Pages

Friday, August 28, 2015

Tổ Vắng



Hai năm nay mỗi lần đi ngang qua cánh cửa phòng thằng lớn, tôi thường nhìn vào rồi tiện tay đóng lại. Nó đã đi học xa rồi, tôi dọn dẹp căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ, không còn cảnh bừa bãi nhìn rối mắt nữa. Thỉnh thoảng nó về, cánh cửa phòng vẫn đóng, nhưng tôi biết nó đang nằm ngủ trên chiếc giường đó, trong căn phòng đó, và thấy thật bình yên. Để rồi đến lúc nó vác ba lô ra đi, tôi lại nhìn thấy cửa phòng của nó mở toang như một hốc mắt trống lốc, nhìn tôi, buồn. Tôi lại phải đóng cửa lại để khỏi nhìn vào nỗi buồn trống vắng đó.   
Ngày hôm qua, đi ngang qua cánh cửa phòng thằng nhỏ, tôi nhìn vào rồi tiện tay đóng lại. Nó đã vào ký túc xá hơn một tuần. Căn phòng vẫn còn đôi chút bừa bộn sau khi nó dọn đi, tôi chưa có thì giờ sắp xếp lại cho gọn gàng. Nó chưa quay trở về thăm nhà nên tôi chưa biết cảm tưởng của mình khi nhìn cánh cửa phòng đóng và biết rằng nó đang ngủ yên trong đó, hay cảm nghĩ của mình khi nó lại vào trường, cửa phòng nó lại mở toang mà không có nó trong đó, suốt ngày, suốt đêm. Tôi đồ rằng rồi cũng sẽ giống như thằng anh nó thôi, tôi sẽ đóng cánh cửa lại và thêm một nỗi buồn cho ngôi nhà giờ trống trải hẳn.

Dọn vào ký túc xá SMU
Những đứa con khi trưởng thành chắp cánh bay xa, có biết chúng để lại một lỗ hổng không nhỏ trong lòng bố mẹ? Cả hai vợ chồng tôi vẫn bận rộn với công việc hàng ngày, từ sở làm đến việc nhà. Riêng tôi không có thì giờ nước mắt giọt vắn giọt dài nhớ con như mọi người, nhưng thỉnh thoảng tim vẫn thắt lại khi nhớ lại hình dáng thằng nhỏ lầm lũi bước trong khuôn viên ký túc xá, một mình. Lòng tôi vẫn nhói lên khi nghĩ đến thằng lớn ở một mình, ăn uống thất thường, ngủ nghê không theo giờ giấc nào cả.
Ngày dọn đồ đạc cho thằng lớn vào trường, cần đến hai xe vì nó ở apartment, không vào ký túc xá nên phải khuân theo giường chiếu, soong chảo, tủ bàn. Sắp xếp xong cho nó, chúng tôi về lại Fort Worth cùng ngày. Tim tôi chùng xuống vì biết rằng nó đã bắt đầu cuộc đời riêng của nó rồi, từ cái lúc tôi xếp cho nó bộ đồ ăn trên kệ bếp, đặt hũ đường cạnh chai dầu ăn và cắm cho nó nồi cơm điện. Một người bạn bảo tôi rằng con cái như chiếc boomerang, mình quăng nó đi, rồi nó sẽ quay trở lại. Tôi biết chắc thằng lớn của tôi không phải là chiếc boomerang, nó sẽ không quay lại đâu. Tính cách nó là như vậy. Nó sẽ tự lực cánh sinh một mình với đầy đủ những hiểu biết lẫn sai lầm của nó. Tôi sẽ không níu kéo nó về lại, tôi đẩy nó đi nhưng vẫn cho nó biết, nếu có chuyện gì, nó vẫn còn một mái nhà và một gia đình để quay về. Thứ bảy vừa rồi chúng tôi lái xe xuống Austin đổi xe cho nó. Hẹn gặp nó ăn trưa trong một tiệm Mễ mà nó lên internet lùng sục, bảo là ở đây chỉ có tiệm này là ngon nhất! Về cái apartment của nó, thấy ông giăng đầy đồ, nhưng thật ra trong cái mớ hỗn độn ngập bàn học, tôi vẫn thấy có một sự sắp xếp theo trình tự logic của riêng nó. Đã qua rồi cái thời tôi bảo nó phải kê bàn ở đâu, xếp quần áo chỗ nào, treo khăn lên móc nào, vân vân. Nó không còn là một đứa trẻ cần tôi giúp đỡ trong những công việc cực kỳ đơn giản nữa.

Phòng tắm của Nam khi không có bàn tay mẹ

Thằng nhỏ chỉ mới xa nhà chưa đầy mười ngày. Nó không đơn độc lẻ loi như tôi lo sợ mà đã có đầy những trò vui trong thế giới đại học mới mẻ của nó. Nếu thằng anh bận rộn với công việc part time, sơn vẽ, trăm thứ việc khác tự nó chuốc vào người, thì thằng nhỏ say mê với đời sống đại học mới lạ, khác xa với thế giới nó sống từ hồi mới sanh với cha mẹ luôn kè kè một bên. Nó gọi điện thoại hí hửng bảo nó đã tham gia vào 8 cái hội khác nhau trong trường, từ hội ráp xe hơi, hội cơ khí, đến tennis, sand volley ball…Nó đi xa, tôi sợ nhất là cái màn đánh thức nó dậy buổi sáng. Nó sẽ mở mắt, lầu bầu bảo con dậy rồi, nhưng nếu tôi quay lưng đi, nó sẽ nằm xuống ngủ tiếp. Thậm chí nếu có nhìn thấy nó vào phòng tắm, cũng chưa chắc nó đã thật sự tỉnh ngủ. Nó có thể vào giường lại và làm thêm một giấc nữa. Tôi lo vào ký túc xá không biết ai là người đánh thức nó dậy mỗi sáng. Tôi tự hỏi không biết mấy ngày này nó có nhớ những tiếng hò hét bên tai lôi cổ dậy đi học hay không. Nó có nhớ tiếng tôi kêu réo nó xuống nhà ăn cơm không. Thôi thì cũng đến lúc phải buông nó ra, không thể chăm chút cho nó từ cái khoản đánh thức buổi sáng đến chuyện ăn uống hàng ngày. Chủ nhật vừa rồi chúng tôi có lên trường nó để dự lễ chào mừng tân sinh viên, tiện thể mang cho nó thêm một ít đồ dùng, bổ sung vào cái closet trống lốc của nó. Khi chia tay nó ở cửa phòng, tôi hỏi nó khi nào đi ăn tối. Nó bảo chờ trễ thêm một tí vì bây giờ cái nhà ăn chật ních học trò với phụ huynh rồi, đứng xếp hàng lâu lắm. Tôi buột miệng “ Hay là con đi ăn với ba mẹ luôn?” Tôi thấy mắt nó sáng rực lên, và nó gật đầu liền tù tì, nhưng vẫn thòng thêm một câu “Ăn cái gì cũng được nhưng đừng ăn đồ Mỹ nhé”. Nhìn nó hùng hục tấn công những miếng sushi, tôi biết nó sẽ quay về nhà vì nhớ món bánh xèo, nồi cháo lòng, chảo bánh tiêu của tôi. Ẩm thực khi nào cũng kéo mọi người lại gần với nhau mà.
Freshman SMU. Vinh đứng ở số 9
Con đi học xa nhà, hai căn phòng thừa hai chiếc giường trống chỗ, dư thêm một cái phòng tắm. “Bớt việc dọn nhà” tôi tự nhủ, nhưng vẫn thấy thiêu thiếu và trong thâm tâm, vẫn muốn được dọn dẹp hai căn phòng kèm theo những lời hăm dọa vì quần áo chúng quăng bừa bãi.

Con đi học xa nhà, tôi thiếu những tiếng ồn ào, nao nức, những tiếng động phủ ngập ngôi nhà làm cho nó vô cùng sống động. Bây giờ ngôi nhà lặng ngắt. Chúng tôi đi làm về, chỉ có Max và Buster chạy ra đón, không còn bóng thằng con lớn hay thằng con bé thấp thoáng trong phòng, thò đầu ra hỏi “Tối nay mẹ có đi đánh tennis không?” hoặc “Tối nay ăn gì hả mẹ?”. Ngay cả khi chúng ở nhà, cả hai đứa thường trong phòng, nhưng bóng chúng thấp thoáng trên lầu dưới lầu, tôi vẫn thấy yên lòng hơn. Bây giờ tầng trên tầng dưới vụt trở nên trống trải, sáng trưa chiều tối lên xuống cầu thang, tôi nhớ tiếng chân chúng chạy hùng hục làm cả tầng lầu rung lên bần bật. Tôi nhớ tiếng chúng oang oang gọi với từ dưới lên trên, từ trên vọng xuống, và thậm chí tôi còn nhớ cả tiếng chúng chơi games chí chát với bạn bè. Nhà lặng thinh, tôi chợt thèm nghe tiếng nhạc vọng ra từ phòng chúng, hoặc tiếng vòi nước chảy không ngừng trong phòng tắm của chúng.
Con lớn khi chưa đi học xa,  ở nhà lôi kéo bạn bè về sơn với vẽ, tôi hào phóng bảo có muốn ăn trưa luôn không thì mẹ làm. Cả con cả bạn gật đầu ngay tắp lự và tấn công những miếng hamburgers của tôi rất tận tình. Bây giờ nó đi vắng, thỉnh thoảng gặp bạn nó ngoài đường, hỏi thăm qua lại, tôi bảo khi nào nó về, ghé nhà chơi tôi sẽ đãi hamburger. Con tôi về thật nhưng không rủ bạn về nữa. Vì bạn nó và cả nó đã có những mối quan tâm khác mất rồi.
Hai đứa con đi học xa nhà, tôi chạm tay vào cánh cửa phòng chúng, thấy thiếu vắng, thấy trống trải, thấy nhớ. Nhìn bàn ghế sạch sẽ gọn gàng, tôi nhớ cảnh bày bừa, giấy bút vứt lung tung. Nhìn tủ quần áo xếp ngăn nắp, tôi nhớ quần jeans, quần shorts rớt ra ngoài ngăn kéo, nhớ cả những đôi vớ không chiếc nào giống chiếc nào . Nhìn phòng tắm được lau sạch, tôi nhớ cái bàn chải đánh răng vứt lăn lóc, nhớ lọ keo xịt tóc mà tôi dọa nó xịt cho lắm vào sau hai năm không còn một cọng tóc trên đầu!  

UT of Austin - trường của Nam
Con đi học xa nhà, người đơn độc ở đây, hóa ra lại là chúng tôi.

Khi những con chim rời khỏi tổ, chim bố chim mẹ có bỏ tổ mà đi không? Khi những con chim tung cánh bay xa, có biết chúng để lại một cái tổ trống vắng như thế nào không?

Cả hai vợ chồng tôi vẫn ổn, thật thế. Nhưng tận đáy sâu trong lòng, tôi nghĩ mình đã không còn chung đường với con cái nữa mà đã bước sang một bên, để chúng tự đi một mình. Có thể chúng sẽ vấp ngã mà chẳng có ai bên cạnh, có thể chúng sẽ có những quyết định sai lầm mà tôi không kịp ngăn cản, có thể chúng sẽ thất bại mà chúng tôi không ở ngay đó để khuyến khích, để nâng đỡ. Nhưng xét cho cùng, sau tất cả những điều đó, có một điều quan trọng hơn mà chúng có được, đó là sự trưởng thành. Chúng sẽ không bao giờ lớn khôn nếu tôi khư khư trói cánh chúng lại, buộc chúng bên mình. Thế thì, hãy bay đi, bay thật cao, bay thật xa…các con ạ.


Tôi tự hào vì con tôi đã lớn, đã tung cánh, cho dù trái tim người mẹ chỉ muốn con mình quanh quẩn gần với mình. Để chăm chút, để thấy yên lòng, để biết con mình được an toàn. Nhưng không, chúng phải tự bay đi thôi, vì xét cho cùng chúng không thể bay bằng đôi cánh của bố mẹ. Tôi vẫn dạy con mình phải có những ước mơ. Tôi muốn con mình bay bổng trên những ước mơ của chúng. Dù cho tôi có phải đánh đổi những giây phút nao lòng nhìn cánh cửa phòng con đóng kín, không người ở như thế này.  Dù cho tôi có phải rộn ràng, náo nức khi đón chúng quay về thăm nhà rồi lại thấy hụt hẫng khi nhìn xe thằng lớn khuất sau góc cua, nhìn thấy cánh cửa phòng ký túc xá đóng lại sau lưng thằng nhỏ.  

Để đánh đổi cho sự trưởng thành của con cái, ngoài nỗi buồn ra, còn cái gì mà tôi không tiếc?

 Lan Hương (Fort Worth 08/26/2015)

Thursday, August 20, 2015

Punta Cana


Grand Bahia Principe Punta Cana
Punta Cana có nghĩa là xóm nhà lá dừa hay lá cọ. Thú thật mình chẳng phân biệt được đâu là dừa đâu là cọ, trừ khi nhìn tận mắt thấy những trái dừa treo lủng lẳng! Nhưng mình bói cả ngày không ra một mái nhà lợp bất kỳ loại lá nào cả mà là hàng hàng lớp lớp resorts sang trọng dọc theo bãi biển. Có thể cách đây hàng thế kỷ có những xóm nhà mái lợp lá trắng xóa như thế chăng? Mình đi thăm thú ngoài khu resort, thấy những khu phố đông đúc, chật hẹp, lộn xộn y chang như Phan Rang, Phan Rí, dây điện chăng chằng chịt, cư dân bắc ghế đẩu ngồi trước cửa nhà hóng gió trông quen quen, quần áo phơi trên giây bay phần phật trên sân thượng trông cũng quen quen luôn. Nhà lá dừa chỉ được lợp cho du khách nằm phưỡn phơi nắng ngoài bãi biển thì có.
Nói gì thì nói, Punta Cana là một mảnh bờ biển của xứ sở Dominican Republic, xoay mặt ra Đại Tây Dương, nơi hàng năm đón tiếp hơn 5 triệu du khách vì màu nước trong vắt đặc trưng vùng Caribbean, bãi biển cát mịn với hàng dừa xanh ngắt. Dominican Republic là một hòn đảo to đùng, không như Roatan của Honduras, đi dăm phút đã về chốn cũ. Sát nách là nước láng giềng Haiti, năm nào bị sóng thần cuốn trôi hơn nửa dân số. Nghe nói Liên Hiệp Quốc đổ tỉ tiền vào Haiti giúp đất nước này vực dậy nhưng cứ như muối bỏ biển. Ác hại hơn nữa, cùng một hòn đảo, bên Dominican đón du khách tới tấp, bên Haiti không ai bén mảng tới, chẳng qua vì tình hình chính trị không ổn định, dân du lịch lạnh cẳng sợ bị phe nhóm nào đó bắt làm con tin! Dân Haiti nghèo khó bèn vượt biên sang Dominican đi làm chui. Lang thang trong khu resort, mình có thể phân biệt được ai ở đâu đến nhờ vào màu da. Dominican da nâu bóng, mắt to mũi thẳng, vẻ mặt sáng láng, Haiti da đen đậm, mũi hơi tẹt, nhìn dữ dằn hơn. Dân Dominican nói tiếng Tây Ban Nha, cho nên phần lớn du khách từ vùng Brazil, Columbia đổ sang. Dân Mỹ sang đây kêu rên là không cách gì nói chuyện được với dân bản địa, cụ thể là những người làm việc trong resort. Mình thì cho rằng đã đến nước người ta thì cố mà học lấy tiếng người ta, còn không thì tay chân quơ loạn lên, sẽ hiểu nhau hết! Nhờ tay chân mà mình biết được một ông làm vườn, hì hục suốt ngày trong khu resort leo lên leo xuống mấy hàng dừa tỉa lá, xén cây bằng một con dao mác, một tuần được lãnh 10 đô la mà thôi. Một bà lau dọn phòng khiêng khăn sạch, khăn dơ lè lưỡi lên xuống ba tầng lầu không thang máy cũng chỉ có chừng đó, không hơn. Bồi bàn trong các phòng ăn khá khẩm vì tiền buộc boa, mấy ông khiêng vác vali cho khách cũng thế.
Vùng biển Bavaro
Nói cho cùng các khu resorts này đã tạo ra không biết bao nhiêu công ăn việc làm cho dân bản địa. Sáng sáng nhìn số lượng người đổ vào làm việc cho cái resort này mới thấy Dominican Republic ngoài việc trồng thuốc lá, cà phê, thì sống dựa vào du lịch là chính.

Trở lại cái bãi biển Punta Cana với khoảng hơn một trăm cái resorts nằm san sát với nhau. Cát vàng chứ không phải cát trắng như ở Destin, có sóng vỗ bờ chứ không lặng im như Seven Miles của Grand Cayman. Và đừng mơ tưởng chuyện đi snorkeling từ bờ ra thẳng biển xem cá, bởi vì nếu đi theo cát mịn thì không có đá, mà không có đá thì không có cá, logic thế là cùng. Cũng có nghĩa là nếu muốn nằm phè dưới bóng dừa, vùi chân trong cát ấm, thì quên chuyện đeo kính ngậm ống thở tự bơi đi xem cá kiếc như ở Bonnaire hay Roatan.

Nhà mình năm nay chọn đi theo kiểu “bao thầu” all inclusive vì đức ông chồng nhất định không chịu lái xe, sợ đủ mọi tai nạn, mà cái sợ chính là nếu có xảy ra chuyện gì, không cách nào làm việc với dân địa phương một cách đàng hoàng, nghiêm túc theo đúng pháp luật được. Mà không lái xe thì thôi vào resort cho thiên hạ hầu luôn chuyện ăn uống, dọn dẹp phòng ốc cho rồi. Mình vốn có máu phiêu lưu, hơi có phần thất vọng nhưng thôi, đi nghỉ hè với một bộ mặt bất mãn bên cạnh thì chẳng lấy gì làm vui. Mình quyết định tới khu resort Grand Bahia Principe, có nghĩa là Vùng Vịnh Lớn.

Resort này to đùng vì nó gồm 5 cái resorts lớn nhỏ trong đó dưới cùng một mác Grand Bahia. Nhiều tiền thì ra ở khu nhà sát bờ biển, yên tĩnh, cấm trẻ em dưới 18 tuổi, có xe đưa đón ngay tại cửa. Ít tiền thì sát ngoài cổng, gần đường xa lộ, bên cạnh cái water park rộn ràng ầm ĩ với đám con nít lau chau sôi sùng sục  từ 8 giờ tới 6 giờ chiều, bãi biển xa vời vợi khoảng 1 mile rưỡi. Mình biết rành rẽ nhờ sáng sáng chạy bộ một vòng từ bờ biển ra đến cổng chính, lượn qua 5 cái khu tiếp tân, trở ra biển lại, tổng cộng khoảng 3 miles. Nhưng tất nhiên chẳng có ai chạy bộ như mình sáng sáng chiều chiều để đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Resort có shuttle chạy điện, cứ 3 con đường cái quan nối khu tiếp tân với bãi biển mà lên lên xuống xuống không ngừng. Hôm nào nắng nóng lười thì nhảy lên shuttle, buổi chiều trời mát, gió hiu hiu mình kéo cả nhà đi bộ cho trống bao tử trước khi nạp đầy đồ ăn từ cái buffet trăm món.
Một trong những resort của Grand Bahia
Buffet ngày đầu tiên hăm hở thử đủ mọi loại, đến ngày thứ hai mình chấm món trái cây nhiệt đới, đu đủ, xoài, sa pô chê, trái mát mát, dưa hấu…Buổi sáng cuối cùng khi ra phi trường về lại Mỹ thì thiên hạ đã bắt đầu tơ tưởng đến bún bò với phở rồi! Riêng mình thì ôm lấy cái drink bar. Mình đã đi thử đủ loại cocktail ở cái quầy bar rượu trong lobby. Cứ “drink today” mà thử trước mặc dù không biết nó giống cái gì, vì thế có một hôm mình uống một món có tên gọi rất kêu “Sexy Princess”, màu xanh lá cây trong veo mát mắt, một miếng dứa vàng lườm nằm vắt vẻo trên miệng ly, nhưng khi uống nó lại đậm đặc vị thuốc ho! Pinacolada quá thường rồi, ra ngồi ngoài bãi biển cũng có thể kêu được, vì thế mình chuyển sang Dairquiri Strawberry, y chang dâu xay trộn đường với lại rượu rum. Khi chán với Mojito thơm mùi lá bạc hà, mình chuyển sang Tequilla Sunrise, uống xong ngây ngất với vị tequilla và nước cam trộn lộn. Nói chung, sau một tuần, lượng rượu vào người mình bằng cả mấy năm trời! Ý là rượu mạnh, chứ rượu vang và bia thì khỏi nói. Tưởng tượng nhé, đi snorkeling bị uống nước biển mặn chằng mấy hụm, lóp ngóp leo lên thuyền làm hai ly bia mát lạnh thì Mai Tai với lại Sangria không đáng xách dép! Còn rượu vang trắng vang đỏ mình tận dụng trong 3 bữa ăn sang trọng, không phải xách đĩa đi lang thang, dinner à la carte đàng hoàng. Cái này nhờ mình ngồi nhà đặt chỗ trước sau khi gởi email ỷ ôi chuyện có 3 gia đình xum họp ở resort của quý vị, xin quý vị sắp xếp giùm cho. Tất nhiên không ai có thể làm ngơ với lý do rất chính đáng đó. Không có mình thì chẳng bao giờ được vào những nhà hàng này, chờ đến nơi mới đi đặt chỗ thì chỉ có mỗi nhà hàng BBQ ở ngoài bãi biển là khi nào cũng vắng vẻ, chứ làm gì được ăn nhà hàng Nhật, nhà hàng Pháp và cuối cùng là nhà hàng Địa Trung Hải, đèn đuốc lù mù, bồi bàn mặc gi lê thắt nơ bướm kéo ghế cho ngồi.
Nhưng nói đến Dominican Republic phải nhắc đến loại cocktail quốc hồn quốc túy của nó: Mamajuana. Cái tên mới nghe xong hơi giật mình vì giống marijuana, cây nha phiến. Mamajuana này là tổng hợp của rượu rum, vang đỏ, mật ong, nước trái cây như nước cam, nước dứa, cộng thêm vài cái vỏ cây bí hiểm, mấy cọng cỏ bí mật. Uống vào tự dưng đâm ra buồn ngủ! Thì như sách bảo, dân Dominican nói thứ rượu này là thuốc chữa bách bệnh của họ mà lị, từ bệnh cảm cúm (cái này mình hiểu được, vì uống hớp đầu tiên thấy người nóng ran, toát mồ hôi), đau bụng, đến nhức đầu (không chắc lắm) và mất ngủ (trải nghiệm của chính mình). Uống vào rồi thì mặc cho Michael Jackson dãy đùng đùng như đỉa phải vôi trên sân khấu với những bước đi lả lướt truyền kỳ “moon walk”, mắt mình vẫn nhắm tịt!

Bãi biển được xếp đầy ghế mỗi sáng
Vì resort to đùng nên lắm người. Sáng sáng trước khi chạy bộ mình phải mang hai cái khăn ra bãi biển xí chỗ, trải lên hai cái ghế dưới bóng cây cọ, thế là yên chí có ra trễ thì hai cái ghế với hai cái khăn vẫn yên ấm chờ đó. Thật ra ghế ngồi chẳng thiếu, nhưng ai cũng thích ngồi hàng đầu nhìn thẳng ra bãi biển, chứ đâu muốn lúp xúp ở những hàng ghế sau nhìn lưng thiên hạ? Dominican Republic có những chuyến bay thẳng từ Châu Âu và Canada sang nên mình gặp đủ mọi sắc dân khắp ngả, Đức, Hòa Lan, Pháp, và một hôm gặp một bà người Bỉ, cư dân Schaerbeek đàng hoàng, không biết có phải là láng giềng với chị mình không. Dân Âu Châu có hơi tự nhiên nên các bà các cô để ngực trần phơi nắng, đám bên Mỹ sang nhìn ngại ngùng, không quen mắt. Thành thử ngồi hàng đầu đôi khi phải nhìn thẳng vào những cái ghế dài với những bộ ngực tự nhiên thay vì nhìn ra màu biển xanh ngắt. Đâm ra khó chịu, đành tự nhảy xuống biển đi bơi trớt cho rồi.

Catamaran and friends
Mình vốn không ở yên nên nằm trên ghế được đúng 15 phút, mình đi lấy cái catamaran ra chạy vòng vòng trên biển cả tiếng đồng hồ. Nhờ có hai thằng con đi lặn ở trong cái diving shop này mà mỗi khi mình xin lấy catamaran, chủ tiệm có phần dễ dãi hơn. Trong website của cái resort, nó đề rành rành là có wind surf, nhưng khi mình hỏi đến, cả tiệm lắc đầu giơ tay đầu hàng, phải bỏ wind surf ra khỏi danh sách lâu lắm rồi vì không ai có thì giờ đi cứu mấy mạng tay mơ, bị lật buồm ở xa tít, không cách gì kéo vào bờ được. Mà bãi biển này cũng không dành cho wind surf  vì nước hơi sâu, đông đúc người bơi, kẻ lội, kẻ quạt kayak, người lái catamaran, người sừng sững trên mấy cái body board, wind surf không khéo sẽ leo lên đầu nhau mất!

Riêng phần snorkeling ở đây không bằng Bonnaire với lại Grand Cayman. Mình nghĩ chắc tại du khách đông quá, bầy cá màu sắc suốt ngày bị cả đám người lom lom nhìn với lại rượt theo nên đành bỏ xứ ra đi. Nếu đi lặn thì sẽ được thấy nhiều hơn vì tất nhiên đâu phải ai cũng có thể đeo bình hơi lặn tuốt xuống dưới đáy biển cực kỳ yên tĩnh mà xem cá với san hô? Ngay trước mặt bãi biển của cái resort này là một cái tàu chìm, chỉ nhô một phần trên biển. Ngày lặn đầu tiên, hai ông con mình được đem thẳng ra đó cho thực tập! Tụi nó được dẫn chui rúc vào các phòng ốc trong cái tàu chìm, tầng trên, tầng dưới, buồng lái, phòng ngủ và cá mú thì khỏi nói, đầy ra. Hai người phải rút hầu bao trả tiền cho chúng chỉ dám lái catamaran mon men lại gần, chẳng thấy gì ngoài bọt sóng cuồn cuộn!
Tàu chìm trước bãi biển của Resort
Mình vốn yêu thích snorkeling, nhưng ra tới đây thì thôi, đành phải có gì chơi nấy, chưa kể khi chuyến đi snorkeling với đám nhà em chồng, mình bỗng dưng trở thành snorkeling master, cả lũ nhìn vào mình như cái phao cứu nạn. Mình phải hy sinh nguyên bộ snorkeling của mình cho con em chồng xài, bản thân đeo thứ của nợ trời ơi đất hỡi của cái tour cung cấp cho, hậu quả là mình uống nước biển hơi nhiều! Nhưng nếu không đổi cho nó thì nó đến là chết chìm dưới biển vì lượng nước tràn qua ống chảy thẳng vào miệng nó mà nó thì không biết cách phun ra! Mình nhớ cách đây khá lâu, mười năm về trước có lẽ, lần đầu tiên đi snorkeling, mình một tay bơi một tay nắm lấy tay thằng con vì thằng nhỏ ra biển mênh mông, sợ lạc mất mẹ. Lần kế tiếp thì lôi bà chị trên khắp mặt nước ở Roatan trong khi thằng con đã quen với chiều sâu vô tận của biển, bơi như rái cá. Rồi lịch sử tái diễn, mình phải nắm tay lôi con em chồng khắp nơi trên mặt nước vùng Bavaro. Nói thật nhé, nó mặc áo phao, người không lấy gì nhỏ nhắn, mình lôi nó một hồi thì chỉ còn nghe tiếng mình thở phì phò hổn hển như ống kéo bễ, không lên cơn suyễn là may! Đức ông chồng mình hồn nhiên giao nó cho mình, thôi thì vì tình anh em của ông ấy, mình đành một tay bơi một tay kéo, chân đạp lia đạp lịa, mắt vừa canh chừng nó vừa tìm cá với lại san hô. Thành thử khi leo lên tàu lại, chủ tàu mang khay bia ra thì mình là người giơ tay xin ly bia đầu tiên!

Nhà mình có làm một chuyến ra hòn đảo Catalina. Đảo này được giữ làm vườn quốc gia nên không nhà không cửa  được xây cất gì ở đây, bãi cát còn nguyên sơ, trắng tinh và nước trong vắt. Cũng may, chứ không sẽ có cả chục ông tỉ phú sẵn sàng trả tiền để xây một cái villa rồi tiện thể chiếm luôn một mảnh bờ biển. Dân du lịch như mình chẳng có chỗ mà đặt chân đến. Mình đi theo mấy thằng con, leo tuốt lên ngọn đồi rồi từ đó buông mình xuống dòng nước biển xanh ngắt, sâu hun hút nhưng vẫn nhìn thấy đáy. Nước ở đây rất lặng, không có tí sóng nào, như một mặt hồ êm ả vậy. Và trên bờ là hàng dừa im bóng, xanh ngăn ngắt làm mình nhớ đến hàng dừa ở bãi biển Nha Trang. Lác đác những cây phượng trổ hoa đỏ rực rỡ càng làm cho mình nhớ Việt Nam cũng có những hàng dừa như thế, những bãi biển cát trắng như thế, những cây phượng hoa rợp trời như thế…Và mình thì bềnh bồng trong làn nước trong leo lẻo, tự hỏi sao lại trôi giạt đến xứ người để mà ngắm lại cây hoa phượng đỏ thắm như thế này.

Đánh đu với zip line
Sau khi chán chê với nước với cá, tụi mình quyết định làm một chuyến lên núi, đến một cái park rộng lớn ở vùng Cap Cana, được gọi là Scape Park. Scape Park thật ra là một khu giải trí nằm yên ấm trong vùng rừng nhiệt đới, có đủ mọi trò trong đó, từ cưỡi ngựa dọc bờ biển hay trong rừng, tùy ý, đi câu cá, thám hiểm hang động, phóng thuyền vù vù trên biển và zip line. Zip line có nghĩa là họ buộc mình lơ lửng trên sợi dây cáp rồi thả cho mình tuột xuống đầu bên kia. Mới đầu mình cũng hơi ớn vì cảm giác lơ lửng trên mấy ngọn cây, cheo leo bên bờ các vực đá, cách mặt đất cả hơn trăm mét, tính mạng phụ thuộc hoàn toàn vào sợi dây cột ở bụng với cái dây cáp ở trên đầu, lỡ đứt dây rơi xuống thì không biết mình còn lại cái gì. Nhưng khi nhìn những dây những nhợ, những móc lớn móc bé cột vào người mình rồi cột vào sợi dây cáp mới biết chẳng rớt vào đâu được ngoại trừ nếu mình có thân hình hà mã. Mà trong nhóm của mình có khoảng 3 con hà mã to đùng, mình thấy họ được buộc thêm một sợi dây đai quanh ngực và thêm hai cái móc nữa, hà mã phải đến số chết mới làm đứt được hai sợi dây cáp cùng lúc! Mình khoái màn leo núi vì phải leo lên cao mới tuột xuống được chứ. Có những vách núi thẳng đứng, phải bám theo những móc sắt được đóng vào vách để leo. Một lần nữa, mình được cột vào sợi dây cáp dọc theo vách núi, có xảy tay xảy chân thì cùng lắm là bị treo lơ lửng chứ không có chuyện rớt bịch xuống như mít rụng đâu. Trong lúc lần mò leo núi, mình nhìn thấy thấp thoáng sau những kẽ lá là những cành hoa lan dại, bám vào thân cây lớn, bám cả vào cây xương rồng! Sau tám cái zip lines vèo vèo như thế là đến bữa ăn trưa. Ngồi dưới mái hiên lợp lá dừa, gió thổi tứ phương, khăn bàn trắng tinh, ly uống rượu vang lấp lánh, thấy đời cũng đáng sống lắm. Mình còn đủ sức để làm một cuốc xe đạp miễn phí 20 phút nhưng đám đi với mình xin được ngồi yên một chỗ hoặc thà đi chụp hình với két, với mòng biển hơn là phơi nắng đạp hì hục lên dốc với xuống dốc. Mình không có ai đi cùng nên đành chịu thua, ngồi chờ được dẫn tới Blue Hole. 

Ao Xanh
Hoyo Azul hay là Blue Hole hay là Ao Xanh, là một cái ao nằm kín đáo dưới một cái hang nửa kín nửa hở. Nước từ biển tràn vào qua các mạch ngầm, xuyên qua tầng tầng lớp lớp đá vôi nên được lọc rửa rất kỹ, khi chảy vào ao, nước có màu xanh biếc, trong vắt, mang rất nhiều khoáng chất. Ao khá sâu, dân không biết bơi đành đứng bám như thằn lằn vào các vách đá. Nhà mình thuộc nòi rái cá nên cả bọn vùng vẫy giữa ao cho rộng chỗ. Thằng con mình thậm chí lặn tuốt xuống dưới đáy ao ngồi ở đó, thằng kia chơi nổi nhảy lộn đầu từ trên tảng đá kế bên rơi tỏm xuống đáy mang theo mấy chục cặp mắt thán phục! Vì khuất bóng mặt trời nên nước có phần lạnh, dân bám vách thằn lằn được khoảng nửa tiếng thì rút lên bờ đi mua nước dừa tươi uống, nhà mình theo truyền thống chờ còi thổi toét toét mới lóp ngóp bò lên.

Với chừng đó hoạt động hùng hục trong một ngày của mình, từ chạy bộ, đến tennis, đến bơi ngoài biển, trong hồ bơi, cái buffet thừa mứa ngày ba bữa không hề làm mình lên lấy một ký mà trái lại, tuột được vài ký vì không phải ngồi dán đít vào cái màn hình ngày tám tiếng như bây giờ. Mà ngồi lâu thường hay kèm theo ăn vặt, khổ thế.
Bơi với cá mập
Bây giờ ngồi ở đây, đối mặt với nhiệt độ trên 100 độ F của Texas, nóng phừng phừng, cây cỏ ngả sang màu vàng cháy,  giòng suối phơi đáy cạn khô, những cơn mưa như trút chỉ còn là kỷ niệm, thấy nhớ màu nước xanh ngắt của Caribbean, những cơn gió mát thổi từ biển vào và nhất là màu lá cây cọ xanh biếc trên nền trời xanh biếc.

Mình sẽ không quay lại Punta Cana mà sẽ lần mò đến một chỗ khác. Nhưng Punta Cana là một chuyến nghỉ hè relax vì mình không phải đi chợ, nấu ăn mà được cơm bưng nước rót ngày đủ ba bữa. Mang tiếng là đi nghỉ hè theo kiểu gia đình nhưng sau bữa ăn tối mấy đứa con biến sạch đi theo những thú vui của tụi nó trong resort, còn trơ hai vợ chồng ra ngồi ngoài cái bar làm hai ly cocktails trong khi chờ đợi đi coi mấy cái shows. Rượu rum với lại brandy ngấm từ từ và mình tự ngẫm nghĩ rồi hiểu ra rằng bắt đầu từ đây, có đi đâu chỉ còn hai thân già này mà thôi!

Lan Hương (08/17/2015)

Xóm chài Romana




















Friday, August 7, 2015

Theo ai đây?


Cả nước Mỹ chộn rộn cho mùa bầu cử năm 2016. Mặc dù còn một năm nữa nhưng các ứng cử viên đã xuất hiện và đăng đàn diễn thuyết. Đảng Cộng Hòa có 16 vị ra tranh cử, đông nhất từ trước đến nay, “lúc nhúc như nhặng”, đó là chữ của ông chồng! Đảng Dân Chủ lác đác hơn vì chủ trương dồn mọi lá phiếu cho bà Hillrary Clinton với đôi gò má cao vút và sắc lẻm.
Tôi vốn chẳng theo dõi tình hình chính trị trong nước ngoài nước làm gì cho mệt óc. Thậm chí đi bầu để thể hiện quyền công dân thì vui đi, buồn ở nhà, biết chắc không có mình Texas vẫn đổ phiếu cho Cộng Hòa. Nhưng tối hôm qua tình cờ ngồi sơn móng tay và chờ nó khô, tôi xem 10 ông Cộng Hòa bắt đầu tranh biện trên tivi. Mọi người chú trọng đến ông Donald Trump nhiều nhất vì ông trọc phú này nói không sợ trời sợ đất, làm mất lòng không biết bao nhiêu người. Nhưng nếu ông ấy thắng, tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên vì dân Mỹ vốn thích những chuyện lạ chưa từng xảy ra. Cũng như thế đối với bà Hillary. Trên thế giới đã có những bà lãnh đạo lừng lẫy như Thatcher Bàn Tay Sắt của nước Anh, Indira Ganhdi của Ấn Độ, một đất nước mà phụ nữ còn phải cun cút đi sau lưng chồng, Benazir Bhutto của Pakistan nơi phụ nữ ra đường vẫn phải núp mặt sau những tấm khăn choàng kín mít, và gần đây là Angela Merkel dẫn dắt nước Đức thành một đất nước có nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu, hay bà Yingluck Shinawatra của Thái Lan đang lên bờ xuống ruộng vì phe phái bảo thủ với lại không bảo thủ. Với chừng đó bà thì niềm hy vọng của Hillary Clinton còn tràn trề chán, ăn thua là bà có qua được những câu chuyện đàng sau hậu trường hay trong bóng tối khi bà còn là Bộ trưởng bộ ngoại giao hay không.

Tôi viết những dòng này không phải để cổ động đi bầu phiếu cho ông Donald Trump mặc dù tôi tin ông ta chẳng thắng nổi với cách ăn nói và đường lối mang tính “phát xít” của ông, hay bầu cho bà Hillary được xem là đã từng làm tổng thống khi ông chồng bà đang tại chức!
Tôi viết những dòng này chỉ vì thỉnh thoảng tôi đứng giữa ngã ba đường, hoang mang không biết nên ngả theo phe nào. Ngoài chuyện bầu cử là chuyện lớn, còn là những chuyện vụn vặt khác trong đời sống hàng ngày, tỉ dụ như “binh dây” hay đá banh chẳng hạn.

Cứ tưởng tượng mà xem, khi có khoảng 4, 5 gia đình ở trong cùng ngôi nhà số 7, không ai bảo ai, nhà nào binh dây cho nhà đó, mặc dù con em mình lỗi rành rành ra nhưng bà chị vẫn gân cổ bảo vệ em mình đến cùng. Nhưng nếu người ngoài đụng đến một nhân mạng trong nhà số 7, thì chừng đó cư dân họp lại đi hỏi tội “nạn nhân”. Nhìn lực lượng binh dây đông đảo thế kia, đối thủ chỉ còn biết lặng lẽ rút lui, đầu hàng sớm cho rồi. Thuở ấy  tiếng tăm nhà số 7 nổi như cồn,  thiên hạ bảo nhau thôi “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, dân Hoàng Diệu nổi tiếng ngổ ngáo mà còn phải chạy làng đám binh dây từ trên xuống dưới của gia đình tôi kia mà!
Tôi nhớ khi tôi học lớp 3, mùa hè năm đó tôi phải đi học thêm ở trường Mến Thánh Giá gần ấp Ánh Sáng với con em tôi. Con em này bị tật sợ đi học ngay từ hồi mới biết cầm bút đồ lên những nét chấm chấm Ba viết sẵn. Mỗi buổi trưa ông anh tôi có nhiệm vụ phải chở nó đến trường bằng chiếc xe Honda 67. Đến cổng trường thì nó đeo cứng vào lưng ông anh như chằng hiu, không cách gì cạy ra mà thả nó xuống được. Sau 10 phút , anh tôi phải quay xe về nhà, trình cho Má tôi thấy hoạt cảnh “đỉa bám”. Ba Má tôi không cách nào bắt nó đi đến trường cho bằng được, mà nó thì sắp phải đi học lớp một ở trường Hùng Vương rồi. Mùa hè năm đó, không biết Má tôi  nói thế nào mà nó chịu đi học trường Bà Sơ. Tôi đồ rằng chắc Má tôi dấm dúi, dụ khị không đồ chơi thì kẹo bánh, hối lộ sự nghiệp học hành của nó. Con nhỏ này ác, nó chỉ chịu đi khi có tôi đi với nó! Tuần lễ đầu tiên, tôi phải vào ngồi lớp mẫu giáo với nó. Cả lớp hỉ mũi chưa sạch loay hoay tô màu với cắt giấy, Ma Sơ mặc áo chùng đen đi tới đi lui, thấy tôi ngồi không bèn sai vặt! Đầu tiên chuyện nhỏ là đi gọi Ông Ba Bị khi có đứa nào khóc nhè, Ma Sơ ngon ngọt đủ điều không chịu nín. Tôi ra khỏi lớp, đi một vòng tìm ông cai trường. Không thấy ông ấy, tôi quay lại bảo với Ma Sơ, Ông Ba Bị sẽ đến ngay bây giờ! Đứa nhỏ mặt mũi tèm lem đang khóc nghe tôi nói vậy thì im bặt! Sau chuyến đi tìm Ông Ba Bị, tôi còn bị sai đi lấy phấn, lau bảng, đem sổ lên văn phòng, vân vân. Ma Sơ lớp mẫu giáo tận dụng sự có mặt của tôi tối đa. Sau 2 tuần làm “nô lệ”, tôi đề nghị Má cho tôi học lớp ba, khi ấy con em tôi đã quen trường, quen lớp, không dính vào tôi như sam nữa. Tôi không nhớ lớp học này lắm vì chỉ học có ba tháng hè. Tôi nhớ mỗi sáng vào lớp, tất cả mọi học trò phải đứng lên rút cuốn kinh ra rồi ra rả đọc kinh Kính Mừng  Maria. Tôi trợn tròn mắt nhìn chúng nó, câm bặt. Ma Sơ lớp Ba không dễ chịu gì, bà bảo tôi “Sao không đọc kinh?” “Con không có đạo, con không có sách kinh”. “Vậy thì phải mua mà đọc!” Tôi về nói với Má. Má rít lên “Người ta không có đạo mà bắt đọc kinh cái gì!” Nhưng vì sự nghiệp học hành của em tôi, Má vẫn đưa tiền cho tôi mua cuốn kinh cho có với người ta. Tôi không nhớ tôi đã để cuốn kinh này ở đâu, vì thật sự đối với tôi, nó hoàn toàn vô ích. Cả ba tháng trời tôi vẫn không biết đoạn kinh kính mừng Maria nằm ở trang nào! Mà hôm nào có tìm ra, tôi cũng chẳng biết phải ê a ra sao nữa.

Trở lại với chuyện binh dây. Tôi tự cho mình có nhiệm vụ phải binh con em. Giờ ra chơi, tôi và nó đi mua đồ ăn vặt thông qua một cánh cửa sổ do Ma Sơ bán. Tất nhiên hồi đó làm gì có chuyện đứng xếp hàng. Chúng tôi chen nhau kịch liệt để được mua những cục kẹo vớ vẩn hay một mẩu cà rem đầy mùi đường và xi rô xanh đỏ. Em tôi nhỏ người, bị đám lớn hơn đẩy bật ra, tôi lấy thế là chị, hích đứa kia rồi đẩy em tôi vào lại chỗ đứng. Nếu đối thủ của tôi sừng sộ thì tôi trừng mắt nhìn nó, tay lăm lăm chực đánh nhau. Thú thật, tôi chưa từng đánh ai, tát ai bao giờ cả, chỉ làm màu thế thôi.
Khi em tôi quen dần trường lớp nhờ trường Bà Sơ Mến Thánh Giá cũng là lúc chúng tôi nhập học ở Hùng Vương. Tôi tiếp tục lên lớp 4, nó vào lớp Một êm ấm, Má dặn tôi giờ ra chơi nhớ để ý xem chừng nó. Tôi nhớ tôi hay rủ Phương Chi, con ông Luyến, giờ ra chơi đi tìm em tôi xem nó làm gì. Nhìn thấy nó tung người, tốc váy nhảy dây với đám bạn, chúng tôi yên tâm tản ra góc rừng đi bóc vỏ thông hoặc lượm những trái thông nho nhỏ về chơi. Nhiệm vụ binh dây với lại “coi trẻ” của tôi tiếp tục mãi cho đến khi tôi ra khỏi Hùng Vương năm lớp Sáu, sau biến cố 1975.

Chuyện chị em binh nhau là chuyện thường. Rất dễ để biết mình cần theo phe nào mà không chút đắn đo. Nhưng nếu hai đội banh mê mải rượt theo một trái banh thì chính kiến cần phải được xác lập ngay từ đầu, trận banh khi đó mới hồi hộp thích thú. World Cup 1982 chúng tôi phải lội mưa đạp xe đạp đến nhà anh Tinh xem ké. Tôi nhớ cái World Cup này được tổ chức ở Tây Ban Nha mà hình tượng trưng là một trái cam với tên gọi “Naranjito” Chúng tôi liền lấy ngay chữ Zito đặt cho con chó, kỷ niệm những ngày lần đầu được trông thấy dân cư dân khắp thế giới trên tivi mà không phải là dân Liên Xô hay Đông Đức! Năm ấy chúng tôi chưa lập phe chia nhóm để cổ vũ. Đi xem cũng hò hét, la bể họng với đại gia đình đông đúc của anh Tinh nhưng chưa có lập trường rõ ràng. Đến năm 1986, sóng gió ở Mexico cũng là sóng gió trong căn nhà chật hẹp ở Hòa Hưng với bạn bè cá độ ăn uống đá banh. Dạo ấy chúng tôi ủng hộ đội Pháp mặc dù Maradona của Tây Ban Nha đang là thần tượng của khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Lập trường như thế là khá rõ ràng rồi. Nhưng khi Pháp gặp Liên Xô, tôi bị đứng giữa hai ngả đường. Tim bảo phải theo Pháp, nhưng tình bạn bảo nên đi theo Liên Xô. Có lý nào để mình bạn với đội Liên Xô lẻ bóng trong căn nhà tràn ngập dân Pháp thuộc? Thế là tình bạn thắm thiết làm tôi ngả lòng. Tôi phải trả giá cho sự nhập nhằng của mình bằng chầu bún chả giò vì đội Liên Xô thua đứt đuôi con nòng nọc!

World Cup tiếp theo chúng tôi đã ở bên Bỉ. Lại dốc lòng ủng hộ đội Bỉ nhưng không đi đến đâu, khí thế lúc ấy cũng kém hẳn vì chúng tôi không còn bạn bè đông đảo kéo đến cùng xem. Nhưng trận đấu nhất nhì, chúng tôi đang có mặt ở Frankfurt, nhà chị Hằng. Đội Đức đang tung mình làm mưa làm gió, chúng tôi ở giữa nước Đức cũng hưởng lây không khí náo nhiệt đó. Lúc đội Đức đá trái banh quyết định bàn thắng vô địch của mình, cửa nhà các căn chung cư mở toang, dân Đức tràn ra ban công la ó om xòm. Chúng tôi cũng nhào ra la lối, vẫy tay theo. Ngày hôm sau đội Đức về đến phi trường Frankfurt, chúng tôi xem tivi thấy thiên hạ đi đón chật đất. Trở lại về Bỉ, biết rằng đội Quỷ Đỏ thua bét, nhưng cũng được chia vui với bà chị họ vốn là công dân nước Đức, đương nhiên chúng tôi phải theo phe Đức ủng hộ tinh thần chị em.
Những trận World Cup sau này mờ nhạt dần vì dân Mỹ chưa biết đá banh là gì. Cho đến tận World Cup năm ngoái. Ngay từ đầu, tôi đã theo đội Bỉ, ủng hộ màu áo đỏ hết lòng. Dù sao đất nước đó cũng đã cho tôi một cơ hội quý báu nhất trong đời, lý gì không ủng hộ nó?  Tình hình êm thắm cho đến khi Bỉ gặp Mỹ! Cái này mới nguy khốn đây. Ở Mỹ, là công dân Mỹ theo lý tôi phải ủng hộ lá cờ với 50 ngôi sao, nhưng tôi vẫn còn nặng lòng với xứ Bỉ sương mù ẩm ướt cho nên tôi lại phải đứng giữa hai ngả đường lần nữa. Đành gởi email ra hỏi anh chị em tôi nên theo phe nào đây? Kết quả là tôi gần như đứng giữa, tâm niệm bên nào thắng tôi cũng vui, bên nào thua tôi cũng buồn! Khi ấy tôi được nghỉ nhà một tuần vì đi mổ, thế là sáng sáng chiều chiều vui buồn theo các đường banh, chẳng bỏ qua trận nào. Lần này văn minh tiến bộ hơn nên tôi skype với bên Bỉ xem chung trận Bỉ - Mỹ. Mạnh bên nào bên đó hò la, cũng vui chán. Khi Mỹ ngậm ngùi chia tay World Cup vì thua Bỉ, tôi vui buồn lẫn lộn, và vẫn chưa biết thật ra lòng mình đã ngả theo ai.
Khi World Cup đã qua, tôi trở về với đời thường với các trận đấu bóng bầu dục của Mỹ. Lần này không mang tầm cỡ quốc tế nhưng mang màu sắc các tiểu bang. Tiểu bang đầu tiên tôi đặt chân tới là Indiana, tứ cố vô thân nên đành chọn xứ bắp mênh mông làm quê hương đầu tiên vậy. Cho nên mỗi khi đội Colt của Indy gặp Cow Boys của Texas, tôi lại phân vân, lại đôi ngả biết theo ai. Vì không thể chơi trò bắt cá hai tay, giở thói ba phải ra nên tôi vẫn ngầm ủng hộ Colt của Indy, như một món nợ phải trả cho cái tiểu bang tôi định cư đầu tiên.
Các trò thể thao thì dễ tính rồi. Có lỡ theo lộn bên thật ra cũng chẳng chết ai. Nhưng chuyện này mới khó.
Tưởng tượng nhé, nếu Mỹ đánh nhau với Bỉ, tôi phải theo phía nào? Bỉ đập lộn với Việt Nam, tôi đứng ở đâu? Rồi Mỹ tuyên chiến với Việt Nam, tôi phải làm gì? Tôi hoàn toàn không có lời giải cho những câu hỏi này, chỉ thầm mong thế giới hòa bình, đừng ai đánh nhau với ai cho tôi khỏi phải đứng ở ngã ba đường, bứt hết tóc mà không biết phải làm gì.

Chọn cho mình một phía đôi khi không dễ tí nào. Tin tôi đi. Mà trong đời có khi nào mình không phải chọn một bên để theo đến cùng?

Lan Hương (Fort Worth, 08/07/2015)