Pages

Monday, January 25, 2016

Tham Sân Si


Bà giận ngôi chùa nhỏ, không đến thắp nhang cả hơn năm nay. Khi được hỏi tại sao, bà buồn rầu “Tại Ông Thầy tham lam quá!” Người nghe giật mình. Sao bảo những người đi tu không còn sân si? Sao bảo những người khoác áo tu hành cho nhiều hơn là nhận?

Chùa nhỏ của bà chỉ một ngôi nhà bình thường nằm giữa mảnh đất khá rộng rãi. Nó đã được sửa sang, tu bổ nhiều, chỉ phần bếp được giữ lại, còn thì phòng khách phòng ngủ đã được đập tường biến thành chánh điện. Bên trong hơi chật nhưng vẫn đủ chỗ cho vài chục Phật Tử quỳ lạy khấn vái. Mãi sau này khi chùa có tiền, hàng hiên bên hông nhà trở thành nơi nấu nướng mỗi cuối tuần, rồi rợp mái tôn, kê thêm bàn ghế, mảnh sân sau thành chỗ ngồi ăn uống cho tín hữu sau khi tan lễ tụng niệm. Riêng sân trước cửa chùa, xếp hàng dài dài khoảng hơn 30 bức tượng Phật trắng toát, bức nào như bức đó, đúc từ một khuôn. Đó là do các Phật tử hảo tâm cúng dường, tặng cho chùa tượng Phật bằng thạch cao để lấy công đức. Dân Mỹ đi qua mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên, chưa từng thấy sân nhà nào có kiểu thiết kế vườn tược lạ lùng như thế. 

Ngày thường chùa không đông, nhưng Chủ nhật Phật tử dập dìu ra vô, xe đậu chen chúc trong mảnh đất trống cạnh chùa hoặc đậu bậy bạ ngay đàng trước cửa. Cảnh sát đi dẹp mấy lần, phát giấy phạt mỏi tay nhưng thân chủ đánh liều, nếu không thì không biết vứt cái xe đi đâu để mà rảnh tay thắp nhang khấn vái? Hàng xóm hai bên kêu rên vì mùi nhang khói,  vì người người nhộn nhịp tấp nập, vì mùi đồ ăn thức uống xa lạ phảng phất trong không khí, vì tiếng Việt ơi ới gọi nhau đầu ngõ cuối ngõ, lên bổng xuống trầm. Cứ như thế quanh năm suốt tháng. Đến dịp Tết, Phật Đản hay rằm tháng Bảy, nhang khói nhiều hơn, bếp núc khói lửa bập bùng nhiều hơn, bầu không khí lại càng đậm đặc hơn, “đầu đen” đổ về nhiều hơn, cảnh sát hai ba xe bật đèn nhấp nháy, cứ như  đang có án mạng đẫm máu đâu đó. Cộng thêm màn múa lân xập xình, phèng la inh ỏi điếc tai, trống gõ boong boong long tóc gáy, hàng xóm chào thua, đành ngậm ngùi bán nhà ra đi, không địch nổi với lòng thành tâm hướng về Đạo Pháp của đám cư dân xứ lạ. Chùa bèn manh nha muốn mua hai ngôi nhà hai bên để cơi chỗ.

Mà muốn mua đất mua nhà thì phải có tiền. Đây là lúc bà bắt đầu nghi ngờ màu áo vàng cà sa Thầy mặc và phán “Thầy tham lam quá!”.

Hộp cúng dường của chùa rất khiêm tốn, nằm nép một bên tượng Phật Bà Quan Âm ngay nơi cửa ra vào chánh điện. Phật tử cũng siêng năng bỏ tiền vào, nhưng người năm bảy đồng, người vài chục, không đều. Chùa không như bên Tin Lành, cắt béng 10 phần trăm tiền lương, ai cũng như ai, khỏi thắc mắc kiện tụng. Chùa tùy tâm tùy hỉ cho nên thu nhập của chùa thất thường, khi có khi không. Mà bây giờ hai mảnh đất hai bên đang rao bán, chùa không mua, sợ người khác mua mất nên ban Trị Sự bắt đầu xắn tay áo vào cuộc.

Thường các ngày chủ nhật, chùa bán đồ ăn chay do Phật tử tự bỏ tiền túi ra đi chợ, tự bỏ sức ra nấu nướng, tự bỏ thì giờ ra đứng bán. Tiền thu được nộp vào hết cho quỹ của chùa. Những người làm công quả như bà hỉ hả ra về, coi như công mình bỏ ra vừa mang đức về cho con, cho chính bản thân mình, mà còn có lợi cho chùa chiền nữa. Không biết bao nhiêu cái chủ nhật bà túi bụi với nấu với nướng, với rửa bát xắt rau. Hôm nào có con cháu lên thăm, bà mua thêm dăm hộp gỏi chay, đồ xào chay đem về cho chúng ăn, một công đôi chuyện. Rồi cảm thấy chưa đủ, bà bắt đầu nói về kế hoạch mở chùa cho con nghe, say mê, hào hứng. Con nghe xong dúi vào tay bà ít tiền bảo để con góp phần. Ngày Tết đến, bà kéo con cái về chùa của bà thắp hương. Con cháu bà lạy Phật xong mang tiền cho vào hộp cúng dường, ủng hộ ngôi chùa nhỏ của bà hết mình. Bà khấp khởi mừng trong lòng.

Nhưng như muối bỏ biển. Tiền thu vào vẫn thiếu hụt. Nhìn sang phía nhà thờ mà phát thèm, các Cha bên đó chẳng lo vấn đề tiền nong như bên này, nhà thờ vững mạnh theo năm tháng nhờ tín đồ đông  đảo hơn, giàu có hơn, cho nhà thờ cả bạc ngàn mà mặt lạnh như tiền. Chùa nghèo, đạo hữu nghèo nên mới phải chi ly, thu vén đi tìm từng đồng. Khổ cái chùa chỉ bán toàn đồ chay. Chẳng bù cho bên nhà thờ, những dịp Tết về họ kiếm không biết bao nhiêu tiền từ những chiếc bánh chưng, đòn bánh tét. Đón Tết thiên hạ rộng lòng, hỉ hả mua bánh phần ăn phần đem cho. Ăn chay chỉ có người theo đạo, người thường khát món mặn cho nên trong khi nhà thờ gói bánh bán bánh không kịp, chùa chỉ có bán bánh tét nhân chuối, con cái nể nang mua giùm ba bốn cái là nhiều lắm rồi.

Ban Trị Sự quyết định kiếm tiền cách khác, phải mời ban nhạc ở Cali về kiếm tiền gây quỹ cho chùa. Thầy đắn đo, chùa là chốn tu hành, tu tâm dưỡng đức, ban nhạc về đánh trống thổi kèn ầm ĩ, sao còn ra cửa chùa yên tĩnh nữa? Trị Sự bảo không làm như thế không có tiền Thầy ạ. Chỉ có ban nhạc mới thu hút được mọi người mọi giới đến cửa thiền mà thôi. Nhất là các ca sĩ nếu bảo đi hát lấy tiền cho chùa, thường là họ hát không phải trả tiền cát sê, còn các khoản vé máy bay, ăn ở, Phật tử chia nhau lo đâu vào đấy. Thầy hỏi sao lại là ca sĩ Cali xa xôi quá, Trị Sự nhỏ nhẹ bụt nhà không thiêng, thưa Thầy. Văn nghệ cây nhà lá vườn không ai thèm mua vé đi xem, ấy thế mà chỉ cần nghe ca sĩ có chút tiếng tăm từ Cali sang là bao nhiêu tiền cũng bỏ ra. Thiên hạ muốn được thấy tận mắt, sờ tận tay thần tượng của mình mà lại. Thầy chép miệng đành gật đầu.

Bà và dăm người nữa rít lên, “Còn ra cái thể thống gì nữa? Mời phường chèo về múa sân chùa như thế ư?” Bà không dám sơn móng tay, móng chân đi chùa, sợ sặc sỡ quá, phô trương quá. Gặp cô nào điệu đàng lỡ bôi mắt xanh môi đỏ, hì hụp khấn vái, các bà háy mắt hích nhau “Con cái nhà ai thế? Bảo nó lên chùa thì chùi mặt sạch trước đi đã”. Các bà khoác áo lam sòng, đơn giản như đạo như đời, không chịu nổi cảnh quần lòe áo loẹt ngồi tĩnh tâm. Bây giờ rước luôn ban nhạc về, ca sĩ làm sao lên sân khấu mà không kẻ mắt bôi môi, trát phấn, dù rằng có hát giữa ban ngày, dưới ánh nắng mặt trời chói chang? Rồi chẳng lẽ hát mà không cho họ nhún nhảy, uốn éo trên đôi guốc cao vút? Bắt họ đứng nghiêm như chào cờ để hát bài “Tình cho không biếu không” thì còn ra cái gì? Thêm nữa ca sĩ phải hát những bài tình ca diễm lệ, chia tay nhau ướt đẫm nước mắt từ đầu bài đến cuối bài, thiên hạ mới huýt gió vỗ tay, ca nhạc Việt Nam vốn chẳng có bài nào kiểu “sắc sắc không không ” huyền ảo thấm đậm triết lý nhà Phật cả, cho nên ca sĩ muốn hát bài gì thì phải chịu thôi, ai mà quản nổi. Các bà kéo nhau lên gặp ban Trị Sự. Ban Trị Sự điềm nhiên bảo nếu các bà không muốn thuê ban nhạc thì bỏ tiền túi ra bù vào khoản này để xây chùa. Đấy, cần chừng này, chừng này, các bà lo được thì chúng tôi khỏi phải gọi điện thoại năn nỉ ỉ ôi mời ca sĩ, rồi đi đưa đi đón, lo chỗ ăn chỗ ở, chúng tôi khỏi phải in vé, phát vé, đi bán lấy tiền. Trăm chuyện phải lo chứ đâu có dễ ăn? Các bà tuổi đã đều trên sáu mươi, tóc bạc, da nhăn, bà nào còn lái xe được là ngon lành lắm rồi, không thì nhờ vả con cháu chở đi chùa cuối tuần cũng khổ lắm, các bà lại còn sống bằng tiền chính phủ trợ cấp cho người già, tiền con cái cho, tiền túi để dành được đồng nào thì các chủ nhật đã mang đi chợ nấu ăn cho chùa, đào đâu thêm tiền để xây chùa  bây giờ? Các bà đuối lý đành lủi thủi ra về, mặc cho ban Trị Sự bắt đầu gọi người tới dựng sân khấu.

Được dăm lần dựng sân khấu như thế, chùa mua được mảnh đất bên tay trái, đã phá tan được căn nhà cũ, san móng xây sửa thành bãi đậu xe đàng hoàng, Phật tử khỏi lo bị cảnh sát phát vé phạt đậu xe bậy bạ. Mảnh đất bên tay phải vẫn còn cắm bảng rao bán chờ chùa có tiền. Thầy không còn hấp háy mắt mỗi khi ban Trị Sự bàn nên mời ban nhạc nào về để thu hút đông người đến nhất nữa. Riêng bà vẫn đều đặn, kiên nhẫn đến chùa mỗi chủ nhật, góp phần công quả nhỏ nhoi của mình vào việc nấu đồ chay, bán được đồng nào hay đồng nấy cho chùa. Rảnh tay bà khoác áo lam lên đọc kinh trong chánh điện,quỳ gối thành tâm trước tượng Phật hiền lành nhìn xuống nhân gian.

Một hôm bà đi về, mặt mũi đỏ gay, thở không nổi, nói không ra hơi. Con cái xúm vào đổ nước, quạt mồ hôi, bàn nhau gọi xe cấp cứu chở bà vào nhà thương. Bà khoát tay thều thào “Tao không sao. Tao chỉ tức Ông Thầy…” Mãi sau bà mới thốt lên được “Đi tu sao còn tham lam quá vậy chớ. Bao nhiêu tiền với của với công đổ vào chùa mà không bao giờ đủ cho Thầy!” Thì ra vì mấy ngàn đồng Phật tử đưa cho, sẵn sân khấu, sẵn bếp Thầy cho Phật tử mượn chùa làm đám cưới. Đôi trẻ trao nhau nhẫn cưới dưới chân Phật từ bi, họ hàng bạn bè hai bên thay phiên nhau thắp nhang mờ mịt cả chánh điện. Đám cưới không thể đãi ăn chay nên mùi thịt, mùi cá từ bếp xông lên khu thờ phượng. Ban nhạc bắt đầu so dây đập trống gảy đàn. Các bàn tiệc bắt đầu “Dô dô nâng ly mừng cô dâu nè, mừng chú rể nè, mừng hai họ nè”, hò hét om xòm cả một góc chùa. Được vài cuốc uống mừng như thế thì đám trẻ bắt đầu nóng máu, rủ nhau ra nhảy. Nhưng mảnh sân trước sân khấu đã đầy kín những bàn với ghế, chúng nhìn quanh chỉ thấy còn mỗi chánh điện sàn cẩm thạch bóng loáng, bèn kéo vào. Phật ngồi mỉm cười hiền hòa nhìn đám trẻ nhảy nhót từ valse đến cha cha cha, đổi sang rumba rồi disco, rồi slow rồi rock-n-roll, rồi chicken dance, không thiếu mục nào. Một đứa treo ngay ngọn đèn xoay đủ màu đủ sắc lên giữa trần nhà, không khí náo nhiệt hẳn. Bây giờ không chỉ có đám trẻ, giới trung niên sau chừng ba lần chén chú chén anh cũng kéo vào. Chánh điện chật chội, kinh kệ được xếp gọn vào một góc, rộng chỗ cho thiên hạ giơ tay giậm chân, hỉ hả. Đúng là đám cưới ra trò.

Mặt Phật chốc đỏ chốc xanh, chuyển từ vàng sang trắng, từ trắng sang tím, nhấp nháy, lung linh mọi sắc màu mỗi khi quả đèn cầu xoay tít. Và Phật vẫn khép hờ mắt, mỉm cười độ lượng.

Hôm đó bà đi ngang qua có chuyện cần ghé vào, trông thấy Phật điềm nhiên bấm ngón tay, ngồi thế hoa sen tọa thiền giữa đám người nhảy nhót như phát rồ thì bà lên cơn cao máu, chóng mày chóng mặt muốn xỉu. Bà chạy hộc tốc về nhà và giận chùa, giận Thầy từ đó đến bây giờ. Khi hoàn hồn bà bắt đầu gọi các “chiến hữu” kể những điều tai nghe mắt thấy. Các bà lại kéo nhau đến gặp Thầy, gặp ban Trị Sự. Thầy lúng túng bảo hôm đó Thầy đi vắng, không ở chùa nên không biết có chuyện gì. Riêng mẹ cô dâu kiêm thành viên chính trong ban Trị Sự quắc mắt bảo chừng đó tiền đem xây gian nhà nhỏ để Thầy ở cho đàng hoàng, Thầy có an cư thì mới vực được đạo, sao các bà không hiểu? Không có tiền lấy đâu ra mà xây với sửa, với lại mở chùa cho to cho lớn? Nào, ai ngon bỏ chừng đó tiền ra tôi xem cái? Các bà bị dồn vào thế bí, rủ nhau bỏ chùa, dễ hơn là đương đầu với lý lẽ của đồng tiền.

Nếu có hỏi thăm bà về ngôi chùa bà đã từng đều đặn đi lễ, đi làm công quả cả hơn mười năm nay, không thiếu một ngày chủ nhật, một ngày lễ Tết nào, bà chỉ thở dài. Bà nhớ có những cái Tết thay vì đến nhà con cháu, bà hy sinh đến chùa để đứng nấu rã cả chân rồi đứng bán hàng mỏi cả gối, làm cho các con phát giận, bảo ngày Tết ở đây có mỗi một ngày, mẹ không buông chùa ra, sum họp gia đình được à. Có những hôm trời mưa gió lạnh lẽo, không bao nhiêu người đến viếng,  chùa vắng vẻ lạnh tanh, bà vẫn lặn lội đến tận nơi nấu nước thắp nhang cho chùa ấm cúng. Bây giờ bà đi lễ ở ngôi chùa khác, lớn hơn, giàu có hơn, đông Phật tử hơn. Nhưng ban Trị Sự không cần bà đến làm công quả nữa, họ đã dư người rồi. Bà chỉ đến thắp nhang, tụng kinh, ngồi hết buổi lễ rồi ra về. Trong lòng thấy thiếu thốn, hụt hẫng. Như thể bà chưa làm tròn một điều gì, cho chính bản thân mình, cho chính niềm tin của mình. Con cái bảo mẹ lớn tuổi rồi, nghỉ ngơi thôi, đi công quả làm gì cho mệt. Chúng không hiểu, khi làm việc thiện nguyện cho chùa, bà cảm thấy mình gần với Phật hơn là lúc bà ngồi gõ mõ, lần tràng hạt. Bà lăn lộn với ngôi chùa nghèo biết bao năm, từ lúc chùa chỉ là ngôi nhà ba gian trống huơ trống hoác, cho đến khi sân trước của chùa tượng Phật trắng toát xếp hàng đều đặn, bên hông chùa đã có hòn non bộ với dăm con cá vàng để con nít ra xem trầm trồ, thọc cả tay xuống nước thử vớt cá lên chơi. Chùa có lớn có mạnh, bà mới cảm thấy công lao mình đổ vào không uổng phí. Về với chùa lớn, bà cảm thấy lạc lõng, vô tích sự mặc dù Phật vẫn nhìn bà từ trên cao, hiền từ, tha thứ và khoan dung.

Phật ở trong tâm, bà tâm niệm như thế để giữ mình không bỏ nốt ngôi chùa mới này.

Lan Hương

Fort Worth (01/25/16)

1 comment:

  1. chua ay gio la business va nhung canh nhi nho nhu the ! con dau chua cua tui minh nhu ngay xua chua Linh Son Dalat voi mui hoa ngoc lan va tieng chuong ngan vang luc 5 gio sang , luc con gat gu thuc hoc thi o noi phong khach !

    ReplyDelete