Pages

Friday, April 3, 2015

Hồi ức Ban Mê Thuột (Hương Quỳ)


Ban Mê Thuột
Bốn mươi năm trước, tôi và một người bạn cùng lớp đặt chân lần đầu tiên đếnthành phố Ban mê Thuột nhờ chương trình đi thực tập của năm thứ hai trường Cán sự xã hội Caritas tại Saigon, vào gần cuối tháng 2/1975. 

Trung tâm đến thực tập do các Soeur dòng Nữ Tử Bác Ái thành lập để dạy chữ quốc ngữ và hướng nghiệp cho trẻ em người dân tộc ở các độ tuổi khác nhau. Các em ăn ở tại trường theo chế độ nội trú.

Hai tuần lễ trôi qua kể từ ngày mới đến, chưa kịp lập xong chương trình tham gia vào sinh hoạt của trung tâm, tên các em học sinh còn chưa thuộc được hết, thăm viếng  trung tâm thị xã được đúng hai lần, Ban giám đốc đãi cho đi thăm một buôn làng của dân tộc Koho cùng một đồn điền trồng cà phê ở bên ngoài thành phố, còn bỡ ngỡ với khung cảnh vừa núi rừng hoang vu, vừa ruộng vườn trù phú cộng với khí hậu buổi sáng se lạnh, và lại trưa nóng đổ lửa.

Một buổi chiều thứ bẩy tiếp đó được rảnh rỗi, hai đứa toan tính đi xuống phố xem bộ phim "Exorciste" đang chiếu ở đây, thì Ban Giám đốc trường cho gọi lên, báo cho biết có thể có thay đổi, do tình hình Ban mê Thuột ngày càng chộn rộn, chạm súng quanh vòng đai thành phố từ nhiều ngày nay, khủng bố vừa đặt chất nổ trong thị trấn, nhiều người làm nghề đốn gỗ đã gặp những đoàn binh Việt Cộng trong rừng. Họ không bắt ai hết, chỉ bảo về nhắn dân chúng  di tản  ngay vì sẽ có đụng độ lớn. Soeur Giám đốc kết luận, chúng tôi nên quay về Saigon gấp, hủy bỏ chương trình thực tập ở đây. Chúng tôi ngỡ ngàng, vì những ngày qua, ngoài tiếng bắn hỏa châu soi sáng màn đêm vốn đã rất quen thuộc với chúng tôi ngay trên thành phố quê nhà, có nghe thêm được tiếng súng giao tranh nào khác vọng đến quanh khu đang ở. Do vậy chúng tôi yêu cầu được liên lạc với trường, Soeur giám đốc dẫn chúng tôi qua nhà Đức Tổng giám mục để gọi nhờ điện thoại. 

Nhà thờ Chánh Tòa
 Văn phòng của Cha tổng giám mục khi chúng tôi bước vào, với các bản đồ khắp các vùng chiến thuật vây quanh cùng ba bốn cỗ máy điện thoại trên bàn, giống một tổng hành dinh của quân đội hơn là một nơi làm việc tôn giáo. Cha giúp liên lạc về trường, trường đồng ý và yêu cầu giúp chúng tôi có phương tiện rời thành phố ngay lập tức.

Chúng tôi hồi hộp chờ Cha gọi điện thoại đến khắp mọi mối quen biết để tìm. Trước hết vé máy bay không còn chỗ, hạ xuống vé xe đò, chả còn chuyến nào khởi hành hôm nay và ngay cho cả các hôm sau. Quay tìm xe người quen để gửi gấm, thì thấy Cha toàn nhắc lại một cách thất vọng:

-        Đi hết rồi à?

 Cha buông điện thoại xuống, quay nhìn chúng tôi với đôi mắt mệt mỏi:

-        Chả hiểu sao trường lại để các Cô lên đây. Tình hình đã không tốt từ hồi đầu năm, chứ có phải bây giờ đâu. Bây giờ đành giao phó cho Chúa, vì đường ra khỏi thành phố đã không thể được rồi, coi mòi cả phi trường quân sự cũng chả còn ai, vì máy điện thoại không có ai trả lời.

Lạnh cả người! Và nhớ đến linh cảm của mình mấy hôm trước, chưa biết gì về tình hình chiến sự ở đây. Nhưng khi đi qua sân để về phòng ngủ sau bữa cơm chiều, ngắm bóng rừng  bao bọc chung quanh, lẫn gió lay cây ngả nghiêng, bỗng thấy bất an với bóng tối vây quanh mịt mùng...

Ngày tiếp theo đó, là ngày 10/03/1975, Ban Giám đốc  trường đã qui tụ tất cả mọi người vào khu nuôi các em suy dinh dưỡng, là gian nhà lớn nhất ở đây, không để ai ở rải rác trong các khu nội trú nữa. Mất cả ngày để nhốt kín bầy gia súc trong chuồng, đóng sắn khô và gạo vào những bao tải nhỏ đủ sức cho các trẻ em vác theo mình, cùng chêm đầy những bi đông đựng nước của quân đội, rồi chất hết ở góc phòng ngủ chung. Chúng tôi qua buổi tối một cách căng thẳng khi nghe sự im lặng rất bất bình thường của con đường chính chạy dọc hàng rào của trung tâm.

Khoảng 2 giờ sáng rạng ngày 11/03, bắt đầu tiếng đạn pháo kích ầm ầm giã vào thành phố. Điện tắt, con nít la khóc, cả lũ dúm dụm vào nhau, sợ hãi đến tê liệt cả chân tay, vì trung tâm không có hầm trú ẩn, mái nhà chỉ là một lớp tôle mỏng, chỉ cần một quả pháo đi lạc là tiêu hết. Các Soeur bắt đầu lâm râm cầu nguyện, tôi mụ mị cả người nhìn các ánh chớp lóe lên trước khi đạn phát nổ lọt qua các khe hở của tường lát gỗ, như trời đang gầm gừ sấm sét, rồi sau đó là cảm thấy đất dưới người mình rung lên dưới những viên đạn vỡ toang. Cứ như thế cả bao nhiêu thời gian tôi không biết, nhưng rất lâu, đến độ sau đó nghe quen tiếng nổ, tôi còn  đoán  ra hướng đạn được bắn đi, chỉ không biêt nó sẽ rơi xuống đâu mà thôi. Đều đều một loại đạn pháo kích, không nghe một tiếng súng nào khác đáp lại. Gần sáng, có tiếng trực thăng cất cánh, tiếng động mỗi lúc một xa. Sao mà nghĩ ra được chuyện thành phố đang bị bỏ ngõ....
Chạy loạn

Trời sáng rõ, tiếng đạn pháo kích đã ngưng, người lớn bắt đầu bò dậy, rón rén mở cửa nhìn ra sân. Một màu chì trên bầu trời thành phố, những cột khói đen nghi ngút khắp nơi, tiếng nổ liên tục của một kho đạn đâu đây, còn ngửi thấy mùi khét của lửa đạn. Chưa đứng được vài phút, đã lại phải nhảy bổ vào trong nhà, vì tiếng phát nổ ngay trước cửa trung tâm. Tiếp đó có tiếng chân đi dậm dạp đến gần, rồi cánh cửa của nơi trú ẩn bị đạp toang ra, những bóng mũ cối xuất hiện, chỉa súng vào bên trong và quát lên với giọng Bắc rất lạ: 

-        Thằng ngụy nào trong đó, bước ra ngay không ông nổ súng!

Soeur giám đốc nói to át tiếng kêu khóc của lũ con nít:

-         Chúng tôi chỉ là đàn bà và trẻ em. Đây là trung tâm nuôi các em dân tộc, không có quân đội trong này!

-        Bước ra trình diện, ngay lập tức!

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy những mũi súng chĩa vào mình, nhưng còn thấy sợ hơn những khuôn mặt người đang gườm gườm nhìn mình, xanh xao và sắt lại trong tư thế đề phòng.

Họ quây chúng tôi giữa sân. Một toán đứng canh gác, một toán đi lùng sục cả trung tâm nhưng không tìm thấy ai khác.

Người chỉ huy hỏi:

-        Ai chịu trách nhiệm ở đây?

Soeur giám đốc bước ra. 

Giọng nói dịu xuống: 

-        Chúng tôi cần cơ sở này để làm trạm liên lạc và tải thương, yêu cầu Chị dẫn tất cả mọi người di tản khỏi chỗ này, không cần mang nhiều hành lý, vì chúng tôi sẽ đảm bảo tất cả còn nguyên vẹn. Phải đi ngay đi, trước khi bộ binh vào thành phố.

Thế là lúp xúp tập trung các em nhỏ lại, đeo cho mỗi đứa bao lương thực và bi đông nước chuẩn bị từ hôm trước. Soeur giám đốc đưa cho tôi và đứa bạn hai tấm áo dòng, cùng tấm khăn choàng giả làm bà Soeur, dấu hết giấy tờ tùy thân của chúng tôi vào một khe hở trong góc phòng. Chúng tôi bước qua cánh cổng bị lựu đạn phá sập, bước ra đường cái trực chỉ nhà thờ Chánh Tòa nằm trên cùng con đường ở phía bên kia.

Dòng xe tăng bắt đầu ầm ĩ nghiến bánh xe trên đường tiến vào thành phố, cùng một đám bộ binh lom khom chạy hai bên. Một đoàn dân, valise lẫn bị gậy chạy ngược từ dưới phố lên. Họ bị chặn lại hết trước cửa trung tâm của tôi thực tập.

-        Đi đâu thế hả? Có quay trở lại ngay không? Giờ này đi vào rừng để làm gì, quân đang tràn đến, chết oan hết đấy!

Cả đoàn ngơ ngác dừng lại, những khuôn mặt thất thần, đen lại vì sợ, bối rối rồi quyết định đi theo  chúng tôi. Đoạn đường chưa đến 1 cây số để đến nhà thờ giữa hai hàng quân chĩa súng vào,  ai cũng thấy như đường đi không đến. Tiếng xe tăng nghiến trên đường, tiếng hô hào điểm quân...làm cho mọi người thấy cái chết đã gần kề. Họ không ngăn cản lúc chúng tôi chạy ào vào nhà thờ, nơi có cấu trúc rập theo kiểu nhà sàn của người dân tộc, vững vàng với cây thánh giá ở mặt tiền. Quân của họ đã tràn ngập phía trên, tôi còn kịp thấy Cha tổng giám mục tay trói quặt sau lưng bị dẫn qua đám người nhớn nhác như rắn mất đầu. Có ai đó nhớ ra gầm tòa nhà rộng rãi, thế là mọi người lũ lượt chui hết vào, ngồi sát cạnh nhau. Lính Việt Cộng lùa tiếp những dòng người chạy tán loạn vào cùng chỗ trú, chắc để rảnh rang đối phó với đám máy bay phản lực vùa đến xé bầu trời, bắt đầu dội bom. Ầm ầm tiếng đạn lớn nhỏ, mặt đất lại rung chuyển. Mọi người nhắm chặt mắt lại, bắt đầu cầu nguyện. Tôi cũng cầu xin đức Phật của mình, cùng xin Ông Bà che chở để đừng có viên trái phá nào đi lạc vào đây. 

Trải qua một ngày không ăn uống, dấn đến ban đêm với bầu trời chớp nhoáng ánh đạn, cùng những trái hỏa châu thắp sáng lên không ngừng. Những cuộc chạm súng không đến chỗ chúng tôi. Ngay tại đây, nghe thật gần chỉ là tiếng xe và tiếng chân người chạy không ngừng, cùng những tiếng nói, hoặc là lanh lảnh, hoặc là tro trẹ, cứ như là họ đang dùng một ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt.

Ngày hôm sau, Soeur giám đốc quyết định đưa cả trường đến một trung tâm khác của nhà dòng ngoài ngoại ô, cách nơi đây 5 cây số. Lý luận của Bà là phải ra khỏi thành phố, vì đây sẽ là địa điểm giao tranh, nếu kéo dài sẽ không có lương thực, trong khi chỗ sắp đến, còn rất nhiều ruộng khoai, rau  cùng gia súc. 

Thế là lên đường, đi về phía nam, qua những phố xá đầy những toán lính Việt Cộng nằm trụ ven đường, đưa mắt nhìn chúng tôi nhưng không cản lại. Cứ thế, chúng tôi lúp xúp vừa chạy vừa đi qua những đường phố có cửa ngõ đóng kín, treo phất phới bóng cờ giải phóng hai màu xanh đỏ cùng với ngôi sao vàng. Những khu chợ nhỏ họp ở góc phố, dân chúng hối hả bán buôn mớ gà vịt cùng rau quả, cùng những đồ gia dụng, nhỏ nhắn thì chén bát, cồng kềnh có cả ti vi với tủ lạnh, chả biết từ nhà ra hay từ đâu đến, và ai còn mua những thứ ấy vào lúc này. Ngập hàng ăn vặt, và đầy người ngồi ăn. Chắc họ cũng giống tôi, những khi ở trong tâm trạng bối rối, chỉ thèm ăn!

Không còn tiếng súng lẫn tiếng máy bay, đến xế chiều, chúng tôi đến được nơi cần đến, một khu trường học nằm trên đồi cao, cũng đầy dân chúng đi di tản đóng trụ trong khuôn viên, bếp lớn bếp nhỏ đang nhả lên trời những lượn khói lam. Như một hoạt cảnh cắm trại âm u, vì không có tiếng cười đùa, mà chỉ rặt những khuôn mặt sầu bi hướng mắt về thành phố, con nít cũng im re quẩn chân bố mẹ, không còn hứng thú đâu rượt theo bầy gà cục tác đi qua đám người đứng ngồi lổn nhổn.

Ở đây yên ổn được cả tuần, công việc chúng tôi làm là phụ các Soeur của trường tổ chức lại vệ sinh ăn ở, hoặc thu hoạch rau trái trong các ruộng vườn của trung tâm phân phát cho mọi người. Những bữa ăn độn thêm khoai khô và củ sắn, nhưng tôi còn thấy ngon, vì chưa được ăn trước đó bao giờ.

Cả tập thể như một bầy ong vỡ tổ khi buổi sáng kia, thấy một đoàn lính xếp hàng tiến thẳng đến trung tâm. Mọi người nháo nhào báo động:

-        Việt cộng đến kìa!

Nhưng chạy đi đâu nữa khi xa xa là rừng vây quanh, còn không chỉ là những cánh ruộng trống trải kéo xuống tận dòng suối dưới chân đồi. Họ nổ súng chỉ thiên yêu cầu trật tự, rồi tiến thẳng đến văn phòng trường yêu cầu gặp người lãnh đạo. 

Hóa ra họ chỉ muốn tổ chức một buổi học tập chính trị.

Buông súng
Mọi người lấm lét ngồi bệt dưới đất trong khoảng sân, các bà và các cô ra sức dấu tay sau lưng, vì có tin đồn họ sẽ rút hết những móng tay để dài. 

Tôi nhớ mãi buổi tuyên truyền đầu tiên ấy, khi họ giới thiệu, mục đích họ ở đây là để giải phóng dân miền Nam ra khỏi ách thống trị của bè lũ Mỹ Ngụy, họ không có ý định làm hại đến dân cùng tài sản của dân. Nhưng mọi người phải biết tự nguyện đóng góp sức mình và tài sản để sát cánh cùng quân đội hoàn thành nhiệm vụ. Không nói ra nhưng ai cũng biết điều ấy có nghĩa là gì, là họ sẽ tự chọn nhà cửa để cho những vị trí đóng quân, cây trái rau quả vườn nhà sẽ được trưng dụng. Chị Nga, người phụ trách phần bếp núc ở trung tâm, nghĩ được ra một cách hết sức cụ thể: 

-        Thế là đi đứt bầy heo với mớ gà vịt ngan ngỗng cùng với kho gạo ở trung tâm rồi!

Để kết thúc buổi họp, ông giảng viên còn nghiêm mặt dơ cao quyển sách "Cộng sản, người là ai?” không biết moi ở đâu ra (sau này tôi cũng vớ được một pho lén đọc thử) để cảnh cáo rằng, những cái thứ văn hóa thế này yêu cầu mọi người tự giác trao nộp để cùng đốt, cần phái xóa sạch mọi tàn dư chế độ cũ từ trong nhà ra ngoài ngõ, vân vân và vân vân.

Mọi người dần dần bớt căng thẳng , không lắng nghe cho lắm những lời giới thiệu Đảng và Bác tuôn ra như suối chảy, vì thấy những vấn đề chính cần phải giải quyết ngay, là cơm gạo cho từng này người, điều kiện vệ sinh, thuốc men, ăn ở chả thấy giảng viên đá động tới.

Soeur Giám Đốc mạnh dạn đặt câu hỏi, được ngài trả lời không ngần ngừ:

-        Thì phải huy động sáng kiến để khắc phục khó khăn chứ, chúng tôi còn việc lớn phải làm là quét sạch ngụy quân. Còn không thì về nhà lại đi, hòa bình rồi, ai bảo đến đây ở bờ ở bụi rồi còn than vãn!

Hòa bình...Hai chữ vẫn làm chúng tôi se lòng khi nghe bài hát "Ly rượu mừng" mỗi dịp tết đến:

"Chúc non sông hòa bình hòa bình, Ngày ấy quê hương yên vui, đợi Anh về trong chén tình  đầy vơi...."

Tôi không cảm nhận hòa bình đã đến ngay thời khắc ấy, bởi quanh mình vẫn đầy những hoạt cảnh nháo nhào, vì tôi vẫn đứt liên lạc với gia đình, vẫn lang thang ở đây không biết đến ngày mai. Tiếng súng đã ngưng nhưng mọi người vẫn còn sợ hãi, phải chăng vì kẻ chiến thắng không phải là người mình mong đợi để trao hai chữ linh thiêng này. Lại còn màu cờ lạ lẫm đang phất phới khắp nơi kia nữa, cho tôi  cảm giác không đang ở trên quê hương. 

Chuyện được đi lại tự do làm Soeur Giám Đốc quyết định cùng hai đứa tôi quay về thăm viếng cơ sở đã bỏ đi mấy tuần nay. 

Trung tâm Hướng Thượng hiện ra trước mắt chúng tôi với tất cả sự hoang tàn. Họ đã rút đi, nhưng không còn gì nữa, kể cả cây trái trong vườn cũng bị hái sạch. Mái nhà thủng lỗ chỗ, không hiểu để bắn máy bay trên trời, hay các ngài nằm buồn bắn chơi. Băng bông còn vương vãi bẩn thỉu, chứng tỏ đây đã là một trạm cứu thương. Giấy tờ dấu trong góc nhà biến mất, mấy cái valise của hai đứa tôi ở ngoài sân, bị đập bể toang, quần áo bị lôi ra xé rách. Chúng tôi thu lượm lại và đốt hết, vì trong tình trạng như vậy, thấy chúng như không còn là của mình. 

Cửa ngõ xiêu vẹo, theo gió đập qua lại, tạo nên những âm điệu đều đều mỏi mệt. Bàn ghế biến mất tiêu. Soeur ngán ngẩm nhìn cơ ngơi mấy chục năm gầy dựng của mình, buông tiêng thở dài:

-        Điệu này chắc trung tâm cũng ngừng sinh hoạt luôn, không dễ dàng làm việc với những người này…

Soeur và chúng tôi nấn ná cả ngày ở đây xem có còn lấy lại được gì không, rồi ngồi thu lu mệt mỏi trước thềm nhà sau việc làm không có kết quả. Soeur nói sẽ dẫn tụi tôi về tạm trú tại một trường học khác cũng của nhà dòng, nằm ở giữa phố. Để từ đây, chúng tôi sẽ dễ có cơ hội quay trở về gia đình.

Lại cuốc bộ thêm vài cây số nữa. Đến gần khu chính của thành phố, mới thấy cảnh đổ nát vì bom đạn. Có những dẫy nhà chỉ còn trơ vài bức tường, quần áo quân đội Việt Nam Cộng Hòa còn vương vãi trên đường phố. Có người dựng tạm vài miếng tôle làm chốn tạm trú ngay trên mảnh đất trước đây có lẽ là nhà của họ. Phố xá phồn vinh tôi mới chỉ kịp thấy đôi lần không còn gì nhiều. Các hàng quán vẫn đóng cửa. Sôi động trên đường vẫn chỉ là những đoàn quân xa, và túm tụm góc phố, vẫn chỉ là các quán bán hàng ăn!

Khu trường mới tới này chỉ bị sập dãy nhà phía sau, nếu khép cánh cổng sắt nặng nề lại, đây vẫn như một ốc đảo bình yên. Chúng tôi chôn chân ở đây thêm một thời gian, giúp các Soeur chăm sóc các lính Cộng Hòa cũ bị thương nhẹ, không có quyền đến bệnh viện, được đem đến đây. Sư đoàn 23 bộ binh một thời nổi tiếng, thường hay được nhắc nhở trong các bản tin chiến sự xa xưa như một đội hùng binh, giờ tan hàng hết, còn đây một mớ tàn binh với những vết thương có lúc có cả dòi trắng lúc nhúc, và những tâm sự âu lo cho gia đình không biết đã tan tác về đâu.

Còn có vài lần được học tập chính trị. Họ cho công binh đến giúp xây dựng một lô những hầm trú ẩn nổi bằng bao cát, có những chuyến xe chở thực phẩm đến tặng cho trường để tiếp tục hoạt động với trại trẻ em mồ côi ở ngay cạnh, và thuốc men để chăm sóc  những người bị thương.

Các Soeur mời một Cha đến ở trong trường để cho việc giao tiếp với chính phủ mới được dễ dàng hơn.

Cha được thụ phong Giám mục trong dịp lễ Phục Sinh ở đây. Rất là cảm động, vì lễ được tổ chức trong căn hầm chữ chi, bánh trái đơn sơ theo đúng thời loạn. Nhưng hình ảnh Cha với chiếc áo dòng màu tím lung linh trong ánh nến soi sáng trong hầm, cùng tiếng hát thánh ca âm âm cho tôi một cảm giác linh thiêng đến nghẹn ngào, vẫn còn nhớ cả những cành cây xanh được dắt trong hầm nhắc nhở mọi người về ngày lễ Lá. 

Một buổi chiều, Soeur giám đốc gọi tôi lại, nói có đoàn người sẽ đi về Dalat tối nay, vì nghe đồn Nha Trang đã giải phóng, Soeur sẽ gửi tôi đi theo nếu tôi muốn. Tôi chấp thuận không một chút ngần ngừ. Soeur bảo:

-        Em có thể không đến được tới nơi, vì Dalat chưa thất thủ, vậy em có muốn cùng đọc với tôi một bài kinh cầu nguyện không?

Và tôi quỳ xuống trong phòng nguyện, nhắc lại theo lời đọc của Soeur nguyên cả một đoạn kinh tôi biết đến lần đầu tiên trong đời. Không thấy sợ, chỉ muốn quay về nhà như một cái đích cần phải đạt đến trong đời mình lúc này.

Đại lộ Kinh Hoàng
Tôi lên đường, với xâu chuỗi Soeur tặng để chặt trong túi cùng một số tiền để phòng thân. Năm ấy, tôi mới 21 tuổi, và những chuyến xa nhà đầu tiên của tôi một mình, chỉ mới là những chuyến xe Saigon - Dalat, cùng chuyến đi đến thành phố Ban mê Thuột này mà thôi.

Tôi leo lên chiếc xe chở gỗ rừng, cùng một số gia đình những người lính quốc gia, và cả những người lính đã trút bỏ bộ quân phục. Nhìn thấy bóng Soeur và đứa bạn đứng trước cổng trường  mờ đi trong đám bụi đỏ khi xe rời khỏi thành phố vào buổi chiều chạng vạng. Trên đường đi, còn những đồi cà phê chưa bị tàn phá trắng xóa màu hoa, và hương hoa thơm ngát chạy theo xe như lời chào giã biệt.

Cả đoàn ở lại một đêm trong trại gia binh  của sư đoàn 23. Tôi im lặng ngơ ngác giữa đám người không quen biết. Một người vợ lính một nách hai đứa con, thương hại gọi tôi đến gần, bảo: 

-        Em cứ đi theo chị, chị người  Dalat, ông xã theo quân đội đi ra khỏi thị trấn từ hồi đầu tháng, chị không có tin tức, nên quyết định đi về nhà Bố Mẹ.

Người thiếu phụ trẻ, ngoan đạo và yêu đời, lúc rảnh rỗi trong suốt cuộc hành trình, vẫn dóng cổ hát những bản tình ca dành cho lính, không thấy một lần thở than cho số phận của mình mà chỉ nhắc đến những ngày hạnh phúc bên người chồng sĩ quan chắc là nuông chiều chị lắm.

Chuyến xe đi xuôi rót trên đường từ Ban mê Thuột về Tuy Hòa. Dọc đường, thấy bao nhiêu xe nhà binh của quân đội cũ lẫn những chiếc xe tư nhân bị lật, bị đốt cháy đen, xe gắn máy cũng vứt đổ ngổn ngang, cùng bao bị hành lý nằm chổng chơ suốt dọc đường, thậm chí còn đầy những dấu vết bếp lò nấu dã chiến trên ven đường cùng xoong nồi vất vưởng. Sau này nhìn lại hình ảnh cuộc di tản, mới thấy mừng là mình không nằm trong số những người chen nhau tháo chạy ra khỏi Ban mê Thuột  những ngày khởi đầu cuộc đại tấn công.

Gần đến chiều, xe qua đèo Phượng Hoàng. Nắng vàng hanh hắt lên đường nét những quả đồi trọc phủ đầy cỏ xanh, như đường đi Suối Vàng ở Dalat. 

Trên trời xuất hiện hai chiếc oanh tạc cơ. Mọi người nghếch mắt nhìn lên. Bỗng dưng một chiếc đổi chiều quay vòng lại, sà thấp hẳn về hướng xe đang đi. Có tiếng la hét cảnh cáo, ông tài xế dừng xe lại ngay. Mọi người ào ào nhảy xuống khỏi xe, lăn xuống hố ven đường, kịp lúc máy bay nhào xuống trút bom, tiếng nổ cách chúng tôi không xa mấy. Tôi cũng lăn xuống một hố, không kịp bịt tai lúc bom nổ, choáng cả đầu, tự hỏi mình đã lên thiên đàng chưa.

Máy bay còn vòng lại thêm một lần nữa, nhưng không thấy thả bom, và biến mât ở chân trời. 

Tôi lồm cồm bò dậy, mới biết mình đang nằm chung chỗ với hai xác người lính nằm sấp mặt. Tôi không hề thấy sợ, lo tập trung phóng theo chiếc xe đang chuẩn bị lăn bánh. Chỉ có tôi và một người khác bám được thành xe leo lên. Lũ người bị bỏ lại la hét ơi ới đằng sau. Ông tài xế tỉnh hồn, dừng xe lại và cho đi lùi để đón phái đoàn lên, may mắn không ai bị thương.

Xe tiếp tục qua đèo lúc trời đã tối, cảnh đẹp vô cùng với bày đom đóm bay chấp chới trên cánh đồng, đồi núi trọc cắt những bóng bình yên, và trên cao, muôn vạn những vì sao. Chả hiểu sao hình ảnh này mấy chục năm qua vẫn không phai trong trí nhớ tôi. 

Đến Tuy Hòa, mới biết Nha Trang chưa giải phóng, sân thao trường và phố xá ở đây ngập dân di tản.

Chúng tôi tụ nhau ngủ trên vỉa hè. Trời nóng, không cần chăn mền, chỉ cần chỗ ngả lưng, với những hình ảnh ban chiều còn rành rành trong trí, sao mà ngủ được. Phái đoàn yêu cầu chủ nhà chỗ chúng tôi nằm nhờ trước cửa để ông tài xế vào ngủ bên trong, còn chúng tôi ... canh bên ngoài, chỉ  sợ ông ấy rồ xe chạy mất giữa đêm thì biết làm sao? Chủ nhà tử tế cho mọi người vào rửa mặt, đi vệ sinh, chắc sợ như những vỉa hè khác, thiên hạ phóng uế tùm lum.

May mắn (?) là chỉ một ngày sau, Nha Trang thất thủ, chúng tôi vào thành phố cùng với đoàn quân tiếp quản. Phố xá có cửa đóng im ỉm, có cửa bị phá tan hoang, đồ đạc rơi vãi khắp nơi.

Lại thấy tràn ngập sắc cờ giải phóng, và đã nghe tiếng loa nheo nhéo những bài hát lạ tai. Thiên hạ cũng đi lại dập dình, bớt tang thương hơn ở những chỗ tôi vừa đi qua.

Trong đoàn từ Ban mê Thuột về đây, có anh chàng đi làm lính cậu trên đó, là người thứ hai đã rượt kịp cái xe bỏ đi cùng với tôi, giờ được về đến nhà, trút bộ áo nhà binh, biến thành công tử vi vút trên xe gắn máy đến thăm phái đoàn đang ở nhờ trong một khách sạn quen với gia đình cậu. Còn mở miệng rủ tôi đi tắm biển. Tôi lắc đầu quầy quậy, vui sướng gì lúc này mà ra biển. 

Nhờ cậu, phái đoàn được chở đến một khu nhà thờ ở Thành, cách Nha Trang 10 km, tạm trú chờ đến phiên Dalat được giải phóng. Một nhà thờ nằm yên ổn, trị vì ruộng vườn xanh ngắt chung quanh, không thấy dấu vết gì của chiến tranh đụng tới. 

Di tản
Tôi có những ngày yên bình ở đây với nhóm đi cùng. Một lần đi lang thang trong sân nhà thờ, Cha xứ đến hỏi thăm, và trao tặng ngay cho tôi chục ký gạo cùng một số tiền, bảo về gom góp với người ta để quan hệ dễ dàng hơn. Đúng là nhờ vậy tôi được nể nang, thỉnh thoảng mấy bà vợ lính còn nhờ tôi đi xin sữa cho con hoặc xin tiền đi chợ, Cha không lần nào từ chối. Có lần theo họ vào chợ làng tìm thức ăn vặt, nhìn những khuôn mặt hoan hỉ, tôi tự hỏi sao họ lại chẳng lo lắng ưu phiền gì hết, vẫn tiếp tục đi ăn hàng, đi uốn tóc, như cuộc sống trước, dù mấy ông chồng sống chết ra sao đã có biết đâu.

Ngày 3/04/1975, tôi hân hoan nghe tin Dalat giải phóng. Phái đoàn quê Dalat được cha xứ chở ra bến xe đò hồi hương. Suốt dọc đường đi, vẫn là những cảnh xe cộ lật ngửa, cháy đen, những vật dụng cá nhân, những bếp lửa ven đường... kéo dài lên hết cả  đèo Ngoạn Mục, rồi đèo Cầu Đất. Tôi đặt chân xuống khu Hòa Bình lúc 9 giờ đêm, dẫn theo người vợ lính có hai đứa con nhỏ. Đi được nửa dốc Duy Tân, tôi không thể ngăn mình tuôn chạy xuống. Cảnh trí vẫn không có gì thay đổi. Tôi đẩy cửa bước vào gian hàng của Bác tôi. Me nhận ra tôi đầu tiên, hét lên một tiếng mừng rỡ, nói trong tiếng nghẹn ngào: 

-        Cả nhà tưởng con chết rồi, Quỳ ơi...

Và cả nhà Bác tôi xuất hiện, xúm xít vui mừng. Sau đó, Bác trai cùng mấy người anh họ chở Me, tôi, cùng người vợ lính về nhà số 7 của Ba Má tôi.

Me dành quyền lên trước, đập cửa phòng ngủ Ba Má tôi rầm rầm báo tin tôi đã về. Ba nghe không ra, tưởng rằng tin tôi chết, bắt đầu rú lên, nhưng sau tiếng cửa lạch cạch, mở ra thấy tôi, Ba Má mới khóc òa mừng rỡ. Hai con em mắt nhắm mắt mở bước ra, thì thào méc :

-        Hôm trước chị Quỳnh ngồi học thi, thấy một con bướm lớn đậu ngoài cửa, nghĩ là hồn Chị hiện về, sợ quá nhảy tót xuống nhà, không ngừng khấn vái để chị đừng có nhát chị ấy nữa!

Đêm ấy, tôi ngủ lại trên chiếc giường xưa kia của mình, từng bỏ trống mấy năm tôi đi học xa nhà, khép mắt lại với cảm giác mình như mới hồi sinh.

Thân thể tôi mệt mỏi như một chiến binh vừa tàn trận đấu, nằm nghỉ và nghĩ đến chiến công của mình. Tôi hài lòng với tuổi 21 của mình lúc ấy, đã đến được đích, là tìm được lại gia đình. Thành phố Ban mê Thuột đã như một bóng mờ, những ngày ngắn ngủi ở trong nó như một giấc mơ dữ dội. Vậy mà bây giờ nghĩ lại, mới thấy còn bao điều để nhớ....

Hương Quỳ

Bruxelles 04/02/2015

4 comments:

  1. Chao Quy ! Rah vui nhan ra Quy "15... Do dang". Na "14" day !
    NG-T-NA

    ReplyDelete
  2. Chị Na ơi,
    Chị Quỳ gởi cho chị email address để chị liên lạc với chị ấy nè:
    quyphan98@hotmail.com

    ReplyDelete
  3. chao chi Na neu muon lien lac voi Quy thi e mail day : quyphan98@hotmail.com . Chi dang o dau vay?

    ReplyDelete
  4. Cam on Lan - Huong ! Vui qua vo tinh doc duoc bai hoi ky cua Quy roi Diep roi Huong roi Mai goi lai cam xuc va ky niem nho nho ngay nao giua Na va Diep , nhu vay chi Ha cua Diep da mat roi u chi co thang Ti Bom phai khong ,ngay ay thay Ti Bom de thuong nen da yeu cai ten Ti Bom ; vi the dua con gai dau long cua Na cung duoc co ten la Ti Bom Na moi lam comment cho Diep xong (lam hai lan roi ) hy vong lan nay toi Diep . Na se lien lac noi chuyen Na muon nghe giong noi cua cac ban minh . Quy a ! Na hien dang song o nuoc Phap khong cach xa Quy lam dau

    ReplyDelete