Pages

Friday, January 23, 2015

Giỗ Ông


Khói nhang một nén
Hôm qua giỗ ông. Mọi người chép miệng, mới đó đã mười ba năm, thời gian thật như thoi đưa! Ngày giỗ ông càng lúc càng thưa người. Lớp cháu chắt phần đi học xa, phần bận rộn với những công việc riêng của mình, không đến. Lớp con cái bất hòa, cố tránh mặt nhau nên cũng không đến nốt. Chỉ vỏn vẹn gia đình hai đứa con trai và bà vợ cũ. Thế thôi.

Ông sinh ra ở tỉnh Quảng Trị, một trong những tỉnh nghèo khó nhất của Việt Nam. Ổng kể thuở nhỏ ông phải đội quần áo, sách vở lên đầu, bơi qua sông đi kiếm chữ. Không biết ông kể chuyện vượt sông thế nào mà con cái ông bây giờ ai cũng sợ nước và chẳng ai biết hay chịu học bơi cho đến nơi đến chốn. Có mỗi chồng tôi tài năng bơi lội khấm khá nhất nhà thì dừng lại ở mức bơi...chó! Nhưng nhờ bơi sông hàng ngày, có một năm trong cuộc thi bơi của Đông Dương, nghĩa là có Việt Nam, Lào và Campuchia, ông đoạt giải nhất. Ấy là lúc ông còn trẻ, độ tuổi hai mươi. Sau này ông bị suyễn, chỉ cần đi bộ một quãng ngắn, ông đã phải dừng lại thở dốc, mặt mày đỏ gay. Khi nhà tôi xây xong hồ bơi, ông hăng hái nhảy ào xuống nước để biểu diễn tài  bơi lội mà quên thay quần bơi, kết quả là cái cell phone ngập nước, đem dấu vào lu gạo cả ngày, rồi máy sấy tóc, máy sấy quần áo cũng không cứu được, đành mất toi. 

Mẹ ông, tức là bà nội ruột của chồng tôi, mới mất cách đây ba năm, bà thọ 103 tuổi. Nghe kể tuy đã già, nhưng bà còn minh mẫn chán, con cháu đố hòng lấy được của bà một đồng nào, vì của nả bà nhét tất vào cái gối ôm khư khư suốt ngày trước ngực. Bà thọ như thế nhưng ông lại mất khi chỉ có 72 tuổi. Quan tài ông phải vắt một dải tang trắng hàm ý ông bất hiếu đi trước mẹ. Ông thật sự không sống với bà mà lại sống với bà mẹ nuôi ở Phan Rang. Ông có quãng tuổi thơ chẳng êm đẹp gì, nghe nói ông thường xuyên bị mẹ ruột đánh đập, hành hạ. Khi về ở với mẹ nuôi, ông mới được ăn học đàng hoàng.

Tan tác
Năm 75, ông đi tù vì chức vụ trưởng ty thuế vụ Dalat. Hỏi Ba Má tôi có biết ông không, thì Ba tôi vốn là người nghiêm chỉnh  chấp hành luật pháp, đóng thuế đầy đủ, đâu ra đó  không thiếu một đồng nên chẳng bao giờ cần phải đến ty thuế vụ gặp ông trưởng ty làm gì. Họ chỉ quen biết nhau khi cả đôi bên thành xui gia. Ông phải ngồi tù 10 năm, ra tù ông quyết định đi vượt biên. Ông ra khơi với một nửa dân số trong nhà, gồm chồng tôi, bà chị và con em. Phần còn lại ở với bà mẹ. Quyết định chia đàn xẻ nghé này là một trong những nguyên nhân khiến gia đình chồng tôi lục đục suốt. Người đi kẻ ở cộng với mười năm chia rẽ làm vợ chồng xa mặt cách lòng, con cái xa nhau từ trong tâm.  

Chồng tôi kể, sang Mỹ ông đã dành dụm tiền mua một chiếc xe gắn máy loại nhỏ, rồi mất hết cả tuần ngồi tháo rời từng bộ phận, đóng thùng lại gởi về Việt Nam để bên đó đem bán lấy tiền xài. Vài tháng sau ông nhận được thư từ quê nhà, chì chiết ông gởi chi cái thứ không ai muốn mua, lại còn phải tốn tiền cho thợ lắp ráp lại nữa nên cầm bằng đem cho không người ta, thật không đáng công xếp hàng chầu chực lãnh quà. Ông đã ngồi lặng đi hết mấy ngày.  

Chẳng hiểu ông thù oán gì với dân Bắc Kỳ mà tôi biết tôi là đứa con dâu ông không hề mong muốn. Trong bức thư đi hỏi vợ của ông gởi cho Ba Má tôi, ông viết ông muốn con ông lấy vợ người miền Nam, trẻ hơn 10 tuổi và nữ công gia chánh đầy đủ. Ba Má tôi thở dài bảo, nếu tôi thật sự muốn lấy thì Ba Má tôi gả, chứ cái kiểu viết thư như thế này  chẳng ai muốn gả con cho. Tôi đọc đi đọc lại bức thư hỏi vợ cho con của ông, trong đó tên tôi bị viết lộn ngược thành tên của một nữ ca sĩ tôi không lấy gì làm thích, lòng tự hỏi lòng mình sẽ làm gì. Hai mục đầu thì tôi chẳng làm sao thay đổi được, mục thứ ba thì sau này tôi khám phá ra khoản nữ công gia chánh của tôi hơn hẳn tài năng các bà con gái của ông cộng lại. Tôi làm cơm cúng ông, hết một nửa món nấu theo kiểu Bắc Kỳ. Tôi lầm rầm khấn, con chỉ biết nấu có chừng đó, thôi Ba ráng ăn vậy nghe. Chắc ông cũng rầu lòng không ít, nhưng bảo tôi làm món cá kho quẹt cúng giỗ thì tôi chịu. Nhưng tôi đã biết cúng xôi đậu xanh thay vì xôi vò, và ráng không để món miến gà vào thực đơn. Nếu vào ngày cận Tết, tôi sẽ cúng bánh tét thay vì bánh chưng, và sẽ cúng chè chuối nước dừa thay vì chè hoa cau. Tôi biết ông sẽ vui vẻ hưởng cỗ của tôi, vì xét cho cùng, ông không phải là người chấp nhặt.  

Turkey Run River
Tôi nhớ dạo ông bà và hai đứa em chồng lên Kokomo, Indiana thăm vợ chồng tôi. Khi ấy tôi đang mang bầu đứa thứ nhất, không biết sợ trời sợ đất là gì, thay vì dẫn nhà chồng đi shopping, tôi lại rủ họ đi chèo canoe 15 miles trên dòng sông Turkey Run River. Trên nguyên tắc vì đang mang bầu nên tôi chỉ có việc ngồi giữa thuyền che dù ngắm cảnh, chuyện chèo chống đã có chồng và mẹ chồng tôi lo. Mười lăm phút ngồi nhìn mẹ chồng quạt chèo sang đông, chồng đẩy mái sang tây, thuyền đi ngang như cua, mẹ con cãi nhau ỏm tỏi, tôi giải quyết xung đột bằng cách cầm mái chèo làm nốt 14 miles rưỡi còn lại một cách nhẹ nhàng. Chắc nhờ vậy mà con đầu lòng tôi sinh nở không lấy gì làm khó nhọc cho lắm. Đó là lần duy nhất nhà chồng lên thăm chúng tôi, có lẽ sau đó khi nghe nói đến chuyện thăm chúng tôi họ e dè 15 miles canoe ấy chăng? Dù sao đó là một trong những khoảnh khắc êm đẹp nhất từ khi tôi về làm dâu nhà ông.

Chưa kể đến chuyện ông là người dạy tôi chơi bài khi thấy tôi ngồi xớ rớ bên sòng bạc. Ông chỉ cho tôi cách cầm 13 lá bài sao cho không tuột khỏi tay rơi tung tóe, cách xếp bài làm sao để nhìn thấy rõ ràng. Tôi chơi bài theo kiểu phân tích logic, ông không tài nào hiểu nổi nhưng vẫn khen tôi học nhanh. Thú thật tên các kiểu chơi tôi không cách chi nhớ, nhưng tôi biết xếp bài theo cách nào để kiếm điểm cao nhất. Và cho đến bây giờ mẹ chồng tôi vẫn còn kể chuyện ông cầm tiền mua xe hơi cho bà đem về Saigon nướng sạch vào sòng bạc trong một đêm. Về lại Dalat, ông chỉ nói ngắn gọn “Thua hết  rồi”.

Gia đình ông đoàn tụ chưa được bao lâu thì ông bà chia tay, con cái cũng chia làm hai, một nửa binh vực bố, nửa kia theo phía mẹ. Chỉ có đám dâu rể là đứng giữa, ai gọi thì dạ, ai bảo gì cũng vâng. Vì vậy mà gia đình ông lục đục không yên suốt bao năm nay. Ngay cả khi ông đã nằm xuống, mọi người vẫn không cách chi ngồi chung được với nhau. Quà Noel vẫn còn gởi qua đường bưu điện mặc dù sống cách nhau không đầy một tiếng lái xe. Chuyện ly dị của ông bà là chuyện dài nhiều tập. Tôi nghe đầy tai từ mọi nguồn mọi phía, chỉ văn hoa tóm tắt như vầy “mười năm vợ chồng xa cách đã để lại nhiều hậu quả khó lường…”. 

Ly dị được chừng 2, 3 năm một hôm ông tuyên bố sẽ về Việt Nam lấy vợ. Cả nhà thất kinh. Ý trung nhân của ông  trẻ hơn ông khoảng 30 tuổi  và có một đứa con gái đang ở độ tuổi nhi đồng. Bà này vẫn mày tao chi tớ với con gái lớn của ông rồi đùng một cái muốn làm mẹ của bạn. Cả nhà đâm ra hoang mang, nếu ông lấy vợ thì thật không biết phải xưng hô như thế nào với vợ và đứa con mới của ông. Điện thoại đường xa dạo đó cứ tới tấp gọi không ngừng. Tôi dạo đó mải nâng niu cái job đầu tiên cộng với hai thằng con thay phiên đau ốm nên không để ý gì nhiều. Chỉ thực tế hỏi chồng tôi nếu mang bà ấy với đứa con sang đây thì tiền bảo hiểm sức khỏe tính sao. Thế là điện thoại dồn dập. Sau đó tôi xem một bộ phim Mỹ, kể chuyện cảnh về già của những người đơn thân lẻ bóng, cảm động quá tôi bèn bảo chồng tôi, có bà ấy sang chăm sóc ông cũng không phải là điều dở, chừng đó gia đình con cái chẳng lẽ không lo được cho ông và bà vợ mới sao, về già, người ta đâu đòi hỏi gì nhiều. Điện thoại lại dồn dập đổ chuông.

Mọi sự có lẽ sẽ tốt đẹp nếu như ý định lấy chồng chỉ để đi Mỹ của bà ấy đừng lộ liễu quá và ông đừng trở bệnh nặng. Ông là một người chiến đấu với bệnh tật gan dạ và bền bỉ nhất mà tôi biết. Khi biết mình mắc bệnh ung thư gan, ông không từ bất cứ cái gì để thử, kể cả nước thánh mang từ La Vang mà ông cạy cục nhờ người đem từ Việt Nam sang. Ông chiến đấu với bệnh bằng mọi giá, trong đó có mục cải đạo sang đạo Thiên Chúa, chỉ vỏn vẹn một, hai tháng trước khi ông mất. Nếu không bao giờ thấy ông báng bổ đạo Thiên Chúa thì đã không lấy làm ngạc nhiên trước quyết định này của ông. Tôi thì cho rằng ông bệnh vái tứ phương, phương nào làm cho ông khỏi bệnh, ông sẽ theo. Kết quả là bây giờ giỗ ông, ai theo đạo Thiên Chúa thì đọc kinh ở nhà thờ cho ông, còn ai theo đạo thờ cúng ông bà thì làm cho ông bữa cơm, bữa giỗ. Linh hồn ông tôi không rõ trôi giạt theo ngả nào.

Dù vái tứ phương như vậy, ông vẫn biết mình không qua khỏi. Ông chuẩn bị cho ngày cuối cùng của mình khá chu đáo bằng cách để lại một tờ di chúc. Ngoài chuyện phải mặc cho ông thứ gì khi ông mất, dặn các con đừng hỏa táng vì nóng lắm, ông không chịu nổi, còn chuyện của nả ông để lại nữa. Chẳng bao nhiêu nhưng là như vầy: hai ngàn đồng dấu dưới thảm xe dành cho…Hai ngàn đồng khác đựng trong cái hũ trên nóc tủ lạnh dành cho…Còn tiền dưới gầm tủ nhỏ gần đầu giường dành cho…Tượng Phật ngọc cất trong túi áo…treo trong tủ…dành cho…Chiếc nhẫn gói trong khăn cất ở tủ dành cho…Cả nhà tung tóe đi săn lùng kho báu. Tôi chỉ tiếc ông không thêm vào đó một dòng “Các con nên thương yêu lẫn nhau và hãy chăm sóc mẹ thật tử tế”. Nếu được như vậy thì ngày giỗ ông năm nay hẳn đã đông người hơn và mẹ chồng tôi không còn cay đắng đến tận bây giờ.  

Tôi còn tiếc thêm một chuyện nữa là không kịp đưa ông đi thăm thú Las Vegas, thành phố trong mơ của ông. Tôi không hiểu tại sao chừng đó con cái không ai để ý đến điều này, chỉ có tôi, cô con dâu Bắc Kỳ của ông, là nhớ đến. Khi bảo chồng tôi xem xét ngày giờ mua vé đưa ông đi, ông rất vui, hân hoan chuẩn bị mọi thứ. Rất tiếc chuyến đi ấy không bao giờ thành vì phổi ông đã bắt đầu ngập nước. Tôi ân hận vì mình đã không chịu đốc thúc chuyến đi này lúc ông còn khỏe mạnh. Và đây cũng là lý do tôi quyết tâm lôi kéo cả nhà về Bỉ ăn Noel năm 2002, Noel đầu tiên về lại cố quốc từ khi lấy chồng. Tôi thấy rõ trên đời này có những điều không thể chờ đợi được.  


Ngàn cánh hạc
Còn vài ngày nữa ông mất, đứa cháu lớn nhất của ông tin rằng nếu xếp cho ông một ngàn con hạc giấy, ông sẽ tai qua nạn khỏi. Khi ông nhắm mắt, nó mới xếp được khoảng 600 con. Nó tuyệt vọng nước mắt vòng quanh. Tôi bảo nó, hãy xếp cho đủ một ngàn con, ông sẽ rất vui khi ra đi với một ngàn con hạc trắng, và rồi tôi ngồi xuống xếp phụ nó 400 con còn lại. Ngàn cánh hạc đưa ông về trời, Thiên Đàng hay Niết Bàn, nơi nào ông cũng xứng đáng để được đưa đến cả.   

Fort Worth, 01/18/2015

4 comments:

  1. hay ! Hương kiếm ử đâu ra mấy cái hình minh họa thật đẹp !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Từ Google Images. Tìm "nhang khói" với lại "hạc giấy" là ra liền!

      Delete
  2. Rất cảm động! Forgiveness, tha thứ là kim chỉ đạo của gia đình mình, mặc dù chả đứa nào bén mảng đến chùa, mặc dù ba má cũng chẳng bảo mình phải làm vậy.
    Quynh

    ReplyDelete
  3. Tyệt! Không ngờ cô em tài hoa. Rất thích lối văn kể chuyện của Hương, đọc không mệt. Đọc lại hai lần và có thể đọc thêm nhiều lần nửa. Rất cám ơn.
    H.

    ReplyDelete