Pages

Friday, June 26, 2015

Ra Riêng


Năm 13 tuổi, tôi quyết định “ra riêng”! Lần này không giống hồi lên 11 tuổi, tôi cũng manh nha “ra riêng”, nhưng tôi dọn vào ở trong căn phòng lớn, được gọi là phòng Me vì hồi xưa Me ở phòng này. Chị Hường, người giúp việc trong nhà, ôm cái giường ở góc phòng. Còn Xuân, em họ của chúng tôi, con cô Cao, ngủ ở cái giường kế bên. Riêng tôi chiếm lĩnh cái giường đơn bằng sắt, nằm khoảng chính giữa. Mang tiếng ra riêng, nhưng quần áo, sách vở của tôi đều ở dưới nhà, chỉ có buổi tối thay vì vào giường ngủ chung với Má, tôi lên lầu vào phòng Me. Khoảng không gian cho riêng tôi chỉ là phạm vi bên trong cái mùng, nhưng 11 tuổi vốn không đòi hỏi gì nhiều và  tôi thường hay thiếp đi cùng với tiếng trò chuyện rì rầm, đều đều của chị Hường và Xuân. Tôi yên tâm đánh một giấc, đố sợ có con ma nào dám lởn vởn bên ngoài vì chị Hường bảo, chị cao vía, chưa bao giờ thấy cái gì khác lạ trong nhà này cả!
Chộn rộn năm 1975,  nhà  đâm ra heo hút người. Không cần ai bảo, tôi tự động bò vào lại giường Má. Tiếp tục cãi cọ chỗ nằm, dành nhau gối mền với con em mặc dù Má đã chia nó nằm ở giữa, tôi nằm trong góc, sát vách tường. Nhưng nó ngủ mất nết, tối nào cũng đạp thùi thụi vào lưng, hoặc quạt luôn một cánh tay vào giữa mặt tôi lúc nửa đêm! Má giải quyết chiến tranh bằng cách bảo tôi nằm trở đầu đuôi. Chẳng đi đến đâu vì nó hết kéo mền, rồi xoay ra nằm nghiêng, dồn tôi tuốt vào góc mùng. Tôi chán phải giằng co với nó để rồi sau đó cảm thấy bị ức hiếp oan uổng vì luật chị phải nhường em, nên thôi, tôi quyết tâm ra riêng đây.
Tôi không dám ở trong phòng Me, nó rộng quá, có khoảng 3, 4 cái giường trống và tới bốn cái cửa sổ, hai cửa ra vào, tôi lọt thỏm vào đó, chẳng biết đâu là không gian riêng tư cho mình. Tôi sợ nhìn những cái giường trống không người nằm, và buổi tối phải kiểm soát tới những bốn cái cửa sổ hai cửa ra vào trước khi chui vào mùng thì thật quá sức cho tôi. Tôi chẳng còn có lựa chọn nào khác cho chuyện “ra riêng” của mình ngoài phòng Bác Thìn. Má nhìn tôi một cách kỳ quặc và bảo để Má dọn sơ sơ trước đã rồi hãy vào mà ở. Ngày hôm đó chắc tôi ăn phải “con liều” nên mới dám xin Má  ở trong phòng này vì phòng Bác Thìn từ lâu không có ai, nó bị đóng cửa im ỉm suốt nhiều năm rồi. Người cuối cùng ở trong phòng này là Bác Thìn, sau khi Bác dọn về Saigon với vợ chồng anh Phương, cửa phòng được đóng lại. Thỉnh thoảng tôi theo Má vào dọn dẹp tí đỉnh, nhưng buổi tối, chẳng ai bảo ai, đi ngang qua cánh cửa đóng kín, mọi người đều rón rén. Tôi nghe nói Bác Thìn Gái khi chết được đưa vào phòng này nằm tạm. Cái chết của Bác xảy ra rất đột ngột ngay trong nhà nên hồn Bác không siêu thoát, chập chờn bay lởn vởn đâu đó, đám anh chị lớn dọa ma lũ con nít như vậy. Nếu không siêu thoát được thì bóng hình của Bác lang thang trong căn phòng này chứ còn ở đâu được nữa? Nhưng khi Bác chết, tôi còn chưa ra đời, coi như tôi không biết Bác là ai, vì thế Bác có thể cũng chẳng biết tôi là ai để nửa đêm vén mùng hù tôi chơi. Lý luận chổi cùn như thế, tôi liều mạng nhận căn phòng này làm của mình.

Nó nằm phía tay phải, nếu từ cầu thang đi lên và được ngăn với phòng “Françoise Hardy” bằng một tấm vách mỏng. Nếu phòng “Françoise Hardy” quay về hướng đông tưng bừng nắng sớm ban mai và nhìn sang bên kia đồi Hải Thượng, thì phòng Bác Thìn quay về hướng tây, nhìn thấy toàn bộ sân sau với chuồng gà và lãnh trọn những tia nắng gay gắt buổi chiều. Vì thế Má may cho tôi hai cái màn cửa sổ mới treo lên, tiện thể thay cho tôi tấm màn sa tanh màu trắng chỗ cái tủ chìm vào tường bằng một bức màn hoa, nhìn vui mắt hơn. Trong phòng có sẵn một cái giường đôi khá rộng, tôi thừa biết ai đã từng nằm trên đó nhưng xin Má đổi một cái giường khác thì có mà mơ! Tôi đành bằng lòng với những gì căn phòng có sẵn còn hơn là tiếp tục chọc chọe với con em trong chiếc giường mang đầy hơi hướm của Má.
Nói tới phòng Bác Thìn mà không nói tới cái tủ chìm vào tường là cả một thiếu sót. Vì trong chừng đó căn phòng của nhà số 7, chỉ có mình nó mới có cái tủ  chìm và cũng chỉ có nó, đàng sau bức màn sa tanh trắng mang màu tang tóc, lù lù một cái rương to đùng. Trên nóc tủ chất vô số báo cũ và đồ đạc lỉnh kỉnh. Muốn với tới nóc tủ, tôi phải leo lên thành đầu giường, rồi hít một hơi, đu thẳng lên nóc. Ngồi trên đó, tôi tha hồ đọc Tự Lực Văn Đoàn, Kiến Thức, Văn Hóa Ngày Nay và ho sặc sụa vì đám bụi bốc lên. Những số báo xuất bản từ những năm tôi còn chưa ra đời, màu giấy ố vàng, chữ in đôi lúc còn nhòe nhoẹt. Những bức hình trắng đen chụp các cô thiếu nữ Hà Thành tóc vấn cao, cổ đeo kiềng, mắt nhìn hiêng hiếng thật lạ lẫm với tôi. Tôi đọc những truyện ngắn viết vào khoảng năm 1950 mà không nín được cười vì câu cú văn chương bóng bẩy quá khác xa với lối hành văn thời hiện đại bây giờ. Tôi còn lôi ra được một cuốn nhật ký viết nửa chừng của Bác Thìn. Lúc Bác dọn đi, chắc Bác để quên nó nên Má cho lên nóc tủ đóng bụi với thời gian. Tôi chẳng nhớ Bác viết gì, hình như có vài bài thơ, trong đó có một bài tôi thích nhất, đó là bài thơ Tết. Đặc biệt ở chỗ cả bài chuyên chở  hết tên của đám con cháu đông đúc, từ Doãn, Tinh, Dung, rồi đến Mai, Hà, sang Điệp, Thư, Lân, Quí, Hằng, Phương Anh, và đứa chót là Hải, cháu nội của Bác.
Lúc quyết định dọn vào phòng này, tôi lôi bằng hết đống sách báo cũ đó ra đốt vì nghĩ mình chẳng dám ngủ với chừng đó thời gian và ký ức bị đóng bụi. Sau khi nóc tủ dọn sạch, tôi cạy cục xin Má mang cái rương đem sang phòng Me, vì chừng nào nó còn ở đó, tôi không dám ở trong phòng! Đó là thành tích kể chuyện ma của ông anh tôi. Ông ấy bảo ông ấy từng nhìn thấy một cánh tay xanh lét thò ra từ trong cái rương này! Đã mấy lần ban ngày ban mặt, tôi lục tung cái rương cũ kỹ ấy lên. Mùi băng phiến quyện với mùi xà phòng thơm để át mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi. Tôi chỉ thấy vài xấp vải, mấy cục xà phòng, mấy cái áo dài cũ, vài cái mền mùng cũ Má xếp vào, một cái áo măng tô to đùng không biết của ai và tuyệt nhiên chẳng thấy tay chân gì. Nhưng đến tối thì mọi chuyện lại đâm ra khác hẳn, nhất là sau khi đã đọc cuốn “15 truyện kinh dị trên thế giới” hay tập truyện ma Hitchock. Cộng thêm những đêm bị cúp điện, dưới ánh nến chập chờn hay đèn dầu leo lét thì dù rương có chứa vàng tôi cũng chối phắt!  
Căn phòng có hai cửa sổ, một cái nhìn sang vườn su su, cây đào lông và trường Lycee Yersin lấp ló bên kia đồi, cửa sổ còn lại nhìn ra sân sau với chuồng gà, gốc ổi, gốc bơ và thấp thoáng mái trường Trần Bình Trọng. Cái cửa sổ này nối tiếp với mái tôn nhà bếp nên chơi năm mười, tôi hay nhảy phóc ra ngoài cửa sổ, đứng trên mái tôn, dán mình vào vách tường ấm sực hơi nóng mặt trời, rồi ung dung chờ có ai tìm ra được mình không. Chờ một hồi phát chán, tôi đành phải leo vào phòng lại và ra “đầu thú”.  Còn cái cửa sổ kia nếu khéo đu và dài tay dài chân, thì có thể chuyền từ nó xuống mái cửa sổ phía dưới rồi hạ cánh an toàn ngang tầm cánh cửa từ phòng giặt đi ra bên hông nhà. Một hôm Ba bắt gặp tôi đang lơ lửng trên tấm xi măng che cửa sổ tầng dưới, thế là sau đó cả lũ con nít bị cấm không được đu cửa sổ leo xuống vì Ba sợ mái che sẽ sập dưới sức nặng của đám con nít chơi nghịch!

Tất nhiên khi dọn vào phòng riêng, tôi không còn là một đứa con nít nữa cho nên màn Tarzan đu cửa không còn mà thay vào đó, tôi để lên kệ sách những cuốn sách ưa thích của mình, được chọn từ cái tủ sách dưới nhà đem lên, và do tiền túi tích cóp mua được từ tiệm sách Khai Trí trên khu Hòa Bình. Sau năm 1975 với chiến dịch đốt sạch sách báo văn hóa đồi trụy, những cuốn như Cuốn Theo Chiều Gió, Chuông Gọi Hồn Ai, Đỉnh Gió Hú, Trang, Exodus Về Miền Đất Hứa, Cậu Hoàng Con…phải nằm trên nóc nhà một thời gian khá lâu. Ba tôi chực đem đốt bằng hết cho phù hợp với chính sách cách mạng, nhưng tôi và chị tôi đã kịp đem chúng dấu trên trần nhà cùng với cả đống sách y khoa tiếng Pháp của chị Mai cộng với cuốn tự điển La Rousse in ấn rất đẹp. Tôi đã phải cắn răng hy sinh để cho Ba đốt toàn bộ sách Tuổi Hoa với lại Tuổi Ngọc của tôi rồi, cho nên những cuốn này Ba đừng hòng mà đụng tới! Chiến dịch văn hóa trôi vào quên lãng, tôi lẳng lặng mở nắp leo lên trần nhà, lôi chúng xuống phủi bụi và xếp vào kệ sách trong căn phòng mới của tôi, sát cánh cùng với các cuốn sách được dịch sau này từ những nền văn học rất phong phú khác, Sông Đông Êm Đềm, Hoa Hồng Vàng, Pierre Đệ Nhất, Trăm Năm Cô Đơn... Ba hiếm khi nào bước vào phòng này cho nên các cuốn sách phản cách mạng và không phản cách mạng yên ấm trên kệ cho đến tận ngày tôi ra khỏi Việt Nam.
Tôi còn đem cái bảng đen vốn thường treo ngoài phòng chính đem vào treo vào phòng mình cho ra vẻ học hành, rồi xin Má cho kê một ghế một bàn, cộng thêm một chiếc đèn bàn. Tôi đặt lên kệ sách thấp nhất một tấm gương soi nho nhỏ và một cái lược chải đầu. Tôi để trong góc kệ những trái thông lượm trong rừng được tôi sơn nhũ bạc óng ả. Thuở đó không có hình ảnh nhiều nên tôi chẳng tìm được bức hình nào ưng ý để đem đóng khung treo chơi.  Khi cây hoa hồng ở góc vườn trước nở hoa, tôi đem kéo ra cắt béng, cắm vào một cái ly thủy tinh, để trên góc bàn học. Đóng cánh cửa ra vào lại, tôi đã có thế giới của riêng mình.
Má hay ra vào phòng tôi, hoặc chỉ để xem tôi làm gì, hoặc ra đứng cửa sổ nhìn xuống sân sau, kiểm soát mái tôn nhà bếp, cái bể chứa nước, hoặc Má vơ vẩn nhìn xuống vườn su su xanh mướt, bụi chuối rậm rạp nơi cuối vườn. Má bảo tôi dọn vào đây làm cho căn phòng đỡ lạnh lẽo và sạch sẽ hẳn nhờ tôi chăm chỉ quét tước. Một tối cúp điện, ngày hôm sau phải thi học kỳ, tôi thắp nến học bài. Má đi vào phòng, nhìn tôi rồi hét toáng lên. Chẳng qua tôi thắp hai cây nến hai bên trên đầu giường, còn mình nằm thẳng cẳng ngay chính giữa, mắt nhìn lên trần nhà, sách úp lên bụng, ráng ôn lại bài thuộc lòng. Má bảo chỉ có người chết mới thắp nến bên đầu giường như vậy rồi Má ấn vào tay tôi cái đèn dầu phập phù. Ai mà biết được nến đầu giường chỉ để dành cho người chết?

Cả căn phòng của tôi rộn ràng mỗi khi bè bạn tới. Sau khi tôi nhốt chó, dẫn tụi nó ra sau vườn chào Má, cả đám rút hết lên phòng. Phòng chỉ có một ghế, ra ngoài phòng giữa lấy được thêm một ghế nữa, nhưng cả bọn nằm ngồi trên giường là chính. Biết bao chuyện trường lớp thầy cô được đem ra phân tích mổ xẻ từ gốc đến ngọn rồi cả lũ phá ra cười nắc nẻ như những con rồ trong phòng này. Sau khi tán chuyện chán chê, cả bọn ra cửa sổ nhìn xuống cây đào. Vào mùa có trái, mắt đứa nào cũng lom lom tìm những trái đào tơ phơn phớt hồng. Cây đào này trái không ngọt, hơi chua, nhưng dạo đó, cái gì ăn được là chúng tôi bỏ tuốt vào miệng. Hết cây đào chừng đó con mắt đổ sang cây ổi với cây bơ. Cây ổi trái nhỏ khi chín tỏa mùi thơm lừng. Ở đây thỉnh thoảng tôi đi chợ bắt gặp những trái ổi vàng nho nhỏ, tôi cầm lên hít vào một hơi mong tìm mùi thơm cây ổi năm nào nhưng mãi chẳng gặp lại. Má trồng 2, 3 cây bơ gì đó, mọc cao vút. Đến mùa cây ra trái khá to, vỏ xanh bóng. Hái bơ phải xài tới cái lồng Má sáng chế, nhờ vậy mà trái bơ không rơi bẹp xuống đất. Lâu lâu Má bảo tôi nhặt những trái bơ rụng vứt thùng rác, nếu không mùi mục ruỗng của trái thối sẽ kéo ruồi kéo nhặng đến nhà. Chừng đó cây trồng trong vườn, tôi leo không chừa cây nào, riêng cây bơ thì không có tôi, vì nó có những con sâu to đùng màu xanh trơn tuột, nhìn rất ấn tượng, mà lỡ bốc trúng nó thì tởm phải biết.
Một hôm cả tổ họp tại nhà tôi để làm báo tường. Mượn Má căn phòng ăn với cái bàn mica 8 ghế đủ lớn để ngồi “họp hội nghị”. Sau mười phút, đám con trai rút vào phòng khách đọc Lucky Luke với lại Xì Trum, những cuốn sách hoạt hình thoát nạn văn hóa đồi trụy của Ba, rồi cười khành khạch với nhau. Đám con gái lại kéo lên phòng tôi ngồi lê đôi mách. Má từ vườn vào nhà, hỏi, chúng mày làm bài làm vở đến đâu rồi? Cả bọn nhảy bổ ra, quơ quào bút giấy, cãi nhau tung tóe, đứa thích cái này, đứa chê cái kia. Bọn con trai lười như hủi, bảo mấy bà muốn làm gì thì làm, tụi này chỉ làm “thợ vịn”. Mấy bà con gái tích cực hơn, cãi nhau hăng tiết vịt chẳng đến đâu. Rốt cuộc báo với chí không được bài nào dòng nào. Xếp xó mọi thứ, cả bọn cứ cây ổi sau nhà thẳng tiến, thế mà vui hơn.
Năm lớp 12, tôi nhớ một buổi sáng tôi dậy thật sớm để ôn bài, khoảng 3, 4 giờ sáng gì đó. Sau khi “tụng kinh” được vài trang, tôi quyết định ra ngoài ban công đón gió mát. Ngoài đường tịnh không một tiếng động, không một bóng người. Đứng chừng 5, 10 phút, tôi quay lại phòng. Vừa ngồi xuống ghế, tôi chợt nghe tiếng người vọng ở dưới đường lên, xôn xao như tiếng mấy bà đi chợ sớm. Tôi quay trở ra ban công, nhìn xuống. Không một bóng người. Tôi chồm người qua ban công nhìn trái, nhìn phải. Chẳng thấy một ai. Tôi trở lại phòng mà chẳng nghi ngờ gì. Ngày hôm sau lại những tiếng người vọng dưới đường lên và tôi lại chẳng thấy bóng dáng ai. Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tiếng người đó là do đầu óc tôi “tẩu hỏa nhập ma” hay thật là có vài con ma đi dạo trên đường  vào những buổi sáng tù mù trời đất còn đẫm sương ấy.
Khi về Saigon, căn phòng của tôi biến thành phòng thí nghiệm của ông anh. Giường chiếu được cuốn lại sạch sẽ, bàn học của tôi thành bàn thí nghiệm. Trên kệ sách xuất hiện lủ khủ chai với lọ với hũ. Phòng thoang thoáng mùi hóa chất với lại mùi cồn đốt cháy. Trở lại Dalat, tôi không ở trong phòng này nữa mà dọn sang căn phòng phía bên tay trái, là phòng Me đã được ngăn làm hai, nơi cửa sổ nhìn xuống dàn hoa giấy đỏ rực và giàn huỳnh anh màu vàng tươi rói. Sân sau khi ấy cũng chẳng còn cây ổi cây bơ cây chanh già cỗi nữa, chuồng gà được dỡ ra, mái tôn sáng lóa biến mất. Thay vào đó là vườn lan, điệu nghệ và tân kỳ hơn. Tôi chưa kịp yêu mến cây mimosa được trồng nơi cuối vườn, tôi chưa kịp gắn bó với những chậu lan lớn nhỏ xếp ngay hàng thẳng lối trong khung vườn mới, mắt tôi chưa kịp quen với bậc tam cấp xây gọn gàng dẫn lên vườn lan, thì tôi đã bỏ Đalat ra đi đến tận ngày nay chưa một lần trở về.

Thế nhưng mỗi khi nằm mơ thấy ngôi nhà số 7, khi nào tôi cũng bắt gặp mình đứng trước cánh cửa của căn phòng Bác Thìn. Tôi sẽ thấy mình bước vào trong, hai khung cửa sổ mở toang, gió lồng lộng thổi dạt màn cửa sang một bên và phòng rất lạnh. Tôi sẽ ráng sức đóng cửa sổ lại mà không được, rồi bất thình lình cánh cửa ra vào đóng ập lại, nhốt tôi trong phòng. Tôi hốt hoảng vặn nắm đấm tìm cách mở cửa một cách tuyệt vọng. Không mở được, tôi sẽ ráng trèo qua cửa sổ để thoát khỏi nó. Thường tôi giật mình tỉnh giấc lúc thấy tay mình bám cái thanh ngang, còn chân quờ quạng mãi chưa chạm được vào bệ mái che bên dưới. Đôi khi tôi mơ mình nằm ngủ trên giường  với cái rương lấp ló sau bức màn, một cảm giác rất bất an nhưng tôi chẳng làm gì được ngoại trừ căng mắt nhìn trừng trừng vào cái tủ chìm rồi ú ớ kêu cứu.
Thật lạ, chưa bao giờ tôi nằm mơ thấy mình ở trong căn phòng đó với những giọng cười giòn tan, vô tư lự của bạn bè năm xưa, chưa một lần được nhìn lại những khuôn mặt thân thương dạo nào nằm ngồi ngả ngớn trên giường. Hay chí ít cảm thấy những tia nắng buổi chiều ấm áp xuyên qua bức màn cửa sổ. Chưa một lần thấy lại cái kệ sách sơn màu đỏ, chất đầy những cuốn sách ưa thích của tôi. Cái bảng đen với những dòng phấn trắng tôi nguệch ngoạc trên đó những công thức toán, công thức hóa học cũng không trở về trong cõi miên man của mộng mị. Bức tranh tôi vụng về vẽ bằng bút chì đen hình Đức Mẹ chắp tay được dán lên bức tường cũng lạc mất trong muôn nẻo ký ức. Chưa bao giờ được gặp lại căn phòng riêng đầu tiên trong đời của tôi cả. Chưa bao giờ.    

"Bình yên
Ta ngồi đây
Tìm lại tuổi nhỏ
Xa vời
Xa…”

Lan Hương
Fort Worth, 06/26/2015  

Friday, June 19, 2015

Đồng hương


Cả hai đều tóc đen, độ tuổi bốn mươi, nhanh nhẩu, bước thoăn thoắt. Thầm đoán là hai vợ chồng.
Vợ khi nào cũng tất tả, đi trước, tai dán chặt vào cái điện thoại, tay còn lại đánh đồng xa, nhịp với bước chân. Chồng luôn luôn theo sau nửa bước, không hơn, không kém, ít nói hay cười, hai tay vung vẩy, đồng điệu với người đi trước.
Vợ nói liên tu bất tận vào cái điện thoại, giọng nhỏ, líu nhíu, chữ này xọ vào chữ kia, khi nào phấn khích, giống như tiếng pháo nổ dòn. Từ đàng xa có thể nhận ra vợ bằng giọng nói như hát, nhưng nghe chẳng hiểu gì.
Khi gặp nhau, chồng hay gật đầu, chào “Hello”. Chào lại, “Hello”. Rồi ai đi đường người nấy. Vợ hiếm khi chào hay nhìn lại, vì mải mê với câu chuyện trên điện thoại.

Gặp nhau gần như mỗi ngày trên con đường đi dạo, nhẵn mặt nhau, nhẵn mặt câu chào. Nhưng vẫn không nhận ra ngôn ngữ trên điện thoại.
Một hôm, chợt nghe thủng câu “Ừa, nói nó nấu cháo cho thằng nhỏ. Bỏ nhiều hành vào. Dặn con vợ xức dầu gió cho nó”. Giọng xứ Quảng, lên bổng xuống trầm, véo von.
Thấy trong lòng vừa ngạc nhiên vừa rất vui. À há, người mình!
Đi ngang qua, chào “Hello” và cười toét miệng. Chồng cũng tươi cười trả lời “Hello”. Vợ tiếp tục câu chuyện dầu gió xức vào chỗ nào cho thằng nhỏ.  

Vài ngày sau gặp họ trên con đường đi dạo, vội hớn hở, rõ ràng, rành mạch “Chào anh chị!”. Vợ tay cầm điện thoại, chợt nhìn xuyên thủng qua người đối diện, như nhìn chốn không người. Chồng khựng lại, nụ cười nửa chừng, tắt ngóm, mặt vụt nghiêm trang, không nói không rằng.
Ngày hôm sau, cả vợ cả chồng quẹo gấp qua khúc quanh, đi đường khác. Không ai chạm mặt ai.
Tuần sau, vẫn những cái quẹo gấp bất chợt ấy.
Một hôm, không kịp rẽ đường, chạm mặt. Chào “Hello”. Mặt vợ lạnh tanh, mặt chồng im nghỉm. Tiếng Quảng của vợ mới véo von vài phút trước giờ tắt bặt. Nụ cười tươi rói của chồng mất tăm. Câu chào lơ lửng trên các ngọn cây, không được đáp lại.

Bây giờ thi thoảng vẫn còn đụng mặt nhau. Ngượng ngập nhìn lảng qua một bên. Chẳng còn “Hello” hay “Chào anh chị” gì nữa. Đi ngang qua vợ rồi chồng, chợt thấy buồn. Hình như mình bị mất cái gì…
Sao lại thế nhỉ, đồng hương?

Lan Hương
Fort Worth 06/19/2015

Friday, June 12, 2015

Vàng trắng đen, tuy khác màu da

Con nhỏ bị quật xuống đất, la oai oái “Má ơi má, cứu con!”, rồi quay sang chửi váng lên “Mẹ mày!” Viên cảnh sát da trắng quỳ gối đè lên lưng nó, tay kia rút súng chĩa vào hai tên thanh niên đứng gần đó. Chúng khựng lại, không dám tiến lên, nhưng miệng vẫn nổ ông ổng “Mẹ mày! Mẹ mày!” Mặt ông ta đỏ bừng, giận dữ, ông quát lớn “Câm mồm!”. Một thằng nhỏ khác nhảy ra khỏi hồ bơi, rút cell phone quay lại toàn cảnh. Tất nhiên là nó tung lên youtube và facebook cho mọi người xem chơi. Khi xài chữ chửi bậy “Mẹ mày” ở đây là tôi đã giảm tình huống nóng bỏng hết một phần ba rồi. Nếu dịch đằng thằng những câu chửi của đám thanh thiếu niên kia ra tiếng Việt thì nghe còn kinh hơn nhiều, nhưng thôi, tôi chẳng muốn làm bẩn bài viết của mình.
Cảnh sát da trắng, thằng nhỏ quay phim da trắng, con nhỏ và đám thanh niên kia da đen. Cư dân trong khu phố 70% là da trắng, khách không mời mà đến ngày hôm đó khoảng 100 người đại đa số da đen, mang theo ngoài màu da của mình, là những tiếng nhạc ầm ĩ, tiếng cãi vã ầm ĩ, tiếng chửi thề ầm ĩ. Da trắng đang vẫy vùng trong hồ bơi đột nhiên thấy lãnh thổ bị xâm lăng ồ ạt bởi một số lượng người khác màu da đáng nể  nên nổi khí xung thiên, chỉ mặt văng ra “Cút về xóm nhà lá của chúng mày đi!” Sai be bét và rất bậy bạ cho nên mới thành chuyện. Chửi bậy trước rồi đến vũ lực sau. Màn hạ cẳng tay thượng cẳng chân bắt đầu. Đám thanh niên da đen phía ngoài cổng đang đôi co với bảo vệ liền leo phắt qua hàng rào nhảy vào đánh hôi. Bảo vệ tức tốc gọi cảnh sát. Mười hai ông tới liền. Trong số này tôi không biết có ông nào da đen không, nhưng cái ông đè cổ con nhỏ hỗn hào xuống đất lại là màu trắng.
Trắng đen loạn đả, võ tay chân có, võ mồm có. Đoạn video được tung lên youtube khuấy động dân cư miền Bắc Texas, cộng thêm đám media xúm vào mổ xẻ dưới đủ mọi cái nhìn, đủ mọi góc cạnh. Kỳ thị chủng tộc nổ ra. Như lần nào ở Ferguson, Missouri, như lần nào ở Baltimore, Maryland, ở New York, ở Los Angeles, ở Detroit…Mọi mũi dùi chĩa vào hai điều chính yếu, thứ nhất, màu da, thứ nhì, cảnh sát bạo lực.

Tôi không nói đến chuyện cảnh sát dùng sức mạnh vô tội vạ vì ngoài tầm hiểu biết của mình và chưa có thì giờ tìm hiểu kỹ càng. Chuyện ai đúng ai sai trong cuộc hỗn chiến ở trên, thiên hạ bàn loạn. Da đen và ủng hộ da đen xuống đường, mang khẩu hiệu “Màu da của chúng tôi không phải là tội phạm!” Da trắng kẻ khẩu hiệu dựng bên cạnh hồ bơi “Cảnh sát, ông đã làm đúng. Chúng tôi cám ơn ông”. Kẻ chống người bênh, phần chờ luật pháp ra tay phán quyết như tôi cũng không thiếu.

Tôi không ngả về bên nào, vì xét cho cùng, tôi không trắng cũng chẳng đen, mà là màu vàng.
“Trái đất này là của chúng mình
Vàng trắng đen tuy khác màu da
Bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý
Đầy hương thơm nắng tô màu tươi thắm
Màu hoa nào - Cũng quý cũng thơm!
Màu da nào - Cũng quý cũng thơm!”


Lời bài hát năm nào tôi lải nhải mỗi khi có kỳ họp thiếu nhi quàng khăn đỏ, vẫn còn lảng vảng trong đám ký ức một thời khó quên. Nhưng tất nhiên mọi sự đâu có dễ dàng và lý tưởng như thế. Nếu vậy đã không có những cuộn khói đen ngùn ngụt từ các cửa tiệm không may nằm giữa cơn cuồng nộ, xe hơi không tự bốc cháy vì vô tình đậu trên con đường tuần hành. Bạo động hẳn không nổ ra, cảnh sát chẳng phải vũ trang tận răng, lăm lăm vũ khí, da đen đi biểu tình không cần dùng đá, chai ném thẳng vào đầu cảnh sát cho bõ tức. Thiên hạ chứng kiến màn bạo động trên tivi, facebook, không khỏi ngậm ngùi “Ôi, kỳ thị chủng tộc!”. Khi các vụ bạo động sắc màu nổ ra liên tiếp, tôi chợt nghĩ phải chăng tổng thống nước Mỹ có màu da khác với các vị tiền nhiệm của ông nên “nước đục thả câu”? Tôi biết chắc một điều, ông Obama ngồi ở Nhà Trắng chẳng thoải mái gì khi thấy đám thanh niên da đen bình tĩnh châm lửa đốt tiệm, thản nhiên đập bể cửa đi hôi của, vác đồ ăn cắp đi đầy đường, miệng cười nham nhở như đang ở chốn không người, như đang ở một thành phố vô chính phủ. Tôi ủng hộ chuyện mọi người xuống đường vì cảnh sát mạnh tay, tôi ủng hộ mọi người có quyền nói lên chính nghĩa của mình, nhưng tôi cực lực chống màn tiện thể xuống đường chúng tôi đi cướp bóc, đập phá. Nó làm cho cuộc tuần hành mất chính nghĩa, người ngoài nhìn vào chỉ thấy rặt một lũ đầu trộm đuôi cướp, hơn là hình ảnh những người đi tìm công lý cho mình.

Bạn sẽ hỏi tôi, có kỳ thị màu da hay không trên xứ sở được gọi là hợp chủng quốc, nhiều màu da nhất thế giới này. Tôi sẽ không ngần ngừ mà trả lời, có đấy. Đừng tưởng ai cũng là thiên thần, giang đôi cánh sống chung hòa bình với người hàng xóm có màu da hơi khác với mình. Những người thuộc loại “hàng độc” này đã được gọi tên là “Red Neck”. Họ không chỉ kỳ thị màu da, họ còn kỳ thị đủ mọi thứ khác nữa, kỳ thị tất cả những gì họ cho là không giống mình. Chẳng hạn một tên Cổ Đỏ ở New York sẽ không thích làm bạn với một mạng sinh trưởng ở Texas, chê Texas dân chăn bò, kém hiểu biết, không văn hóa, mặc dù chẳng biết cái tên cao bồi Texas đó làm giống gì, có con bò, con ngựa nào cột đầu giường không, hay cũng chỉ là một tên thợ cạo văn phòng, sáng vác ô đi tối vác về như hắn. Nếu bạn đã từng đọc “Cuốn theo chiều gió” thì hẳn phải biết đảng KKK, Klu Klux Klan, đội mũ chóp che kín mặt, lòi hai con mắt đen ngòm, mặc áo choàng trắng và chuyên treo cổ dân da đen lên cành cây, đốt nhà cửa, bắn chết vợ con họ vô tội vạ vào những năm sau nội chiến. Đảng KKK này vẫn còn hoạt động lén lút ở Mỹ chứ không phải đã bị khai trừ mất tăm mất tích. Còn hơn thế nữa, mục tiêu  của họ được mở rộng ra, nạn nhân của họ bây giờ là những người “da không phải màu trắng”.
Nhưng bạn phải hỏi tôi thêm nữa là, có thật là dân Mỹ ghét người không cùng màu da với họ không. Tôi sẽ không ngần ngại trả lời, không. Theo thống kê, dân thuần một màu da trắng ở Mỹ chỉ chiếm 77.7% mà thôi. Phần còn lại chia cho dân Châu Mỹ La Tinh, 17.1%. Đừng quên dân Á Đông tóc đen hay tóc đen đã được nhuộm nâu vàng, mắt xếch, mắt một mí, mắt lá dăm, nhỏ con nhưng nhanh như cắt, chiếm 4.4%. Riêng dân Mỹ gốc da đen, chiếm 13%. Tưởng tượng xem, nếu bạn là người da trắng, làm sao ra đường mà không nhìn thấy bất kỳ một màu da nào khác màu da của chính mình? Làm sao bạn có thể không chung sống vui vẻ với một ông hàng xóm phía tay phải gốc Mễ, mỗi khi bạn vắng nhà lâu, ông ấy tự động mở cửa sau, đem thùng rác ra đổ cho bạn. Hay ông hàng xóm bên tay trái, Mỹ trắng trăm phần trăm, đã về hưu và là cái security camera tự động. Khi nào cửa garage mở toác, quên đóng khi bạn vắng nhà, ông ấy sẽ điện thoại cho bạn báo liền, bạn chỉ việc nói, ông làm ơn đóng giùm thì bạn yên chí ông ấy sẽ đóng cửa lại rất cẩn thận cho bạn. Hoặc khi dẫn chó ra park, làm sao bạn làm lơ một ông da đen răng trắng xóa từ đàng xa đã cười toe với bạn? Đôi khi bạn gặp một lão da trắng cực kỳ khó chịu, một bà chằn da màu hung hãn, nhưng chẳng vì vậy mà ông ấy hay bà ấy làm cho một ngày vui vẻ của bạn mất toi. Vì bạn hãy nhìn ra chung quanh, còn khối người tử tế đấy kìa.  

Màu da, xét cho cùng, chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Cái bên trong của bạn khẳng định tính cách của bạn. Cách sống của bạn, tri thức của bạn, tầm nhìn của bạn, ước mơ của bạn, nó sẽ đánh bật tất cả mọi nghi ngờ về câu hỏi da bạn màu gì.Khi bạn cho rằng mình đang bị kỳ thị, tôi lại nghĩ, bạn đang mất tự tin vào chính bản thân bạn. Bạn có thể đang hoang mang khi hội nhập vào một nền văn hóa lạ lẫm, một ngôn ngữ lạ lẫm, một môi trường sống lạ lẫm, rồi tự ái của bạn trở nên rất dễ bị tổn thương. Khi đó lá bài “kỳ thị” trở thành lá chắn cho bạn nấp kỹ đàng sau để tìm cho mình mọi biện minh.   
Dân da vàng Việt Nam chúng ta sau năm 1975, đã sang đây theo đủ mọi ngả. Từ vượt biên, được gọi là “boat people” với những câu chuyện nát lòng trong hành trình tìm tự do, đi bảo lãnh, đi bán chính thức, sau này theo diện HO, diện đoàn tụ, diện vợ chồng, đi du học ở lại, đi du lịch rồi quyết định nhận nơi này làm quê hương. Đủ kiểu. Chúng ta làm đủ mọi ngành nghề để sống còn, để nuôi con cái, để hoàn thiện ước mơ của mình. Nếu bạn bảo Mỹ kỳ thị da vàng, thì xin mời ghé mắt nhìn vào các trường trung tiểu học của Mỹ, các trường đại học của Mỹ. Cuối năm ra trường, các em Việt Nam tiếng Việt lúng búng, tiếng Mỹ như gió, đại diện toàn trường lên đọc diễn văn kết thúc 12 năm đèn sách. Bố mẹ rưng rưng nước mắt cảm động, bõ công còng lưng trên những móng tay, móng chân, bõ công mờ mắt trên những mạch điện gắn chip cho cell phone, bõ công đi làm hùng hục đêm ngày để đặt ước mơ của mình vào con cái. Con số này khá nhiều, để cho riêng khu học chánh của nhà tôi quyết định không phân biệt học sinh tốt nghiệp với điểm số nằm trong “top” 10% với phần còn lại khi chia chỗ ngồi trong lễ bế giảng. Nếu chia chỗ ngồi theo điểm số học tập, bạn sẽ thấy ngay họ Nguyễn, họ Phạm, họ Trần, họ Lê ngồi chật các hàng ghế phía trước, khoảng giữa sẽ là màu da trắng tóc vàng tóc nâu, rồi da đen sẽ phải ôm những dãy ghế sau cùng. Khi quyết định để các em ngồi theo thứ tự họ tên, nhà trường đã vô hình chung không đối xử phân biệt màu da của bất kỳ học sinh nào rồi. Ngưỡng cửa đại học có khó khăn với da vàng một tí. Bởi vì đại học là chia tay với những ngày tháng cặm cụi học vẹt, nếu chịu khó ngồi mòn ghế rốt cuộc sẽ có con A. Ở đây, các em phải học một cách thông minh hơn mới mong thành công. Tóc đen chúng ta vẫn lẫy lừng nhưng không bằng khi ở trung học. Da trắng vượt trội lên với bản tính tự học, tự tìm hiểu, cách học thông minh hơn, không sợ thử thách, chấp nhận rủi ro, và không từ bỏ ước mơ của chính mình. Da vàng mang nặng ước mơ của bố mẹ, đôi khi đi học những ngành nghề mà bố mẹ thích, không phải con thích, thành thử cũng cặm cụi đến lớp đến trường, nhưng lòng không vui. Riêng da đen sau 12 năm phổ thông, phần lớn tuyên bố, con mệt lắm, con cần phải nghỉ học ít nhất một năm để dưỡng sức và để suy nghĩ xem con tính làm gì tiếp theo cho đời mình.
Điều đáng buồn là tỉ lệ dân da đen học tiếp lên cao không nhiều. Tôi biết khi nộp đơn vào đại học, màu da cũng là một phần để khai báo. Nếu màu da bạn không phải là trắng, bạn sẽ được xếp vào hạng “dân tộc thiểu số” và được thêm vài điểm đặc cách nhận vào trường. Vừa dân tộc thiểu số vừa nhà nghèo vừa học giỏi, bạn sẽ được học đại học miễn phí, được bao luôn tiền ăn ở, ra trường không lo đi làm trả nợ. Và nếu khéo “nằm co ấm cật”, bạn còn dư tiền gởi về nhà cho cha mẹ đi shopping nữa kìa. Chừng đó điều kiện, tôi nhận thấy dân da đen dư sức có đủ, nhưng không hiểu tại sao họ tắc tị trước ngưỡng cửa các đại học. Đại đa số nếu có vào được nơi này, thường theo ngả chơi thể thao hơn là lối vào bằng điểm thi SAT, bằng thứ hạng học tập. Họ là các cầu thủ bóng chày, bóng rổ, bóng đá, bóng bầu dục xuất sắc nhận được  học bổng, vừa học vừa chơi cho các đội của trường đại học. Để rồi khi các cơn bão sắc tộc bùng ra, phần lớn thanh niên tràn ra đường là những người không công ăn việc làm, thất nghiệp dài hạn, tỉ lệ đói nghèo khá cao khiến các cuộc biểu tình mang nặng thêm màu sắc phân biệt nhà giàu nhà nghèo. Như vụ ở Baltimore, dân biểu tình đổ hô chính phủ đã không làm gì để cho đời sống của họ khấm khá hơn. Xem tivi, khi thấy một người đàn bà da đen xỉa xói vào đám phóng viên, bảo “Con tôi không được ăn học, làm lớn như các người”, tôi tự nhủ, con bà không chịu học hay không được học? Đó là một câu hỏi dành cho các bậc cha mẹ trước khi kết tội xã hội bất công. Hãy nhìn các bậc phụ huynh người Việt chúng ta xem. Đố có đứa con nào dám trốn học nằm nhà chơi bắn game từ sáng chí tối! Nhiều đứa đi học về than thở “Bạn con được điểm C, thoát nạn thi lại môn toán, bố mẹ nó dẫn nó đi nhà hàng ăn mừng. Con mang về con B, Ba phạt  không cho con vào internet một tuần, còn Mẹ thì chửi con một trận!” Đôi khi tôi thấy mình cũng chơi hơi ép khi đặt tiêu chuẩn cho các con quá cao. Nhưng tâm niệm cây muốn uốn thẳng phải uốn khi còn non được rèn giũa từ Ba Má tôi, thế cho nên, tôi làm lơ những câu than thở ỉ ôi đó đi và tiếp tục theo sau các ông con, hỏi điểm A đâu, mẹ biết con dư sức làm được, nếu con bớt lười và chịu khó một tí. Và nhất là nếu có chuyện gì xảy ra, con không thể đổ vấy vào xã hội là đã chẳng cho con một cơ hội.

Thần làng của Havasupai Tribe
Năm 2013 làm một chuyến đi Grand Canyon, Arizona. Chúng tôi đi bộ xuống chân hẻm núi, ngang qua bộ lạc da đỏ Havasupai để đến ngọn thác Havasupai xanh biếc lừng danh. Nói tới nước Mỹ, không thể bỏ qua những người đã từng ở đây trước khi đất nước này dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Một buổi dành ra để đến thăm bộ lạc. Đầu tiên hết chúng tôi ghé vào ngôi trường được xây cất khá đẹp. Hôm đó trường học hơi náo loạn một tí vì có một em học sinh trốn học, bỏ đi chơi đâu đó, cả cô giáo và hiệu trưởng cộng thêm bố mẹ, họ hàng túa đi khắp ngả lùng cho ra “em học trò sách vở chẳng cầm tay”. Sau đó chúng tôi xin gặp ông tù trưởng. Đừng tưởng bạn sẽ được gặp một ông tù trưởng quấn khố đầu đội mũ lông gà. Ông tù trưởng này áo sơ mi dắt trong quần tây, điện thoại dắt tay, bận rộn vô cùng. Than thở với chúng tôi rằng chúng nó, khoát tay chỉ đám lương dân của ông đang gà gật ngồi ngủ trên những bậc thềm nhà, hay nhẩn nha đứng ngồi dưới bóng cây trong sân, không chịu học hành gì cả. Bộ lạc có ngân quỹ dành riêng cho những ai muốn đi học đại học, sẽ được đài thọ từ A đến Z, chẳng phải lo điền đơn xin mượn tiền học, nhưng chẳng ma nào muốn ra khỏi cái làng này. Thi thoảng có một đứa chịu đi, nhưng học xong nó không về lại làng, coi như bỏ, nuôi ong tay áo! Con tôi năm ấy vào đại học, sáng mắt lên, hay con nhận làm con nuôi của ông tù trưởng nhé, con sẽ được đi học không tốn tiền! Dân trong bộ lạc được trợ cấp trăm phần trăm, từ lương thực được chở xuống bằng trực thăng, bằng lừa ngựa, cho đến cả phương tiện đi lại.Ngoài chuyện cưỡi ngựa chạy phom phom trên con đường hiking của chúng tôi để mang thư từ, trực thăng lên xuống đều đặn hai ba lần một ngày chở các bà vợ đi shopping, các ông chức sắc trong làng đi họp, dân làng cần đến nhà thương, vân vân. Với tất cả những điều chính mắt tôi thấy trong cái bộ lạc này, tôi chỉ có thể nói, cả làng đều làm biếng như hủi, chẳng chịu động tay động chân, con đường chính qua làng đầy rác không chịu quét, cây cầu bắc qua con suối cạn chỉ cần thay một tấm ván mà ba ông da đỏ làm cả tuần không xong, họ còn không muốn động óc nhét chữ vào đầu, chỉ ỉ lại vào mớ tiền trợ cấp vô thời hạn của chính phủ.Thế cho nên, một ngày nào đó nếu bộ lạc Havasupai có đi biểu tình, giăng biểu ngữ bảo nước Mỹ phân biệt chủng tộc, tôi biết tôi sẽ ngả về phe nào.  

Cách đây mấy năm xảy ra một vụ một em sinh viên du học từ Việt Nam sang học ở bên Cali. Em này bị cảnh sát ập vào còng tay bắt đi vì lấy con dao chỉ vào bạn cùng phòng, bảo, coi chừng tao cắt mày bây giờ! Đối với Việt Nam mình có thể là chỉ đùa chơi, nhưng đối với thằng bạn da trắng bóc, tóc vàng hoe, không quen cảnh dao chĩa vào mình, nó hoảng lên gọi cảnh sát báo nguy. Dân Việt cả hai bên bờ biển vội vàng hô hoán cảnh sát Mỹ kỳ thị người Việt! Riêng tôi thấy mọi sự là vì em sinh viên này còn lạ nước lạ cái, không quen phong tục xứ người, chớ có mà đùa giỡn người khác với một con dao trong tay. Cảnh sát ập vào em còn cầm con dao, bảo bỏ dao xuống, em ngơ ngác chưa kịp hiểu, nhắc lại hai ba lần em vẫn không có phản ứng, thế là bị quật xuống đất, còng ngược tay dắt thẳng vào nhà tù. Tôi nghĩ có thể em tự nhủ em không có lỗi, tại sao phải bỏ dao, em không làm gì hại ai tại sao phải nằm xuống đất cho cảnh sát khám xét, và thật sự, em có hiểu hết những điều cảnh sát quát với em không. Vì thế đây cũng là một lời cảnh báo cho những ai có ý định cho con mình đi du học, bất cứ nơi đâu, bất cứ nơi nào: ngoài chuyện học ngôn ngữ, hãy dạy cho con mình tìm hiểu tập quán, phong tục nơi con mình sẽ đến ở trong một thời gian dài. Chỉ để cho chúng khỏi lâm vào cảnh dở khóc dở cười và thấy tự tin hơn trong môi trường xa lạ.

Xin thôi hãy đổ hô cho màu da của mình, hãy nhìn xem mình sống như thế nào để cho cả xã hội này phải kính trọng mình, cho dù mình ở bất kỳ đâu, trên trái đất này. Tôi đã gởi thông điệp đó cho các con tôi, và tôi cũng muốn gởi thông điệp này cho tất cả mọi người khác trên khắp nước Mỹ, nhất là đám thanh thiếu niên tuổi trẻ bồng bột. Cơ hội trước mắt của mỗi người là bằng nhau ở đất nước tự do này. Hãy nắm lấy nó để làm chìa khóa mở cánh cửa đưa chúng ta đến một tầm nhìn cao hơn, nhân ái hơn, hòa hợp hơn và bao dung hơn.

Và rồi trái đất này sẽ là của tất cả mọi người, không phân biệt màu sắc của da dẻ, của mái tóc hay của màu mắt.    
Lan Hương
Fort Worth 06/12/2015

 

  

Friday, June 5, 2015

Khi những dòng sông nổi giận


Thuyền Nô Ê của dân Texas
 Texas năm nay bị nạn đại hồng thủy. Chẳng bù cho mọi năm, đến mùa này thiên hạ bắt đầu léo nhéo kêu rên vì trời không mưa lấy một giọt, nước non trong ao hồ cạn dần, trơ đáy ra, cỏ rả không được tưới cứ héo dần rồi ngả sang màu vàng cháy, lá non chưa kịp già đã ngả sang nâu và rụng quách. Lệnh nghiêm cấm tưới cỏ được ban hành. Có nơi chỉ được tưới 2 lần một tuần, như khu nhà mình chẳng hạn, có nơi hung hãn hơn, chỉ cho tưới 2 tuần một lần, khiến mọi người lắc đầu bảo nhau, thôi tráng xi măng sân trước sân sau cho rồi! Mình bèn chỉ ra bên Cali có bán cỏ giả, xanh rì quanh năm mà chẳng phải tưới tắm gì. Ai chứ em chồng của mình đắc ý coi bộ chịu lắm!

Trực thăng cứu người bị kẹt trong xe
Riêng tháng năm năm nay mọi người ngỡ ngàng với những cơn mưa triền miên, không dứt. Đùa nhau đến lúc dân Texas phải đóng con tàu Nô Ê vì nước khắp nơi đã đành, mà lại càng ngày càng dâng cao. Thuyền Nô Ê chưa kịp đóng, sáng nay đọc tin tức thấy các ao hồ, sông ngòi quanh Dallas Fort Worth mực nước dâng cao phát chóng mặt. Các tàu bè trôi lều bều quanh mái nhà tàu đã ngập nước, bãi thả tàu của các hồ ao đóng cửa vì không thể nào đi ra được tới cái tàu mình buộc neo trừ phi là nhảy xuống nước mà bơi! Mấy cây cầu nhỏ dưới cái park gần nhà mình nước lúc nào cũng xâm xấp. Hai con chó chạy qua cái vèo, nước bắn tung tóe, mình phải đứng một lúc mới dám đi trên thành cầu trơn trượt để sang phía bên kia cho khỏi ướt chân. Nếu lỡ có xảy chân rớt xuống suối thì nước cũng chỉ quá bụng nên mình không lo chết chìm. Sau đó mình phải đi mua một đôi ủng cao su để lội nước bì bõm mà không sợ rắn nước hay bất cứ cái gì va quẹt vào chân. Lần đầu tiên trong đời mình phải dẫn chó đi bộ với ủng cao su như thế. 

Đạp xe dưới đáy hồ GrapVine 2012
Mưa to gió lớn, ông trời trút tất cả mọi ướt át vào tiểu bang Texas này. Hẳn để bù cho năm 2012 mình và thằng con đạp xe đạp vèo vèo trên đáy hồ GrapeVine rạn nứt! Người ta bảo tiểu bang Texas cái gì cũng quá. Mà đúng thật. Lớn nhất nước Mỹ, nằm giữa nước Mỹ, mùa đông trên Amarillo tuyết rơi, Fort Worth đường xá đóng băng, thì  dưới Coprus Christi, Padro Island thiên hạ phây phây áo thun quần short đi tắm biển. Mùa hè cả tiểu bang đồng loạt đỏ rực với nhiệt độ mấp mé trên dưới 100 độ F. Mùa bão, phía miền Bắc chống chọi với gió xoáy, khu vực biển lo xoay sở với cơn giận dỗi của Thần Biển. Thế cho nên nếu năm 2012 khô cháy da, thì năm 2015 nước tứ bề. Ấy là trong những cái hơi quá đó, mình không dám nói tới miếng thịt bò bít tết  72oz (hơn hai ký) mà nếu bạn ăn hết, bạn sẽ được một cái bằng khen và một cái áo thun với dòng chữ “You made it!” Cứ thử tưởng tượng nhồi 2 ký thịt vào bụng trong vòng 1 tiếng đồng hồ mà xem! Có cho mình cái áo với dòng chữ dát vàng mình cũng chẳng ham hố gì.  

Trở lại với mưa gió thất thường. Theo thống kê, tính từ đầu năm đến giờ riêng vùng Dallas Fort Worth này đã có hơn 20 trận xoáy lốc, hơn mười trận “touch down”, nghĩa là đụng xuống đất và cuốn đi một số nhà cửa, xe cộ. Trận xoáy lốc mới đây không những đập nát như tương nhà cửa cây cối mà còn mang theo 3 sinh mạng ở thành phố Mineral Well, cách nhà mình chỉ có 50 miles! Khu nhà mình đã phải nghe còi báo động gió lốc đến 2 lần rồi. Mỗi lần còi hú lên, cả nhà cộng với hai em chó lục tục chui vào dưới gầm cầu thang với chiếc đèn pin. Chẳng hiểu có giúp gì được không nhưng đó là chỗ kín đáo nhất trong nhà, và theo lời khuyên của các chuyên gia thời tiết, khi còi báo động nổi lên, phải tìm chỗ kín mà núp ngay, chớ có dại lảng vảng gần cửa sổ selfi với gió lốc đặng đưa hình lên facebook để khoe mà bị gió cuốn đi lúc nào không biết! Họ còn đề nghị giá mà cột được mình vào cái bồn cầu tiêu nữa là hết xảy nhưng khổ nỗi buồng tắm chỉ có một bồn cầu, nhà có 3 người, làm sao cột được 3 mạng vào chỉ một bồn đây?
Rio Frio nổi giận
Trên trời thì mưa, xung quanh gió thổi vù vù, thế mà nhà mình đi camping! Chồng mình bảo mình điên. Lần đầu tiên mình đồng ý với ông ấy. Chỉ vì cái tội mê ngồi trên cái phao thả trôi dòng sông Rio Frio.
Nếu bạn đã từng lênh đênh trên một con sông nước trong vắt với một ngày nắng đẹp, gió mát, phao trôi nhè nhẹ, hai bên bờ cây cối xanh rì, thi thoảng có vài sợi dây lòng thòng cột trên cành cao thả phất phới cho Tarzan đu dây nhảy bùm xuống nước, thì bạn sẽ hiểu vì sao mình sẵn lòng mang phao, lái xe hơn 5 tiếng để đến Garner State Park mặc dù biết rằng trời sẽ mưa đâu đó.
Năm ngoái mình phải từ bỏ cái thú này vì sông Rio Frio không có nước, ngồi trên phao chỉ có tổ mắc cạn trên đá sỏi mà thôi, hoặc phải vác phao lội bộ, nước chảy rì rì không cuốn trôi nổi đến một cọng cỏ, huống chi là cả một cái phao với một mạng nặng khoảng  50 chục ký nằm ườn trên đó. 
Đập nước nơi các "hà mã" thường ngồi
Ấy thế mà năm nay dòng sông Rio Frio bỗng nổi giận đùng đùng! Nước mưa từ cả tuần nay trên thượng nguồn ào ạt đổ xuống. Dòng sông trong vắt ngày nào giờ đây sủi ngầu nước đỏ, cuốn theo rác rưởi và các gốc cây gẫy trôi vù vù. Mấy ông park ranger lắc đầu lè lưỡi bảo mình “Không có thả phao được đâu, ngoại trừ bà muốn tự tử!” Mình không tin, lội ra bờ sông và lặng người đứng nhìn dòng nước điên cuồng chảy xiết! Đúng là nếu muốn chết thì cứ việc nhảy xuống bơi hoặc ngồi phao hoặc ngồi kayak! Chỉ trong một tiếng thôi không chừng bạn đã kịp ra tới biển, nếu bạn còn sống sót!
Trời đột nhiên đổ ra mưa to rào rào. Cả nhà ngồi im re trong xe, nhìn cái bãi campsite nước lõng bõng, lòng thấy ngao ngán, tự nhủ có giăng được cái lều ra thì bảo đảm 100% là ướt từ trong ra ngoài! Thế là kéo nhau ra ngoài park center với ý định đổi từ lều sang cabin hoặc shelter, chí ít cũng có một cái mái che chắc chắn trên đầu hơn cái nắp lều mỏng dính. Dãy người xếp hàng với cùng ý định dài dằng dặc. Thiên hạ chẳng ai bảo ai, ớn cái thời tiết mưa rầm rầm này, quyết tâm bỏ lều đi tìm một chỗ trú thân an toàn hơn để qua đêm. Tình thế chẳng sáng sủa cho lắm, vì cabin hay shelter có hạn, mà số người xin đi đổi cứ tăng lên. Tụi mình quyết định đi camping ở khách sạn!

Lội mưa lội gió đến khách sạn gần đó nhất cũng mất khoảng hơn 45 phút. Phần vì lạc đường, phần vì cell phone không có signal, chẳng có GPS chỉ đường, thêm nạn xe của các ông bà con hết xăng vào phút chót (chuyện thường tình), mình vừa lái vừa đi tìm cây xăng cho tụi nó, thành thử đi chậm rì rì. Mưa gió ào ào, quạt kính vù vù mà chẳng thấy đường xá đâu, thôi cứ nương theo ánh đèn xe đi trước mà lái vậy. Vào đến cửa khách sạn thì không cách gì ra khỏi xe được vì mưa như trút, sấm nổ đùng đùng. Mình chẳng sợ ướt, chỉ buồn rằng mưa kiểu này ngày mai Rio Frio sẽ càng giận dữ thêm và trút hết mọi bực tức của nó vào lưu lượng dòng chảy. Phao tubing nào chịu cho thấu!

Kết thúc một đêm camping trên giường nệm ấm êm lúc 9 giờ tối, sau khi nấu mì gói ăn vì có muốn qua bên kia đường ăn uống đàng hoàng cũng là chuyện bất khả thi, nước mênh mông từ trên trời xuống dưới đất. Hoạt cảnh bưng tô mì từ trên phòng xuống phòng ăn khách sạn làm mình nhớ cảnh bưng mì quảng từ Chợ Chiều về nhà, chỉ khác là ở đây đi thang máy, còn ở Dalat thì vừa bưng tô vừa tránh những ổ gà to đùng trên con đường Yagut. Bật tivi  lên để xem thời tiết ngày mai thì thấy một cơn xoáy lốc đang nhăm nhăm tiến về  Austin, nơi thằng con của mình đang ở. Nó được mẹ gọi bảo không cần đến park gặp mọi người làm gì vì ai nấy đã  vào khách sạn hết rồi. Thế nên nó yên chí ở lại Austin. Không ngờ gió nổi ở đó, mình bèn gọi cho nó hỏi thăm tình hình. Thằng con vui vẻ bảo chẳng thấy gì, chỉ có gió thổi mạnh thôi cộng với một ít mưa. Mình cũng đỡ lo, chỉ dặn nó có chuyện gì thì nhớ vào phòng tắm, không dám dặn thêm nhớ cột con vào bồn cầu, sợ nó cười bể bụng. 

Rio Frio nước chảy đôi dòng
Ngày hôm sau bọn mình quay lại Garner State Park. Trời đã tạnh, mặt trời lấp ló sau những cụm mây xám, nhưng nước vẫn ào ạt chung quanh. Đứng ngắm dòng sông mọi ngày hiền lành, lặng lẽ bây giờ trở nên hung hăng thì thôi đành nhìn ngược ra sau, ngắm ngọn núi sau lưng và quyết định không xuống nước được thì sẽ lên núi vậy. Trên đường đi đến trail head, ghé qua cái campsite được chỉ định hôm trước, mình thấy nguyên một cây sồi to đùng bị gió quật ngã, nằm rạp vắt ngang, cành lá xanh rì, ướt sũng. Hú ba hồn bảy vía, may mà tụi mình không liều giăng lều, nếu không nửa đêm cây sập vào đầu, hoặc ít nhất đổ vào mấy cái xe đậu gần đó. 

Cũng là một dịp đi hiking trong cái Garner State Park này. Vì những lần khác tới, tụi mình cứ chăm chăm nhảy xuống dòng sông mà  không có thì giờ cho những đường đi bộ quanh co ở đây vốn rất đẹp. Hoa dại không nhiều nhưng lên cao cảnh vật mở ra chung quanh, thấy dòng sông đục ngầu uốn lượn phía dưới, thấy những thung lũng với nhà ở chập chùng xa xa, xanh ngắt vì mưa cả tháng nay. Cả lũ căng mắt nhìn có thấy ai dám thả phao trên con sông không, nhưng thật ra, họa có điên mới làm thế. Vả lại cảnh sát đã đứng dọc bờ sông ngăn chận những cơn yêu nước phát rồ này rồi. Các đường mòn lên núi đông đúc hẳn vì dân thả phao không còn nước để chơi đành lên núi. Mình thấy tội nghiệp cho mấy người to xác. Mấy  trự “hà mã” này đến cái đây là để nằm thẳng cẳng trên phao, mặc cho dòng nước cuốn đi, hoặc ngồi ngâm mình dưới nước, uống bia, ăn thịt nướng, chứ đâu mà phải leo núi vất vả, mặt mũi đỏ au, mồ hôi mồ kê nhễ nhại thấy mà thảm thương như thế!

Garner nhìn từ trên cao
Ngày hôm trước tụi mình tính chuyển từ Rio Frio sang Blanco River ở San Marcos với hy vọng tình hình bên đó sáng sủa hơn. Nhưng vì ngược đường và vẫn còn luyến tiếc dòng sông Rio Frio này nên tụi mình mới ở lại khách sạn với một hy vọng tràn trề rằng sau cơn mưa trời lại sáng, nước sẽ rút xuống và mình có thể trôi trên dòng sông êm đềm. Ông bà lại phù hộ cho vì đã không qua Blanco River. Con sông này còn nổi điên hơn cả Rio Frio. Nó đổ nước ầm ầm. Trong cơn cuồng nộ, nó đã vác cây đập gẫy cột một ngôi nhà nghỉ hè xây lơ lửng trên dòng sông. Ngôi nhà sập xuống và bị nước cuốn phăng phăng. Người trong nhà tá hỏa, không thoát ra ngoài được. Chỉ còn kịp gọi điện thoại cho bố mẹ bảo rằng con yêu cả hai người lắm, rồi im bặt. Tám người trong ngôi nhà xấu số đi nghỉ lễ Memorial Day không bao giờ trở về nhà nữa. Họ đã trôi theo dòng chảy của con sông Blanco với sự phẫn nộ chưa từng thấy của nó.



Trinity River của Fort Worth
Nếu Blanco River hung hãn giết người, Rio Frio đục ngầu, cuôn cuộn, thì Trinity River của Fort Worth tương đối hiền hòa hơn. Có giận đấy nhưng chỉ cho nước tràn hai bên bờ. Cá lẫn lộn đáy sông với bờ cỏ nên khi nước rút xuống, cá nằm lại, không kịp bơi về nhà. Nước của con sông này cộng với Brazo River đổ vào hồ Padera Lake làm cho nước hồ dâng cao khiến cái đập ở cuối chân hồ muốn sập! Đầu tiên hết, cư dân dưới chân đập phải di tản. Tivi, radio, facebook các loại kêu gọi tình nguyện viên đến phụ giúp mọi người chạy ra khỏi vùng Ellis County vì con sông Brazo mực nước dâng cao đến chóng mặt. Sau đó kỹ sư cầu cống được triệu ra xem xét xem khi nào thì đập bể. Các máy bơm hút nước được mang tới chạy hết công suất hút nước ra khỏi hồ, thêm trời bớt mưa hẳn. Đập Padera được cứu, nhưng dân chúng phải đi lánh nạn mất mấy ngày.

Xe cộ ngập lụt ở Houston
Nếu cư dân của Midlothian may mắn thoát nạn lội nước thì cư dân của Houston ngược lại, bì bõm ngập lụt vì Buffalo River quá tải. Tất cả các dòng sông đều chảy ra biển, Buffalo là một dòng sông như thế. Nó mang theo nước của mọi nguồn phía trên miền Bắc, cộng với đêm thứ hai mưa tầm tã, cứ như ai cầm xô nước dội xối xả không ngừng xuống thành phố Houston. Buffalo River chợt thấy mình chật hẹp quá, liền đổ hết nước ra các highway của Houston. Trong phút chốc Houston đột nhiên có những dòng sông không mong đợi, dòng 45, dòng 59, dòng 288. Vòng đai 610 chỗ cao chỗ thấp cũng phải chuyên chở một ít nước Buffalo River san sẻ cho. Cũng may sau trận bão Allison năm 2007, thành phố Houston đã chỉnh trang lại hệ thống đê điều nên vùng downtown Houston không bị lụt. Năm ấy các bệnh viện phải di tản bệnh nhân cấp tốc, nhiều tòa nhà có bãi đậu xe dưới tầng hầm bị lụt quá nửa, và hãi hùng nhất là cảnh mở thang máy ra chỉ thấy một cột nước ùa vào, chết không kịp trối. Lần này chỉ có xe chết máy nằm đường, các ngôi nhà kém may mắn nằm dưới thấp chợt thấy nước tràn qua khe cửa. Cư dân mới đầu lên leo ghế, thấy nước mấp mé chân ghế, liền leo lên bàn, thấy nước không ngừng lại, bèn ngẩng đầu nhìn mái nhà. Trực thăng cứu hộ phải đi cứu những người ngồi trên mái nhà vẫy áo vẫy cờ rối rít. Trận lụt ở Houston cướp đi sinh mạng của sáu người, đa số không chạy ra khỏi xe kịp. Khi nước rút đi, để lại 700 cái xe hơi mắc cạn, nằm phơi ra với bùn. Mà đã xong đâu, sau đó khổ chủ phải chạy đôn chạy đáo đi tìm lại xe mình vì không biết nó đã bị nước cuốn đi tận đâu, hay bị xe trục vác về chỗ nào. Ngoài ra còn hơn 4000 ngôi nhà phải tu sửa lại.
Một trong những dòng sông "bất đắc dĩ" của Houston, highway 45
Nước trên những highway của Houston vừa ráo thì đến highway 12 của Dallas bị lụt. Một buổi sáng đi làm, mọi người chợt thấy mình bị tắc nghẽn bởi xe cộ không nhúc nhích lấy một ly. Thì ra nước dâng cao, không xe nào dám liều lĩnh phóng qua, sau khi đã xem hoạt cảnh xe lụt ở Houston. Xe xếp hàng nằm chờ đúng 6 tiếng đồng hồ, bức tường xây ngăn cách hai làn đường mới được phá vỡ để xe có thể quay đầu trở lại. Thôi cũng may là chẳng có ai bị chết hay bị thương trong chuyện này.       

Tổn thất khá nặng nề khắp tiểu bang Texas, đến nỗi tổng thống Barack Obama đã tuyên bố Texas được đặt trong tình trạng báo động khẩn thiết.

Dòng sông highway 12 của Dallas
Thế mới thấy khi các dòng sông nổi giận, thì chẳng có gì ngăn cản chúng được.
Tuần lễ bão bùng mưa gió đã qua. Cả mấy ngày nay được nắng đẹp, trời xanh, thôi thì cũng để cho dân Texas có thời giờ dọn dẹp nhà cửa tí chút. Riêng nhà mình mãi đến hôm kia mới cắt cỏ được hết cái sân sau. Nước không kịp rút ở hai bên hông nhà, máy cắt cỏ vào tới nơi thì cứ như bị lún xuống bùn! Riêng cái hồ bơi thành bờ rêu bám xanh lè vì lượng clorine đổ xuống đã theo nước mưa trôi đi từ đời nào.

Và mọi người sẽ hết sức ngạc nhiên nếu biết rằng hôm qua mình đã phải cầm vòi đi tưới mấy cái cây của mình! Texas cái gì cũng hơi quá mà lại.

Lan Hương
Fort Worth 06/05/2015