Pages

Tuesday, April 16, 2019

Notre Dame de Paris


Khi nó chìm trong biển lửa, tôi mới biết tôi yêu nó đến chừng nào! Yêu đến nỗi sau khi biết tin, tôi không còn lòng dạ theo dõi tin tức của nó, mà chỉ trong tích tắc, đã tràn ngập trên tất cả mọi thông tin trên thế giới. Chỉ vì tôi không muốn nhìn thấy nó hấp hối. Nó, giấc mơ thuở nhỏ của tôi. Tôi buồn đến mức buổi tối ông chồng hoan hỉ báo tin đã có nhà tỉ phú bỏ ra 113 triệu để xây dựng lại nó, tôi cũng chẳng thấy khá hơn. Sáng nay đã có 300 triệu để xây lại, tôi vẫn còn cả một nỗi buồn. Bởi cái gì đã ra tro thì khó lấy lại, cho dù cả nước Pháp có đồng lòng xây dựng lại nó.

Cớ làm sao tôi phải thương vay khóc mướn một cái nhà thờ tuốt bên Paris mà tôi thậm chí chẳng theo đạo Thiên Chúa, làm dấu 3 ngôi không biết bằng tay phải hay tay trái, và câu thần chú gì phải đọc khi lên nhận bánh thánh?

Bởi vì nó là những năm tháng tuổi thơ nằm bò trên giường nghiến ngấu thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà của Victor Hugo. Là những tưởng tượng Quasimodo chạy nhảy trên những gác chuông, là Esmeralda với chiếc váy gypsy sắc màu rực rỡ, là thầy Claude Frollo nhân tâm khó lòng hiểu nổi. Nó là những ngày trời mưa tôi tưởng tượng bằng trí óc của một đứa trẻ, xa lạ với toàn bộ kiến trúc Gothic, không biết gargoyle là cái giống gì. Tôi chỉ biết nó vĩ đại lắm và là giấc mơ niên thiếu của tôi, được một lần nhìn thấy nó trong đời.

Thế mà giấc mơ thành sự thật. Tôi và chị tôi đến Paris tầm năm 1989 – 1990, khi giấy tờ tùy thân còn là phận kẻ tị nạn, cấm tiệt không được đi ra khỏi Bỉ, ở đâu ở yên đấy chờ ngày vào quốc tịch. Thế là chúng tôi bèn “vượt biên” sang Pháp. Thay vì phom phom trên xa lộ để đối mặt với cái cổng nhà đoan, chúng tôi đi đường làng. Thuở ấy làm gì có Garmin, Google Map vởi lại Wazze, cho nên tôi ôm tấm bản đồ tổ chảng, mắt lom lom nhìn ngó tên đường tên làng, bảo chị tôi quẹo trái quẹo phải. Canh đúng tầm đến nhà đoan trong làng khoảng giữa trưa lúc lính gác biên phòng phóng về nhà làm ly rượu chát với dăm miếng fromage, bỏ lại tiền đồn trống hoác cho chị em tôi lái sang cùng với mấy con bò. Sau khi vượt biên thành công, chúng tôi trực chỉ hướng Paris thẳng tiến.

Ba đêm ngủ trong cái nhà khách của tòa đại sứ quán việt nam ở Paris, tôi chỉ còn nhớ lờ mờ là nó hôi nồng mùi thức ăn, dầu mỡ, phòng tắm bẩn đến nỗi ngần ngại mãi không dám vào, và buổi tối tôi chui trong cái sac couchage, kéo fermeture kín mít vì sợ gián! Mà chúng thì bò lổm ngổm khắp nơi khắp chốn trong cái nhà 3 tầng này. Về kể cho Má nghe chuyện cái nhà khách, Má liền đuổi thẳng chị em tôi ra sân sau, bắt thay đồ vứt vào máy giặt và đi tắm ngay lập tức để giết trứng gián! Sau đó Má chép miệng, sang đến đây rồi mà còn ở dơ!

Tôi nhớ buổi chiều ngay hôm đến, tôi đề nghị đi thăm Notre Dame. Cả bọn kéo ra metro đổi hết trạm này sang trạm khác, trạm chúng tôi phải xuống mang tên Notre Dame, đố mà lạc được. Chui ra khỏi hầm metro mắt còn quáng gà, tôi dáo dác nhìn quanh. Chị tôi bảo sau lưng mày đó. Tôi quay ngoắt lại và chẳng thấy gì. Chị lại bảo, kia kìa hai cái tháp của nhà thờ. Tôi há hốc miệng. Sao mà lùn tịt thế! Trong tâm tưởng của tôi, nó phải to đùng vĩ đại bao trùm cả Paris kia chứ. Nhưng mà nó thật sự đứng đó, nhìn tôi. Tôi nhìn nó rồi bắt đầu tiến lại gần. Khi đó tôi mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Tôi ngắm nghía các gargoyles, không con nào going con nào, tự hỏi sao nhà thờ ác thế, đổ chì nóng cho chảy ra miệng các gargoyle để dội lên đầu quân thù! Cả buổi chiều chúng tôi lòng vòng ở đây, đi vòng quanh rồi đi vào nhà thờ tôi ngẩng đầu tìm kiếm Quasimodo nhưng không thấy, chỉ thấy du khách khắp nơi đổ về, xì xồ đủ mọi loại ngôn ngữ.

Đó là lần đầu tiên tôi đến Paris và thăm Notre Dame. Lần thứ hai nhân dịp chạy qua đó lấy bánh su sê đám cưới của tôi. Lúc ấy là vào mùa thu, các hàng cây giăng lá vàng, và Notre Dame lần này soi bóng dưới dòng sông Seine cùng với hàng cây thay màu lá, thanh bình tĩnh lặng. Tôi vẫn chưa lên tháp chuông nào và mỏi mắt mong chờ Quasimodo, các nàng Esmelrada lượn quanh nhưng tôi phải lo thủ cái túi tiền của mình cho chặt!

Lần thứ ba đến với ông chồng và 2 thằng con, một thằng còn ngồi xe đẩy. Lần này con cái vướng tay vướng chân, tôi xin ngồi ngoài sân giáo đường, thả hai thằng con cho chạy loanh quanh và chỉ cho chúng xem các gargoyle trên mái nhà. Nhà thờ vẫn đông và tôi nhìn ai cũng ra Quasimodo! Có lẽ con nó hành cho mờ cả mắt.

Lần thứ tư là khi hai thằng con đã lớn, đã lõm bõm học/đọc Thằng Gù nhà thờ Đức Bà trong giơ văn chương ở trường. Lần này tôi thong thả hơn, ngắm nhìn các tượng điêu khắc kỹ càng hơn, ngắm từng chi tiết uốn lượn theo gờ mái và đã biết kiến trúc Gothic là gì. Tôi không tìm Quasimodo lẫn Esmelrada nữa. Nhưng có một ông thầy tu hao hao Claude Frollo làm tôi nhìn ngài cho đến khi khuất bóng. Và tôi vẫn không leo lên tháp chuông nào vì hàng người xếp rồng rắn chờ lên làm nản lòng rất nhanh.

Để bây giờ nó đổ sập, tôi thấy như có dao cứa vào lòng! Tôi đau đến nỗi sẽ không để hình nó lên bài này, lúc nó còn nguyên vẹn, ngạo nghễ với thế giới, hay nó quằn quại trong biển lửa đỏ rực,
 Và rồi khi nỗi đau đã nguôi ngoai, tôi sẽ xem nó sống dậy. Phượng Hoàng hồi sinh từ đống tro tàn, tôi hy vọng như thế.

Lan Hương

Fort Worth 04/16/2019

Monday, March 11, 2019

Sáng mai thức dậy không còn thấy mặt trời


Từ Quora, cái website mà bạn có thể hỏi bất kỳ điều gì, chỉ ra 10 cách tự tử khác nhau.

Cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, bảo đảm đến 99%, trừ khi đổi ý phút chót đó là kê súng vào thái dương, website nhấn mạnh, thái dương nhé, từ trái sang phải, hoặc phải sang trái, tùy theo bạn thuận tay nào, nhất quyết là không phải từ cổ họng ra sau ót vì cái chết không đến theo đường này, rồi bùm! Chỉ có nhân vật Frankie trong Pol Dark mới không chết vì thuốc súng ẩm, đạn không nổ. Tôi không có súng ngắn, súng đi săn của con quá dài, nếu kê vào thái dương tay không với tới cò súng. Điều quan trọng nhất, tôi không biết bắn!

Tiếp theo là trầm mình xuống ao hồ, sông rạch, biển, bất cứ chỗ nào có nước. Thường chỉ áp dụng cho những người không biết bơi, vì phản xạ tự nhiên là cơ thể sẽ vẫy vùng khi sặc nước, người không biết bơi sẽ tự hoảng loạn mà uống thêm nước để bị sặc thêm, người biết bơi theo phản xạ sẽ nín thở, đạp chân trồi lên. Cái hình ảnh người tự tử đi chầm chậm xuống nước, chìm dần, chìm dần cho đến khi nước ngập qua đầu rồi không bao giờ nổi lên, mặt nước thoáng xao động sau đó êm ả trở lại như không có gì xảy ra, chỉ có trong phim ảnh hay tiểu thuyết mà thôi! Trong website, có người hỏi thế làm sao cho tôi được bị chìm? Tôi đã thử nhưng cứ thấy mình bị nổi lên! Buộc một cục đá tổ chảng vào cổ ấy, Mafia hay chơi kiểu này, tôi sẽ khuyên thế. Nhưng bình thường thì tiếc thay tôi thuộc loại tay bơi không đến nỗi tệ.

Treo cổ ư? Đầu tiên phải có một sợi dây thừng đủ dài và thật chắc. Sau đó phải biết thắt nút dây, nút lỏng vừa buông người thì té cái rầm, dây đàng dây, người đàng người. Tôi có đi hướng đạo 3 tháng hồi 12 tuổi, đủ học được vài nút thắt chơi, cũng đủ chắc. Nhưng cái chính là treo chỗ nào trong nhà? Phải có rầm nhà rồi mới quàng dây qua đó được. Rầm nhà tôi ở trên attic, quá thấp, tôi đi đứng trên đó phải lom khom, làm sao chân hổng đất để cho thân thể đu đưa? Website có nói rằng ngày xưa người ta treo cổ nạn nhân vì cái chết đến rất nhanh, đá cái ghế một phát, nạn nhân gãy cổ, nghẹt thở không còn thức dậy để thấy mặt trời. Như Kate Spade. Nhưng tôi sẽ không để lại cái note cho con kiểu như “It’s not your fault! Ask your father!”. Quá độc địa.  

Nhảy từ trên cao xuống, điều quan trọng nhất website chỉ ra, là chỗ nào đủ cao, và chỗ tiếp xúc khi rơi xuống. Nạn nhân nhảy cầu Golden Gate ở Cali thường đước cứu sống vì dù cầu có cao nhưng mặt nước lại quá nhân từ, đủ mềm mại để nạn nhân không vỡ mặt. Còn chuyện độ cao thì lúc tôi nằm nhà thương Chợ Rẫy với cái chân gẫy, một hôm người ta đem một bệnh nhân mới vào phòng tôi. Tôi còn nhớ nó tên Thủy, nhảy lầu vì thất tình. Nó còn trẻ lắm, khoảng mười chín hai mươi. Nó buông người xuống đất từ lầu ba, dọc đường rơi nó vướng dây điện. Hôm đó điện cúp nên nó không bị giật mà hạ cánh với một cái vai gãy. Chỉ thế thôi. Sau đó nằm chung phòng, nó ra sức hạch sách người nhà đủ điều, cho rằng vì họ mà nó không chết.  Rồi thậm chí nó còn xuất viện trước cả tôi. Chung quanh đây nhà cao không có, có mấy cái building cao ngất thì bọc kính trong ngoài. Muốn phóng ra ngoài phải đập vỡ kính trước đã. Mà đầu tiên là phải vào được building, làm sao qua khâu xét hỏi? Sở tôi chung quanh lát xi măng cứng ngắc, không dây điện giăng mắc, cây cối cách tường đủ xa để không vướng. Nhưng chỉ có hai tầng!

Nhảy vào đầu xe lửa như Anna Karenina cũng là một cách. Tôi đã nghiên cứu các loại xe lửa quanh đây. Chỗ nào dân thường có thể đi trên đường rày thì y như rằng lúc đó xe lửa chạy chậm rì. Chỗ xe lửa phóng nhanh như tên bắn chỉ có ở đồng không mông quạnh, đến tới nơi không phải dễ. Trong truyện Anna Karenina, tác giả không tả cảnh máu me be bét sau đó, nhưng tôi có thể hình dung ra và không thích lắm. Tôi nhớ mình có ông thầy dạy Logicstic ở bên Bỉ năm nào, ngài cũng nhảy vào đầu xe lửa và tất nhiên ra người thiên cổ vì tôi thi môn này với một bà cô già mặt quàu quạu suốt.

Một cách nữa mà rất nhiều người sử dụng, đó là tự đầu độc mình bởi các loại thuốc. Uống cả ống thuốc ngủ chẳng hạn, mà phải là thuốc theo toa bác sĩ, mấy loại thuốc vớ vẩn bán ngoài chợ không đủ mạnh. Và nếu uống tất tật những gì có trong tay thì chưa chắc đã chết nếu không có trình độ hóa học khá cao. Vì thuốc có thể phản ứng khác nhau và với nhau. Chẳng hạn thuốc này làm tim đập nhanh hơn thì loại thuốc khác uống chung lại giảm nhịp tim. Uống hai thằng này với nhau theo phép toán học cộng trừ thành zero, bạn trở lại người bình thường với cái bụng cồn cào và ôm toa lét suốt ngày để nôn mửa! Overdose thường kết thúc ở nhà thương để súc ruột đi súc ruột lại rồi ra về với một cái bill cao ngất ngưởng.  Đi theo kiểu này thì phải biết chắc mình sẽ uống cái gì. Theo Michael Jackson là sự trộn lộn của anesthetic propofol và anxiolytic lorazepam. Những cái tên thuốc rối rắm và tôi lại không có sẵn trong tay. Tôi chỉ có thuốc thyroid, vỏn vẹn 20 viên đủ để đến tháng tư đi physical check up, bác sĩ sẽ viết thêm đơn. Chẳng ai chết vì nuốt 20 viên Levothyroxine cùng một lúc cả.

Website có nói rõ, 2 điều thứ yếu để cắt cổ tay đó là phải có một con dao thật sắc và phải biết cắt cái gì. Không ai có đủ can đảm cò cưa con dao cùn trên cổ tay mình vì rất đau. Nếu cắt lộn chỗ thì thay vì cắt trúng động mạch, bạn sẽ mở toang phần thịt nơi máu sẽ không ồ ạt tuôn chảy như trong xi nê. Có một điều khá thú vị, thiên hạ thường ngồi trong bồn tắm ngập nước rồi mới cắt, chỉ là vì nước ấm sẽ làm máu ra nhanh hơn. Website bảo thêm có 3 cách làm đỡ đau lúc cắt, đó là uống thật nhiều thuốc giảm đau trước khi tiến hành, sau đó thủ sẵn một bịch đá, lúc cắt xong để bịch đá lên vết cắt, nó sẽ làm đỡ đau, và thuốc ngủ tiếp theo sẽ làm quên sầu đời. Rất nhiều người đi theo con đường này vì xem ra khá ngon cơm. Nhất là khoản dọn dẹp sau đó, chỉ cần mở van cho nước, máu và linh hồn trôi ra ống cống.

Cách tiếp theo là carbon monoxide. Nghĩa là ngồi trong xe mở máy, mở cửa sổ xe nhưng không mở cửa garage. Cái bạn cần là một bình xăng đầy và một cái garage đủ kín để cho khói xăng không thoát ra ngoài được. Trong xi nê chuyện xảy ra khá dễ dàng, ngoài đời tôi không quen hoặc biết ai thử kiểu này. Tôi không biết máy xe phải nổ mất bao lâu, và phải hít bao nhiêu carbon monoxide mới về bên kia thế giới. Có thể uống thuốc ngủ thêm sẽ làm mọi việc dễ dàng hơn chăng?

Còn thêm một cách nữa mà chỉ có dân Nhật kiểu samurai mới làm được, đó là đâm thật nhanh, thật mạnh vào tim. Website bảo khó lắm và rất đau nếu đâm trật, và khuyên đừng tìm hiểu thêm. Tôi sẽ thêm vào đây, đi mà hỏi samurai làm sao thực hiện hara-kiri. Có điều phải tìm ra một ông samurai trước đã, mà nghe nói bây giờ mấy ông khan hiếm còn hơn vàng.

Khoản thứ mười là tự hiến mạng mình cho một nghi lễ tôn giáo ma quỷ nào đó. Tôi không chơi chuyện này vì bất kỳ tôn giáo nào. Hoặc nói cách khác, tôi không bán linh hồn mình cho ác quỷ dưới bất kỳ hình thức nào. Có ngon thì tự hiến tế mình ấy!

Ngày hôm qua 157 người chết vì máy bay rơi ở Ethiopia, 3 người chết vì tai nạn ở Dallas. Tôi tự hỏi có ai trong số họ đã từng lên Google và gõ như thế này “how to kill myself?” Nếu có, hẳn người đó có một giây phút rất nhẹ nhàng khi biết ngày hôm sau không còn mặt trời mọc.

Và khi bạn đi tìm “Easy ways to kill yourself” thì có nghĩa là trong bạn có quá nhiều thứ bị mất hoặc bị giết chết. Tuyệt nhiên không phải vì giận dữ, khi giận người ta sẽ “giận cá chém thớt”, nhưng khi người ta cảm thấy hoàn toàn trống rỗng, từ trong ra ngoài thì ý tưởng “không mợ chợ vẫn đông” sẽ bám chặt lấy đầu óc bạn.

Cái gì đã làm nên tâm hồn hay bản sắc một con người? Khi những yếu tố đó bị mất dần hoặc bị giết chết thì bản ngã của mình còn lại là gì? Một object, không hơn không kém. Và một object trong một cái đầu với hai tay hai chân thì không nên sống làm gì.

Và không có nỗi đau nào bằng khi bị chính người mình yêu thương nhất vô tình giết chết bản ngã của mình. Đơn giản lắm, bởi chúng ta không hợp nhau, trong tất cả mọi lĩnh vực. Khi còn trẻ, chúng ta coi đó là một sự thử thách và dễ dàng vượt qua. Ờ thì đi bộ với bả một chút cũng không sao, ờ thì nghe bài hát này cũng không đến nỗi nào. Rồi thì còn cả một sự nghiệp để gày dựng. Và con cái ra đời. Chúng ta tít mù với cuộc sống, để tạm “cái tôi” sang bên cạnh và không có nhiều thì giờ cho riêng mình. Vì thế sự khác biệt không bộc lộ ra rõ ràng. Chúng ta trần thân ra cho con, cho sự nghiệp, các thú vui quanh quẩn vì con, và với con, vì công việc và với công việc. Một ngày 24 tiếng, một tuần bảy ngày, một tháng 4 tuần, một năm 12 tháng. Cứ như thế. Vòng quay cơm áo gạo tiền.

Đến khi con khôn lớn, tự lập và sự nghiệp đã chín muồi, chúng ta thong thả trong đời sống hơn và bắt đầu nói đến chuyện về hưu. Tất nhiên là nếu ở Việt Nam thì chúng ta đã về vườn rồi, nhưng ở Mỹ thì khác. 65 cho đàn bà, 68 cho đàn ông. Nhiều người nghỉ hưu chưa đầy một năm đã nghỉ nốt ở thế giới bên kia rồi. viễn cảnh chống gậy nhìn Hy Mã Lạp Sơn qua tivi trong phòng khách là có thể. Vì thế khi còn sức hãy làm điều mình cần làm. Đó là điều tôi đang làm. Và vì thế, tôi đã đánh mất cuộc sống tưởng như rất phẳng phiu của mình.  Mâu thuẫn như kim trong bọc có ngày lòi ra. Và nó chích cho phải biết. Những chuyến đi xa trở thành tra tấn nhau vì người thích đi tiếp người muốn dừng lại, những bài hát dạo nào nghe cũng lọt bây giờ người thưởng thức người còn lại chỉ muốn bóp họng ca sĩ! Rồi một câu nói ra bị hiểu theo trăm kiểu, một việc làm được hiểu theo nghìn nghĩa. Nín nhịn không thanh minh thì bảo là không chịu nói chuyện, chia xẻ chuyện thì bị gọi là coi người phối ngẫu như cái bị cát để mình đấm đá trút cơn bực tức. Tôi nhìn trời tự hỏi ở sao cho vừa lòng người? Tôi vốn tự nhận mình là người tốt, lúc nào cũng lo cho người khác trước bản thân mình. Riêng bây giờ thì tôi hoang mang, thật sự tôi là ai vậy? Một mụ đàn bà đanh đá, chỉ biết làm theo ý mình, không để ý đến người chung quanh muốn gì, không dịu dàng, không thuần phục, quá mạnh mẽ, quá tự lập, quá khác xa với hình ảnh một người vợ quanh quẩn trong nhà, vui buồn theo vui buồn của chồng con, người sẽ chết nếu chồng chết, chứ không phải như tôi tuyên bố, không việc gì mà phải chết theo. Tôi là ai vậy hả trời?

Tôi không đổ lỗi cho một ai. Tôi cũng chẳng hối hận, tôi chỉ thấy câu nói “Hai người hấp dẫn lẫn nhau mạnh mẽ hơn hết thảy là vì trái tính” là một câu đạo đức giả đến tởm lợm. Bây giò ngoài sự trống rỗng, tôi chẳng còn thấy gì trong tôi nữa cả. Rỗng đến nỗi ngày sinh nhật của tôi, tôi một mình lang thang hơn 3 tiếng đồng hồ trong Botanic Gardens, không thấy hoa mà cũng chẳng thấy lá mặc dù đang có lễ hội Lanterns Festival. Chỉ thấy một nỗi buồn khủng khiếp. Buồn đến độ bạn mất cả tự tin, mình thấy mình là một “big loser”, người thất bại trong tất cả mọi lãnh vực. Thế thôi.

Và khi bạn nói “Fucking my life!” thì một trong 10 điều của Quora là khả thi. Để cho sẽ đi ngủ với mặt trời lặn và không còn sáng mai thức dậy thấy mặt người. Và quan trọng nhất “Who care?”

Lan Hương

Fort Worth 03/11/2019   

 

 





 



Friday, February 8, 2019

Xuân Tha Hương

Rồi mùa đông lạnh giá cũng qua đi nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp. Gió mùa xuân đã đến nhẹ nhàng trong thành phố, không  oi bức như mùa hè, không se lạnh như mùa đông tạo cho ta một cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu làm sao.Những ánh nắng len lỏi qua từng nhánh cây ngọn cỏ,  những bông hoa đã bắt đầu  chớm nụ như muốn hồi sinh sau những ngày ẩn mình trong mùa đông lạnh giá. Mùa xuân là mùa bắt đầu cho sự sống bắt đầu của một năm và của tuổi Xuân. Mùa xuân làm cho con người ta trẻ lại. Có ai mà nói đến tuổi hạ, tuổi thu và tuổi đông đâu chứ.Xuân  đến là tết đến, xuân và tết là sự đồng hành của thời gian và của không gian như định luật toán học hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau nhưng luôn đồng hành với nhau theo từng năm tháng, và rồi tết cũng qua đi một cách im lìm như không hề hiện hữu. Tết ở quê người mà... mặc dù cũng mức, cũng bánh, cũng đào, cũng mai nhưng làm sao bằng tết quê nhà chỉ khi nào đi vào những ngôi chợ VN nghe những bản nhạc xuân vang  lên mới thức tỉnh những người xa quê Hương rằng tết đã về xuân đã đến, ở đây đời sống vật chất đã làm con người cứ chạy theo nó  như một cổ máy không ngừng nghỉ đến nổi nhiều khi không có khái niệm gì về thời gian... chỉ biết rằng thoáng một cái là đã một tuần, một tháng rồi một năm... cứ trôi đi trôi đi một cách đều đặn đến buồn tẻ. Ở đây cũng có tết vậy nhưng tết Tây và tết Ta là hai nền văn hoá như hai nẻo đường đời của cuộc sống để rồi những kỷ niệm của tết quê nhà cứ từng mảng từng mảng quay về với dòng ký ức...

Nhớ khoảng đầu tháng Chạp là không khí tết đã rộn ràng hẳn lên... hai bên đường vào chợ những cây mai cành đào được bày bán những hàng trái cây đủ sắc màu, những Đống dưa hau được bày bán hai bên đường tiếng chào mời của người bán tiếng ngả giá của người mua làm cho không khí càng nhộn nhịp hơn... trong chợ những gian hàng đã chưng bày đủ thứ nào mức ,nào bánh kẹo, bánh chưng bánh tét... ôi thôi đủ màu sắc thật đẹp mắt và cũng rất tết : Tết Việt nam...vào những ngày gần tết trên  những khuôn mặt trẻ thơ hiện lên nét hớn hở vì sẽ được ăn ngon mặt đẹp trong ba ngày tết thì bên cạnh cũng không thiếu những nét mặt đăm chiêu lo âu của những bà mẹ nghèo vì lo không đủ tiền để cho các con được một cái tết như bao đứa trẻ khác mà nhà nó cũng không ngoại lệ... thật đúng:
“ Ôi trời ôi đất ôi là tết.
Tháng tận năm cùng gạo cũng hết. “(St)
Chao ôi cái nghèo cứ đeo đẳng, nghèo truyền kiếp nghèo muôn thuở... những ngày cận tết là nó khổ nhất nào là gánh nước, giặt giủ, ngồi đãi từng thau nếp thau đậu để nấu bánh... nhưng nó vẫn thấy vui vì sẽ được ăn chơi ba ngày tết. Nhà nào cũng có một nồi bánh tét bánh chưng nấu trước sân nhà hay sau sân vườn của họ... những ngày này chị em nó cứ đứng bên cạnh nồi  mức mạ ngào để chờ được ăn những cái vụn của mức vì mức còn nguyên để cúng ông bà hoặc để đãi khách trong ba ngày tết... rồi tối ba mươi tết chị em nó có ngủ được đâu chỉ mong trời mau sáng để được mặc bộ đồ mới mặc dù chỉ là bộ đồ vải ka tê có in hình của những con thú , nhà nó con gái đông thế là chị em nó mặc giống nhau như đồng phục trong cô nhi viện lại còn may hơi dài để lớn lên là vừa... sao mà nó xót xa cho cái buổi cơ hàn... mà vui.

Rồi nó cũng ra đi nói chính xác hơn là được ra đi nhưng nó ra đi “ tìm đường cứu nước” đúng nghĩa. Giờ đây năm cũ đã qua năm mới lại đến đời người ai cũng thêm một tuổi, còn gì và được gì?chỉ biết rằng  nó vẫn nhớ về Dalat...thành phố của hoa, của lá,của màu xanh ,màu của thương yêu của hy vọng. Bên cạnh còn nhiều thứ để nhớ lắm nhưng thôi đành gói ghém tất cả cho nó trở thành quá khứ hay dĩ vảng của một thời...chỉ biết rằng ngoài kia tết đã qua, Xuân đã đến...nó đã tha hương, đang tha hương và  vẫn tha hương.
Chúc các thầy cô và các bạn có một mùa xuân tràn đầy sức sống và tràn đầy niềm vui.

Kim Thu
Houston 02/05/2019
 

 
 




Tuesday, February 5, 2019

Gió


Nhiệt độ khoảng 13, 14 độ tuột cái rầm xuống dưới độ đông đá trong vòng 5 tiếng đồng hồ thì chỉ có gió, và gió rất to mới làm nổi. Ngọn cuồng phong ấy mang khối không khí lạnh ngắt từ Canada thổi xuyên suốt bao nhiêu tiểu bang miền Bắc rồi đổ vào Texas tối hôm qua.

Khoảng nửa đêm tôi nằm lơ mơ nghe tiếng gió bắt đầu hú quanh nhà, riết róng, thê lương. Rồi tôi chợt thấy mình đang trong phòng Má ở nhà số 7, vật lộn với cánh cửa chớp nhìn ra sân trước. Tôi thấy mình lẩm bẩm cửa hở toác thế này Má than nhức đầu suốt ngày là phải rồi, và tôi vặn nắm đấm đóng hai khuôn cửa gỗ lại. Nhưng tôi vẫn cảm thấy luồng hơi lạnh. Đi theo nó, tôi thấy 3 cái cửa sổ phòng khách mở toang hoác. Tôi tự nhủ trời tối rồi mà sao Ba quên đóng cửa đóng nẻo…Rồi tôi lần lượt đóng chúng lại. Nhưng không vì thế mà hết lạnh. Tôi khám phá cánh cửa chính ra vào phòng ăn lỏng lẻo, cánh đóng cánh mở. Lần này tôi mất công hơn vì hai cánh cửa không khớp với nhau và gió bắt đầu mạnh lên, chỉ chực giựt cánh cửa ra khỏi tay tôi. Lại hì hục đóng với khóa.

Tạm ổn, tôi đi vào căn phòng kho sau phòng Ba Má. Căn phòng này hẹp thôi, có một khuôn cửa sổ nhìn ra bên hông nhà, được lắp song sắt. Tôi hay lỉnh vào phòng này vì nó chứa đủ mọi thứ, từ cái tủ lạnh nơi góc phòng, đến mấy thùng đồ đựng linh tinh, cả mớ quần áo cũ treo trên sợi dây. Đây cũng là nơi để bánh chưng sau tết cho khỏi mốc vì phòng này vốn tối tăm và lạnh lẽo. Tôi thấy mình là con bé con núp sau cánh cửa chơi năm mười, một mắt để ngoài khe cửa xem chừng, mắt còn lại liếc ra cửa sổ phòng khi địch tấn công sau lưng. Rồi tôi lại cảm thấy lạnh nơi hai bàn chân. Tôi ra khỏi phòng chỉ để thấy tất cả các cửa sổ đã mở toang!

Tôi lại hì hục đi đóng lại cho bằng hết, trong lòng cảm thấy có điều gì không ổn, nhưng tôi mải nghĩ đến các khung cửa gỗ đã rạn nứt, màu nâu đỏ đã phai dần đây kia và các nắm đấm khóa cửa cần được thêm dầu mỡ cho trơn. Tôi tự nhủ một chai W40 sẽ giải quyết vụ thanh chốt kẹt như thế này.

Lần này không đợi tôi đi giáp vòng, các cửa sổ cứ thế lần lượt mở toang lại sau lưng tôi, để cho làn không khí lạnh buốt tràn vào phòng. Đến lúc này tôi mới nhận ra chỉ có một mình mình ở nhà, ngoài sân trời tối mịt và gió không ngừng kêu rên khắp phía. Tôi bắt đầu hoảng loạn. Không cố đóng cửa nữa mà tìm cách thoát ra khỏi ngôi nhà. Chuyện đóng cửa trở thành ác mộng với tôi. Tôi không cách gì lý giải được tại sao cửa cứ thế mà mở toang ra trêu ngươi như thế. Tôi biết chắc mình không sợ ma, có lẽ tôi sợ sự lạnh lẽo của cả ngôi nhà thì đúng hơn, có lẽ vì tôi chỉ có một mình trong ngôi nhà vốn từng rất đông người, rất ồn ào, nhộn nhịp. Chưa bao giờ tôi có cảm giác cô đơn chết khiếp như thế.

Trong lúc tìm cách thoát thân, tôi giật mình tỉnh giấc. Thấy mình bình yên trên giường và tiếng gió phương Bắc vẫn hú ngang qua nhà, mang nhiệt độ đêm đó xuống còn – 5 độ. Và nhất là các cánh cửa sổ ma quái chỉ còn trong cơn mộng mị trộn lộn giữa thực và ảo.

Thú thật chưa bao giờ tôi mừng vì thoát ra khỏi ngôi nhà số 7 như thế.
Lan Hương
Fort Worth 01/29/19