Pages

Friday, May 1, 2015

Cúng cơm


Ngày mất của Ba sau Má đúng một tuần, thế cho nên khi cúng cơm cho các cụ, tôi thường gom chung lại làm một. Hai bức hình trên bàn thờ nhang khói nhìn tôi, Ba nghiêm khắc, Má cười hiền từ. Tôi nhìn lại, tự hỏi, không biết cả Ba lẫn Má có thích có một bữa cúng cơm chung không, hay mỗi người thích có riêng một mâm, có riêng một tàn nhang, có riêng một cái vái lạy? Nếu Má hay Ba không thích, hẳn phải bảo cho tôi biết trong những giấc mơ của tôi chứ, hoặc gởi cho tôi bất kỳ một tín hiệu nào, bảo rằng, thôi đừng có lười, cúng Ba cúng Má phải làm riêng biệt, người nào ra người đó, ngày nào cho ra ngày đó. Không nghe các cụ bảo ban, báo mộng gì, thôi thì tôi cứ tiếp tục làm chung vậy. Thú thật, chẳng qua nấu một bữa cỗ, ăn nguyên tuần chưa hết, lại nấu thêm một bữa cỗ khác, lấy ai ăn cho bằng sạch chừng đó thức ăn? Thằng con đi học xa vào đận này lại không về nhà thường vì bận rộn với các kỳ thi của nó, tủ lạnh đựng đồ ăn cho nó chật cứng, chẳng nhét thêm cái gì vào được. Còn lại hai vợ chồng với thằng con út. Thằng nhỏ ăn đồ ăn Việt Nam khoảng một tuần rồi sẽ hỏi tôi khi nào nấu spagetti, đức ông chồng lo cho cái bụng đang to dần nên cũng ăn ít đi, riêng tôi lại càng ăn ít hơn vì vừa rồi đi khám sức khỏe, leo lên cân, choáng váng đầu óc khi thấy cái kim cứ nhích dần, nhích dần theo đà đi lên…Mà tôi thì chẳng bao giờ mời bạn bè hay gia đình chồng đến ăn giỗ cúng Ba Má tôi. Tôi không muốn chia xẻ nỗi đau này với họ. Họ chẳng bao giờ hiểu nổi tôi đã bị mất đi cái gì và vì sao đã chừng đó năm trôi qua, lòng tôi vẫn còn quay quắt. Hơn nữa, họ theo đạo Thiên Chúa, thắp một nén nhang đối với họ là chuyện bất đắc dĩ, chắp tay lạy trước di ảnh còn bất đắc dĩ hơn. Ba Má tôi hẳn chẳng thích thú gì trước những vái lạy chẳng đặng đừng đó.

Quay trở lại mâm cơm cúng của tôi với chuyện giỗ Má trước rồi giỗ Ba sau hay là để cả hai cùng vui vẻ hưởng hương khói chung. Cứ khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5, tôi phải xem các ngày thứ bảy, lựa ngày nào nằm chính giữa hai ngày “không thể quên” đó rồi thì cúng Má sẽ trễ hơn vài ngày, cúng Ba sẽ sớm hơn vài ngày. Mẹ chồng an ủi tôi, cúng là tại tâm, mình nhớ tới là được rồi con, không cần đúng ngày đâu con. Mong bà ấy nói đúng.
Thật sự mà nói, chẳng lẽ nấu xôi vò cho Má, đem để tủ lạnh ăn dần chưa hết rồi một tuần sau nấu xôi đậu xanh cho Ba? Chè hoa cau tuần này xếp trong tủ lạnh, tuần tiếp chè trôi nước sau khi cúng nằm êm ấm bên cạnh lấy ai ăn cho hết? Tôm kho ăn được vài con, lại đến  bánh hỏi thịt quay cất trong tủ lạnh chưa đụng đến, lẽ nào lại quật ra nấu tiếp bò kho? Chưa kể còn phải nghĩ xem Ba thích ăn gì, Má thích ăn gì. Chứ không phải là khi cúng là mình nấu những món người được cúng thích hay sao? Bà chị bảo Má dạy cho món gì thì nấu món đó. Thế thì bàn thờ của tôi sẽ tràn ngập, từ mì quảng, đến thịt nướng, qua gỏi xoài, về lại “thịt kho kẹo” rồi đến bánh cuốn, hay đơn giản hơn, canh “kỳ cục”, thịt bò trộn rau sống, canh bí na, vân vân.

Đúng ra tôi cũng có thể nấu hết chừng đó món rồi cả tháng trời chẳng cần phải nấu nướng gì cho khỏe nhưng mà cái tủ lạnh thì có giới hạn, đồ ăn để lâu cũng có chừng mực. Đã vậy lại còn tự chán các món mình đã nấu, mặc dù đồ ăn còn ê hề, tôi lại lục đục đi nấu món khác.
Tôi vái trời Ba Má thông cảm cho tôi mà chịu khó ở chung một bàn thờ, ngửi cùng một mùi nhang, nhận cùng chừng đó cái lạy và nghe tôi lầm rầm “Ba Má về ăn cỗ con nấu”.
Dạo sau này, các cụ vốn không thích làm gì chung với nhau, tôi nhớ vậy. Mảnh vườn dưới Halle có một góc của Má tôi, trồng ớt, rau thơm. Ba tôi thích những thứ to tát hơn, thế là khoai tây, bí đỏ la liệt dưới hầm nhà sau mùa thu hoạch. Con cái đến thăm, trước khi ra về ghé xuống hầm lượm vài củ khoai, vài cây brocoli, tiết kiệm được vài đồng đi chợ. Nhưng Ba tôi rất vui vì thấy các con tận tình chiếu cố những thứ mình trồng trọt ra hoa ra trái. Như tôi bây giờ chẳng hạn, ăn rau thơm trong cái vườn bé tí tự dưng thấy ngon hơn bó rau mua ngoài chợ.
Ba Má tôi có đi chung với nhau thì ra đường mạnh Ba Ba đi trước, còn Má lẽo đẽo theo sau. Thỉnh thoảng cụ ông dừng lại chờ, cụ bà vừa hổn hển tới nơi thì cụ ông đã thoăn thoắt bước tiếp, cụ bà lại tiếp tục lẽo đẽo sau lưng. Hồi mới sang Bỉ, cả hai ông bà đi học tiếng Hòa Lan chung với nhau, tôi tự hỏi, họ có ngồi cùng bàn không nhỉ? Và khi làm bài tập, Ba có cho Má copy bài không? Mỗi weekend về Halle, tôi thường thấy Ba ngồi cầm cuốn vở lẩm nhẩm đọc rồi ghi ghi chép chép. Má hoàn toàn ngược lại, đi học về vứt vở vào một xó, không rờ tới cho tới ngày đi học kế tiếp. Má bảo, tao học không vào được chữ nào cả, ở  nhà buồn cho nên đi cho vui vậy thôi. Ba chì chiết, Má mày chẳng chịu học, đến lớp cô giáo hỏi cứ ù ù cạc cạc. Má tỉnh bơ. 
Tôi nhớ có lần tôi nhận cuốn cả ngàn cái chả giò kiếm tiền tiêu vặt. Má hăng hái lắm, bảo đem về dưới Halle để Má phụ cho. Riêng cái khoản đi chợ mua cà rốt thì phải nhờ Ba đi. Ông cụ đi cả đỗi mới về, đưa cho tôi giỏ cà rốt nặng trĩu rồi cằn nhằn “Không biết được mấy đồng!” Má liền phản pháo “Thì được đồng nào hay đồng đó!” Tôi khi ấy cảm thấy áy náy vô cùng. Tiền kiếm được mình bỏ túi riêng, trong khi ông toát hết mồ hôi vì cuốc đi bộ xuống tận Delhaize rồi quay về với cái bao nặng khoảng 8 ký. À, nếu đi tản bộ thong dong là chuyện khác,Ba vẫn thường đi đấy thôi, nhưng tản bộ cộng với một bao cà rốt lại là chuyện hoàn toàn khác hẳn. Tôi chỉ dám nhận làm một lần duy nhất, mấy lần sau tôi từ chối vì biết rằng mình chẳng có cách gì vác cà rốt từ chợ về mà không phải nhờ đến Ba. Má bảo cứ nhận làm đi rồi Má đi mua đồ cho, nhưng tôi thấy chẳng đáng thật.   

Cho đến tận khi cả hai đã  nằm xuống,  nhắm mắt xuôi tay, tôi vẫn tiếp tục vật lộn với cuộc sống hàng ngày bận rộn, thường khi không nhớ tới ông bà. Có chăng là thoáng thấy một bóng dáng quen thuộc ở góc chợ, một mái tóc bạc phơ ở cuối đường thì chững lại, tần ngần một lúc. Hoặc khi bất chợt bắt gặp một màu hoa, một loại cây, chợt nhớ xưa kia Ba thích màu này, Má thích hoa kia. Mùa hè năm 2006, năm Ba mất, tôi quyết định trồng toàn hoa vạn thọ màu vàng trước cửa nhà. Hoa này đến mùa đông là lăn ra chết. Năm tiếp đó, tôi lại mua vạn thọ về trồng. Được đúng hai năm như thế thì chẳng còn thấy bóng dáng vạn thọ trong vườn tôi. Chẳng phải vì tôi không nhớ đến Ba, mà vì Ba còn thích hoa khác nữa mà, cẩm chướng chẳng hạn, hay hoa dâm bụt đỏ rực rỡ, hay hoa glaieulle thẳng đuồn đuột. Ngày Má mất, tôi trồng toàn hoa hồng trắng và rồi nhìn đâu cũng chỉ thấy tuyền một màu trắng. Tháng 4 vừa rồi đi thăm Dallas Blooms. Cả vườn hoa Arboritum ngập tràn tulip đủ màu. Tôi nhớ lại năm nào tôi, chị Mai và Ba Má đi vườn Keukenhof lần đầu tiên. Thuở đó không có xe nên chúng tôi đi bằng xe bus. Đến vườn hoa, Ba gần như lạc lối trong muôn ngả đường tulip rực rỡ, còn Má cứ chắc lưỡi “Giá mà Dalat trồng được cây hoa này nhỉ” rồi bà loay hoay không biết làm sao mang được giống hoa tulip về Thái Phiên! Cả ông lẫn bà nức nở khen tulip đủ màu đủ kiểu, đi bộ dài dài trong cái park mênh mông đó mà không chán. Tôi có hỏi Ba Má mỏi chân không thì Ba bảo không sao cả, tao còn đi được. Sau đó tôi thấy Ba mua mấy củ về trồng trong vườn. Đến mùa xuân, Ba ra thăm thú xem nó có mọc lại không. Thế cho nên ngày giỗ của cả hai người, tulip trở thành bình hoa giỗ trên bàn thờ nhà tôi. Thế rồi đi giữa các màu tulip bạt ngàn ở Dallas, tôi chợt thấy mắt mình cay cay.
Cả Ba lẫn Má đều yêu cây cối. Riêng đối với Ba, có yêu cây đấy, nhưng cây phải mọc có trật tự. Vì thế giàn hoa pháo màu cam trước nhà số 7 là nạn nhân của Ba vì dám mọc lung tung, dám leo lên ban công mà không có phép của Ba. Má thì thoải mái hơn, vì thế mới có những chậu rau thơm la liệt trong mọi ngóc ngách. Năm nào Má gởi cho tôi hạt hoa bleuet bà thu nhặt trong vườn, bảo mày nói mày thích hoa này lắm. Mà đúng vậy, tôi rắc hạt hoa khắp vườn ở Kokomo. Đến khi hoa nở, tôi bắc ghế ngồi nhìn và tưởng tượng mình đang ở ngôi nhà của Ba Má dưới Halle vào mùa hè, hoa bleuet nở rộ trải dài theo lối đi dọc theo hông nhà. Rồi một hôm tình cờ bắt gặp cả một thảm bleuet tưng bừng trong một cái park nho nhỏ phía Bắc Dallas, tôi kêu lên sung sướng và nhất định không đi đâu nữa, chỉ ngồi một chỗ để nhìn và nhớ nhà, và nhất là nhớ đến cả hai người.

Trùng hợp làm sao, Ba Má  đều ra đi vào giữa lúc mùa xuân đang rực rỡ nhất. Bruxelles nắng vàng nhẹ, hoa lá khoe đủ mọi màu, mọi sắc, mọi kiểu. Mọi người hớn hở, vạn vật tưng bừng, riêng gia đình tôi chìm nghỉm trong nỗi buồn mồ côi cha, rồi lại mồ côi mẹ. Tôi chỉ tiếc Ba Má tôi không ráng tận hưởng thêm những mùa xuân của xứ sở này. Tôi chỉ tiếc Ba Má không ráng thêm để nhìn màu hoa tulip đã nở khắp mọi nơi, từ Keukenhof cho đến những lối đi trên công viên, bên lề đường, trong các khu vườn. Chỉ có trời mới biết có bao điều tôi chỉ tiếc….
Trên máy bay về Bỉ mùa hè năm 2011, tôi nhìn xuống Bruxelles trải dài ở dưới, thảng thốt nghĩ, Bruxelles chẳng còn Ba, Bruxelles cũng không còn Má nữa.
 Vì thế ngày hôm qua tôi ngồi nghĩ không biết nên nấu món gì để cúng cơm, rồi hôm nay tôi ngồi viết danh sách đi chợ mua đồ để làm giỗ cả Ba cả Má.
Vì thế ngày mai tôi sẽ nấu cỗ cúng rồi lại lầm rầm “Ba Má về ăn cỗ của con” và không muốn nhớ đã bao nhiêu lần tôi phải khấn vái như vậy rồi.

Lan Hương (Fort Worth 05/01/2015)

 

No comments:

Post a Comment