Pages

Friday, September 28, 2018

Tổ Ong



 

 


6: 40 - Tôi ngồi vào ghế. Chương trình bắt đầu lúc 7 giờ tối, 20 phút yên vị trước khi ban nhạc nện trống khua đàn có vẻ hợp lý lắm và dư giả thì giờ lắm. Nhất là khi đèn trong hội trường còn sáng, còn thấy được hàng ghế, số ghế nhỏ tí.

6:50 - Bà soát vé dẫn hai mạng đến đòi ghế của tôi. Hoang mang lôi vé ra, thì vé tôi với vé của hai mạng kia y chang nhau. Bà soát vé bèn dẫn hai người đi. Nguyên tắc first in first serve được áp dụng triệt để.

6: 55 - Tôi nhìn quanh. Hội trường chưa đầy đến một nửa nhưng ngoài Box Office đã dựng một cái bảng to tướng “SOLD OUT”. Nghĩa là hết sạch vé rồi nhé. Thế những người có vé nhưng không có mặt kia đang ở đâu?

7: 00 – Ban nhạc khua rổn rảng, đèn trong hội trường phụt tắt. Tôi phục tính đúng giờ của chương trình. Thật ra Casino của Mỹ, chơi với Mỹ là phải đúng giờ, trễ hẹn chỉ tổ tốn tiền! Hai hàng ghế trước và sau tôi vẫn vắng tanh vắng ngắt và hội trường chỉ đầy khoảng hai phần ba.

7:15 – Ông soát vé dẫn ba mạng tới đòi chỗ ngồi của tôi. Trong bóng mờ và giữa tiếng đàn trống inh ỏi, tôi lại lôi vé ra, lại so sánh từng chữ từng dòng. Giống y chang nhau. Ông soát vé bối rối rồi lợi dụng lúc mọi người đang hoang mang và bóng tối chung quanh, ngài lỉnh đi. Ba mạng mất ông soát vé như mất phương hướng, thấy hàng ghế trống trước mặt tôi bèn ngồi xuống. Trên sân khấu ca sĩ đang nhảy loi choi thế kia làm sao chờ được!

7:30 – Ông soát vé (ông khác nhé) dẫn năm mạng đến đòi hàng ghế trước mặt. Ba mạng kia đành đi ra. Tôi không biết họ sẽ đi về đâu. Nhạc vẫn ầm ầm. Đám đông vẫn chộn rộn kẻ đứng người ngồi, đi ra đi vào.

7:35 – Ông soát vé (lại một ông khác nữa) dẫn một cặp vợ chồng đến đòi ghế của tôi. Trong tiếng ca lanh lảnh của Diễm Sương, của ánh đèn sân khấu quét thẳng vào mắt, tôi lại lôi vé ra. Lại giống y chang như nhau. Chắc máy in của Casino có vấn đề, hay hệ thống in phát vé có vấn đề. Hai vợ chồng lại bị lôi đi đâu mất tiêu. Đầu tôi đang thử chạy chương trình in phát vé của Casino tìm xem lỗ hổng ở đâu.  

7:45 – Vẫn kẻ đứng người ngồi lố nhố. Cái ghế bên cạnh tôi vốn là của nhóm tôi nhưng một người không đi nên trên nguyên tắc, nó phải được để trống. Nhưng đến bây giờ đã có 4 người khác nhau ngồi vào đó. Đầu tiên là một chị sực nức nước hoa, suốt 10 phút liền chị dí cái cell phone về phía sân khấu để quay cảnh Henry Chúc béo ị, đầu trọc đang gân cổ hát. Khổ thật, đi xem phải quay clip đặng đưa lên facebook cho bạn bè xem ké. Sau nửa tiếng, chị bị mời đi chỗ khác, thế vào là một đấng trung niên sực mùi thuốc lá. Nhìn quanh nhìn quất, ngài rút ra cái cell phone và chĩa về sân khấu. Lần này facetime cho đám nhậu ở đâu đó xem chung. Sau đấng mày râu này là một phụ nữ đứng tuổi, cellphone không chĩa về sân khấu nhưng sáng nhấp nháy suốt nửa tiếng để bà chát với ai đó. Bà cũng không trụ lâu, cuối cùng là một ông lão, bảo với tôi mấy người đi cùng với ông ngồi tuốt đàng sau, ông được ông soát vé dẫn đến đây. Tôi nhủ thầm Bố đang ngồi ghế của con đấy ạ!

8:00 – Một đám đứng lố nhố trước mặt tôi đòi 6 ghế. Ông soát vé hoang mang cùng cực, chĩa thẳng cái đèn pin vào mắt tôi. Tôi nghĩ đến chuyện bỏ đi về quách cho xong nhưng nể bạn nên ráng ngồi lại. Rồi sáu người đi sáu hướng cộng ông soát vé là bảy hướng.

8:15 – Bạn hỏi tôi có muốn uống nước không bạn đi lấy? Tôi bảo liền đi là mất chỗ đó thế nên cả lũ án binh bất động, cố thủ trên 6 ghế của mình. Bây giờ trong hội trường đã đông hơn nhiều rồi, ghế trống không còn bao nhiêu nhưng số người đứng dọc đường đi không biết tắp về đâu còn rất nhiều. Họ đi lên đi xuống, nhìn ngang nhìn dọc. Cả hội trường vo ve giống tổ ong, tất nhiên phải loại trừ tiếng động của ban nhạc và ca sĩ.

8:30 – Ông chồng hỏi không có giải lao hả? Tôi rùng mình, thôi đi cha, tưởng tượng chừng này người đổ ra rồi chừng này người chạy loăng quăng khắp nơi khắp chốn tìm lại chỗ ngồi có mà đến nửa đêm cũng không xong. Ban tổ chức cũng biết thế nên show liền tù tì 3 tiếng, không nghỉ ngơi nước nôi restroom gì cả. Chỉ khổ các cụ cao niên, tuổi già cẩn thận đi sớm nửa tiếng, ngồi đâu vào đó bây giờ chịu trận.

9:00 – Tôi khám phá ra mình quan sát những người chung quanh nhiều hơn là nhìn lên sân khấu. Hoạt cảnh anh đến trước chiếm 2 chỗ bất hợp lệ, bật điện thoại gọi cho vợ/bồ. Vợ/bồ tất bật tới vừa ghé mông vào ghế thì bị đòi lại. Chị quê mặt đứng lên vùng vằng đay nghiến tiến thẳng ra cửa, anh chạy theo không kịp. Hoặc 5 chị em 4 ghế, tôi không biết ghế kia ở chỗ nào, một người hy sinh ngồi ghé nửa mông, nửa chừng không xong đành quỳ dưới đất, mặt vẫn rất tươi tỉnh vọng lên sân khấu, theo dõi ca sĩ kỹ càng kịp thấy Như Quỳnh mắt mở không ra vì lông mi giả nặng quá! Con bé ré lên “Trời đất! Hát gì mà mắt mở hông nổi cà!”

10:00 – Cuối cùng mọi người ổn định đâu vào đó. Ban nhạc và toàn bộ ca sĩ kéo ra sân khấu hát bài tiễn biệt chấm dứt chương trình.

Sau 3 tiếng với show nhạc Mùa Thu Yêu Thương được trình diễn không tốn tiền mua vé ở Casino WinStar Oklahoma, tôi thấy nhiều điều. Không dám so sánh với Broadway vì cả một trời một vực nhưng đại khái thế này:

Ca sĩ xin vỗ tay để ủng hộ thì chả ma nào vỗ tay. Ca sĩ quát vào micro, xin mọi người một tràng vỗ tay ạ. Vẫn không ăn thua. Khán giả lạnh tanh hoặc bận đi tìm chỗ ngồi.

Ca sĩ hỏi mọi người thắc mắc không biết tôi có làm đám cưới với Đàm Vĩnh Hưng không, bây giờ mọi người có muốn tôi trả lời câu hỏi đó không ạ? Cả hội trường rần rần “Có! Có!”

Ca sĩ bảo bây giờ mời mọi người bật flash cellphone rồi vẫy vẫy theo nhịp nhạc nhé. Đám trẻ bật lên, đám già bảo nhau ngu gì, hết pin sao.

Trên cái slide to tướng bên cạnh sân khấu, một dòng chữ chạy liên tục không mệt mỏi ghi rõ ràng rằng camera, video không được phép sử dụng trong lúc show đang trình diễn. Khán giả vô tư chĩa thẳng cái ống kính dài ngoằng chụp hình chim vào ca sĩ bấm tách tách nghe như súng liên thanh. Còn cellphone thì khỏi nói. Nếu áp dụng kỷ luật của ca sĩ Adel, ai quay phim chụp hình thì mời ra khỏi rạp, chắc chỉ còn…một mình tôi ngồi xem!

Cái tổ ong đêm đó có tới những hơn 800 con đấy ạ!

“Không ăn đậu không phải là Mễ

Không đi trễ không phải là Việt Nam”. Tôi khoái câu này nhất.

Lan Hương

Fort Worth 09/28/2018

Thursday, September 20, 2018

Về nhà

Chỉ cần băng qua Đại Tây Dương, theo cả hai phía, từ Đông sang Tây, từ Tây sang Đông, là tôi về nhà. Tôi chưa qua Thái Bình Dương, chưa về Việt Nam nên cái cảm giác về lại nơi đó tôi không chắc có phải là về nhà hay không.
Lần này đám co-workers bảo mày đi Pháp chứ có về Bỉ đâu mà nói là về nhà. Tôi bèn triết lý vụn chỉ cần gặp anh chị em là tao về nhà, "I'm going home", giọng tôi chắc nịch.  Cả đám đần ra ngẫm nghĩ một hồi chắc cho rằng đó là triết phương Đông nên gật gù rồi vớt vát "Thế còn chocolat thì sao?" Tôi vốn nổi tiếng trong đám IT nhờ 2 món: Chocolat của Bỉ và chả giò Việt Nam. Thế nên tôi trấn an sẽ có chocolat của Bỉ cho mọi người. Thế là cả lũ chúc tôi về nhà vui vẻ còn tôi suốt 10 ngày bê vác cái valy nhồi chặt 4 hộp chocolat nặng như chì lên xuống cầu thang 4 refuges 2 khách sạn!
Tôi về nhà lần này một mình, không chồng cũng chẳng con. Nhiều người bảo thế là nhất nhé, độc thân trở lại nhé, đi đâu khỏi phải hò hét, ra đường không phải bốn người mười hướng. Thật ra có cái hay có cái dở trong chuyện đi du hành một mình này. Chẳng hạn như lúc leo núi ngắc ngư, nếu có ai khiêng giùm cho cái bình nước cũng đỡ khổ lắm. Bù lại nếu buổi tối chen chúc trong cái dortoir 12 người 4 giường, tôi không phải áy náy lo cho chồng con được thoải mái.
Nhờ nguyên năm 2017 đi như thoi đưa giữa Fort Worth với Alabama, tôi được cái vé free đi Châu Âu. Của chùa là của ôi, các cụ nói cấm sai. Vì thế chuyến đi tôi phải dừng 2 nơi, Philadelphia nơi tiếng loa gọi tôi Miss Chu-yen cần check passport mà tôi lơ tít vì đâu phải tên mình, rồi Madrid nơi tôi hoảng loạn trước tấm bảng các chuyến bay, tìm hoài không thấy chuyến nào đi Genova hay Genevre. 8 giờ sáng Châu âu là 1 giờ sáng bên Mỹ, tôi đang trong tình trạng không biết nên thức hay ngủ cho nên bối rối cùng cực, sau mới nhớ tìm theo số máy bay. Nhờ vậy học được Genova (Anh) hay Genevre (Pháp) hay Genebra (Tây Ban Nha) chỉ là một!
Núi Alps không xa lạ gì với nhà tôi, Mont Blanc được diện kiến lần đầu tiên năm 2002 ở parking lot của Chamonix, nơi Ba Má và tôi thần người ra nhìn ngọn núi trắng toát huyền diệu lừng lững xa xa. Đấy là nếu không kể đến cái hình quảng cáo nơi lon sữa bò. Đến năm 2016 được xích lại gần nó hơn bằng các con đường hiking Grand Balcon du Sud, Argentiere, Le Tour. Thuở ấy đi hiking như cưỡi ngựa xem hoa. Lên núi đã có ski lift, vì thế giờ đây giở hình tôi chụp năm 2016 so với năm nay mới thấy tôi chụp rất nhiều hoa! Cái kiểu chụp rất tốn thì giờ vì chờ gió lặng, hoa không nhúc nhích mới dí máy hình tận nơi chụp một cái, không đẹp chụp tiếp thêm cái nữa! Mà hoa thì đâu phải sẵn, phải đi tha thẩn nhìn ngó chung quanh mới tìm ra chúng. Thành thử hình năm 2018 vắng bóng các loài hoa, bù lại là những con đường hiking thấp thoáng bóng người dài thăm thẳm. Vì tôi chỉ có đủ thời giờ huơ máy trước mặt, có khi vừa đi vừa chụp, đừng nói gì cúi xuống tận đất tìm một bông hoa e ấp đâu đó! Tha thẩn với hoa trong chuyến đi kỳ này là điều không tưởng. Vì xe bus hay ngay cả taxi sẽ không chờ tôi chụp cho bằng được những đóa hoa xanh biếc. Sách có nói rành rành, chỉ có chuyến ấy giờ ấy, bạn không kịp thì sẽ bị nhịn đói, mất bữa tối ở refuge. Và nếu tôi nói 7 ngày qua tôi sống rất ư kỷ luật như boot camp thì đố có nói ngoa! Sáng 6 giờ đèn cell phone nhấp nháy, thiên hạ lục tục đi đánh răng rửa mặt, 6 giờ rưỡi sẵn sang nhồi một cái bánh mì với yagourt vào bụng và 7 giờ đúng a lê hấp khua gậy lên đường! Buổi tối 7 giờ ngồi bàn, 9 giờ đang nói chuyện ngà ngà say bên hai chai rượu thì được mời đi ngủ cho chủ quán tắt đèn! Đúng 10 giờ đèn trong phòng tắt ngóm, có đi restroom thì dung ánh đèn cellphone mà soi lối.
Hành trình 7 ngày đã được chị tôi tả hết sức kỹ càng. Về lại Mỹ đọc một cái comment trong website của UTMB - Ultra Tour du Mont Blanc, một đứa nói, xì, cái tour đó có gì mà gọi là núi, đường đi lài lài như leo đồi mà thôi! Cha mẹ ơi, đồi như thế thì cái Country Hills của Texas này chắc là đồng bằng phẳng riến và xứ sở Hòa Lan thì phải gọi là gì? Nói ngắn gọn thôi nhé? Cả lũ đang hì hục lên dốc của Notre Dame de la Gorge thì nghe tiếng máy xe rù rù đàng sau, dân hiking nép sang bên đường thở dài nhìn theo cái bửng xe truck trống trơn đang vượt qua mặt, ước gì mình ngồi quách trong đó cho nó chở lên đến đỉnh dốc!
Hay con đường lên đỉnh trời của Col des Montets. Từ dưới ngước lên thấy rõ là đường chân trời vì sau nó chẳng có gì hết, coi như chắc mẩm gần đến đỉnh, rang lết đến nơi lại thấy một đường chân trời khác và lại chắc mẩm đỉnh rồi nhé. Cứ thế khoảng mươi mười lăm lần sẽ thấy mình THẬT SỰ tới đỉnh núi! Hoặc cái thành phố Martigny leo không biết bao nhiêu dốc vẫn thấy nó ở dưới chân mình! Không biết có càng ngày càng cao không nhưng nó cho mình cái cảm giác đi hoài mà không đến. Buổi chiều lái xe về Lausanne, đi ngang qua đèo Martigny, nhìn lên dãy núi xanh thẫm bên cạnh tự bảo cách đây 3 ngày tui lặn hụp trong đó chớ đâu!
Cái cảm giác về nhà lạ lắm. Chẳng hạn như ngày đi từ Trient đến Le Tour, ở dưới nhìn lên nhận ra cái refuge Col de Balme mà cả nhà đã đến năm 2016, tôi lại có cảm giác mình về nhà! Nhìn ra ngọn núi Mont Blanc trước mặt, tôi lại thấy mình về nhà thêm lần nữa. Nói chung, hễ thấy cái gì quen thuộc ở một chốn xa lạ, tôi lại có cảm giác yên bình được trở về nhà.  
Thế rồi tôi về nhà thật! Chuyến bay British Airways từ London chở phần lớn đám Mỹ to đùng, béo ị, uống Coke xin đá cục làm tôi thấy nản. Suốt chuyến đi 10 ngày, quanh tôi là dân thể thao, thân hình gọn gàng, tác phong nhanh nhẹn, về đến Lausanne không kịp xem có ai bị béo phì quanh mình  thì lên chuyến bay này toàn dân cần ngồi hai ghế!
Texas chào đón tôi về nhà với nhiệt độ 100, kẹt xe điên loạn và người không là người! Tất cả những thứ này làm tôi cảm thấy ngộp thở. Chưa bao giờ tôi chán ghét xứ Texas đến thế! Ngay cả màu hoa quỳ vàng nở ven con mương bên đường cũng không đủ xoa dịu thần kinh của tôi. Tôi nổi điên với cái nóng, với cái xấu xí, với cái mức độ xe cộ, người ngợm chung quanh mình. Và tuyên bố thẳng thừng tôi sẽ không ở Texas SUỐT ĐỜI!
Và tôi thầm mơ lại màu xanh của núi Alps! Xanh màu lá xanh màu trời, trắng màu mây và trắng cả màu mấy con bò thong thả gặm cỏ bên trườn dốc .
Đành hẹn một lần nào đó gặp lại vì cái Lac Blanc thành huyền thoại của tôi mất rồi! Không ai đi hai lần như tôi mà không biết nó ra sao hết. Thằng con chân thành hỏi thăm thế cái pond (ao) của mẹ có đẹp không thì mẹ nó thở dài có đến được đâu!

Lan Hương
Fort Worth 09/20/18

 


Monday, September 17, 2018

Đường đi không đến