Pages

Wednesday, November 23, 2016

Gia tài để lại


Ông bố qua đời để lại cho ông con toàn bộ gia sản. Nhưng mặt ông con chẳng có vẻ gì là người thừa kế được hưởng toàn bộ gia tài gì cả. Ông con mặt mũi ủ ê, khoát tay một vòng chỉ căn nhà bừa bộn, càu nhàu “Cả mấy năm trời ông ấy không cho tụi tôi sửa sang bất cứ cái gì, ngay cả xin cắt cỏ cũng không cho. Tôi bảo cái phòng tắm chật quá, để tôi sửa lại cho rộng, ông ấy bảo tao quen rồi, chớ đụng vào cái gì, để tao yên thân rồi đuổi tắp tụi tôi như đuổi tà. Có lần tôi phải đốn cái cây trong vườn vì cành nó sắp đổ vào mái, ông ấy giận tôi cành hông, cạch mặt tôi đến cả tháng!”

Cụ bà mất trước cụ ông cả hai chục năm. Từ khi bà mất, ông quyết chí không sửa sang nhà cửa vườn tược, lúc bà sống ra sao thì lúc ông chết nó y như vậy. Ông luyến tiếc hình bóng bà trong căn nhà thân thuộc. Ông sợ dù chỉ một thay đổi nhỏ, vía bà sẽ bị lạc không biết đường tìm về với ông, hay sợ mùi hương của bà không còn nữa. Con cái đến đề nghị ông sửa chỗ này, dọn chỗ kia, ông có cảm giác chúng chen vào giữa ông và bà, quyết tâm xua đuổi hình bóng bà trong từng góc nhà, từng gốc cây, trong ngay cả tâm tưởng của ông. Vì thế mỗi khi chúng đến thăm, ông tiếp đón đúng một tiếng đồng hồ, sau đó mở toang cửa trước, xua chúng ra về để ông yên thân với hình  bóng người vợ đã khuất.

Tôi đến nhà ông một buổi chiều nắng gắt, mục đích mua lại chiếc xe cũ của ông, chiếc xe ông không thể lái được những năm cuối đời mình. Vì già cả, bệnh tật, và cái chính là bằng lái của ông đã bị tịch thu sau khi ông lẫn lộn làn đường quẹo trái quẹo phải, tông phải một chiếc xe chạy ngược chiều. Cũng may cả đôi bên không sao. Ông biết thân nên lẳng lặng đưa bằng lái cho con trai sau khi nghe nó quát mắng cả nửa ngày. Kể từ đó, chiếc xe nằm im trong garage ba bốn năm trời, tha hồ cho bụi bặm bám lên cửa kính, nóc xe, mạng nhện giăng chi chít dưới gầm xe. Một ngày trước khi chúng tôi đến xem, nó được lôi ra đem đi hút bụi, chùi rửa cẩn thận. Màu sơn đỏ bóng lộn trở lại để lộ những vết trầy trụa bên hông xe, hậu quả của tai nạn ông gây ra khi bất thình lình quẹo trái, coi đèn xanh đèn đỏ chẳng ra gì.  Nệm ghế đỏ sạch sẽ, nhưng dù sao chăng nữa vẫn không xua đuổi được mùi thời gian bám chặt vào nó. Tôi hít vào một hơi, mùi thời gian và mùi của tuổi già phải chăng là một?

Căn nhà của ông khá rộng rãi, nằm trong địa hạt Hurst, cách phi trường mười lăm phút và cách cái shopping mall to đùng đúng năm phút. Tuy vậy khu  vực này khá yên tĩnh, nhà cửa nép mình dưới bóng những cây sồi lá xanh quanh năm. Bà con dâu, vốn dân địa ốc, chỉ cho tôi xem những căn nhà lân cận bảo “Nhà này mới bán, ông lão chết cách đây mấy tháng. Nhà kia cũng chuẩn bị lên danh sách bán, bà cụ cũng mới qua đời đây thôi. Nhà nọ vừa có người dọn vào, một cặp vợ chồng trẻ thay cho ông già chết vì ung thư phổi  cách đây hơn năm trời”. Tôi hãi hùng nhìn chung quanh. Té ra tuổi nhà tuổi khu phố gắn liền với tuổi đời. Những căn nhà được xây khoảng thập niên 1960, giờ đã cũ nhiều lắm. Mái rêu phong, tường thấp, cửa sổ bé tí, cây cối thành cổ thụ, rễ bò lung tung chồi lên làm bật đường xi măng. Và cỏ dại thì khỏi phải nói! Toàn thứ dữ, chỉ cần thò chân xuống bãi cỏ, những hạt gai bằng hột đậu phụng quyết tâm bám chặt vào gấu quần, dùng tay nhổ ra phải cẩn thận vì chúng cứng ngắc, gai đâm tua tủa như nhím. Vừa nói chuyện với chủ nhà, tôi vừa đứng nhổ gai, bà con dâu ái ngại nhìn tôi bảo “Chẳng có cách gì diệt chúng được, ý là chồng tôi đã đổ cả lít thuốc diệt cỏ xuống rồi đấy!” Tôi hình dung ngôi nhà sẽ được bán cho cặp vợ chồng trẻ nào đó, và đứa con nhỏ của họ chạy chơi trước sân nhà, cứ tưởng tượng bàn chân trần của nó giẵm phải đám hạt cỏ gai này!

Hai vợ chồng bảo chúng tôi vào xem nhà chơi. Đầu tiên tôi vấp phải một đống đồ gỗ vứt ngổn ngang trong garage. Bà con dâu nói sáng nay chúng tôi mới mở garage sales, cái gì bày lên bàn được là tôi bán tuốt, ai muốn trả giá bao nhiêu tôi cũng bán cho xong, vác những thứ này về nhà tôi không biết phải làm gì với chúng. Tôi nghĩ khi cụ ông còn sống, ông cóp nhặt đây kia từng chút từng chút, tha lôi những món đồ về lấp kín nhà mình. Ông tốn tỉ tiền vào đấy chứ không chơi. Bây giờ đến tay ông con, ông này chỉ muốn bán tống bán tháo cho xong của nợ, để dọn căn nhà trống  giao cho địa ốc. Nói đến chuyện bán nhà, bà vợ rỉ tai tôi kể chuyện một giấc mơ. Số là hai vợ chồng được thừa hưởng căn nhà này, trong lúc chờ giấy tờ hợp thức hóa, họ có ý định sửa sang rồi cho thuê. Nhưng rồi khi mời địa ốc đến xem, bà ấy vẽ cho luôn cả một cái plan sửa nhà! Bảo để như vậy không ai sẽ chịu bỏ tiền ra thuê đâu, bây giờ chỉ có nước sửa sang lại rồi bán. Rồi bà ta vác bút vác giấy vác thước ra bảo phải đập cái tường này, nới bếp ra cho rộng, phải đập luôn cái tường kia cho phòng khách thông thoáng, cái phòng tắm cũng phải sửa sang, bây giờ không ai chịu đứng trong cái góc kẹt đó tắm vòi sen. Chưa hết, phải lột thảm,  phong trào bây giờ là sàn gỗ đấy. Trần nhà cũng phải tẩy rửa, tráng lại cho bằng phẳng. Chưa xong, bà ấy tấn công luôn cái vườn sau. Hơn 20 năm trời không chăm sóc, những cơn mưa ngắn dài của Texas đã làm cho đất cát tấp sát vào bờ tường muốn bít cả cửa sổ, kết quả là ống cống nghẹt, nước chảy ngược vào nhà, phải mướn người tới san bằng vườn sau, thông cống trước cống sau. Còn phải chặt vài cái cây cổ thụ nữa để lấy ánh sáng vào nhà. Bà ta hỉ hả đưa cho vợ chồng một danh sách dài bất tận những việc cần làm nếu muốn sửa sang  rồi cho thuê hay đem bán. Ông con ngán ngẩm, ngày làm việc 8, 9 tiếng thời giờ đâu mướn thợ, coi thợ sửa? Cả hai vợ chồng chưa ngã ngũ vì một phần muốn bán, một phần muốn giữ lại. Đã từng ra vô căn nhà này từ lúc họ mới quen nhau rồi lấy nhau, khoảng 40 năm là ít, cho nên từng góc kẹt, từng phân vuông tường là những kỷ niệm chồng chất. Nhất là nhà bố mẹ mình, dù sao hình bóng các cụ vẫn luẩn quẩn đâu đây. Ông con vò đầu bứt tai không biết phải làm gì thì một hôm nằm mơ thấy bố mình hiện về, tươi tỉnh nói với con, bán nhà đi, bố không buồn đâu. Bố thật sự muốn con bán nó, bố đã gặp mẹ rồi, không cần phải về căn nhà này nữa! Ông con choàng tỉnh mồ hôi như tắm, thức đến sáng thì quyết định gọi cho bà địa ốc, bắt đầu làm giấy tờ bán nhà.

Tôi bước vào căn phòng ngủ của cụ ông. Ông đã qua đời gần một năm nhưng mùi người già cộng với mùi người bệnh vẫn còn đặc sệt trong không khí. Quần áo của ông vẫn còn vương vãi đầy dưới đất. Các khung hình bỏ chỏng chơ lăn lóc trên bàn. Tôi liếc nhìn thấy hình chụp cụ ông cụ bà tay nắm tay đứng sát nhau, hình trắng đen đã mờ nhiều, ố vàng nơi góc nhưng được lộng kính cẩn thận. Đối với cụ ông, hẳn đây là một kỷ niệm khó quên, đối với ông con, tất cả hình ảnh đều nằm êm ấm trong cái computer, không cần phải giữ bản gốc cho nên ông tính quăng thùng rác cho sạch nhà. Bà con dâu bảo tôi cả năm trời không được đụng đến bất cứ cái gì trong nhà này mặc dù di chúc có bảo nó thuộc về chồng bà. Nhưng đến khi chờ được giấy tờ chính thức là chủ của nó, được quyền mở cửa bước vào và muốn làm gì thì làm thì mướt mồ hôi. Mình cứ nghĩ có di chúc thì cứ thế mà nghiễm nhiên vào thu dọn đồ đạc trong nhà, không phải vậy đâu nhé. Đoạn trường được hưởng gia tài không phải dễ ăn, mất cả năm mới xong. Bà ta khuyên tôi nếu có để lại gì cho con thì vàng là tốt nhất, rồi đến tiền mặt, khỏi phải ra luật sư làm thủ tục giấy tờ rắc rối! Ông con tuồng như đã bị giấy tờ các loại hành cho mệt nhừ nên chỉ muốn bán tống mọi thứ cho nhẹ nợ.  Nhìn căn nhà mờ mờ tối, ông ta bảo nhìn vậy chứ cũng phải mất vài tuần nữa mới dọn sạch sẽ được, không ngờ bố tôi xả đồ nhiều đến thế! Cứ ngẫm mà xem, cụ ông sống ở căn nhà này ngót nghét năm mươi năm, bảo sao đồ đạc không nhiều? Bảo sao hình ảnh trên tường cái nọ treo lấn cái kia? Bảo sao quần áo chất trong tủ, mở cánh cửa thì đổ ập xuống đất thành một đống? Nhất là người già không thể vứt bỏ bất cứ thứ gì. Đại khái cụ ông có 2 cái tủ lạnh to đùng mặc dù đồ ăn thức uống của ông đã có người mang đến hàng ngày, ông có hai cái máy cắt cỏ mặc dù ông con đã thuê người đến cắt cỏ hàng tuần cho bố, trong garage xếp ngay ngắn khoảng 3 cái thang lớn nhỏ, bảo đảm ông không dám leo lên vì thang cũ, ọp ẹp, nhưng bỏ thì thương vương thì tội. Rồi thì bàn ủi khoảng 3, 4 cái xếp trong góc kho, ông làm gì với chừng đó cái thì trời mới biết. Riêng bàn ghế trong nhà đã được ông con lẳng lặng vác đi cho dần dần mỗi khi đến thăm bố nên bây giờ mới có lối mà vào. 

Mỗi khi tôi đi gặp những người già, hay đến nhà họ về, tinh thần tôi rớt bịch xuống tận chân. Như cái dạo làm hè ở một nursing home bên Bỉ vậy. Đi làm về không muốn ăn, muốn ngủ, nghĩ một mai kia Ba mình, Má mình rồi sẽ lẩn thẩn giống họ mất thôi. Tôi ước gì Ba Má mình chẳng bao giờ già! Tôi nghĩ đến những người ngồi suốt ngày bên khung cửa sổ, nhìn nắng rọi xuống hàng cây tiêu huyền chờ con đến thăm rồi dẫn ra phố đi dạo. Tất nhiên là con cháu bận không tới, chúng mải mê đâu đó không hề biết đến những đôi mắt mòn mỏi đợi chờ. Tôi thấy tội nghiệp nên sau giờ làm việc nán lại dẫn hai bà một lúc đi ra ngoài tản bộ. Các bà đồn nhau, ngày hôm sau hai bà khác túm tôi ngoài hành lang, bảo tôi có dẫn họ ra ngoài đi dạo được không, dù rằng chỉ mười lăm phút? Suốt một tháng trời làm hè, ngày nào tôi cũng dẫn hết người này đến người kia đi ra khỏi tòa nhà màu trắng sạch sẽ nhưng lạnh lùng, chỉ là đi đầu đường đến cuối đường cũng đủ cho họ hân hoan. Khi chia tay với họ, một bà bật khóc bảo bây giờ ai dẫn tôi ra ngoài đây? Bà giám đốc có ý trách tôi nuông chìu các ông các bà quá, bây giờ bà biết tìm đâu ra người dẫn họ ra ngoài. Tôi chia tay với nursing home thề không bao giờ làm nghề y tá chăm sóc người già!

Bây giờ tôi không nghĩ Ba hay Má có sẽ giống họ hay không nếu cả hai còn sống,  mà tôi nghĩ chính mình một ngày nào đó cũng giống họ!  Hiện tại tôi đang tỉnh táo, tự nhủ chắc mình phải sửa soạn từ bây giờ, rút gọn tất cả mọi thứ lại để mai sau lỡ có gì hai thằng con tôi không phải vừa bán đổ vừa cho không vừa cằn nhằn cả tía lẫn má nó sao khuân đồ khuân đạc về lắm thế! Vậy mới biết tại sao khi con khôn lớn ra ràng, bố mẹ bên này down size, nghĩa là dọn từ nhà lớn năm sáu phòng  xuống nhà nhỏ hơn còn khoảng ba phòng. Rồi từ nhà nhỏ hơn vào townhouse hai  phòng ngủ một phòng tắm, vẫn còn cái sân nhỏ vừa đủ cho ba chậu hoa. Sau đó từ townhouse vào appartment  một phòng ngủ  một phòng tắm với các đường ray gắn chung quanh đi vịn cho khỏi té ngã, và không sân khỏi cắt cỏ, bóng đèn hư có người đến sửa. Cuối cùng là một phòng trong nursing home, cả thế giới quây quần trong phạm vi một giường một tủ nhỏ đựng quần áo, kỷ niệm đồ đạc các loại được để lại đâu đó, có chăng vương lại một ít trong trí nhớ mù mờ của bệnh Dementia hay Alzheimer.

Tôi an ủi cả hai vợ chồng rằng cụ ông may mắn được chết trong nhà mình, không phải kết thúc cuộc đời trong một cái nursing home xa lạ, nơi ông sẽ lạc lối và tìm hoài không thấy hình bóng cụ bà ở đâu. Bà con dâu gật gù, đúng thế, thật ra mấy ai được chết trong chính căn nhà mình đã từng ở hơn nửa đời người?  

Tôi về nhà, nắng tháng chín vẫn còn oi ả trên lưng, trên mặt. Và tôi bắt đầu thu gom đồ đạc của mình lại. Khởi sự bằng các khung hình, gỡ ra xếp cất là vừa. Con cái chẳng màng tới hình với ảnh, thì mình cũng nên tập như chúng, không màng đến kỷ niệm nữa.

Lan Hương

Fort Worth 11/16/16

Tôi mới gặp ông con hôm qua, ông ấy kể chuyện đám thợ phần lớn là người Mễ Tây Cơ đến sửa sang căn nhà, lúc nào họ cũng có cảm giác có một người đàn bà đứng nhìn họ làm việc. Mà cứ quay ngoắt lại thì không thấy gì. Riêng bà địa ốc vừa chỉ cho đám thợ bức tường cần đập thì tự dưng lạnh toát sống lưng, phải vội vàng chạy ra ngoài đứng dưới nắng cho ấm áp. Ông con nhớ lại khi bố mình còn sống, ông cụ thỉnh thoảng kể chuyện rạng đêm về sáng thức giấc thấy bà vợ mình ngồi dưới chân giường. Ông cụ kể cho con nghe thì nó gạt phăng đi bảo ông tưởng tượng nhiều quá! Ngôi nhà đã được tu sửa, cửa sổ mở rộng, mái ngói được thay, sân trước sân sau san phẳng. Ông con được mời tới xem cứ ngỡ như mình đến nhà người lạ, không thấy tí dây mơ rễ má nào bảo mình đã từng đi qua cánh cửa này hơn bốn mươi năm trời. Và ông cảm thấy chưa bao giờ buồn đến thế.   


No comments:

Post a Comment