Pages

Tuesday, September 8, 2015

Vượt cạn (Hương Quỳ)


Nhìn đứa con gái đang vác một cái bụng to quá khổ chờ ngày sanh nở, Tôi cũng thấy xót trong bụng, nhưng biết làm gì hơn ngoài lời động viên con cố thêm một thời gian không còn lâu nữa. 

Nhớ lại năm ngoái, tôi vừa hể hả vui chơi xong một trận đấu tennis với bạn bè, xong về chạy vù vù thêm vài chục cây số nữa trong gian hàng, chưa kịp ngồi thưởng thức ly cà phê cho tỉnh táo, thì nó gọi điện thoại cho tôi, báo tin cái thai không đậu. Câu nó nói ám ảnh tôi đến tận bây giờ, nên mỗi lần nó gọi điện cho tôi vào những giờ giấc bất thường, tôi lại lặng ngắt đi vì sợ : 

"Mẹ ơi , con của Tố Chi bị chết rồi !"

Cái thai chưa thành hình, nhưng với nó, đã là  giọt máu mủ, nên nó đã khóc nức nở lúc rời phòng khám phụ khoa. Và chỉ có một mình trong lúc khó khăn nhất, vì nó không chờ đợi tin dữ. Người đến an ủi nó, là những cặp vợ chồng trong phòng chờ. Tôi ân hận vô bờ bến vì đã không ở cạnh nó lúc đó, nhưng Tố Chi vốn như vậy, can đảm chống chọi mọi cái một mình, ngay từ khi nó còn bé, và lấy chồng, vẫn hiên ngang đứng ở thế tự lập của mình. 

 Không dám nhắc nhở hỏi thăm nó những tháng kế tiếp, nhưng cũng thấy vừa mừng vừa lo, khi nó báo  tin vui sẽ sinh đôi. Tôi hồi hộp suốt những tháng nó bụng mang dạ chửa, ngăn bớt những ý thích phiêu lưu chu du thiên hạ của nó, để tránh chuyện xảy thai có thể xảy ra như đã từng xảy ra cho bao nhiêu người khác. Tháng chót của cuộc hành trình vượt cạn, nó ì ạch quá sức với hai em bé gái trong bụng, mỗi em đã được 2k500, hơn cả mẹ nó lúc ra đời, và hơn cả Cô Tố An của nó khi sinh thiếu tháng, chỉ nhỉnh hơn một chai bia 33 . Nó bị xáo trộn hormone, nổi mề đay khắp mình mẩy, ngứa, nhưng không dám gãi, vì da bụng đã căng đến mức không còn chỗ để căng nữa. Gặp lúc trời mùa hè ở đây bỗng đổ nóng, thấy nó khổ sở đến mất ngủ, mới  thấm thía tại sao có những người không muốn sinh con, để tránh  phải chịu đựng những vất vả ngay từ tháng đầu tiên.

Bữa ăn tối với gia đình trước lúc đi sanh, nó muốn ở nhà một mình, chắc không muốn để mọi người thấy ái ngại. Tôi không cản, vì tôi hiểu, có những lúc , chỉ còn mình một mình chống chỏi. Buối sáng hôm sau, tôi gọi điện một lần buổi sáng, nghe xôn xao trong phòng nó ở bệnh viện, tôi biết đã đến lúc. Nhưng mãi đến chiều tối, chả có tin tức gì, gọi điện thoại, không ai nhấc máy, tôi chỉ còn biết chờ, và linh cảm thấy có gì đây. Nó gọi tôi rất khuya, báo tin sanh con từ buổi trưa, nhưng một tiếng đồng hồ sau khi sanh, hai em bé bắt đầu thở ì ạch, y tá vội vàng để vào phòng chăm sóc đặc biệt  cho thở oxygene và theo dõi các loại. Lại một câu nói khác của nó khiến tôi se lòng :

"Tố Chi mới ở cạnh tụi nó có một tiếng đồng hồ, thì bây giờ tụi nó lại bị lấy đi mất rồi! "

Nhà thương nó chọn để sanh ở không xa hàng của tôi, để tiện bề tiếp tế ăn uống và thăm viếng, và có lẽ, để được ở gần tôi như một chỗ bám víu, thì bây giờ, hai em bé lại phải chuyển đến một nhà thương khác ở phía bên kia của thành phố để có đủ phương tiện chăm sóc. Mỗi em bé oặt nằm trong một xe ambulance rộng rinh ra đi, bố các em lái xe rượt theo, mất hút trong dòng xe cộ ngược xuôi giờ tan sở. Tố Chi nằm lại một mình, mệt nhoài sau cuộc vượt cạn, nhưng lại đang chuẩn bị để được chở đến nhà thương kia gặp lại hai đứa con của mình.

Bắt đầu những ngày hết sức căng thẳng trong nhà thương, nơi không thể lúc nào cũng được thăm viếng, không được bồng bế, vì mỗi em nằm êm ấm trong một couveuse. 

Bố của chúng dẫn mọi người thay phiên nhau đi thăm, bụng không vui lắm vì bé Mai vẫn phải dùng máy thở, nằm một mình một phòng để được yên tĩnh nghỉ ngơi. Nó bảo :

"Lúc này mình chỉ có thể nhìn ngắm được bé Loan, còn bé Mai đang phải tự chiến đấu một mình để sinh tồn."

Hóa ra bố chúng nó còn yêu bóng vía hơn bất cứ ai, thất kinh vì các máy móc vây quanh cùng dây nhợ quấn khắp chân tay đứa con bé bỏng của mình. Suốt ngày nó đứng nhìn những con số trên các màn ảnh, và lo lắng khi con bé vừa khóc ré lên, là lượng oxygene tiếp tế đã tuột xuống ầm ầm. Tôi an ủi, rằng chúng sinh ra không thiếu tháng, không quá nhỏ, sẽ qua đi thôi, vì Tố An của tôi đã từng phải nằm trong couveuse cả ba tháng trời, và cho đến giờ tiếng kêu của máy móc theo dõi nhịp thở vẫn còn ám ảnh tôi mỗi lúc  ngồi trên máy bay, nghe lại cùng một tiếng động báo chuyện cài hay mở dây thắt lưng an toàn. Và tôi nói chắc như đinh đóng cột, rằng, các máy móc này làm tôi hết sức yên tâm, vì chứng tó các em đang được theo dõi sát nút. Ngờ đâu câu nói đó lại giúp bố các em qua khỏi cơn căng thẳng thần kinh.

Tôi, kẻ rất thích chĩa ống kính máy hình đi săn ảnh, lại không tự chụp một tấm hình nào cho hai cháu của mình trong những ngày tháng này, vì tôi muốn dành quyền đó cho bố mẹ của chúng.

Hình của bé Loan được gửi cho mọi người trong gia đình trước, yên ấm trong một cái áo cánh của mẹ quấn quanh người để ... quen hơi mẹ!  Bé Mai phải đợi đến vài ngày sau, khi bố nó hân hoan báo tin bé dần dần không cần thường xuyên máy thở, chỉ nhờ có 4 tiếng đồng hồ được bố và mẹ thay nhau ấp ủ  trước ngực theo phương pháp giống kangouru mang con. Mọi người trong nhà thở phào nhẹ nhõm, và đứa em tôi đã tuyên bố , nhìn thấy hình bé Mai, sắc lem lẻm đến vậy , chắc chắn sau này sẽ ăn hiếp bé Loan đây.

10 ngày sau , Tố Chi và hai con lại chuyển trở về nhà thương cũ, tôi có thể đi bộ sau giờ bán hàng để đến thăm, vẫn phải nhìn hai em qua cửa kính. Tôi bảo , không sao, giống như đứng ngắm một cái aquarium khổng lồ, nơi có các bà y tá mặt mày cực kỳ nghiêm túc lượn lờ như những con cá mập, các bố mẹ mặc áo choàng khử trùng lùng thùng, giống hệt mấy con cá thu. Và các em bé, hoặc quấn khăn như mấy con nhộng, hoặc quều quào tay chân như mấy con ốc biển đang cố dãy ra khỏi cái vỏ của mình! Lúc này , cả nhà được ngắm hình đầu tiên chụp hai em nằm cạnh nhau .

Tôi nhớ, ngay từ xa xưa, tôi vẫn rất ngưỡng mộ những cặp sinh đôi. Lúc này , thì chưa thể cả quyết các em giống bố hay mẹ, chỉ biết là chúng nó giống nhau!

Ngày cả nhà được quay trở về nhà , mới thấm hết câu "home sweet home " , không đâu bằng nhà mình. Tôi hui hem nấu giò heo lọc nước cốt nấu ăn cho Tố Chi , và thấy niềm vui của mình, hóa ra chỉ là chăm chút bữa ăn cho vợ chồng tụi nó, gián tiếp cho hai cháu hưởng qua sữa mẹ . Thời gian trôi qua rất nhanh những lúc ngồi giúp cho cháu bú bình hoặc vác lên vai chờ sữa đi xuống, một kỷ lục ngồi yên một chỗ cho cái chân hay đi như tôi. 

Bé Loan hay khóc đêm, bố nó bảo, nó cần phải được vỗ về để an tâm, tôi thì nghĩ ngay, em này thích được bồng. Bé Mai về nhà ngoan ngoãn hơn, lúc nào đến thăm, cũng thấy mặt mày hân hoan trong giấc ngủ. 

Thỉnh thoảng hai em thay phiên nhau gào khóc cả đêm chơi, nên bố mẹ bây giờ biến thành kẻ ngủ ngày  cho thích hợp giờ giấc các con. 

Vậy đấy , tôi nhớ hồi xưa Má hay thích nghe bài "Lòng Mẹ ". Phải chăng vì   các con mải vui chơi, thấy mọi chuyện như đương nhiên phải có, cùng thêm tập quán người Á Châu mình kín đáo , ngượng nghịu khi cần thổ lộ tình cảm thương yêu bố mẹ của mình bằng những lời nói, nên Má hay nghe những lời bài hát, để nhớ lại đoạn trường vượt cạn rất nhiều lần của mình , để nhớ lại hành trình nuôi các con cho nên người. 

Qua đây, chứng kiến những trường hợp bố mẹ dépression vì phải nuôi con, những trường hợp bố mẹ hành hung con vì khóc dạ đề quá đỗi, những đứa con trong những trường hợp extreme bị quăng qua cửa sổ, mới thấy trân trọng nền giáo dục được thừa hưởng từ ông bà tổ tiên  đi qua thế hệ của Ba Má, hy sinh  những niềm vui cá nhân, nuôi con không cần ngày được báo đáp. Cho đến giờ, khi Ba Má đã qua đời, có lúc tôi vẫn còn nổi lên những day dứt , tại sao mình không làm , thế này và thế kia cho Ba Má  lúc sinh thời, đã quá muộn ...

Hai lần vượt cạn của chính tôi cũng có nhiều điều đáng nhớ. Tố Chi sinh ra đời trong những năm khốn khó nhất của đất nước sau cuộc đổi đời, không có  những bộ quần áo đẹp đẽ cho các em bé tràn lan như bây giờ, toàn mẹ và bà tự may lấy. Vậy mà nó vẫn sáng giá nhất phòng hộ sinh thời đó, nhờ một khăn choàng tắm ông anh ở ngoại quốc gửi cho không biết dịp nào. Có điều cái khăn to quá khổ, y tá bồng về phòng trao cho mẹ , nó như một ngôi sao chổi với một cái đuôi khăn dài gần quét đất! Tố Chi sinh ra không lớn con cho lắm, lại cũng hay khóc rỉ rả không lý do, nên cả nhà đề nghị gọi nó là Lệ Chi, và người chị dâu ngoại quốc về thăm Việt Nam lần đầu tiên, chỉ nhớ mãi hai chữ Việt Nam từ cửa miệng mếu máo của nó : " bồng đi , bồng đi ".

Sinh nó ra , tôi không bị đi làm việc, tha hồ nằm ấp ủ con, không như chính nó bây giờ  đang phải dành dụm từng ngày phép để có thể ở thêm được ở nhà ngoài 3 tháng nghỉ chính thức.

Tố An ra đời lúc tôi không còn chờ đón, cùng lúc với cửa hàng ăn vừa mới khai trương . Có lẽ stress của công việc làm ăn khiến tôi không bình tâm, nên tự nhiên mọc thêm bịnh ruột dư trong lúc đang mang thai 7 tháng, phải đi mổ cấp cứu . Bà Bác sĩ phụ khoa thiếu kinh nghiệm thực hành, bỏ qua tai lời nhận xét bệnh tình tôi của bà chị cùng nghề nghiệp, khiến tôi suýt nữa toi mạng nếu không kịp chuyển nhà thương. Giờ chót trước khi bị đánh thuốc mê, lại còn phải ký vào giấy đồng ý hy sinh chính mình để cứu đứa con nếu trong khi mổ cần phải chọn lựa, nghĩ ra, chả phải nghĩa cử anh hùng gì như câu chuyện của Khái Hưng " Anh phải sống ", mà chỉ là vì chả lẽ mang nặng bao nhiêu tháng, rồi lại bỏ qua, nếu  tôi được sống qua sự chọn lựa đó, tôi cũng sẽ ân hận suốt cả cuộc đời. Và rất đơn giản là lúc đó tôi đau quá, đúng là chết chắc sẽ nhẹ nhàng hơn.

Lần sinh nở thứ hai này, tôi đang ở tại một đất nước tân tiến, nhưng bước đầu lập nghiệp chưa có tiền để  để dành, nên Tố An vẫn tiếp tục mặc quần áo cũ do bà chị dâu xoay sở đi mượn, cũng chả gửi được một tấm thiệp báo tin con ra đời, vì nó đang trường kỳ kháng chiến trong couveuse, bố mẹ bận tít mù với cửa hàng ăn, không còn thì giờ đâu nghĩ đến chuyện hoa lá cành. Con em đến thăm tôi trong nhà thương, đổ bịnh ra khi thấy giá cả tiền phòng phải trả, lo chuyện tôi sẽ cầm chắc phá sản vì mắc quá. May sao y tá mách cho có dịch vụ cán sự xã hội trong nhà thương. Tôi xin liền một cái hẹn, trình bày hoàn cảnh của mình, bà cán sự xã hội có dáng hình đầy vẻ sống cho tha nhân trấn an tôi hết sức, và giúp tôi làm thủ tục giấy tờ xin trả góp. Kết quả là những con số bạc triệu cho lần mổ, cho những tháng nuôi Tố An trong lồng kính, cho những ngày điều trị của chính tôi, tôi không hề phải trả, ngoài một số tiền hết sức tượng trưng lại còn được chỉa ra trả dần trong 2 năm! Tôi nghiêng mình cám ơn hệ thống an sinh xã hội tại đây, và đã tự hứa trong suốt cuộc đời kinh doanh của mình, sẽ rất sòng phẳng trong nghĩa vụ công dân, vì biết sẽ còn những người trong hoàn cảnh như tôi , rất cần những sự giúp đỡ.

Bây giờ tôi lên chức bà ngoại, cũng chả còn trẻ trung gì với số tuổi ngoài 60, tôi biết đời tôi đang đi  qua một khúc quanh, một cách gián tiếp . Mối bận tâm của tôi lúc này, là làm sao êm ấm rút về hưu để vui vầy bà cháu , nhưng coi bộ không dễ dàng gì.

Những đêm trường ngồi cho cháu ăn hoặc dỗ dành giấc ngủ, ngắm bình minh đang đẩy dần bóng đêm qua cửa sổ , ngắm trời nắng chói chang mà mình vẫn yên ấm đứng trong nhà bế cháu , mới thấy  sinh hoạt của mình bỗng thay đổi hoàn toàn. 

Ngày tháng vất vả nhất đã qua đi, nhưng chắc còn dài dài vì lúc nào cũng phải có người phụ một tay với Tố Chi. Nhớ đến xưa kia dâng cho Má một lúc ba đứa cháu nhờ Bà trông, mới biết Má cũng phải vất vả đến như thế nào, dù đó cũng là niềm vui khi thấy cháu ăn no chóng lớn, cũng là nỗi âu lo khi cháu bỏ ăn hoặc kêu khóc vô cớ. Nhưng đó cũng là niềm vui vô bờ bến của lẽ tuần hoàn của trời đất , tre già , măng mọc .

Hương Quỳ (Bruxelles , 09/05/2015)

 

  

No comments:

Post a Comment