Pages

Friday, August 28, 2015

Tổ Vắng



Hai năm nay mỗi lần đi ngang qua cánh cửa phòng thằng lớn, tôi thường nhìn vào rồi tiện tay đóng lại. Nó đã đi học xa rồi, tôi dọn dẹp căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ, không còn cảnh bừa bãi nhìn rối mắt nữa. Thỉnh thoảng nó về, cánh cửa phòng vẫn đóng, nhưng tôi biết nó đang nằm ngủ trên chiếc giường đó, trong căn phòng đó, và thấy thật bình yên. Để rồi đến lúc nó vác ba lô ra đi, tôi lại nhìn thấy cửa phòng của nó mở toang như một hốc mắt trống lốc, nhìn tôi, buồn. Tôi lại phải đóng cửa lại để khỏi nhìn vào nỗi buồn trống vắng đó.   
Ngày hôm qua, đi ngang qua cánh cửa phòng thằng nhỏ, tôi nhìn vào rồi tiện tay đóng lại. Nó đã vào ký túc xá hơn một tuần. Căn phòng vẫn còn đôi chút bừa bộn sau khi nó dọn đi, tôi chưa có thì giờ sắp xếp lại cho gọn gàng. Nó chưa quay trở về thăm nhà nên tôi chưa biết cảm tưởng của mình khi nhìn cánh cửa phòng đóng và biết rằng nó đang ngủ yên trong đó, hay cảm nghĩ của mình khi nó lại vào trường, cửa phòng nó lại mở toang mà không có nó trong đó, suốt ngày, suốt đêm. Tôi đồ rằng rồi cũng sẽ giống như thằng anh nó thôi, tôi sẽ đóng cánh cửa lại và thêm một nỗi buồn cho ngôi nhà giờ trống trải hẳn.

Dọn vào ký túc xá SMU
Những đứa con khi trưởng thành chắp cánh bay xa, có biết chúng để lại một lỗ hổng không nhỏ trong lòng bố mẹ? Cả hai vợ chồng tôi vẫn bận rộn với công việc hàng ngày, từ sở làm đến việc nhà. Riêng tôi không có thì giờ nước mắt giọt vắn giọt dài nhớ con như mọi người, nhưng thỉnh thoảng tim vẫn thắt lại khi nhớ lại hình dáng thằng nhỏ lầm lũi bước trong khuôn viên ký túc xá, một mình. Lòng tôi vẫn nhói lên khi nghĩ đến thằng lớn ở một mình, ăn uống thất thường, ngủ nghê không theo giờ giấc nào cả.
Ngày dọn đồ đạc cho thằng lớn vào trường, cần đến hai xe vì nó ở apartment, không vào ký túc xá nên phải khuân theo giường chiếu, soong chảo, tủ bàn. Sắp xếp xong cho nó, chúng tôi về lại Fort Worth cùng ngày. Tim tôi chùng xuống vì biết rằng nó đã bắt đầu cuộc đời riêng của nó rồi, từ cái lúc tôi xếp cho nó bộ đồ ăn trên kệ bếp, đặt hũ đường cạnh chai dầu ăn và cắm cho nó nồi cơm điện. Một người bạn bảo tôi rằng con cái như chiếc boomerang, mình quăng nó đi, rồi nó sẽ quay trở lại. Tôi biết chắc thằng lớn của tôi không phải là chiếc boomerang, nó sẽ không quay lại đâu. Tính cách nó là như vậy. Nó sẽ tự lực cánh sinh một mình với đầy đủ những hiểu biết lẫn sai lầm của nó. Tôi sẽ không níu kéo nó về lại, tôi đẩy nó đi nhưng vẫn cho nó biết, nếu có chuyện gì, nó vẫn còn một mái nhà và một gia đình để quay về. Thứ bảy vừa rồi chúng tôi lái xe xuống Austin đổi xe cho nó. Hẹn gặp nó ăn trưa trong một tiệm Mễ mà nó lên internet lùng sục, bảo là ở đây chỉ có tiệm này là ngon nhất! Về cái apartment của nó, thấy ông giăng đầy đồ, nhưng thật ra trong cái mớ hỗn độn ngập bàn học, tôi vẫn thấy có một sự sắp xếp theo trình tự logic của riêng nó. Đã qua rồi cái thời tôi bảo nó phải kê bàn ở đâu, xếp quần áo chỗ nào, treo khăn lên móc nào, vân vân. Nó không còn là một đứa trẻ cần tôi giúp đỡ trong những công việc cực kỳ đơn giản nữa.

Phòng tắm của Nam khi không có bàn tay mẹ

Thằng nhỏ chỉ mới xa nhà chưa đầy mười ngày. Nó không đơn độc lẻ loi như tôi lo sợ mà đã có đầy những trò vui trong thế giới đại học mới mẻ của nó. Nếu thằng anh bận rộn với công việc part time, sơn vẽ, trăm thứ việc khác tự nó chuốc vào người, thì thằng nhỏ say mê với đời sống đại học mới lạ, khác xa với thế giới nó sống từ hồi mới sanh với cha mẹ luôn kè kè một bên. Nó gọi điện thoại hí hửng bảo nó đã tham gia vào 8 cái hội khác nhau trong trường, từ hội ráp xe hơi, hội cơ khí, đến tennis, sand volley ball…Nó đi xa, tôi sợ nhất là cái màn đánh thức nó dậy buổi sáng. Nó sẽ mở mắt, lầu bầu bảo con dậy rồi, nhưng nếu tôi quay lưng đi, nó sẽ nằm xuống ngủ tiếp. Thậm chí nếu có nhìn thấy nó vào phòng tắm, cũng chưa chắc nó đã thật sự tỉnh ngủ. Nó có thể vào giường lại và làm thêm một giấc nữa. Tôi lo vào ký túc xá không biết ai là người đánh thức nó dậy mỗi sáng. Tôi tự hỏi không biết mấy ngày này nó có nhớ những tiếng hò hét bên tai lôi cổ dậy đi học hay không. Nó có nhớ tiếng tôi kêu réo nó xuống nhà ăn cơm không. Thôi thì cũng đến lúc phải buông nó ra, không thể chăm chút cho nó từ cái khoản đánh thức buổi sáng đến chuyện ăn uống hàng ngày. Chủ nhật vừa rồi chúng tôi có lên trường nó để dự lễ chào mừng tân sinh viên, tiện thể mang cho nó thêm một ít đồ dùng, bổ sung vào cái closet trống lốc của nó. Khi chia tay nó ở cửa phòng, tôi hỏi nó khi nào đi ăn tối. Nó bảo chờ trễ thêm một tí vì bây giờ cái nhà ăn chật ních học trò với phụ huynh rồi, đứng xếp hàng lâu lắm. Tôi buột miệng “ Hay là con đi ăn với ba mẹ luôn?” Tôi thấy mắt nó sáng rực lên, và nó gật đầu liền tù tì, nhưng vẫn thòng thêm một câu “Ăn cái gì cũng được nhưng đừng ăn đồ Mỹ nhé”. Nhìn nó hùng hục tấn công những miếng sushi, tôi biết nó sẽ quay về nhà vì nhớ món bánh xèo, nồi cháo lòng, chảo bánh tiêu của tôi. Ẩm thực khi nào cũng kéo mọi người lại gần với nhau mà.
Freshman SMU. Vinh đứng ở số 9
Con đi học xa nhà, hai căn phòng thừa hai chiếc giường trống chỗ, dư thêm một cái phòng tắm. “Bớt việc dọn nhà” tôi tự nhủ, nhưng vẫn thấy thiêu thiếu và trong thâm tâm, vẫn muốn được dọn dẹp hai căn phòng kèm theo những lời hăm dọa vì quần áo chúng quăng bừa bãi.

Con đi học xa nhà, tôi thiếu những tiếng ồn ào, nao nức, những tiếng động phủ ngập ngôi nhà làm cho nó vô cùng sống động. Bây giờ ngôi nhà lặng ngắt. Chúng tôi đi làm về, chỉ có Max và Buster chạy ra đón, không còn bóng thằng con lớn hay thằng con bé thấp thoáng trong phòng, thò đầu ra hỏi “Tối nay mẹ có đi đánh tennis không?” hoặc “Tối nay ăn gì hả mẹ?”. Ngay cả khi chúng ở nhà, cả hai đứa thường trong phòng, nhưng bóng chúng thấp thoáng trên lầu dưới lầu, tôi vẫn thấy yên lòng hơn. Bây giờ tầng trên tầng dưới vụt trở nên trống trải, sáng trưa chiều tối lên xuống cầu thang, tôi nhớ tiếng chân chúng chạy hùng hục làm cả tầng lầu rung lên bần bật. Tôi nhớ tiếng chúng oang oang gọi với từ dưới lên trên, từ trên vọng xuống, và thậm chí tôi còn nhớ cả tiếng chúng chơi games chí chát với bạn bè. Nhà lặng thinh, tôi chợt thèm nghe tiếng nhạc vọng ra từ phòng chúng, hoặc tiếng vòi nước chảy không ngừng trong phòng tắm của chúng.
Con lớn khi chưa đi học xa,  ở nhà lôi kéo bạn bè về sơn với vẽ, tôi hào phóng bảo có muốn ăn trưa luôn không thì mẹ làm. Cả con cả bạn gật đầu ngay tắp lự và tấn công những miếng hamburgers của tôi rất tận tình. Bây giờ nó đi vắng, thỉnh thoảng gặp bạn nó ngoài đường, hỏi thăm qua lại, tôi bảo khi nào nó về, ghé nhà chơi tôi sẽ đãi hamburger. Con tôi về thật nhưng không rủ bạn về nữa. Vì bạn nó và cả nó đã có những mối quan tâm khác mất rồi.
Hai đứa con đi học xa nhà, tôi chạm tay vào cánh cửa phòng chúng, thấy thiếu vắng, thấy trống trải, thấy nhớ. Nhìn bàn ghế sạch sẽ gọn gàng, tôi nhớ cảnh bày bừa, giấy bút vứt lung tung. Nhìn tủ quần áo xếp ngăn nắp, tôi nhớ quần jeans, quần shorts rớt ra ngoài ngăn kéo, nhớ cả những đôi vớ không chiếc nào giống chiếc nào . Nhìn phòng tắm được lau sạch, tôi nhớ cái bàn chải đánh răng vứt lăn lóc, nhớ lọ keo xịt tóc mà tôi dọa nó xịt cho lắm vào sau hai năm không còn một cọng tóc trên đầu!  

UT of Austin - trường của Nam
Con đi học xa nhà, người đơn độc ở đây, hóa ra lại là chúng tôi.

Khi những con chim rời khỏi tổ, chim bố chim mẹ có bỏ tổ mà đi không? Khi những con chim tung cánh bay xa, có biết chúng để lại một cái tổ trống vắng như thế nào không?

Cả hai vợ chồng tôi vẫn ổn, thật thế. Nhưng tận đáy sâu trong lòng, tôi nghĩ mình đã không còn chung đường với con cái nữa mà đã bước sang một bên, để chúng tự đi một mình. Có thể chúng sẽ vấp ngã mà chẳng có ai bên cạnh, có thể chúng sẽ có những quyết định sai lầm mà tôi không kịp ngăn cản, có thể chúng sẽ thất bại mà chúng tôi không ở ngay đó để khuyến khích, để nâng đỡ. Nhưng xét cho cùng, sau tất cả những điều đó, có một điều quan trọng hơn mà chúng có được, đó là sự trưởng thành. Chúng sẽ không bao giờ lớn khôn nếu tôi khư khư trói cánh chúng lại, buộc chúng bên mình. Thế thì, hãy bay đi, bay thật cao, bay thật xa…các con ạ.


Tôi tự hào vì con tôi đã lớn, đã tung cánh, cho dù trái tim người mẹ chỉ muốn con mình quanh quẩn gần với mình. Để chăm chút, để thấy yên lòng, để biết con mình được an toàn. Nhưng không, chúng phải tự bay đi thôi, vì xét cho cùng chúng không thể bay bằng đôi cánh của bố mẹ. Tôi vẫn dạy con mình phải có những ước mơ. Tôi muốn con mình bay bổng trên những ước mơ của chúng. Dù cho tôi có phải đánh đổi những giây phút nao lòng nhìn cánh cửa phòng con đóng kín, không người ở như thế này.  Dù cho tôi có phải rộn ràng, náo nức khi đón chúng quay về thăm nhà rồi lại thấy hụt hẫng khi nhìn xe thằng lớn khuất sau góc cua, nhìn thấy cánh cửa phòng ký túc xá đóng lại sau lưng thằng nhỏ.  

Để đánh đổi cho sự trưởng thành của con cái, ngoài nỗi buồn ra, còn cái gì mà tôi không tiếc?

 Lan Hương (Fort Worth 08/26/2015)

No comments:

Post a Comment