Pages

Tuesday, December 22, 2015

Cậu Hoàng Con


Lúc ấy tôi khoảng tám hay chín tuổi, tôi vớ lấy quyển sách Cậu Hoàng Con trên tủ, mừng vì sách không dày lắm và chữ in khá to, rõ ràng. Ngỡ là truyện cổ tích, tôi háo hức mở ra xem nhưng rồi thất vọng ngay. Hình vẽ thì xấu òm, truyện không đầu không đuôi, mà cái chính là chẳng có hoàng tử đeo kiếm oai phong trên lưng ngựa, không có công chúa với áo đầm xòe chấm đất, chẳng lâu đài lộng lẫy, không có mụ phù thủy mũi khoằm gớm ghiếc nào cả. Chỉ độc hình một cậu bé tóc vàng, quấn khăn phu la, nhỏ bé và lạc lõng đến tội nghiệp. Còn cốt truyện thì toàn rặt những chuyện trời ơi gì đâu, tôi đọc chữ được chữ mất. Tôi không hình dung ra được một hành tinh có ba ngọn núi lửa mà nhân vật chính trong truyện có thể chùi rửa chúng mỗi ngày để chúng không ám khói, rồi cậu lại còn đổ ốp la trên miệng ngọn núi lửa, pha cà phê trên miệng ngọn núi lửa khác, cứ đơn giản như cái bếp ba lò của nhà cậu vậy. Núi lửa phải to đùng, phải nhả nham thạch cuồn cuộn, bụi than mù mịt trời đất, hễ bắt đầu nhả khói phì phì thì dân cư chung quanh chạy trối chết, cứ nhìn ngọn Etna đang phun lửa bây giờ mà xem! Lật thêm vài trang, tôi nhìn hình vẽ Ông Vua với hai tà áo của ông ôm chầm lấy gần hết hành tinh mà chợt ngán ngẩm, trong đầu thắc mắc vậy thì nhà cửa xây ở đâu, đường xá cho xe cộ sao không thấy, rồi cây cối mọc chỗ nào? Riêng người Thắp Đèn làm tôi phát ớn. Tôi tự nhủ ông ta đi ngủ vào cái lúc nào, ăn uống vào cái lúc nào nếu ông ấy cứ thắp rồi tắt đèn liền liền mỗi phút như thế? Tôi đọc được chăng hay chớ, đầu óc toàn những thắc mắc rất thiết thực. Exupéry bảo quyển sách này viết cho trẻ con nhưng tôi nghĩ trẻ con như tôi còn xơi mới hiểu được ông ấy muốn kể chuyện gì. Rồi mặc cho ông ấy phân trần mãi là ông không biết vẽ, tôi vẫn không chấp nhận được hình một cái hành tinh bị ba cây bao bắp làm cho sắp nổ tung ra. Mò mẫm đến đoạn Cậu Hoàng Con vào vườn hoa hồng thì tôi xin đủ, tôi xếp quyển sách lại cất vào tủ và quên hẳn nó, hoặc nếu có phải lựa chọn sách để đọc, tôi tránh nó sang một bên.

Khoảng những năm mười hai, mười ba tuổi, tôi khát truyện. Bao nhiêu sách trong nhà không đủ cho tôi, tôi đã từng phải mở tự điển ra đọc, say mê Petite Larousse với các trang in hình màu các loại nấm độc, rồi hình các loại hoa mà tôi nhận ra được vài thứ. Tôi mò đến đống sách y khoa thì chỉ biết nhìn hình, sau cùng tôi vớ luôn cuốn Kinh Thánh không biết tại sao có ở trong nhà, đọc một mạch, thắc mắc chỗ này chỗ nọ, nhưng chẳng phải đạo của mình, tôi cho qua. Và rồi một hôm tay tôi chạm đến cuốn Cậu Hoàng Con. Tôi lôi nó ra khỏi giá sách và mở ra xem.

Lần này bức hình vẽ con trăn đang tiêu hóa một con voi làm không làm cho tôi chê ỏng chê eo nữa mà tôi thật sự buồn cười. Tại sao không ai nhìn ra có cái gì bên trong bụng con trăn, phải đợi đến khi tác giả vẽ huỵch toẹt một con voi đang đứng lừng lững và đặt tên là “trăn đóng” “trăn mở” cho hai bức hình của mình thì mới ồ à lên? Tôi chấp nhận ba ngọn núi lửa của Cậu Hoàng Con một cách dễ dàng hơn, nhưng vẫn không hiểu nổi tại sao cậu lại phải cố chiều Đóa Hoa Hồng đỏng đảnh ương ngạnh của cậu, phải tay tôi, tôi đã nhổ béng cô nàng lên từ đời nào. Tôi không hiểu điều này cho lắm chỉ vì lúc đó tôi chưa hề bỏ nhiều thời gian của mình cho bất cứ một ai, bất cứ cái gì để nó hoặc họ trở nên vô cùng quan trọng đối với tôi, để cho mỗi khi đi xa, tôi băn khoăn không biết nó hay họ đang vui hay buồn, rồi lòng quay quắt mãi khôn nguôi. Cũng như chính tác giả thú nhận, tôi không hiểu làm sao một người có thể sống trong sa mạc chỉ với một chút nước và một chút mặt trời, riêng đối với một cậu bé mỏng manh như thế, chuyện đó lại càng không tưởng. Tôi đã vui thích hơn khi biết  cậu du hành từ hành tinh này sang hành tinh khác cùng với đàn chim di. Chuyện cậu bay theo đàn chim nghe thật thú vị và chính cậu đã nhận xét “Với cái máy bay ấy, nó chẳng mang mình đi đâu xa được”. Tôi đã phì cười khi cậu bảo hình con cừu được vẽ hẳn hoi trông già quá, cậu cần một con khác nhỏ hơn, và cậu hả hê với hình cái hộp có ba cái lỗ, cậu nhìn vào bảo đó chính là con cừu cậu muốn và nó đang ngủ. Óc tưởng tượng của tôi tốt hơn lần trước, tôi đã có thể thấy được con cừu của cậu nằm ngoan ngoãn trong ấy. Lần này tôi đã đọc đến trang chót của quyển sách, nhưng tôi ấm ức mãi vì đoạn cuối khi cậu gặp Con Rắn. Cậu đến trái đất này bằng đàn chim trời, tại sao cậu không thể trở về hành tinh của cậu cùng với những con chim đó? Tại sao lại để con rắn tuy làm cậu sợ nhưng cậu vẫn phải chọn nó để nó đưa cậu về với đóa hoa hồng của cậu? Tôi bất mãn với Exupéry. Tôi không chấp nhận cậu đã để cho con rắn cắn. Truyện cho con nít gì mà buồn thảm quá…Thế rồi tôi lại xếp quyển sách cất vào trong tủ. Tôi vẫn chưa cảm được hết vẻ đẹp của Cậu Hoàng Con. Tôi vẫn chưa hiểu thấu đáo làm sao nhìn thấy những chùm sao và nghe chúng cười.  
Lần đọc tiếp theo, tôi đã lớn hơn, hiểu biết nhiều hơn. Tôi đã biết Cậu Hoàng Con muốn nói gì khi cậu luôn bảo “Người lớn thật là kỳ cục!” Đã là người lớn theo một ý nghĩa nào đó, tôi thông cảm với cậu khi trên trái đất này có những loại người mà thế giới của trẻ em không dễ dàng chấp nhận được. Thế giới người lớn với những mâu thuẫn luẩn quẩn của nó mà một đứa trẻ như cậu không tài nào hiểu nổi, những người không thèm đi làm nên chán đời rồi lại chán đời vì không đi làm, cũng như vì chán đời nên uống rượu, rượu vào lại chán đời!  Hay những người chỉ thích nghe người khác xưng tụng mình, những người chỉ tuân theo lề lối của điều lệnh mà không hề thắc mắc tại sao phải làm như vậy. Cậu lạc lối trong cái vòng tròn không lối thoát ấy, rồi thốt lên “Người lớn thật lạ lùng!”. Cậu đã đi qua biết bao nhiêu hành tinh và một hôm cậu đến trái đất. Cậu đã gặp cả một vườn hoa hồng nhưng không tìm thấy đóa hoa của riêng mình, cậu nằm xuống cỏ và khóc.
Cho đến một hôm cậu gặp con chồn:
Đời tớ tẻ nhạt. Tớ săn gà, người săn tớ. Tất cả loài gà đều giống nhau, và tất cả loài người đều giống nhau. Vì thế, tớ hơi chán. Nhưng nếu cậu cảm hóa tớ, coi như cậu đã chiếu sáng đời tớ. Tớ sẽ nhận ra một bước chân khác hẳn mọi bước chân khác. Các bước chân khác sẽ làm cho tớ chui ngay xuống đất. Nhưng bước chân của cậu lại sẽ gọi tớ từ hang chạy ra, như là một điệu nhạc. Và cậu hãy nhìn kia! Cậu thấy không, ở kia, những đồng lúa mì ấy? Tớ không ăn bánh mì. Lúa mì đối với tớ là vô dụng. Các cánh đồng lúa mì đối với tớ chẳng có gì gợi nhớ cả. Cái đó buồn lắm. Nhưng cậu có mái tóc màu vàng kim. Thế thì sẽ rất tuyệt một khi cậu cảm hoá tớ! Màu vàng kim lúa mì sẽ gợi cho tớ kỷ niệm về cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió reo trong lúa mì...”

Đến lúc cậu phải chia tay với con chồn, cậu bảo: “Mình chẳng muốn làm cậu khóc! Cậu chẳng được gì cả!” Con chồn đáp “Có chứ, màu vàng của lúa mì ấy!”
Mẩu đối thoại tuyệt vời này đã đi theo tôi qua biết bao nhiêu năm tháng, đến tận bây giờ, thi vị như một bài thơ. Và từ đó tôi biết Cậu Hoàng Con là một trong những cuốn sách yêu thích nhất của tôi. Khi con tôi lên mười, tôi mua cuốn sách cho thằng nhỏ đọc. Sau một buổi chiều, nó đưa sách trả lại tôi rồi nói  “Truyện này hơi lạ nhưng mà hay.”  

Cuối hè vừa rồi, nó dọn phòng gọn gàng sạch sẽ đi vào ký túc xá. Nó lựa những quyển sách không đọc để sang một bên cho tôi đem tặng thư viện, cầm cuốn The Little Prince lên, nó bảo tôi “Mẹ giữ lại cuốn này cho con”. Tôi không nói gì, tôi mong con mình cảm được cuốn sách như tôi đã từng. Và khi nó lớn lên, tôi muốn nó hiểu ít nhất một điều khuyên mà cuốn sách mang lại cho đời sống thực sự của mỗi người:  “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Điều cốt yếu vô hình với con mắt”.

Bao nhiêu triết học lớn nhỏ trên đời, theo tôi, đã gói gọn ghẽ trong cuốn sách này, một cách đơn giản nhất, tinh tế nhất. Người đọc sẽ lôi ra được vô khối những điều đương nhiên trước mắt nhưng chẳng ai thấy. Chẳng đi đâu cho xa, hiểu được câu chuyện cảm hóa giữa cậu bé với con chồn đã đủ làm cho tâm hồn người ta cao đẹp đến thế nào. Tình  yêu của cậu với đóa hoa hồng như một ánh sao thắp sáng cho đời sống hàng ngày tưởng như vô vị. Như cậu triết lý “Mọi cái cây xấu hay tốt đều bắt đầu bằng một hạt mầm”. Và cậu chăm chỉ thu dọn hành tinh của cậu để bọn bao bắp không lấn chiếm. Cậu bảo “Đó là một việc làm chán lắm, nhưng mà thật dễ”. Cậu sợ nếu sao lãng, bọn bao bắp sẽ làm nổ tung hành tinh của cậu. Cứ thử ngẫm nghĩ mà xem, trong đời sống hàng ngày của mình, nếu sơ sảy một tí, mình sẽ bị nổ tanh bành vì một hạt mầm xấu đã không được nhổ ngay tắp lự!

Và như cậu, tôi đã có đóa hoa hồng riêng của chính tôi, để rồi quay quắt, để rồi lo lắng, để rồi nhớ nhung. Để cho đóa hoa trở thành quan trọng khi tôi đã bỏ không biết bao nhiêu thời gian cho nó. Để cho đóa hoa thành độc nhất vô nhị. Để cho giữa một vườn hồng ngát hương, tôi buông tiếng thở dài không tìm được đóa hoa của mình, như Cậu Hoàng Con. Tôi tin rằng trong mỗi người chúng ta, ai cũng có riêng một đóa hoa của mình nếu có một lúc nào đó trong đời, mình đã bỏ công sức, thời gian chăm chút nó, làm cho nó trở thành quan trọng và độc nhất vô nhị.

Cuối tuần rồi tôi lái xe một mình năm tiếng xuống Houston, nghe theo tiếng gọi của vở Opera The Little Prince. Nghĩ đến đoạn đường cộng với cái project mới toanh, tôi đã muốn bỏ cuộc, nhưng rồi tôi vẫn quyết chí ra đi trong khi những người quanh tôi bảo tôi có điên không. Hơn hai tiếng với Cậu Hoàng Con thật không uổng phí. Tôi lái xe về lại Fort Worth, highway 45 ùn tắc xe cộ, trời đã nhập nhoạng tối, nhưng tim tôi vẫn còn bồi hồi khi nghe cậu thủ thỉ “Tôi không mang nổi cái thân xác này. Nặng lắm” Rồi cậu nói tiếp “Nhưng nó cũng sẽ chỉ như một cái vỏ bỏ lại mà thôi. Những cái vỏ thì có gì đáng buồn…”. Lần này tôi không cãi với Exupéry nữa. Đoạn kết của ông quá tuyệt vời!  Đúng thế, cần gì phải than khóc những cái vỏ, những thứ bên trong cái vỏ ấy mới là điều đáng kể, những thứ không nhìn thấy qua cái vỏ ấy mới làm mình thổn thức. Và nếu mình yêu chúng thì chúng đã ở trong tim mình rồi.

Cậu về lại hành tinh của cậu và để lại muôn vàn tiếng cười như chuông của cậu, làm cho mỗi vì sao ngân nga vì tiếng cười của cậu.

“ - Mọi người có những ngôi sao không của ai giống ai. Đối với một số ưa thích đi xa, các ngôi sao là những kẻ dẫn đường. Đối với số khác, chúng chỉ là những đốm sáng nhỏ. Đối với những nhà bác học, chúng là những bài toán. Đối với nhà doanh nghiệp, chúng là vàng. Nhưng tất cả loại ngôi sao ấy đều câm lặng. Ông, ông sẽ có những ngôi sao trước đây không ai có...

-       Em muốn nói sao?

-       Khi ông nhìn trời, ban đêm, bởi vì ở một trong những ngôi sao đó có tôi ở, bởi vì tôi cười trên một trong những ngôi sao đó, cho nên đối với ông tưởng chừng như tất cả các ngôi sao đều cười. Ông, ông sẽ có được những ngôi sao biết cười.

Rồi cậu lại cười nữa.
- Xem như tôi đã tặng ông, thay vì những ngôi sao, hàng đống những cái chuông nhỏ biết cười...”

Thỉnh thoảng tôi nhìn lên trời đêm và tôi đã thấy khi một ngôi sao cười sẽ như thế nào.Bởi vì tôi biết những người thân yêu của tôi, những người đã để cái vỏ bọc nặng nề ở lại, đang ở trên các ngôi sao đó, làm cho chúng lấp lánh và ngân nga.

Những khi có dịp ngắm hoàng hôn, tôi thường nhớ Cậu Hoàng Con đã từng bảo mỗi khi cậu buồn cậu đều bắc ghế ngồi ngắm mặt trời lặn, có hôm cậu nhìn tới 43 lần. Ngày hôm đó hẳn là cậu rất buồn. Trong chuyến du hành của mình, có lần cậu tiếc không được ở cùng hành tinh với người Thắp Đèn, là vì nó có đến một nghìn bốn trăm bốn mươi lần mặt trời lặn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ! Nhưng mà nó bé quá, không đủ chỗ cho hai người. Cậu tiếc nuối ra đi và rồi cậu trèo lên ngọn núi cao ngất, la lớn “Tôi cô đơn quá!”. Đó là trước khi cậu gặp con chồn, hay trước khi cậu được đưa tới giếng nước với cái ròng rọc kêu róc rách. Hay nói cách khác, trước khi cậu tìm được một người bạn.

Riêng tôi, có đôi lúc tôi ước gì mình có thể được ngắm hoàng hôn 43 lần trong một ngày. Như Cậu Hoàng Con. Vào cái hôm Ba rồi Má mất…

Cám ơn Exupéry vì đã để lại một tác phẩm đi theo tôi từ hồi còn nhỏ đến tận bây giờ. Để lại cho tôi những dòng chữ mà mỗi khi đọc đến, tim tôi vẫn thổn thức:
“Cảnh ấy đối với tôi, là cảnh đẹp nhất và buồn nhất trên thế gian. Nó cũng là cái cảnh ở trang trước, nhưng tôi đã vẽ một lần nữa để bạn nhìn rõ hơn. Chính tại nơi đây cậu hoàng con đã xuất hiện trên Trái Đất, rồi lại biến đi.
Hãy nhìn chăm chú cảnh này cho đến khi bạn chắc chắn rằng bạn có thể nhận ra nó, nếu ngày kia bạn du hành sang châu Phi, trong sa mạc. Và nếu bạn tình cờ đi ngang qua đó, tôi xin bạn, xin bạn đừng vội, hãy nán lại một chút ngay dưới ngôi sao! Nếu bấy giờ có một đứa bé đến bên bạn, nếu cậu cười, nếu cậu có mái tóc vàng óng, nếu cậu không trả lời khi người ta hỏi, bạn sẽ đoán ra đấy là ai. Bấy giờ bạn hãy thương tôi! Đừng để tôi buồn quá thế này: hãy viết thư cho tôi báo rằng cậu đã trở lại…”

 


Lan Hương

Fort Worth 12/18/2015

Thursday, December 17, 2015

Dementia - Nữ thần Lãng Quên

Trí nhớ cứ chuội dần trong đầu óc của bà. Bà ngập ngừng rồi cáu gắt tìm từ ngữ  để nói, một cách khổ sở, tuyệt vọng. Mất cả vài phút để bà lập bập tìm đúng tên người, tên đường. Thường thì bà chịu thua, riêng tôi ráng đoán xem bà đang nói đến ai, đến chỗ nào, gợi ý dăm bảy cái tên, cái nào bà cũng lắc đầu quầy quậy, không phải, không phải. Chủ nhật vừa rồi đến thăm tôi, có mỗi một câu chuyện gia đình chồng bà có năm ông con trai, không mống con gái nào mà bà nhắc đi nhắc lại khoảng 4, 5 lần trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Đã được ông chồng báo trước, tôi ngồi yên lắng nghe bà nói và thấy buồn khôn tả.

Dementia trong truyện cổ Hy Lạp là vị nữ thần nanh ác, nàng hà hơi thổi nhẹ vào mặt người đối diện một màn sương khói mỏng làm nạn nhân lơ mơ và chìm đắm trong giấc ngủ. Thế rồi nàng bắt đầu nhẩn nha cắp trí nhớ của họ, dần dần, từng tí một. Để làm gì thì không thấy nói, nhưng nàng cứ lượn lờ, vo ve quanh người bệnh, lẳng lặng lấy đi một mảnh trí nhớ ở đây, ở kia, thong thả, từ tốn, ngày này sang ngày khác. Người bệnh ngày hôm trước minh mẫn, ngày hôm sau tìm một từ đơn giản để nói cũng không ra. Những từ ngữ dần dần biến mất. Những hình ảnh dần dần biến mất. Những sự kiện dần dần biến mất. Những khuôn mặt thân quen dần dần biến mất. Nàng quyết tâm xóa sạch trí nhớ của nạn nhân, nhưng thường thì người bệnh sẽ chết trước khi bộ não của mình được nàng vét váy sạch sẽ. Nàng Dementia kiều diễm có thể đến với bất kỳ một ai, bất cứ lúc nào, không một lời thông báo trước. Nhất là những cụ tuổi tác đã cao, hay lơ đễnh, không phòng ngừa, Dementia càng thích đến thăm viếng thường xuyên hơn. Ăn hiếp kẻ già yếu thất thế là ngón đòn chí tử của nàng. Vì thế đôi khi chợt thấy mình quấn lưỡi không tìm ra một từ, đầu óc bỗng chốc trống toác, phải ngoái ra sau xem nàng Dementia có đứng sau lưng cười ruồi hay không.

Nhớ cách đây vài năm, bà hốt hoảng bảo tôi “Bác sĩ bảo mẹ tôi bị bệnh mất trí nhớ, bây giờ bà ấy cứ lãng đãng, chẳng nhớ chẳng quên. Tôi đến khổ với bà. Thuốc đau tim hoặc uống quá liều hoặc không uống viên nào vì bà chẳng nhớ. Bữa ăn cũng vậy, lúc có lúc không. Rồi thì gọi điện thoại cho tôi kể toàn những chuyện xảy ra cách đây mấy chục năm trong khi chuyện vừa mới hôm qua thôi đã chẳng nhớ gì. Tôi đành phải đưa bà vào viện dưỡng lão. Mẹ tôi không thích, khóc lóc đòi ở với tôi nhưng tôi làm sao chăm sóc được bà đây? Tám tiếng một ngày, năm ngày một tuần, tôi đi làm việc như thế thì ngay cả đến bản thân tôi tôi cũng không lo được nữa là. Tôi chỉ lạy trời cho mình không bao giờ mắc phải căn bệnh này…” Mẹ của bà đã mất cách đây hai năm và lời cầu nguyện của bà xem ra không linh ứng vì nữ thần Dementia đã thổi một màn sương vào mặt bà mất rồi.

Cách đây khoảng mười năm bà còn sắc sảo lắm. Chuyện trời ơi đất hỡi trong sở tôi biết được toàn là từ do bà quan sát, hỏi han mà ra. Những chuyện ngồi lê đôi mách, ai ly dị ai, ai mới làm đám hỏi, ai mới sinh con, bà hăm hở nghe ngóng, từ tầng trên xuống tầng dưới, từ khu Kế Toán, ra khu Tài Chánh, đổi sang đám Nhân Sự, đảo sang bọn IT rồi bà hí hửng kể lại cho tôi. Nhất là khi nào có người bị cho thôi việc, bà bao giờ cũng nhấc điện thoại gọi cho tôi thông báo mặc dù chỉ dăm phút nữa chúng tôi sẽ ngồi chung xe đi về nhà. Tôi với bà đi xe chung với nhau hơn mười năm trời. Thỉnh thoảng tôi phải tự thán phục tính kiên nhẫn của mình. Nếu đến phiên tôi lái, quãng đường đi về chỉ khoảng 30 phút, kể cả kẹt xe. Nhưng tuần nào bà lái, chúng tôi phải mất đến 45 phút mới tới nơi. Vì tính bà vốn chậm chạp, từ tốn, chẳng đi đâu mà vội. Chưa kể, nếu vừa lái xe vừa nói chuyện, bà sẽ tự dưng lái chậm hẳn, mặc cho xe đàng sau bực tức vượt qua, tài xế liếc xéo muốn đứt con mắt, có đứa hung hăng hơn, còn tặng luôn cho một hồi kèn. Bà tỉnh bơ như không, bảo, tại sao nhân tình lại phải vội vàng đến thế để làm gì? Những hôm muốn về nhà sớm, tôi phải tự ngậm chặt miệng mình lại, không nói với bà một câu để cho bà chú tâm lái xe nhanh hơn. Hôm nào tôi lái, bà ngồi bên cạnh huyên thuyên bất tận với đủ mọi chuyện, như chim hót. Nhờ thế đường về có phần đỡ chán, đỡ dài. Có hôm câu chuyện vui quá, đến nhà rồi mà bà không xuống ngay, ngồi rán trên xe kể nốt mẩu chuyện rồi bà mới từ tốn mở cửa bước ra, đủng đỉnh, không vội chút nào.

Đi xe chung với bà, tôi biết tường tận gia đình bà, gia đình chồng bà. Một hôm bà buột miệng nói “Đến giờ phút này nó không tự tử mới là điều lạ!” Tôi đang mơ màng nhìn trời nhìn đất, vội giật mình vì nghe thấy có mùi chết chóc đâu đây. Thì ra hai vợ chồng có đứa con gái bị bệnh tự kỷ ám thị hay là tâm thần phân liệt gì đó. Nó đã học xong đại học, đã đi làm được mấy năm thì bỗng nhiên một hôm nó bỏ việc, tự ý về nhà ngồi chơi xơi nước. Nó bảo những người làm chung với nó toàn quân ác độc, ai cũng nhìn nó với đôi mắt hằm hằm, thiếu điều ăn tươi nuốt sống nó. Ông bà linh cảm có điều gì không đúng ở đây nhưng thôi kệ con, vì lúc ấy nó cũng đã hơn 25 tuổi rồi. Một hôm, nửa đêm nó đánh thức cả nhà dậy, bảo, sao nhà này nhìn đâu cũng thấy quỷ dữ và nó bắt đầu gào thét không ngừng. Nó nhìn ông bà như nhìn thấy ma, nó bảo nó thấy những bóng đen lượn lờ chung quanh mọi người, và những cái bóng đó nói chuyện với nó không ngớt làm đầu nó nhức nhối vô cùng. Ông bà thương nó không đem con vào những cơ sở tâm thần mà quyết tâm giữ nó bên mình, họ hy vọng với tình thương của cha mẹ, tình trạng của nó sẽ khấm khá hơn. Cho đến giờ phút này, bệnh tình nó không hề thuyên giảm mà trái lại, nó càng ngày càng lánh xa mọi người. Chỉ vì thuốc uống vào trị bệnh tâm thần lại làm cho nó tăng ký không ngừng. Thấy nó khệnh khạng đi trong nhà như một con voi, tôi lấy làm ái ngại giùm và cũng hiểu tại sao nó không muốn ló mặt ra ngoài đường. Bà kể một hôm nó liều mình đi  bộ ra cái park gần nhà. Được đúng 15 phút nó quay về, mặt đỏ gay, nước mắt nước mũi như mưa. Nó bảo nó gặp một lũ trẻ, vừa trông thấy nó, đám con nít ranh hỗn láo rú lên “Ô chào, Mập ơi!” Rồi có ra phố đi đây đi kia, người ta hay liếc nhìn nó, nửa kín đáo nửa tò mò nửa thương hại. Nó không chịu nổi những ánh nhìn ấy, thế là nó bế quan tỏa cảng, không ra khỏi nhà nữa. Ông bà loay hoay với nó suốt bao năm nay, buồn vui với tâm tính bất bình thường của con. Những lúc vui vẻ bà trả lời khi tôi hỏi thăm nó “Ồ, nó đã khá lắm rồi. Nó sụt được chừng này cân và nó bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm việc làm bán thời gian rồi đó”. Được dăm bữa, bà nói với tôi như khóc “Chẳng biết phải làm gì với nó! Thuốc không chịu uống vì sợ mập. Mà không uống thuốc thì nửa đêm cứ đi lang thang trong nhà, không dám ngủ vì hễ chợp mắt là những tiếng nói xa lạ cứ ào ào trong tai. Mà nghĩ xem, tôi đã chừng này tuổi, ông nhà tôi chừng này tuổi, chúng tôi làm sao mà chăm sóc được nó mãi? Hôm nọ nửa đêm nó vùng dậy lái xe đi lung tung, may mà chồng tôi đã kịp cài cái GPS vào xe để theo dõi nó. Nó lái khoảng 2 tiếng đồng hồ thì gọi về nhà khóc lóc, bảo không biết đang ở đâu, chốn nào. Tôi đi đón nó mà đứt từng khúc ruột vì thương con mà chẳng làm gì được. Thôi cũng may nó không tông ai, chứ nghĩ đến chuyện đó tôi lại lạnh cả người!”

 Ông nghỉ hưu sớm trước bà cả năm sáu năm. Ông cũng là dân ngồi dán mắt vào computer suốt ngày như tôi, cặm cụi với programs, với software suốt cả đời. Một hôm ông chợt thấy mình chẳng hiểu đám trẻ chung quanh đang nói cái gì trong buổi họp nhóm, ông nghe mà ong ong trong đầu những thuật ngữ mới mẻ. Tất cả những gì ông có thể làm cho hãng là kinh nghiệm 30 năm trời làm việc của ông, chứ còn nói đến chuyện kỹ thuật, ông lạc lối, chẳng biết mô tê gì. Ông biết mình đã đến lúc thoái trào nhường ngôi cho bọn trẻ. Ông nghỉ ở nhà cũng muốn bà ở nhà để hai vợ chồng bắt đầu những chuyến giang hồ đây đó trên cái xe camper của họ. Niềm mơ ước này mãi đến năm vừa rồi họ mới thực hiện được vì bà không dám nghỉ hưu sớm. Ngày nào đi làm với tôi bà cũng tính còn bao nhiêu năm, nhiêu tháng nhiêu ngày bà có thể ở nhà. Tôi bảo “Thì bà cứ nghỉ quách đi, ít tiền ít tiêu”. Nhưng bà không dám vì đứa con gái út. Bà bảo “Tôi ráng làm để dành dụm tí nào hay tí đó cho nó. Mai mốt chúng tôi nằm xuống, nó chẳng trông mong gì được ai. Con chị nó có gia đình với ba đứa con, còn lâu nó mới chăm sóc nổi em nó. Mà chị em nó cứ ba bảy hăm mốt ngày, cãi nhau như quạ! Tôi làm di chúc để phần lớn lại cho con út. Tội nghiệp nó. Giá nó bình thường như người khác, có chồng có con thì tôi đỡ lo biết bao nhiêu”. Bà đi làm, lưng còng gập xuống, lê bước lên xuống những bậc thang, tôi thấy mà ảo não thay! Tôi cũng mong đứa con gái thấy cảnh mẹ nó chống gậy bước từng bước lên bậc tam cấp để mà tự thức tỉnh, tự bước ra khỏi cõi u mê của chính mình cho mẹ mình đỡ khổ. Nhưng tôi biết thừa nó nhìn ai cũng ra thành quỷ dữ có đâu nhìn thấy dáng mẹ mình lom khom, thở hổn hển muốn ngất mỗi khi phải làm việc gì nặng nhọc.

Bà còn là một tay làm bánh tuyệt vời! Cả sở nghe nói bà mang bánh tới thì nháo nhào tranh nhau xuống phòng ăn lấy bằng được một miếng bánh của bà. Bà kể với tôi bà bắt đầu làm bánh từ khi còn trẻ, mới đầu là một cái bánh sinh nhật, sau đó làm bánh đám cưới. Bạn bè gần xa trong cái thành phố năm ngàn dân Topeka ở Kansas xếp hàng đặt bánh của bà.  Sau này thêm ông khéo tay, giúp bà trang trí bánh nên bánh của bà rất đặc biệt, có một không hai. Bà say mê với nghề làm bánh, vừa làm lấy công vừa làm để ăn, vừa là một thú vui. Một hôm bà chợt nghĩ cô con gái lên cân đều đặn có thể là  tại vì những ổ bánh thơm nức mũi nhưng đầy đường đầy bơ của bà. Bà quyết định dẹp hết, không bánh không trái, không mùi quyến rũ thì chẳng thể đổ hô tại những ổ bánh vàng ươm của bà góp phần làm con mình tăng ký. Chỉ trong hai ngày cuối tuần, bà đem tất tần tật các khuôn bánh, máy đánh trứng, các đồ nặn kem, bắt bông bắt hoa đi cho sạch. Vậy mà chỉ trước đó một tháng, bà nói với tôi dự định sẽ mở tiệm bánh tại nhà. Bà vẽ vời cho tôi thấy phòng nào trong nhà sẽ biến thành phòng làm bánh của bà, phòng nào sẽ để cái tủ lạnh, rồi phải mua cái lò nướng lớn hơn một tí ra sao! Nghe tin bà dẹp tiệm bánh từ trong trứng nước, tôi chưng hửng. Trong sở có vài người đặt bà làm bánh sinh nhật, bà gọi điện thoại từ chối hết, quyết chí không đụng đến đường đến bơ nữa. Tôi biết bà buồn lắm nhưng vì con, bà hy sinh thú vui đã từng có từ khi bà chỉ là một thiếu nữ mười tám tuổi tập tễnh làm bánh sinh nhật cho đứa cháu mình.

Một hôm đang ngồi làm việc, tôi nhận được tin nhắn của ông báo tin “Vicki vừa được bác sĩ báo cho bà ấy biết rằng bà ấy bắt đầu triệu chứng của bệnh Dementia. Xin mọi người thông cảm cho Vicki nếu bà ấy không nhớ câu hỏi hay câu trả lời. Bà ấy chỉ không nhớ, thế thôi”.  Vây là nữ thần lãng quên đã đến gõ cửa vào bộ nhớ của bà mất rồi. Tôi không tin, liền gọi điện thoại cho bà thì y như rằng bà lập đi lập lại một câu hỏi cả chục lần với tôi vì bà không nhớ nổi câu trả lời. Bà khiến tôi nhớ đến Má. Dạo sau này có mỗi chuyện ông con rể mất việc mà Má tôi cứ hỏi đi hỏi lại, mỗi khi gọi điện cho Má, Má thể nào cũng hỏi tôi thế nó đã có việc khác chưa rồi chép miệng “Rõ khổ, không công ăn việc làm thì sao đây” mặc cho tôi giải thích với Má khản hơi là ông ấy đã có việc và đã kịp đổi việc đến ba bảy bận rồi. Sau cùng tôi chọn giải pháp làm lơ, hễ Má hỏi đến thì tôi trả lời, không còn cố tìm cách làm bà nhớ lại rằng chuyện thất nghiệp đã qua từ mười đời tám hoánh nào rồi.

Vicki nói cho tôi nghe là do máu không lên đều trên não gây ra một số tế bào óc bị chết chứ chẳng có nữ thần nào lấy cắp cái gì cả. Tôi nghe xong liền muốn nằm chóc đầu xuống đất để bảo đảm cho máu có xuống óc đàng hoàng, định luật hấp dẫn của trái đất sẽ làm cho các dòng máu phải chảy khắp não một cách ép buộc như thế chứ. Tôi bảo bà như thế thì bà cười phì, nói “Mập như tôi bây giờ mà chúc đầu xuống thì chỉ có té bổ chỏng. Thôi để tôi uống thuốc đi vậy. Mà bác sĩ có nói thuốc chỉ làm chậm sự phát triển của Dementia chứ không chữa được nó. Thế nhé, ngày nào còn nhớ tên nhau thì biết ngày ấy”. Bà nói thêm “Tại vì mấy viên thuốc đó mà tôi đành phải từ bỏ rượu trắng, rượu đỏ, không margarita, không champagne gì sốt. Không được một giọt cồn nào vào người đấy”.  Trước kia hàng ngày đi làm về, bà thường chiêu cho mình một ly vang đỏ trước bữa ăn. Ngày weekend, bà làm luôn nửa chai rượu champagne quãng 3 giờ chiều. Bây giờ ngay cả nguồn vui đó cũng bị tước đoạt, thấy bà cười nói vui vẻ bên ly nước lạnh trong veo, tôi biết đó là cả một sự cố gắng phi thường,

Ông bà đang tính bán nhà dọn về Oregon, nơi gia đình đứa con gái lớn đang ở. Bà rất đỗi phấn khích trước viễn cảnh được quanh quẩn gần ba đứa cháu ngoại. Riiêng ông nói lén sau lưng bà “Tôi sợ một ngày kia mình đi trước, không ai chăm sóc Vicki. Mà trí nhớ mờ mờ ảo ảo thế kia, làm sao bà tự lo thân được. Chúng tôi dọn về ở gần con gái, hy vọng có chuyện gì, nó chăm sóc được cho mẹ nó”. Tôi bất giác thở dài. Cả ông cả bà thi nhau đi bác sĩ, thi nhau vào nhà thương, hóa đơn dành cho bệnh tật dài như sớ táo quân. Như bà kể, có bao nhiêu tiền để dành đều lũ lượt nộp hết cho bảo hiểm sức khỏe với lại thuốc men. Bà kể cho tôi một cách tự hào rằng trong đời bà, bà đã vào phòng mổ đến những chín lần. Lần nào bà cũng ước nếu có chết thì chết như thế này: nằm trên bàn mổ, được một mũi thuốc mê, thế là không biết trời trăng đất nước gì nữa! Ông cũng cạnh tranh ráo riết với bà. Lần mổ bao tử cách đây hai năm gần như lấy hết sinh khí của ông. Ông phải đi khâu bao tử nhỏ lại vì trọng lượng ngày càng tăng của ông bắt đầu ảnh hưởng đến tim mạch. Sau đó ông gầy xọp vì ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, vì bao tử không tiêu hóa được món này món nọ. Tôi làm bánh tráng cuốn thịt bò nướng vỉ, ông hân hoan chén 3 cái, bảo rằng ít khi nào ông được ăn ngon và nhiều như vậy. Riêng bà  ngồi trước ba món nước chấm khác nhau, bắt đầu lẩn thẩn. Tôi cũng tự giận mình vô ý, biết bà như thế mà còn đi đánh đố bà với sốt tương đen chấm thịt bò nướng vỉ, nước mắm chấm cho chả giò và xì dầu cho món sushi. Tôi dặn lòng lần sau đãi họ, cứ một món một nước sốt cho đơn giản, đừng làm khổ trí nhớ của mình lẫn của khách.

Tôi với bà đã làm bạn với nhau từ lâu. Bây giờ chính mắt nhìn thấy bà lơ ngơ, quên trước quên sau, đánh vật với ngôn từ, tôi buồn mà chẳng biết làm gì được ngoại trừ nếu bà có kể cho tôi nghe một câu chuyện khoảng năm lần trong nửa tiếng, tôi cũng vẫn điềm tĩnh chú tâm lắng nghe, nếu bà có mất đến năm phút để tìm ra được chữ “cream cheese” cho món bánh lừng danh của bà, tôi sẽ kiên nhẫn chờ. Vì tôi biết, một ngày kia, bà sẽ không còn nhớ tôi là ai để kể chuyện cho tôi nghe nữa. Và tôi cũng sợ, một ngày kia, bà chẳng còn nhớ chuyện gì để mà kể. Cho bất kỳ ai.

Ôi Dementia, sao nàng tàn nhẫn đến vậy!

Lan Hương

Fort Worth 12/17/2015

 

Wednesday, November 25, 2015

Chim quay về tổ (Hương Quỳ)

Đến thăm những người bạn hoặc người nhà , hình ảnh ghi đậm trong trí tôi là những căn phòng của con cái lớn tung cánh  bay xa, để lại trong căn nhà bố mẹ xưa kia chắc ồn ào tiếng động và những sinh hoạt của chúng nó suốt thời gian chưa trưởng thành  những "bảo tàng" đầy những hình ảnh hoặc những dụng cụ lủ khủ chúng bỏ lại không mang theo đến nơi chốn mới của chúng.
 Còn  không, phòng được thu dọn lại gọn gàng để biến thành nơi cho người quen đến tạm trú. 
Căn phòng của con trai đứa bạn đầu tiên gặp, không còn dấu vết gì, kể cả một tấm hình, những đồ đạc nó để lại , Mẹ nó chất hết xuống gầm giường, khuất mắt , như nỗi giận hờn cho đứa con duy nhất rời khỏi nhà rất ít thích quay trở về thăm lại nơi chốn xưa , lúc nào cũng bận lắm , không còn thì giờ để ở với bố mẹ đến vài ngày trong những dịp nghỉ , nó cho phép bố mẹ được đến thăm nó , đã là một hạnh phúc lớn cho vợ chồng bạn của tôi. 
Căn nhà thứ hai của người bạn khác, cả một tầng lầu trên để trống. Những đồ đạc trang hoàng cho dịp lễ Giáng Sinh từ cả bao nhiêu tháng trước vẫn ngập ngừng dừng lại ở tay nắm lên bậc thang cuối lên tầng trên, không cần phải dấn lên thêm một tí, vì có ai ở trên đó để mà nhìn ngắm . Phòng con trai biến thành xưởng may vá và sản xuất nữ trang cho qua những thì giờ trống trải , không còn đến cả một tấm hình , cũng là nỗi giận ngấm ngầm đứa con vốn ít lời với bố mẹ , không thích chụp hình trước ống kính của ông bố say mê nghề nhiếp ảnh , và cũng đi xa hiếm khi quay về nhà . Phòng cô con gái , còn lại những tấm hình chụp từ những năm tốt nghiệp trung học , tươi tắn bên những người bạn trai nhân những dịp lễ ra trường khác nhau . Mẹ nó thở dài , đúng là điềm báo trước , nó thay bạn trai như thay áo , mãi đến giờ đã ngoài 30 , vẵn chưa gặp được người ưng ý. Nép trong góc kệ sách , một con búp bê , một con thú nhồi bông thuở nhỏ. Mẹ nó chắc vẫn nhìn vào đó , để nhớ lại thuở còn bé , con mang mãi bên cạnh mình như những người bạn thân không rời một bước.
Nhà người bạn khác, đến ngay lúc nó đang chuẩn bị bán nhà, tìm kiếm một căn nhà khác nhỏ hơn cho tuổi về hưu của hai vợ chồng. Nó hốt không tiếc tay những huy chương, cúp lớn cúp bé nhờ những thành tích thể thao của con cái năm xưa cho vào một thùng carton lớn , bảo , để đi cho. Tôi hỏi , cho ai , và không muốn giữ lại làm kỷ niệm sao , và không nhớ những thời giờ sít sao của bố mẹ tính toán chở chúng nó đi học , đi tham dự đấu thể thao , và những ngày nghỉ hiếm hoi bên cạnh chuyện chợ búa , còn sẵn sàng ngồi hết cả buổi cổ vũ reo hò cho con lên tinh thần để đến điểm cần đến. Nó thở dài , mình nhớ làm gì trong khi chúng nó đã quên hết sạch, đời chúng , bây giờ là những cái đích khác nhắm đến , một mình , bố mẹ đứng qua bên lề không được hỏi đến cả một lời cố vấn , quăng hết đi cho khỏi tiếc thì giờ bỏ ra cho chúng ! Tôi  chỉ còn biết im lặng vì chợt nhớ đến con của chính mình , với những lần tham dự thể thao,đem những huân chương mình đạt được về treo vớ vẩn trong phòng của ... bố mẹ , ra riêng không cầm theo, cứ như muốn giũ bỏ một đoạn đời !
Đến nhà những đứa em  , nhớ xưa kia, con cái quấn vào nhau đánh đấm vừa thật vừa đùa , một bà mẹ gân cổ la hét để vãn hồi trật tự hoặc cằn nhằn rên xiết nhặt nhạnh những mảnh đồ chơi lego sắp xếp vào từng hộp khi con đã leo lên giường ngủ từ lâu . Nhớ cả lần đến thăm đầu tiên, hai bố mẹ đang đè cổ thằng con trai ra cho hit thuốc suyễn trong tiếng khóc váng trời của nó . Con cái ốm đau , chúng tôi không muốn làm phiền , nên tôi và bà chị lôi mớ cua lựa hết cả buổi chiều hôm trước ra tự luộc và ra sân ngồi ăn ... điểm tâm với một tách trà !
Bao năm sau quay trở lại , một buổi sáng chủ nhật rất yên tĩnh , căn nhà không một tiếng động, hai đứa con lớn đã đi học xa từ vài năm trước , cô út còn đóng chặt cửa ngủ nướng . Tôi ngồi nhìn ra cành cây cao ngoài sân, nơi có chú sóc nhỏ chạy lên xuống không mệt mỏi , và tiếng chim hót xa xa . Tâm hồn lắng xuống , bỗng thấy se lòng.
Nhà đứa em khác , nhớ đến đứa cháu trai lần qua Bỉ đầu tiên ,  đến lúc ra phi trường đi về, lúp xúp đi theo mẹ với cái túi xách có hình một nhân vật trong tranh hoạt họa của Nhật , một con thú màu vàng , vẫn còn ngoái cổ lại mời hẹn con gái tôi lần nào đó qua nhà nó , sẽ cùng bơi trong hồ đang còn trong dự án sửa nhà của bố mẹ nó. Và đứa cháu khác , một lần tôi  tình nguyện giữ nó ở nhà , cho mẹ nó đi Londre chơi, khi nó chưa tròn một tuổi , ngoan ngoãn trong cái giường dã chiến . Bây giờ  cả hai cũng đã tung cánh giang hồ , căn nhà của bố mẹ lại có một tầng lầu để trống , ngoài sân  hồ bơi lăn tăn nước , không còn tiếng quẫy đạp như một nồi nước sôi nữa. 
Gia đình tôi , lần đi nghỉ hè năm chót bậc trung học của  đứa con gái lớn  . Nó đi theo mà hồn để ở những đâu, những lúc dừng chân, chỉ chúi mũi đánh SMS với bạn bè vừa mới chỉ chia tay vài  ngày trước . Và khi nó bước lên ngưỡng cửa đại học, chấm dứt luôn những kỳ nghỉ hè chung với gia đình . Nó lăn xả theo những niềm vui và chân trời mới , không một lần quay lại , cho tận đến lúc đi làm , rồi lập gia đình , chúng tôi tập cho mình thói quen đi chơi , không tính nó trong số người cần đi.
Mọi cái thay đổi hết , khi nó chuẩn bị đón những đứa con đầu tiên của mình . Nó bắt đầu quay về nhà bố mẹ thường xuyên hơn , thi thoảng quay trở lên căn phòng cũ của nó , sắp xếp  những vật dụng còn để lại  , tìm vị trí để đặt giường và đồ chơi cho con sau này , khi mang con về thăm bố mẹ.
Khi biết mình đang sắp phải đối đầu với những vất vả , chỗ nương tựa an toàn nhất vẫn là đây , nhà bố mẹ , như  chim sải cánh tung bay khắp bốn phương trời , bỗng thấy cần tìm lại tổ ấm
Mới hiểu hạnh phúc chính là có một nơi chốn để quay về , mới hiểu mình đứng vững vàng trong cuộc sống cả bao lâu nay , là nhờ những lúc va vấp , còn tìm thấy một điểm tựa để nghỉ ngơi và tìm tiếp can đảm đứng lên đi về phía trước.
Nhiều bố mẹ khi con ra ràng , đã sắp xếp bán nhà cũ, mua một căn nhà khác nhỏ hơn , hoặc thơ thẩn ra vô trong những căn phòng trống .
 Hãy tin chắc một điều như tôi đang trải qua , là chim sẽ quay về tổ , mang niềm vui đến nhờ tăng thêm nhân lực cho đại gia đình . Rồi căn nhà sẽ lại tràn ngập tiếng động, rồi mọi cái sẽ đảo lộn tứ tung, như căn phòng khách nhà tôi với những vật dụng trang trí cổ xưa, đang hoảng hốt nhìn xuống mớ giường chiếu, ghế cột trong xe , ghế ngồi chơi  nằm vương vãi khắp nơi cho hai đứa cháu gái . Kệ chưng chậu hoa , bình hoa trên lò sưởi  được mang đi chỗ khác hoặc đẩy tít vào góc , chùm đèn cổ trên trần bị mọi người nhìn một cách e dè , không biết có rơi xuống không đây , thảm trái sàn cuộn tròn đi vào góc nhà , mấy gối chặn khe cửa được lôi từ trên gác xếp xuống để chặn gió lùa , phải chứng minh nhà mình sẽ an toàn tối đa cho thế hệ mới . Hôm qua vợ chồng chúng nó còn đi mua hai cái lều nhỏ, hai em sẽ nằm trong đó mỗi lần đến nhà người khác , thế là nhà tôi còn biến thành bãi camping ! 
Căn phòng của Ba Má tôi ở xưa kia trên căn nhà hàng cũng không kém. Những chậu hoa hàng tuần của bà chị đã chấm dứt vì không còn chỗ để. Tôi phải sắp xếp gọn gàng lại ,vì bây giờ sẽ là chỗ tôi ở lại lâu nhất trong ngày . Ông bà trên bàn thờ gia tộc nhìn xuống thế hệ mới , tôi an tâm với sự chở che , không còn e dè mỗi lần bước vào xưa kia , khi căn phòng còn bỏ trống cả một thới gian dài.
Sinh hoạt của tôi cũng bị đảo lộn hết . Cả bao nhiêu tháng vất vả vì màn đến ngủ qua đêm ở nhà con gái ,đêm dài bị cắt thành nhiều khúc theo giờ giấc ăn uống của cháu , đến độ tôi lúc nào cũng vật vờ vì thiếu ngủ . Cháu tăng lên vài ký , thì tôi cũng sụt bớt vài cân , không cần phải kiêng khem nữa .  Hàng họ buông lơi bớt vì còn phải giúp một tay trông cháu , cái chân hay đi và cái miệng huyên thuyên với khách hàng bị cột cứng ở lầu trên căn hàng, và sau giờ bán hàng , không còn màn quay về nhà nằm khoèo xem ti vi mà  đẩy xe cho hai cháu ra ngoài hít khí trời và có lẽ để quen luôn với khói xe . Khu chung quanh hàng tôi , cả bao nhiêu chục năm nay tôi đi qua hờ hững , giờ bỗng trở nên quen thuộc trong những lần lang thang mỗi buổi chiều với cái xe đẩy . Sắm cả túi như kangourou để đeo cháu đi, nhưng phải quên ngay , vì cái lưng đã mỏi lắm rồi với những tư thế mới để bồng bế cháu , chúng chịu nằm im trong xe đẩy , là thấy đời đã êm dịu lắm , không muốn đòi hỏi thêm.
Vậy đấy , những khúc quanh của cuộc đời , với những lần quay trở về của lũ chim ra ràng , không phải lúc nào cũng là niềm vui , còn chờ đón cả những lần vấp ngã , nhưng chắc chắn mọi người sẽ như tôi , mở cửa bước vào nhà , nhìn thấy một túi hành trang nằm vương vãi ở phòng khách , nhìn thấy một cái áo choàng cho những cuộc phiêu lưu vắt vội trên thành ghế , bỗng thấy lòng se lại trong một nỗi đầm ấm của những kỷ niệm xa xưa , khi chúng còn bé bỏng , bỗng thấy yên tâm trong suy nghĩ , nhà mình vẫn là một nơi chốn an toàn cho chúng , khi chúng muốn quay về ....
 
 
 
 



Bruxelles thời báo động cấp 4

Chuyện trở nên trầm trọng hơn từ hai lần khủng bố ở Pháp , hồi đầu năm với tòa soạn báo Charlie , rồi mới đây nhât , một ngày thứ sáu 13 , là đợt khác kéo theo cả hơn trăm người , phần lớn trong độ tuổi thanh xuân, nằm xuống cho cuộc thánh chiến đang như một vết dầu màu máu đỏ thẫm lan đi khắp cả thế giới 

Cũng cố ráng bắt vào trí nhớ mình những tên gọi của những người đang nhân danh thánh thần của họ để gieo rắc kinh hoàng khắp nơi , nhưng lẫn lộn hết , chỉ còn giữ lại hình ảnh một lá cờ màu đen và những khuôn mặt ngụy trang cũng một màu đen như thần chết . Nếu chính nghĩa đến vậy , sao không dám để mặt trần ?
Những ổ tội phạm nhìn theo phía bên này nhung nhúc khắp nơi . Vài năm trước , thì còn ở tận bên Đức , bên Trung Đông , bên Pháp . Lần này thì rất cận kề , ngay tại Bruxelles , ngay tại khu vực con gái tôi vừa mua nhà , kẻ giết người hàng loạt đó , chỉ cách nhà nó một cái park bé xíu , và hai con đường . Ý nghĩ con cái mình , trên đường đi làm và đi quanh khu nhà ở , đã từng có lúc đối diện với kẻ sát nhân bỗng khiến tôi dội lên một nỗi bất an . Chỉ vì chúng nó còn trẻ và chưa có niềm nghi hoặc với tà tâm của người khác , chúng quyết định chọn mua nhà nơi ấy , như những người trẻ muốn làm thay đổi cái nhìn về khu phố của mình nhờ cuộc sống trật tự , có công ăn việc làm , góp phần cho xã hội và chia xẻ tình láng giềng 

Nhưng khu phố chúng nó ở đang nối tiếng cả thế giới , chắc bây giờ trong hiểu biết căn bản của du khách đến thăm Bỉ , ngoài chocolat , bia , grande place với tượng thằng bé cởi truồng , dĩ vãng vàng son của những lần đoạt giải tennis tầm cỡ quốc tế , sẽ thêm một từ nữa in vào đầu , là commune Molenbeek !
Đành phải an ủi , đã nằm trong lòng địch , còn gì nữa mà sợ , xe cảnh sát và quân đội đang quần tới quần lui trong khu vực này , lại đâm ra thấy an toàn hơn
Một số kẻ khủng bố đã tan xác với thắt lưng có chất nổ hoặc ăn đạn cảnh sát . Quyết định nâng cấp báo động khủng bố ở Bruxelles lên tối đa , cấp 4 , , vì còn một tên khủng bố quốc tịch Bỉ biến mất với một thắt lưng có chất nổ  và những lời đe dọa dùng vũ khí hóa học để tấn công Bruxelles  . Đường dây khủng bố thì vẫn chưa lần được ra đến chóp bu . 
Bắt đầu từ thứ bảy tuần trước , tất cả trung tâm buôn bán , rạp hát , rạp ciné , sân đá banh , métro đóng cửa . Chưa thấy ghê gớm. Nhưng khi đi trên những phố chính đang bắt đầu treo đèn trang hoàng cho Noel sắp đến bỗng dừng lại nửa chừng , và cả các trường học đóng cửa từ thứ hai đến giờ , mới tự nhiên thấy lòng chùng xuống  nhìn thành phố đang chuẩn bị chiến đấu với kẻ thù núp bóng , nhớ về những năm tháng trong chiến tranh ở quê nhà , những kỷ niệm chỉ muốn quên đi , nhưng sao quên được , cả một độ tuổi thanh xuân  bị đánh mất trong làn sóng đổi đời sau cách mạng


Tôi lang thang trên những con phố chính vắng hẳn bóng người , hàng quán đóng sập cửa , bóng dáng quân đội nhan nhản khắp góc đường , súng ống lăm lăm , và những xe thiết giáp cùng xe tăng nằm ở những ngã tư chính , mới thấy Bruxelles đang mất đi những ngày tháng êm ả an bình  
Khu trung tâm buôn bán sang trọng ở đường Louise , thảm đỏ trải dài trong những hành lang vắng hun hút , chùm đèn trang trí Noel trên cao tỏa sáng lấp lánh va vào nhau lanh canh . Có còn niềm vui thật nữa không đây , hay bắt đầu những bước chân ra khỏi nhà với cái suy nghĩ cái chết tình cờ đang chờ mình ở góc đường , ở trong chợ , ở trong rạp hát . Mình thì không cần , đã qua tuổi 60 , nếm đủ mùi đời . Nhưng những đứa bé vừa sinh ra , đang lớn lên và đang độ tuổi trưởng thành , chúng sẽ thừa hưởng gì ở cái chiến tranh lén lút , hèn hạ nhưng đạt hiệu quả cao như những đặc công của cánh ta thời nội chiến xa xưa ở quê nhà  ?
Bao nhiêu năm qua , nhờ rời bỏ những hỗn độn bên quê hương , tôi đã có những giấc ngủ bình yên , và những hăng hái cho bước đầu xây dựng tương lai từ hai bàn tay trắng . Chí ít , cái mình đang có , là tự do . Tự do đi lại , tự do làm việc, tự do vạch định hướng đi . 

Bao nhiêu năm qua , trên đất nước tạm dung , tôi gây dựng cuộc đời , và bỗng dưng thấy đây là quê hương thứ hai của mình . Mỗi lần trên những chuyên bay xa trở về , tôi vẫn rất mừng rỡ nhìn lại nóc những ngôi nhà ngói đỏ nằm trật tự êm đềm quanh khu vực của phi trường , nhìn lại thành phố Bruxelles bỗng đã từ lâu trở nên thân thương với tôi .Tôi vẫn luôn hăng hái giới thệu với những người mới đến đây lần đầu những ngõ nghách , những cái hồn của cái thành phố bé tí nếu đi so sánh với New York hoặc Paris , nhưng vẫn có những cái độc đáo khiến nó không giống những thành phố khác  , vẫn xứng đáng dừng chân lại lâu hơn một buổi tối như những chuyên du ngoan âu châu của khách du lịch , là những kiến trúc nhà cửa không đon điệu như những thành phố khác , là những bức tường vẽ đầy nhân vật tranh hoạt họa của các họa sĩ Bỉ , là những quán nước quán ăn có thể dừng chân thưởng thức một ly bia hoặc nhâm nhi một miếng chocolat hay một miếng gauffre thơm lừng
Những sinh hoạt tôi vẫn thường hay làm những khi có giờ rảnh rỗi , bây giờ bỗng dưng phải khựng lại đắn đo
Mai này trường học và những nơi công cộng mở cửa lại , nhưng không ai còn thấy yên tâm nữa , mọi người đang chờ đón bão táp đến , vì sẽ còn tiếp diễn , nếu không ở đây thì ở kia , lúc nào cũng sẽ có một nơi trên thế giới lãnh trọn những hành động khủng bố . Cuộc chiến còn dài lâu . Chả lẽ lại phải dặn lòng , hãy phải tập làm quen đi với ý nghĩ Bruxelles sẽ khong còn an toàn nữa
Bỗng thấy tiếc nuối thuở hoàng kim 




Cầu mong cho đó chỉ là suy tư của một kẻ đã qua gần hết đời mình , chỉ biết quay nhìn về quá khứ


HUONG QUY ( 24/11/2015)

Monday, November 23, 2015

Bruxelles (Thảo Phan)

 

Un samedi matin, j'allume la tv. Un samedi matin, une journaliste a parlé. Un samedi matin, les voies sont bloquées. Un samedi matin, les magasins sont fermés. Un samedi matin, des enfants sont terrorisés. Un samedi matin, on nous a annoncé: qu'un samedi matin, on peut tous crever.
 




 Un samedi matin, les yeux écarquillés. Un samedi matin, ma fille s'est écriée: un samedi matin, comment peut-on tuer?

Un samedi matin, mon fils a sourcillé. Un samedi matin, il m'a demandé: un samedi matin, pourquoi le monde est-il dévasté?

Un samedi matin, j'ai été au marché. Un samedi matin, les gens l'ont déserté. Un samedi matin, j'ai senti l'insécurité régner. Un samedi matin, j'ai laissé la peur m'infiltrer.

Un samedi matin, je me suis levée. Un samedi matin, j'ai vu la gare vidée. Un samedi matin, on m'a informé qu'aucun métro n'allait circuler. Un samedi matin, j'y suis allé à pied. Un samedi matin, les portes de ma salle de gym étaient fermées.

Un samedi matin, le vent a soufflé. Un samedi matin, j'ai beaucoup grelotté. Un samedi matin, je me suis émerveillée: un samedi matin, il neigeait! Un samedi matin, je marchais. Un samedi matin, le bus j'attendais. Un samedi matin, celui-ci n'est pas arrivé. Un samedi matin, j'ai appris, qu'on vivait dans un monde paumé.

Bruxelles, ce samedi, réveillée, menacée! Bruxelles, la ville de mon coeur est vide, inanimée... Rien que silence et visages fermés.

Je suis à la fois triste et à la fois révoltée. Je voudrais tellement vivre comme avant comme si de rien n'était. Aller boire un verre à la Grande Place avec mes amis, aller au marché de Noël avec mes enfants, ou tout simplement, me balader en écoutant les notes de musique dans les rues. Mais comment pourrais-je le faire?

Non! rien ne peut nous arrêter de vivre de rire de partager, la liberté qui nous tient à coeur!

21/11/15
Bruxelles, sáng thứ bảy tỉnh dậy trong nỗi sợ đe doạ khủng bố! Nếu Đàlat là thành phố tuổi thơ của tôi thì Bruxelles là thành phố của tuổi trẻ của những buồn vui trên quê hương thứ hai.

Bruxelles sáng nay trống vắng và im lặng với những gương mặt khép kín!

Tôi vừa cảm thấy buồn vừa tức giận. Tôi chỉ muốn sống như ngày hôm qua những năm tháng bình an trước đây và sống như không có chuyện gì xảy ra nhưng làm sao tôi có thể?
Không! Không có gì có thể ngăn cản chúng ta sống vui, cười và chia sẻ sự tự do.
Mai này tôi sẽ về Bruxelles, sẽ đi uống vài ly với bạn bè ở quảng trường Grande Palace, sẽ dẫn con tôi đi hội chợ Giáng Sinh và rất đơn giản, đi lang thang trên những con phố và lắng nghe những nốt nhạc trên dường phốra. Nhưng làm sao tôi có thể?

Không! Không có gì có thể ngăn cản chúng ta sống vui, cười và chia sẻ sự tự do.

Mai này tôi sẽ về Bruxelles, sẽ đi uống vài ly với bạn bè ở quảng trường Grande Place, sẽ dẫn con tôi đi hội chợ Giáng Sinh và rât đơn giản, đi lang thang trên những con phố và lắng nghe những nốt nhạc trên đường phố. 


 

Friday, November 13, 2015

Quỳ ơi, nở chưa?


Có khi nào bạn tỉnh giấc sau một giấc mơ, rồi bàng hoàng cả buổi chỉ vì một màu sắc, một dáng hoa trong cơn mộng mị đã đem bạn về lại những ngày tháng xa thật xa? Có khi nào bạn mơ về một màu hoa đã lâu lắm bạn không gặp lại? Một màu hoa bạn tình cờ thấy trên facebook cách đây ba năm, trong một tấm hình đám cưới của đứa cháu họ, cô dâu mặc áo đầm trắng, cười rạng rỡ, ôm trong tay bó hoa vàng và đàng sau cô là cả một vạt hoa man mác? Khi nhìn tấm hình đó, bạn chẳng chú ý gì đến cô dâu, nhân vật chính trong hình, mà chỉ bật kêu lên “Hoa quỳ!” Thật vậy, đã lâu lắm rồi bạn mới nhìn thấy bông hoa với những cánh hoa vàng mong manh xếp lớp đều đặn chung quanh chiếc nhụy vàng, giống như mặt trời ngày nắng đẹp. Đó là bông hoa quỳ mộc mạc ở thành phố tuổi thơ của bạn. Đó là những mặt trời nhỏ nở rộ ven con đường đi học của bạn, thuở nào.

 Và rất lâu sau này, một hôm bạn bần thần tự hỏi “không biết hoa quỳ đã nở chưa?” khi buổi sáng bạn thức dậy, mở cửa ra sân sau và bạn cảm nhận ngay cái không khí se se lạnh này sao quá đỗi quen thuộc. Cái không khí rất đặc trưng của Dalat vào những ngày cuối năm mà bầu trời sẽ rất xanh, sẽ rất cao, bạn ra khỏi nhà ôm cặp đi học sáng sớm và bỗng dưng nhìn thấy những vệt hoa màu vàng ven đường lấp ló sau màn sương mù mỏng tanh. Ngày đó bạn nhìn hoa quỳ nở và sẽ tự nhủ “Cuối năm rồi, sắp đến Tết rồi”. Chỉ thế thôi. Khi còn nhỏ, bạn chẳng bao giờ chú ý đến những bông hoa quỳ vàng tươi này vì bạn bận rộn với cả trăm điều khác. Hoa quỳ chỉ là một trong muôn vàn đám hoa dại nở quanh nhà bạn. Hoặc chăng bạn sẽ sẵn sàng chặt phăng ngang thân cây, tuốt hết lá, cắt luôn bông hoa tươi rói, biến thân quỳ thành cây kiếm đi đánh nhau với đám anh chị em họ của mình. Khi kiếm tơi tả, cũng là lúc mùi hôi của thân cây bám vào người bạn, nhựa quỳ bắt đầu dây bẩn trên áo, trên quần bạn, nhưng bạn có xá gì. Nếu trận chiến chưa hồi ngã ngũ, bạn lại đi chặt tiếp một cây quỳ khác, cho đến khi áo quần nhoe nhoét màu xanh của thân quỳ, từ đầu đến chân của bạn toàn một mùi hôi hăng hăng của hoa quỳ, và trong đám chiến binh, dăm đứa bắt đầu ho rũ rượi vì phấn quỳ, trận chiến mới thực sự kết thúc. Trong những trò chơi bán hàng bên hông nhà hay dưới gốc cây đào, bạn tìm kiếm những bông hoa bìm bịp màu tím làm bánh bèo, hoa ngũ sắc màu cam làm xôi vò, hoa dâm bụt đỏ giã nát đem trộn với nước làm si rô, những bông hoa nở quanh năm suốt tháng trên hàng rào lên trường Trần Bình Trọng, nhưng bạn chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ngắt một bông hoa quỳ cho những trò chơi buôn bán không bao giờ chán của bạn. Chỉ vì mùi hôi mà bạn xa lánh nó đấy thôi. Suốt những năm tháng ở Dalat, bạn chưa một lần đi hái những bông hoa quỳ đem vào nhà cắm, nhại theo kiểu “Tournesols” của Van Gogh. Chỉ vì chẳng ai làm thế, bạn cũng chẳng làm thế, và nếu có làm thế, mọi người sẽ nói “Đẹp gì cái thứ hoa dại đó, lại còn hôi ình”. Ấy thế mà hình ảnh cái thứ hoa dại tầm thường ấy lại làm bạn ngẩn ngơ rồi buồn vu vơ khi bạn đã cách xa nó cả hơn nửa vòng trái đất, trong một buổi sáng sớm tinh mơ bạn đứng khoanh tay để cho cái lạnh thấm vào người. Bạn bâng khuâng, bồi hồi đến nỗi một hôm bạn phải hỏi mọi người “Có ai ở Dalat cho mình biết hoa quỳ đã nở chưa?”.   



Chỉ vì một hôm bạn tình cờ nhìn thấy màu hoa quen thuộc nơi cuối góc sân trường trung
Quỳ Texas
học, khi dẫn chó đi dạo. Lại gần, bạn thảng thốt “Á, hoa quỳ!” Đúng vậy, ở cái xứ Texas này, bạn tìm thấy lại đóa hoa thuở nào. Bạn hăm hở nhào vào bụi hoa, ngắt một cành. Chỉ tích tắc sau đó vài giây, tay bạn bắt đầu ngứa râm ran. Nhìn kỹ xuống thân cây, bạn sẽ thấy cả ngàn, cả triệu những cái gai nhỏ li ti. Quỳ Texas nhìn xa trông giống quỳ Dalat, lại gần mới thấy quỳ Dalat hiền lành hơn, nhỏ nhẹ hơn, thân cây trơn láng, không gai không góc. Về nhà, tay bạn bắt đầu nổi những vệt mụn lấm tấm và ngứa điên lên. Bạn nhúng tay vào nước, chẳng ăn thua, bôi kem ngứa, chẳng thấm thía. Rốt cuộc một viên Zyrterc mới trị được những nọc độc của hoa quỳ Texas. Bạn thầm bảo “Quỳ Texas ác thế”. Từ đó, muốn hái quỳ Texas, bạn phải đeo găng tay, cầm kéo và mang theo một cái bao rác cho chắc. Quỳ hái đem vào nhà không còn tươi sắc nữa dù cho bạn có chăm chỉ đổ nước đều đặn. “Tournesols” theo kiểu Van Gogh cứ lả dần rồi héo úa sau khi đã làm rơi rụng không biết bao nhiêu phấn hoa màu vàng xuống tấm lót khăn bàn của bạn. Hoa thiếu ánh sáng nên thế đấy thôi. Sau đó bạn chẳng bao giờ hái hoa quỳ đem vào nhà.  Để cho nó tươi thắm nơi cuối sân trường, dọc đường đi trong park, để cho nó ngạo nghễ vươn lên giữa cái nhiệt độ nhấp nhổm 90 độ nóng gắt, để cho nó khoe những cành lá cứng cáp, dầy dặn, để cho nó tồn tại và để cho bạn nhớ. Mỗi mùa hoa nở, bạn lại nhìn nó bảo “hoa quỳ đây này” và thầm nghĩ đến những bông hoa tương tự như thế ở một nơi chốn thật xa, nơi chốn khi nghĩ về nó, mọi nỗi buồn, mọi mất mát không còn nữa, bạn chỉ thấy lại tuổi thơ trong sáng và bình an của mình. Như sáng nay, khi đứng chờ đèn xanh ở ngã tư, bạn liếc sang một bên và thấy những bông hoa quỳ Texas vẫn kiên trì lấp ló bên cạnh đường rầy xe lửa. Ở đây không có những vạt hoa bạt ngàn để mọi người nhảy bổ vào đứng đủ kiểu đủ dáng chụp hình. Ở đây, muốn ngắm hoa quỳ, bạn phải một mình bạn, đứng trước bông hoa đang đu đưa trong nắng, trong gió, không hái về làm của riêng mà lặng lẽ giơ cái cell phone ra. Không cả selfi luôn vì có thể bạn sẽ ngã tõm vào cái rãnh nước đàng sau lưng khi cố giơ máy ra chụp cả hoa cả bạn.  Vả lại, quỳ bản thân đã đẹp lắm rồi, chẳng cần cái mặt bạn vào làm gì.

Những bông hoa quỳ làm bạn đôi khi nhớ lại hình dáng của Má lom khom chặt cắt những bụi quỳ ven rãnh nước dưới đường để cho vườn tược gọn gàng, ống cống thông thoáng chuẩn bị cho những cơn mưa rào như trút. Bà đội nón, đeo găng, chân đi đôi ủng cao su, tay cầm liềm và lao đi chiến đấu với những bụi quỳ mọc vô trật tự. Hôm nào nổi hứng làm đứa con ngoan ngoãn, bạn sẽ đi theo bà, gom góp những thân cây quỳ bị đốn ngã đem quăng vào hố rác sau vườn để làm phân bón. Khi cùng với Má ra tay triệt hạ bụi quỳ, bạn chẳng bao giờ thắc mắc sao Má không để cho quỳ nở hoa tươi thắm một góc đường. Màu vàng của quỳ ấn tượng lắm chứ. Có thể dạo ấy Má không có tâm trí cho một màu hoa, cho một mùi hương. Những thứ mà khi rảnh rỗi người ta mới nhớ tới. Những thứ chỉ đến sau cơm áo gạo tiền. Những thứ khi trà dư tửu hậu…Mà Má ngày ấy chẳng bao giờ rảnh, chẳng bao giờ bận tâm cho một loài hoa, cho một mùi hương, thật vậy. Mãi đến sau này, khi bước vào tuổi già rảnh rang, bà mới bắt đầu yêu thích những bông hoa trong vườn của bà ở dưới Hal, những bông hoa bà bắt gặp đâu đó trên xứ người gợi cho bà nhớ đến quê hương  xa ngàn trùng. Rồi bà gởi những hạt hoa trong vườn bà cho bạn đem trồng ở một xứ người khác, vì cả bạn cả bà đều yêu một loài hoa đã từng nở tưng bừng rực rỡ nơi bạn sinh ra, những đóa hoa bleuet yểu điệu đủ màu nở ở Dalat, ở Hal, và ở Kokomo. Sau này khi bà đã mất, bạn tình cờ tìm được một vạt bleuet nở tưng bừng ở Dallas, đứng trước những bông hoa tròn xoe xanh hồng trắng tím, bạn bỗng thấy cổ họng mình thắt lại, đau buốt.   

"Hoa quỳ" quảng trường Lâm Viên
Thế rồi cách đây một tháng, trong một tấm hình chụp ven hồ Xuân Hương ở Dalat, bạn thấy một cái gì tròn tròn kỳ cục được xây ở ngay nơi ngày xưa là sân vận động thành phố. Nhìn tới nhìn lui, rồi phải đọc phải đoán, bạn mới khám phá ra đó là quảng trường Lâm Viên mới được thiết kế theo mẫu hoa quỳ. Bạn kêu lên “Đây là hoa quỳ sao hả trời?” khi nhìn cái kiến trúc rất chi ư kỳ quặc đó. Đúng là mỗi người có một cái nhìn riêng về loại hoa này, nhà kiến trúc đã nhìn hoa quỳ ra như thế rồi cứ thế mà xây lên. Mà cũng nhờ thế bạn mới được biết Dalat lấy hoa quỳ làm loại hoa tượng trưng cho thành phố. Chẳng phải lan hay hồng hay mai, mà là đóa hoa dại mọc vất vưởng bất cứ chỗ nào, từ hàng rào, đến dọc cống rãnh, trải dài trên những triền đồi, tưng bừng bên những con đường đất bụi đỏ. Có lẽ vì quỳ chẳng đòi hỏi gì nhiều để mà sinh sôi nảy nở, một chút nắng ấm, một chút gió lạnh, một chút đất ẩm, thế là đủ cho loài hoa nhiều cánh màu vàng này bung ra, mạnh mẽ và hoang dã.

Hay thật đấy, cái bông hoa dại ngày nào chẳng ai chú ý, lại còn bị đám học sinh ra sức triệt hạ để làm phân bón trong những giờ lao động, bây giờ được mọi người lao đi săn đón. Trên facebook tràn ngập những mẩu tin đại khái như “Những cung đường hoa dã quỳ đẹp nhất Dalat”, “ Dã quỳ nở, kéo dân săn ảnh về Dalat”, “Chuẩn bị máy hình nhé, dã quỳ nở rồi” vân vân…Và bạn đâm ra ngỡ ngàng cộng với hụt hẫng. Dã quỳ ư? Từ ngày xưa đến tận bây giờ, bạn chỉ gọi những bông hoa trông giống mặt trời ấy là hoa quỳ, đơn giản thế thôi. Không hiểu sao cái tên dã quỳ làm cho bạn liên tưởng đến một cái tên Hán ngữ ngoại lai nào đó và bạn thật sự không thích tí nào. Mà quỳ đâu phải của riêng mình bạn? Những con đường ngập hoa quỳ đâu phải của riêng mình bạn? Quỳ trong tâm tưởng của bạn mới chỉ là của một mình bạn mà thôi, hoa quỳ trong kỷ niệm của bạn mới chỉ riêng là của bạn mà thôi. Thế nên nếu nhìn thấy hình ảnh hoa quỳ được chụp dưới một ống kính lão luyện, khoan hãy vội thất vọng. Mắt bạn làm sao bằng mắt ống kính được? Ống kính chỉ cho bạn thấy một màu hoa quá tươi, một thân cây quá hoàn hảo, trên một khung cảnh quá tuyệt vời. Quỳ của bạn là những cánh hoa thật đơn giản, thật khiêm tốn, nở lặng lẽ nơi cuối vườn, run rẩy theo cơn gió heo may nơi đầu dốc, rũ rượi dưới một trận mưa nơi góc rào, mờ ảo trong màn sương trắng những sáng tinh mơ. Quỳ của bạn khoe sắc vàng trên nền trời xanh, trên nền lá xanh, và với đôi mắt trần của bạn, chẳng cần ống kính hay photoshop, bạn vẫn cảm nhận được màu hoa thật sự và mang nó đi theo bạn suốt cuộc đời. Vì bạn đã sinh ra và lớn lên với hoa quỳ vàng mỗi độ đông về, với hoa mai man mác hồng ngày Tết, với phong lữ thảo đỏ thắm một góc vườn nhà trên đường Lê Lai, với màu nắng vàng xuyên qua rừng thông, và với tiếng lá reo trên triền đồi. Chỉ có thế cũng đủ để màu vàng hoa quỳ theo bạn đi mãi đến tận bây giờ, xuyên qua bao nhiêu năm với tháng, xuyên qua bao nhiêu dặm với đường, đi qua biển cả, đi qua núi non. Cũng đủ để cho một buổi sáng thức giấc, cảm thấy cái không khí se lạnh của Dalat, nhìn bầu trời xanh ngắt chớm thu của Texas, bạn thầm thì cho chính mình “Quỳ ơi, nở chưa?”




Lan Hương

Fort Worth 11/13/2015