Pages

Friday, January 27, 2017

Giao Thừa

Còn đúng 50 phút là giao thừa bên Việt Nam. Tai dính chặt vào cái headphone với bài nhạc Foolish Heart tha thiết, hai tay gõ keyboard rầm rầm sửa program, tự hỏi trong đầu mình còn chỗ nào cho những cái Tết xa  xưa? Ngừng lại một thoáng để tìm cái gì đó của những năm tháng đã qua nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy. Trống toác. Chắc vì đã lâu quá rồi, chắc vì đã xưa quá rồi, và ký ức cũng chẳng còn được bao nả, chập chờn như mạch điện sắp đứt.

Bà chị bùi ngùi bảo nhớ Tết Dalat. Những cái Tết đó rất đẹp, năm tháng trôi qua làm nó đẹp hơn lên, quý giá hơn lên, kiểu như đồ cổ. Dù sao cũng thoáng nhớ nếu bây giờ ở Dalat thì mình đang làm gì? Trời Dalat có se se lạnh? Đêm Dalat có thật sâu? Không khí có phảng phất mùi nhang khói quyện với mùi pháo nồng thơm ngát? Sau khi tự hỏi chừng đó thì nghĩ mãi không ra hiện giờ đêm giao thừa Dalat ra sao. Chỉ thấy buồn vì ngôi nhà số 7 chắc chắn đóng cửa im lìm tầng trên tầng dưới, tuyệt không khói nhang không đèn đuốc. Nhớ những ngày xưa vào tầm 11 giờ đêm không ngọn đèn nào không bật, không khung cửa nào không sáng, Má đã bày bàn thờ ra giữa sân, lũ con nít bắt đầu chộn rộn nhà trên nhà dưới. Ba đi ra đi vào, tay liếc đồng hồ chờ đúng 15 phút trước nửa đêm sẽ đem dàn pháo treo nơi cành hồng góc vườn. Khi còn nhỏ buồn ngủ vào giường dặn Má nhớ đánh thức con dậy, khi lớn thì ngồi đàn hát đến tận nửa đêm chờ khoảng gần 12 giờ lên ban công nhìn tứ phía xem pháo nổ đây kia.

Ở đây những cái chộn rộn đón Tết chỉ còn gói gọn vào chuyện chờ những thằng con đi học xa về nhà. Bánh chưng, mứt Tết đã chẳng còn tha thiết đã từ rất lâu. 10 đồng một cái bánh ngoài chợ đâm ra xa lạ với việc lau lá, đãi đậu. Những hộp mứt Tết đỏ rực chất đầy góc chợ rón rén mua về một hai hộp để bàn thờ không dám ăn vì được nhập từ bên Việt Nam, nơi mà chính dân bản xứ còn không dám đụng tới huống gì mình. Nhìn mứt dừa trắng quá sự thật, nhìn mứt sen mềm một cách đáng ngờ, nhìn mứt quất bóng bảy không biết ai khéo tay đến thế…Thôi để ông bà ăn lấy hương lấy hoa, và nói theo kiểu ông chồng, dù sao thì người chết cũng đã chết rồi, có ăn mứt này thì cũng không thể chết hơn được nữa!

Còn nửa tiếng nữa đến Giao Thừa. Chuẩn bị giờ nghỉ trưa chạy ra chợ Việt Nam lấy cái giò thủ đặt sẵn, món giò một năm mới dám ăn một lần, một phần người gói cũng chỉ gói một năm một lần, một phần người mua dè chừng với tất cả những mỡ những gân những thứ chỉ tổ làm cho tăng bề ngang. Nhưng Tết không giò lụa, không giò thủ thì không phải Tết. Tết không bánh chưng không bánh tét không phải là Tết. Riêng khoản hoa mai hoa đào thì đã xin chào thua từ lâu, mua được 20 cành glaieul đỏ ngoài chợ đã cảm thấy gần Dalat lắm rồi.

Tết xứ người làm khối kẻ hoang mang, không biết nên đón Giao thừa theo giờ Việt Nam hay đón theo giờ bản địa. Nếu theo giờ Việt Nam, thì chả lẽ nghỉ ở nhà chỉ để thắp ba nén nhang lúc đứng ngọ, mời ông bà về ăn Tết? Nhang khói vu vơ xa lạ giữa buổi trưa mặt trời rực rỡ tiễn năm cũ đi đón năm mới về? Nếu đón theo giờ bản địa chẳng ai thức được đến 12 giờ đêm rì rầm khấn vái vì ngày hôm sau là những tất bật của một ngày như mọi ngày, chả lẽ lại lấy ngày nghỉ ngồi nhà chỉ để hồi tưởng lại những Tết xưa, chỉ để dọn mâm cho những bóng ma ăn? Mà đi làm thì ngày nghỉ quý như vàng, bỏ đâu thì bỏ nhất định không bỏ cho ngày Tết. Thế cho nên đại phần ở đây ăn Tết theo sự thoải mái tiện lợi của người đón Tết. Giao thừa, mùng một có rơi vào giữa tuần thì chẳng ai bảo ai, hoặc ăn Tết sớm hoặc ăn Tết trễ, theo đúng vào ngày weekend cho tiện bề nấu nấu rồi cúng cúng. Một thủ tục không làm thì lương tâm cắn rứt, nhưng đứng cầm cây nhang không biết khấn gì cho một năm âm lịch ngày càng xa lạ với chính mình, huống gì thế hệ sinh đẻ ở đây, cầm cây nhang như cầm đuốc, lạy bàn thờ như bổ củi.   

Nói gì thì nói, nhắc đến Tết, dù giữa tuần hay cuối tuần, cũng cảm thấy con tim chựng lại một chút. Rồi thì lại lên danh sách đi chợ mua đồ về cúng. Năm nào rảnh cúng đủ ba ngày từ giao thừa đến mùng hai, năm nào bận gom cả ba ngày vào một buổi trưa. Nhìn quanh nhìn quất tính nấu nồi xôi thắp nhang cho phải lệ rồi  đi ăn Tết ké thì khám phá ra thiên hạ quanh mình còn tệ hơn cả mình, chưa Tết đứa nào cũng hỏi mình có làm gì không. Thôi thì cũng một dịp để nấu lại món thịt đông, làm hũ dưa chua, và nấu miến gà. Ba món mình chỉ làm dịp Tết dù cho giò heo, miến, gà, dưa cải bán quanh năm ở chợ.

Tối giao thừa năm nay vào thứ sáu. Các chùa có tổ chức đón giao thừa lúc 12 giờ đêm. Ở đây bao năm chưa bao giờ mình có ý định lên chùa vào lúc nửa đêm. Dù chùa có làm gì chăng nữa mình vẫn cảm thấy lạc lõng, chẳng ra ngô ra khoai cho một cái Tết dở dở ương ương. Vả lại giờ ấy mình xin ở nhà ngủ để còn ngày hôm sau buổi sáng tennis, buổi chiều dọn bàn, khiêng ghế, xếp tiền lì xì, nấu cỗ, buổi tối đón chừng khoảng 30 mạng lớn nhỏ đến ăn Tết chật nhà.

Và dù có cố thế nào Tết như cái gì đó ráng níu lại, được năm nào hay năm ấy. Tết như cái gì đó muốn truyền lại cho hai thằng con nhưng nửa vời, ngập ngừng không đi đến đâu vì bản thân mình đã không còn chắc có muốn đón Tết hay không.

Tết là một dịp để mặc áo dài, đi guốc cao đúng một tiếng để chụp hình, sau đó xin được thay đồ thường đi đứng cho nhanh hơn, ăn uống cho thoải mái hơn. Một dịp để các đấng con nít ngọng nghịu tiếng Việt chúc Tết người lớn khỏe trẻ vui vẻ, mắt dán chặt vào cái phong bì lì xì màu đỏ. Một dịp để tụi nhỏ vây quanh bàn bầu cua, cãi nhau ỏm tỏi đặt con gà hay con cá. Mấy năm trước chồng mình làm Cái, từ ba năm nay giao công việc đó cho thằng con. Nó xóc ba hột bầu cua ầm ĩ, muốn bể cái tô thủy tinh và khi tan cuộc khi nào nó cũng rủng rỉnh tiền lẻ, nhìn mấy đứa nhỏ khác mặt mày bí xị nó lại moi tiền ra trả lại để cả lũ lại lăn vào trò Bingo, bài cào. Mình biết nếu mình tuyên bố không ăn Tết, thì mọi người sẽ tự động giải tán, đám con nít sẽ không thấy phong bì lì xì, bàn bầu cua nằm im một góc và thằng con không về thăm nhà.

Thôi thì nhang khói đó, bàn thờ đó, di ảnh cha chồng, Ba Má đó, cúng Tết cứ xem như một dịp mời cả ba về ăn chung một cỗ vậy , đứng cầm cây nhang nhìn ba bức ảnh với ba đôi mắt lom lom, bảo cỗ Tết của con nửa Nam nửa Bắc, con nghĩ ra được cái gì thì nấu cái đó, ai ăn được cái gì thì ăn nhé. Bánh tét hay bánh chưng thật ra chỉ khác nhau về hình dạng, bên trong giống y chang nhau, đậu nếp thịt mỡ, năm ngoái con cúng bánh tét, năm nay con cúng bánh chưng, không ai tị nạnh gì cả nhé.

Và bây giờ là bốn giờ chiều giờ bên này quả địa cầu, tay vẫn lọc cọc, tai vẫn nghe nhạc, hai mắt chạy qua chạy về giữa bài viết này và xem chừng cái program đang chạy, rồi thì nhận ra bên kia quả địa cầu năm mới đã vào nhà…

Xin chào, năm Đinh Dậu.

Lan Hương

Fort Worth 01/27/2016    

 

Wednesday, January 25, 2017

Gốm sứ Bisbal


Buổi tối mây đen bắt đầu kéo đến, không khí nặng chịch mùi ẩm ướt trước báo hiệu những cơn giông đang đến.  Vì thế chẳng cần xem thời tiết cũng biết ngày hôm sau trời sẽ u ám, gió sẽ to, sóng sẽ lớn, kéo theo những cơn mưa đây đó. Thôi thì không ra biển nữa, mọi người quyết định đi Bisbal, thành phố gốm sứ nổi tiếng của Tây Ban Nha, nơi từng cái chậu, cái lọ được đúc khuôn, hay nặn bằng tay từ những mảng đất sét xứ Spain, không mang hơi hướng tí “made in China” đại trà nào, và ngay cả thợ đúc khuôn cũng rặt mắt to mũi lõ và nếu khoác chiếc áo đỏ, mặc quần chẽn, đi ủng da thì sẽ trở thành anh chàng toreador lẫy lừng hiên ngang trước con bò mộng. Nhân tiện đây nghe nói bắt đầu sang năm Tây Ban Nha sẽ bãi bỏ tập tục đấu bò này vì máu đổ dã man quá. Khối người tiếc hùi hụi, phong tục từ cả mấy trăm năm nay, toreador cha truyền con nối coi như chấm dứt, thế hệ mai sau chắc chỉ còn được nhìn toreador vung chiếc áo choàng đỏ trên màn hình các loại. Thôi thì ném cà chua vào nhau cho nó lành, cũng cùng một màu đỏ như máu vậy mà không ai không con gì phải chết.  

Tên Bisbal là từ chữ “bishop” ra, nghĩa là thành phố này vốn thuộc về các ông bishops của Girona, còn nghề làm gốm thì đã có rất lâu và trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Con phố chính là những cửa tiệm bán đủ mọi chai lọ, chén bát, hũ chậu các kiểu dọc hai bên đường. Mặc dù thế, cửa tiệm đầu tiên mình bước vào, đi vài bước là biết ngay có mùi Tàu đâu đây. Với cái giá rẻ vô cùng làm mình nhìn kỹ cái chén được nặn ra thấy khang khác với cái tiệm bên cạnh, nơi giá mắc gấp đôi nhưng chủ nhân giận dỗi nói tôi không bán đồ made in China!

Mình vốn là người mê chai lọ, lạc vào dãy phố này giống như con nít lạc vào tiệm đồ chơi, cái gì cũng muốn mua đem về, nhưng nghĩ cảnh máy bay sẽ bị rớt cái bịch vì mấy cái tượng gnown tính vác về để cạnh hồ cá nên thôi, chỉ dám rón rén mua những thứ cực nhỏ, cực kỳ gọn gàng để con số cân nặng chiếc va ly của mình không bị quá tải. Vì thế hai chục chiếc chén đựng tương chấm, nước mắm chấm đang nằm gọn bưng trong tủ nhà mình bây giờ.

Nhìn chén bát một hồi mình muốn đi xem vậy thì người ta làm nó ra như thế nào. Nhớ kỷ niệm hồi còn nhỏ được dẫn xuống Đức Trọng hay Định An gì đó, nhìn ông thợ ngồi bên bàn xoay, tay ông cứ lượn lên lượn xuống theo cục đất sét, nhẹ nhàng chậm rãi, vậy mà nặn ra thành những chiếc bình thon cổ, cái ấm trà, chiếc tách cà phê. Cứ như là ảo thuật vậy, mình đứng nhìn thán phục hết sức. Mình mon men rón rén lại gần thì được ông ấy cho một cục đất sét trắng bằng ba ngón tay mang về nhà chơi. Thế là sướng lắm rồi, ở Dalat lội suối Ba Toa suốt ngày không cách gì moi ra được một cục đất sét chính hiệu. Bây giờ con nít ở đây không phải vắt óc ra đi tìm đất sét, một hộp Dough đất sét giả bốn màu xanh đỏ vàng trắng được bán có 2 đồng thôi. Ra tiệm đồ chơi thấy bán đồ lề để nặn bình nặn chén, vừa đất sét vừa bàn xoay chỉ có 40 đồng, tính vác về nhà thử xem tay mình có khéo bằng tay ông thợ kia không thì được chồng can hết sức.

Óc tò mò tăng thêm vì đêm trước ở thành phố cổ Begur, mình chứng kiến tận mắt ông thợ già đầu trọc ngồi dưới ánh đèn điện, từ  một bàn xoay và một cục đất sét, ông ấy nặn ra đủ kiểu tặng đám du khách đang tò mò đứng nhìn. Khi thì bình hoa, khi thì lẵng hoa, và nhìn thấy mình với chị mình đầu đen, ông ấy làm ra ngay một cái tô ăn cơm để cho. Mình đem cái tô cơm  còn ướt về phơi nắng trên ban công, rồi kỳ cà kỳ cục gói ghém bỏ va ly đem về để làm kỷ niệm. Đến nhà mở ra chỉ còn là những mảnh đất sét bể nát. Cát bụi về lại với cát bụi…

Cả bọn kéo nhau đến xưởng đúc gần đó xem người ta làm ăn ra sao. Vì số đông nên lại được tour private, nghĩa là chỉ có một mình nhà mình đi theo ông chủ, từ gian trước ra gian sau. Ông ấy chỉ cho xem những cái chậu cao to quá đầu người được ghép lại từ những mảnh đúc nhỏ, rồi chúng được xếp hàng đứng phơi cả tháng trước khi cho vào lò. Đến những chậu có hoa văn rồng rắn phức tạp hơn, té ra là từ khuôn đúc bằng thép có sẵn. Bỏ một cục đất vào khuôn, bấm nút một phát, chờ khoảng năm phút, một cái chậu hiện ra, cứ như là xoa tay vào cái đèn thần của Alladin vậy. Phần việc còn lại là dùng tay gọt giũa những mẩu đất thừa rồi lại đem phơi phóng. Máy móc như thế không thích, cho nên ông chủ dẫn cả bọn vào một góc nơi có cái bàn xoay. Thằng con mình thử ngồi vào chỗ, ráng nặn cho ra một cái chén. Ông con hì hà hì hụi đúc thành một cái nửa chén nửa tô hình bầu dục, bảo làm nghề này không dễ. Nếu chỉ bấm nút rồi chờ năm phút thì nói làm gì, vì thế chén bát bày la liệt dọc đường con phố chính ấy đắt là phải. Khuôn nào đúc ra được cái chén chấm tương nhỏ xíu của mình?

Sau khi lê lết chán chê ở cái xưởng đúc chậu, còn sớm nên cả lũ kéo ra Empuri thành phố  “nhà sập”. Đường đi phải qua Estartit, thành phố du lịch nổi tiếng của bờ biển Tây Ban Nha nên xe cộ đông đúc hẳn rồi tắc tị, đứng ì ra. Nhẫn nại xếp hàng chờ tới phiên mình đi, trong lúc đó bà chị chỉ một cửa tiệm bán cá tôm các loại bảo Má đã vào cửa tiệm này mua cá về ăn. Mình chững lại, Má đã từng ở đây, Má đã từng đi trên con phố này, Má đã thấy giàn hoa giấy tím cả một trời, Má đã thấy màu nước biển xanh biếc, Má đã đặt chân xuống bãi cát ấm nóng ánh mặt trời, Má đã… Bây giờ mình ở đây còn Má đâu rồi?

“Nhà sập” ở Empuri phải trả tiền mới được vào trong khi đứng nhìn qua hàng rào cũng thấy được vài khúc nên mình thà nhảy  xuống biển bơi  còn hơn. Nước buổi chiều vào một ngày u ám thì cái lạnh nhân gấp đôi, sốc điện kỳ này mạnh gấp ba lần. Bơi khoảng nửa tiếng cho đã thèm lại lên bờ đi dạo theo con đường ven biển. Hoàng hôn xuống dần trên khu di tích Empuri được xây khoảng 575 năm trước công nguyên bởi dân Hy Lạp, thế cho nên mấy cột nhà nhìn quen quen giống trong truyện Asterix Obelix mặc dù đã sập gần hết. Đọc loáng thoáng qua mắt lưới hàng rào thấy đề đây là nhà bếp kia là phòng khách mà thật sự chỉ là những ô đất vuông nứt nẻ, tường cao không quá đầu gối, và phải có đầu óc tưởng tượng rất mạnh mới hình dung ra được nó ra sao trước khi bị phá hủy bởi chiến tranh rồi thời gian.

Rời Empuri về nhà êm ấm với nồi spaghetti và hai chai rượu dưới bầu trời rực đỏ ánh hoàng hôn. Ngày còn lại ở Spain cứ vơi dần đi. Mọi người bắt đầu nói về chuyện quay về phương Bắc….  

Lan Hương

Fort Worth 11/04/2016
 

Tuesday, January 17, 2017

Gần đến hồi kết thúc


Bạn gởi message cho tôi, tiếng Việt chen lẫn tiếng Anh,  bảo “Em phải về Michigan cuối tuần này, Ba em vào nhà thương hôm qua, liver stopped working and other complications. I think he is close to the end”.

Close to the end, gần đến hồi kết thúc một đời người.

Nếu bạn xem một bộ phim, nếu phim hay, biết sắp sửa đến hồi kết, mình muốn nó kéo dài thêm chút nữa, nhưng rồi Bùm! Chữ “The End” xuất hiện, kéo theo lũ lượt tên những người tham gia vào bộ phim. Khán giả lục đục vỗ tay, đứng dậy ra về. Màn ảnh khép lại tối đen, đèn bật sáng chờ đến xuất kế tiếp. Nếu là bộ phim dở, càng mong “The End” xuất hiện sớm chừng nào hay chừng đó, để khỏi mất thì giờ. Không chừng đèn vừa mới mở lưng chừng, diễn viên chính còn đang bận khóc dở mếu dở, thiên hạ đã lục tục đứng lên. Nếu phim hoạt hình kiểu như Tom and Jerry, thay vì “The End” lại là “That’s it, Folks!” Khán giả  miệng ngoác đến mang tai chờ coi tập kế tiếp rồi lại rũ ra cười với Tom với Jerry. Tôi chưa bao giờ thấy thiên hạ la ó một bộ phim dở ẹc ở đây, thường thì họ chỉ nhún vai bảo nhau, chẳng ra gì, phí tiền. Đại đa số trước khi bỏ tiền mua vé, thiên hạ hay vào internet đọc sơ sơ xem bình luận ra sao, xem xét phim được xếp mấy sao, nhiều sao càng tốt, cả năm sao như phim Moonlight thì chắc mẩm không sợ phí tiền, rồi để cho khỏi mất thì giờ, khối người đọc tiếp ai khen ai chê. Cho nên khi chữ “The End” hiện trên màn hình, đa phần mọi người thì thào tiếc rẻ, phần còn lại khoan khoái, thỏa mãn ra về.

Đó là chuyện phim ảnh. Đọc sách có toàn quyền gấp lại cất đi mà không cần chờ tới trang cuối, chẳng phiền đến ai. Nếu là cuốn sách hay, vẫn còn tiếc khi nhìn chữ “The End” bèn giở lại các chương đắc ý nhất đọc tới đọc lui. Đôi khi không đồng ý với hồi kết, tối ngủ thầm viết lại trong đầu, theo ý mình. Khi vui sẽ cho các nhân vật sống tuốt, vô cùng hạnh phúc, khi buồn sẽ cho chết sạch, chẳng còn nhân vật chính nào sống sót, cho đáng đời tác giả. Nếu là cuốn sách nuốt không vô, có đem trả lại cho thư viện không thấy áy náy, và coi như trang “The End” của nó chưa bao giờ được đụng tới. Cẩn thận hơn nữa, lần sau thấy cùng tên tác giả thì khỏi vác về nhà cho nặng túi.

Sách hay truyện, hay ca nhạc, hay kịch cọt, đều có lúc phải kết thúc, dù hay hay dở. Và đời người cũng thế. Có sinh có tử….Hình như đâu đó có người bảo cuộc đời là một cuốn phim, có mở đầu và có kết thúc. Thuốc trường sinh chỉ là một sự lừa bịp trắng trợn.

Nhưng “the end” của một đời người không đơn giản chỉ là một màn hình tối hù, một trang giấy trắng, hay hai cánh màn hạ xuống. Nó làm cho những người ở lại đau thấu tim. Close to the end  nghĩa rất gần với cái tận cùng, cái chấm dứt của sự sống đã tồn tại hàng bao nhiêu năm trên thế giới này. Đồng nghĩa với những nhịp đập cuối cùng của trái tim. Nếu nằm trong nhà thương sẽ thấy một vạch ngang thẳng tắp, tiếng bíp bíp hối hả kêu. Nếu ở nhà sẽ thấy bông gòn để trước mũi không còn rung nhè nhẹ nữa, và đôi tay buông xuôi bên người. Con tim, bắt đầu đập từ trong bụng mẹ, đến lúc này hoàn toàn ngưng lại, không làm việc, đem theo một đời sống đi cùng với nó. Tim không đập kéo theo hàng loạt các cơ quan trong người đình công, gắng sức lắm chỉ đủ cho một hơi thở hắt. Thế là xong. Một cái tên được xóa sổ trên thế giới này và bầu trời tiếp nhận thêm một ngôi sao để cho có người nhìn nó và tiếc thương. Tôi nhớ cách đây mấy tháng, tôi nằm mơ thấy Ba. Trong giấc mơ tôi biết Ba đã ra đi, thế nên khi gặp lại, câu đầu tiên tôi hỏi là Ba có bị lạnh không. Ba  trả lời, mỗi người có một ngọn đèn, nếu đèn còn sáng thì chẳng sợ lạnh chẳng sợ tối. Càng nhiều người nghĩ đến mình thì đèn càng sáng, giống như đèn được nạp thêm pin vậy. Tỉnh giấc giữa đêm, tôi chẳng biết cái ý tưởng đèn soi ấy từ cuốn sách nào hay bộ phim nào nhảy vào đầu tôi, chỉ biết rằng nếu thế thật thì tôi sẽ nhớ đến người thân của tôi hàng ngày hàng giờ. Để cho ngọn đèn của họ luôn luôn sáng rực ở thế giới bên kia.

Ba của bạn tôi là người Nam Định, ngồi nói chuyện với ông, tôi hân hoan biết ông là người cùng quê với Má tôi, ông biết con sông Giao Thủy, ông biết mùa đông ở cái làng khốn khổ đó nó lạnh lẽo và buồn đến mức nào. Ông có nêu tên vài người trong làng hỏi tôi, tôi chỉ cười khà khà. Những người này chưa chắc Má đã biết, huống gì tôi, người chưa bao giờ về quê ngoại đến một lần. Má ra khỏi dòng chảy của Giao Thủy khi Má đang độ tuổi teen, nghĩa là mười lăm, mười sáu. Cắp theo bọc vải đựng vài bộ đồ, Má xa quê lên Hà Nội ở với bà chị. Từ đó cho đến lúc Má vào Qui Nhơn, đi xa hơn vào Dalat, rồi xa hơn nữa sang Bỉ, rồi xa thật xa Má xuôi tay. Những năm tháng cuối đời, không hiểu sao Má lại hồi tưởng ký ức thuở nhỏ của Má, rõ ràng, rành mạch. Má bảo ở quê nhà nghèo cơ cực, ông bà ngoại tính bán Má cho người ta, bà chị nghe tin vội chạy về đem em đi theo mình. Khi tôi còn nhỏ, Má hay kể chuyện Má và ông anh chặt chuối làm bè thả trong ao cá, bị ông ngoại phạt quất mấy roi. Ông anh là con cầu tự nên sau một roi thì được tha, Má là con út, lại là con gái nên tội nợ gánh hết. Về sau hai anh em vẫn chặt chuối làm bè, nhưng khi bị phát giác, Má bỏ trốn bên nhà hàng xóm, chờ ông ngoại cất roi, bà ngoại đi khắp xóm réo tên Má mới lò dò về nhà. Con tim của Má bắt đầu đập từ cái làng bên bờ sông Giao Thủy, và nó chấm dứt đột ngột trên bàn mổ ở Bruxelles, cách nơi chôn nhau cắt rốn của Má cả mấy ngàn cây số. Cái vạch thẳng băng màu xanh ấy để lại tôi ngỡ ngàng đến tận bây giờ. Tôi không ở bên Má lúc ấy nên tôi không biết “Close to the end” của Má ra sao. Sau này tôi vẫn thầm nhủ tự dối lòng mình, khi ấy Má đã hôn mê, chắc chắn Má không cảm thấy đau đớn gì cả, Má đã không biết gì nữa cả. Nước mắt hai hàng, tôi lập lại suốt đời tôi, chắc chắn là như vậy.

Close to the end của Ba tôi biết được qua điện thoại hàng ngày gọi về, tôi không tận mắt chứng kiến nhưng nghe anh chị em thuật lại. Và tôi lại nhắm chặt mắt tự nhủ, mấy miếng băng morphine dán trên người Ba làm cho Ba chìm nghỉm vào giấc ngủ thật sâu nơi các hệ thần kinh được xoa dịu, không kêu đau kêu nhức, đánh tan bay biến cái đau của bệnh ung thư. Ba ra đi rất nhẹ nhàng, để lại chiếc kim đồng hồ chỉ đúng 9 giờ sáng. Ngày hôm sau tôi về bước vào phòng Ba, kim vẫn chỉ 9 giờ sáng nhưng Ba không còn với tôi nữa. Tim Ba đã ngưng hoàn toàn sau hơn 90 năm đập nhịp nhàng và đều đặn.

Những cái kết thúc của đời người thường đến theo mọi kiểu, dưới mọi hình thức, đôi khi làm người thân bất ngờ đến bàng hoàng, như đường tim đập thẳng băng của Má ở nhà thương. Hay cái hét cuối cùng của ông anh họ khi ngã xuống bên bàn cờ tướng. Ông ấy đang chơi cờ, không hiểu vì thắng hay thua mà bất ngờ té lọt ghế, ra đi đột ngột, tôi thêm thắt cho rằng tay ông ấy vẫn còn cầm con tốt, con thí gì đó, mang theo luôn cái tên ông ấy hay gọi tôi “Con Dế Mèn”. Hay một ông anh họ khác trên Virginia, người đã làm tôi cười bể bụng khi ông ấy cầm micro hát karaoke nhái kiểu Tuấn Vũ. Ông ấy đi nhổ răng về, nói là hơi mệt rồi lên giường đi nằm rồi tim ngừng đập, nghỉ khỏe re, nói theo kiểu lính dã chiến của ông ấy. Một cái chết êm ả nhất tôi từng biết. Đôi khi hồi kết thúc lại là một giải thoát, cho người ra đi và cho cả người thân. Bác Đoàn ở Fort Smith là một ví dụ. Chồng bác bị liệt, nằm trên giường sống như thực vật đúng 30 năm trời. Bác chăm chồng chu đáo không thiếu một buổi trừ những ngày chồng bác phải nằm nhà thương. Bác bảo nhờ vậy bác được ngủ thẳng giấc dăm bữa. Bác trai về nhà, bác lại thức hôm thức khuya, bón cho ông ấy ăn, lau rửa cho ông ấy và đọc kinh cầu Chúa. Ngày ông ấy ra đi, bác nói to với Chúa “Cám ơn Ngài đã mang ông ấy đi”. Nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng bác bảo đó là giải thoát của ông ấy và của chính bác. Bác bảo đó là cái nghiệp mà ông ấy phải trả, mà bác phải trả. Tôi không hiểu nghiệp gì, sau này mới được biết cả hai vợ chồng khi xưa bên Việt Nam dính líu chuyện mua bán ma túy, bạch phiến với đám thanh niên trong xóm, ngoài ngõ. Tiền vào dễ quá, cả vợ lẫn chồng biết là việc không nên làm nhưng tham lam không bỏ được. Nghiệp chướng theo họ đến tận bây giờ.

Riêng ba bạn tôi ở Michigan được cả nhà săn sóc tận tình, con cái chung quanh không thiếu đứa nào. Mới mùa hè năm ngoái, ông còn xuống Fort Worth, đến nhà chơi gặp ông, ông gầy xọm và bảo chúng tôi Tết sang năm chưa chắc bác đã xuống được, tự dưng bác thấy mỏi mệt trong người. Sau đó ông vào nhà thương với chẩn đoán ung thư gan. Thoạt đầu gia đình dấu ông dấu bà, không cho họ biết để họ tiếp tục nuôi hy vọng một ngày kia ông sẽ khỏe lại. Nhưng ở nhà thương Mỹ, bác sĩ đến khám đi kèm thông dịch viên. Thông dịch viên không thể không dịch chính xác tất cả mọi điều bác sĩ nói. Cả ông lẫn bà chấp nhận tin dữ rất bình tĩnh. Ông bảo ông sống đến chừng này chắc đã đủ, bây giờ đến lúc về với Chúa. Bà bảo, Ngài sẽ đón ông. Riêng bạn tôi đi đi về về giữa Fort Worth với Michigan như con thoi. Cả nhà bạn căng thẳng chờ đến hồi kết thúc của ông. Và chúng tôi dù sao cũng chờ cùng với bạn.

Close to the end, hồi kết thúc của một trái tim khi nào cũng buồn, dù có Chúa hay Phật đứng đón ở bên kia thế giới. Khi tim ngừng đập, là lúc người chung quanh cảm thấy chuyện sinh tử quá phù phiếm. Rồi rất lâu sau này vẫn không quên được cảm giác phải chia tay vĩnh viễn với một ai đó. Cái cảm giác chia tay với một trái tim ngừng đập chỉ làm cho trái tim còn lại đau mãi mà thôi.

Lan Hương

Fort Worth 01/17/2017