Pages

Thursday, March 17, 2016

Mốc Thời Gian (Hương Quỳ)



 

Cửa kính mặt tiền  bị nứt một đường dài  chỉ một tuần lễ  sau ngày gian hàng bước qua năm thứ 25 , do bìa gỗ vây quanh  nứt nẻ bởi thời gian  cộng với đợt lạnh bất ngờ ập đến tháng giêng vừa qua. Những chữ dán trên kính  cũng đang tróc lở , mỗi lần rơi rụng đi một ít mảnh vụn khi kính được lau .

Tôi đứng đối diện với  gian hàng, mới thấy một phần tư thế kỷ để dấu ấn của mình ở khắp mọi nơi.

Căn nhà có nhà hàng của tôi không có gì đặc biệt, chỉ là một trong hàng loạt những cấu trúc nhà ở thành phố này  xây dựng vào năm 1930. Nhà có mặt tiền bằng  gạch trắng xanh rằn ri, tầng trệt để kinh doanh có tấm kính lớn với một góc uốn vòng cung, cùng với cặp nắm đấm cửa mang hình hoa lys bằng đồng. Trần nhà cao nhưng không được trang trí với những chi tiết tỉ mỉ như thường thấy trong các căn nhà khác cùng thời , thế thôi.

Ngày đầu xa xưa chuẩn bị sửa sang lại căn hàng, cả nhà xúm vào giúp, kể cả Ba Má . Không biết gì đến những hóa chất làm bong tróc nhũng chữ dán của người chủ trước, chúng tôi ra sức cạo đi bằng ...dao , kết quả là một khoảng trầy lớn nằm chễm chệ trên kính từ hồi đó đến giờ. Gian hàng mang tên của tôi , tên của những đóa hoa dại phủ kín rực rỡ những vạt đồi của Dalat xa xưa vào tháng cuối năm. Nên chúng tôi đã hân hoan sơn phết lên mặt tiền đá xám màu vàng tươi tắn, và các khung gỗ đánh vernis cổ xưa được khoác màu lá xanh. Ông anh với mắt nhìn nghệ thuật như người bản xứ, hãi hùng khi thấy nhà hàng sáng choang màu sắc vùng nhiệt đới, nổi hẳn lên cạnh mặt tiền xám đen của nhữngngôi nhà chung quanh. 

Lần thắng đợt đấu giá lấy lại căn hàng diễn ra rất căng thẳng, nên khi đặt bước chân đầu tiên vào gian hàng, tôi không khỏi không xúc động khi nghĩ mình đã  bước được bước đầu tiên để bắt đầu cuộc sống độc lập của mình từ đây. Chấm dứt những sáng dậy sờm từ 4 giờ đi làm việc tại một khách sạn, chấm dứt những cảnh xây sát với bạn cùng làm, những đứa sinh ra để làm công việc đó, không hề nghĩ đến chuyện vươn lên. Chấm dứt những đấng sếp lớn sếp bé ra rả dạy chúng tôi, công việc này, công việc của một " commis de salle polyvalent ", nôm na là chân sai vặt, không phải chỉ là hùng hục làm việc chân tay, mà phải biết dùng đén cả trí óc. Và  những lúc phải xếp hàng, xòe tay ra cho một con mụ da đen chằn ăn trăn quấn kiểm soát mức độ sạch sẽ, thậm chí chỉ còn thiếu màn vạch tóc xem có chí rận gì không nữa mới vừa lòng Mụ ta. Tôi vẫn  nuốt  đi những dòng nước mắt tủi thân, và hứa với lòng mình sẽ đi ra khỏi thế giới này  sau khi đủ số vốn mở cửa một hàng ăn, lối thoát duy nhất của tôi trên xứ sở mới, xóa đi từ những ngày tháng ấy giấc mơ trở lại trường học do tuổi đời và gia đình riêng của mình cần phải đứng thế tự lập cách nào nhanh nhất.

Gian hàng cho đến giờ vẫn còn những trang trí căn bản như từ lúc đầu. Bên trong ,  tấm kính lớn áp một măt tường để giúp tạo ảo giác căn hàng rộng bề ngang, những  vách tường còn lại lồi lõm theo kiểu nhà xứ nóng làm chúng tôi hết sức vất vả mỗi lần sơn quét lại, nhưng lại làm tôi nhớ đến căn nhà số 12 Yagut xưa kia, cũng có kiểu tường như thế ở mặt tiền. Trần nhà bằng kim loại, mỗi lần lau chùi trẹo cả cổ, nhưng chúng tôi chưa có ý định thay đổi, vì dây điện bắt chằng chịt dấu bên trên. Mớ bàn ghế  thuộc loại xưa cũ, hãng sản xuất ra đã phá sản đóng cửa từ lâu, chúng tôi cũng không thay đôi vì rất tiện để sắp xếp lại khi có khách nhiều hoặc ít. Thi thoảng tôi hứng lên thì gian hàng được sơn phết lại, làm khổ đức ông chồng với dàn đèn và trang trí theo bốn mùa, dù  không biết có phải nhờ vậy mà có thêm khách hay không, nhưng với tôi, là chứng tỏ sự cố gắng không ngưng nghỉ của mình để giữ gian hàng đi qua mọi khó khăn, phần thì hàng quán khác nhan nhản chung quanh phần thì các đợt  khủng hoảng kinh tế : năm 1991 và mới đây, năm 2008 kéo dài ảnh hưởng cho đến giờ. 

Tôi đã trải qua 25 năm trong khoảng không gian chưa đến 40 m2, với đủ loại trang trí làm theo trí tưởng tượng của tôi. Mùa xuân được đón chào với màu hồng của hoa mai dại gắn trên những cành cây khô ở mặt tiền, những bình hoa tươi tắn  trước mặt kính lớn, cùng những tấm vải màu xanh như đồng cỏ sống dậy sau mùa đông băng giá, lác đác những bông hoa tulipe được giăng trên tường. Đến tháng hè , lối bước vào hàng được đặt một tấm hình to chụp một cánh đồng đầy hoa dại muôn màu sắc. Trước bệ kính, thêm mấy con cóc màu xanh vắt vẻo trong những tư thế thư dãn, không biết tại sao lại làm tôi nhớ đến thằng cháu trai con của ông anh đầu, thằng bé hồi nhỏ làm bố mẹ  nhọc nhằn về mức độ relax của nó trong việc học, không có gì là vội vã. Ngày nó tốt nghiệp được bằng y tá , cả nhà thở phào mừng rỡ. Tháng 9, cái tháng tôi thích nhất trong năm, khi nhìn màu nắng vàng có sắc úa tàn ngay từ lúc bình minh và những màu lá rức lên màu sắc dữ dội trước khi lìa cành, cùng những đợt lạnh se da, là nguồn cảm hứng cho tôi giăng vải màu đỏ đậm ấm cúng quanh các bức tường, cùng những chùm đèn khoác lá vàng chen lẫn những chùm nho đen chín mùa thu hoạch đệm thêm những hạt quả màu đỏ và màu cam .Các bệ  cửa đầy nhóc những trái bí đủ mọi hình dạng.

Có năm tôi rinh cả một trái bí to đùng lấy từ căn vườn ở Halle của Ba Má tôi dện ngay trước ô kính hình vòng cung . Bí nằm êm ấm tại chỗ cả mấy tháng không hề hề bị hư . Bước qua tháng cuối năm, bóng tối tràn đến đã từ 4 giờ chiều, thành phố Bruxelles ủ dột dưới màu trời thường xuyên xám xịt, lâu lâu có sương mù  biến nhà cửa phố phường  trôi nổi bềnh bồng. Phố xá được giăng đèn kết hoa chuẩn bị cho lễ hội cuối năm. Mức độ trang hoàng không hào nhoáng như những thành phố lớn khác, nhưng cũng đủ dấy lên  trong tâm hồn niềm hân hoan chờ đón những ngày vui. Chỉ có năm ngoái  đặc biệt hơn, do lệnh báo động cấp bốn sau màn khủng bố ghê gớm ở Paris, tất cả nơi công cộng đều bị đóng cửa, nên những ngày đầu tháng12, hàng quán đóng cửa hết , phố xá vắng tanh, đèn trang trí vắt dở dang trên các rặng cây dọc con phố chính, những xe thiết giáp cùng lính tráng khắp nơi như sắp có giao tranh lớn. Tình trạng báo động kéo dài đến gần cả cuối năm mới chấm dứt. Noel trong hàng tôi cũng được chăm sóc chu đáo, vì vốn rất nhiều lần, bữa tiệc réveillon đã được tổ chức tại đây, kéo dài nhiều năm trước khi Ba tôi mất để tránh việc di chuyển cho Ba khi sức khỏe kém dần. Những bức hình Noel cuối cùng với Ba, con cái quần là áo lượt vây quanh, biết trước rằng sang năm sẽ có một khoảng trống trong tấm hình sum họp. Trang trí mùa đông  không thể thiếu một rừng thông lúc thì trước cửa kính lớn, lúc thì ở bên ngoai trước cửa hàng (chỉ được đúng 3 bữa , thiên hạ đến chôm dần  cho đến cây cuối cùng) . Sau rốt rừng thông được treo lơ lửng trên lầu một, có lẽ để nhớ đến thành phố bên quê nhà vốn tràn lan thông xanh, ấp ủ chúng tôi những năm tháng dài tràn đầy hạnh phúc thuở thiếu thời. Trong ánh sáng của những ngọn đèn lấp lánh, chúng tôi đã trải qua không thiếu những buổi họp mặt gia đình đầm ấm. Năm con gái lớn tôi đi lấy chồng, căn hàng tham dự với cả nhà bằng trang trí giáng sinh lẫn lộn với những giòng chữ vu qui được vợ chồng tôi thức gần trắng cả đêm dài dán khắp nơi. Lần đầu tiên họp mặt được cả đai gia đình, cả bên phía chồng tôi, cộng gia đình của xui gia ; gần 60  người vẫn đủ chỗ trong gian hàng nhờ làm tiệc đứng.

Tết đến, nhớ mãi năm gian hàng đầy những  câu đối màu đỏ , tác phẩm rất khéo tay của thằng em tôi làm cho nhân  dịp tổ chức "tết mở rộng", nghĩa là mời thêm bạn bè của đại gia đình, những người đã giúp chúng tôi  bước đầu đặt chân đến đây lập nghiệp đến chung vui. Nó đã có một đêm dài  sáng tác cùng những dòng nước mắt rơi, vì biết Ba sắp bỏ chúng tôi đi. Đến ngày đại tiệc, Ba trên lầu không xuống được, vài người trong gia đình còn phải đi lên giúp lau rửa Ba sau lúc đi vệ sinh, nên tiếng cười nói xôn xao chỉ còn lại dư âm cho tối hôm sau, gia đình tôi cùng Bà chị cả đến thăm, cõng Ba xuống nhà, đặt trên xe lăn đẩy đi thăm một vòng trang trí trong hàng, Ba ậm ừ không khen không chê, như kiểu Ba vẫn làm thế với con cái. Hay Ba chỉ còn nhìn thấy những ảo giác quanh mình, những người chiến binh, những khuôn mặt không quen biết đứng sẵn trước khung cửa vẫy gọi Ba ra đi, cuộc sống thật sự với con cái quây quần chung quanh chỉ còn là cuộc sống hờ. 

Ba Má có còn nhớ không? Cái tết được trang trí bằng 171 đóa hoa hồng treo trên trần nhà, tượng trưng cho tuổi đời của Ba với Má cộng lại, cũng là tác phẩm của thằng em.

Gian hàng của tôi là như thế, không phải chỉ để bán hàng ăn , mà còn là nơi sinh hoạt chung của đại gia đình : Noel , Tết , và sau này, những tiệc tang cùng những đám giỗ của Ba và Má.

Vất vả không thiếu, căng thẳng không thiếu, nhưng bây giờ, khi đang mấp mé ở độ tuổi về hưu, tôi bỗng dưng ngại ngần khi nghĩ đến chuyện rời xa nó, rời xa nơi chốn đã cho tôi bao nhiêu cảm xúc vui buồn lẫn lộn.

Nhớ thực đơn đầu tiên được soạn ra, cả nhà đọc và nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ, kẻ cho đến lúc đi lấy chồng mới biết thổi nồi cơm, và kinh nghiệm làm nhà hàng chỉ là một nồi mì quảng lúc đầu, sau đó là nồi bún bò nghi ngút khói mỗi buổi sáng, kế sinh nhai của tôi khi bị nghỉ việc khỏi ty xây dựng Dalat.

Tôi còn phục tôi nữa là, những tên gọi món ăn không  bay bướm cỡ "loan phụng cầm duyên " , nhưng cũng kêu rổn rảng  ra trò : chả cuốn của cung đình, gỏi cuốn mùa xuân, mì xào thập cẩm, gà xào hạt điều, vân vân, nặn ra được tòm tèm cũng mấy chục món để tự ... làm khổ mình( và làm khổ mấy đứa con mỗi lần phải giúp mẹ nó sửa đổi lại thực đơn). 

Không một chút kinh nghiệm làm việc với tầm nhìn xa hơn nồi bún bò. Bà chị dâu bên Mỹ phải quay luôn cho một cuốn vidéo, từ cách cắt thịt, cách làm sốt, định lượng để không phung phí, cỡ pho cẩm nang "cuisine pour les nuls ", dịch ra là gia chánh cho kẻ không biêt làm bếp. Cái màn bắt chước theo bếp của bả không dễ dàng, vì nhà hàng của bả cho khoảng 300 khách, tôi phải trước hết thay đổi đơn vị đo lường, từ "pound" ra kí lô, từ "gallon" ra lít, rồi sau đó chia cho 10, vì chỗ tôi nhỏ như hành tinh của cậu hoàng con, chỉ có 11 cái bàn với hơn 30 cái ghế, nên những con số tính toán rất chóng mặt vì bắt đầu bằng 0,00.... ! Bả còn bày cho một chiêu gia truyền là cách pha bột nêm khiến cho bao nhiêu đầu bếp của tôi đi ra đi vô như bươm bướm bay, mà vị nêm không có gì thay đổi.   

Tôi quyết định xây dựng  nghề nghiệp mình dưới khẩu hiệu " ngon, rẻ, sạch, và nhanh".

Kết quả là 7 năm đầu cấy cày không đi hè đông hè tây, đám cưới của mấy đứa em phải bỏ ống cả năm mới đủ tiền mừng, lấy tiền thưởng nhà nước cho đận sinh Tố An để trả hóa đơn điện, hàng tháng lo chạy cho đủ tiền nhà và chi phí các loại, lúc nào cũng như nước lụt đang sắp dâng lên ở cấp báo động đỏ, vì bán rẻ quá mà khách lại không đông. Có lúc xanh mặt nghĩ, kiểu này đến già cũng chưa sắm được nhà để chấm dứt cảnh nhà thuê.

Ngon thì không biết có thật không, nhưng có những nhóm khách tình cờ đến đúng trong một thời điểm nào đó, giúp chúng tôi qua cơn nguy cấp. Chả hạn như lần tôi bị cấm cung trong nhà thương cả mấy tuần lễ vì mổ sinh Tố An cộng với cái ruột thừa, đứng trên lầu 10, nhìn dòng người màu sắc quần áo vui vẻ cho những ngày đẹp trời của tháng 5, nghĩ chắc hàng mình khách khứa đang sập sình, gọi điện thoại về hỏi thăm con em đang coi hàng dùm, nó không nỡ nói thật là hàng đang ế chỏng gọng vì khách hàng đi tìm vườn tược và vỉa hè để ngồi phơi nắng mùa xuân, là cái hàng tôi không có, thì có một nhóm khách Nhật sẵn sàng ngồi chờ đằng trước cửa đợi chồng tôi chạy vội từ nhà thương về  mở cửa hàng, lại còn giúp khiêng vác thức ăn vì chồng tôi xoay sở có một mình. Hoặc ông khách người Mỹ ái ngại nhìn chồng tôi tay băng vì đi mổ một cái gân vẫn hùng hục làm đủ mọi chuyện, ăn xong, tự thu dọn hết, thiếu điều đi luôn vào bếp tự sản xuất thức ăn .Chả hạn như chị em trong nhà kéo người quen và nhân viên làm chung đến ăn ủng hộ. Cứ buồn cười mãi với kỷ niệm lần con em dẫn sếp đến ăn, gọi món salade tôm cho sếp mà lo tôm có xuất hiện đầy đủ không hay lại thẹn thò núp dưới cả đống hầm bà lằng rau trộn, bới mãi không ra. 

Chủ trương sạch mới làm tụi tôi nổi gai ốc mỗi khi nghĩ lại. Thứ sáu hàng tuần , chồng tôi thức đến 2 giờ sáng để lau chùi. Ông anh dẫn người bạn đến ăn , cả buổi tối chỉ có đúng hai người, thấy chồng tôi tay giẻ tay thuốc chùi rửa, miệt mài gian trước với gian sau, ông anh chóng cả mặt phải tha thiết kêu gọi ngưng kỳ cọ . Mãi đến mấy năm sau kể từ ngày khai trương, thị trường lao động xuất hiện đội quân lau chùi đến từ các nước Đông Âu, mới ngẩng đầu lên được một tí . 

Bao nhiêu lần trục trặc kỹ thuật, sượng cả mặt, khi khách lôi từ trong dĩa thức ăn ra một em sâu chín nhừ trong búp rau brocolis, một sợi tóc vấn vương đâu đó, hoặc lần phải đền lại hết cả chục món ăn vì họ tìm thấy một cọng bối chùi xoong rơi rớt vào. Cười cả ra nước mắt khi một buổi chiều mùa đông âm u, một em khách vào gọi món súp cua , hỏi mãi là súp cua của tôi có cho thịt khác vào không, tôi nói chắc như đinh đóng cột là chỉ tuyền thịt cua, vậy mà ẻm đã lôi ra được một em sâu cuộn mình trong nấm. Tôi xuống hét vang trong bếp, anh chàng phụ bếp gãi đầu , cả quyết đã nhìn kỹ , đó là lỗi tại em sâu núp mình quá kỹ.

Thi thoảng một em dán, đang giờ đông khách, bò lên tường ngo ngoe haii cái râu ăng ten, tự hỏi " ta đang ở đâu vậy cà ? " không sao mà thanh toán được ẻm một cách kín đáo, đành để khách cùng ngắm nghía, tôi lờ đi kiểu "no comment ". Nhưng sau  đó  nộp không biết bao nhiêu tiền cho chuyên viên đến diệt chúng  tận gốc.

Sự nhanh nhẹn của tôi thích hợp với nghề này. Có cái là không phải cả ê kíp làm việc của tôi đều nhanh. Vấn đề nhức đầu của tôi nằm ở đây sau hơn phần tư thế kỷ trong nghề. 

Tuyển lựa người làm còn hơn tuyển lựa tài tử để tìm cho ra người nhanh nhẹn. Người làm được thì eo sèo lương lậu, tôi nhức đầu quá đành lót lá dẫn ra cửa. Người chậm chạp hơn vẫn được giữ lại lâu hơn , chúng tôi tự an ủi nhau , cốt là tính tình không ba đá , còn thì họ cũng chỉ có hai tay ....

Buổi trưa nào cũng như một bãi chiến trường đánh đông dẹp tây, chạy như một con thoi, tính tổng số mét chạy vòng vòng trong hàng , cũng cỡ half marathon của Bruxelles  chứ chả chơi, vì khách chỉ có một giờ ăn trưa, không làm nhanh thì khách tếch đi chỗ khác. Đám khách lúc nhúc trong hàng như đám giặc , không khí ồn ào nhộn nhịp vì họ nói chuyện với nhau, không cần để thêm âm nhạc làm gì. Quen nhìn như thế, bữa nào hàng ế khách, thấy gian phòng bỗng dưng rộng mênh mông, tiếng mình nói âm vang một cách hết sức sầu bi, khách bước vào ăn , cũng có hơi e dè khi thấy những dọc ghế với bàn trống trải ở chung quanh. 

Có những người khách đi theo chúng tôi từ thuở khai trương cho đến giờ, cả chủ lẫn khách già đi theo năm tháng. Có khách đã đi về thế giới bên kia, phần lớn rất đột ngột, khiến tôi vẫn thấy chút se lòng khi nhớ về họ với những thói quen và những góc ngồi quen thuộc.

Khách được chúng tôi đặt tên theo kiểu của mình, "Bà Cánh Gà " vì chỉ mua đúng món này trong hàng tôi, Bà "Deux Euros " vì lúc nào cũng để lại trên bàn số tiền típ như thế , "Ông Hàng Xóm " dù ông ta đã dọn nhà đi rất xa .... Tôi không biết tên khách, tôi không biết nhiều đến gia cảnh của từng người, quan hệ của tôi với họ chan hòa nhưng chừng mực, những câu chuyện vẫn chỉ là thời tiết nắng mưa  không chết ai . Nhưng gian hàng là nơi cho tôi cơ hội giao tiếp và thực hành tiếng  bản xứ. Nghĩ đến lúc nào đó , không làm việc nữa, quay về với máy ordinateur cùng mớ bạn ảo , chỉ còn những lời nói thầm, chắc tôi sẽ thấy rất thiếu vắng. 

Vậy đấy, một nghề nghiệp dễ dàng mà không dễ dàng, một gian hàng đang sắp biến thành đồ cổ trước những phong trào  e-food , e- cooking , cuisine des voisins , easy food , dịch vụ giao thức ăn bằng xe đạp , order trên máy tính... . Khách quen vài người xài địa chỉ e-mail của hàng tôi, vẫn còn cẩn thận gọi tel cho tôi nhắc mở e-mail ra mà đọc ! Thêm cái nhà nước đòi cài caisse noir , kiểm soát tất tật mọi nguồn thu chi, người làm phải bấm giờ đến làm việc... Những cái đang xảy đến đang khiến tôi  đôi khi nản lòng, thấy mình bị không đi kịp với thời đại máy tính , biết rằng một thời hoàng kim đã đi qua. 

Đứng đối diện với tấm kính vỡ, trong tôi dấy lên niềm xúc động . Sờ vào những vết nứt, sờ vào những vết tróc lở, tôi thì thầm với gian hàng của tôi : chúng mình sẽ không bỏ nhau , phần tư thế kỷ chia sẻ buồn vui đã đi qua, sau đây mình sẽ khoác một màu áo trang trí khác, hợp thời hơn , nhưng cuộc chiến đấu sẽ vẫn tiếp diễn , không lùi bước  , và không bó tay. Ý nghĩ về hưu sớm vui vầy với cháu đã phải dẹp qua một bên, vì cháu được đi nhà trẻ , gặp mỗi một lần trong tuần  trừ khi chúng ốm đau, mà tôi luôn luôn mong muốn chúng có sức khỏe tốt . Nên nếu không muốn hai cái mặt già đối diện nhau suốt ngày, thì còn phải cấy cày , hân hoan cấy cày nếu sức khỏe còn cho phép . Và gian hàng sẽ vẫn tiếp tục là nơi chiếm hết già nửa ngày trong tuần để tôi còn chứng minh khả năng làm việc của mình, không đếm thời gian qua nữa, vì chưa thấy rõ ràng đích cần phải đến, chỉ nghĩ đến ngày sinh nhật thứ 25 của hàng như một mốc thời gian.

 

Hương Quỳ

Bruxelles 03/17/2016



No comments:

Post a Comment