Pages

Wednesday, October 7, 2015

Cơ hội


Javier 35 tuổi, gốc Mễ Tây Cơ, độc thân. Nếu Javier là bạn của bạn tôi, thì tôi đã không phải chần chừ đắn đo lâu đến thế. Đàng này anh ta lại là bạn của vợ của xếp của bạn của bạn tôi. Dây mơ rễ má dài ngoằng này làm tôi hoang mang, không biết phải bắt đầu từ đâu. Để cho cháu làm quen với Javier.
Javier tóc màu gì, mắt màu gì, cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, tôi không biết. Javier ăn to nói lớn, hay nhỏ nhẹ dịu dàng,  Javier tối tối về nhà ngồm ngoàm burrito, ăn tortilla chips chấm sốt salsa xem tivi hay lang bạt ở các quán bar với ly margaritta trong tay, tôi không thấy được. Javier cực kỳ yêu thích trẻ con, ngay cả không phải con mình, hay Javier cau có khó tính, tiếng trẻ con léo nhéo bên cạnh làm anh ta nổi điên, tôi không có tí khái niệm nào. Thậm chí Javier có con riêng hay chưa, có qua đời vợ nào chưa, tôi cũng chẳng tỏ tường.

Vì thế cháu ạ, tôi đã có số điện thoại của Javier khoảng một tuần nay nhưng không sao nhấc máy lên liên lạc với anh ta được. Javier đối với tôi là người hoàn toàn xa lạ. Làm sao tôi có thể mở miệng nói “Ê, Javier, tao có con cháu. Mày có muốn gặp nó làm quen không?” Qua điện thoại, Javier là người vô hình, tôi không hình dung được đầu dây bên kia Javier là ai, tôi đang đối thoại với loại người nào. Tôi không nói chuyện được với cái bóng, hay đúng hơn, với người mà tôi chưa định nghĩa được. Vì thế số điện thoại của Javier vẫn nằm im ắng. Tôi không thuộc loại người mau mồm lắm mép, tôi làm gì cũng dè chừng, cẩn thận, làm sao tôi có thể mở miệng với một người xa lạ để cháu làm quen trong khi chính bản thân tôi còn chưa biết anh ta mặt mũi như thế nào? Tôi sợ trách nhiệm đổ vào đầu mình nếu Javier là tên đầu trộm đuôi cướp, tôi sợ chừng đó đôi mắt của họ hàng chĩa vào tôi nếu để cho cháu bị lừa vì Javier là một đứa không ra gì. Bao nhiêu trách nhiệm lớn nhỏ tôi tự hình dung ra rồi tôi thấy ớn!
Khi cháu quắc mắt, quyết liệt nói với tôi “Bằng mọi giá, cô ạ, miễn sao cháu được ở lại!”, tôi lạnh người. Trong mọi giá đó, cháu có tính đến cái giá con cháu phải trả không, cháu có tính đến cái giá mẹ cháu phải trả không, và xét cho cùng, sao cháu lại coi rẻ cái giá của chính mình đến thế? Nước Mỹ có điều gì làm cho cháu sẵn sàng vứt  bỏ mọi thứ bên Việt Nam, để lao sang đây tìm mọi giá để được ở lại? Tôi không ở trong địa vị của cháu, tôi không thể trả lời những câu hỏi này. Cháu đã quyết định như thế, tôi giúp gì được không, đó mới là vấn đề của tôi.

Nếu con cháu có nguy cơ phải nằm úp mặt trên cát như bé Alain ba tuổi người Syria, tôi không cần biết Javier to béo thế nào, cao thấp ra sao, tôi đã gọi ngay cho anh ta, vì tính mệnh sống còn của con cháu. Đàng này tỉ lệ con cháu bị đắm tàu trên đường tìm đến bến bờ tự do gần như là zero, tỉ lệ cháu phải ngắc ngoải  ngoài biển khơi khi quyết định buông mình phiêu lưu tìm đến “miền đất hứa” là không phần trăm. Đã qua khá lâu thời kỳ cả một nửa Việt Nam bỏ nước ra đi, bơ vơ trên biển, lạc lối trong rừng để rồi đến nơi cũng có, ở lại vĩnh viễn trong lòng biển, trong rừng thẳm cũng có, trôi giạt trên đảo hoang cũng có. Thảm cảnh dân vượt biên vẫn còn là những nỗi đau không nguôi ngoai của nhiều gia đình cho đến tận bây giờ. Vả lại, nói cho cùng, ở Việt Nam, cháu cũng không thuộc loại “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cơm không no, áo không ấm. Cứ như cháu kể, đời sống của cháu không đến nỗi nào. Con cháu đi học có người đưa đón, ngoài chuyện học ở trường, thằng bé được thêm đủ mọi thứ khác, trong đó có tiếng Anh. Trẻ con bình thường ở Việt Nam, bao nhiêu đứa được hưởng những điều xa xỉ đó? Nếu công ăn việc làm của cháu không ổn định, mức thu nhập của cháu không cao, làm sao cháu có thể cho con cháu những khoản giáo dục xa hoa như thế? Tại sao cháu đành lòng đánh đổi công việc trí óc ngồi trong phòng máy lạnh mát rượi, loay hoay với giấy tờ sổ sách, đánh đổi sang làm nghề tay chân, cong lưng mài giũa móng tay, móng chân, hít ngửi mùi thuốc rửa móng thối hoắc, mùi sơn hôi nồng hại phổi, cái công việc mà dân Mỹ chính cống đã từ bỏ vì độc hại cho sức khỏe và Việt Nam mình nhảy vào chiếm lĩnh, coi thường tính mạng của mình chỉ vì kiếm tiền quá dễ?
Tại sao nhỉ, tại sao lại quyết liệt ở lại bằng mọi giá? Tôi vẫn luẩn quẩn với câu hỏi đó mặc dù tôi tự nói với mình hàng trăm lần, đó không phải là chuyện của tôi. Động cơ của cháu khiến tôi nghĩ cháu muốn ở lại là vì chính bản thân cháu chứ không phải vì “tương lai của con cháu” như cháu vẫn nói với tôi. Có vẻ như đối với cháu, phải “take a chance, life is too short!” Cháu vẫn lập đi lập lại với tôi rằng cháu chỉ muốn lấy Mỹ. Tôi ôm đầu kêu trời. Tại sao lại chỉ là Mỹ mà không phải Việt Nam, Lào, Tàu hay Nhật? Ai nhồi nhét cái ý nghĩ ấy vào đầu của cháu thế? Tự bao giờ người đàn ông Việt Nam làm cho cháu sợ đến thế? Cho nên Javier người gốc Mễ Tây Cơ cũng làm tôi chùn bước, sợ cháu chê người ta chẳng phải Mỹ ròng. Thôi thì cháu có những nguyên nhân, lý giải của riêng cháu về khoản này,  tốt nhất tôi không bàn đến.

Tôi chỉ muốn nói với cháu về giấc mơ Mỹ của cháu. Cháu bảo cháu sẵn sàng đi học làm móng tay, móng chân, sẵn sàng lái xe cũ, ở nhà chật, sẵn sàng chịu khổ, chịu cực, miễn sao cháu được ở lại. Tôi khâm phục tính tình quả quyết, đầy can đảm của cháu. Tôi chẳng được như cháu. Tôi nhút nhát lắm, chẳng dám buông tất cả để tìm đến một giấc mơ đầy phiêu lưu, hiểm hóc, không rõ ràng.  Những người như cháu sẽ thành công thôi, nếu có một cơ hội.Tôi không biết mình có thể đem lại cơ hội nào cho cháu, ngoại trừ số điện thoại của Javier. Nếu có thể tiên đoán biết trước đó là một cơ hội tốt lành cho cháu, tôi chẳng ngần ngại. Nhưng làm sao mà tôi có thể trơ trẽn gọi cho Javier khi không biết anh ta là người như thế nào để giới thiệu cho cháu? Và tôi đâm ra giận cháu vì cháu đã đặt tôi vào vị thế mà tôi không muốn: bỏ thì thương, vương thì tội. Và vì cớ gì mà mẹ cháu và cháu nhìn vào tôi như một cứu tinh? Tôi  đã từng hứa hẹn gì với cháu đâu nào? Tôi chỉ là người chịu khó ngồi nghe cháu kể chuyện, nghe cháu tâm sự, nghe cháu trút nỗi niềm. Thế thôi. Tôi đã bao giờ mở miệng nói “Ừ, để cô giúp cho cháu” đâu mà mẹ cháu đã nhìn xoáy vào tôi hỏi  “Đã ba tháng rồi đó, em tính sao đây? Cuối năm nay nó phải về lại Việt Nam rồi” Trời đất, chuyện của cháu thành chuyện của tôi hồi nào thế? Tôi mắc kẹt vào tình huống của cháu vào cái lúc nào vậy? Tôi rất ghét chuyện gian lận, tôi rất ghét những người lươn lẹo với pháp luật. Vì thế chuyện cháu tìm người lấy để được ở lại với một số tiền không nhỏ, tôi dứt khoát không dính vào, đó là chuyện của cháu. Với số tiền đó, tôi chỉ sợ cháu bị lường gạt. Ngay cả đối với tôi ở đây, số tiền đó không nhỏ, thì huống hồ gì những đồng tiền đó kiếm được ở Việt Nam mà cháu bảo để có được cháu phải bán nhà của mẹ cháu.
Tôi ở đây hơn 20 năm rồi, người Việt tôi quen biết có thể đếm trên đầu ngón tay, tôi không biết ai là người sẵn sàng chịu làm đám cưới giả với cháu, rồi sau hai, ba năm, sau khi cháu có thẻ xanh, sẽ ly dị ai đi đường nấy. Cháu bảo tôi giới thiệu với bạn tôi trên sở. Nhìn quanh quất trong cái IT Department này, số lượng các ông đã và đang ly dị vợ lên đến 80%. Tôi không dám mạo hiểm đẩy cháu vào để làm tăng thêm con số phần trăm này. Vả lại, tôi rất kỵ đứng ra làm mai mối, chuyện không xuôi chèo mát mái, tôi đứng giữa hứng đạn bắn ra từ cả hai phía có mà chết, chẳng ngu gì, cháu ạ. Bạn tôi bảo nó quen với một anh chàng da đen, rất tốt bụng, quen thuộc với phong tục Việt Nam, để nó hỏi giùm cho cháu. Tôi ngăn cản hết sức, vì tôi có thể hình dung được khuôn mặt mẹ cháu lúc nghe tin tôi giới thiệu cháu với một anh chàng da đen, răng trắng, đầu không có tí tóc! Hơn thế nữa, anh ta đang có cô bạn gái, tôi làm sao có thể đang tâm phá vỡ hạnh phúc của anh ta cho được bằng cách đề nghị anh ta lấy cháu? Dù chỉ rằng tạm bợ trong vòng hai ba năm? Tôi không đến nỗi thất đức đến thế đâu cho nên chuyện này tôi đã gạt phắt ngay từ đầu và bảo bạn tôi rằng tôi không muốn dính đến. Thì ba ngày sau bạn tôi lại đưa cho tôi số điện thoại của Javier. Bạn tôi quá nhiệt tình đến nỗi làm tôi bị đứng vào thế đặng chẳng đừng.

Cháu ạ, tôi thấy phiền phức quá. Hay là đời ai nấy lo đi? Tôi có thể buông cháu ra được không? Tôi có thể không dính dáng gì đến chuyện ở hay không ở lại của cháu được không? Rồi tôi lại đâm ra lại phân vân, cắn rứt vì bạn của tôi chẳng dây mơ họ hàng gì với cháu, lại quá nhiệt tình, trong khi tôi và cháu đâu đó có dòng máu chảy chung, lẽ nào tôi lại thờ ơ?

Thế là tôi đặt tôi vào địa vị của mẹ cháu. Đứa con gái hơn 40 tuổi, dang dở một đời chồng, ôm thằng con trai lơ ngơ đang học lớp hai, quyết chí làm lại cuộc đời của mình ở xứ người bằng mọi giá. Hẳn người mẹ đó đã và đang mất ăn mất ngủ từng ngày với con, người mẹ đã dũng cảm hy sinh bán căn nhà của mình làm vốn cho cuộc phiêu lưu của con mình mà không hề biết sẽ đi đến đâu. Rồi tôi tưởng tượng nếu tôi kể chuyện này cho Má tôi nghe, không biết bà sẽ bảo tôi ra sao nhỉ? Tôi gần như chắc rằng bà sẽ nói “Thôi thì ráng giúp nó vậy, đã đến bước này rồi….” Và tôi nhớ lại những năm tháng đầu tiên đặt chân đến Bỉ, tất cả sự giúp đỡ dưới mọi hình thức của mọi người đều được chúng tôi trân quý và nhớ mãi đến bây giờ. Làm sao quên được những bàn tay chìa ra cho chúng tôi những cơ hội đổi đời?

Tôi rút điện thoại ra, gởi một tin nhắn cho Javier, dường như viết bằng tiếng Anh thì có vẻ dễ dàng và đỡ ngượng ngập hơn tiếng Việt thì phải. Ngay lập tức, anh ta trả lời tôi. Tin qua tin về, cháu đã có một buổi hẹn với Javier rồi nhé. Buổi hẹn ra sao tôi chưa biết, kết thúc như thế nào chẳng ai đoán nổi, nhưng tôi coi như nhiệm vụ của tôi chấm dứt ở đây, phần còn lại chúng ta có thể nói “duyên số tại trời”.
Chúc cháu may mắn.  


Lan Hương
Fort Worth (10/05/2015)

No comments:

Post a Comment