Pages

Wednesday, May 23, 2018

Francoise Hardy

Image result for francoise hardy ma maison lyrics
Tình cờ bắt gặp một mẩu tin trên đài RFI nói về bài hát "It's hurt to say goodbye" hay là "Comment te dire adieu", tôi thấy lại Francoise Hardy qua bức hình đính kèm sau bao nhiêu năm. Tóc bà bạc trắng và hoàn toàn không ăn nhập gì với bức  hình ông anh tôi vẽ trong ngôi nhà số 7.
Ừ thì thời gian có tha ai bao giờ.
Sau đó tôi vào ngay Amazon Music tìm các albums của bà và vừa làm việc vừa nghe lại những bài hát của bà khoảng năm 1968, 1970, các bài như "Tous les garcons et les filles", "Main dans la main"...
Dưới ảnh hưởng trực tiếp của ông anh và gián tiếp của bức hình ông ấy để lại (mà hồi nhỏ tôi sợ gần chết vì đen thui, giống người âm, chứ chả vẻ gì là thần tượng đang lên), tôi được quen biết Francoise Hardy từ thuở hỉ mũi chưa sạch, theo đám anh chị ngồi nghe cái máy hát 45 tours với 33 tours quay vù vù, khi nào kim rè thì giọng nghe nhão nhoẹt, Chế Linh không đáng xách dép, khi nào đĩa bị trầy trụa thì kim tự động nhảy cóc vài đoạn. Và có đứa con nít nào như tôi, lén người lớn, để một mẩu giấy nhỏ trên mặt đĩa, xem nó quay vòng vòng không chán, và khi nào cây kim gần đụng mẩu giấy thì khôn hồn lâý ra cho thật nhanh. Xem như tôi chơi với album "Le temps de l'amour" chứ có nghe thì  chỉ nghe cho vui, cóc hiểu gì vì vốn liếng tiếng Pháp mới dừng lại đâu đó ở cái khoản "La maison cái nhà, le soleil mặt trời..." và chia động từ Avoir với Etre ở các thì đủ loại. Thế lấy đâu ra mà  hiểu nổi:
Quand je me tourne vers mes souvenirs
je revois la maison où j'ai grandi
Il me revient des tas de choses
je vois des roses dans un jardin
Là où vivaient des arbres, maintenant
la ville est là
et la maison, les fleurs que j'aimais tant
n'existent plus
Ils savaient rire, tous mes amis
ils savaient si bien partager mes jeux
mais tout doit finir pourtant dans la vie
et j'ai dû partir, les larmes aux yeux
Mes amis me demandaient "Pourquoi pleurer?"
et "Couvrir le monde vaut mieux que rester
Tu trouveras toutes les choses qu'ici on ne voit pas
toute une ville qui s'endort la nuit dans la lumière."
Quand j'ai quitté ce coin de mon enfance
je savais déjà que j'y laissais mon cœur
Tous mes amis, oui, enviaient ma chance
mais moi, je pense encore à leur Bonheur
À l'insouciance qui les faisaient rire
Et il me semble que je m'entends leur dire:
Je reviendrai un jour, un beau matin parmi vos rires
Oui je prendrai un jour le premier train du souvenir
Le temps a passé et me revoilà
Cherchant en vain la maison que j'aimais
Où sont les pierres et où sont les roses
Toutes les choses auxquelles je tenais?
D'elles et de mes amis plus une trace
D'autres gens, d'autres maisons ont volé leurs places
Là où vivaient des arbres maintenant la ville est là
Et la maison, où est-elle, la maison où j'ai grandi?

Je ne sais pas où est ma maison
La maison où j'ai grandi
Où est ma maison, qui sait où est ma maison?
Ma maison, où est ma maison?
Qui sait où est ma maison?


Và nếu nhà số 7 không nhảy vào đầu bạn lúc này để bạn ứa nước mắt "Ma maison, où est ma maison?" mới là chuyện lạ.
Thế mói biết tại sao bây giờ ngồi nghe lại Francoise Hardy, ký ức của đồi thông, của những vạt nắng vàng lại ùa về, từng mảng một, đây đó...Ký ức của một thời thơ ấu, lãng mạn theo kiểu Pháp, kiểu Anh Môn (Le Grand Meaulnes), không thực dung như đám Mỹ con như bây giờ, ký ức của những buổi rong chơi qua các ngọn đồi, lội bì bõm qua các con suối, ký ức của các khuôn cửa sổ buổi chiêù lộng gió, ký ức của mùi ngo cháy nhóm lửa những buổi chiều, ký ức của những cơn  mưa dai dẳng không dứt...Chúng lũ lượt xuất hiện, cào vào nỗi nhớ Dalat đã ngủ quên khá lâu. Cào vào  một thuở mơ mộng với Đỉnh Gió Hú, thác Cam Ly, Đa Thiện, hồ Than Thở...
Dalat vẫn còn đó, nhà số 7 vẫn còn đó, tiếng thông reo vẫn còn đó. Riêng chúng tôi thì đã đi xa lắm rồi. Đi qua thời mộng mơ đã đành, đi qua luôn cả các tia nắng những buổi bình minh, qua mùi hương nồng nàn của giàn hoa trắng, qua mảnh sân nhỏ trước nhà rợp bóng hai cây hồng. Đi qua luôn cả Dalat với mọi niềm vui và nỗi buồn.
Và bây giờ ở một góc của xứ Mỹ, nghe Francoise Hardy dẫn mình trở về với giàn hoa giấy màu đỏ, trở về với con dốc toàn ổ gà, về lại với ngôi nhà sơn vàng, cửa chớp màu đỏ, và giàn hoa vervenne nở tím ngát hương dọc con đường lên cổng. Về lại với bức hình trắng đen của bà chiếm 1/3 vách tường trong căn phòng có khung cửa sổ nhìn sang đồi thông đón bình minh mỗi sáng. Về lại với góc bếp mái tôn mưa rơi đều đều buồn da diết, về lại với dàn su su xanh ngắt trong nắng chiều, về lại với cây ổi, cây bơ, cây đào đầy sâu. Cứ thế, bà dẫn dắt tôi trở về ngôi nhà luôn chìm trong ánh mặt trời, ngôi nhà luôn có đèn thắp sáng mỗi đêm, ngôi nhà luôn mở toang mọi cửa nẻo, để rồi thành thói quen, suốt ngày tôi mở cửa sổ thì chồng tôi đi theo đóng lại!
"C'est the temps de l'amour, le temps des copains et de l'aventure.
Quand le temps va et vient,on ne pense à rien malgré ses blessures...."
Francoise Hardy ạ, đã xa lắm rồi cái thuở nghe bà hát và buồn theo tiếng mưa dầm rả rích vào tháng Bảy của Dalat.




Lan Hương
Fort Worth 05/22/2018

Thursday, May 17, 2018

Lễ Mẹ

Lễ  Mẹ mà Mẹ không còn, chỉ mượn hai câu trong bài hát Empty Chairs at Empty Tables để nói với Mẹ mình:

"There's a grief that can't be spoken
There's a pain goes on and on..."


Nón Mẹ vẫn đội những buổi trưa đi bộ trong downtown. Dép Mẹ vẫn cất kỹ trong tủ, thỉnh thoảng lôi ra xỏ vào chân đôi ba giây. Hình Mẹ treo trên vách tường phai mờ dần với thời gian nhưng Mẹ vẫn mỉm cười nụ cười bất hủ. Chậu quất vẫn còn đó, mỗi năm mỗi cằn cỗi, cách đây 7 năm Mẹ đã bảo phải cho nó tí phân...Vẫn còn hỏi Buster có nhớ Bà không, Bà gọi mày là con Bớt...
Rồi lặng người đi, thấy lòng đắng ngắt. Ôi Mẹ! 
"I miss my mother in million ways...."


Lan Hương
Fort Worth 05/17/18






Tuesday, May 15, 2018

Lạc

Khi ngang qua căn phòng cửa hé mở, tôi thấy Bà ngồi trên tấm nệm trải dưới đất, miệng lẩm nhẩm, mắt nhắm nghiền. Không dám quấy quả Bà lúc đang đọc kinh, tôi lặng lẽ đi qua, không bước vào chào hỏi.
Khách khứa chật nhà, con nít chạy chơi năm mười rầm rập, khéo léo tránh nhảy vào phòng bà trốn. Vì sợ. Và đã được bố mẹ dặn kỹ, để Bà yên.
Đến giờ ăn, mọi người bảo nhau, vào mời  Bà đi, chắc Bà đọc kinh xong rồi. Con dâu nói thêm, đọc từ 9 giờ chắc giờ cũng phải xong chứ. Con dâu đọc kinh Thánh, Bà đọc kinh Phật. Không biết kinh nào dài hơn, lê thê hơn, ỉ ôi hơn.
Bà bước ra đám đông, mắt nhìn quanh, và rút người lại.Bà đến cái ghế gần nhất và ngồi đó, cả buổi, không đi đâu. Đồ ăn được con cái xếp sẵn lên dĩa mang tới cho Bà, từ nước uống, đến đôi đũa.
Tôi quen Bà đã lâu. Một năm gặp ít nhất 2, 3 lần. Những lần Ông Bà từ Tulsa xuống Fort Worth thăm con cháu, tụi tôi đều được mời tới chơi. Người ta bảo phu xướng phụ họa, hai ông bà nói chuyện vui như Tết. Bà kể chuyện ngày xưa khi ông còn là phi công hào hoa, đi bay về tối đi nhảy đầm đến hai ba giờ sáng. Ngày hôm sau 7 giờ ra Cerque đánh tennis, bà cũng váy ngắn tay cầm vợt quật vù vù như ai. Rồi ông hát, rồi bà hát. Người này bảo người kia hát lạc tông, lạc bè. Nhưng vẫn hát chung, không biết ai bè cho ai nhưng cả hai mắt sáng ngời, hai người hai cái micro, tình ca Ngô Thụy Miên từ bài này sang bài khác không dứt.
Thế rồi ông ra đi. Một cái chết thật lãng nhách, theo như tôi thấy. Nói theo kiểu đạo Thiên Chúa là đến lúc Chúa gọi về, theo kiểu Phật là nghiệp đã hết. Nghiệp hết cái rụp vì liều thuốc chích bệnh tiểu đường quá cao! Ông bị tiểu đường type 1, thuốc là type 2 mạnh hơn, nhưng ông bạn bác sĩ bảo ông cứ chích đi! Tin bạn mình hơn tin bác sĩ, thế là ông đi thẳng vào nhà thương, gan suy, thận suy, đường mất tiêu luôn. Được mấy ngày thì ông qua đời. Bà bắt đầu bơ vơ từ đó.
Đây là lần đầu tôi gặp lại bà sau khi ông mất. Khác hẳn khi xưa, Bà mắt mờ, tóc rối, và chậm chap hẳn. Ngồi một hồi Bà hỏi Pappy đâu. Tôi hơi ngớ ra, nhưng một người con nhanh nhảu nói "Mammy đi đâu là phải có Pappy đi theo mà!" người khác nói "Để trong phòng Mammy đó, Mammy không thấy hả? " Con dâu hỏi "Ủa không sợ đổ Pappy ra hả?" Tôi hết hồn đoán ra là bà đi thăm cháu với hũ hài cốt của ông kè kè một bên! Nghe nói bây giờ bà đi đâu xa phải mang theo hũ tro đó, còn không thì trong ngày phải về nhà lại để bà đọc kinh cho Pappy. Ông con cả nói chờ cho thằng cháu tốt nghiệp lớp lái máy bay xong là mang Pappy lên trời rải! Bà bảo chắc cũng còn lâu. Bà chưa sẵn sàng mang Pappy ra khỏi lọ!
Tôi thấy Bà không còn Ông, Bà đâm ra lạc lõng giữa đám đông đến tội nghiệp. Bà mất phương hướng hoàn toàn. Bốn người con vẫn không bằng một đức ông chồng mà ngay ngày đầu tiên về làm vợ, ông quen thói bảo Bà làm cái này, làm cái kia. Bây giờ được tự do, không ai bảo Bà phải làm gì, Bà lại đâm hoang mang. Bà chỉ lấy lại hồn khi ở trong nhà bà trên Tulsa mà thôi. Vì quen đường xưa lối cũ, có Ông hay không có Ông, một ngày Bà làm chừng đó việc, thành thói quen khó bỏ. Vì thế bây giờ đi đâu xa Bà chỉ mong cho đến giờ về nhà, mặc con cháu năn nỉ ỉ ôi, và cái hũ tro bên cạnh cũng không làm Bà yên tâm hơn.
Bởi vì chẳng còn ông xướng cho bà phụ nữa!
Lan Hương


Fort Worth  05/15/2018

Tuesday, May 8, 2018

Les Miserables

Trước 1975, tác phẩm bất hủ của Victor Hugo được dịch là Những kẻ khốn nạn, sau năm 1975, tên bản dịch trở thành Những kẻ khốn khổ.
Khốn nạn, khốn khổ, khốn kiếp, khốn cùng..Đều gói trọn trong chữ "miserable", và gói trọn trong tác phẩm này.  Vợ chồng Thenardier chắc chắn là quân khốn kiếp, Fantine chắc chắn là kẻ khốn khổ, Jean Valjean trở thành khốn nạn khi ăn cắp cặp chân nến ở nhà ông linh mục Bishop Myriel, Eponine cảm thấy khốn cùng khi đem lòng yêu Marius nhưng phải dẫn Marius đi gặp Cosette.
Tôi đọc tác phẩm này khoảng 11, 12 tuổi, chẳng hiểu gì mấy, nhất là đoạn Cách Mạng Pháp, khúc này tôi nhảy cóc từng trang, lờ mờ đoán Gavroche bị bắn chết và vẫn không hiểu tại sao dân chúng lại xuống đường đánh nhau với lính! Khoảng tuổi này tôi thích nhất đoạn Cosette đi gánh nước trong đêm khuya gặp Jean Valjean rồi đổi đời, nghe như chuyện cổ tích vậy. Lớn hơn chút nữa, tôi bắt đầu hiểu tại sao Jean Valjean đi ăn cắp bánh mì và bị Javert theo đuổi đến tận cùng, nhưng không hiểu mối tình của Eponine đối với Marius. Xem nhạc kịch, khúc này được hát trio, mỗi người một tâm trạng, nếu Cosette giọng cao vút, líu lo trong trẻo, thì Eponine theo bè trầm, than thân trách phận, Marius làm nền cho hai giọng ca ở trong hai thái cực khác hẳn nhau.  Khoảng này sau năm 1975, đã bị tẩy não phần nào nên tôi không chấp nhận đám sinh viên phe ta thất bại, tẩy não nói rằng cách mạng luôn luôn thành công cơ mà! Và tôi vẫn còn không biết tại sao Javert gieo mình xuống sông!
Vì thế tôi đọc sách khoảng năm sáu lần, nhờ đói sách nên cứ đọc đi đọc lại. Sau đó thì xem phim khoảng 2, 3 lần và mới tuần trước là Ca Kịch Les Miserables, đoàn diễn ăn khách ở New York đến Dallas. Vở broadway này nguyên thủy từ London cả mấy chục năm nay, lần nào trình diễn cũng chật cả rạp. Dù đọc sách, xem phim, coi kịch, càng xem càng thấy Victor Hugo được mai táng ở đền Pantheon là phải lắm. Ông quá tài tình nhét hết chừng đó loại nhân vật, chừng đó câu chuyện, từ chuyện tình êm dịu đến cuộc cách mạng Pháp rầm rập vào trong một tác phẩm của mình.
Riêng phần ca nhạc, tôi kết nhất đoạn Marius khóc thương chiến hữu của mình qua bài hát Empty Chairs at Empty Tables. Ở trong phim, Marius quay trở lại căn phòng họp của đám sinh viên, giữa bàn ghế trống trơn, căn phòng lạnh ngắt. Ở ca nhạc kịch, Marius chống gậy đi lang thang giữa đám nến thắp sáng dưới chân, sau đó các hồn ma sinh viên lần lượt lượm nến lên rồi thổi tắt, biến mất, để cho Marius than thở "Oh my friends, my friends forgive me. That I live and you are gone...."
Nếu bạn chưa xem ca nhạc kịch Les Miserables, hãy xem thử một lần cho biết. Đáng đồng tiền bát gạo và sẽ hiểu tại sao cả mấy chục năm rồi mà thiên hạ vẫn chen nhau đi xem. Riêng tôi và chị tôi chỉ đủ sức chen đến tầng chuồng cu của Dallas Summer Musical, nhìn đám diễn viên xa tít tắp phía dưới. Tuồng này sang năm sẽ về Fort Worth, chắc tôi sẽ đi xem lại vì chưa hả.

"Empty chairs at empty tables

There's a grief that can't be spoken.
There's a pain goes on and on.
Empty chairs at empty tables
Now my friends are dead and gone.

Here they talked of revolution.
Here it was they lit the flame.
Here they sang about `tomorrow'
And tomorrow never came.

From the table in the corner
They could see a world reborn
And they rose with voices ringing
I can hear them now!
The very words that they had sung
Became their last communion
On the lonely barricade at dawn.

Oh my friends, my friends forgive me

(The ghosts of those who died on the barricade appear)

That I live and you are gone.
There's a grief that can't be spoken.
There's a pain goes on and on.

Phantom faces at the window.
Phantom shadows on the floor.
Empty chairs at empty tables
Where my friends will meet no more.

(The ghosts fade away)

Oh my friends, my friends, don't ask me
What your sacrifice was for
Empty chairs at empty tables
Where my friend will sing no more."
Lan Hương
Fort Worth 05/08/2018





Wednesday, May 2, 2018

Nhạc máy nước

Trước năm 1975, có dòng nhạc được đặt tên là "Nhạc máy nước", thoạt đầu tôi không hiểu, về sau mới vỡ lẽ đó là các ca khúc thuộc loại nhão nhoẹt, dài lê thê, tuyền một điệu bolero thống thiết. Mang tên "máy nước" vì thuở đó các cô sen đi lấy nước ngoài máy nước công cộng rất chuộc loại nhạc này. Nó chuyên chở tâm tình của họ, ước mơ rất đỗi bình dị của họ, lời lẽ rất đỗi mộc mạc của họ, kiểu như "Trộm nhìn nhau", mà tôi nhớ năm tôi khoảng 10 tuổi, tôi phân vân đi ăn trộm thì mau mau mà chuồn cho lẹ chứ còn nhìn nhau làm gì!
Đó không phải là gout nhạc tôi nghe.
Mà là của đức ông chồng!
Riêng sáng nay, tôi quyết định sẽ bóp cổ bà nội Phi Nhung, đến má hai Như Quỳnh, đến mụ ngoại Thanh Trang, ông cố Trần Vũ, ông tổ Bằng Kiều....Vì tội tra tấn tôi không ngừng với giọng ca nhão hơn đường chảy, nhão toe nhão toét, vì lời lẽ bài hát u ám chưa từng thấy, vì giọng mũi nghèn nghẹt cao vút, tra tấn màng nhĩ tôi! Cái chết người là tôi thức giấc lúc 2 giờ sáng, trong đầu ăm ắp giọng Phi Nhung với câu "nhắm mắt chỉ thấy pháo hồng!"  2 giờ sáng, tôi cần ngủ, không cần thấy pháo bông, pháo hoa gì cả! Đáng tội, ghét của nào trời trao của nấy! Cứ nghiệm cái bản thân tôi thì biết!
Đó là có lần tôi phải thốt lên, sau khi ngậm tăm chịu tra tấn vì không muốn hôn nhân đổ vỡ bởi cái câu lặp đi lặp lại, vô duyên chưa từng thấy "Anh đi giăng câu vui không anh?", rằng "Mới sáng sớm mà phải nghe nhạc này sao cả ngày khá được?" Ngay cả bài Buồn Tàn Thu vào tầm sáng sớm đi làm cũng làm tôi nổi đóa! Tôi nghiến chặt răng lại, bịt lỗ tai trong tâm tưởng, và nếu tôi biết thiền, tôi sẽ thiền ngay tắp lự cho quên sự đời!
Tôi không biết kiểu các chuyện tình dang dở trong những bài ca loại này bây giờ còn có hay không, tôi đồ rằng thế hệ mới chẳng hơi nào than thở "Nhà tôi nghèo, em cũng chẳng cao sang" nhưng đâm liều vẫn "xây túp lều lý tưởng", bởi thực tế cho thấy túp lều tranh hai trái tim vàng chỉ có trong tiểu thuyết khoảng năm 1950! Năm 2018 tim vàng không đi đôi với lều tranh, và nếu cả hai cùng nghèo thì chẳng ai nghĩ đến chuyện lấy nhau rồi về hành hạ nhau ngay ngày đầu tiên với cơm áo gạo tiền! Tôi vừa PHẢI nghe vừa tự phẩn tích lời bài hát và nổi xung trong lòng như thế đấy!
Và nếu nói ra tôi sẽ có ngay cây phản pháo thì tôi nghe opera đấy thôi. Xin thưa tôi không nghe opera lúc bảy giờ sáng và cùng nghe với một người không thích opera! Đó là điểm khác nhau rất lớn đấy ạ!
Và nếu bạn phải nghe "Hàn Mặc Tử" lúc bảy giờ sáng ngày thứ hai , thì ý định giết người sẽ bám chặt trong đầu bạn suốt cả tuần!
Lan Hương
Fort Worth 05/02/2018





Tuesday, May 1, 2018

Cọp Trắng

Cọp Trắng hay là White Tiger, là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Aravind Adiga. Cuốn sách này đoạt giải Man Booker Prize năm 2008.
Truyện xảy ra ở Ấn Độ, đọc nghe mùi Việt Nam trong đó, vì cảnh xã hội phân chia "Bóng Tối" và "Ánh Sáng" sao quá quen thuộc, cảnh một người đi làm nuôi cả nhà không xa lạ, cảnh đầy tớ với ông chủ chẳng phải lần đầu mới biết.
Truyện ở đây muốn nói là tác giả, Aravind Adiga, ở Mỹ về lại Ấn Độ sau một thời gian sinh sống xứ người, Ông ta nhìn ra những cảnh mà dân bản xứ không thấy hoặc điềm nhiên coi như là chuyện bình thường. Ông nhận ra ngay xã hội phân chia giàu nghèo rõ rệt, giai cấp tầng tầng lớp lớp chỉ tổ làm cho đất nước Ẩn độ của ông không khá lên được, mặc dù ông nhận xét "hơn 80% kỹ thuật vi tính" đang nằm ở Ân, ấy là nếu ông nói đến đội ngũ "Customer Service", ban ngày thì ngủ, ban đêm thức trắng phục vụ cho gần toàn bộ thế giới. Nếu không tin, thử gọi customer service của IBM, của GE, của Samsung. Bảo đảm sẽ nghe thấy tiếng Mỹ pha cà ri, mặc dù đầu dây đã tự xưng "This is James, may I help you?" Sau đó thì người gọi lẫn người nghe đánh vật với tiếng Anh vì mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy hiểu.
Nhân vật chính, Balram Halwai, hay Cọp Trắng, là một người không chịu số phận suốt đời làm đầy tớ, hay nói trắng ra là kiếp nô lệ. Mang mầm mống "phản động" từ thuở niên thiếu, Balram được gọi là Cọp Trắng, của quý hiếm, hay tiếng Việt có chữ hiền lành hơn, Cừu Đen. Suốt cuộc đời Balram chỉ mơ được một ngày thoát kiếp đầy tớ, dù cho có phải giết người, cụ thể là lão chủ, để sống một ngày không phải hầu hạ ai, không phải chùi chân cho ai. Và ông kết luận, nếu giết người để được có một ngày tự do như con người vốn phải có, thì rất xứng đáng và không hối hận gì.
Tôi đã từng nghe sông Hằng linh thiêng chảy ngang Ấn Độ, Aravind nhìn ra đó là một con sông hôi thối, mang mầm mống bệnh tật, mang xác chết từ đầu nguồn trôi xuống cuối nguồn, không xác chết thì là tro của xác chết, và trẻ em hồn nhiên bơi lội trong dòng nước đen thui, hôi hám. Nghe na ná như cầu Ông Lãnh hay cầu Thị Nghè. Ông mô tả thành phố Deli, thành phố không ngủ của những con người sống bên vệ đường, những người cả đời không biết đến một mái nhà là gì. Ông mô tả Pinky Madame, phụ nữ Ấn từ Mỹ về không chịu nổi đồng bào của mình, chân trước chân sau muốn quay lại Mỹ, mặc dù New Deli đang cố bắt chước New York ở những tòa nhà chọc trời, riêng ở Ấn thì khi nào cũng có xây tầng hầm dành riêng cho đầy tớ chứ không phải tầng hầm cho xe hơi đậu. Ông mô tả Ashok, cũng từ Mỹ về, tưởng đâu khá hơn với người anh em sống ở Ấn, rốt cuộc vẫn bộc lộ bản chất "địa chủ", vì nó vốn là vậy rồi.
Để dành tình tiết cho người đọc, mình chỉ nói ngắn gọn, hãy đọc Cọp Trắng, để thấy tại sao mình lại thông cảm với nhân vật chính đến thế.
Lan Hương
Fort Worth 05/0`/2018 

Gió Đông Gió Tây

Gió Đông Gió Tây thổi trên đất Mỹ, mang theo đủ mọi vui buồn lẫn lộn...
Gió Đông mang nặng 4000 ngàn năm văn hiến, Khổng Tử, Lão Tử, đạo giáo nhà Phật, hai vai nặng nề, bước đi trì trệ. Gió Tây vỏ vàng ruột trắng, nhanh tươm tướp theo nhịp sống trẻ, chỉ biết ngày nay, ngày mai không việc gì nghĩ tới cho bạc đầu sớm.
Gió Đông nổi cuồng phong trong nhà, sau khi cẩn thận đóng kín cửa rả, vì quen theo thói "đóng cửa dạy nhau", đố hàng xóm biết được. Gió Tây ngược lại, có gì thì toang toác trên facebook, tweeter, kiểu như "hôm nay lại bị ông già bà già tế cho một trận, họ từ tao, tao cóc cần, vân vân". Bạn bè gió Tây xúm xít comments, dầu đổ vào lửa. Gió Tây được thể thêm vênh váo nghĩ mình đúng trăm phần trăm, có biết đâu Gió Đông ngậm ngùi, bảo mình nói vậy chứ có từ nó bao giờ, con dại cái khôn mà.
Gió Tây bảo gió Đông lạc hậu, Gió Đông cằn nhằn Gió Tây sống vội, sao không chậm lại? Rồi chợt nhớ khi mình còn là ngọn gió Đông non trẻ mới sang đất Tây, mình cũng sống vù vù, có chậm lại bước nào chờ hai đấng sinh thành? Mình để họ bên lề, phăm phăm tiến tới, thỉnh thoảng ngó lui hỏi thăm này nọ, nhưng có khi nào mình dừng bước cho kịp bước chân của họ?
Nói thế thôi, đàng nào Gió Đông cũng phải rút lui, để cho Gió Tây thổi mãi, đến lúc nào đó Gió Tây sẽ dịu dần, sẽ hiểu ra rằng Gió Đông còn có nghĩa nước mắt không bao giờ chảy ngược.
Từ giờ đến đó Gió Đông sẽ thôi không phẫn nộ thổi tung nhà cửa lên. Sẽ tránh đường nhường cho Gió Tây. 4000 ngàn năm văn hiến đối với Gió Tây chẳng mùi mẻ, nghĩa lý gì cả, đối với Gió Đông cũng phai nhạt dần rồi. Chúng ta chẳng qua là những ngọn gió có nhiều cội nguồn, đôi khi thổi quanh quẩn giữa các nguồn văn hóa trái chiều, không lối thoát, Hoặc nguội dần rồi tắt ngóm, dĩ hòa vi quý như phần lớn Gió Đông đã làm, hoặc trở thành cơn xoáy lốc giận dữ cuốn theo mọi đổ vỡ theo nó, như Gió Tây có khuynh hướng đi theo.
Ôi những ngọn gió trái chiều trong cuộc sống, những ngọn gió thổi muôn chiều...chỉ để cho lòng người thêm phân vân, không biết đâu đúng đâu sai. Chỉ để cho những sớm mai thức dậy, không biết nên thổi theo chiều nào....

Lan Hương
Fort Worth 05/01/2018