Pages

Friday, May 15, 2015

Nhớ về Ba Má (Hương Quỳ)


Ngày giỗ Ba Má sắp đến theo ngày Ta, nhưng đã qua đi từ hơn tuần nay theo lịch Tây. Mọi người nghĩ về những mất mát ấy theo cách của mình. Tôi tự nhủ, có những cái mất đi, như luật tuần hoàn của trời đất, có cái muốn làm cũng không còn làm được nữa vì không đúng thời điểm , vậy thì quay quắt với lương tâm của mình khi nghĩ về Ba Má chả để làm gì; và sao không gạt bớt những giọt lệ thương khóc, để nghĩ về Ba Má với quãng đời qua, có những kỷ niệm bỗng làm cho mình bỗng thấy ấm lòng.

60 tuổi đời có lẻ, bao điều để nhớ về một ông Ba nghiêm khắc, hiếm khoảnh khắc cười đùa với con cái, mỗi lời nói ra chỉ là mệnh lệnh, không có những dịu dàng mà chỉ như một hung thần gắn liền với roi vọt và hình phạt. Có thể nhờ đó chúng tôi chỉ biết ra sức học để tránh những cái cốc nháng lửa lên đầu những giờ khảo bài ban trưa, thu mình cho rõ nhỏ lại khi "hàng xóm" bên cạnh đang lãnh phạt, như lần ông Anh lãnh hàng loạt cốc, vì không phát âm đúng hai chữ "bánh" và "bắn", như lần đứa em gái bay vèo qua cửa sổ vì quên luôn cả một cái cartable ở trường. Có thể nhờ đó chúng tôi đi đúng con đường cần đi. Có tôi lâu lâu nổi loạn, xé rào bằng những lần đi lang thang hoặc đi chơi ban đêm với bạn. Sau đó Má thương hại báo động Ba đi bán hàng đã về để tôi còn kịp thời chạy trốn để tránh những nhát roi. Vài lần ăn roi trong đời thôi, nhưng nhớ mãi và cám ơn Ba vì nhờ đó, tôi lấy được quyết định đúng  trước một ngã ba, không biết đưa chân theo ngả nào.

Những lần tổ chức mời bạn bè ăn uống ở nhà, không thể thoát qua thủ tục mời Ba Má vào tham dự chung. Lúc nào cũng chỉ sợ Ba chửi toáng lên vì những trò bị Ba coi là hào nhoáng đó. Nhưng không, Ba chỉ phản đối con cái, không trước mặt người lạ, nên chúng tôi thở phào tiếp tục cuộc vui của mình.

Ba sống thảng thắn, chân thật, nên không chịu được những trò ranh mãnh tôi đã phạm phải. Như trao đổi bài thực tập nữ công với sáng tác luận văn với một con bạn, êm ái cho đến khi giận nhau.  Nó nhờ Ba của nó ra mua báo hàng Ba tôi đòi trở lại những tác phẩm nữ công tôi đính dõng dạc trong vở tập. Thế lại lãnh vài roi.

Ba luôn luôn im lặng, nhưng lại cho chúng tôi một cuộc sống không thiếu thốn, điển hình là những năm đi học xa nhà. Mỗi tháng, Ba đưa cho một số tiền tiêu vặt, không dặn phải cần kiệm ra sao, nhưng tự dưng tôi biết cần phải dè xẻn. Lần lãnh lương đầu tiên nhờ đi dạy kèm kiếm thêm tiền, tôi hân hoan đi mua tặng Ba Má một cái radio, có cái phải mua đồ cũ, và bị lừa, máy không chạy. Tôi nguyền rủa người bán vì món quà tặng Ba Má đầu đời của tôi phải chui vào thùng rác. 

Kinh khủng nhất, là thời kỳ sau giải phóng, mọi người chuẩn bị rời khỏi đất nước với bất cứ giá nào. Má ra sức ủng hộ vì Má luôn luôn muốn con cái mình vươn lên. Kẻ lên dàn phóng đầu tiên là chị Mai, chưa ra khỏi nhánh sông, đã bị tóm cổ vô tù ngồi. Điều sợ là phải báo cho Ba biết tin dữ. Trách nhiệm báo tin được giao cho cô em dâu. Ba nghe xong , nằm trong phòng cả mấy ngày, bên ngoài mẹ con tính toán để lôi bà chị ra, vì tết còn sắp đến. 

Khả năng xoay sở của mỗi đứa thể hiện lúc này, tôi phục lăn cô em Quỳnh tả xung hữu đột tìm mối đút lót đưa chị ra, chúng tôi chỉ biết ngồi trên những chuyến xe lam chạy trên những con đường thẳng tắp và dài thăm thẳm  xuyên qua nhũng khu rừng đước, rừng tràm để thăm nuôi bà chị. Bà chị êm ấm trong tù, cũng không cực khổ lắm, vì còn khoe xách ghế đẩu đi xem ciné và nhắn gửi đàn guitare vào để tập văn nghệ!

Bà chị được đưa ra trước tết, cả nhà năm đó xì xụp lạy cảm ơn ông bà lại cho mọi người đoàn tụ , chứ không như những gia đình khác, thiếu gì kẻ đi không đến được nơi.

Đến lúc phải lo cho cả nhà đi với giấy tờ chính thức, vẫn phải làm lén lút sau lưng Ba. Bị lừa cả mớ nhưng sau cũng lần ra được đường dây. Lại lo sợ phản ứng của Ba khi báo cho Ba hay cả nhà sẽ rời quê hương, và chưng hửng hết khi thấy Ba đồng ý liền lập tức. 

Những năm sống ở xứ người, có thể có lúc Ba nhớ Việt Nam , nhưng lần về thăm vài năm sau đó, Ba dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, từ chối lời đề nghị quay trở về lần nữa, nhờ vậy, con cái bớt bứt rứt lương tâm, chú tâm hơn trong việc xây dựng cuộc sống của mỗi gia đình.

Tôi nhớ đến "cuộc chiến hoa hồng" giữa Ba với Má những năm cuối đời của hai Cụ, không ai chịu nhường nhịn ai, Ông mở tivi  và nhạc Việt Nam rõ to để nghe và chính là để gây khó chịu cho Bà. Bà không chịu nổi những lời ca lê thê đó, đòi đập máy truyền hình và quăng hết băng nhạc. Ông quyết định là bị điếc để không thèm nghe những lời riết róng, và không cần những đối thoại, dù chỉ còn hai người với nhau  sống chung trong một khoảng không gian hẹp từ lúc rời bỏ căn nhà dưới Halle lên Bruxelles. Bà vốn người ham tranh luận, bỗng dưng suốt ngày độc thoại với chính mình, điều đó không phải là dễ sống. 

Khi đưa được Ba Má ra căn nhà ngoài hàng của tôi, lúc đó mỗi Cụ mới có thế giới riêng của mình. Nhưng khổ cái căn nhà xưa đến gần trăm năm, trần và sàn nhà không cách âm. Mỗi lần Ba mở nhạc, khách hàng của tôi dưới nhà giật bắn người, Má thì vẫn phải rút lui vào căn phòng bên trong dù đã ở tầng trên. Một lần, Tôi nghĩ ra kế nhờ ông phát thư đang mặc đồng phục giả vờ làm cảnh sát lên yêu cầu Ba tôi vặn nhạc nhỏ xuống. Ông này lễ phép quá thể, nên Ba cứ "oui , oui , oui" , rồi sau đó phán ngay một câu khi ông ta đã ra về , rằng: 

"Làm cảnh sát mà hiền với lại chậm chạp như thế, ai mà thèm sợ! "

Và vẫn bình tĩnh cho nhạc vàng tràn ngập khắp không gian. 

Những cuộc đi dạo của Ba sau khi lên Bruxelles, bắt đầu giới hạn lại chỉ trong một số con đường , chắc vì Ba sợ đi lạc, con cái lén lút nhét địa chỉ của nhà vào túi áo trong, Ba lục ra được hết, và vất đi không thương tiếc. Ba không thích đi lang thang không định hướng , nên bắt đầu vào các siêu thị gần nhà ở, và bắt đầu tấn công bếp núc của Má bằng thịt gà dưới đủ mọi hình thức sau mỗi lần đi dạo. Mỗi ngày, Má nhận được nếu không là một con gà nấu súp, thì sẽ là một con gà da vàng lườm, hoặc một chú gà quay thơm phức. Nếu Má rít lên, thì hôm sau, sẽ là một vỉ đùi gà hoặc cánh gà. Lâu lâu, Ba thay đổi thực đơn bằng cách mua một vỉ tim gà, gan gà. Má vẫn lấy gà các loại ấy làm thức ăn cho Ba, Ba vẫn bình tĩnh ngồi thưởng thức, không một lần nào kêu ớn, chỉ có Má muốn đổ bịnh mỗi lần thấy một con gà nằm êm ấm trong tủ lạnh. Má càn nhằn lôi mấy con gà ra chuẩn bị bữa tối họp mặt ngày thứ bảy, và sau đó tuồn xuống hàng của tôi yêu cầu tiêu thụ dùm. Chả hiểu việc quyết định chỉ mua thịt gà ấy của Ba có chuyên chở một ý nghĩ nào không, hay chỉ là một việc làm vô thức, nhưng mỗi lần gần đến ngày giỗ Ba Má, tôi đứng trước quầy bán gà, bỗng thấy tim mình se lại trong kỷ niệm về ngày tháng trường kỳ mua gà của Ba.

Còn cả mớ gà bằng sứ , bằng đất nung Ba mua ở các chợ trời về vẫn  rực rỡ trên các bệ lò sưởi, nằm êm ấm bên ý thích khác của Má là những bình hoa giả. 

Mớ cây tre, giống mang từ Việt Nam qua những năm đầu khi người Bỉ quen trong nhà tính buôn bán từ bên đó qua đây, được tôi mua về vài đám trồng trong chậu lớn chậu bé, cao lớn ra phết , đem mang về cho Ba Má để trong căn hộ đầu tiên mướn ở Bruxelles, vì sợ Ba Má nhớ mảnh vườn ở Halle. Sau đó, mang về cho Ba hai chậu để trong phòng ở căn hộ mới khi lại phải dọn nhà lần nữa. Ba tưới cây hàng ngày, và Má đi lau nước tràn ra nhà hàng ngày, chị Mai đi mua hai  chậu lớn hơn để bớt chiến tranh giữa người tưới và người lau. Êm ấm một thời gian, thì đâu vẫn vào đấy, vì Ba quyết định tăng lượng nước tưới lên khi không thấy nước tràn ra sàn! Giờ tôi thừa hưởng hai chậu cây tre ấy, vẫn hì hục khiêng vào nhà mùa đông, vừa tưới vừa đứng canh cho nước khỏi tràn, sung sướng được khiêng ra ngoài trời những tháng ấm áp, tha hồ dội nước cho bõ lúc canh coi. 

Ba mất đi, Má  dọn xuống nhà dưới , thu hẹp không gian của mình lại hơn, từ chối ở căn lầu trên tôi đã sửa sang lại đàng hoàng. 

Nhớ về Má, là những lần té ngã bệnh hoạn, bóng Má phất phơ bên giường, hoặc chữa trị theo cách của Má, như lần tôi bị ù tai, phải nằm nghiêng để Má xông khói nhang, tôi chỉ sợ khói sẽ ra phía tai bên kia, rủ con em đứng canh xem có phải vậy không, chỉ vì cái tội đọc tiểu thuyết, bạn tù thanh toán nhau bằng cánh xuyên cây tre từ tai này qua tai kia! Hoặc những nồi lá artichaut chữa trị bệnh mụn cho ông anh. Cái nồi đất có hai vòi ấy , giờ biết tìm ở đâu cho ra nhỉ ?

Má đặt nhiều ước mơ cho con cái, gần gũi con cái hơn, tâm sự với con cái nhiều hơn. Vậy mà bây giờ, tôi vẫn chỉ thấy tê tái trong lòng, sao không có đứa nào trong bầy 7 người con, một lần hỏi ước mơ của Ba hay của Má là gì để xem mình có thực hiện được hay không. Tôi hiểu tâm trạng của mình khi không đặt câu hỏi đó, nhất là khi Ba Má đã lớn tuổi, vì câu hỏi đó gắn liền với hình ảnh Ba Má sẽ ra đi, và tôi không muốn ngày ấy đến, vậy thôi.

Má là người có đầu óc mở rộng, khuyến khích con cái và tạo điều kiện cho con cái đưa bạn bè về chơi. Cái nếp này tôi giữ luôn cho gia đình của mình. Tôi không phê phán bạn bè của các con, nhưng phải dẫn về nhà để biết, giới thiệu qua một cái, không cần phải dấm dúi bên ngoài gia đình. Chắc những người bạn của chúng tôi vẫn còn nhớ những lần đến ở trong gia đình tôi. Những bữa cơm thanh đạm đầm ấm, căn nhà sáng rực ánh đèn, và giàn hoa giấy nghiêng mình trước cổng nhà chào đón khách.

Tôi vẫn nghĩ, nếu Má học hành đến nơi, Má sẽ là một chính trị gia hoặc luật sư có tài, vì Má rất thích bàn chuyện thời sự, nghe chuyện thời sự. Những mẩu tin đài BBC buổi tối, tiếng chuông Big Ben còn ở trong tâm trí tôi, còn nằm trong kỷ niệm của Ba Má lần đi thăm Londre và nhìn tận mắt Big Ben.

Nên sau giải phóng, Má tham gia vào các sinh hoạt tổ khóm, tham gia cả văn nghệ, chỉ một lần, vì Ba giận khi Má đóng vai vợ với một người khác, thế là mầm non văn nghệ của Má bị đứt đoạn . Má có diễn đàn để nói, nhưng chỉ một thời gian ngắn, Má trốn không đi họp nữa, vì Má hiểu ra có những điều muốn nói mà không nói được, và những cảnh trái tai gai mắt khiến Má chỉ muốn bỏ xứ mà đi cho nhanh.

Tôi nhớ mãi những giọt nước mắt của Ba ngày tôi rời nhà đi theo chồng (dù chỉ làm cảnh trong vòng 48 tiếng!) , tôi tri ân vòng tay mở rộng của Má đón vợ chồng tôi về, cư xử với chồng tôi như một đứa con trong nhà, không một lời than vãn, không một lần đòi hỏi chúng tôi phải góp tiền cho chi phí chung. Cái đồng lương ấy, Má cũng biết thừa chả đủ cho tôi đi đổ xăng cho xe nữa là. 

Đến lúc chúng tôi cần ra riêng, Ba Má cho ngay mảnh đất cạnh hàng, và Má vẫn sát cạnh tôi những lúc tôi ra đời buôn bán, thay tôi chỉnh lũ khách hàng sâu bọ hung hãn hay hàng xóm ganh tỵ. Lúc nào Má cũng nhắc nhở cho họ biết chúng tôi không sinh ra để lăn lộn với đời thế này, nên tuy bán hàng ăn, tôi vẫn ngẩng cao đầu và biết mình ở một vị trí cao hơn người khác. 

Số phận bắt tôi dính liền với nghề nhà hàng. Lúc đầu lập nghiệp, Má giúp tôi rất nhiều, theo kiểu của Má, dĩ nhiên, nên tôi nhớ lần phải nằm nhà thương sanh Tố An, cô em Hương gọi điện vào cho tôi bảo tôi về coi hàng đi vì Má đang chửi nó quá cỡ vì tội nó phản đối Má đã cho cà ry vào món gà hạt điều!

Nhớ đến những món ăn của Má, trong thực đơn tôi đến giờ vẫn còn món xà lách xa xưa ở Dalat, vẫn còn món nộm gà, mới đây tôi còn cho thêm món "thịt kẹo" của Má vào dưới cái tên diễm lệ là heo với nước sốt caramel. Và tôi vẫn hãnh diện nói với khách hàng, thực đơn của tôi được làm với lời cố vấn của Má.

 Má những tháng cuối đời, nhớ nhớ quên quên, nên Má giữ chặt lấy những gì còn bắt giữ được trong trí. Là lần tôi thấy mớ chén bát phơi mưa nắng ngoài hiên nhà Má cả mấy năm, bèn rút ra một mớ cho người làm bước đầu lập nghiệp. Sau Má phát hiện ra, bắt đền. Tôi thuyết phục mãi không được, phải báo động cho ông anh đi tìm mua ở chợ trời, và nhờ đứa người làm đi lấy trả lại. Má quăng vào hàng tôi một bức thư viết bằng bút đỏ, kết tội người làm tôi lên lầu ăn trộm, tôi lại phải thuyết phục đứa làm lên lầu xin nhận tội. Sau đó, mỗi lần xuống hàng, Má hể hả cho đứa người làm một bài học về tội trộm cắp, nó dạ vâng liên hồi. Vậy mà trong những ngày quan tài Má còn trong nhà quàn, nó vẫn đến khóc sụt sùi nhớ lại những lời khuyên răn đó, chắc qua Má , nó nhớ đến bà ngoại bên quê nhà.

Má vẫn xuống hàng tôi mỗi buổi trưa đặt một đồng mở hàng, vì Má rất hãnh diện vì vía hên của mình. Má trịnh trọng đặt đồng bạc vào caisse, miệng khấn vái "xui xía lành vía cho chúng nó đắt hàng". Ngày Má mất đi , tôi giận hờn những hôm hàng vắng khách, vì không còn đồng bạc của Má mở đầu một ngày buôn bán tốt lành cho tôi.

Bàn thờ Ba Má giờ ở trên căn lầu cũ, tôi ráng giữ không thay đổi, nên cả một thời gian rất dài, vẫn còn mùi hương của Má phảng phất khiến tôi mỗi lần bước chân lên, cũng có lúc giật mình. Căn phòng của Ba Má, đầy những hình ảnh kỷ niệm, nơi qui tụ con cháu về thắp lên một nén hương, nơi tổ chức lễ vu qui của đứa con gái đầu lòng của tôi, nơi tôi vẫn chạy ù lên khấn vái lia lịa khi muốn cầu xin điều gì đó. 

Tro Ba Má đã trôi theo biển, nhưng tôi biết hương hồn Ba Má vẫn phiêu diêu từ nhà đứa này sang nhà đứa khác, nhìn ngắm và chở che cho chúng tôi từ trên cao, như một bóng mát đi theo chúng tôi, rất cần cho chúng tôi đi hết quãng đời mình. Ba Má ơi ....

 Hương Quỳ (Bruxelles, 05/14/2015)

 


 

No comments:

Post a Comment