halle của Ba Má tôi dện ngay trước ô kính hình vòng cung . Bí nằm êm ấm tại chỗ cả mấy tháng không hề hề bị hư . Bước qua tháng cuối năm, bóng tối tràn đến đã từ 4 giờ chiều, thành phố Bruxelles ủ dột dưới màu trời thường xuyên xám xịt, lâu lâu có sương mù  biến nhà cửa phố phường  trôi nổi bềnh bồng. Phố xá được giăng đèn kết hoa chuẩn bị cho lễ hội cuối năm. Mức độ trang hoàng không hào nhoáng như những thành phố lớn khác, nhưng cũng đủ dấy lên  trong tâm hồn niềm hân hoan chờ đón những ngày vui. Chỉ có năm ngoái  đặc biệt hơn, do lệnh báo động cấp bốn sau màn khủng bố ghê gớm ở Paris, tất cả nơi công cộng đều bị đóng cửa, nên những ngày đầu tháng12, hàng quán đóng cửa hết , phố xá vắng tanh, đèn trang trí vắt dở dang trên các rặng cây dọc con phố chính, những xe thiết giáp cùng lính tráng khắp nơi như sắp có giao tranh lớn. Tình trạng báo động kéo dài đến gần cả cuối năm mới chấm dứt. Noel trong hàng tôi cũng được chăm sóc chu đáo, vì vốn rất nhiều lần, bữa tiệc réveillon đã được tổ chức tại đây, kéo dài nhiều năm trước khi Ba tôi mất để tránh việc di chuyển cho Ba khi sức khỏe kém dần. Những bức hình Noel cuối cùng với Ba, con cái quần là áo lượt vây quanh, biết trước rằng sang năm sẽ có một khoảng trống trong tấm hình sum họp. Trang trí mùa đông  không thể thiếu một rừng thông lúc thì trước cửa kính lớn, lúc thì ở bên ngoai trước cửa hàng (chỉ được đúng 3 bữa , thiên hạ đến chôm dần  cho đến cây cuối cùng) . Sau rốt rừng thông được treo lơ lửng trên lầu một, có lẽ để nhớ đến thành phố bên quê nhà vốn tràn lan thông xanh, ấp ủ chúng tôi những năm tháng dài tràn đầy hạnh phúc thuở thiếu thời. Trong ánh sáng của những ngọn đèn lấp lánh, chúng tôi đã trải qua không thiếu những buổi họp mặt gia đình đầm ấm. Năm con gái lớn tôi đi lấy chồng, căn hàng tham dự với cả nhà bằng trang trí giáng sinh lẫn lộn với những giòng chữ vu qui được vợ chồng tôi thức gần trắng cả đêm dài dán khắp nơi. Lần đầu tiên họp mặt được cả đai gia đình, cả bên phía chồng tôi, cộng gia đình của xui gia ; gần 60  người vẫn đủ chỗ trong gian hàng nhờ làm tiệc đứng.

Tết đến, nhớ mãi năm gian hàng đầy những  câu đối màu đỏ , tác phẩm rất khéo tay của thằng em tôi làm cho nhân  dịp tổ chức "tết mở rộng", nghĩa là mời thêm bạn bè của đại gia đình, những người đã giúp chúng tôi  bước đầu đặt chân đến đây lập nghiệp đến chung vui. Nó đã có một đêm dài  sáng tác cùng những dòng nước mắt rơi, vì biết Ba sắp bỏ chúng tôi đi. Đến ngày đại tiệc, Ba trên lầu không xuống được, vài người trong gia đình còn phải đi lên giúp lau rửa Ba sau lúc đi vệ sinh, nên tiếng cười nói xôn xao chỉ còn lại dư âm cho tối hôm sau, gia đình tôi cùng Bà chị cả đến thăm, cõng Ba xuống nhà, đặt trên xe lăn đẩy đi thăm một vòng trang trí trong hàng, Ba ậm ừ không khen không chê, như kiểu Ba vẫn làm thế với con cái. Hay Ba chỉ còn nhìn thấy những ảo giác quanh mình, những người chiến binh, những khuôn mặt không quen biết đứng sẵn trước khung cửa vẫy gọi Ba ra đi, cuộc sống thật sự với con cái quây quần chung quanh chỉ còn là cuộc sống hờ. 

Ba Má có còn nhớ không? Cái tết được trang trí bằng 171 đóa hoa hồng treo trên trần nhà, tượng trưng cho tuổi đời của Ba với Má cộng lại, cũng là tác phẩm của thằng em.

Gian hàng của tôi là như thế, không phải chỉ để bán hàng ăn , mà còn là nơi sinh hoạt chung của đại gia đình : Noel , Tết , và sau này, những tiệc tang cùng những đám giỗ của Ba và Má.

Vất vả không thiếu, căng thẳng không thiếu, nhưng bây giờ, khi đang mấp mé ở độ tuổi về hưu, tôi bỗng dưng ngại ngần khi nghĩ đến chuyện rời xa nó, rời xa nơi chốn đã cho tôi bao nhiêu cảm xúc vui buồn lẫn lộn.

Nhớ thực đơn đầu tiên được soạn ra, cả nhà đọc và nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ, kẻ cho đến lúc đi lấy chồng mới biết thổi nồi cơm, và kinh nghiệm làm nhà hàng chỉ là một nồi mì quảng lúc đầu, sau đó là nồi bún bò nghi ngút khói mỗi buổi sáng, kế sinh nhai của tôi khi bị nghỉ việc khỏi ty xây dựng Dalat.

Tôi còn phục tôi nữa là, những tên gọi món ăn không  bay bướm cỡ "loan phụng cầm duyên " , nhưng cũng kêu rổn rảng  ra trò : chả cuốn của cung đình, gỏi cuốn mùa xuân, mì xào thập cẩm, gà xào hạt điều, vân vân, nặn ra được tòm tèm cũng mấy chục món để tự ... làm khổ mình( và làm khổ mấy đứa con mỗi lần phải giúp mẹ nó sửa đổi lại thực đơn). 

Không một chút kinh nghiệm làm việc với tầm nhìn xa hơn nồi bún bò. Bà chị dâu bên Mỹ phải quay luôn cho một cuốn vidéo, từ cách cắt thịt, cách làm sốt, định lượng để không phung phí, cỡ pho cẩm nang "cuisine pour les nuls ", dịch ra là gia chánh cho kẻ không biêt làm bếp. Cái màn bắt chước theo bếp của bả không dễ dàng, vì nhà hàng của bả cho khoảng 300 khách, tôi phải trước hết thay đổi đơn vị đo lường, từ "pound" ra kí lô, từ "gallon" ra lít, rồi sau đó chia cho 10, vì chỗ tôi nhỏ như hành tinh của cậu hoàng con, chỉ có 11 cái bàn với hơn 30 cái ghế, nên những con số tính toán rất chóng mặt vì bắt đầu bằng 0,00.... ! Bả còn bày cho một chiêu gia truyền là cách pha bột nêm khiến cho bao nhiêu đầu bếp của tôi đi ra đi vô như bươm bướm bay, mà vị nêm không có gì thay đổi.   

Tôi quyết định xây dựng  nghề nghiệp mình dưới khẩu hiệu " ngon, rẻ, sạch, và nhanh".

Kết quả là 7 năm đầu cấy cày không đi hè đông hè tây, đám cưới của mấy đứa em phải bỏ ống cả năm mới đủ tiền mừng, lấy tiền thưởng nhà nước cho đận sinh Tố An để trả hóa đơn điện, hàng tháng lo chạy cho đủ tiền nhà và chi phí các loại, lúc nào cũng như nước lụt đang sắp dâng lên ở cấp báo động đỏ, vì bán rẻ quá mà khách lại không đông. Có lúc xanh mặt nghĩ, kiểu này đến già cũng chưa sắm được nhà để chấm dứt cảnh nhà thuê.

Ngon thì không biết có thật không, nhưng có những nhóm khách tình cờ đến đúng trong một thời điểm nào đó, giúp chúng tôi qua cơn nguy cấp. Chả hạn như lần tôi bị cấm cung trong nhà thương cả mấy tuần lễ vì mổ sinh Tố An cộng với cái ruột thừa, đứng trên lầu 10, nhìn dòng người màu sắc quần áo vui vẻ cho những ngày đẹp trời của tháng 5, nghĩ chắc hàng mình khách khứa đang sập sình, gọi điện thoại về hỏi thăm con em đang coi hàng dùm, nó không nỡ nói thật là hàng đang ế chỏng gọng vì khách hàng đi tìm vườn tược và vỉa hè để ngồi phơi nắng mùa xuân, là cái hàng tôi không có, thì có một nhóm khách Nhật sẵn sàng ngồi chờ đằng trước cửa đợi chồng tôi chạy vội từ nhà thương về  mở cửa hàng, lại còn giúp khiêng vác thức ăn vì chồng tôi xoay sở có một mình. Hoặc ông khách người Mỹ ái ngại nhìn chồng tôi tay băng vì đi mổ một cái gân vẫn hùng hục làm đủ mọi chuyện, ăn xong, tự thu dọn hết, thiếu điều đi luôn vào bếp tự sản xuất thức ăn .Chả hạn như chị em trong nhà kéo người quen và nhân viên làm chung đến ăn ủng hộ. Cứ buồn cười mãi với kỷ niệm lần con em dẫn sếp đến ăn, gọi món salade tôm cho sếp mà lo tôm có xuất hiện đầy đủ không hay lại thẹn thò núp dưới cả đống hầm bà lằng rau trộn, bới mãi không ra. 

Chủ trương sạch mới làm tụi tôi nổi gai ốc mỗi khi nghĩ lại. Thứ sáu hàng tuần , chồng tôi thức đến 2 giờ sáng để lau chùi. Ông anh dẫn người bạn đến ăn , cả buổi tối chỉ có đúng hai người, thấy chồng tôi tay giẻ tay thuốc chùi rửa, miệt mài gian trước với gian sau, ông anh chóng cả mặt phải tha thiết kêu gọi ngưng kỳ cọ . Mãi đến mấy năm sau kể từ ngày khai trương, thị trường lao động xuất hiện đội quân lau chùi đến từ các nước Đông Âu, mới ngẩng đầu lên được một tí . 

Bao nhiêu lần trục trặc kỹ thuật, sượng cả mặt, khi khách lôi từ trong dĩa thức ăn ra một em sâu chín nhừ trong búp rau brocolis, một sợi tóc vấn vương đâu đó, hoặc lần phải đền lại hết cả chục món ăn vì họ tìm thấy một cọng bối chùi xoong rơi rớt vào. Cười cả ra nước mắt khi một buổi chiều mùa đông âm u, một em khách vào gọi món súp cua , hỏi mãi là súp cua của tôi có cho thịt khác vào không, tôi nói chắc như đinh đóng cột là chỉ tuyền thịt cua, vậy mà ẻm đã lôi ra được một em sâu cuộn mình trong nấm. Tôi xuống hét vang trong bếp, anh chàng phụ bếp gãi đầu , cả quyết đã nhìn kỹ , đó là lỗi tại em sâu núp mình quá kỹ.

Thi thoảng một em dán, đang giờ đông khách, bò lên tường ngo ngoe haii cái râu ăng ten, tự hỏi " ta đang ở đâu vậy cà ? " không sao mà thanh toán được ẻm một cách kín đáo, đành để khách cùng ngắm nghía, tôi lờ đi kiểu "no comment ". Nhưng sau  đó  nộp không biết bao nhiêu tiền cho chuyên viên đến diệt chúng  tận gốc.

Sự nhanh nhẹn của tôi thích hợp với nghề này. Có cái là không phải cả ê kíp làm việc của tôi đều nhanh. Vấn đề nhức đầu của tôi nằm ở đây sau hơn phần tư thế kỷ trong nghề. 

Tuyển lựa người làm còn hơn tuyển lựa tài tử để tìm cho ra người nhanh nhẹn. Người làm được thì eo sèo lương lậu, tôi nhức đầu quá đành lót lá dẫn ra cửa. Người chậm chạp hơn vẫn được giữ lại lâu hơn , chúng tôi tự an ủi nhau , cốt là tính tình không ba đá , còn thì họ cũng chỉ có hai tay ....

Buổi trưa nào cũng như một bãi chiến trường đánh đông dẹp tây, chạy như một con thoi, tính tổng số mét chạy vòng vòng trong hàng , cũng cỡ half marathon của Bruxelles  chứ chả chơi, vì khách chỉ có một giờ ăn trưa, không làm nhanh thì khách tếch đi chỗ khác. Đám khách lúc nhúc trong hàng như đám giặc , không khí ồn ào nhộn nhịp vì họ nói chuyện với nhau, không cần để thêm âm nhạc làm gì. Quen nhìn như thế, bữa nào hàng ế khách, thấy gian phòng bỗng dưng rộng mênh mông, tiếng mình nói âm vang một cách hết sức sầu bi, khách bước vào ăn , cũng có hơi e dè khi thấy những dọc ghế với bàn trống trải ở chung quanh. 

Có những người khách đi theo chúng tôi từ thuở khai trương cho đến giờ, cả chủ lẫn khách già đi theo năm tháng. Có khách đã đi về thế giới bên kia, phần lớn rất đột ngột, khiến tôi vẫn thấy chút se lòng khi nhớ về họ với những thói quen và những góc ngồi quen thuộc.

Khách được chúng tôi đặt tên theo kiểu của mình, "Bà Cánh Gà " vì chỉ mua đúng món này trong hàng tôi, Bà "Deux Euros " vì lúc nào cũng để lại trên bàn số tiền típ như thế , "Ông Hàng Xóm " dù ông ta đã dọn nhà đi rất xa .... Tôi không biết tên khách, tôi không biết nhiều đến gia cảnh của từng người, quan hệ của tôi với họ chan hòa nhưng chừng mực, những câu chuyện vẫn chỉ là thời tiết nắng mưa  không chết ai . Nhưng gian hàng là nơi cho tôi cơ hội giao tiếp và thực hành tiếng  bản xứ. Nghĩ đến lúc nào đó , không làm việc nữa, quay về với máy ordinateur cùng mớ bạn ảo , chỉ còn những lời nói thầm, chắc tôi sẽ thấy rất thiếu vắng. 

Vậy đấy, một nghề nghiệp dễ dàng mà không dễ dàng, một gian hàng đang sắp biến thành đồ cổ trước những phong trào  e-food , e- cooking , cuisine des voisins , easy food , dịch vụ giao thức ăn bằng xe đạp , order trên máy tính... . Khách quen vài người xài địa chỉ e-mail của hàng tôi, vẫn còn cẩn thận gọi tel cho tôi nhắc mở e-mail ra mà đọc ! Thêm cái nhà nước đòi cài caisse noir , kiểm soát tất tật mọi nguồn thu chi, người làm phải bấm giờ đến làm việc... Những cái đang xảy đến đang khiến tôi  đôi khi nản lòng, thấy mình bị không đi kịp với thời đại máy tính , biết rằng một thời hoàng kim đã đi qua. 

Đứng đối diện với tấm kính vỡ, trong tôi dấy lên niềm xúc động . Sờ vào những vết nứt, sờ vào những vết tróc lở, tôi thì thầm với gian hàng của tôi : chúng mình sẽ không bỏ nhau , phần tư thế kỷ chia sẻ buồn vui đã đi qua, sau đây mình sẽ khoác một màu áo trang trí khác, hợp thời hơn , nhưng cuộc chiến đấu sẽ vẫn tiếp diễn , không lùi bước  , và không bó tay. Ý nghĩ về hưu sớm vui vầy với cháu đã phải dẹp qua một bên, vì cháu được đi nhà trẻ , gặp mỗi một lần trong tuần  trừ khi chúng ốm đau, mà tôi luôn luôn mong muốn chúng có sức khỏe tốt . Nên nếu không muốn hai cái mặt già đối diện nhau suốt ngày, thì còn phải cấy cày , hân hoan cấy cày nếu sức khỏe còn cho phép . Và gian hàng sẽ vẫn tiếp tục là nơi chiếm hết già nửa ngày trong tuần để tôi còn chứng minh khả năng làm việc của mình, không đếm thời gian qua nữa, vì chưa thấy rõ ràng đích cần phải đến, chỉ nghĩ đến ngày sinh nhật thứ 25 của hàng như một mốc thời gian.

 

Hương Quỳ

Bruxelles 03/17/2016



Xin chào, mùa xuân


Giữa tháng Ba, mọi người luyến tiếc bảo nhau thế là năm nay không có tuyết! Thật ra cũng có đấy, nhưng không đủ trắng ngọn cỏ, không đủ nằm nhà nghe tuyết rơi, và lại càng không đủ cho một ông người tuyết lem nhem đứng góc vườn. Vì vậy coi như là không có màu trắng của tuyết.


Nhưng bù lại là màu trắng của hoa lê, hoa mận, hoa táo quanh nhà, quanh vườn. Năm nay trời ấm, ít gió cho nên hoa nở khắp nơi. Mở cửa ra sân trước vườn sau, con mắt mình tha hồ thưởng thức màu trắng tinh khiết của những bông hoa đầu mùa. Thiên hạ hết lời ca tụng những cây hoa đào Nhật, đổ xô lên Washington DC để được đứng dưới hàng mai hồng, riêng mình tìm đến cây cây mận dại cuối góc park. Nó khiêm tốn nép mình giữa một đám dây leo, cây dại và rồi tưng bừng hoa nở. Người ngắm nó lâu nhất có lẽ chỉ một mình mình. Có mấy ai chịu khó đi giày bốt cao su lội nước bì bõm tới cuối bờ suối mà nhìn nó đâu chứ.


Xin trải lòng ra, đón nắng về
Xuân vàng rực rỡ khắp sơn khê
Có ai biết được nơi vườn cúc
Nụ bạch đang chờ điểm sắc lê


Cây mận dại lặng lẽ ra hoa, đón ong cùng bướm, không phô trương bằng mấy hàng cây lê được trồng ven đường hoa nở bung ra như những đám mây trắng, rực một góc trời nhưng chỉ được đúng một tuần, sau đó mầm lá non nhú ra. Và chỉ trong một ngày, cây từ màu trắng trở thành xanh non. Nhưng trong khoảnh khắc chỉ có hoa và trời, thì nó cũng đủ làm cho mình thấy xao xuyến, thấy trời đất mở lòng đón những ánh nắng ấm áp của mùa xuân.

 
Mình được tặng cái máy hình loại semi-pro. Mới đầu nghĩ ôi trời, ở cái xứ Fort Worth bằng riến này lấy đâu ra cảnh vật hùng vĩ để chụp rồi post lên Facebook khoe cho bằng chị bằng em. Thế nhưng nếu mình thấp người xuống, nhìn thật kỹ dưới chân mình, vạn vật đang tưng bừng sắc xuân đấy. Dù chỉ là một mầm non cây dại, hay một bông hoa bồ công anh lẻ loi trên bãi cỏ chưa kịp xanh, hay một cây hoa tỏi ngơ ngác trước gió. Và nếu nhìn kỹ hơn, sẽ là những giọt sương đêm trước còn đọng lại trên sắc lá mơn mởn của mùa xuân về.

Lá mầm xanh nhẹ nhàng xòe lá hứng, rất đỗi dịu dàng từng giọt mưa đầu xuân. Ánh nắng lên mời gọi rất ân cần, vươn lên nào những mầm xuân đầy kiêu hãnh.

 



Bao chồi non, lộc biếc trên đời,
Gom nhựa sống lên màu tươi thắm.
Đất im lặng tận cùng mưa nắng,
Chia kiệt mình cho hạnh phúc vươn xanh.


Khi cuối người xuống cùng đất trời, mình sẽ nghe thấy tiếng thầm của niềm vui, tiếng nhẹ nhàng rung rất khẽ, của những nụ mầm non…

 
Những bông hoa dại của Texas còn e ấp ở đây, chưa nở bung ra vì thật sự nhiệt độ ban đêm còn hơi lạnh. nhưng nếu hoa dại chưa sẵn sàng thì nhà mình đã có mầm non của cây phong đỏ, đã có nụ non của hoa mười giờ, và những bông hoa hồng đã đơm nụ.

 
 
 
 
Hình như xuân là tiếng cười trong vắt,
Giữa nhân gian thanh khiết đến vô cùng,
Con người như nhỏ bé trước không trung,
Thoảng giây phút hòa tan vào bất tận.

 Và nếu mình hít thật sâu, hương hoa cỏ sẽ nồng nàn hơn, cả đất trời như bừng lên nhựa sống. Và rồi mình sẽ thốt lên, bằng cả tấm lòng “Xin chào, mùa xuân”.

 
 
Lan Hương
Fort Worth (03/17/2016)

Thursday, March 10, 2016

Thêm Một Tuổi


Sinh nhật năm mươi ba tuổi. Không nến, chẳng bánh cũng không hoa. Sinh nhật năm mươi hai cũng thế, và năm năm mươi bốn cũng sẽ thế. Lần cuối cùng mình thổi nến sinh nhật cách đây hơn 20 năm thì phải, khi chân ướt chân ráo đi làm cho EDS. Buổi sáng ngày 10 tháng 3, đám coworkers đem cho mình một cái cup cake bằng nắm tay với một cây nến cắm trên đó rồi hò la bảo thổi đi, thổi đi, “make a wish” đi. Mình hồ hởi phấn khởi thổi ngọn nến duy nhất, kịp nghĩ nhanh trong đầu, mong cho hai thằng con mau khỏi bệnh, chỉ thế thôi cũng đủ mừng rồi. Khi ấy hai thằng đang mắc bệnh chicken pox, người lấm tấm mụn đỏ như beo gấm, phải nằm nhà hơn một tuần. Mình có mặt tại sở lúc 6 giờ sáng, bỏ nghỉ trưa để ra khỏi sở 2 giờ chiều, phóng về nhà coi con cho bố nó đi làm lúc 3 giờ, về nhà 10 giờ đêm. Vợ chồng thay phiên nhau coi hai thằng vì nhà trẻ từ chối “beo gấm” sợ lây lan biến nhà trẻ thành sở thú mất, mà họ hàng bà con nhìn trước nhìn sau chẳng có ai chung quanh đỡ đần. Ông chồng cám cảnh kêu lên “Hai đứa mình sao giống con mồ côi quá vầy nè!” Mẹ chồng sau này nghe thế bảo “Ăn với nói!”

Lần được tặng hoa cuối cùng là ngày trở về sau đám tang của Má. Mình suy sụp hoàn toàn, lết vào nhà thấy bình hoa dại hai ông con đi bứt dưới park về cắm trong cái ly uống nước kèm theo một tấm thiệp nguệch ngoạc “Chúc mừng Ngày lễ Mẹ”. Nhìn bình hoa lẫn lộn cỏ dại đã héo hơn nửa, mình hiểu cuộc sống dù sao cũng phải tiếp diễn, dù có Má hay không có Má. Đức ông chồng mình lần sau chót tặng hoa cho mình không biết vào cái dịp gì thì kèm với hoa, mình được nhận thêm câu “Hoa gì mà đắt kinh khủng! Đúng là rip off!” Mình cắm hoa vào bình, cắm luôn cái cảm giác đã để cho ông chồng bị trấn lột một cách vô nhân đạo vào trong lòng. Sau đó mình có gợi ý thay vì mua bó hoa, mua cho mình một chậu hoa, nghĩa là có đất, có rễ, mình sẽ chăm sóc nó để nó nở hoa tiếp sang năm. Mình nhận được một chậu lan rồi im bặt, không thấy gì nữa. Đến cả hoa lan cũng được liệt vào hạng “trấn lột” thì thôi, mình chẳng mong ngóng gì nữa cả. Cũng may cái chậu lan này năm nào cũng nở một cành cho đến tận bây giờ. Ngẫm tới ngẫm lui, cũng tội ông ấy. Giá như mình thích cà rá bông tai thì dễ cho ông ấy biết chừng nào. Đi mua một sợi dây chuyền tặng ông ấy không cảm thấy phung phí bằng mua một bó hoa mà nó chỉ tươi tắn được đúng 10 ngày nếu chăm chỉ thêm nước thay nước rồi cuối cùng cũng kết thúc trong thùng rác. Nhưng mình chẳng buồn đâu. Đến khi mình chết, mình sẽ gom đủ hết hoa cho chừng đó năm không được tặng hoa. Hê hê!

Cách đây mấy năm, nhân dịp ông anh lên ngồi chiếu cụ với số tuổi 60, ông ấy bảo không cần quà cáp, chỉ cần mỗi người viết cho ông ấy biết những suy nghĩ của mình trong quá khứ, hiện tại và mơ ước cho tương lai. Mình nhớ mình tống cho ông ấy hai bức thư dày cộm kể lể quá khứ và hiện tại. Ông ấy chờ cho đến bây giờ mà không thấy bức thư tương lai của mình ở đâu. Chỉ vì nó mở đầu như thế này “Ceux qui ne regardent que dans le passé ou le présent sont certains de rater l’avenir”. Chấm hết. Chẳng bao giờ mình gởi nó đi Dubai. Nghĩ về tương lai ư? Chắc chỉ mong cho chân tay khỏi đau để chạy cho nhanh, chơi tennis cho khỏe, không thì đến phải xài meldonium như Maria Sharapova mới trụ được. Mà nghe nói, sau khi Maria bị treo vợt, số lượng thuốc meldonium được bán ra đắt như tôm tươi! Thế mới biết trên đời này có biết bao nhiêu cái tay đau cái chân đau vẫn còn luyến tiếc với cái việc nâng vợt vụt một cái cho sướng. Còn con cái ư? Sau khi hai thằng vào đại học, mình phủi tay được chưa? Mình không biết đến khi nào thì Ba Má mới không phải lo cho mình? Lúc mình chia tay cả nhà ở phi trường Zaventem, đi lấy chồng nước mắt như mưa chăng? Còn tương lai riêng cho bản thân mình ư? Ngày nào đi làm về cũng thấy tấm bảng trưng số độc đắc lên hàng triệu đô la. Nếu trúng số, việc đầu tiên mình làm là mua vé máy bay về Bỉ, ngồi ghế hạng nhất duỗi chân duỗi tay cho bằng sướng. Chứ bây giờ ngày nào cũng lên Google mò vé tuyệt vọng, toàn giá trên trời dưới đất, đem nhân cho bốn thì đúng là nghèo mà chơi sang. Giá xăng đã rẻ biết bao nhiêu rồi mà sao đường về cố quốc còn xa vời đến vậy? Riêng khoản sự nghiệp thì đến tuổi này rồi không còn nhìn ngang nhìn ngửa muốn nhảy hãng nữa. Và cũng không còn nghĩ “Nếu được lựa chọn mình sẽ đi học cái này, làm cái này thay vì làm nghề này, vân vân”.  Mà cái số của mình bị dính chặt với hãng này mất rồi. Mấy lần manh nha tính bỏ đi thì vừa tu sửa cái resumé xong ông chồng thông báo hãng ông ấy đang cho nghỉ việc. Mình ngậm ngùi cất resumé, tiếp tục lái xe vào Downtown. Hai mươi năm đi làm, đổi chỗ ngồi 4 lần, ơn trời dưới cùng một hãng, chỉ xách cái computer đi từ bàn này sang bàn khác. Boss cũng già theo mình, thình lình lên chức bà ngoại bất đắc dĩ mà không có con rể. Boss cũng đã kịp đổi bồ ba lần, trong đó có một ông thay vì lên xe bông với Boss đã chết ngay trên xe của Boss trên đường đến nhà thương vì đau tim. Gò má Boss hơi cao nên Boss lận đận mãi đến năm ngoái mới lấy được ông chồng này, cái ông mà cả team nói lén sau lưng Boss “Người ngợm trông giống nông dân quá!” Riêng trong team đã có hai ông nghỉ hưu, bốn ông bị đuổi việc và một ông chết vì ung thư da. Thời gian như thoi đưa, mình ngồi một chỗ nhìn thiên hạ đến rồi đi. Mang theo buồn vui hỉ nộ ái ố một thuở đi làm.

Năm ngoái viết blog còn tự hỏi “Bao nhiêu tuổi là già?” thì cách đây ba tháng tóc đã được nhuộm. Đúng ra không phải nhuộm mà là highlight. Mình đi highlight ngày chủ nhật, thứ hai đi làm với cái đầu nhìn rất mới mẻ, ngay cả mắt mình nhìn cũng không quen. Đến mười giờ sáng đi họp team, cái lão mà mình ghét nhất trong team nhìn chăm chăm lên đầu mình rồi hỏi “Mày làm gì với bộ tóc của mày vậy hả?” Boss liền chen vào “Đẹp đấy chứ. Nhìn thấy trẻ ra hẳn”. Boss nói thì không nên tin lắm vì mụ ấy đang ra sức nịnh mình để mình làm cho mụ cái report cấp tốc.  Sau một tuần với cái đầu mới , mình rút ra kết luận, đối với Mỹ, nhuộm tóc, highlight bất cứ màu gì ở bất cứ tuổi nào, chúng cũng khen đẹp. Mỹ vốn chuộng sự thay đổi mà. Da vàng mũi tẹt phe ta thì phải chia làm hai loại. Đối với bạn bè, cả đám kêu lên, ôi trông chị trẻ ra quá, mô đen quá sau khi quất sạch nồi mì quảng của mình. Đối với nhà chồng, im thít, “no idea”. Mà ôi thôi, đã từ lâu mình không còn màng đến chuyện nhà chồng nghĩ cái gì nữa. Riêng ông chồng sau ba tháng một hôm mới dám nói “Không đẹp”. Khổ thật, ông ấy không biết rằng tóc phải highlight để che những sợi bạc lấp ló. Ngày nào cũng ráng nhổ hết tóc bạc thì mình sẽ thành “trọc phú” chứ chẳng chơi.

Năm mươi ba tuổi, nhìn lại chừng đó năm tự dưng thấy tội cho đức ông chồng. Nếu mình ăn rồi chỉ mê phim Hàn, suốt ngày dán mắt xem “Mẹ chồng ăn thịt nàng dâu”, chạy ra chạy vào giữa phòng khách với nhà bếp, mắt để tivi chân ở ngoài garage hầm xương nấu phở nghi ngút khói, nấu cháo lòng nhuyễn nhừ không biết nấu spaghetti thì có lẽ ông chồng mình sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Nếu mình không biết đi bộ là gì, đi cắm trại là gì, đi đạp xe đạp là gì, ngồi xem 송중 (có trời mới biết đó là ai, mình tìm thấy trên Google) nhỏ lệ với 손예 thì có phải là đơn giản cuộc đời cho ông ấy không? Phim truyện cực kỳ dễ hiểu với mô tip chàng đẹp trai nhà giàu, nàng nhà nghèo cũng đẹp không kém, hoặc ngược lại ở cái khoản gia cảnh khó khăn, khi nào đạo diễn muốn thay đổi thì cho chàng hoặc nàng bị mù để thêm phần lâm ly. Kéo dài đến phút 59 của tập cuối cùng thì hoặc chàng hoặc nàng sẽ chết, hoặc cả hai cùng chết trong một tai nạn xe cộ mà tay vẫn nắm chặt lấy nhau. Ở đây đạo diễn muốn mua nước mắt của người xem nên coi khinh phản xạ tự nhiên các loại, coi coi như pha cả những tình tiết hiển nhiên khi cho cả hai nằm chết trong cái xe bốc cháy ngùn ngụt mà mặt mũi vẫn sạch sẽ, đố có dính một vệt khói muội nào. Lâu lâu thay đổi mùi vị, đạo diễn sẽ cho nàng chết vì đau tim cho điệu đàng, chứ chết vì kiết lỵ thì hơi tởm, chàng khóc sưng mắt chẳng bao lâu sẽ có chị em song sinh của nàng xuất hiện, và phim cứ thế hồn nhiên kéo thêm mấy chục tập. Cái này là mình phịa ra chứ mình chưa từng xem bất kỳ bộ phim nào, chỉ ngồi nghe thiên hạ kể lại mà thôi. Và nếu mình chán phim Hàn với mặt mũi tài tử hao hao như sinh đôi nhờ các viện thẩm mỹ, thì tại sao mình không chịu coi phim đánh đấm, đạn nổ như mưa, vỏ đạn rơi tung tóe như rắc confetti mà tài tử chính chẳng rụng lấy một cọng tóc, coi tới chữ THE END thì chẳng còn gì trong đầu, thay vì tâm tư đi tìm tính nhân bản trong phim The Departure, hay L’Amour hay Nebraska làm gì cho mệt óc.

Ở đây phải mở ngoặc một tí. Khi mình lắng nghe Brahms No 3 thì ông chồng mình líu lo với “Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi”, khi mình chuyển sang Adele với Water Under the Bridge, chồng mình sẽ nghe Hotel California, mình tiến tới nhạc 2015, ông ấy còn dừng và không chịu tiến thêm một bước nào ở thập niên 80, thời đại học của ngài. Thế cho nên lên xe ngồi chung với nhau, chớ mà mở nhạc, bất cứ nhạc kiểu nào, kẻo mất lòng nhau. Đồng xe dị mộng là đây chứ còn ở đâu cho xa? Cũng may có headphone, ông ấy cứ việc thả hồn theo “Cô lái đò bến Hạ”, mình theo đuổi “Million years ago”, lặng đi một tí ở cái đoạn “I feel like my life is flashing by. And all I can do is watch and cry. I miss the air, I miss my friends, I miss my mother…”.  Đến khi mình bắt đầu đi xem opera thì chồng mình giở nón chào thua, bảo không thể chịu nổi tiếng rên ư ử ấy. Cú sốc văn thể mỹ đã xảy ra cách đây vài chục năm, dạo hai thằng con còn chưa ra đời, mình sống sót đến bây giờ vẫn chung một mái nhà thì cú sốc ấy chẳng còn mùi mẽ gì nữa. Cứ tâm tâm niệm niệm thế này nhé, chỉ nhìn những điều tốt đẹp của nhau mà thôi.

Khi nào chán phim thì  sao không đi shopping, chồng mình ngay từ đầu đã hỏi như thế. Ừ, đi bộ một mile thì rên đến trời, chứ đi shopping cả ngày chẳng nghe ai kêu rên, ấy là mình suy từ bên chị em chồng ra. Còn mình hùng hục chạy 3 miles nửa tiếng về thì mọi người nhìn mình như con rồ. Nghe mình bảo đạp xe đạp 150 miles thì quay sang nhìn ông chồng mình ái ngại, lo con vợ chỉ mải mê xe đạp, không chịu ở nhà dọn dẹp nhà cửa cơm nước hầu chồng. Đến cái khoản vác ba lô dẫn chó đi camping, ngủ bờ ngủ bụi, nhà chồng rùng mình đành nhắm chặt mắt á khẩu. Và thói thường đến giai đoạn này họ càng thương yêu “nạn nhân” là đức ông chồng của mình nhiều hơn, chĩa mũi dùi về phía mình nhiều hơn. Và họ vẫn không hiểu tại sao mình xếp cái mục vui thú nhất trần đời là shopping vào hạng mục cuối cùng trong cái list những việc mình thích làm. Sờ quần sờ áo vui thế mà lại!

Mình luôn luôn nói với hai thằng con sống phải có ước mơ, dù là ước mơ nhỏ nhoi nhất. Đến khi nó hỏi mình ước mơ trong đời của mình là gì, mình trả lời ngay “Tibet!” Một thằng bảo Mẹ ơi, nó chẳng nhỏ chút nào và thằng kia hỏi tại sao lại là Tibet? Vì chuyện Tintin đọc hồi còn nhỏ con à. Tibet, nóc nhà thế giới, vùng đất bí ẩn với những ngôi đền xây trong đá, đã từng cấm cửa du khách mấy trăm năm, ám ảnh mình đến tận bây giờ. Năm ngoái có con nhỏ người Nepal cùng làm với mình đã hẹn hò mình đi Nepal rồi từ đó đến Tibet với nhau, được nửa chừng xuân, nó nghỉ việc mất tiêu. Mình đâm ra mất phương hướng. Mình biết bây giờ đi Tibet không phải là chuyện không thể làm được nhưng mình vẫn để Tibet trong tâm tưởng như một cái đích để nhắm tới, như ông lão Rudi trong bộ phim Cherry Blossoms, lần mò đến ngọn núi Fuji nhìn nó thay cho bà vợ, người một lòng yêu mến những cánh hoa anh đào nở ở xứ Nhật xa xôi. Chứ cái gì cũng làm hết rồi thì cuộc đời đâm ra lại vô vị mất.
 
 
Thêm một tuổi, đâm ra hơi lẩm cẩm mặc dù từ sáng đến giờ nhận cả đống những lời chúc mừng sinh nhật, mở màn lúc 6 giờ sáng, bằng lời nói qua đức ông chồng, sau đó qua FaceBook, qua Viber, qua Email. Rất vui. Thật thế.  
Chiều nay đi làm về liếc mắt lên con số độc đắc, hơn ba triệu, dư tiền vé máy bay về Bỉ để ngồi giữa anh chị em. Năm nay Bính Thân nghe nói hợp với tuổi Mẹo. Biết đâu đấy.

Lan Hương

(Fort Worth 03/10/2016)