Pages

Friday, June 26, 2015

Ra Riêng


Năm 13 tuổi, tôi quyết định “ra riêng”! Lần này không giống hồi lên 11 tuổi, tôi cũng manh nha “ra riêng”, nhưng tôi dọn vào ở trong căn phòng lớn, được gọi là phòng Me vì hồi xưa Me ở phòng này. Chị Hường, người giúp việc trong nhà, ôm cái giường ở góc phòng. Còn Xuân, em họ của chúng tôi, con cô Cao, ngủ ở cái giường kế bên. Riêng tôi chiếm lĩnh cái giường đơn bằng sắt, nằm khoảng chính giữa. Mang tiếng ra riêng, nhưng quần áo, sách vở của tôi đều ở dưới nhà, chỉ có buổi tối thay vì vào giường ngủ chung với Má, tôi lên lầu vào phòng Me. Khoảng không gian cho riêng tôi chỉ là phạm vi bên trong cái mùng, nhưng 11 tuổi vốn không đòi hỏi gì nhiều và  tôi thường hay thiếp đi cùng với tiếng trò chuyện rì rầm, đều đều của chị Hường và Xuân. Tôi yên tâm đánh một giấc, đố sợ có con ma nào dám lởn vởn bên ngoài vì chị Hường bảo, chị cao vía, chưa bao giờ thấy cái gì khác lạ trong nhà này cả!
Chộn rộn năm 1975,  nhà  đâm ra heo hút người. Không cần ai bảo, tôi tự động bò vào lại giường Má. Tiếp tục cãi cọ chỗ nằm, dành nhau gối mền với con em mặc dù Má đã chia nó nằm ở giữa, tôi nằm trong góc, sát vách tường. Nhưng nó ngủ mất nết, tối nào cũng đạp thùi thụi vào lưng, hoặc quạt luôn một cánh tay vào giữa mặt tôi lúc nửa đêm! Má giải quyết chiến tranh bằng cách bảo tôi nằm trở đầu đuôi. Chẳng đi đến đâu vì nó hết kéo mền, rồi xoay ra nằm nghiêng, dồn tôi tuốt vào góc mùng. Tôi chán phải giằng co với nó để rồi sau đó cảm thấy bị ức hiếp oan uổng vì luật chị phải nhường em, nên thôi, tôi quyết tâm ra riêng đây.
Tôi không dám ở trong phòng Me, nó rộng quá, có khoảng 3, 4 cái giường trống và tới bốn cái cửa sổ, hai cửa ra vào, tôi lọt thỏm vào đó, chẳng biết đâu là không gian riêng tư cho mình. Tôi sợ nhìn những cái giường trống không người nằm, và buổi tối phải kiểm soát tới những bốn cái cửa sổ hai cửa ra vào trước khi chui vào mùng thì thật quá sức cho tôi. Tôi chẳng còn có lựa chọn nào khác cho chuyện “ra riêng” của mình ngoài phòng Bác Thìn. Má nhìn tôi một cách kỳ quặc và bảo để Má dọn sơ sơ trước đã rồi hãy vào mà ở. Ngày hôm đó chắc tôi ăn phải “con liều” nên mới dám xin Má  ở trong phòng này vì phòng Bác Thìn từ lâu không có ai, nó bị đóng cửa im ỉm suốt nhiều năm rồi. Người cuối cùng ở trong phòng này là Bác Thìn, sau khi Bác dọn về Saigon với vợ chồng anh Phương, cửa phòng được đóng lại. Thỉnh thoảng tôi theo Má vào dọn dẹp tí đỉnh, nhưng buổi tối, chẳng ai bảo ai, đi ngang qua cánh cửa đóng kín, mọi người đều rón rén. Tôi nghe nói Bác Thìn Gái khi chết được đưa vào phòng này nằm tạm. Cái chết của Bác xảy ra rất đột ngột ngay trong nhà nên hồn Bác không siêu thoát, chập chờn bay lởn vởn đâu đó, đám anh chị lớn dọa ma lũ con nít như vậy. Nếu không siêu thoát được thì bóng hình của Bác lang thang trong căn phòng này chứ còn ở đâu được nữa? Nhưng khi Bác chết, tôi còn chưa ra đời, coi như tôi không biết Bác là ai, vì thế Bác có thể cũng chẳng biết tôi là ai để nửa đêm vén mùng hù tôi chơi. Lý luận chổi cùn như thế, tôi liều mạng nhận căn phòng này làm của mình.

Nó nằm phía tay phải, nếu từ cầu thang đi lên và được ngăn với phòng “Françoise Hardy” bằng một tấm vách mỏng. Nếu phòng “Françoise Hardy” quay về hướng đông tưng bừng nắng sớm ban mai và nhìn sang bên kia đồi Hải Thượng, thì phòng Bác Thìn quay về hướng tây, nhìn thấy toàn bộ sân sau với chuồng gà và lãnh trọn những tia nắng gay gắt buổi chiều. Vì thế Má may cho tôi hai cái màn cửa sổ mới treo lên, tiện thể thay cho tôi tấm màn sa tanh màu trắng chỗ cái tủ chìm vào tường bằng một bức màn hoa, nhìn vui mắt hơn. Trong phòng có sẵn một cái giường đôi khá rộng, tôi thừa biết ai đã từng nằm trên đó nhưng xin Má đổi một cái giường khác thì có mà mơ! Tôi đành bằng lòng với những gì căn phòng có sẵn còn hơn là tiếp tục chọc chọe với con em trong chiếc giường mang đầy hơi hướm của Má.
Nói tới phòng Bác Thìn mà không nói tới cái tủ chìm vào tường là cả một thiếu sót. Vì trong chừng đó căn phòng của nhà số 7, chỉ có mình nó mới có cái tủ  chìm và cũng chỉ có nó, đàng sau bức màn sa tanh trắng mang màu tang tóc, lù lù một cái rương to đùng. Trên nóc tủ chất vô số báo cũ và đồ đạc lỉnh kỉnh. Muốn với tới nóc tủ, tôi phải leo lên thành đầu giường, rồi hít một hơi, đu thẳng lên nóc. Ngồi trên đó, tôi tha hồ đọc Tự Lực Văn Đoàn, Kiến Thức, Văn Hóa Ngày Nay và ho sặc sụa vì đám bụi bốc lên. Những số báo xuất bản từ những năm tôi còn chưa ra đời, màu giấy ố vàng, chữ in đôi lúc còn nhòe nhoẹt. Những bức hình trắng đen chụp các cô thiếu nữ Hà Thành tóc vấn cao, cổ đeo kiềng, mắt nhìn hiêng hiếng thật lạ lẫm với tôi. Tôi đọc những truyện ngắn viết vào khoảng năm 1950 mà không nín được cười vì câu cú văn chương bóng bẩy quá khác xa với lối hành văn thời hiện đại bây giờ. Tôi còn lôi ra được một cuốn nhật ký viết nửa chừng của Bác Thìn. Lúc Bác dọn đi, chắc Bác để quên nó nên Má cho lên nóc tủ đóng bụi với thời gian. Tôi chẳng nhớ Bác viết gì, hình như có vài bài thơ, trong đó có một bài tôi thích nhất, đó là bài thơ Tết. Đặc biệt ở chỗ cả bài chuyên chở  hết tên của đám con cháu đông đúc, từ Doãn, Tinh, Dung, rồi đến Mai, Hà, sang Điệp, Thư, Lân, Quí, Hằng, Phương Anh, và đứa chót là Hải, cháu nội của Bác.
Lúc quyết định dọn vào phòng này, tôi lôi bằng hết đống sách báo cũ đó ra đốt vì nghĩ mình chẳng dám ngủ với chừng đó thời gian và ký ức bị đóng bụi. Sau khi nóc tủ dọn sạch, tôi cạy cục xin Má mang cái rương đem sang phòng Me, vì chừng nào nó còn ở đó, tôi không dám ở trong phòng! Đó là thành tích kể chuyện ma của ông anh tôi. Ông ấy bảo ông ấy từng nhìn thấy một cánh tay xanh lét thò ra từ trong cái rương này! Đã mấy lần ban ngày ban mặt, tôi lục tung cái rương cũ kỹ ấy lên. Mùi băng phiến quyện với mùi xà phòng thơm để át mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi. Tôi chỉ thấy vài xấp vải, mấy cục xà phòng, mấy cái áo dài cũ, vài cái mền mùng cũ Má xếp vào, một cái áo măng tô to đùng không biết của ai và tuyệt nhiên chẳng thấy tay chân gì. Nhưng đến tối thì mọi chuyện lại đâm ra khác hẳn, nhất là sau khi đã đọc cuốn “15 truyện kinh dị trên thế giới” hay tập truyện ma Hitchock. Cộng thêm những đêm bị cúp điện, dưới ánh nến chập chờn hay đèn dầu leo lét thì dù rương có chứa vàng tôi cũng chối phắt!  
Căn phòng có hai cửa sổ, một cái nhìn sang vườn su su, cây đào lông và trường Lycee Yersin lấp ló bên kia đồi, cửa sổ còn lại nhìn ra sân sau với chuồng gà, gốc ổi, gốc bơ và thấp thoáng mái trường Trần Bình Trọng. Cái cửa sổ này nối tiếp với mái tôn nhà bếp nên chơi năm mười, tôi hay nhảy phóc ra ngoài cửa sổ, đứng trên mái tôn, dán mình vào vách tường ấm sực hơi nóng mặt trời, rồi ung dung chờ có ai tìm ra được mình không. Chờ một hồi phát chán, tôi đành phải leo vào phòng lại và ra “đầu thú”.  Còn cái cửa sổ kia nếu khéo đu và dài tay dài chân, thì có thể chuyền từ nó xuống mái cửa sổ phía dưới rồi hạ cánh an toàn ngang tầm cánh cửa từ phòng giặt đi ra bên hông nhà. Một hôm Ba bắt gặp tôi đang lơ lửng trên tấm xi măng che cửa sổ tầng dưới, thế là sau đó cả lũ con nít bị cấm không được đu cửa sổ leo xuống vì Ba sợ mái che sẽ sập dưới sức nặng của đám con nít chơi nghịch!

Tất nhiên khi dọn vào phòng riêng, tôi không còn là một đứa con nít nữa cho nên màn Tarzan đu cửa không còn mà thay vào đó, tôi để lên kệ sách những cuốn sách ưa thích của mình, được chọn từ cái tủ sách dưới nhà đem lên, và do tiền túi tích cóp mua được từ tiệm sách Khai Trí trên khu Hòa Bình. Sau năm 1975 với chiến dịch đốt sạch sách báo văn hóa đồi trụy, những cuốn như Cuốn Theo Chiều Gió, Chuông Gọi Hồn Ai, Đỉnh Gió Hú, Trang, Exodus Về Miền Đất Hứa, Cậu Hoàng Con…phải nằm trên nóc nhà một thời gian khá lâu. Ba tôi chực đem đốt bằng hết cho phù hợp với chính sách cách mạng, nhưng tôi và chị tôi đã kịp đem chúng dấu trên trần nhà cùng với cả đống sách y khoa tiếng Pháp của chị Mai cộng với cuốn tự điển La Rousse in ấn rất đẹp. Tôi đã phải cắn răng hy sinh để cho Ba đốt toàn bộ sách Tuổi Hoa với lại Tuổi Ngọc của tôi rồi, cho nên những cuốn này Ba đừng hòng mà đụng tới! Chiến dịch văn hóa trôi vào quên lãng, tôi lẳng lặng mở nắp leo lên trần nhà, lôi chúng xuống phủi bụi và xếp vào kệ sách trong căn phòng mới của tôi, sát cánh cùng với các cuốn sách được dịch sau này từ những nền văn học rất phong phú khác, Sông Đông Êm Đềm, Hoa Hồng Vàng, Pierre Đệ Nhất, Trăm Năm Cô Đơn... Ba hiếm khi nào bước vào phòng này cho nên các cuốn sách phản cách mạng và không phản cách mạng yên ấm trên kệ cho đến tận ngày tôi ra khỏi Việt Nam.
Tôi còn đem cái bảng đen vốn thường treo ngoài phòng chính đem vào treo vào phòng mình cho ra vẻ học hành, rồi xin Má cho kê một ghế một bàn, cộng thêm một chiếc đèn bàn. Tôi đặt lên kệ sách thấp nhất một tấm gương soi nho nhỏ và một cái lược chải đầu. Tôi để trong góc kệ những trái thông lượm trong rừng được tôi sơn nhũ bạc óng ả. Thuở đó không có hình ảnh nhiều nên tôi chẳng tìm được bức hình nào ưng ý để đem đóng khung treo chơi.  Khi cây hoa hồng ở góc vườn trước nở hoa, tôi đem kéo ra cắt béng, cắm vào một cái ly thủy tinh, để trên góc bàn học. Đóng cánh cửa ra vào lại, tôi đã có thế giới của riêng mình.
Má hay ra vào phòng tôi, hoặc chỉ để xem tôi làm gì, hoặc ra đứng cửa sổ nhìn xuống sân sau, kiểm soát mái tôn nhà bếp, cái bể chứa nước, hoặc Má vơ vẩn nhìn xuống vườn su su xanh mướt, bụi chuối rậm rạp nơi cuối vườn. Má bảo tôi dọn vào đây làm cho căn phòng đỡ lạnh lẽo và sạch sẽ hẳn nhờ tôi chăm chỉ quét tước. Một tối cúp điện, ngày hôm sau phải thi học kỳ, tôi thắp nến học bài. Má đi vào phòng, nhìn tôi rồi hét toáng lên. Chẳng qua tôi thắp hai cây nến hai bên trên đầu giường, còn mình nằm thẳng cẳng ngay chính giữa, mắt nhìn lên trần nhà, sách úp lên bụng, ráng ôn lại bài thuộc lòng. Má bảo chỉ có người chết mới thắp nến bên đầu giường như vậy rồi Má ấn vào tay tôi cái đèn dầu phập phù. Ai mà biết được nến đầu giường chỉ để dành cho người chết?

Cả căn phòng của tôi rộn ràng mỗi khi bè bạn tới. Sau khi tôi nhốt chó, dẫn tụi nó ra sau vườn chào Má, cả đám rút hết lên phòng. Phòng chỉ có một ghế, ra ngoài phòng giữa lấy được thêm một ghế nữa, nhưng cả bọn nằm ngồi trên giường là chính. Biết bao chuyện trường lớp thầy cô được đem ra phân tích mổ xẻ từ gốc đến ngọn rồi cả lũ phá ra cười nắc nẻ như những con rồ trong phòng này. Sau khi tán chuyện chán chê, cả bọn ra cửa sổ nhìn xuống cây đào. Vào mùa có trái, mắt đứa nào cũng lom lom tìm những trái đào tơ phơn phớt hồng. Cây đào này trái không ngọt, hơi chua, nhưng dạo đó, cái gì ăn được là chúng tôi bỏ tuốt vào miệng. Hết cây đào chừng đó con mắt đổ sang cây ổi với cây bơ. Cây ổi trái nhỏ khi chín tỏa mùi thơm lừng. Ở đây thỉnh thoảng tôi đi chợ bắt gặp những trái ổi vàng nho nhỏ, tôi cầm lên hít vào một hơi mong tìm mùi thơm cây ổi năm nào nhưng mãi chẳng gặp lại. Má trồng 2, 3 cây bơ gì đó, mọc cao vút. Đến mùa cây ra trái khá to, vỏ xanh bóng. Hái bơ phải xài tới cái lồng Má sáng chế, nhờ vậy mà trái bơ không rơi bẹp xuống đất. Lâu lâu Má bảo tôi nhặt những trái bơ rụng vứt thùng rác, nếu không mùi mục ruỗng của trái thối sẽ kéo ruồi kéo nhặng đến nhà. Chừng đó cây trồng trong vườn, tôi leo không chừa cây nào, riêng cây bơ thì không có tôi, vì nó có những con sâu to đùng màu xanh trơn tuột, nhìn rất ấn tượng, mà lỡ bốc trúng nó thì tởm phải biết.
Một hôm cả tổ họp tại nhà tôi để làm báo tường. Mượn Má căn phòng ăn với cái bàn mica 8 ghế đủ lớn để ngồi “họp hội nghị”. Sau mười phút, đám con trai rút vào phòng khách đọc Lucky Luke với lại Xì Trum, những cuốn sách hoạt hình thoát nạn văn hóa đồi trụy của Ba, rồi cười khành khạch với nhau. Đám con gái lại kéo lên phòng tôi ngồi lê đôi mách. Má từ vườn vào nhà, hỏi, chúng mày làm bài làm vở đến đâu rồi? Cả bọn nhảy bổ ra, quơ quào bút giấy, cãi nhau tung tóe, đứa thích cái này, đứa chê cái kia. Bọn con trai lười như hủi, bảo mấy bà muốn làm gì thì làm, tụi này chỉ làm “thợ vịn”. Mấy bà con gái tích cực hơn, cãi nhau hăng tiết vịt chẳng đến đâu. Rốt cuộc báo với chí không được bài nào dòng nào. Xếp xó mọi thứ, cả bọn cứ cây ổi sau nhà thẳng tiến, thế mà vui hơn.
Năm lớp 12, tôi nhớ một buổi sáng tôi dậy thật sớm để ôn bài, khoảng 3, 4 giờ sáng gì đó. Sau khi “tụng kinh” được vài trang, tôi quyết định ra ngoài ban công đón gió mát. Ngoài đường tịnh không một tiếng động, không một bóng người. Đứng chừng 5, 10 phút, tôi quay lại phòng. Vừa ngồi xuống ghế, tôi chợt nghe tiếng người vọng ở dưới đường lên, xôn xao như tiếng mấy bà đi chợ sớm. Tôi quay trở ra ban công, nhìn xuống. Không một bóng người. Tôi chồm người qua ban công nhìn trái, nhìn phải. Chẳng thấy một ai. Tôi trở lại phòng mà chẳng nghi ngờ gì. Ngày hôm sau lại những tiếng người vọng dưới đường lên và tôi lại chẳng thấy bóng dáng ai. Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tiếng người đó là do đầu óc tôi “tẩu hỏa nhập ma” hay thật là có vài con ma đi dạo trên đường  vào những buổi sáng tù mù trời đất còn đẫm sương ấy.
Khi về Saigon, căn phòng của tôi biến thành phòng thí nghiệm của ông anh. Giường chiếu được cuốn lại sạch sẽ, bàn học của tôi thành bàn thí nghiệm. Trên kệ sách xuất hiện lủ khủ chai với lọ với hũ. Phòng thoang thoáng mùi hóa chất với lại mùi cồn đốt cháy. Trở lại Dalat, tôi không ở trong phòng này nữa mà dọn sang căn phòng phía bên tay trái, là phòng Me đã được ngăn làm hai, nơi cửa sổ nhìn xuống dàn hoa giấy đỏ rực và giàn huỳnh anh màu vàng tươi rói. Sân sau khi ấy cũng chẳng còn cây ổi cây bơ cây chanh già cỗi nữa, chuồng gà được dỡ ra, mái tôn sáng lóa biến mất. Thay vào đó là vườn lan, điệu nghệ và tân kỳ hơn. Tôi chưa kịp yêu mến cây mimosa được trồng nơi cuối vườn, tôi chưa kịp gắn bó với những chậu lan lớn nhỏ xếp ngay hàng thẳng lối trong khung vườn mới, mắt tôi chưa kịp quen với bậc tam cấp xây gọn gàng dẫn lên vườn lan, thì tôi đã bỏ Đalat ra đi đến tận ngày nay chưa một lần trở về.

Thế nhưng mỗi khi nằm mơ thấy ngôi nhà số 7, khi nào tôi cũng bắt gặp mình đứng trước cánh cửa của căn phòng Bác Thìn. Tôi sẽ thấy mình bước vào trong, hai khung cửa sổ mở toang, gió lồng lộng thổi dạt màn cửa sang một bên và phòng rất lạnh. Tôi sẽ ráng sức đóng cửa sổ lại mà không được, rồi bất thình lình cánh cửa ra vào đóng ập lại, nhốt tôi trong phòng. Tôi hốt hoảng vặn nắm đấm tìm cách mở cửa một cách tuyệt vọng. Không mở được, tôi sẽ ráng trèo qua cửa sổ để thoát khỏi nó. Thường tôi giật mình tỉnh giấc lúc thấy tay mình bám cái thanh ngang, còn chân quờ quạng mãi chưa chạm được vào bệ mái che bên dưới. Đôi khi tôi mơ mình nằm ngủ trên giường  với cái rương lấp ló sau bức màn, một cảm giác rất bất an nhưng tôi chẳng làm gì được ngoại trừ căng mắt nhìn trừng trừng vào cái tủ chìm rồi ú ớ kêu cứu.
Thật lạ, chưa bao giờ tôi nằm mơ thấy mình ở trong căn phòng đó với những giọng cười giòn tan, vô tư lự của bạn bè năm xưa, chưa một lần được nhìn lại những khuôn mặt thân thương dạo nào nằm ngồi ngả ngớn trên giường. Hay chí ít cảm thấy những tia nắng buổi chiều ấm áp xuyên qua bức màn cửa sổ. Chưa một lần thấy lại cái kệ sách sơn màu đỏ, chất đầy những cuốn sách ưa thích của tôi. Cái bảng đen với những dòng phấn trắng tôi nguệch ngoạc trên đó những công thức toán, công thức hóa học cũng không trở về trong cõi miên man của mộng mị. Bức tranh tôi vụng về vẽ bằng bút chì đen hình Đức Mẹ chắp tay được dán lên bức tường cũng lạc mất trong muôn nẻo ký ức. Chưa bao giờ được gặp lại căn phòng riêng đầu tiên trong đời của tôi cả. Chưa bao giờ.    

"Bình yên
Ta ngồi đây
Tìm lại tuổi nhỏ
Xa vời
Xa…”

Lan Hương
Fort Worth, 06/26/2015  

2 comments:


  1. ông chủ bút báo Tuổi Hoa là Nguyễn Trường Sơn vừa mất ngày 20 tháng 5 qua ; để tớ gửi cho Hương bài báo viết về ông . Kỷ niệm khi nào cũng ngọt ngào chi lạ !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Da nhan được bài báo của Mai.. Tiếc là bây giờ chẳng còn ông Nguyễn Trường Sơn nào nữa.
      Kỷ niệm bao giờ cũng ngọt ngào vì có Ba có Má, có mái ấm gia đình.

      Delete