Pages

Thursday, July 30, 2015

Hẻm nhỏ quên tên

Như mọi con hẻm khác của Saigon, con hẻm này lúc nào cũng ồn ào, đông đúc, người ra kẻ vào, nhộn nhịp suốt ngày. Quán cà phê đầu ngõ chưa bao giờ tôi thấy ế khách, ngoại trừ những hôm trời mưa như trút, chủ quán rút vào một góc, bàn ghế chỏng chơ tha hồ hứng  mưa, khách chẳng có can đảm ngồi lãnh những giọt nước rơi như trút từ trên trời xuống. Mà cà phê dạo ấy thật ra chỉ có khoảng 10% là hạt cà phê thật, phần còn lại là bắp rang, gạo rang cho nên khi pha, nó không bốc lên mùi thơm lừng mà lại khê nồng mùi gạo cháy. Dân trong xóm lao động vốn không khó tính, không nề hà mùi vị cà phê chỉ gọi là thoảng qua cho có, họ vẫn khề khà xong tách cà phê rồi chuyển sang bình trà. Một lần nữa, mức độ lá trà thật có thể đếm trên đầu ngón tay, phần còn lại là cái gì thì tôi không biết. Nhưng dù sao khi đun sôi nó cũng cho ra một thứ nước màu nâu đậm, hơi nóng bốc lên nghi ngút và người uống vẫn điềm nhiên “trà đạo” như đang được uống thứ trà thượng hạng.

Con ngõ đi vào được dăm thước thì tẽ ra làm hai. Bên phải đi vào một con hẻm cụt, tôi chẳng mấy khi đi vào đây làm gì. Còn nếu thẳng tiến sẽ đi ngang qua nhà chúng tôi. Cuối ngõ nhà tôi lại có con hẻm nhỏ hơn dẫn ra chợ Chí Hòa bé tí. Khám Chí Hòa cách đó không xa mấy. Năm học lớp kế hoạch kinh tế, chúng tôi phải đi học quân sự ở một sân vận động gần khám. Vừa tập đi đều bước, chúng tôi vừa liếc nhìn những người tù đi ra đi vào, giặt quần giặt áo, nói chuyện râm ran, lính canh đứng im phăng phắc trên chòi gác, tôi tự hỏi không biết ai đang buồn chán hơn ai. Chúng tôi nhìn  họ một phần e sợ, một phần nể nang, nhưng tò mò thì đúng hơn. Họ là những cư dân của một thế giới khác hẳn với thế giới chúng tôi đang sống. Riêng ở cái xóm nhỏ chúng tôi thỉnh thoảng ra đầu ngõ sẽ gặp xe công an bít bùng chở tù đi ra đi vào. Có lúc xe hú còi ầm ĩ, hung hãn lao vào con đường Hòa Hưng, dân tình bảo nhau “tù quan trọng đó nên mấy ổng mới làm dữ dzậy!”. Cho nên có thể hiểu rằng tù tầm thường cứ thế lặng lẽ đi vào khám, rồi lặng lẽ đi ra khỏi khám, không tiếng còi hụ tiễn đưa gì ráo cả.

Ngay sát cạnh nhà chúng tôi là một gia đình gốc Miên. Hôm nào họ ăn món mắm lóc thì chúng tôi chỉ có nước đóng chặt cửa, bật quạt chạy tối đa để xua đuổi cái mùi mắm hôi điếc cả mũi. Gặp khi cúp điện quạt  giấy phần phật gẫy cả tay thì thôi đành bỏ nhà ra đi cho đến khi mùi mắm chỉ còn thoang thoảng mới dám về lại. Xóm nhà tôi có mấy gia đình người Miên như thế cho nên ngày đầu tiên dọn vào, tôi cứ nơm nớp dè chừng mấy ông mặc xà rông, ở trần khoe làn da đen thui, chân xỏ trong đôi dép Nhật, loẹt quẹt đi long nhong từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Mặc dù nhìn dữ dằn như vậy nhưng thật ra họ là những người hàng xóm khá dễ chịu. Thỉnh thoảng tôi đi học về gặp ông chồng hay thằng con đầu ngõ, họ thường hân hoan gọi với  “Có bà cụ ở Dalat xuống rồi đó!” Họ theo đạo Hồi nhưng khi đó kiến thức của tôi về đạo Hồi là mù tịt cho nên tôi không biết họ có vào tuần Ramadan nhịn ăn từ sáng đến tối, có trải chiếu quay mặt úp ba ba về phương Đông cầu nguyện ngày ba buổi hay không. Chỉ mỗi mùi mắm lóc quốc hồn quốc túy của họ là còn lại trong trí nhớ của tôi mà thôi.

Đối diện nhà tôi là một gia đình có vẻ khá khẩm hơn. Ông con tuổi còn trẻ, nhỉnh hơn tôi vài tuổi nhưng ở trong tình trạng thất nghiệp trường kỳ, suốt ngày ngồi trên căn gác trống trải không cửa không vách ôm cây đàn guitar tình tang. Khi nào ông con có việc, cây đàn và lỗ tai tôi được nghỉ ngơi dăm bữa, rồi lại tình tang tiếp. Còn bà mẹ tối tối lên gác tháp nhang khấn vái đều đặn, và thỉnh thoảng nấu xôi đậu xanh nước dừa thơm nức mũi hàng xóm. Khi nào cúng giỗ xong, bà cũng mang một đĩa xôi nóng hổi “cho cô bác sĩ” nhưng các em cô bác sĩ hoan nghênh nhiều hơn. Sau khi bén mùi xôi nước dừa của bà, chúng tôi cũng tập tễnh nấu xôi vò cho nước cốt dừa vào, xôi vón cục thành xôi xéo làm Má tôi thất kinh. Gia đình này sống khá khép kín, chẳng qua lại với bao nhiêu người nhưng không ai lấy thế làm điều.  

Tôi còn nhớ gia đình bà Ba ở xéo bên tay trái. Bà này là cái loa của xóm. Trong xóm có bất cứ chuyện gì thì bà luôn là người biết đầu tiên và không tiếc công chia xẻ cho những thần dân còn lại. Con trai bà làm việc trong sở thú. Thỉnh thoảng nhà bà có bữa tiệc nhậu, anh con nâng ly rượu đế hò “dô dô” nhịp nhàng, bạn bè của anh hưởng ứng hết mình nên kết thúc tiệc nhậu thường hay kèm theo màn ẩu đả hoặc chửi nhau ầm xóm lúc nửa đêm. Lúc chén chú chén anh được nâng lên thì khi ấy chúng tôi tự hiểu rằng có con cọp hay con sư tử nào đó hôm ấy bị nhịn đói, hy sinh bữa ăn của mình cho cái bàn nhậu này. Bà Ba bán lặt vặt trong xóm, khi thì bà đổ bánh khọt vàng lườm điểm mấy cọng hành màu xanh,  khi thì bà nấu bánh canh. Gặp tôi ngoài cửa, bà hay mời chào đon đả. Bánh canh của bà lỏng toẹt, lèo tèo một hai con tôm, dăm miếng thịt heo,  không đáng xách dép cho bà bánh canh ở chợ Chiều Dalat nhưng nể tình hàng xóm, tôi cũng hay mua cho bà. Bà còn tự phong cho mình nhiệm vụ canh cửa cho nhà tôi. Mỗi khi có khách  tới gọi cửa mà chúng tôi không có nhà, khi về chúng tôi đều được bà đến tận nơi thông báo đầy đủ tin tức, đàn ông, đàn bà, tuổi tác, đi xe đạp hay xe honda, đến lúc mấy giờ, gọi cửa mấy tiếng, vân vân.  
Kế nhà bà Ba là là nhà chị Huệ. Trong cái xóm nhỏ này gia đình đi ngoại quốc đầu tiên là chị với đứa con ba bốn tuổi của chị. Chị đi Pháp theo diện bảo lãnh, tôi không nhớ ai đứng bảo lãnh chị, chỉ nhớ lúc đó tôi ganh tị với chị gần chết. Dạo ấy đi vượt biên thì cứ thầm lặng mà bốc hơi biến mất, nhưng được đi chính thức thì chộn rộn lắm, làng trên xóm dưới đều biết, người được đi mặt mày phởn phơ, hí hửng ra vẻ ta đây quan trọng. Ngày chị ra phi trường, cả xóm đổ ra đi tiễn chị. Chị không đi xe xích lô mà mướn hẳn một cái xe hơi chờ chị đầu ngõ. Xe rồ máy chạy đi để lại làn bụi bốc lên và cái xóm nhỏ với đầy đủ hỉ nộ ái ố, thèm muốn trộn lẫn tị hèm. Không biết người đi như thế nào chứ người ở thì phải mất một khoảng thời gian mới qua được nỗi niềm ganh ăn tức ở với chị.

Tôi không nhớ mặt mũi người hàng xóm bên tay trái của chúng tôi. Thường thì tôi đi học về là rút chặt trong nhà, chỉ ló đầu ra khi có khách, và nếu có phải xếp hàng mua dầu lửa thì đã có bà Ba đi mua hộ rồi. Họp tổ dân phố chúng tôi đẩy bà chị đi vì là chủ nhà, vệ sinh trong xóm chúng tôi góp tiền thay vì góp công thế nên dân cư trong xóm tôi không quen biết nhiều. Hình như nhà này có con bé tên Hà thì phải, mặt mũi chẳng bao giờ sạch sẽ, tóc dài buộc túm cháy nắng vàng hoe và nó chuyên bám cửa lưới nhà tôi, đôi mắt đen thui láo liên tứ phía, riêng bố mẹ nó thì cãi nhau như cơm bữa. Thỉnh thoảng hai vợ chồng đánh nhau tha hồ cho con nít trong xóm túm năm tụm ba vòng trong vòng ngoài đứng xem, còn người lớn thì chép miệng “Khổ quá mà!”
Nhưng nhân vật tôi nhớ nhất trong xóm này là những đứa trẻ, trong đó có thằng Trung. Buổi tối nó trải chiếu ngủ ngay trước cửa nhà chúng tôi. Saigon có những hôm chợt đổ lạnh thì y như rằng đêm đó cơn suyễn của nó nổi lên và coi như tôi mất ngủ vì tiếng thở khò khè, rít lên từng hồi như bị ai bóp cổ của nó. Thao thức với điệu nhạc “kéo đờn cò” của nó đến gần sáng thì cả nó cả tôi đều mệt lả ngủ thiếp đi. Đến nỗi sau này khi sinh con, chồng tôi bảo đặt tên cho con là Trung, tôi phải gạt phắt đi. Tôi không ghét nó, nhưng tiếng thở nghèn nghẹt thiếu không khí  của nó ám ảnh tôi mãi. Những đứa trẻ khác tôi không nhớ tên nhưng tôi nhớ những khuôn mặt đen nhẻm, lấm lem của chúng và giọng nói đều đều “Cô bán thuốc đau bụng, cô. Cô bán thuốc đau bụng, cô”.  Hôm vợ chồng anh tôi ở Bỉ về, chúng bám đầy trên khung cửa lưới như những con thằn lằn, mắt hau háu nhìn vào nhà chúng tôi qua bức màn mỏng, chỉ trỏ, bình luận ỏm tỏi lên đến nỗi chị tôi phải ra “dẹp loạn” bảo có gì mà phải xem. Tôi nhớ trận World Cup năm 1984 thì phải, cả xóm lèo tèo vài chiếc tivi, nhà tôi có một cái 17 inches, bé tí kê ở phòng khách, xoay mặt về vách tường. Thế là đám con nít năn nỉ chị tôi xoay mặt cái tivi hướng ra cửa cho chúng xem ké. Cộng thêm dăm ông thanh niên bám lưới đứng xem trận bóng qua khung cửa sổ hoa văn rối mắt, chẳng biết có nhìn thấy được gì không nhưng cũng hò hét ầm ĩ, cũng cổ vũ bình luận ầm ầm cả một góc xóm.

Trong xóm còn có một nhân vật khá bí hiểm khác là một bà cô già nhà ở ngay ngã ba của xóm. Một hôm chị tôi đi  đi khám bệnh cho bà, về bảo, ở Saigon mà phòng bà ấy trải thảm trắng toát! Thảm trải đối với tôi dạo ấy là thứ gì xa xỉ lắm, thường thì chúng tôi đi chân đất trên nền gạch hoa cho mát mẻ. Ngay cả ở Dalat trời lạnh cũng có mấy nhà có thảm trải suốt cả phòng? Tôi ít khi gặp bà, nhưng chỉ nhớ bà có dáng dấp của một mệnh phụ sa cơ lạc vào trong cái xóm đủ mọi thành phần, đủ mọi tôn giáo này. Bà có một người làm chuyên môn đi chợ cơm nước cho bà vì thế bà càng ở tịt trong nhà, ít khi xuất hiện ngoài cửa ngõ. Và vì thế bà càng trở nên bí ẩn hơn với tôi.

Bà chị bác sĩ của tôi đương nhiên thành bác sĩ của cả xóm. Sau khi chẩn bệnh lần đầu tiên, biết mình mắc bệnh gì rồi thì sau đó bệnh nhân tự động đến gõ cửa nhà chúng tôi mua thuốc. Dạo ấy tôi rất rành thuốc Prednisol, trụ sinh các loại, thuốc đau bụng, nhức đầu, ói mửa. Thi thoảng bác sĩ chính hiệu không có nhà, tôi tự đứng ra khám bệnh qua khung cửa lưới, hỏi bệnh nhân y như chị tôi rồi quyết định ra toa bán thuốc chữa chạy rất thành thạo! May mà không có ai lăn ra chết vì sự nghiệp “bác sĩ” của tôi. Cũng có thể hồi đó thuốc tây giả đầy dẫy trên thị trường, không chừng tôi bán những viên bột mì trộn chứ không phải thuốc chữa bệnh đàng hoàng tử tế, dân tình có uống quá liều hoặc uống lầm thuốc cũng chẳng đến nỗi mất mạng.
Tôi không gắn bó với cái xóm này bằng ngôi nhà số 7 và con đường Yagut đầy ổ gà. Quãng thời gian tôi sống ở đây tôi không còn là một đứa con nít nữa. Các trò rong chơi đầu đường cuối ngõ không còn là của tôi mà thay vào đó ngày hai buổi tôi đạp xe đến trường rồi về nhà. Về tới nơi thì cất xe vào cái hành lang có hàng rào lưới trước cửa nhà rồi nhảy bổ vào phòng tắm. Cả cái nhà tôi thích nhất khu bếp với mái trần cao khoảng 10 thước và cái buồng tắm vòi sen lát gạch men sạch sẽ. Căn gác lửng là chỗ ngủ buổi tối của đám chị em. Có một cái giường nệm đàng hoàng nhưng chúng tôi  buông mùng nằm chiếu, nhường cái giường cho bộ xương của chị tôi. Nằm giường nệm ở Saigon êm lưng nhưng nóng hầm hầm. Nằm chiếu rêm người cho nên khi về Dalat, trở lại cái giường nệm, chăn mùng ấm êm, thời tiết mát lạnh, tôi cảm thấy như mình được lên thiên đường và tự hỏi tại sao mình phải về Saigon làm cái quái gì.

Dạo ấy chúng tôi phải đi học đi làm một tuần sáu ngày, chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Buổi sáng để dành dọn dẹp nhà cửa, buổi trưa kéo màn, đóng cửa sổ làm một giấc. Đang nằm như cá mòi trên sàn gạch bông mà có khách đến thì chẳng ai muốn nhấc mình đứng lên. Kẻ có khách đến thăm thì lắc đầu  khua tay lia lịa, ra dấu tớ đây không có nhà rồi im ắng bò lùi dần vào trong bếp, thoát lên gác. Chị em còn lại đành đứng lên mở hé cửa, thò đầu ra thông báo “Hương không có nhà, em có nhắn gì không?” Khi khách ra về, người được khách đến thăm bò xuống nhà lại và chen vào cái đám cá mòi làm tiếp giấc ngủ trưa. Giấc ngủ thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng người gọi cửa mua thuốc đau đầu, đau bụng. Hôm nào lười, chúng tôi gọi với ra “Hết thuốc rồi dì ơi, tối quay lại nghe!” Thông báo ẩu tả như thế mà lương tâm chúng tôi chẳng cắn rứt gì mấy. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình ác và vô tình, người ta có bị bệnh mới gọi đến mình chứ. Dù sao chăng nữa đang nằm lơ mơ dưới cái quạt trần xoay tít mà nghe tiếng xích lô thắng gấp trước cửa nhà, rồi giọng của Má hay Ba gọi vào thì không ai bảo ai, chúng tôi nhảy bổ ra liền.
Dalat xuống mang cho chúng tôi những củ cà rốt đỏ au tươi tắn, su su vườn nhà xanh bóng, khoai tây xếp lớp trong giỏ. Thi thoảng được một bọc chôm chôm, mấy trái na mua dọc đường làm quà. Ngày hôm sau món súp khoai tây được dọn ra, rồi đậu ve trộn với khoai tây, trứng dọn ra, rau xà lách trộn thịt bò cà chua được dọn ra. Bạn bè đến chơi bảo dân Dalat có khác, được ăn khoai tây ngon nhất Việt Nam, ăn rau xà lách ngon nhất Việt Nam. Tôi không hề tự hào vì vườn rau Dalat cho lắm mà yêu mến Dalat vì chính tuổi thơ của tôi nhiều hơn.

Đến năm 1988, gia đình tôi lục đục nhổ rễ ra khỏi Việt Nam. Hai bà chị tôi đi trước, tôi ở lại đi sau được Má giao trọng trách bán căn nhà trong hẻm. Tôi không hiểu tại sao Má lại tin tưởng giao cho tôi làm công việc quan trọng này. Đồ đạc trong nhà một phần đem bán, một phần đem cho. Riêng cái tủ sách dày công gây dựng thì được tặng cho bạn tôi, những cuốn sách một thời nâng niu đành giao về tay bạn, chọn mặt gởi vàng hay như một gởi gấm an toàn cho người ra đi đỡ cảm thấy vướng mắc. Ngày cuối cùng trong căn nhà đã được dọn trống hoác này, tôi ở trên gác cân đo những chỉ vàng, ký giấy bán nhà, thành thạo và ra vẻ lắm. Được Má khen cho một câu nức mũi “Con này buôn bán cũng khôn lanh ra phết” vì tôi dứt khoát không nhận năm chỉ vàng xấu và từ chối giao giấy tờ nhà cho đến khi nào năm chỉ vàng dưới dạng năm cái nhẫn được giao nốt cho tôi, mặc cho người mua năn nỉ ỉ ôi gãy lưỡi. Cầm đống nhẫn  vàng tôi đưa cho Má và chia tay với ngôi nhà trong xóm nhỏ, buông mình đi phiêu lưu giang hồ đến tận bây giờ. Riêng sự nghiệp buôn bán nhà cửa của tôi đến đó cũng chấm dứt luôn.

Như chị tôi đã nói, chúng tôi chẳng có một cái hình nào của ngôi nhà này cả. Chẳng phải vì chúng tôi không yêu thích nó, chẳng phải vì nó không bằng ngôi nhà số 7, nó là công lao mồ hôi nước mắt của Ba Má tôi đổ vào, chúng tôi biết điều đó chứ. Nó cũng đã từng chứa những tiếng cười không dứt của chúng tôi, những đêm cúp điện đàn hát dưới ánh đèn dầu, những buổi hội họp bè bạn ngồi xếp bằng dưới đất ăn uống rôm rả, những trận đá banh World Cup bạn bè ngồi chật chia hai phe hò la đánh cá. Tôi nhớ dạo ấy tôi ủng hộ đội Pháp nhưng vì tình bạn bè tôi phải đi theo đội Liên Xô với bạn và rồi thua đứt đuôi, mất toi một chầu bún chả giò. Rồi những ngày đoàn tụ, rồi những ngày chia tay, những ngày tự do không Ba không Má kiểm soát nhưng bà chị quyền huynh thế phụ, vẫn không dám đi ngang về tắt. Biết bao nhiêu ngày tháng vui có buồn có với ngôi nhà hai tầng trong ngõ hẻm chật chội này?

Có lẽ đứng trong cái xóm lao động đầy người, dây điện vắt ngang vắt dọc, mái nhà tôn lô xô nhấp nhô, giơ máy hình lên chụp trông chẳng giống ai nên chúng tôi đã không làm. Và cũng có thể nếu muốn chụp được toàn bộ ngôi nhà, chúng tôi phải xin leo lên căn gác nhỏ của nhà đối diện mới thấy được hết nên cũng chẳng cố sức làm gì. Vì thế hình ảnh ngôi nhà với con hẻm nhỏ đã chẳng đi theo chúng tôi qua xứ sở mới. Có chăng là những hình
ảnh chập chờn trong ký ức.

Xóm nhỏ lúc này ra sao, chẳng ai cho tôi biết, người trong xóm ra sao, tôi mù tịt. Tôi cũng tự biết chẳng ai nhớ đến mình cũng như mình cũng chẳng còn nhớ bao nhiêu người trong cái xóm đó nữa. Tệ hại hơn, hẻm số mấy, nhà số mấy tôi cũng quên tuốt luốt. Tôi có lên Google Map tìm lại con hẻm này nhưng tuyệt vọng, chẳng nhận ra nó nằm ở cái chỗ nào nữa. Thoáng chút bùi ngùi vì gặp lại những tên đường xưa: Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám, Tô Hiến Thành, Hòa Hưng…nhưng không nhận ra lối vào hẻm, không nhìn thấy quán mì góc đường Hòa Hưng, chẳng thấy tiệm phở bên kia đường. Không tìm lại được gì cả.

Nếu có về lại Việt Nam, tôi sẽ tìm cách đi qua ngôi nhà hai tầng bề ngang 4 thước bề dài 8 thước có giàn hoa giấy trên ban công, có hàng rào lưới trước hiên nhà chật hẹp, lu nước nuôi cá để bên một góc chỉ để xem với năm tháng, nó như thế nào. Riêng tôi thì đã thay đổi nhiều lắm rồi, thì chẳng cớ gì mà xóm nhỏ ngày xưa không thay đổi, ngôi nhà đã đổi chủ không thay đổi.
Đã bao năm trôi qua rồi còn gì.
Ngã Sáu Saigon

Lan Hương (Fort Worth, 07/29/2015)
P.S. Hình chỉ có tính chất minh họa. Không tìm được hình ảnh con hẻm ngày xưa....

3 comments:

  1. cả một trời kỷ niệm , những vui buồn ngày ấy ....bây giờ nhắc lại mới chợt nhớ ra ! lần về VN mấy năm trước tớ có quay lại tìm con hẻm này nhưng chịu chết không tìm ra được nữa , nhà cửa đông đúc xây cất thêm nhiều , và con hẻm xưa nay ở đâu ??? cả một quang đời mà như đột nhiên biến mất như vậy ! lạ kỳ thay !

    ReplyDelete
  2. Mai có nhớ con hẻm số mấy, nhà số mấy không?

    ReplyDelete
  3. hình như là 381//31 đường Cách mạng tháng 8 , quận 10 . Số nhà đâu đó như vậy , cũng không chắc chắn lắm đâu !
    Nhất là cái / phía sau !

    ReplyDelete