Pages

Thursday, February 5, 2015

Chuyện hậu Charlie (Hương Quỳ)


Tuần lễ sôi động vì biến cố tàn sát tòa soạn báo Charlie Hebdo bên Pháp đã qua đi, nhưng dư âm còn lại vẫn như một dãy hỏa diệm sơn đang sôi ùng ục, chưa tìm được lối thoát ra. 

Tuần lễ nằm trong phong trào " Je suis Charlie " cho tôi một tâm trạng như hồi 11 tháng 9 năm nào ở New York, với hai tòa nhà sụp cái rầm trực tiếp trên màn hình tivi, thấy đau như biến cố đó có ảnh hưởng đến mình, thấy buồn như hình ảnh những người đi tìm thân nhân bỗng dưng biến mất khỏi đời họ sau câu chào đơn giản trước lúc đi làm. 

Tuần lễ ấy, ra đường đối diện với những người cùng dân tộc với kẻ nhân danh này và nọ để giết người, bỗng dưng chân có khựng lại, và có ý muốn tránh xa. Mọi tia mắt đảo đi tứ phía, không còn dám nhìn thẳng vào mắt nhau. 

Tuần lễ ấy, khu phố tôi ở, đầy dân quốc tịch Pháp, nhưng cũng đầy dân ngoại quốc, chả thấy ai dám dán trước cửa nhà mình hoặc trên xe giòng chữ "Je suis Charlie ". Tôi trong gian hàng của mình, cũng không mang chuyện đó ra để làm câu chuyện đưa đẩy với khách  trong lúc chờ thức ăn làm xong, vì tôi nghĩ, mình cũng đang có bề ngoài của một người đến sinh sống ở xứ sở không phải của mình, từ "chine tock " vừa biến mất trong trường học của lũ trẻ chưa lâu, và dân bản xứ vẫn còn ráng ngẩng cao đầu một cách kiêu hãnh trước làn sóng kinh tế của Tàu như sunami đang nhấn chìm hết kinh tế đặc trưng của từng nước Âu Châu, thì cũng chả vì lý do gì tôi lại đi phê phán một nhóm ngoại nhân khác. 

Tuần lễ ấy, cũng suýt nổ ra thánh chiến trong nhà, khi tôi nhận xét đạo Phật không lên tiếng hoặc tham gia vào phong trào " Je suis Charlie ", thằng con rể phán ngay một câu, cũng là một đạo khoác cho mình tấm áo đạo đức giả, điển hình là những gì đã và đang xảy ra ở Birmanie. Tôi phang ngay, đạo ấy không kêu gào nổ ra một cuộc đấu tranh để dành phần thắng và lẽ phải về mình trên toàn thế giới, Phật tại tâm, Phật không phải là một người không ai dám báng bổ, Phật không buộc mọi người phải ràng buộc các loại thánh lễ để chứng tỏ lòng tin và sự thỏa thuận đi theo ... Cuộc tranh luận ngưng lại ở đó, mỗi người đứng ở phía của mình, với suy nghĩ tin chắc mình đang có lý.

Nhưng tôi vẫn tự hỏi tại sao lúc nào họ cũng muốn tỏ vẻ ma lanh hơn người khác. Khi có gì lộn xộn trong lúc lái xe ngoài đường, xếp hàng chốn công cộng ... cũng chỉ là những khuôn mặt ấy. Hễ đụng vào, là lôi chuyện phân biệt chủng tộc hoặc luật lệ các loại trong tôn giáo của họ ra. Bao nhiêu cuộc tranh luận đã xảy ra vì tấm khăn voile, vì không tham dự sinh hoạt thể thao trong trường khi nam nữ lẫn lộn, vì tranh cãi ở nhà thương  nơi đàn bà dứt khoát phải là y sĩ đàn bà mới được phép đụng chạm vào.

Năm trước, Bỉ làm một tháng kỷ niệm 50 năm di dân của người Maroc đến đây. Tôi nghe các cuộc tranh luận trên đài phát thanh mỗi sáng đi làm, lúc nào cũng là họ bị áp bức, bị đè đầu, bị gây khó khăn khi đi xin việc làm, bị cách ly.Ý kiến đến từ hai phía, khen ít chê nhiều. Nhưng vì đang ở trong một đất nước dân chủ, có những điều không thể thốt được ra bằng lời vì sẽ bị chụp ngay một số mũ. Như chuyên một người chuyên phân tích thời tiết trên một kênh truyền hình. Lần kia đi làm về, bị một xe chạy ẩu qua mặt, người lái xe còn bước xuống gây sự, sau nhận ra khuôn mặt đối tượng thường thay xuât hiện trên tivi, lại tương thêm vài lời chửi nặng nề hơn, trong khi lỗi của mình đang rành rành ra đó. Ông này tức quá  gào lên "Đây đâu phải bên xứ Mày đâu mà không biết tôn trọng luật lệ gì ráo trọi vậy ? ". Vậy là lu loa ầm ĩ lên. Để tránh cơ hội biểu tình chống kỳ thị chủng tộc, sở cho ông này nghỉ việc tại chỗ, lý do là đứng trước  màn hình hàng ngày, phải biết giữ mồm miệng cho đúng vị trí trung lập !

Nên chuyện Charlie là một cơ hội để mọi người tỏ thái độ của mình ; cầm biểu ngữ, không bạo động, không hô hào, nhưng ai cũng biết đằng sau đó là muốn nói lên điều gì, hay mọi người tự suy diễn sự im lặng đó theo ý mình để hả dạ hay ấm ức tiếp. 

Ấm ức vẫn còn đấy, hy sinh cho cuộc thánh chiến vẫn còn đấy, bằng chứng là chỉ sau một tuần của biến cố " Charlie ", bên Bỉ cũng mò ra được đường dây  khủng bố và cho về dưới hết hai em. Nhưng những bước chân nhện bắt đầu quều quào ra khắp nơi. Không,  những loài sinh vật tránh lộ diện đang chui rúc vào tận các hang cùng ngõ hẻm, để đe dọa, để kêu gọi lên đường như chinh phu khoác áo bào tung mình vào gió bụi( mà bụi thật cái xứ Syrie ấy !)


Rốt cuộc là Bỉ suốt ngày báo động bị đặt bom, bị khủng bố, 45 vụ báo động cho năm 2014, và mỗi tháng giêng đã 15 vụ . Hôm trước phải giải tán hầm métro, hôm nay lại báo động cả ba chỗ một lúc vì những cái xe đậu bỏ lại bên đường một cách đáng ngờ. Nơi bị nhắm nhe đến mấy lần là cái cung điện tòa án nằm  gần trung tâm thành phố, nơi chuyên xử những vụ án từ lặt vặt đến những vụ mang tầm vóc quốc gia, như lời nhắn nhủ công lý của mấy người đi chỗ khác chơi .Các vị luật sư mũ áo bảnh chọe đến xử các phiên tòa, cũng không còn nghênh ngang được nữa, hễ cãi lệnh kiểm tra của cảnh sát, là bị tống ép sát tường để củ soát, không tin được một ai nữa hết. Rồi đến những tòa nhà của cộng đồng Âu Châu, như một vương quốc nằm trong một quốc gia, nơi đầy những nhân vật chuyên môn tuyên bố chung chung, chả dám ra một chiêu rõ ràng cho một quyết định gì. Và dĩ nhiên là tòa lãnh sự Mỹ, nơi điển hình cho quyền lực ảnh hưởng đến thế giới, dù hai vợ chồng ông Obama cũng chỉ thấy dợt dợt và nói theo kiểu nhập đề lung khởi cho tình hình thế giới đang như một nồi nước sôi. 

Đường phố bắt đầu xuất hiện những màu áo ngụy trang của lính Bỉ, vũ khí đến tận răng, mặt mày căng thẳng nhìn thấy kẻ thù ở tứ phía, nhưng lúc hữu sự  thì lại không biết có được gì  không, như chuyện xưa kia ông cảnh sát nổ súng uy hiếp một cái xe tải không chịu dừng lại để khám xét. Tài nhắm bắn của ông này tài tình đến nỗi, thay vì bể bánh xe, thì lại làm chết oan một bà già ngồi chờ xe bus bên kia đường !


Ngay cả trong các trường học, nhất là các trường có đa số là người theo đạo Hồi Giáo, lại càng phúc tạp hơn. Hồi còn đang sôi động chuyện Charlie, có trường lôi chuyện này ra làm đề tài tranh cãi, đã có đa số phản đối rằng không việc gì phải thương xót cho kẻ dám báng bổ thượng đế của họ. Tuần rồi, trong một trường dậy nghề, thày giáo nhắc lại chuyện này, có đám học sinh hùng hổ tuyên bố: nếu gặp những người bị kết tội khủng bố ngoài đường, chúng sẽ chạy ào đến bắt tay. Thày tức quá giảng cho một bài luân lý, rằng không thích thì đừng đọc, không ai lại giết những người cầm bút. Thế là học sinh rủ nhau viết thư thu góp chữ ký để đi kiện, đòi đuổi thầy giáo ra khỏi trường, có vài em can đảm không chịu ký vì ủng hộ Charlie. Kết quả là những đòn đánh hội đồng ngay trong sân trường đến bị trọng thương,  mà ban giám đốc vẫn chưa dám hạ hồi phân giải. 

Tuần lễ rồi, là buổi biểu tình la cho rõ lớn là đừng có cạch mặt người Mulsuman, vì không phải tất cả người Mulsuman là dân khủng bố, nhưng có kẻ vặn ngược lại, rằng, nhưng tất cả những kẻ khủng bố, lại chỉ rặt là dân Mulsuman !

Đứa con gái lớn tôi lập gia đình, mua nhà trong khu phố  với sắc dân này hết 80% là hàng xóm. Hiện giờ thì an toàn, nhưng tôi chỉ mong vợ chồng chúng nó mở mắt cho to để nhìn về tương lai con mình khi đi chọn trường học .

Bên Pháp, tại Nice, một nhóm nhào vào tấn công bằng dao những người lính Pháp đang đứng để bảo vệ an ninh .

 Không khí căng thẳng đến độ hàng tôi vốn rất đắt hàng trong thời kỳ này, cũng đang ế chỏng vì không ai muốn bước ra đường với tất cả phiền toái đến vậy.

Nhớ đến đất nước mình trong thời nội chiến xa xưa, cứ tưởng đã thoát được hết ,  những cơn ác mộng có bom đạn réo, ngờ đâu  giờ đang quay trở lại, cộng thêm stress cho mình bên cạnh stress của cơm áo gạo tiền và của những đứa thuê nhà đang trây ra không chịu thanh toán tiền thuê !

Bà khách bảo, ớn quá, đến không muốn mở báo chí ra đọc. Nếu phải là như trong câu chuyện phù thủy Harry Potter, thì những hình ảnh trong báo sẽ ầm ầm lửa đạn, tiếng la hét và kêu khóc sẽ đến tận trời xanh.

Chả biết chuyện sẽ kết thúc như thế nào, có happy ending không hay sẽ lê thê từ đời này đến đời kia. Sao không làm giống như người mình, được nhập cư, thì còn biết chuyên tâm làm việc và học hành. Một mặt làm tròn bổn phận như các công dân của họ, một mặt vẫn giữ truyền thống giống nòi. Có hội dân Á Châu nào biểu tình cho con cái phải được nghỉ tết âm lịch, nghỉ lễ ...Phật Đản? Hoặc mặc áo dài đến trường, hoặc ăn chay một tháng một lần cho điên đầu đám đầu bếp của mấy cantine chơi đâu cơ chứ.

Đâu cần phải úp ba ba để hướng về mặt trời cầu nguyện, mà đằm thắm khấn Phật ở trong lòng lúc buồn hay vui như mình đây, thì thế giới sẽ bớt loạn xị xà ngầu hơn không ? Hở các ông các bà đang nghĩ mình đấu tranh cho lẽ phải?
 
(Bruxelles 02, 05 2015)

No comments:

Post a Comment