Pages

Friday, December 16, 2016

Chị em nhà họ Phan



Từ lúc còn nhỏ, Má vốn rất tự hào về ngũ long công chúa. Thật ra thì có hơi ăn gian một tí, vì danh vị này chỉ có được khi năm mống con gái nắm tay nhau trình diện với đời đứa trước đứa sau liền tù tì. Đây thi bị ngắt quãng bởi hai đấng con trai . Nhưng  thôi thì cũng  là năm chị em gái với nhau. 

Chả biết có khác gì với thiên hạ hay không, nhưng khi lớn lên, lần lượt lên xe bông về nhà chồng, hoặc hai mống con trai  rinh thêm hai bà dâu về nộp cho gia đình thêm đông vui, thì hễ dâu rể có dịp gặp nhau, bèn buông ra một câu có nhìn trước nhìn sau để không bị "tai vách mạch rừng " : "Đúng là chị em nhà họ Phan !"

Xấu tốt thế nào đây nhỉ, khen hay có ý tiếc nuối lỡ bước chân vào tròng , chả biết, để tôi phải tường trình rành mạch mỗi lý lịch trích ngang của mỗi nàng Phan trong gia đình tôi để người ngoài khách quan nhận xét.

Bắt đầu bằng bà chị cả. Từ hồi còn nhỏ, đã là đối tượng để chúng tôi tỵ nạnh, vì sinh ra đời trước chúng tôi vài năm, không phải trong hàng loạt cách nhau năm một. Nào là đi học trường tây, nào là ưu tiên thử các đồ chơi cho gia đình đông con, điển hình còn lưu lại trong trí tôi là cái xe đạp con nít ba bánh được bà Bác mua cho, không hiểu sao chỉ có bà chị này cộng với một bà chị họ khác ngang tuổi được quyền tập đi vòng vòng trong sân, con nít khác nhìn thèm nhỏ rãi, có khóc ăn vạ cũng không lay động lòng thương của người lớn, đợi đến lúc hai bà chị chán không thèm chơi mới tới phiên đám lau nhau, thì chỉ ngày bẩy ngày ba đã rã rời ra mấy mảnh, chả là đồ nội địa không bền, chứ đâu phải tại chúng tôi mạnh tay mạnh chân đạp ! Và bộ đồ chơi bằng nhôm đầy đủ nồi xoong đũa chén, hai Bà cất trên nóc tủ rõ cao những lúc không chơi chung. Tôi nhớ căn phòng ngủ của Ba Má với hai cánh cửa sổ nhìn ra hông nhà được sơn màu trắng lọc một ánh sáng vàng xuyên qua, cùng những cánh cửa chớp bằng gỗ được khép lại để ép chúng tôi đi vào giấc ngủ trưa. Dĩ nhiên chả đứa nào ngủ, nằm xì xầm nói chuyện chán chê, bắt đầu ngắm bộ đồ chơi nằm trên cao, và xúi mấy đứa con trai trèo lên lấy xuống, trốn ra  hiên nhà hui hem bếp núc cả buổi chiều mà người lớn ở lầu trên không biết.

Kinh nhất là bà chị này có quyền huynh thế phụ lúc Ba Má bận đi ra hàng buôn bán. Nên những cái cốc nháng lửa của Ba giờ học trưa được thay thế bàng nhũng tiếng rít lên 'Sao mày ngu thế " của bà chị trong giờ khảo bài hoặc  những giờ học Pháp văn.

Nói thế thôi, chứ bà chị như nữ tướng Hai bà Trưng đã từng dẫn đầu một lũ đi phiêu lưu khắp các khu vực quanh nhà. Sân trường Trần bình Trọng   trở nên chật hẹp, bà chị bèn dẫn dắt đi khám phá khu Lê Lai với một cái roi dài bằng cây hoa quì và vài cục đá trong túi mỗi đứa để chống lại lũ chó canh nhà trong các villa lúc nào cũng vắng chủ, sẵn sàng lập công với gác dan bằng cách tông hết sức bình sinh vào các cổng rào, nhe răng ra dọa lũ chúng tôi khi đi qua. May mà trong suốt những lần đi lang thang đó, không có con chó nào bị xổng chuồng. Nhớ quá những biệt thự muôn hình muôn vẻ, hoa lá quanh năm tươi tắn hết sức gần gũi với chúng tôi  với những bí mật ẩn chứa sau những khung cửa đóng kín, bao quanh bới khu rừng thông loại ba lá,  (phải đi đến đảo Corse bên Pháp ,mới tình cờ gặp lại trong một khudi tích đổ nát, thông chìa những cành khẳng khiu xơ xác  bởi khí hậu nắng lạnh bất thường, không xanh tươi quanh năm như ở Dalat ). Đi qua không biết bao nhiêu lần, đến độ cứ ngỡ như thuộc về mình, chỉ cách một hàng rào, trong đầu óc non nớt của chúng tôi thời đó, cũng có lúc mong ước sau này lớn lên sẽ oai phong lẫm liệt đi dạo quanh vườn với con chó hung dữ ve vẩy đuôi đi sau lưng mình.

Những chuyến trốn nhà đi chơi đó bị khám phá bởi lần bà chị dẫn cả lũ ra tuốt thác Cam Ly. Ở đây được tự do lội nước, tha hồ đùa dỡn. Xui sao có ông bán nước é đặt quán hàng gần đó, nhận ra lũ con "nhà Nhật Tân" đang tứ tán theo giòng nước chảy trên đầu thác, te tái trên đường về ghé vào báo cho Ba tôi biết. Tối đó lần lượt sắp hàng nhận vài roi mây vào mông. Phái đoàn con nít còn được dẫn dắt đi khám phá khu rừng quanh Domaine de Marie, nhờ trên đường đi tìm nhà một người bạn tên Nhàn trong lớp của bà chị. Tụi tôi học đi tìm cây trái trong rừng, tìm suốt cả tuổi thơ một cây tùng mọc dại để trồng trước cửa nhà, tìm cây gai hái lá giã ra nhớt nhợt để sản xuất đông sương, thất bại hoàn toàn, sau quay về giã vỏ cây bưởi, cũng chả đến đâu. Chưa bao giờ bắt được những con cá nhỏ phơi mình dưới dòng suối nước trong vắt, đành vớt một mớ nòng nọc về cho lội lăng quăng, đợi lúc chúng mọc đuôi  thì dem trả về nguồn. Tuổi nhỏ của chúng tôi chưa bao giờ gặp được một trái mát mát chín tím, chưa bao giờ hái được một trái sim sậm màu, chỉ an ủi bằng những vốc  trái ngũ sắc  ngọt lừ hoang dã.

Nhớ cả đận bà chị đau răng, phải mổ nằm bệnh viện bác sĩ Soignie, cuối bờ hồ Xuân Hương. Căn phòng nằm trên gần nóc nhà, nhìn ra thấy hết cả một mặt hồ trải rộng mờ sương buổi sáng, hoặc trong vắt bóng cây phản chiếu lúc trời trong.

Bà chị đi học mặc đồ đầm suốt thời tiểu học lẫn trung học, áo dài có lẽ chỉ tròng vào người khi lên đến đại học.

Trường y khoa ở Saigon nên bà chị phải đến ở trọ nhà một người quen. Sau đó vào đại học xá Trần quí Cáp, nơi tôi cũng có nhiều kỷ niệm khi đến phiên tôi đi học xa nhà, ghé vào thăm nhìn bà chị đang biểu diễn giặt mùng mền trong một cái chậu nhỏ xíu, hoặc chị em chia xẻ nhau một bữa cơm cư xá  ngày nghỉ cuối tuần.

Tri ân bà chị năm đầu tôi xuống học trường sinh lý sinh hóa. Xe bus rời Saigon lúc 6h giờ sáng để chở chúng tôi ra trường học ở Thủ Đức, bà chị không dám thả con em đi xe lam lúc 5 giờ, đi xuyên qua khu chợ Bến Thành còn ngái ngủ, đã tình nguyện đến chở tôi đi lúc sáng sớm cả mấy tháng trường. 

Xa nhà không có Ba Má ở bên cạnh, nhưng chúng tôi vẫn hết sức ngoan ngoãn trong các nhà nội trú, không nổi loạn hoặc học đòi rượu chè, cùng bạn bè chơi đùa thâu đêm như những đứa trẻ trong gia đình sau này, chắc vì nhờ đôi mắt của bà chị cũng vẫn lom lom củ soát chúng tôi.

Thời cách mạng đổi đời, bà chị theo phong trào chung đi vượt biên, vài lần đến điểm hẹn không thành, lần chót leo được lên tàu thì chưa ra hết cửa sông, tàu công an rượt theo xả súng bắn, dìu tất tật hành khách vào trại giam ở Mỹ Tho. Báo hại vợ chồng người chị cùng cha khác mẹ ở cùng thành phố có nhà tù,  xanh mặt vì lý lịch cách mạng của mình có cơ lâm nguy. Và lũ em ngồi trên những chuyến xe lam chạy trên con đường đất đỏ thẳng tắp, dài như vô tận đến tìm chị thăm nuôi, cũng yên tâm vì bà chị xem ra cũng không bị kham khổ lắm, còn được xem ciné " Soleil Rouge " và nhắn gửi đàn guitar vào để còn kíp kíp tập văn nghệ cho tết sắp đến. May mà thời hạn tù tội không bị kéo dài, nhờ người em kế xoay sở đút tiền kéo ra chỉ vài ngày trước tết.

Bà chị vẫn được tiếp tục hành nghề bác sĩ. Lương lậu chả bao nhiêu, nhưng nuôi được mấy đứa em xa nhà nhờ tiền bán thuốc vặt cho dân trong xóm. Sau giờ làm việc, chị còn mải đi vui chơi, lũ em ở nhà có lúc còn phải cho bệnh nhân vô nhà nằm ngả lưng chờ bác sĩ về khám bịnh, hoặc thay chị chẩn bịnh cho hàng xóm. 

Hàng xóm thì gọi bâng quơ: 

"Cô ơi em đau bụng quá hà "

Bác sĩ giả trong nhà nằm quạt thảnh thơi trên chiếu dõng dạc: 

"Đau bụng kiểu gì ?"

Và sau đó mở thùng thuốc ra chiêu cho bệnh nhân vài viên, hể hả cả đôi bên.

Bà chị không lập gia đình, thấy cũng không phiền hà gì lắm, chả thấy ca ri rỉ bài "Đời ta sinh ra đã cô đơn ", cứ bình tâm an hưởng cuộc đời bên đại gia đình may mắn cùng nhau bỏ nước ra đi  xây dựng cuộc đời mới ở Bỉ, sau đó tách ra hai đứa theo chồng qua Mỹ.

Bà chị này là người có số bạn ảo nhiều nhất trong nhà, tính đến vài trăm, suốt ngày thấy chuẩn bị chương trình đi họp bạn toàn thế giới. Cuối năm chả nhận được tấm thiệp chúc tết nào, vì thiên hạ gửi tất bằng mail, bấm một phát, hàng trăm người nhận được, chứ ngồi gò mình viết, chắc gẫy cả tay.

Bà chị cả đời không biết đến hoạt động thể thao, giỏi lắm là đi xe đạp, mới đây, sau khi té vài cú chỏng gọng, cũng đã chồn chân. Chỉ còn đi bộ, lại đi không đúng kiểu, đường dài cứ tha thẩn như thế, chừng nào cho tới. Nên chóng cả mặt với những đứa em quanh mình hùng hục leo núi, quật vợt tennis chí chết hằng ngày, đạp xe đạp cả hàng trăm cây số, bơi như cá heo dưới nước, trong khi sự nghiệp của bà chị đến giờ vẫn là bám rõ chặt một cái phao để tự cứu mạng mình !

Vậy mà lập những chương trình đi nghỉ hè chung, vẫn là bà chị vạch ra những hướng đi, những thành phố cần đến thăm, những con đường hiking dài hun hút cho lũ em. Bây giờ thì bà chị biết sức mình, soạn tiếp một chương trình khác bên cạnh cho đôi chân không còn muốn leo trèo  cộng thêm trái tim muốn nổi loạn, leo lên mấy bậc thang trong nhà đã muốn hụt hơi nữa là. 

 

Qua đến con em kế, tuổi thơ của nó chỉ còn nhớ suốt ngày đòi đi theo anh chị đến trường, ngang nhiên vào học ké trong lớp của ông anh được vài buổi, vì con nít đi học hết, thiếu người chơi.

Nhớ cả lần nó đi học, quên cả cartable trên trường. Đến giờ khảo bài, Ba hỏi vở đâu, nó tỉnh bơ trả lời, quên mang về, thế là lãnh vài roi. 

Nhớ cả lần cả lũ chơi ngoài sân thấy con em bị quăng qua cửa sổ vì học dốt quá. 

Nhớ cả năm Mậu Thân 1968, lần đầu tiên thấy mùi chiến tranh ở Dalat, cả lũ bị nhốt hết trong nhà, súng đạn và máy bay trực thăng ầm ầm chung quanh. Con nít bắt đầu buồn chân buồn cẳng, buồn cả miệng, bắt đầu đi lục lọi khắp nơi, khám phá ra cả một bao tải hạt dưa của Má dưới gầm cầu thang, thế là bắt đầu rút dần ra ăn tí tách. Con em sót của cho Má tìm kim chỉ khâu lại bị lũ con nít cạch ra không thèm chơi vì tội ... giữ của. 

Nó là đứa gần gũi với tôi nhất thuở mới lớn, chia xẻ với nhau những lần đi ăn kem chiều chủ nhật, tâm sự vắn dài về bạn bè các loại, kể cả những chuyện tình cảm vụn vặt như hoa lá điểm tô cho thuở thanh xuân.

Cũng phải nói là nhờ nó, tôi mới qua được những đêm dài thức học thi cho hai bận tú tài, bà chị ngủ gà gật, bị nó gọi dậy không thương tiếc, vì hai giường kê song song với nhau. Lần về Việt Nam 2004, tôi bồi hồi tìm thấy lại những vết ố trên tường trước đầu giường nằm  của tôi, nơi tôi vẫn vắt tấm khăn ướt đắp lên mặt cho tỉnh lúc học thi, màu sơn mới quét không xóa đi được hết, dù từ dạo ấy, đã bao nhiêu năm tháng trôi qua.

Mỗi lần có dịp xuống Saigon sau giải phóng, tôi vẫn tìm đến sở của nó để hai đứa đi shopping chung, cứ như không có nó, tôi không quyết định được cái cần phải mua.

Chả biết bắt đầu từ lúc nào, bỗng dưng nó trở thành một đứa thể thao ghê gớm, chạy bộ, có thể chạy đến đích cả marathon, hơn 42km ở tuổi ngoài 45, đi xe đạp, thì  hơn mấy trăm cây số đi về như chơi  đến gẫy cả xương lòng bàn tay cũng không hay, bơi thì không biết bao nhiêu vòng hồ bơi, cộng thêm màn lặn dưới nước. Cả nhà cứ nói, con này chỉ thiếu mỗi tiết mục đi nhảy dù là đủ bộ.

Nó cũng có một cá tính khá đặc biệt, chắc tại do công việc làm quen ở vị trí lãnh đạo. Nên nó che mờ hết mọi khả năng xoay sở của mọi người chung quanh. Hễ đi đâu với nó, chả cần xem xét gì, cứ tăm tắp đi theo chương trình đã được vạch ra đến từng chi tiết. Nó có biệt tài đẩy mọi người vượt qua mức mà thiên hạ nghĩ sẽ không làm được, dù trong lúc đi cùng nó, thiên hạ rên xiết vì chật vật quá sức. Nhưng lúc làm được rồi, mới thấy sung sướng gấp bao nhiêu lần.

Một đứa em khác, thuở nhỏ bị gọi là "Hương đen", chả biết tại sao. Trời Dalat cuối năm se lạnh, da con nít nứt nẻ, Má tẩm mặt nó bằng một lớp vaseline bóng lưỡng. Con bé ngồi ngoan ngoãn trên bậc thềm trước hiên nhà sưởi nắng nhìn anh chị chơi đùa.

Nó vẫn ngoan như thế cả thời còn bé, không làm phiền ai, không kêu khóc như ri, có lỡ té ngã, chỉ biết ngồi xoa vết bầm, giữ lời hứa với các đấng anh chị phải trông nó không đi mách Má anh chị ham chơi để nó lãnh một cục u trên trán. 

Nó vẫn giữ nguyên một cá tính như thế, nhu mì, lặng lẽ lướt đi trong cuộc đời của mình không một lời thở than, không một lần nổi loạn. 

Kỷ niệm nhớ đời của tôi với nó, là lần tôi chở nó đi bằng xe đạp vào Chợ Rẫy để mổ mụn lẹo trên mắt của tôi. Trước đó còn ghé vào thăm một ngôi nhà tính mua. Tự dưng thấy căn nhà u ám không có sinh khí, quyết định là sẽ nói bà chị đừng đến thăm. Một xe xích lô máy chở nặng lạc tay lái tông thẳng vào xe tôi. Kết quả là nó gẫy chân và tôi thì trật mắt cá. Nó nằm nhà thương cả mấy tháng, mất luôn năm học và lãnh một cái sẹo để đời ở chân.

Nhớ mãi thời ra vô thăm viếng nó ở bệnh viện Chợ Rẫy. Sau giải phóng, tình trạng bệnh xá rất ghê gớm. May có bà chị làm việc ở đây nên nó cũng được ở trong những phòng ưu đãi hơn những người khác. 

Lần nó từ giã theo chồng qua Mỹ, cả nhà bồng bế nhau ra phi trường Zaventem tiễn đứa em ít tiếng nói nhất nhà đi xa thêm lần nữa. Con gái tôi nằm úp ba ba khóc hết mấy ngày vì nhớ bà Cô dắt díu đến trường mỗi sáng  khi Ba Mẹ đã đi vắng từ lúc tinh mơ, nó không cho vứt đồ đạc sơ sài thuở lập nghiệp  của bà Cô để lại, kể cả một cây đa trồng cảnh trong nhà vẫn được tôi chăm sóc cho đến giờ. Sau đó gom góp được ít xu qua tận nơi thăm nó ở căn làng Kokomo heo hút, chứng kiến cảnh vợ chồng nó náo loạn lục lọi cả nhà để tìm đồ mở rượu ăn mừng ngày họp mặt mà không ra, đành khui rượu dã chiến, nhưng cảm động đến dường nào. 

Đứa út ra đời lúc anh chị đã nối gót nhau đi xa gần hết, nên nó được nuông chiều nhất, được nhiều quà cáp nhất mỗi độ chúng tôi quay trở về nhà ăn tết. Một con bé rất hiếu động, không bao giờ ở yên, nên suốt ngày té những cú như trời giáng, anh chị coi không xuể. Má bán hàng ban đêm về, ngửi thấy mùi dầu cù là và khám phá ra một cục u đỏ hỏn, không trên trán thì cũng ở tay chân, ngán ngẩm rên lên té kiểu này thì lớn sao được. 

Mỗi lần chờ xe bus đến chở nó đi học, là mỗi lần hồi hộp, vì nó ham vui không chịu đến trường, ứ thèm lên xe, lại một màn đánh vật áp tải nó ra đến hàng của Ba trình diện thì mới xong chuyện. 

Nó hơi có nam tính, không thêu thùa vá may gì hết, chỉ say mê đá banh với mấy đứa cháu trai, mùa hè còn được các cháu mời xuống Saigon để đá banh tiếp, cứ như đội tuyển quốc gia đi tranh giải ! Và có khiếu về cơ khí, cờ lê mỏ lết để sửa đồ vặt vãnh trong nhà, vẫn có lúc phải vời tới nó. 

Nó học tiếp những năm trung học và đại học dưới chế độ mới, cách xa hẳn với chúng tôi về kiến thức tổng quát , về trình độ sinh ngữ, nên không ai nói ra cũng thấy hơi lo không biết nó có theo học nổi nghành học bên Bỉ  không. Chỉ cần một năm, tiếng Pháp từ mức độ căn bản của nó đã tiến rất xa, và nó đậu được bằng cao đẳng hóa học, bây giờ tiếng tây nói như gió, quên cả tiếng Việt để dậy cho con.

Vậy đó, chị em mỗi người một vẻ  gắn bó với nhau khi xa nhà, đến lúc lập gia đình, vẫn vời vợi nghĩ đến nhau những lúc vui buồn. Cuộc sống gia đình riêng của mỗi đúa vẫn còn những khoảng trống, mỗi lần gặp lại nhau, huyên thuyên chuyện vắn chuyện dài không hết. 

Cũng đầy chiến tranh xảy ra, giận nhau không phải là không có, nhưng không bao giờ vì lòng ganh tỵ cuộc sống của mỗi người, mà chỉ là hiềm khích đến từ những đứa con, sinh ra, lớn lên trong xã hội mới, trong môi trường mới, không có cùng một kiểu thời thơ ấu như chúng tôi, nên chúng không hiểu được tại sao không nên ăn thua đủ với người trong nhà. Cuộc sống của chúng dựa trên những chân giá trị khác, chúng nhìn chúng tôi như đồ cổ. 

Cũng tùy đó thôi, lũ con cháu bên này không giữ truyền thống ăn chung tối thứ bảy với đại gia đình, nhưng dấm dúi với nhau tổ chức những bữa brunch giữa tụi nó với nhau, thay phiên cho mỗi nhà, tình thân từ đó nảy sinh ra thôi.

Cá tính mỗi chị em khác biệt hẳn nhau, nổi bật lên tính tự lập bên những người bạn đời, không có chuyện dựa dẫm đức ông chồng, mà góp công góp sức, hì hục đi làm tham gia với xã hội, rồi về nhà chu toàn  chuyện cơm nước nhà cửa  cùng nuôi dậy con cái. Có đi đâu chơi một mục riêng, thì cũng lo đâu đó chu đáo rồi mới tung mình đi. Vậy thì dâu với rể kêu lên " đúng là chị em họ Phan " thì khen hay chê đây. Chị em tôi thì thấy mình chu toàn bổn phận, không chịu để ai lên nước với mình, trừ con em nhu mì còn chịu ách bên nhà chồng suốt ngày chĩa mũi dùi, bởi sinh hoạt không giống nhau, phải thỏa thuận nước đôi nếu ông chồng khéo xử. Xem ra cứ như nước sắp vỡ bờ, nên nó chúi  mũi núp sau ống kính đi tìm góc cạnh độc đáo của thiên nhiên, như tôi lăn xả theo những quả bóng tennis, như con em đi bộ cho rạc cả chân ra, như muốn quên đi một điều gì. 

Chị em sẽ hiểu, giữa tụi mình có lời hứa thiêng liêng không cam kết, nhưng nằm đó mãi, là cất lên một tiếng hú, sẽ có lời đáp lại, không khi nào sẽ là một hòn đã quăng đi vô vọng vào biển khơi.....

Hương Quỳ

(Bruxelles, 12/14/16)





No comments:

Post a Comment