Pages

Thursday, December 22, 2016

Fort Smith


Đã lâu lắm tôi không về lại Fort Smith. Có dễ đến hơn ba năm rồi, nếu không kể mùa thu năm 2014 tôi xẹt ngang qua thị trấn chớp nhoáng trong năm phút trên đường đi camping ở White Rock gần đó. Những mùa Giáng Sinh, năm này sang năm khác, tôi vẫn đều đặn đi theo nhà chồng, hoặc ở Texas hoặc ở Arkansas, đây kia tùy hỉ các bà cô chị em chồng. Nhưng ba năm đổ lại, tôi mải mê với các chuyến đi ski ở Utah, ở Idaho, một chuyến về Bỉ dự đám cưới nên lần cuối cùng về lại Fort Smith đã qua rất lâu. Riêng lần này cả nhà tôi sẽ khăn gói về “quê chồng” vì ngày Giáng Sinh vào đúng ngay weekend và tôi thì hết sạch cả tiền lẫn ngày phép cho nên chuyện tuôn mình trên các trườn núi phủ đầy tuyết đành gác lại. Nhà chồng nhờ thế thở phào buông lời hiệu triệu mọi người về Fort Smith để mở quà.

Lần đầu tiên đến thị trấn này, tôi ngỡ ngàng với những hàng cây rụng sạch lá, trơ cành khẳng khiu dưới bầu trời xám xịt, ảm đạm, lạnh lẽo nhưng tuyệt nhiên không có tuyết. Trong đầu tôi còn đầy ăm ắp hình ảnh Grand Place, Đại lộ Anspach của Bruxelles rực rỡ các sắc màu nên tôi chưng hửng nhìn hai dây đèn lơ phơ buông từ chân thánh giá trên nóc giáo đường xà đến tầm cửa ra vào của nhà thờ chính tọa lạc ngay lối vào thành phố. Dọc chuyến xuyên bang từ Indiana đến Arkansas, khoảng 12 tiếng lái không ngừng nghỉ, tôi khá lạ lùng với cảnh nhà nhà giăng đèn đón mừng Giáng Sinh. Tiết mục này bên Bỉ không có, bên Việt Nam lại càng không có luôn. Đèn ngọn xanh ngọn đỏ lấp lánh trên mái nhà, trên hàng rào, viền quanh cửa sổ, quấn quanh gốc cây…Thỉnh thoảng tôi bắt gặp những ngôi nhà nhỏ trơ trọi giữa cánh đồng mùa đông mang màu xám xỉn khô cằn, nứt nẻ và buồn tê tái, nhưng vẫn lấp lánh. Chắc hẳn có những đứa trẻ trong nhà đang rộn ràng mong chờ ngày lễ đến. Mọi đứa trẻ dù ở bất kỳ nơi đâu, chốn nào đều có những mong mỏi rất giống nhau một cách kỳ lạ. Những ngôi nhà đìu hiu này làm tôi nhớ đến những mái nhà tranh trên con đường Dalat Saigon, đi qua khoảng Di Linh, Đức Trọng. Dạo ấy xe chạy chậm rì rì đủ cho tôi nhìn thấy những đôi mắt đờ đẫn dõi theo chuyến xe liên tỉnh, dõi theo những khuôn mặt hành khách mệt nhừ tử vì đường đi hoài không đến. Những chuyến xe đi qua để lại một màn bụi dầy đặc và nỗi niềm mong muốn được làm lữ khách đi ra khỏi đời thường.

Fort Smith là một thị trấn nhỏ, nằm sát ngay biên giới Arkansas với Oklahoma. Thị trấn rất mộ đạo, hết 90% là con chiên của Chúa nên chuyện uống rượu, bài bạc bị cấm tiệt. Khốn nỗi Oklahoma là tiểu bang Da Đỏ nên các sòng bài mọc ra như nấm. Từ dạo Oklahoma mở sòng bài Choctaw sát cạnh Fort Smith, khối con chiên phải đi xưng tội thường xuyên. Của đáng tội, nếu không biết đánh bài thì họ chẳng còn biết làm gì để giải trí, ngoài chuyện đi câu cá ngoài đập 13. Tôi buồn tình lên Google tìm các loại park đủ kiểu quanh Fort Smith để dẫn chó đi chơi thì đúng là mò kim đáy biển. Fort Smith năm phía dưới khu bảo tồn quốc gia nổi tiếng Ozak đồi núi chập chùng, rừng trải rộng bạt ngàn, nhưng cách thị trấn khoảng 20 dặm, rặng núi chấm dứt đột ngột để lại mấy ngọn đồi trọc thấp lè tè. Vì thế Fort Smith chịu thiệt thòi, trở nên tầm thường, xấu xí, chẳng dính líu tí gì đến cái vườn bảo tồn quốc gia nổi tiếng kia. Thật ra chịu khó lái xe vượt Fort Smith theo đủ bốn hướng khoảng một tiếng thì có khối chỗ để đi để nhìn. Về phía bắc là Ozak, về phía Nam là Ouchita, vượt qua biên giới đến Oklahoma sẽ gặp vùng hồ Eaufala nước mênh mông. Thế nhưng tôi đành thúc thủ với cái park khỉ gió Ben Geren đi chẳng được bao nhiêu đã gặp nhà cửa chen chúc lẫn lộn với đường xe chạy vù vù. Bảo sao thiên hạ không đi vào sòng bài Cherokee hay Choctaw cho quên mối sầu thiên thu của một thị trấn bé tí lái xe dăm phút đã thấy đồng không mông quạnh. Cách Fort Smith khoảng 60 dặm về phía Tây là hồ Ten Killers nước trong văn vắt. Hè năm nào về chơi, tôi hô hào mọi người ra đây đi picnic. Hậu quả đến cuối buổi em chồng tôi bị muỗi đốt dăm phát sau thành ghẻ, chị chồng tôi bị lá cây han làm cho ngứa ran, mọc rôm mọc xảy từ đầu đến chân. Nghe nói bà ấy cuối cùng phải đi bác sĩ chích một phát steroid mới hết. Ngoại trừ đám con nít chơi nước thỏa thuê không biết mệt, người lớn, không tính đến tôi, ngồi trên bờ chịu trận với đủ mọi thứ bất tiện nhất. Sau chuyến picnic này mọi người dè chừng tôi mỗi lần tôi về thăm, nói bóng nói gió trước với chồng tôi rằng họ không thích đi ra hồ, đi ra sông ra suối gì cả. Tôi cũng im re, để họ yên thân với cái mát lạnh của máy lạnh trong nhà và chương trình Thúy Nga Paris By Night cuốn số (…).

Đó là tôi nói người Việt mình ở Fort Smith. Như đã kể, một trong những thú vui của họ là đập 13. Mang con số xui xẻo nên năm nào cũng có kẻ hoặc tự dưng ngã nhào từ trên cửa đập xuống hoặc bị lật thuyền làm mồi cho Hà Bá. Dân Việt Nam rỉ tai nhau đập có ma da, mỗi năm phải cúng cho ổng một mạng rồi ổng mới để cho yên, nói xong mắt ngang mắt dọc không biết đến phiên ai làm vật tế thần tiếp theo. Đến mùa câu, dân Việt đội nón lá đứng xếp hàng dọc theo cửa đập, buông những cái cần câu dài thòng thò ra đến gần giữa mặt hồ! Câu mãi không có cá đâm ra cắn cảu, chửi thề dòn tan như súng liên thanh nghe rổn rảng quen tai ngỡ mình đang ở xóm Khánh Hội năm xưa. Luật câu cá tiểu bang chỉ cho phép bắt hai con. Dân Mỹ đẻ ra đã theo luật lệ nên vác đúng hai con ra xe đi về, chờ đến ngày hôm sau quay lại. Dân Việt khôn lỏi quen luồn lách, câu hai con mang về nhà cất tủ lạnh, chạy ra câu tiếp hai con khác. Hậu quả là tôi ăn cá đập 13 mệt xỉu.

Tôi biết được football không phải là đá banh cũng ở thị trấn này, tôi biết thiên hạ bỏ tiền chung độ các trận football cũng ở đây nốt. Cuối tuần, tờ báo Fort Smith Tribune bán chạy như tôm tươi vì nhà nào cũng mua một tờ. Tổng biên tập nghĩ bụng dân Việt thích đọc báo, có quan tâm đến tình hình chính sự trong nước, ngoài nước, có biết đâu họ mua về vứt toẹt vào thùng rác, chỉ giữ mỗi mục thể thao vỏn vẹn đúng một tờ để tiện bề theo dõi các trận đấu, biết đài tivi nào chơi trận gì để mà cá cược cho đúng cửa. Bây giờ không ai mua báo nữa mà xài smart phone lên Google tìm đủ mọi thông tin, nhanh hơn và không tốn đồng nào. Chính vì máu me cờ bạc ầm ầm cuối tuần, cách đây hơn mười năm, FBI bố ráp tóm cổ nguyên đám Việt Nam đứng chủ xị cá độ. Tin tức được đưa lên đài  CNN cho cả nước Mỹ xem và Fort Smith nổi tiếng được dăm ngày. Sau đó thì phe ta có khôn ra, lần này hoạt động âm thầm hơn, kín kẽ hơn, bốc điện thoại gọi đặt cửa thay vì ra tận nơi rồi chen chúc nhau, cãi nhau váng trời, gây chú ý cho đám cảnh sát.

Cộng đồng Việt Nam ở Fort Smith khá đông vì ở gần đó có trại tị nạn đầu tiên của dân Việt thưở chân ướt chân ráo làm Boat People. Fort Chaffee là cái tên quen thuộc của khối kẻ thoát khỏi Việt Nam sang đến Mỹ khoảng những năm 1978-1983. Ra khỏi trại, thiên hạ đổ về Fort Smith là thành phố lớn thứ nhì của tiểu bang Arkansas. Rồi sinh cơ lập nghiệp, rồi nhận đấy là quê hương thứ hai, rồi chuyện quay về  Việt Nam bỗng chốc xa vời, chuyện đi qua tiểu bang khác cũng xa vời không kém vì họ đã quen với thành phố nhỏ, không cần phải biết lái xe trên xa lộ, đi shopping tiếng Việt gọi nhau ơi ới đầu Mall cuối Mall cũng nghe thấy. Thêm nhà thờ có cha giáo xứ người mình, đi xưng tội không phải bập bẹ, lúng búng nói mãi không thành câu. Cha có hiểu trót lọt lời mình nói thì tội lỗi mới được tha thứ chứ. Thị trấn nhỏ, người Việt đông, đâm ra thành một cộng đồng gần gũi đến độ nhà nào mới thua bạc, nhà nào mới trúng cá độ, cả cộng đồng biết tuốt. Chuyện ngồi lê đôi mách không tránh khỏi nên tôi ở cách xa Fort Smith ít nhất năm tiếng lái xe, cũng vẫn biết chuyện rùng rợn một mộ chôn chung năm mạng, hay chuyện bà chủ nhà hàng bị cướp lột sạch trước cửa nhà, hay chuyện vợ chồng nhà nọ mới đâm đơn ly dị. Cứ thử ngồi với mấy bà cô nhà chồng khoảng một tiếng mà xem. Một con ruồi bay qua cũng được trình báo tỏ tường. Nhà chồng tôi tắp vào Fort Smith vì ông cậu chồng cắm rễ ở đây đã khá lâu, quen nước quen cái nên bảo lãnh cả nhà về đó. Sau này con cái trong nhà mới tạt qua các tiểu bang khác lập nghiệp vì xét cho cùng, ở Fort Smith chẳng có công ty nhà máy nào cần các IT cao cấp cả. Một nhà máy vặt lông gà của hãng Tyson, dân Việt đi làm khá đông vì công việc tuy hơi cực nhưng dễ tìm, một nhà máy làm máy lạnh cần sức mạnh cơ bắp hơn trí tuệ, một nhà máy chế biến thức ăn cho trẻ em mang tên Geber, Việt Nam đi làm ở đó coi như đẳng cấp hơn đám xẻ thịt gà hôi ình bên Tyson. Sau này nghề làm móng tay bùng phát, dân Việt giăng bảng mở tiệm khắp thị trấn, khắp ngóc ngách, như nhền nhện giăng tơ chờ mồi. Đi nhà thờ các bà các cô tha hồ khoe những bộ móng tay lấp lánh cực kỳ mà giá cả phải chăng vì sự cạnh tranh khốc liệt.

Khi tôi bước chân vào nhà chồng, tôi được ưu ái bảo để chị tìm chỗ cho em làm ở Geber, làm bên Tyson vừa cực vừa hôi. Tôi ất giáp chẳng biết gì chỉ dạ cho có nhịp. Đến khi tôi nhận được công việc của EDS tuốt bên Indiana, mối bất hòa của tôi với nhà chồng gia tăng lên mức độ cao hơn vì lòng ganh tị, ngoài cái chuyện tôi không thích shopping mà mê mải với đủ loại đường đi bộ, tôi không thích ngồi nhà karaoke mà chỉ lo tìm đường đi nước bước để chèo canoe. Tôi về nhà chồng, cừu đen ở với bầy cừu trắng. Nếu không vì cái tính ít nói và nhường nhịn chắc đã đổ bể từ lâu lắm rồi. Tiếc rằng chẳng mấy ai biết chuyện tôi nhường mà cứ nghĩ tôi đáo để lắm, gán cho tôi tội ít nói nhưng khiển chồng ra phết. Chuyện chồng nghe lời mình hay không nghe mình thì chỉ có ông ấy biết và tôi biết. Đã bao nhiêu năm tôi ngộ ra một điều, không phải nhà chồng tôi kỳ cục mà chính gia đình tôi đặc biệt.

Những năm sau này mỗi lần về lại Fort Smith dịp Giáng Sinh, trước khi tụ tập ăn uống, cả nhà phải kéo nhau ra ngoài nghĩa trang đọc kinh, dù trời mưa hay nắng, dù trời lạnh hay trời gió to. Không ai đành lòng vào tiệc mà không ghé qua thăm mộ cha mình trước. Bố chồng tôi ra đi để lại di chúc bảo đừng hỏa thiêu, ông nóng lắm cho nên hàng năm chồng tôi vẫn cố về lại Fort Smith một lần để đến thăm mộ ông. Lần nào ra nghĩa trang tôi cũng thấy hai lẵng hoa trạng nguyên giả bằng vải lụa đỏ rực để hai bên, nổi bật trên bia mộ đá hoa cương đen nhánh có in hình ông nhìn chúng tôi chằm chằm. Đọc kinh xong chồng tôi sẽ đốt  nguyên bó nhang phân phát cho con cháu đi cắm các mộ chung quanh, gọi là để thăm hỏi hàng xóm của ông nội, ông ngoại. Lũ trẻ khi còn nhỏ cầm nhang chạy tứ tán, thi xem đứa nào cắm được nhiều hơn. Khi lớn lên chúng hỏi lại “What?” rồi nghi ngờ nhìn “hàng xóm”. Nhân tiện mọi người sẽ ghé cái mộ chôn chung năm người gần đó xem nó rộng cỡ nào.  

Kỳ này tôi về lại Fort Smith mang theo hai chai champagne, một chai Cointreau, một chai Grenadine syrup với mục đích làm cho nhà chồng hoặc say rượu tắt tiếng không nói được hoặc nói huyên thuyên và nói rất to, chen nhau mà nói, vốn là điều họ đang làm. Kiểu nào đối với tôi cũng là “win-win”, chẳng thiệt thòi gì hơn. Nếu họ có vì thế mà nhức đầu ói mửa, đổ cho tôi cái tội phá hoại Noel của họ, cũng vẫn “win-win” như thường, tôi có cớ để lần sau tìm đường đi xa, không về Fort Smith. Các loại cocktail mang tên mỹ miều Mimosa, Sunrise và Sunkiss của tôi sẽ làm cho tôi đỡ chán cảnh quật ra ăn rồi quật ra mở quà. Tôi biết các loại cocktail hương vị cam quýt ngòn ngọt dễ uống này sẽ làm họ chóng say nhưng họ không hề hay biết. Thế thì tôi sẽ mạnh tay hơn trong khoản bỏ thêm grenadine cho ngọt ngào. Tôi sẽ lập quầy bar pha nước cam với champagne, bỏ thêm tí Cointreau, quăng vào đó một muỗng grenadine đầy ắp, điểm thêm một hột cherry đỏ au nổi lều bều làm cảnh, biết chắc “win-win” sẽ thuộc về tôi. Đã bao nhiêu năm mở quà với nhà chồng, tôi vẫn không quen được cái cảnh quà chất cả núi, lấp mất cây Noel, nhiều đến nỗi con nít sau khi mở khoảng năm sáu gói thì đâm ra chán, vừa ngáp vừa dửng dưng với món đồ chơi mới toanh! Thế mà có một năm tôi bị mắng xéo vì tội dám đề nghị chơi bốc thăm, mỗi người chỉ được một gói quà có chất lượng mà thôi. Sau chuyện ngu cực kỳ đó thì tôi tự thề với lòng mình mọi người sao thì tôi vậy, cấm tiệt không mở miệng đưa ra bất kỳ một đề nghị nào. Và tôi để cho ông chồng kiêm luôn khoản mua quà gói quà, tôi chỉ việc chờ sau mùa lễ đi mua giấy hoa lá cành màu mè hạ giá đến 80% chất trong tủ chờ đến mùa Giáng Sinh năm sau tha hồ mà gói.

Tôi không có ác cảm với Fort Smith. Nó chỉ là một thị trấn bình thường bên đàng với đủ mọi hỉ nộ ái ố của nó. Tôi không ghét nhà chồng. Họ là những con người rất người, suy nghĩ quá đơn giản để mà hiểu một kẻ phức tạp như tôi. Họ và tôi đến từ hai thế giới khác hẳn nhau trong lối sống, trong cách nhìn. Chỉ có tôi vì không giống họ mới đâm ra khổ sở mỗi độ Giáng Sinh về. Chỉ có chính bản thân tôi, sau bao nhiêu năm tha phương vẫn không khẳng định được chỗ đứng của mình ở đâu, chốn nào trên trái đất này, đâm ra mỗi mùa Noel đến, nếu không bần thần nhớ cây thông Dalat, thì lại ngoái vọng về cây Noel to đùng ở Grand Place. Chỉ có chính bản thân tôi tự làm cho cuộc đời mình thêm rắc rối. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng….”.

Rồi tôi cũng biết Noel năm nay hay Noel năm sau, mọi chuyện như thế sẽ lập lại, chẳng có gì thay đổi. Muôn đời vẫn vậy. Có khác chăng năm nay tôi có chai Cointreau làm cách mạng. Để rồi xem có đi đến đâu không với cái tình thế “win-win” tôi tự đặt ra cho mình.

Merry Christmas 2016.

Lan Hương

Fort Worth 12/22/16




No comments:

Post a Comment