Pages

Wednesday, July 19, 2017

Hùng Vương ơi!



Bạn đến từ thuở học Hùng Vương áo len vàng, quần váy xanh. Lớn lên vào lớp sáu, váy được đổi thành cái áo dài trắng thướt tha. Bạn gặp lại ngồi kể chuyện lớp một có bà giáo già người Pháp, đứa nào chia động từ thì quá khứ, tương lai trúng phóc thì bà cho một viên kẹo ho bọc đường nhỏ xíu the the trong miệng. Bạn kể học lớp hai đi lột vỏ cây xá xị trong sân trường, rồi bảo nhau sao cây không chết dưới bàn tay bọn học sinh phá phách, bạn kể lớp ba ông Tây già chuyên môn đá bay bọn con trai từ đầu lớp xuống cuối lớp…

Có nghĩa là bạn rất xưa, bạn đã không gặp lại nhau 42 năm rồi.

Thì mình cũng thấy hình nhau được gởi qua facebook, messager, nhưng làm sao liên hệ được cậu bé mặt phúng phính với gã đàn ông gõ cửa nhà mình cách đây một tuần, tóc điểm bạc, má vẫn phúng phính cộng thêm cái bụng bia? Làm sao tìm được sợi dây nối kết cô bé tóc thả ngang vai, mặt tròn, mắt hiêng hiếng cùng mình vác thùng đi quyên tiền cứu lụt miền Trung năm 1974 với thiếu phụ mình hạc xương mai nhìn mình cười toe toét trước bậc thềm nhà cách đây một tuần?

Bạn đấy, thuở Hùng Vương thời thơ ấu vàng son của tụi mình. Bạn đến khi ánh nắng gay gắt của Texas đã khuất nhưng vẫn để lại nhiệt độ ấm áp khoảng 90 độ. Trời nóng không cản bạn ôm chặt lấy mình. Mình trong vòng tay bạn bè, thấy cả một thời trẻ thơ quay về. Những năm tháng rất xa ấy, lũ lượt theo bạn trở về trong ký ức mờ mịt của mình. Năm lớp một nhé, học ở Petit Lycee nhé, ngôi trường nằm giữa rừng thông mà từ cửa sổ phòng khách nhà mình nhìn sang thấy nó lẩn khuất trong bóng nắng, trong bóng cây. Rồi đổi sang Grand Lycee năm lớp hai nhé. Cả bọn đứng giữa sân trường ngưỡng mộ nhìn cái tháp chuông cao vút mà không biết rằng mình đang được học ngôi trường đẹp nhất Việt Nam! Ngôi trường mà mình cá rằng đã đi theo tất cả những ai một lần đã từng mặc áo len vàng, quần, váy xanh.  

Ngày hôm đó mình phải quay lại sở sau hai tháng lăn lộn với cái project ở Alabama, không đi làm không được. Buổi chiều về nhà, mình chỉ kịp nấu nồi mì vịt cho bạn, quên mất bạn có cô vợ Tàu chính hiệu, đâm ra món mì của mình bị “múa rìu qua mắt thợ”, sau này nghĩ lại biết vậy nấu bún riêu không có người cạnh tranh! Vừa ăn mình vừa nhìn nhau tìm lại nhau sau 42 năm. Gọi là hội ngộ họp mặt mặc dù vỏn vẹn có ba mống. Bao nhiêu mống cũng được, bạn rất xưa đến mang theo biết bao nhiêu là sợi dây kỷ niệm, rút sợi này, lòi ra sợi khác. Rút càng nhiều càng thấy mình nhỏ dại và ngây thơ biết bao nhiêu cái quãng tuổi lên chín lên mười ấy.  

Mình ngồi ôn chuyện xưa không quên hỏi chuyện hiện tại. Chúng ta đã có con cái, bạn còn có cả con dâu nữa kia. Có lúc chúng ta thoáng ngậm ngùi không tưởng tượng rằng ngày xưa lúc nhảy dây huỳnh huỵch không biết mệt, làm sao nghĩ ra mình phải lưu lạc xứ người và họp mặt ở xứ người. Lúc chúng ta còn bé, nhìn tầng ba của ngôi trường tưởng tượng ra đủ các loại ma lớn, ma nhỏ tự nhát nhau, nhìn tháp chuông cao ngất bảo có cho kẹo cũng không dám leo lên, có mấy ông Việt Cộng chết ở trên đấy hồi Mậu Thân kìa. Lúc chúng ta còn bé, đám con trai chơi tạt lon, đám con gái chơi nhảy dây, làm sao nghĩ ra được khi gặp lại, ngay cả con cái chúng ta cũng đều đã qua cái tuổi niên thiếu ấy rồi, và nhất là cả ba chúng ta mỗi khi cần đọc cái gì thì đều quýnh quáng đi tìm cặp kính lão!

Bạn đến Fort Worth ngay mùa hè nóng nhấp nhỉnh 100 độ F. Mình ngồi nghĩ nát óc không biết dẫn bạn đi đâu cho mát mẻ, gặp mình cái chân lúc nào cũng ở ngoài park, giờ này lôi bạn đi ra rừng chẳng khác nào tra tấn bạn. May sao bạn nghĩ ra cái zoo và mình nghĩ tới những hàng cây bóng mát trong đó. Thế là bộ ba chúng mình đi sở thú. Đã qua cái tuổi ồ à với voi với cọp, với gấu với khỉ. Chúng ta đi mắt để vào chuồng chim nhưng miệng lại nói chuyện năm xưa. Đến tầm chuồng voi thì chúng ta đang ở giai đoạn lớp bốn, qua chuồng sư tử chúng ta lên lớp năm. Đến chuồng chim bay đủ màu, chúng ta lại quay về lớp một, sang chuồng cá sấu chúng ta lên tiếp lớp hai. Cứ như thế, chen vào những lớp những năm là những cái tên bạn học. Bạn moi óc nhớ lại, mình lục tung ký ức để tìm cho ra một khuôn mặt non nớt khớp với cái tên được nêu ra. Chúng ta nhớ cũng nhiều và quên  cũng khá nhiều. Bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu nước trôi qua cầu rồi còn gì, phải không bạn?

Buổi trưa dẫn bạn vào downtown Fort Worth. Dalat đã trôi vào dĩ vãng rồi, mình đành nhận Fort Worth làm quê hương và dẫn bạn đi ăn trưa, đi xem nước chảy ồ ạt trong cái Water park. Cả ba thở như cá mắc cạn dưới bóng cây vì cái nóng của Texas nào có tha ai bao giờ? Cũng may có tí nước nên đời còn mát mẻ. Đến lúc này thì chúng ta chú mục vào chuyện sống còn dưới cái nóng tóe khói, chuyện trường lớp, chuyện rừng thông hàng khuynh diệp đành để sang một bên. Cái tháp chuông của Hùng Vương cũng không mang nổi câu chuyện lên hàng đầu vì cả ba đã mồ hôi mồ kê nhễ nhại, và chỉ nghĩ về cái shower nước lạnh chứ không màng đến bất cứ cái tên nào cái kỷ niệm nào nữa cả. Cái nóng đã thui chột mọi tâm tưởng của chúng ta rồi.

Buối tối bạn đến nhà ăn cơm sườn Đại Hàn. Cái vườn rau nho nhỏ của mình hào phóng chia xẻ với bạn từ húng lủi, tía tô, kinh giới đến quế, hành ngò các loại. Riêng kim chi thì mình mua ngoài chợ, bạn cho công thức làm kim chi mình cười ruồi, thì giờ đâu đi cắt cải thảo, phơi héo rồi mắm muối nhét vào hũ? Bạn không ăn cơm đã cả tuần nay, nói như mình thì suốt chuyến du hành từ Maryland qua Atlanta đến Texas, bạn cơm đường cháo chợ một trăm phần trăm. Nhìn tô cơm trắng của mình, dân Việt chính gốc đi đâu cũng là Việt nên bạn vui mừng ra mặt. Mình lại hối hận với cái nồi mì vịt ngày hôm qua, biết vậy mình nấu cho bạn một nồi canh chua cá, xào cho bạn đĩa thịt bò với cải làn…Bạn xua tay bảo như thế này là nhất rồi. Mình vẫn áy náy bạn ạ.

Ngày hôm sau mình dẫn bạn đi xem in tiền. Cả nước Mỹ chỉ có hai chỗ in tiền giấy, các tờ dollar xanh xanh in hình các vị tổng thống ấy. May sao một chỗ ngay gần nhà mình, đi xem không tốn tiền vào cửa, chỉ cái không được mang phone, máy ảnh vào selfi chơi. Nhìn từng kiện tiền cả lũ thốt lên “Tiền ơi là tiền!” và đứa nào cũng ước không cần cả kiện, một khối be bé thôi cũng đủ cho chúng ta nghỉ việc ngay lập tức và lên đường đi chu du. Nhìn máy móc làm việc bạn thốt lên thế thì làm bạc giả thế nào được? Mình toàn xài credit card, ít khi có tiền mặt trong người, đôi khi đi ăn chung với bạn bè, đến khi trả tiền thì phải hỏi vay vì tiệm không nhận credit card! Thế cho nên nhìn tờ 100 dollar mình hơi lạ lẫm với cái màu tim tím ấy. Mình tò mò hỏi thế có in tiền 500, 1000 nữa không thì tin vui cho ai có những tờ này, giữ tiệt trong nhà nhé, chớ đem ra xài vì đó là của hiếm, họ không in những đồng tiền cao giá như vậy từ lâu rồi, và chúng chỉ để cho collection, giá trị ghê lắm. Mình tò mò hỏi thêm thế khi nào quý vị in tiền có hình người đàn bà đầu tiên trên tờ 20 đô? Câu trả lời là năm 2020. Về nhà nói với thằng con thì nó bảo chẳng hiểu tại sao lại lựa bà Rose Park, người phụ nữ da đen quyết định phải đi xe bus thập niên 1950 để đòi quyền bình đẳng màu da và giới tính. Nó nói thêm bà đó sao bằng tổng thống Jackson được? Con ơi đó là Obama và là sắc màu chính trị.

Sau khi lặn lội với cả đống tiền, chúng ta đi kéo ghế ăn bò bảy món. Mình hơi ngạc nhiên khi biết bạn chưa bao giờ ăn món này, sau chợt nhớ ở Maryland ít người Việt và vợ bạn là người Tàu thì bò ba món e đã là khó rồi. Bạn bảo nhà quê lên tỉnh, mình đính chính ai cũng bảo Texas dân cao bồi ít học, dân Maryland trí thức hơn, bạn bảo quê mùa thì có, bảy món thịt bò không biết gọi tên. Không cần biết tên bạn ạ, cứ cuốn chúng trong bánh tráng với bánh hỏi với rau rồi chấm mắm nêm hay nước mắm, dân dã người Việt mình là ở chỗ này thôi. Trong bữa ăn cả bọn thỉnh thoảng vẫn lôi nhau về những kỷ niệm xưa, lần này thoát ra ngoài hàng rào trường Hùng Vương, bọn mình nhắc đến Nguyệt Vọng Lầu, phở Huỳnh, phở Tàu Bay, nhà hàng Kim Linh, bạn nhắc đến tiệm kem Việt Hưng gần rạp Ngọc Lan. Minh bảo bạn có biết rằng tất cả những ngôi trường lớn ở Dalat trường nào cũng chiếm cứ cả một ngọn đồi không? Từ Hùng Vương đến Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Lycee Yersin, Couvent des Oiseaux…Bây giờ hẳn nhà cửa chen chúc, chẳng còn thấy đồi với dốc đâu cả. Bạn nhắc tới con dốc đến trường Hùng Vương ngang qua nha Địa Dư, cả bọn còn nhớ tới nhà ga Dalat và một góc hồ Xuân Hương. Cả ba chúng mình đều ra khỏi xứ khá lâu và chưa đứa nào quay về. Các hồi tưởng của bọn mình đều dừng lại vào cái khoảng năm 1988, 1989, hoặc tệ hơn nữa, năm 1975. Bạn kêu sao bạn không nhớ cái buổi học cuối cùng ấy? Mình thì nhớ như in. Sau đó một bạn vượt biên sớm, theo tàu chiến hạm ra khơi, hai đứa còn lại chia tay hai ngả, mình bên Bùi Thị Xuân, bạn bên Thăng Long. Thỉnh thoảng tự hỏi chúng ta cùng chung một thành phố đến cả mấy năm mà không nghĩ đến chuyện gặp nhau, để phải sang tận đây, lái xe suốt hai ngày mới tìm lại nhau.

Mình dẫn bạn thăm Dallas, nơi nổi tiếng với tòa nhà 6 tầng mà Lee Harvey Oswald núp sau đống thùng sách bắn chết John Kennedy năm 1963. Cả bọn thơ thẩn đọc hết chừng đó tấm panels, xem chừng đó phim về ngày cuối cùng của Kennedy thì đâm ra mỏi chân. Mình vốn không thích Kennedy nên cũng xem loáng thoáng, vả lại phim ảnh về ông ta cũng khá nhiều và khá gần với những gì đang được chưng bày kia. Nhìn qua khung cửa sổ, mình thấy tòa lâu đài màu đỏ, cái Red Castle mà trước khi đến đây bạn hỏi nó ở đâu. Lúc đó mình nghĩ nát óc Dallas làm gì có tòa lâu đài nào, các building chọc trời thì nhan nhản ra. Ai ngờ nó chỉ ở bên kia đường. Bạn vốn thích chụp hình các kiến trúc xưa cổ nên cả bọn lại lặn lội dưới cái nóng đến gần lâu đài để làm dáng. Bạn cũng đã để chân cạnh cái dấu thập trắng toát giữa đường đánh dấu nơi Kennedy bị bắn chết trên con đường Elm nóng rực dưới bầu trời xanh biếc của mùa hè. Dallas còn có những chỗ khác để đi nhưng trời chiều rồi và bạn quyết định về nhà.

Và chúng ta chia tay. Cả ba đứng ôm nhau nói không biết đến bao giờ gặp lại. Mình bảo hai ngày ngắn quá, bạn bảo ừ ngắn thật, ngày vui qua mau. Mình dặn nhớ đừng để lâu quá mới gặp lại nhau. Suốt hai ngày tụi mình hết hẹn nhau đi Las Vegas, rồi đi cruise, rồi sang Altanta, rồi lên Maryland, vân vân. Đến khi chia tay vẫn chưa biết năm nào mới được nhìn lại những khuôn mặt này. Bạn quay về lại miệt đông, mình quay về nhà,  bồi hồi vì những gì đã tìm lại được. Kỷ niệm thời thơ ấu khi nào cũng êm ái và tươi đẹp dù rằng mình buồn muốn khóc.

Chia tay thôi, Hùng Vương ạ!


Lan Hương
Fort Worth 07/19/2017

(Tặng Vân và Thế,  bạn đã đem kỷ niệm đến với mình)


No comments:

Post a Comment