Pages

Wednesday, November 5, 2014

Căn phòng của Ba Má - by An Chi


(10/23/2014 - by An Chi)
Chuyến máy bay từ Dubai về thả tôi xuống Bruxelles lúc giữa trưa , xách valise qua cửa hàng ăn của cô em đang bắt đầu có khách lác đác bước vào , tôi đặt một tô hủ tíu , món ăn nổi tiếng của nhà hàng này theo một công thức tự sáng tạo ra từ cô em không bao giờ làm bếp trước lúc bước lên xe hoa , cộng thêm món salade của Má tôi , một món khác được khách ưa chuộng  đang nằm trong thực đơn của nó như một hoài niệm về người Mẹ đã khuất 

Sau đó tôi bước lên căn hộ bên trên nhà hàng , nơi trú ngụ của Ba và Má tôi những năm cuối đời 

Nắng đang tràn ngập hết cả căn phòng , cửa sổ cách âm không một tiếng động bên ngoài lọt vào , chỉ có tiếng xô đẩy bàn ghế ở nhà hàng bên dưới là cho tôi nhận thức là còn có sự sống ở đâu đây 

Tôi thắp vài nén nhang lên bàn thờ , nhìn vào tấm hình Ba tôi với đôi mắt nhìn nghiêm khắc , nhìn vào tấm hình Má tôi , với nụ cười như Mona Lisa những tháng cuối cùng của Má , khi tâm hồn Má không còn vướng bận những sân si  trước mắt mà chỉ nhớ lại ngày xưa còn bé của chính mình  . Tôi kéo ghế ngồi đối diện bàn thờ , nhìn hết các hình ảnh đang trưng bày trên đó , nhìn những chậu hoa lan tươi tắn suốt mấy năm nay của người chị cả mang đến hàng tuần , và bỗng dưng trong tôi có tiếng gào cay đắng dội lên : Ông Bà ơi , Các chú Bác ơi , Ba Má ơi , tại sao lại là con ?

Căn bệnh nan y khám phá bất ngờ chỉ vài ngày trước khi tôi qua Dubai ký một hợp đồng gia hạn cho công việc làm  khiến tôi vừa đến được tới nơi , chưa kịp lau hết nấm mốc xanh rì tràn lan trong căn hộ  bị đóng cửa suốt mấy tháng hè ,, thì nhận được cú điện thoại  của bà chị Bác sĩ   yêu cầu quay trở về Bỉ ngay để làm một danh sách dài những xét nghiệm 

Đó là lý do tại sao tôi lại ngồi đây trong một ngày đầu tuần , đang tự hỏi tấm hình của chính mình sẽ nằm chỗ nào trên bàn thờ chung  của đại gia đình  khi tôi  không còn nữa 

Ranh giới của chết và sống , không  xa nhau lắm , chỉ cần một cái quay đầu nhìn các vách tường tràn ngập hình ảnh của căn phòng này .Vách tường đầu tiên là bàn thờ gia tộc, Tôi đang đối diện với quá khứ , những tấm hình xếp lớp  trước mắt , mở cả một dĩ vãng trong tôi

Này là bác Nội , người chị cả của Má tôi , tấm khăn nhung quấn đầu điển hình cho phụ nữ phương Bắc. Bác làm tôi nhớ đến những bữa cơm của đại gia đình do Bác cáng đáng , tính toán chắt chiu như cho gia đình của chính mình , và lũ con nít chúng tôi hồi đó nhắc mãi món chả cá của Bác còn sót lại những khúc xương nhỏ vô tình vướng trong cổ họng một bà chị họ . Không có người lớn bên cạnh , lũ con nít chúng tôi phải tìm cách xoay sở cứu bà chị đang khóc váng lên vì sợ hơn là đau . Sau cùng chúng tôi tìm ra một phù phép là lôi thằng em ngày sinh ra đời với tràng hoa quấn cổ , đến vuốt cổ bà chị , lẩm bẩm khấn vái gì đó không biết , nhưng mảnh xương trôi đi thật khiến cả lũ nể nang hẳn thằng em . Sau này , mỗi lần hục hặc cãi nhau , thằng em lại đe dọa :

"Ác với Ông thế , nếu có mắc xương, đừng có gọi Ông nhá ! "

Ôi ngày xưa còn bé ...

Đây là ông cụ Gerard , người Pháp chồng người bác thứ hai của tôi . Tôi như nghe lại rất rõ tiếng đàn violon ông Cụ chơi trên căn lầu của riêng mình , sao mà buồn da diết  trong tai lũ trẻ chưa biết gì về âm nhạc cổ điển , là hứng cho tôi  sau này dámdịch bài thơ " mùa thu chết " của một tác giả danh tiếng người Pháp :

" Vĩ cầm lả lướt tự xa xăm

"Thoảng đến bến Ta ... thoáng lạnh căm 

" Nhạc khúc mùa thu chừng nghe thoảng 

" Miên man da diết thoáng cung trầm ... "

(Tôi phải cám ơn người thầy đầu tiên khi tôi bước lên bậc thang trung học , học vỡ lòng với cách làm thơ bát cú , đã hết sức hành diện vì bài thơ non nớt đầu tay tả về hoa mai  của mình được Cô đọc cho cả lớp nghe, khiên tôi sau này có lúc  võ vẽ làm thơ và  dịch thơ . Cô Ấu Lăng  . Giờ Cô cũng vừa ra người thiên cổ , mà tôi vài lần quay trở lại quê nhà , chả có dịp hội ngộ cùng Cô)

Ông cụ người Pháp là một cái bóng thấp thoáng ,  chúng tôi chỉ nhớ đến sự hiện diện của Cụ mỗi lần đến phiên mình được gọi lên cho kẹo bánh , hoặc những lần tết tây ở nhà với mớ bánh kẹo cho con nít và champagne cho người lớn

Nhớ đến ông cụ là nhớ đến giỏ rác ở góc cầu thang lên lầu lúc nào cũng thơm mùi vỏ táo mới gọt , và hàng lô những chai thuốc tiêm pénicilline đã dùng , cả một kho tàng cho chúng tôi để chứa đựng những lọ màu tự pha chế ra từ bài học cơ bản về hoạt họa ở trường : hình tam giác với ba màu xanh dương , đỏ và vàng , cứ thế mà thêm thắt vào.

Chúng tôi vui đùa vô tư bên cạnh người bác ngoại quốc đang chờ cái chết đến gần ở trên lầu mà không một lần nghĩ đến những vất vả người nhà phải chịu , cũng không thấy buồn lắm ngày cụ mất đi , chỉ nhớ mãi cái nghĩa trang của Tây ở sau nhà thờ con gà Dalat mỗi lần theo bà Bác đến viếng thăm . Một nghĩa trang đầy ấn tượng với những trang trí theo kiểu âu châu , những cành hoa hồng leo trùm kín bia mộ đã bị bỏ hoang từ lâu , những bức tượng thiên thần ủ dột , những bàn tay bằng xi măng bấu víu mép  ngôi mộ như một sự níu kéo , và những câu hết sức đe dọa theo suy nghĩ của chúng tôi : "hãy cầu nguyện cho chúng tôi , vì rày chúng tôi , mai các người ... " Một nơi duy nhất đầy những cành hoa glailleul dại  sắc màu cam hoang dại , và những bụi hoa violette tràn ngập khắp lối đi 

Và đây là bà Bác mất khi vừa tròn 50 tuổi , một bà Bác điệu đàng theo đúng kiểu dân sống ở Hà Nội , xa cách với lũ trẻ chúng tôi  vì còn bận rộn kinh doanh buôn bán lớn . Đêm Bác bất ngờ qua đời , chúng tôi giật mình thức giấc vì tiếng la hét của người Anh họ vừa mất mẹ , và thức luôn cùng mọi người cho đến sáng , dù sáng hôm sau đó , là ngày nhập học . Lũ con nít được lệnh không đi đến trường mà phải ngồi yên trên tấm phản lớn được kéo ra trước hiên nhà để lấy phòng khách làm phòng tang viếng . Tôi còn nhớ rất rõ làn mưa phùn ngày hôm ấy , cả lũ lõ mắt nhìn lũ bạn bè xúng xính trong bộ quần áo mới đến trường , dừng lại bên rặng dâm bụt bên hông nhà , cũng biết thì thào hỏi thăm sao ngồi ở nhà thế và lại còn lên tiếng tỵ nạnh vì chúng tôi đã được nghỉ ngay từ ngày đầu niên học mới 

Dĩ nhiên những đôi chân quen chạy nhảy của chúng tôi không thể ngồi lâu được . Chỉ một lúc khuất bóng người lớn chung quanh , là tấm phản biến thành con thuyền giữa đại dương mênh mông  , nơi đây ma da sẵn sàng kéo chân đứa nào thò  xuống nước , đầyđủ các trò chơi , chỉ có cái không được hét to lên khi té xuống biển khơi tưởng tượng 

Me lại là một người Bác khác , Me không có con , nên tất cả lũ chúng tôi là con của Me , đó là lý do của cách gọi này . Me không được học hành đến nơi đến chốn , nhưng lại là một người hết sức sắc sảo , thông minh và đầu óc tiến bộ . Me đã dám làm cách mạng lập gia đình với một người ngoại quốc để lôi hết anh chị em ra khỏi lũy tre làng đến Hà Nội , sau đó đưa cả nhà di cư vào Nam , đợt đầu tiên trước nạn đói 1945 và đợt cuối cùng khi đât nước chia đôi năm 1954. Nhờ cuộc hôn nhân của Me , tương lai của cả đại gia đình tôi đã thay đổi . Nhờ Me , cả nhà được ở trong villa đẹp đẽ ở con đường Yagut , nhờ Me , Ba Má tôi có điều kiện xây lên căn nhà cho chính gia đình mình trên cùng một con đường . Me sắp đặt tính toán cho từng tiểu gia đình . Me như mặt trời ở giữa , và các chị em là các hành tinh khác trên quĩ đạo bay quanh 

Me dạy cho chúng tôi bài học về sự đoàn kết , về sự chia xẻ buồn vui , về sự tự tin về những quyết định của mình , và biết đi lên từ những thất bại không tránh được 

Người bác cả đời trau chuốt chú ý đến hình thức bên ngoài đã bỏ chúng tôi ra đi vào năm tháng khốn khó nhất của đất nước sau ngày giải phóng , không có thể làm một đám tang như ý chúng tôi muốn , như ý Me muốn , chỉ còn giữ được lời hứa đắp hình hài Me bẳng mảnh gấm vàng còn giữ lại chưa bán đi  để giải quyết những bữa ăn , chỉ còn đi vét những đóa hoa sót lại trong  khu vườn của những biệt thự bỏ hoang tại khu Lê Lai làm  vòng hoa tang cho Me . Đường đưa tiễn Me đến nơi an nghỉ cuối cùng năm ấy cũng như những năm khác , đầy màu hoa quì vàng rực rỡ tháng cuối năm 

Một ông Bác khác , vợ mất sớm , con trai duy nhất trong quân ngũ , đã ở cùng trong gia điình tôi . Bác điển hình cho một người công chức mẫu mực . Tất cả theo giờ giấc , tất cả theo một nếp, cả thói quen mua vé số hàng tuần . Bà chị họ khéo tay đã thu nhặt hết , kết thành một màn sáo cửa mà bác vẫn chưa thành triệu phú . Nhờ Bác , lũ chúng tôi được đến thăm nơi Bác làm việc : Nha địa dư quốc gia . Cả lũ há hốc miệng nhìn bản đồ chi chít khắp các bức tường , nhưng ấn tượng còn ghi lại trong tôi , lại chỉ là tiếng máy in ầm ĩ , và cả đống bi sắt lớn bé các cỡ khiến tôi chỉ muốn hốt một mớ đem về chơi . Tin tức mới đây  từ VN cho biết Nha địa dư vừa bị cháy trong tháng vừa qua , tai nạn hay cố ý , tôi chả biết , chỉ hay rằng sau đây từ đó sẽ mọc lên một khách sạn bốn năm sao gì đó , lại thêm một cớ đẩy tôi rời xa ngày quay trở về quê hương

Căn phòng Bác ở rất ngăn nắp , vả cứ như cả một kho tàng . Lũ con nít chúng tôi đã từng đi vào mượn tạm cái đèn pin đi bắt dế ban đêm  và tìm kiếm kẹo ho có mùi bạc hà để xơi . Bác biết hết , nhưng không nói , chỉ lảng lặng thay pin khi đèn yếu đi , và mua hộp kẹo khác để thế vào

Hình ảnh cuối cùng của Bác trong tôi , là cảnh Bác  gẫy gập thân hình mảnh khảnh của mình để nhóm bếp than bằng than đá , ngày chúng tôi đến thăm Bác ở Saigon , người con trai đi học tập , người con dâu tảo tần buôn bán và dậy học nuôi lũ con nhỏ , chuyện gia đình chả có gì vui để kể ,nên chúng tôi đã không ở lâu và từ chối bữa cơm mời 

Điều cuối cùng chúng tôi làm được cho Bác , là dời hài cốt Bác từ một mảnh đất đìu hiu ở Thủ Đức về ở cạnh Bác gái tại Dalat , người con dâu giờ sống ở Mỹ làm mình làm mẩy về quyết định này . Nhưng chí ít là chút gì còn sót lại trong những tâm hồn được nuôi nấng bằng tuổi thơ ngọt ngào và tình cảm của chúng tôi , Những thành công trong đời , chả khi nào đổi được những giây phút   quay được về quá khứ tiếp nối một lời hứa  vô giá như thế này 

Trong lúc chờ tàn nhang , tôi lại quay sang một bức tường khác  với tranh ảnh cả nhà . Cứ như nghe trongkhông gian tràn ngập tiếng cười nói 

Những bức hình lần đầu đoàn tụ , những lần tố chức Noel và tết ta , những sinh nhật , những đứa cháu mới sinh ra nộp thêm trong đại gia đình . Toàn những nụ cười toe toét , mặt mũi hớn hở . Những năm tháng cực khổ tìm một chỗ đứng trong xã hội mới đã qua đi từ lâu . Giờ thì đâu cũng vào đấy , đợt cháu bé nhất cũng  đã bước lên trung học , những đứa nghành nghề khác nhau cũng đã đến đích , đã thành nhân. Tôi thấy trong mình một niềm hãnh diện , vì Tôi đã đóng vai trò như Me hồi xưa , tạo một cơ hội cho cả nhà qua được đến đây , giúp đỡ tất cả những bước đầu , từ việc đầu tư cho học hành ,tìm nhà ở , và ngay cả lần mò với đứa em gái muốn mở hàng ăn đi tìm địa điểm , đi đấu giá , đi mua dụng cụ mở tiệm , tôi chả biết gì , nó lại càng chả biết gì , đến độ ngày nó khai trương , tôi đâm lo khi nhìn thấy thực đơn của nó , tự hỏi nó có biết làm thật sự hay không . Sau thấy nó cai quản cửa hàng nó thoải mái và không sợ hãi , cứ y như nó đang chơi trò bán hàng ngày xưa còn bé , không cần học khóa quản lý , tất cả là linh cảm , cái feeling của nó dẫn dắt đến thành công ; không phải là không vất vả , nhưng nó đã thành công , và tôi thở phào 

Giờ tôi hiểu , khi Ba Má nhốt mình trong căn phòng này , không hẳn chỉ là những giờ phút trống vắng , Ba Má chỉ cần nhìn vào một tấm hình , như tôi đang làm đây , là một rương kỷ niệm được mở ra , và Ba Má sẽ khóc cười theo nó 

Những ngày tháng cuối đời , Ba Má bỗng dưng nhớ lại rất nhiều căn nhà số 7 Yagut , căn nhà do Ba Má xây dưng nên . Nó vẫn còn đó , nhờ người chị cùng cha khác mẹ của tôi đứng tên , Ba Má cũng đã có dịp quay về , tôi cũng có dịp quay về ở lại trong đó . Nhưng Ba Má chắc cũng như tôi , không còn cảm giác là của mình , chắc vì cách trang trí kệch cỡm và giường chiếu tràn lan cho những đợt khách đến ở , và những căn phòng vẫn ngang nhiên khóa cửa như chứng tỏ cho biết quyền hành nằm trong tay người chủ mới . Tấm hinh Françoise Hardy , thần tượng của tôi , vẫn còn trên tường , nhưng sao lạc lõng quá với khung cảnh chung quanh 

Ngày về Việt Nam cho chuyến công tác chót của thằng em , nó chụp lại hình căn nhà đó , lên sửa sang với chương trình của máy tính , để trả lại cho Ba Má tôi căn nhà đúng trong trí tưởng tượng của Ông Bà , với giàn hoa giấy đang nở hoa đỏ thắm , hai cây trái hồng che khuất nửa mặt tiền , và rặng hoa vervenne sang cả buông lơi trên vách đá con đường dẫn lên cổng nhà , chen thêm rặng hoa chuông  trắng xóa dưới đường , Ba Má tôi cầm theo hình ảnh đó về bên kia thế giới , chả hề thắc mắc sao hoa lá bốn mùa lại nở rộ hết cùng một lúc trong tấm hình của thằng em tôi đưa cho

Vách tường còn lại , là hình hồ Xuân Hương một buối sáng mù sương , như vẫn là như thế trong trí nhớ của chúng tôi , không có những chiếc xe đạp nước hình thiên nga và nhà thủy tạ màu tím như bây giờ , sân cù mờ ảo không có hàng rào ngăn cách như đang là sân golf tư nhân , để chúng tôi đến và đi như xưa , khi đuổi theo một đêm trăng tròn , đi tìm màu cỏ nâu khai mùi nước đái mọi , hoặc chỉ là đi theo  tia nắng xiên của một buổi chiều tà nào đó

Bên cạnh , là tấm hình lớn bằng gỗ ghép hình đàn chim tung cánh , 7 con , tượng trưng cho số con của Ba Má , như một thiên mệnh tình cờ đoán trước số phận tung cánh giang hồ của chúng tôi ,  cho đến giờ , vẫn còn những đứa ở rát xa  với điểm hội tụ nhau là căn phòng này 

Tôi ăn hết những thức ăn được cô em đưa lên , lắng nghe tiếng động duy nhất là tiếng xô lệch bàn ghế dưới nhà , bước đến gần cửa sổ , giòng xe cộ di động không ngừng như một khúc phim câm qua tấm kính cách âm , dòng đời vẫn trôi lững lờ đó chứ , sao Tôi bị kết án phải dừng lại  và đếm từng ngày qua 

 Tôi  đặt mình xuống tấm divan này , nhắm mắt lại , lúc đầu thấy những vòng đỏ và xanh , sau đó là tiếng gió rì rào , một tiếng hát xa xa , kết thúc là những âm thanh i i i , tôi đi vào giấc ngủ , tự an ủi mình , giấc ngủ ngàn thu của mình chắc cũng chỉ thế này thôi , lịm đi trong tiếng ru êm ái của vô ngàn hoài niệm , hài lòng với quá khứ , chấp nhận hiện tại , buông trôi .....
                                                                         
                 

1 comment:

  1. Bài này của Quỳ, mang về blog này giống như là để giữ giùm Quỳ vậy

    ReplyDelete