Pages

Wednesday, February 24, 2016

Mont Blanc


Tên của dãy núi đi theo tôi từ thuở ấu thơ, nhãn thương hiệu của một loại hộp sữa đặc có đường . Những sáng sớm tinh mơ, trong căn nhà số 7 Yagut , tôi còn nhớ rất rõ những cốc sữa pha nóng do Ba tôi làm, cực hình phải uống cho bằng hết, trong khi mắt vẫn liếc vào hai rổ xôi nóng hổi của Bà bán xôi được vời vào tận nhà. Đến trường Mẫu giáo Ấu Việt với một khúc bánh mì được rưới hào phóng loại sữa đặc có đường này cho giờ ra chơi lúc 10 giờ sáng. Chuông reo ra chơi, còn mải mê với những chiếc đu hình con gà  trong sân trường , đến lúc nhớ ra chạy vào lớp học, thì đã có bạn cùng lớp nẫng tay trên xơi dùm. Lại còn dấu kín bí mật, không nói cho Ba Má tôi biết, vì đơn giản là tôi không thích ăn bánh mì như vậy mà không dám nói cho Ba tôi hay .

Cùng với những lớp trẻ sinh ra sau này trong đại gia đình, tôi vẫn bị sai vặt chạy xuống chợ chiều gần nhà tìm mua sữa hộp về cho chúng, bữa nào không có sữa Mont Blanc , thì mua hộp khác có hìnhÔng Thọ , một ông già phương phi với chòm râu trắng như cước. 

Chuyến xa nhà du học của ông anh , khi tất cả lũ trẻ chúng tôi , đi vào tuổi vị thành niên, cùng ảnh ông anh chụp nơi xứ  người với những ngôi nhà cao tầng, với công viên mùa thu và mùa đông khiến tôi có lúc  nhìn kỹ lại  hình ảnh dãy núi phủ tuyết trắng xóa trên hộp sữa ,bỗng thấy hiện hình  giấc mơ giang hồ tung cánh. Ttrong tôi ngày mỗi mạnh hơn mơ ước có ngày được ra khỏi thành phố quanh năm chỉ có màu xanh của thông và chập chùng sương mù buổi sáng, để đi đến những chân trời mới lạ. 

Thời gian qua đi, với cơ hội lập nghiệp tại xứ người, đã thấy tuyết, nhưng  ở đây không có những dãy núi cao sừng sững. Một lần sum họp đại gia đình cho Noel tại Bỉ, con em ở Mỹ vốn đã quen những môn thể thao táo bạo, gợi ý cho chúng tôi đi học trượt tuyết . Ừ thì đi, dù trong lòng cũng hơi ớn lạnh . Vài tuần trước lúc ra quân, còn đứng xếp hàng trong hội chợ mùa đông của Bruxelles để lên piste trượt patin, nghĩ rằng phải qua kỳ thử thách này xem có biết giữ thăng bằng hay không đã . Hình ảnh em bé đứng trước tôi bị cắt đứt tay bởi đôi giày trượt băng khi thò tay vào trong piste khiến tôi càng rùng rợn hơn, nên buổi trượt patin là một thất bại hoàn toàn. Té đến ê cả mông mà vẫn không đâu vào đâu. Ở Bruxelles còn có một piste để trượt ski bằng cỏ giả và nước xà phòng, có cho thêm phần thưởng cũng không dám bén mảng đến tập, đành liều nhắm mắt chờ đến ngày đi đến nơi trượt tuyết.

Đến tiệm thuê  dụng cụ đi thực hành môn thể thao này, hì hục mãi không xỏ được vào giày, xỏ xong thì không biết làm sao để nhấc hai cái cùm chân lên ; không một chút thoải mái nào với chúng. Cậu em rể nhận đôi giày ski màu hồng, thời ấy , chưa trở về với màu sắc chói chang trên quần áo của các ông, nên chàng ta cằn nhằn mãi nhưng không còn đôi giày nào khác vừa chân để thay thế.

Phái đoàn lên đường , ski, gậy trượt và giày nằm êm ấm trên nóc xe ,trực chỉ vùng Haute Savoir bên Pháp, cõng theo cả Ba Má và những người không trượt tuyết,  vượt quãng đường gian khổ gần 900 cây số với nạn kẹt xe  để đổ đầy nhóc vào một cái chalet to đùng do công bà chị ra sức kiếm ở vùng Bettex. 

Vài ngày đầu, chưa kiếm được cours để học trượt tuyết, cả nhà lũ lỹ dắt nhau đi thăm thành phố Charmonix, đi thăm băng hà, và leo tắp lên một chuyến xe lửa lên cao ngắm nhìn núi non cho bằng thích.

Và đó là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt rặng núi Mont Blanc.

Giống hệt bức ảnh trong hộp sữa, bề thế hơn bên ngoài, oai nghiêm hơn dưới trời xanh và tuyết phủ, xứng đáng với tên gọi " nóc nhà nhà Âu châu ".

Ngày hôm sau, có mặt trời rực rỡ hơn, cả nhà kéo đến một thành phố , bỗng dưng tôi quên mất tên, để chụp chung một bức hình toàn gia đình với ngọn núi Mont Blanc làm nền sau lưng . Má rất hể hả vì đã được một lần nhìn tận mắt ngọn núi trên hộp sữa giúp Bà nuôi nấng một đàn 7 người con từ những năm tháng xa xưa ở Việt Nam.

Sau đó, cũng tại đây, chúng tôi bắt đầu học trượt truyết. 

Ông thầy già tên Georges , một cái tên rất Mỹ , nhưng lại là người chưa bao giờ đi xa hơn căn làng này . Ngồi lần đầu tiên trong cái télé cabine kéo mình lên cao , cứ rợn cả người , không biết nếu đứt dây hoặc bị dừng lại nửa chừng , thì sẽ đi về đâu . Chuyến đi mất cả 20 phút . Tới nơi , Thầy bảo xỏ giầy vào ski , bài học đầu tiên, chasse neige , để biết thắng lại . Cả một bãi tuyết từ cabine bước ra , gặp trời mưa đêm trước đã đóng thành băng , thế là lũ học trò chưa bước được bước nào, đã té bổ chỏng khắp các phía , thầy Georges vất vả đi lượm từng đứa lên, thu gom dắt díu như một đám xẩm mù  đến đầu một con dốc nhỏ. Nào , bây giờ thay phiên nhau đi xuống , thầy hò hét, cậu em rể can đảm mở màn, veo, cắm ski vào đụn tuyết dưới dốc, nhưng ... chưa té. Ông chồng tôi và tôi , tư thế như cua đang bò , khom cả người để giữ thăng bằng, chasse neige đến tuyệt vọng để hãm bớt tốc độ ski , dù đang chỉ là 5km/giờ , nhưng vẫn thấy còn nhanh quá, rồi ski chồng lên nhau , rồi bỗng dưng ski đi phía này trong khi rõ ràng mình muốn đi về phía kia, và thầy lại vất vả đi gom cho đủ đống học trò dúi dụi trong các góc khác nhau để hì hục leo trở ngược lên trên. 

Vất vả đến vậy trong 3 ngày vẫn không đâu vào đâu, nhìn thiên hạ vừa trượt ski vừa bấm sms trong điện thoại mà phục lé cả mắt , tối về đau ê ẩm, không phải chân mà là hai cánh tay vì phải tìm cách nhấc mình rồng lên khi té mà không được tháo giầy ra. 

 Những buổi tối quây quần bên bếp củi lò sưởi bập bùng, cười rũ rượi vì màn học ski , chả biết chừng nào mới trượt được một đường thẳng thớm , con em đầy kinh nghiệm cũng không thể nào làm cho in vào trí đám ra ràng lúc nào thì nhấc chân lên , lúc nào thì thắng , đành quyết định hôm sau dẫn cả lũ lên cao hơn sẽ không phải xếp hàng và có đường piste dài để thả xuống , tập giữ thăng bằng.

Ập ềnh rời chalet êm ấm hôm sau trong đôi giầy ski đã cột kỹ càng cho khỏi mất thì giờ lúc đến nơi, leo lên xe thì, bỗng dưng tuyết rơi , Mont Blanc mờ mịt trong bão tuyết. Xe con em dẫn đầu lúc lên đèo bị dừng lại , không lên tiếp , vì bánh xe quay không bám được mặt đường . Xe nó quay ngang làm kẹt hết dòng xe xuống lẫn dòng xe lên . Lũ  Pháp trong các xe bắt đầu la ó chộn rộn theo truyền thống của chúng lúc nào cũng vội, rồi đành lấy vài đứa tình nguyện đẩy xe cho có trớn leo lên, vì chúng tôi không thể giúp được với đôi giầy trượt tuyết to kênh dưới chân !; Xe tôi đậu góc  khác trên đường đèo, thấy nhiệt độ bắt đầu xuống thấp, cộng cái xe không có xích leo núi , lại còn một đám con nít trong xe , khiến chồng tôi đã quyết định quay đầu đi xuống núi.

Xuống tới nơi , thấy xa xa sau parking để xe một đám sapin đang trĩu cành dưới tuyết rơi , có một đường đi hơi dốc cho ski de fond không một bóng người, thế là chúng tôi quyết định vác ski vàotập một mình. Hì hục được dăm bận thì gặp đám còn lại không đi ski đến từ nhà với Ba Má, tụi tôi quyết định trèo lên cao hơn. Một con dốc đứng trước cửa một chuồng bò . Thử thả xuống một lần, cũng thấy gió thổi veo veo bên tai trước khi bổ chỏng vào đụn tuyết ven đường . Dưới thấp là mưa làm cả  lũ ướt nhem nhưng không biết lạnh là gì nhờ không biết bao nhiêu lần trèo lên và trượt xuống,  gant tay lấy ra vắt được nước chảy ròng ròng. Cả nhà trú mình  dưới mái hiên chuồng bò để ăn picnic buổi trưa . Ba Má lắc đầu trước lũ con khùng điên.

 

Thuở ấy , còn hàn vi , không nghĩ ra được cả chuyện mời Ba Má vào một nhà hàng tử tế cho bữa ăn trưa, nhưng Ba Má không nề hà, còn khen đứng ở đây trên cao , thấy cảnh đẹp như trong những tấm carte Noel.

Cậu em rể là người vất vả nhất , vì còn phải vác ski cho đứa con trai nhỏ . Nên mỗi lần lên tới đỉnh , là cậu ta thả xuống một lèo cho bõ công khiêng ski , cho đầu cắm vào đống tuyết vẫn còn thấy hể hả.

Mãi cho đến chiều, gia đình con em hết bay lượn  ở trên núi mới xuống , quyết định mua vé dẫn cả lũ đi theo nó . Nó dõng dác tuyên bố : phải ngồi télésiege để được kéo lên cao , chấp nhận sẽ bị té lúc ra khỏi ghế , vì đã được học ngồi như thế nào đâu , nhưng sau đó , sẽ có piste ngon lành hơn để trượt.

Y như rằng , nhưng người đứng canh tại chỗ đã có kinh nghiệm , kéo dùm những đứa té ra để khỏi chồng chất lên nhau . Có cái vừa đứng được vững vàng trên hai càng trượt , ông chồng tôi lanh chanh trượt trước , phóng vù vào một cái piste màu đỏ trước mặt đang bị giăng dây cấm vì không đủ tuyết ,Con em tôi xanh mặt . May sao ổng đã kịp ngã bổ chỏng không xa lắm , tẽn tỏ cởi ski leo ngược lên.

Cậu em rể thì gửi lời chào giã biệt để phóng vào một cái piste khác, mất hút đằng dưới, còn tôi với mấy đứa cháu theo con em trượt nhẩn nha , mỏi rã cả chân vì lần đầu tiên đi trên một piste dài mà lại phải thắng tối đa! Nhờ ngày này , tôi đã biết giữ thăng bằng , không còn té oành oạch nữa. 

Năm sau đó , vẫn còn dám đi trượt tuyết , vẫn đăng ký lớp học , nhưng chả tới phần mình vì Thầy còn bận giúp bà chị và người bạn đứng vững vàng trên hai cái càng ski . Thầy chỉ cho vài chiêu rồi bảo tụi tôi hãy tự xoay sở lấy. Cả một ngày tập dượt rã rời , buổi chiều đi về , bỗng thấy ngọn Mont Blanc đang hứng ánh sáng vàng óng của hoàng hôn trong khi dưới thung lũng đã ngập tràn  bóng tối, cả nhà còn tiếp tục đi dạo lang thang để ngắm nhìn rặng núi cũng dần dần biến mất khi đêm về.

Rồi những năm sau , như một thói quen , tụi tôi chỉ đi quanh quẩn quanh vùng Savoie . Những lúc nghỉ dừng chân trên núi cao , ngắm những rặng núi trùng trùng điệp điệp chung quanh , ráng tìm cho ra Mont Blanc ở đâu , như tìm đến một người quen.

Tuần trước đây , mãi mới hội tụ gần đủ mặt các chị em để đi chung một chuyến đi trượt tuyết. Con em đến từ Mỹ chắc sẽ nhớ đời hai lần kẹt xe lúc lên và xuống núi  , lả cả người , cứ như cả nước Pháp cộng nước BỈ đang hà rầm đến cùng một nơi . Trời không có mây xanh biếc , lúc nào tử tế lắm là không có tuyết rơi  hoặc không có gió quất tuyết rát cả mặt , nhưng cũng chả ở nhà ngày nào . Khi không thấy gì nữa , thì liều mạng trượt không nhìn vào piste . Ấy vậy mà không té trặc chân như năm ngoái  , với trời đẹp nguyên cả tuần. 

Từ cái đận đầu tiên ra quân đến nay , nhờ tốt nghiệp trường học ski "chuồng bò" , đã tiến một bước dài , không còn làm cua bò lồm cồm xuống núi nữa , nhưng vẫn còn mặc cả với nhau chọn lưa màu piste, vì với tôi , không phải tốc độ lao mình xuống , mà là cảm giác như chim trời chao lượn từ sườn núi này sang sườn núi khác . Con em thì muốn đến nơi cần đến cho rõ mau , tôi thì đi theo màu piste hợp với khả năng của mình, rốt cuộc là nó chỉ cần 15 phút là bay sang vùng thung lũng khác , tôi thì gần ... hai tiếng đồng hồ hết trượt xuống rồi lại leo lên , theo kiểu hình chữ W! Nên lạc nhau hết mất cả ngày.

Ráng ra sức dụ dỗ gia đình con em út rời bỏ cái piste đầy người cứ như xa lộ E19 ở đây  để lên cao hơn , nhưng nó quyết tâm bám trụ , tà tà đi xuống và lên một piste cả ngày mà vẫn thấy vui , biết làm sao hơn, nó thắng được ý nghĩ đã té trẹo chân hai lần mà vẫn dám đi  là giỏi lắm rồi. Nhớ con này hồi nhỏ , vẫn trượt patin có bánh xe trong nhà để dọn bàn ăn , thậm chí có lúc bưng cả tô canh còn không đổ , vậy mà nó đã sớm quên cái khả năng giữ thang bằng xa xưa. 

Bà chị cả không trượt tuyết , cũng leo lên được hết các đỉnh cao nhờ télécabine và cả télésiege , không nhọc nhằn như chúng tôi , tha hồ nghiên cứu hết các rặng núi chung quanh vùng Menuires và phán chính xác Mont Blanc nằm ở đâu. 

Tôi không quan tâm lắm về việc định được rõ ràng vị trí Mont Blanc  mỗi lần đứng đối diện với núi chập chùng xa xa , nên chả có tấm hình nào chụp được chính xác dãy núi thân quen trong tên gọi này. Nhưng , như Cậu Hoàng con đã nói , cái điều trông thấy , không phải bằng mắt , mà tại tâm . Nên tôi êm ấm với những kỷ niệm đi trượt ski , với tấm hình trên lon sữa bò thuở ấu thơ của mình gán trên những rặng núi tôi đã có dịp đi qua , để nghĩ ,  Mont Blanc đang ở đâu đó quanh mình , Mont Blanc là một cái đích tôi đã đến được rất gần trong những giấc mơ giang hồ tung cánh , rặng núi hùng vĩ , bỗng dưng trở thành vòng tay êm ái ru tôi trong những hồi ức dịu dàng ....

Hương Quỳ (Bruxelles, 02/23/2016)

Monday, February 22, 2016

Vì Dây Mây Quấn


Nếu bạn sinh ra trong một đại gia đình, xem nào, có khoảng bốn hay năm bà bác ông bác, khoảng hơn một tá các bà chị các ông anh họ, không kể anh chị em ruột của bạn, với đủ mọi lứa tuổi từ bò lê đến mặt mụn, bạn sẽ hiểu ngay thế nào là “tình thế trung lập”, thế nào là “đứng ngay hai làn đạn”, thế nào là khôn khéo đi giữa quan hệ họ hàng mà không bị bắn chết tươi từ các phía. Hơn thế nữa, cái đại gia đình này, trong một khoảng thời gian dài, đã từng ở chung dưới một mái nhà hai tầng, năm phòng ngủ, một gian bếp, một cầu tiêu, một phòng tắm, một sân trước, một sân sau. Nói thế cho bạn hiểu, cái mối quan hệ gia đình này rất, rất gần nhau trong một không gian cũng rất, rất chật hẹp. Nó chặt chẽ và chằng chéo lắm chẳng chơi!

Đến đây bạn có thể thở phào vì khi ấy bạn còn nhỏ quá, không thấy hết được những điều vui có, buồn có, đụng chạm có, bực mình có, phức tạp có của cái sự ở chung này. Bạn đang độ tuổi bò lổm ngổm nên không biết đến chuyện các bà chị họ kình địch nhau vì một màu áo, chuyện cãi cọ xảy ra như cơm bữa vì ai phải quét nhà, ai phải rửa chén, ai phải lau bếp mỗi sáng, mỗi tối. Chuyện các ông anh họ leo cửa sổ trốn đi chơi gần sáng mới về. Chuyện đám con nít binh dây, phe này choảng phe kia, hoặc ca bài đoàn kết đi đánh nhau với đám con nít Chợ Chiều. Vì khi bạn lớn lên, các bác đã dọn ra riêng. Thái Phiên về với Thái Phiên, Thanh Trà được xây cất ngay bên Nhật Tân, sau này làm luôn cái Thanh Trà 2 bên kia đường, to hơn, đường bệ hơn. Rồi Bác Nội dọn lên ở trên đầu dốc Trần Bình Trọng, trong một căn nhà gỗ hai tầng, nhỏ nhắn có khuôn cửa sổ nhìn vào giữa sân Tiểu khu với lính tráng cầm súng ống đi qua đi lại. Sau năm 75, Bác được đổi cho cái villa diễm lệ trên đường Hoàng Diệu với cái vườn sau kéo dài vuông góc với sân sau của ngôi nhà hai tầng kể trên. Riêng Bác Thìn đi xa hơn, bác dọn tuốt về Ngã Ba Ông Tạ ở Saigon rồi mất ở đấy, không một lần quay lại Dalat. Nhưng đó là chuyện mãi sau này cơ.

Cứ tưởng tượng bạn là nàng dâu mới toanh về nhà chồng. Buổi sáng đầu tiên vào vai dâu hiền, bạn vác chổi quét sân trước lấy điểm. Xì, chuyện nhỏ, cái sân bé tí ấy mà, dăm phút đưa chổi là xong, nhưng đối với bạn nó lâu gì đâu vì bạn phải quét dưới sự quan sát của khoảng năm sáu cặp mắt dè bỉu “Nhìn cái tướng kìa! Đến cầm cái chổi cũng không biết cách!” Cầm chổi phải cầm làm sao nữa hả trời? Bữa ăn sáng cũng nhanh gọn, người lớn vội vàng tản tứ phía đi làm, đám con nít mắt nhắm mắt mở phóng đến trường. Nàng dâu mới không lo lắm, ung dung đi rửa chén đĩa, chẳng lấy gì làm ầm ĩ. Nhưng chờ đến giờ cơm chiều nhé! Khoảng hơn chục cặp mắt của đám con nít lom lom nhìn cô dâu mới chia cơm chia trứng chia thịt. Rồi đứa này tị nạnh đứa kia, và chúng nhìn thẳng vào mặt bạn, nói toẹt chị chia phần không đồng đều gì cả, tại sao nó được nhiều hơn em? Bạn đang ấp úng thì chúng hùng hổ tuyên bố “Ông không thèm ăn!”  Bạn hết hồn, hết vía, làm cho chừng đó con mắt đen lay láy kia hài lòng là điều không tưởng. Nhưng con nít vốn dễ quên và dễ tha thứ, rồi thì chúng cũng phụng phịu cho xong  bữa, tản đi như đàn chim nhỏ, làm những việc riêng của chúng. Bạn sẽ thấy chúng rúc rích ở góc này, la hét ở góc kia, hoặc kéo nhau đi mất biến, làm ngôi nhà bỗng chốc vắng lặng hẳn. Chiều tối người lớn đi làm về, không hề biết đám trẻ con bỏ cả buổi  chiều đi tắm suối, lội nước lõm bõm dưới dòng thác Cam Ly ngầu đục, hay vừa mới làm một chuyến phiêu lưu đến tận Đỉnh Gió Hú, qua làng Mọi, lục xục không chán trên khu Lê Lai với những ngôi nhà hoang bí ẩn. Nàng dâu mới ấy nếu có biết lũ trẻ đã làm gì, đã đi đến tận đâu, cũng im luôn, vì nói gì thì nói, thông đồng với đám con nít dễ hơn là lấy lòng chừng đó các bác các cậu các mợ bên nhà chồng. Hơn nữa nàng cũng cần kéo đám con nít về phe mình để còn có sức đối phó với các mụ chị em họ ghê gớm của chồng.

Đó là cái làm cho các nàng dâu nhức đầu và kinh hãi nhất khi về  ở trong cái đại gia đình này. Mới quen nhau biết anh ấy là con một, nàng dâu thở phào nhẹ nhõm, có biết đâu là bên cạnh ông ấy là cả tá các bà “mỏ nhọn” chị em họ vô cùng thân thiết, ruột rà. Cái đám chị em họ ấy là những người ngang ngang với tuổi của mình, xê xích dăm năm, bên tám lạng bên nửa cân. Có bà đã lấy chồng nhưng vẫn ở chung trong cái nhà hai tầng này, có bà đang trong giai đoạn hẹn hò, bồ bịch đến gọi ơi ới, có bà sắp lấy chồng, lâng lâng trong cái khoảng giữa đám hỏi với đám cưới, ngày đêm chỉ lo mỗi một điều không biết phải may áo cưới màu gì. Dù cho các bà có ở giai đoạn nào, có ở tuổi nào, có ghét nhau cỡ nào, các bà đều có một cái rất chung: đoàn kết chiến đấu với kẻ địch là những cô con dâu mới toe chân ướt chân ráo về nhà chồng. Các bà nhìn người lạ vào nhà bằng đôi mắt dè chừng, soi mói. Thế rồi móng vuốt ngấm ngầm xòe ra. Các bà không ác. Không, họ không ác độc tí nào. Các bà chỉ thương cái ông anh, cái ông em của các bà quá mà thôi. Các bà chỉ muốn bảo vệ cái thằng anh hay thằng em ngu như gì, đi rước con thần nanh đó về mà không biết bên ngoài nó nói cười nhỏ nhẹ, một dạ hai vâng, nhưng bên trong nó ngấm ngầm một bụng dao găm. Nó khôn lắm nhé, nó sai khiến ông anh ông em họ của các bà, quay các ông như dế, đến nỗi các ông ấy cuối cùng chỉ còn biết “thờ bà” để được yên thân. Ấy, các bà to nhỏ nói thế sau cái đám cưới linh đình khoảng dăm tháng. Các bà ấy không biết, sau chừng đó ngày, nàng dâu mới đã thành cũ, đã biết tỏ tường lề thói nhà chồng rồi, dễ mà ăn hiếp được ấy à? Nàng dâu được đám con nít mách lẻo lại, chỉ cười lạt “Thế thờ bà thì xấu chỗ nào nào? Chỉ cho tao xem.” Đám con nít nghe câu trả lời phục lăn lóc.

Nhưng cái đại gia đình đó vốn làm cho bạn nhức đầu nhức óc, lại là một cái phao cứu tinh cho bạn những khi khốn đốn trong đời. Nhất là chuyện túng thiếu tiền nong, hụt trước hụt sau vì những khoản chi trả không lường trước được, chuyện con dại cái mang không biết phải làm sao khuyên nhủ chúng. Bạn rón rén nhờ họ hàng giúp đỡ thì thoáng cái vèo là đâu vào đó. Các bác các cậu các mợ các chú sắp xếp mọi chuyện đến rõ khéo, chẳng ai chê trách vào đâu được, chẳng ai nói năng vào đâu được. Ấy thế vậy mà cái hội đồng gia tộc vĩ đại đó đã bị một cú lừa hi hữu của thế kỷ. Chuyện kể lại cứ như trích dẫn từ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng với cảnh mẹ chồng tương lai là mụ ăn mày ngoài chợ được thuê mướn, các bà bác mắt mờ đi vì những đồng tiền được xòe ra mà không biết là tiền đi vay mượn tám phương mười hướng, các ông bác có tỉnh táo hơn, cố bỏ vào vài lời khuyên cũng bị các bà gạt phắt. Hậu quả người chị họ mắt to, mũi thẳng, phảng phất nét Tây lai, đẹp nhất họ, đẹp nhất nhì Dalat đi lấy chồng mà không biết mình cũng lấy luôn cái bàn hút thuốc phiện. Nhưng cũng phải nói thêm, cái bàn nghiện ấy rất yêu thương vợ con của mình.

Chuyện đại gia đình có rất nhiều bí mật mà nếu bạn chỉ là đứa con nít chập chững biết đi vào thời đó, thì bạn đã bỏ sót bao nhiêu chuyện ly kỳ hay ho rồi. Khi lớn lên bạn được nghe kể lại thì đã tam sao thất bổn, mỗi người kể một kiểu, bạn chẳng biết tin ai. Như cái ngày bà bác nổi giận lôi sạch áo dài của bà con gái ra đốt, khét mù cả góc sân, bác điên tiết cấm không cho chị đi chơi, còn bạn thì mới té trên bàn máy may xuống, đầu sưng một cục vì ngồi chưa vững, lấy đâu ra mà hiểu có phải lỗi tại chị ấy hay không. Hoặc thiên tình sử của bà khác đang lúc lâm ly thì bị cắt đứt cái phựt! Mẹ của chị không cho chị quen lính, lấy lính làm chồng, bạn khi ấy mũi rãi còn thò lò, chỉ nhớ mang máng ông bồ chị hay đến nhà chơi trên chiếc xe Jeep bóp còi inh ỏi. Ôi những bà chị họ này. Có biết bao nhiêu mối tình dang dở, có biết bao nhiêu nước mắt nhỏ ra khi bậc cha chú chen vào tình cảm của các chị, lôi các chị trở lại với thực tế, thay vì để các chị lơ mơ trên mây, than khóc vớ vẩn cùng gió với mưa. Hoặc khi ông anh họ bị lửa xăng phựt cháy mặt, cả nhà hốt hoảng, táo tác, la hét, bạn còn đang nước mắt vòng quanh vì bị bà chị họ cắt tóc bằng cái kéo cùn, cắt phát nào đau điếng phát đó, như bị lột da đầu, rốt cuộc chịu không nổi bạn khóc thét lên, bà ấy giận dỗi quăng kéo để bạn với mái đầu nham nhở như chó táp. Buổi tối Má bạn ra sức sửa lại để rồi ngày hôm sau đi học, bạn nhất quyết đội nón ngay cả trong lớp!

Đến khi bạn được chính thức nhận vào hàng ngũ “buôn chuyện” của đám chị em họ, bạn đã ở cách xa ngôi nhà hai tầng năm phòng ngủ một cầu tiêu một phòng tắm cả vạn dặm, và đại phần cái đám “buôn chuyện” ấy tóc đã được nhuộm đen nhánh,  lòi chân gốc bạc trắng, da mặt nhiều nếp nhăn của thời gian và đôi mí mắt đã bắt đầu sùm sụp nắng nề. Các bà bây giờ đang toát mồ hôi lo chuyện con chuyện cháu của mình, rảnh rang một tí mới nhìn ngang nhìn ngửa sang chuyện họ hàng. Bây giờ chuyện “buôn dưa lê” trong họ không còn là một màu áo, một màu son, chuyện tị nạnh ai phải quét sân trước, ai phải cho gà ăn, ai phải đi chợ, ai phải chia cơm cho lũ con nít. Không còn là chuyện bà ấy được đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ, thì bà này cũng phải được đi học cái gì đó ở đâu đó cho công bằng. Chuyện bây giờ khác xưa lắm rồi, mang màu chết chóc nhiều hơn, đại khái như cúng giỗ chẳng hạn, ma chay chẳng hạn hay bốc mộ chẳng hạn. Chẳng gì thì gì, các cụ đã lần lượt rủ nhau về dưới, người trước kẻ sau. Thần Chết đã gõ cửa đại gia đình này khá lâu rồi.

Bạn ở cách xa nơi xảy ra chuyện khoảng một nửa trái đất, chuyện thực hư ra sao bạn chẳng biết tỏ tường. Nhưng chị em gọi cho bạn bảo đám ma anh ấy họ hàng đến nhà viếng mà vợ anh đón tiếp nhạt phèo, như người dưng, ngồi một lúc lạnh lẽo quá đành đứng dậy ra về. Bạn không tưởng tượng được cái nàng dâu phải quét nhà dưới dăm cặp mắt năm nào lại hành xử như thế. Nhưng bà ấy chẳng bao giờ liên lạc với bạn cho nên bạn không có cơ hội kiểm chứng có phải thế không. Cái ông anh họ đó ngoài chuyện là anh của bạn còn là thầy của bạn cùng lúc là tác giả bài thơ lục bát bằng tiếng Pháp “Depuis que je te connais. Il y a dix huit années…” không còn nữa. Bạn cũng muốn gởi một lời chia buồn, nghe thiên hạ nói ra nói vào bạn đâm ra hoang mang rồi đành vừa nghe vừa đánh nhịp thế ạ, thế ạ cho qua chuyện. Cả họ coi như mất đứt một nhánh vì chị dâu đoạn tình với cái đại gia đình này. Nhưng mà có thật như vậy hay không thì còn khuya bạn mới biết, trừ phi bạn về lại Việt Nam, gõ cửa nhà bà ấy xem bà ấy đón tiếp mình theo kiểu gì.

Sau rồi đến chuyện tảo mộ. Cụ bà mất ở Dalat nên chôn cất trên Mả Thánh, sau này hài cốt của cụ được dời về khu Du Sinh, trong mảnh đất mà ông em đã mua sẵn cho cả dòng họ. Cụ ông đi sau, mất ở Saigon, nên được chôn ở Saigon. Ông bà ở xa nhau cả mấy chục năm trường, biền biệt đôi ngả. Nếu giá đất đai ở Việt Nam không nhảy vọt một cách vô cùng tự do, tấc đất là tấc vàng, đến nỗi phải giải tán nghĩa trang đem đất đi bán, thì ông với bà còn tiếp tục xa nhau. Nhưng đất cần cho người sống hơn người chết, lệnh giải tỏa nghĩa trang đưa ra. Con cái ở xa, họ hàng không kịp thông báo, mà có báo chắc cũng không kịp về. Hơn nữa theo di chúc để lại của ông bác, vốn con trai cầu tự của cả dòng họ, bác muốn mọi người được sum họp với nhau ở Du Sinh, cho nên họ hàng bên Việt Nam quyết định tảo mộ cho cụ ông. Bạn chẳng hiểu đầu cua tai nheo tình hình khẩn cấp đến cỡ nào, bạn chỉ nhớ bạn nhận được một mẩu tin báo rồi bảo cả họ chung tiền giúp đỡ chuyện tảo mộ. Bạn hăng hái gởi tiền về Việt Nam góp phần vì bạn vốn thương bác trai dáng người cao gầy, ngày ngày kẹp ống quần tây lại, đạp xe đạp từ Hoàng Diệu xuống gần Đa Thiện thăm cháu nội, đều đặn ngày hai buổi đi đi về về. Bàn ăn tám chỗ bạn nhớ bác ngồi phía bên tay phải, đầu bàn còn bạn thì ngồi cạnh bác, mặc dù đã được kê cái ghế đòn ngồi cho cao, bạn vẫn không với tới được đĩa thịt, bác thò đũa gắp giùm cho bạn. Bác vừa ăn vừa ho vừa khạc nhổ ầm ĩ, coi mọi người như pha. Nhưng chẳng ai để ý. Căn phòng của bác bạn thừa hưởng sau khi bác về Saigon, cộng thêm cuốn sổ nhật ký và “cái rương ma” làm quà. Thế rồi bác mất và bây giờ mộ bác bị dời đi. Nếu chỉ đơn giản thế đã không thành chuyện. Chỉ vì bây giờ bạn được quyền buôn dưa nên bạn nghe mọi người thi nhau gọi tán loạn lên về chuyện này. Bên Việt Nam đưa tro cốt bác về Dalat, bên Mỹ nhảy dựng lên bảo sao không nói một tiếng. Bên Việt Nam bảo có nói nhưng anh chị có làm gì không. Bên Mỹ bảo bác đang mồ yên mả đẹp, phần đất bác là do công của người này tiền của người kia, không nỡ bội ơn bỏ mộ như vậy. Bên Việt Nam bảo người ta đòi đất, phải đem cốt bác đi chứ. Bên Mỹ bảo tại sao không nói sớm? Việt Nam bảo không kịp, họ bảo phải tảo mộ ngay!  Và bạn là người đứng giữa các làn đạn bắn đi đó, đầu óc vẫn ù ù không hiểu chuyện gì xảy ra…Nếu là bạn, bạn sẽ thắp hương cho bác, bảo, bác ơi, đã đến lúc mình trở về Dalat rồi, cái xứ mà khi bác chia tay nó về Saigon năm nào, bác đã ứa nước mắt. Thế thôi.

Còn bây giờ thì bạn đang ra sức là người trung dung, dặn lòng không được ngả theo phe nào để cho các bà chị họ tiếp tục gọi bạn, nói chuyện với bạn, tán dóc với bạn. Để có chỗ cho các bà ấy trút nỗi niềm, những khúc mắc mà nghe xong, bạn được dặn với “Em nghe để bụng đừng nói một ai”. Bạn để bụng ấy chứ, đâu dám kể cho ai nghe? Bạn chả dại gì đem dầu đổ vào lửa. Và có lần bạn cẩn thận ba phải đến mức một bà cáu tiết la lên “Trời ơi cái con này ngây thơ quá! Nghĩ như em thì em là Phật rồi đấy!” Té ra làm Phật cũng dễ thật! Bạn chỉ muốn các bà cứ tha hồ mà thố lộ tâm tình, nếu không bạn đâm buồn vì chẳng ai gọi chuyện tán dóc với bạn nữa. Mà bí mật gia đình vốn là những đề tài hấp dẫn nhất. Tất cả mọi cuộc đời, dù buồn tẻ cách mấy, cũng có những bí mật của nó. Trình độ tán chuyện của bạn đang ở hạng Facebook, Viber với lại Skype, nhưng bạn vẫn chờ những cú điện thoại của các bà, vì các bà chẳng biết Viber tròn méo ra sao, không cách chi mò lên Skype được, và Facebook chỉ tổ làm các bà hoang mang. Các bà nhấc điện thoại lên gọi cho bạn để bạn còn được nghe ngóng chuyện đời xửa đời xưa, hoặc chuyện nóng hổi mới xảy ra, tất cả những chuyện mà nếu có viết lên Facebook thì tốn tỉ giờ ngồi mò dấu hỏi dấu ngã, có gởi email lại càng mất hứng hơn. Có lắm hôm nghe xong bạn thở dài “Tội nợ họ hàng!” nhưng phần lớn bạn tự nhủ “Thế a?”.  

Mà nói cho cùng, bạn rất yêu các bà ấy. Thật thế. Họ là một phần đời của bạn. Qua họ, bạn thấy lại những năm tháng xa xưa, những kỷ niệm xa xưa, thấy lại ngôi nhà xưa, thấy mình còn là đứa con nít, tai lúc nào cũng dỏng lên hóng hớt, lượn lờ quanh đám người lớn nghe lóm “chuyện cấm”. Và cho dù bây giờ họ có lẩm cẩm, khó tính, khó chiều, bạn vẫn yêu họ như thường. Nhất là khi họ nói tuổi của họ cho bạn nghe, bạn giật mình và càng yêu họ hơn.

Vì dây mây quấn ấy mà.

Lan Hương (Fort Worth, 02/22/2016)
 

Monday, February 8, 2016

Sân trước một nhành mai



Đó là năm 1989. Gia đình tôi chộn rộn với chuyện đi đứng, chẳng ai còn lòng dạ nào cho những ngày Tết Kỷ Tỵ mặc dù đó là cái Tết cuối cùng của mọi người ở Việt Nam. Thậm chí cây mai già bên nhà Bác Hiện đã nở hồng một góc trời, tôi cũng không để ý đến. Mùa hoa quỳ đi qua từ lúc nào, tôi cũng không hay. Gió lạnh về làm cho bầu trời xanh hơn, cao hơn, tôi cũng không ngước lên nhìn. Và lòng tôi tuyệt nhiên chẳng chút xôn xao với những đám sương mù trắng xóa ẩm ướt mỗi sáng. Tôi không còn tâm trí nào tơ tưởng đến cây với cảnh, đến bầu trời, đến cụm mây, đến những hàng thông xôn xao bên kia đồi, đến những tia nắng vàng hanh chiếu xiên vạt tường,  lúc mà mở toang cửa sổ phòng khách, tôi vẫn còn nhìn thấy được mái trường Petite Lycee Yersin và con đường uốn lượn dẫn vào khu Du Sinh.

Đã bao nhiêu năm qua, ký ức cứ dần dần trôi tuột theo ngày tháng, cứ như nước chảy qua kẽ ngón dù cho mình đã cố khép chặt bàn tay lại. Thi thoảng tôi tự hỏi năm đó ở nhà có gói bánh chưng không, và nếu có, thì ai là người gói, ai là người thức canh nồi bánh? Tôi đồ rằng việc lau lá đãi đậu xanh vẫn đến tay tôi vì gói ghém thì tôi chẳng làm nên trò trống gì, nhưng tôi biết không còn cái cảnh giăng chậu giăng rổ ở sân trước rồi ngồi ê mông đãi đậu từ sáng đến trưa. Tôi không nhớ Ba có tự tay chẻ lạt hay mua sẵn mấy bó giang ngoài chợ. Tôi cũng quên mất Má có nấu món thịt đông, có muối vại dưa cải hay không. Và anh Doãn, người gói bánh chưng đẹp nhất họ, năm ấy có lên nhà tôi, ề à xốc kính ngồi vào cái chiếu trải giữa nhà rồi sai tôi chạy rót nước, đong đậu, thêm lá, thêm lạt hay không? Lúc ấy hai bà chị tôi đã sang Bỉ trước, nhà chỉ còn Ba Má và bốn người con, dâu rể và bốn đứa cháu, tổng cộng 12 mạng, trong đó một nửa sẽ đi vào khoảng 2 tuần sau Tết, phần còn lại dứt áo từ biệt Dalat vào tháng Tư. Tôi nằm trong danh sách kế tiếp thế nên mấy ngày trước Tết, trong Tết hay sau Tết, một nửa hồn tôi đã ra khỏi Việt Nam mất rồi, bay lơ lửng đâu đó khoảng giữa Dalat và Bruxelles, nửa hồn còn lại chẳng đủ cho tôi chân chạm đất, đi gom góp hết những gì tôi muốn giữ lại trong ký ức mình trước khi từ biệt quê nhà. Từ Dalat cho đến Saigon, từ nhà số 7, đến tiệm Nhật Tân, con dốc Yagut, con đường Hoàng Diệu, đường Lê Lai, Trần Bình Trọng, rồi từ trường Hùng Vương, trường Lam Sơn đến Bùi Thị Xuân. Và bạn bè. Và người thân…Biết bao thứ mà tôi thì cứ lơ mơ ở tận đâu đâu. Vậy mới hay khi ra đi, có bao nhiêu thứ mình để lại sau lưng…

Tôi nhớ ngày 29 âm lịch, theo thông lệ cả họ vẫn tụ tập ở nhà Bác Tự ăn Tất Niên. Má bảo tôi lên thắp nhang cho Me và các cụ, khấn vái mong cho chuyến đi xuôi trước lọt sau. Giấy tờ, vé máy bay đã cầm trong tay, nhưng bà vẫn lo, chẳng tin chắc vào điều gì. Tôi leo lên ba tầng lầu, cái sân thượng dạo nào là sân chơi của chúng tôi thuở  chùi mũi chưa sạch, giờ đã thành lầu ba và Bác Tự dành nguyên một căn phòng lớn làm nơi cúng kiến thờ phượng. Đứng trước di ảnh của Me, tôi nhớ mình lầm rầm khấn “Me phù hộ cho con nghe” rồi lại nghĩ mà Me có biết tìm mình ở đâu không mà phù với hộ? Tôi vốn mâu thuẫn như thế, nửa tin vào thế giới bên kia, nửa còn lại rất thực tế, bảo làm sao người âm đến với người dương để mà đỡ đần. Câu chuyện của cả họ hôm đó chủ yếu là chuyện nhà tôi đi định cư ở Bỉ. Ba Má tôi buồn vì không biết đến bao giờ gặp lại họ hàng thân thích, riêng tôi thì hồi hộp, chờ đợi những điều mới lạ ở chân trời mới, người bay bổng trên chín tầng mây. Ăn cỗ xong tôi nằm ngả ngớn trong chiếc giường lớn của các bà chị họ mà không ngờ rằng hôm ấy là ngày cuối cùng trong đời tôi, tôi được nằm nghe các bà rì rầm tán đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện trong nhà ngoài ngõ. Chỉ vì tôi tâm tâm niệm niệm rằng có lúc tôi sẽ trở về, sẽ gặp lại tất cả mọi người, không chóng thì chầy. Tôi đi Bỉ chứ có phải đi đến nơi tận cùng thế giới đâu nào. Cái tâm niệm này đã qua mấy chục năm mà tôi chưa một lần quay lại Việt Nam. Và anh chị họ của tôi, dù muốn hay không, đã có những người trở thành những vì sao biết cười trên bầu trời của tôi. Họ chẳng thể chờ tôi được. Để gặp lại họ, tôi chỉ còn cách nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm và lắng nghe những vì sao ngân nga.    

Buổi chiều về nhà, tôi bắt đầu lôi những cuốn nhật ký của mình ra đốt. Những cuốn lưu bút ngày xanh của bao năm làm học trò Lam Sơn, học trò Bùi Thị Xuân tôi đã đưa cho đứa bạn thân giữ giùm, tôi không nỡ quăng những dòng mực xanh, những câu văn non nớt, những tấm hình đen trắng của bạn bè thuở mới lớn vào cái miệng lò há toang hoác đen xì muội khói. Tâm sự nỗi niềm của tôi trong suốt những năm tháng ở Dalat, ở Saigon, cộng thêm với cuốn truyện dài tôi viết cho riêng tôi đọc, đủ để đun sôi một nồi nước to đùng cho tôi gội đầu, tắm táp đầu xuân. Thậm chí tro tàn cũng đủ cho một nồi nước nóng khác để tôi lôi ba con chó ra tắm luôn. Đốt những cuốn nhật ký này, tôi đoạn tuyệt với những năm tháng ở Việt Nam, dứt áo ra đi và chuẩn bị cho một cuộc sống xa lạ khác ở một đất nước xa lạ khác, nơi rồi sẽ có những cuốn nhật ký khác, những mối bận tâm khác, những tâm tình khác. Hành trang lên đường của tôi đã sẵn sàng trong hai cái vali bằng da giả và một cái rương bằng thiếc, kẻ tên tôi và địa chỉ của anh tôi bên Bỉ màu xanh, rõ ràng, thẳng tắp. Khi ra phi trường Tân Sơn Nhất làm thủ tục cân đo hành lý, con mụ chằn ăn làm việc ở đó nhìn vào vali và cái rương của tôi rồi thốt lên “ Nhà này đến cái chổi cùn cũng mang theo!”

Ngày ba mươi Tết, Má vẫn nấu xôi vò gà luộc cúng Giao Thừa, Ba vẫn phơi phóng phong pháo ở góc bếp để đốt cho nổ dòn. Một tí chộn rộn đây kia nhưng nhiệt tình của những Tết xa xưa đã chẳng còn bao nhiêu. Nhà thiếu hai người mà đâm ra vắng vẻ hẳn. Tôi tiếc không chụp lại hình ảnh cây mai cuối cùng nơi góc nhà. Tôi tiếc không giữ lại được mùi pháo cuối cùng của đêm ba mươi rất sâu rất tối. Tôi vẫn lấy cái khăn bàn trắng ra ủi rồi trải lên cái bàn ăn tám chỗ ngồi, tôi vẫn soạn sửa mứt với hạt dưa đem ra bày. Theo tục lệ, nhà tôi không thể không có hoa nên nên khắp phòng la liệt những bình hoa được cắm công phu, tỉ mỉ. Nhưng tôi quên mất cái đêm ngồi thức canh bánh chưng cuối cùng ở Dalat ra sao, tôi có bỏ trốn đi ngủ sớm không, tôi có chịu khó đứng gần bể nước múc nước đổ vào cái thùng phi sôi lục bục không. Rồi sáng hôm sau tôi có đứng phụ vớt bánh ra, nhúng vào cái thau to tướng để rửa trước khi đem ép không. Tôi cũng chẳng nhớ nổi mùi vị cái bánh chưng cuối cùng được ăn ở Việt Nam như thế nào. Mùi mứt dừa, mứt gừng ra sao cũng không còn trong dư âm. Với tất cả những nỗi háo hức về chuyến phiêu lưu sắp tới , tôi đã bỏ qua rất nhiều điều mà sau này nghĩ lại, chúng như những chiếc gai nhọn, cào vào ký ức tôi, nhức nhối. Và đôi khi làm tôi bần thần cả ngày với cả đống những câu hỏi không câu trả lời.

Ngày mùng một Tết, cả nhà sửa soạn ăn mặc đẹp, có chụp hình hay không tôi không nhớ, mà nếu có hình thì tôi cũng chẳng giữ được cái nào. Con mụ ở phi trường đanh đá bảo tôi “mang theo chổi cùn”, thật ra có mấy cuốn album tôi còn chưa mang đi được nữa kia. Sau khi Ngoài Hàng kéo vào nhà tôi đòi Ba Má tôi lì xì rầm trời, rồi một màn bầu cua của thiên trả địa chớp nhoáng, cả đám lại kéo xuống Thái Phiên như thông lệ hàng năm. Khi Bác Chính đưa cho tôi cái phong bì đỏ, Bác bảo sang đó cố học hành cho giỏi rồi về thăm Bác. Anh Hưởng, người hay gọi tôi là “Dế Mèn” khi tôi còn nhỏ, chắc vì màu da tôi không được trắng trẻo cho lắm, lần này không chọc tôi nữa mà chỉ nói khi nào lấy chồng nhớ đừng quên anh. Vậy mà tôi đã đi biệt chẳng về thăm Bác lấy một lần. Đám cưới tôi anh Hưởng không có mặt. Bây giờ cả hai Bác đã làm một chuyến đi  xa không quay lại, hai Bác Tự nối gót, rồi đến Ba Má tôi cũng bỏ chúng tôi đi nốt. Anh Doãn cũng không còn để sai tôi chạy vặt, anh Hưởng cũng không còn để làm cho tôi sợ hãi mỗi khi gặp anh, anh vừa cười vừa gọi “Con Dế Mèn đâu?” Họ chẳng còn ở đó chờ tôi quay về, chờ tôi đến trước cánh cổng nhà Chính Lầu hay hai cánh cửa sắt Thanh Trà mà hét tướng lên “Chào Bác, cháu về rồi!”

Có lẽ Ba Má tôi là những người ý thức được đó là cái Tết cuối cùng ở Việt Nam rõ ràng nhất nên khi chia tay ra về, tôi thấy mắt Má đỏ hoe. Riêng tôi đã kịp đảo một vòng khắp vườn của Bác, từ vườn trên xuống vườn dưới, thăm thú cả cái chuồng heo, thăm các cây đào huyết, bụi túc cầu xanh lơ, hồ cá đóng bèo xanh ngắt. Như một lời từ biệt dành cho Thái Phiên, cho thời thơ ấu vô tư lự với những kỷ niệm tràn đầy khắp nẻo trong ngôi nhà và khu vườn của Bác Chính. Nơi hai bác vốn thương con cháu, chẳng nỡ rầy la đứa nào, để mặc cho cho chúng tung hoành khắp vườn trên vườn dưới.

Ngày mùng hai làm gì tôi không nhớ, ngày mùng ba cũng thế.  Tôi biết chắc rằng không hề có chuyện nhà số 7 với đám Ngoài Hàng kéo nhau vào Đa Thiện hay đi Datanla, hay đi Suối Vàng. Số 7 bận bịu với chuyện ra đi, Ngoài Hàng khi ấy các anh chị đã lập gia đình, bận bịu với những việc riêng của mình, nên chẳng ai rủ ai làm một chuyến chơi Tết trong rừng như những năm nào. Tôi chỉ nhớ trong mấy ngày đó tôi có mượn chiếc xe Honda của bà chị, rủ con bạn thân đi thăm Dalat một vòng trước khi tôi rời xa nó. Gởi xe ở đầu dốc, tôi và nó thả bộ xuống hồ Đa Thiện, tôi nhớ những lần cả nhà rủ nhau đi picnic, tay xách nách mang, vác đồ ăn vác đàn đi tuốt vô sâu trong rừng, càng xa đám du khách càng tốt.Mặt nước hồ yên ả, lác đác vài bóng xe đạp nước hình thiên nga. Tôi bần thần đứng nơi cửa đập, nhìn xuống dòng nước ri rỉ chảy ra suối, không biết phải chia tay với kỷ niệm như thế nào.  Sau đó tôi và nó leo lên hồ Con Rồng trên đỉnh đồi. Nhớ thuở nào đám con gái trong lớp kéo nhau ra đây, nghịch ngợm thi nhau leo lên đầu rồng chụp hình. Tôi có ghé vào vườn hoa Dalat. Du khách chưa đổ tới nên tôi vẫn còn thấy được những bông coquelicot màu đỏ thắm, hoa muguet muôn màu, hoa thược dược khoe sắc và hàng tỉ màu hoa đặc trưng khác của Dalat. Và có hay không những bông hoa Fortget Me Not xanh nhạt, tôi không nhớ nổi. Tôi chở bạn lượn lờ trên con đường Trần Hưng Đạo, hàng cây thông vẫn reo trong gió, và cây xá lị nở hoa trắng xóa cuối con dốc.  Thấp thoáng xa xa mặt hồ Xuân Hương im lặng soi bóng Đồi Cù. Bạn rủ tôi đến chùa Trại Hầm xin xăm. Trong chừng đó ngôi chùa trong đời tôi, tôi chỉ nhớ về Linh Sơn với tiếng chuông ban mai ngân nga trong đám sương mù lành lạnh, nhớ về Khuôn những đêm trăng rằm vằng vặc ngồi sinh hoạt thiếu nhi trước sân chùa mênh mông. Chùa Trại Hầm không để lại ấn tượng gì nhiều với tôi ngoại trừ những bậc cầu thang lên đồi cao vút. Buổi chiều về nhà, tôi lấy chổi quét sân trước, những cánh mai hồng bên nhà Bác Hiện vẫn rơi rụng theo gió đông, đáp xuống sân nhà tôi, trộn lẫn với xác pháo đỏ Ba tôi đốt đêm Giao Thừa và sáng mùng một. Vừa quét, tôi vừa nhủ thầm, khi nào tôi sẽ quay về để quét những cánh hoa mai này lần nữa, quét những xác pháo này lần nữa? Một năm, hai năm, hay mười năm? Lúc ấy tôi không biết rằng, chẳng bao giờ. Mãi mãi chẳng bao giờ.

Buổi tối có mấy người bạn đến nhà chơi. Đám bạn biết tôi sắp ra đi thành ra ngồi nói chuyện với nhau câu chuyện bỗng dưng rời rạc, chẳng đâu vào đâu. Đáng lẽ tôi phải nói lời từ biệt một cách văn hoa bay bướm hơn vì biết đến khi nào mới gặp lại những khuôn mặt thân thuộc này? Tôi chỉ thông báo gọn lỏn “Ờ mình sắp đi,không biết bao giờ về”. Bạn nói “Vậy hả? Sang đó làm gì?” “Đi học lại, mình nghĩ vậy”. Thế thôi. Rồi cả đám thi nhau cắn hạt dưa, nghe nhạc ABBA, Modern Talking. Nói chuyện tầm phào vô thưởng vô phạt. Bóng bạn chưa khuất dưới dốc, tôi đã thấy trống rỗng trong lòng, để rồi mãi về sau này, hình bạn bè theo internet đến với nhau, cả đôi bên ngỡ ngàng vì thời gian trôi qua chẳng thương xót cho riêng một ai.  

Cái Tết cuối cùng ở Dalat đó, chẳng ra gì, tôi có thể nói như thế. Vì hồn tôi không ở cùng Tết, không ở cùng Dalat. Vì tôi đã chuẩn bị cho mình với tư thế là một người sắp đi xa, đi mà không biết bao giờ về. Thế nên thay vì ráng giữ tất cả những hình ảnh đẹp nhất của ngày Tết, tôi vô hình chung xóa sạch chúng trong ký ức của mình. Để bây giờ tôi khổ sở ngồi moi óc ra ráng nhớ, những ngày đầu năm 1989 ấy, mình đã làm gì? Mình đã đem theo những gì trong cái Tết cuối cùng ấy đi cùng mình đến một nơi không còn Tết nữa? Đến một nơi mà mỗi khi Tết về, thấy lòng hụt hẫng, và chợt mơ về cánh hoa mai rụng năm nào. Đến một nơi khi cắm những bông hoa glaieul cho một ngày Tết duy nhất, lòng bồi hồi nhớ về những cánh hoa đỏ thắm trên bàn thờ đêm Ba Mươi trước hiên nhà.

Sân trước một nhành mai nở, sân sau những chậu lan nở, cây mimosa trồng muộn màng góc vườn đã nở, đám hoa verveines vẫn đưa hương, dàn huỳnh anh dăm bông nở lác đác, riêng dàn hoa giấy quanh năm suốt tháng với màu đỏ tươi . Chừng đó màu sắc làm nên nhà tôi trong những ngày Tết. Vậy mà trí óc tôi cứ mờ mịt, lãng đãng, không nhớ cái này, bỏ quên cái nọ. Rồi buồn bã nhìn vào mớ kỷ niệm ít dần theo ngày với tháng.  

Tôi đã rời bỏ xứ sở của tôi. Tôi đã rời bỏ ngôi nhà của tôi. Tôi rời bỏ mặt trời ban mai trên những ngọn đồi, rời  bỏ tiếng hát vi vu của những rặng thông, rời bỏ Đồi Cù với cỏ hồng man mác, rời bỏ rặng núi Bà chập chùng xa xa. Và rồi trong những ngày tháng phiêu bạt, mặt trời xưa thỉnh thoảng trở về, tiếng thông reo trong gió thỉnh thoảng trở về, mùi đất xông sau cơn mưa trở về. Ký ức cũng trở về. Riêng tôi, giật mình hoảng hốt, vì thật ra mình chẳng còn nhớ được gì nhiều, dù đã cố sức nhặt nhạnh những hồi ức đây đó.

Nhưng chẳng đủ để cho ngày Tết của tôi bên này bớt thiếu vắng hơn.

Lan Hương

Fort Worth 02/08/2016

 



 






Wednesday, February 3, 2016

Tận hưởng nỗi cô đơn (Thanh Điệp)


Cô đơn nhiều khi là một cảm giác rất lạ mà lúc nhớ lại người ta thậm chí cảm thấy những khoảnh khắc ấy thật quý giá mà may mắn mình mới được trải qua. Mặc dù lúc ấy mình đã đau đớn hay để nước mắt tràn trề hay cả cảm giác trống rỗng…

Đó là một sang cuối năm 1975, tôi bị giao công tác đi thống kê tất cả máy móc nông cơ trong phường (đi bằng đường xuống dốc trường Adran). Ngày hôm đó rất đẹp, trời rất trong và xanh, những dải mây trắng mỏng manh bay lang thang yên lành, cả gió cũng rất nhẹ…Lẽ ra là để báo hiệu một mùa xuân thanh bình mới phải. Vậy mà sao lòng mình buồn quá đỗi! Tôi nhìn lại mình, quần đen, áo đen, đầu trần, chân mang dép nhựa, tay ôm chồng sổ sách thống kê…Không còn áo dài, không còn quần tây, không còn giầy đẹp…Tất cả đã mất hết trong một ngày, trong một tuần. Không! Chỉ trong một khoảnh khắc…Nhìn sang bên kia thung lũng, nguyên cả sườn đồi là một thảm hoa quỳ vàng. Nhớ lúc còn đi học, hàng ngày trên đường từ nhà đến trường chẳng để ý gì đến hai bên đường, đến sườn đồi bên cạnh, chợt một hôm thấy trời trong hơn, gió nhẹ nhàng hơn và hoa quỳ nở vàng rực khắp nơi. Mỗi lần thấy hoa quỳ nở như thế bọn mình lại kháo nhau  “Hoa quỳ nở rồi kìa, vậy là đã hết mùa mưa, rồi hoa mai sẽ nở và thế là Tết!” Sung sướng biết bao những ngày thơ ấu…Bây giờ chung quanh tôi hoa quỳ cũng rực rỡ bao phủ khắp sườn đồi bên kia, bên này. Dọc con đường vắng ngắt, không một bóng người, nhà cứa thưa thớt, xa tít tắp, lâu lâu mới có tiếng chó sủa vọng đến từ rất xa…Tôi đứng lại tự nhiên nước mắt ứa ra, tôi vội rẽ lên sườn đồi, len vào giữa đám quỳ, ngồi đại trên bờ đất và khóc sướt mướt, khóc thành tiếng, khóc tha hồ mà không sợ ai nhìn thấy…Tôi không biết tại sao mình khóc, khóc như hồi còn nhỏ và thấy như mình đang mất một điều gì lớn lao lắm và mãi mãi sẽ không bao giờ còn tìm thấy và tiếc nuối vô cùng mà không giải thích được. Tôi đã khóc chán chê cho tới khi cạn nước mắt rồi trở xuống đường, con đường vẫn lặng ngắt không bóng người lại qua.

Quỳ xưa
Cho tới bây giờ, tôi không bao giờ có lại cảm xúc ấy lần thứ hai. Con đường ngày xưa bây giờ toàn nhà là nhà, san sát chen nhau. Không còn đồi thông, không còn hoa quỳ và không còn khung cảnh lặng lẽ ngày xưa nữa.

 Một lần khác, vào năm 2001, khi đi thăm chị Tố Nga đang dưỡng bệnh ở nhà thờ Vinh Hương Ban Mê Thuột. Nửa đêm đang ngủ chợt tỉnh giấc, từ cửa sổ một thứ ánh sáng dịu dàng tràn vào phòng khiến tôi ngợp đi trong một cảm giác rất lạ...Tôi mở cửa bước ra sân...Thì ra đó là đêm rằm, trăng đã lên tới đỉnh trời, trời hôm ấy thật cao, trong và không một gợn mây. Nhà thờ nằm trên đồi, chung quanh là vườn cây. Nơi tôi đứng là một vườn hoa nhỏ chan hòa ánh trăng, gần đó là một gốc thông già đứng chơ vơ bên cạnh chiếc ghế đá. Tôi ngồi ngả đầu trên thành ghế, nhìn vầng trăng thật tròn treo đầu cành thông. Trời không có gió nên cảnh vật thật im lìm. Tôi chợt thấy buồn, nỗi buồn không duyên cớ...Tôi cố nhớ ra một điều gì đó, cố nhớ đến chị Nga đang đau để có một lời cầu Phật hay cầu Chúa cho chị và cho mọi người được yên lành.Nhưng thật vô ích. Tôi chỉ thấy tâm hồn trống rỗng, không suy nghĩ được gì...và hoàn toàn đắm chìm trong ánh trăng. Rồi tôi đứng lên đi vòng lên cao, đi tới đâu trăng trôi theo tới đó, trong thinh lặng, không một chút gió, không một âm thanh kể cả tiếng côn trùng. Tất cả chỉ còn trời, đất, trăng và tôi trong cô đơn mênh mông. Cứ thế không biết trong bao lâu cho đến khi chỉ một tiếng ho rất nhẹ của chị Nga cũng làm tôi giật mình và ra khỏi cơn mộng...
Chiều buông

Gần đây, tôi đã đến Cam Lộ một nơi cũng vắng vẻ, và cũng có một đêm rằm và tôi cũng đã đi dạo trong sân rộng mênh mông của nhà thờ Cam Lộ nhưng không thể nào có lại cảm xúc năm xưa...

 

Thanh Điệp

(Thứ Năm 7-1-2010)







Tuesday, February 2, 2016

Mừng Sinh Nhật 70 của Lục Công Tử (Phúc Nguyễn)


Từ năm 1974, thành phố Angoulême, tây nam Pháp, bảo trợ Đại Hội thế giới truyện tranh thường niên. Festival Internationational de la Bande Dessinée. Tại Âu Châu, bộ môn này được xem như nghệ thuật thứ chín, sau điện ảnh và truyền hình télévision.  Năm nay 2016 ban tổ chức dành riêng một triển lãm đánh dấu sinh nhật 70 tuổi của một tay cao bồi mà ai cũng thương mến. Đó là Lucky Lucke, LL. Hồi còn đi học tôi có nghe ai đó cho LL hai tên nghe rất hợp và bùi tai : Lục Xì , Lục Công Tử. Từ lúc vào trung học cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn mê truyện tranh, nhất là của các tay hoạ Pháp-Bỉ.  Mỗi khi có dịp qua Pháp tôi đều dành thì giờ lùng các bande dessinée (BD) này.

Cha đẻ LL là Maurice De Bevere (1923 –  2001), độc giả quen với tên Morris hơn. Sinh tại Bỉ, như nhiều hoạ sĩ truyện tranh khác như Hergé (Tintin), Peyo (Schtroumpf)... Ông trình làng LL trong tạp chí Spirou vào năm 1946.  Lục Công Tử sống vào thời điểm 1880 tại Arizona, khi vùng đất này chưa được xáp nhập vào Hiệp Chủng Quốc. Chàng cao bồi lúc nào cũng có nửa điếu thuốc gắn trên môi, hao hao như tài tử màn ảnh Marcello Mastroianni, chòm tóc rủ xuống trán, cưỡi con ngựa trắng, bờm, tóc vàng, rất thông minh có tên Jolly Jumper.   

Lục Công Tử là tay thiện xạ, rút súng ra khỏi bao nhanh hơn cả bóng của chính mình.  LL luôn đóng vai hào hiệp, giúp kẻ thế cô, chống hảo hán giang hồ, không màng phú qúy, khanh tướng.  Ít  thấy cốt truyện đề cập tới tình yêu như trong La Fiancée de Lucky Luke.  Chàng quả là cô độc, nhưng  không vì vậy mà cáu kỉnh. Khuôn mặt ít thấy táo bón như Robert Hossein trong loạt phim Angélique vào những năm 60. Chàng lạc quan  hay huýt sáo và đùa với Jolly Jumper. Có lúc  LL nổi cáu như trong truyện Canyon Apache, Morris đã vẽ cảnh chàng cao bồi nắm khăn quàng và la mắng ông sĩ quan chỉ huy trưởng đoàn lính kỵ binh đã phạm lỗi chiến lược khi tấn công trại trong khu vực người Da Đỏ.

Truyện hầu hết thuộc loại phúc có hậu.  Kết cuộc mọi phe đều hài lòng.  Ai về nhà nấy thơ thới hân hoan.

Dáng Lục Công Tử được Morris phỏng theo tài tử dong dỏng cao Gay Cooper. Tranh cuối của mọi truyện LL đều có cảnh chàng LL đơn thân độc mã, rong ruỗi theo hoàng hôn, nghêu ngao “ I ‘m a poor lonesome cowboy. And a long way from home” . Câu này cũng lấy ý  từ phim western Grand Bill chiếu năm 1945.  Cooper hát vào scène chót “  "I'm a poor lonesome cow-boy, I ain't got no home".  Nhân vật LL làm ta liên tưởng tới những vai anh hùng đơn thân độc mã của Clint Eastwood .

Morris dựa rất nhiều vào các diễn viên Hollywood để hoạ nhân vật truyện LL. Chẳng hạn tay xạ thủ xếu vườn Phil Defer , Dây Thép , nhắc độc giả tới tài tử với khuôn mặt xương xẩu, cao, gầy Jack Palance.

Morris thông hiểu phong tục, lối nói lóng dân dã...Hoa Kỳ vì ông sống tại đây 6 năm. Trong thời gian này ông thu thập nhiều tài liệu và ghi nhận vài kỹ thuật quay phim ở Hollywood, như vẽ cận cảnh , close –up ,trong vài khung  trong truyện. Tên sách với tựa như : Calamity Jane, Sarah Bernhardt, Billy the Kid, OK Corral...chứng tỏ ông rất quen thuộc  với huyền thoại miền Tây hoang dã.  Tuy nhiên có điểm khác biệt chính rõ rệt giữa phim Hollywood và truyện LL.  Phim western của Hollywood đều thâu những cảnh giết chóc, tàn bạo.  Trong khi đó độc giả cười nhiều với hí họa Morris và đối thoại Goscinny rất dí dỏm.  Goscinny trong truyện Jesse James lồng một câu thơ Shakespeare khi hai tên cướp Frank và Jesse nói chuyện với nhau. Frank James trong thời niên thiếu thật sự có đọc kịch Shakespeare từ tủ sách của ông bố.  Bi kịch Hamlet  của Shakespeare  cũng góp phần vào một cảnh trong  phim western My Darling Clementine do John Ford đạo diễn với Henry Fonda thủ vai quận trưởng. Wyatt Earp và Victor Mature đóng vai Doc Holliday.  À thì ra miền Tây hoang dã nhưng không phải vì vậy mà thiếu “văn hoá” .

Các viên đạn trong truyện LL thường chỉ làm thủng mũ, rách quần...tạo ra những khuôn mặt khiếp vía, khôi hài.  Thỉnh thoảng mới thấy cảnh gây cấn như lúc đọ súng tay đôi, Lục Xì rút súng bắn giữa ngực Phil Defer khi xạ thủ chưa kịp rút súng ra khỏi bao.

Trong 8 quyển đầu tiên, Morris kiêm cả vẽ và viết lời kèm theo tranh. Kể từ năm 1955 ông có thêm René Goscinny  (1926-1977) cộng tác lo viết cốt truyện.  Goscinny mất vì bệnh tim khi mới có 51 tuổi lúc đang làm stress test trong phòng mạch bác sĩ.  Morris chết vì tắc mạch ở phổi  pulmonary embolism

Bon anniversaire Lucky Luke.

Phúc Nguyễn (Giáp Tết Bính Thân 2016)