Pages

Thursday, December 4, 2014

Chị em (Tố Mai)


Khi bà bác sĩ phòng quang tuyến chỉ cho tôi xem trên màn ảnh kết quả chụp CT scan của Hà , tôi sững cả người , môt cơn lạnh ở đâu ập đến làm tôi rùng mình , đâù óc tôi chóang váng. Không thể như thế được !Tôi muốn lấy laị bình tĩnh để nhìn tấm hình trước mặt , lạnh lùng như nhìn kết quả của bất cứ một người bệnh nào đó : một khối di căn khá lớn đã chiếm gần hết thuỳ phải của lá gan . Nhưng đó không phải là  kết quả của một bệnh nhân bất kỳ nào, mà laị là của Hà , chị họ tôi .Rất nhanh trong đầu tôi đã quay cuồng một chục câu hỏi , phải làm sao , phải nói gì sau đó . Tôi trở ra phòng chờ , thấy vẻ mặt lo lắng của Hà nhìn tôi : có sao không Mai ? Trời ơi ! Có sao không , có chứ sao không ! Tôi cố gắng giữ vẻ mặt bình tĩnh : có một tổn thương gì đó ở trong gan  , mình phải làm thêm một số xét nghiệm nữa . Hà không hỏi gì thêm, lặng lẽ theo tôi ra về. Hà không hỏi vì sợ tôi nói một điều ghê gớm nào đó hay thực sự tin tưởng tôi sẽ có cách làm biến mất cái  tổn thương trong gan kia đi . Trong xe hai đứa tránh nói đến bệnh hoạn để bàn đến những chỗ tôi sẽ  đưa Hà dến  thăm  trong thành phố , những khu thương xá sầm uất nhất của Bruxelles , ở đó Hà sẽ tha hồ ngắm nghía , lục lọi  sờ mó đủ thứ quần áo , giầy dép , son phấn , nữ trang , tất cả những thứ phù hoa có thể có được ở cái xã hội tiêu thụ này . Hà mới ở Việt Nam qua chưa đầy một tháng , ở Đức được một tuần sau đó qua thăm gia đình tôi ở Bruxelles đồng thời nhờ tôi đưa đi khám sức khỏe tổng quát . Cách đây hai năm ở Việt Nam Hà đã bị mổ ở đường ruột và đã thoát trong đường tơ kẽ tóc căn bệnh ngặt nghèo sau 3-4 tháng nằm bệnh viện . Lúc đó tôi gọi  điện về cho Hà bảo khi nào Hà khoẻ có thể lên máy bay dược thì ráng thu xếp qua đây đẻ kiểm tra laị xem sao . ThờI gian thấm thoát trôi qua , ngày tôi gặp laị Hà ở sân ga khi Hà đi tàu từ Đức qua , tôi thấy Hà vẫn không thay đổI bao nhiêu , vẫn khỏe mạnh , tươi tắn , trẻ trung là khác ! Hai chị em ôm chầm lấy nhau , cảm động biết bao sau mười mấy năm trời xa cách . "Mới chân ứơt chân ráo từ Việt Nam qua , phải đi tàu một mình, Hà cũng ớn lắm , tim cứ đánh  trống ngực thùm thụp , chỉ sợ đi lạc , tàu đưa mình đi những đâu !" . "Sao lạc được ! Tàu đi thẳng một lèo !". " Đâu có , Hà phải đổi tàu ở Koln , gặp ai cũng níu laị hỏi , gặp dân Đức khó tính không nói tiếng gì ngoài tiếng Đức !".  Một thoáng ngạc nhiên . Ngày xưa Hà thường xưng chị với tôi ;  từ ngày còn bé tí cho đến lúc tôi lên máy bay rời   đất nước ra đi Hà vẫn một điều chị , hai điều chị .  Chả là trong họ tôi , Hà là con trưởng của bác tôi tức anh của mẹ tôi nên về vai vế Hà quả là chị cuả tôi mặc dầu Hà nhỏ hơn tôi một tuổi . Khi tôi vừa   có đủ trí khôn cuả một đứa bé hay lý sự , tôi đã từng phản đối vai chị của Hà , nhỏ hơn mình , học thua mình mà  laị phaỉ goị bằng chị là thế nào ! Tôi chưa từng goị Hà là chị bao giờ , laị càng không xưng em cho phaỉ phép nhưng Hà thi vẫn tỉnh bơ xưng chị với tôi , và chỉ với một mình tôi thôi mặc dầu tôi cũng còn một đàn  em đằng sau .Lâu dần thành thói quen , tôi cũng không còn so đo chị em nữa , hơn nữa chúng tôi đã trỡ thành một đôi bạn chí thân , một cặp bài trùng đi đâu cũng có nhau , thân thiết hơn cả chị em ruột , từ  lúc còn cắp sách ở bậc tiểu học đến trung học và qua những dâu bể thăng trầm của cuộc đời.. Nay đến lúc cả hai đều đã bước sang bên kia con dốc của cuộc đời , gặp laị nhau sau hơn mười năm hầu như không còn liên lạc vớI nhau , ở một nơi không phải là quê hương , tôi không khỏi ngạc nhiên và chạnh lòng khi không còn nghe tiếng chị thân ái ngày xưa .

Tôi sinh ra ở Dalat , còn Hà thì ở ngoai quê Nam Định ; năm 1954 cả họ ngoại tôi di cư vào Nam , cả ba ,bồn gia đình chia nhau ở chung trong hai căn biệt thự sát cạnh nhau ở  đường Yagut , con đường mà nội cái tên thôi đã là một cá biệt của thành phố Dalat . Nơi đó chúng tôi đã lớn lên ; cả chuỗi ngày thơ ấu cuả chúng tôi êm ả trôi qua nơi thành phố xanh ngắt màu lá thông với bao nhiêu kỷ niệm không thể nào quên . Hà vơi tôi xấp xỉ tuổi nhau nên rất dễ thân nhau  ngay từ khi Hà mới vừa từ quê ngoài Bắc vào . Thuở đó tôi gầy gò ốm yếu bao nhiêu vì biếng ăn và đau ốm thì Hà càng béo tròn bụ bẫm bấy nhiêu , vì thế mấy ông anh họ tôi đã đặt cho Hà cáí tên rất xấu là  ‘’ Bị Thịt ‘’ ; còn tôi thì đôi khi nổi  cáu cũng có goị Hà là Chị Bị , nhưng Hà không bao giờ vì thế mà giận tôi .
Trong gia đình , Hà và tôi đều là con trưởng ; cả hai cùng cầm đầu một lũ em . Chúng tôi thường hay đầu têu các trò chơi cho cả lũ , từ những trò nhảy dây đánh chuyền ,bịt mắt bắt dê , đi trốn di tìm , đến chơi búp bê hết bằng giấy đến  bằng vải , trò dạy học , rồi ca hát , đóng kịch , chúng tôi luôn chắc chắn thành công vì lúc nào mà  chẳng có sẵn cử toạ để cổ võ và vỗ tay tán thưởng ! Cũng chính chúng tôi thường hay cầm đầu cả lũ con nít đi thám hiểm cùng khắp các vùng ở quanh nhà . Khu nhà ở Lê Lai , khu huyện moị , rừng Cam Ly và khu phi trường ở gần đó với một căn nhà hoang nằm chót vót ở trên đồi  được chúng tôi đặt tên là ‘’Đỉnh Gió Hú ‘’ , nơi nào cũng có dấu chân cuả lũ  ‘’lâu la ‘’ chúng tôi đi qua . Càng lớn chân càng khoẻ , chúng tôi càng đi xa hơn , thác Datanla , khu số Bốn gần đến Suối Vàng vớI hồ Dankia , khu Đa Thiện với Thung Lũng Tình Yêu . Hà nóí : sao hồi nhỏ mình đi khỏe thế , bây giờ mới đi bộ một chút đã thấy mệt rồi ! Hà quên mất đã có cả một khoảng cách 30-40 chục năm !

 Tôi với Hà cùng học ở Lycée Yersin ; tôi học trên Hà một lớp nhưng lúc nào chúng tôi cũng đi học chung với nhau và đợi nhau ra về . Khi ở trường tiểu học Petit Lycée chúng tôi đi bộ đến trường , thường lấy con đường đi tắt qua ‘’ ba toa ‘’ tức lò sát sinh của thành phố , dọc theo con suối nhỏ   qua khu nhà vườn với những hàng rào hoa quỳ , mùa đông nở vàng rộ , tràn qua lối đi hay soi mình dưới dòng suối nước đục lờ; qua lối cầu nhà đèn, đi tắt con đường nhỏ bắt qua một vùng xình lầy gần cổng trường , nở đầy hoa bóng nước màu trắng hay hồng nhạt Những hôm trời nắng còn có biết bao nhiêu là bướm trắng và chuồn chuồn đủ màu sắc bay lượn  . Những ngày trời mưa lớn , con đường bị ngập nước hoàn toàn, chúng tôi thở dài tiếc rẻ không được cởi giầy lội  nước mà phải đi vòng con đường nhựa xa lắc bên trên ! Khi lên trung học phải rờI ngôi trường nhỏ chúng tôi buồn lắm , nhất là không còn được những ngày thả bộ tung tăng vô tư ngắm hoa bướm dọc con đường đến trường học , không còn những giờ ra chơi đứng ở sân trường nhìn ngóng về nhà , con dốc Yagut xa tắp ẩn hiện sau rặng thông .

 Lên trừơng trung học -Grand Lycée -chúng tôi được người lớn quyết định cho đi học bằng xe đạp , vớI điều kiện là phải có Bác Thìn đi kèm theo hai đứa . Bác Thìn là anh thứ nhì trong họ ngoaị của tôi , bác làm ở Nha Địa Dư , sát ngay cạnh  trường học ; bác xung phong làm công việc trông nom hai cô cháu gái , siêng năng và chăm chỉ như cái nghề công chức của bác . Tôi với Hà nhắc laị kỷ niệm với bác Thìn mà cười ngặt nghẽo . Nhớ những lúc hai đứa thả dốc từ trường ra mà không thèm thắng ,để  cho  xe phóng vù vù xuống đến gần nửa vòng bờ hồ , bỏ laị ông bác già đằng sau đang cố hết sức đuổi theo ; lúc gặp được chúng tôi bác vừa thở dốc vừa mắng cho một trận nên thân . vậy chứ chúng tôi rất thuong bác  ,bác  rất chiều lũ chúng tôi , khi còn nhỏ bác hay dẫn các cháu đi phố , đi xem xiếc , hội chợ các thứ , bố mẹ chúng tôi thì đã quá bận rộn để lo sinh kế . Hình ảnh của bác cũng gắn liền với tuổI thơ chúng tôi và Dalat . Khi bác phải xa Dalat theo gia đình anh Phương , người con trai độc nhất,đi ở xa  bác đã làm những bài thơ nhớ Dalat , nhớ chúng tôi,  các cháu ,  rất cảm động tôi còn cất giữ đến ngày nay . Sau này bác đã mất trên tay tôi , trong bệnh viện tôi đang làm việc, vào thời kỳ đen tối nhất  sau ngày giải phóng  , vì bệnh lao hoành hành , vì  kiệt quệ, vì nhớ thương , anh Phương đi học tập bằn bặt không tin tức , gia đình chị và các cháu lao đao vật lộn với cuộc sống .
Tôi quyết định đưa Hà đi Paris dự buổi họp mặt các bạn học LY cũ . Hà cũng rất vui khi tìm gặp laị đưỡc vài người bạn học cũ sau hơn 30 năm xa cách , laị kể chuyện ngày xưa với bạn , vớI thầy , với Dalat yêu dấu không bao giờ vắng mặt . Thật không thể tưởng tượng được những người lịch sự  khoác áo dạ hội hôm nay laị là những cô cậu học trò phá phách kinh hồn ngày xưa . Sau đó tôi đưa Hà đi thăm thành phố . Paris tháng 10 mà trời còn nắng ấm như mùa hè . Tuy vậy lá trên cây cũng  đã chớm đổi màu báo hiệu mùa thu đã hiện diện đâu đó không xa . Ngồi chờ tàu đến trên bờ sông Seine , chúng tôi lặng ngắm bầu trời xanh ngắt không một áng mây , phản ánh dưới dòng sông lặng lờ không màu sắc nhất định , chốc chốc laị bị réo sôi lên bởi những con tàu chở đày du khách xẻ  dọc đi qua với làn sóng trắng xóa bỏ laị sau .Hà nóí : hồi nhỏ tuị mình mê lội nước ! Ừ phải rồi , Dalat không có một dòng sông nào cả nhưng đầy  những con suối nhỏ ngoằn ngoèo qua các ghềnh đá, chúng tôi thường lội xuống để bắt cá bảy màu , cá lòng tong ,  bắt nòng nọc về nuôi trong bình thuỷ tinh . Tôi nói : trời mưa cũng đi lội nước  . Nghĩ đến những cơn mưa mùa hạ ầm ầm như thác nước đổ xuống mái tôn sau nhà , cái mương bên cạnh gần lối lên trường Trần Bình Trọng trở thành một con suối đỏ ngầu , chúng tôi chỉ kịp chụp lấy cái nón nylon để chạy ra lội bì bõm với tất cả sự thích thú của  ‘’ cá gặp nước ‘’  . "Chắc taị tuị mình thiếu nước" .Nhà đông con , nuớc tắm cũng bị giới hạn , chúng tôi chẳng bao giờ dược dầm mình trong nước cho bằng thích . Dalat là miền núi không có bãi biển để bơi lội cho thỏa thích nên chúng tôi cứ như bị cuốn hút bởi nước . Đi đâu bất chợt mà nghe tiếng róc rách là phải  tìm cho bằng ra nguồn nước . Đến các thác nước chơi chúng tôi cũng thích lội qua dòng nước , nhảy nhót trên những phiến đá gập ghềnh và đưa mặt ra hung lấy bụi nước tung xuống từ trên cao . Tôi kể cho Hà nghe : năm ngoái Mai đi Mỹ đến Yosemite Park đầy những ngọn thác cao  gấp 100 lần thác Cam Ly của tụi mình , Mai cũng tìm laị được cái cảm giác thích thú tuyệt vời đứng dưới chân thác để hứng những hạt bui nước  li ti từ trên tung xuống , mát rượi.Lúc đó nhớ Dalat của mình vô cùng ; ở bên đó cũng có hoa đỗ quyên trắng như ở núi Bà Dalat ( tức núi Langbian ) , Hà đã leo lên đỉnh núi Bà bao giờ chưa ? - Chưa ! Sức  đâu mà leo Mai ! sau ngày giải phóng con đường vào chân núi Bà mới được an toàn , và mới có người mạo hiểm leo lên đỉnh núi . Vào một dịp hè tôi đã có cơ hội leo núi , đi cả nửa ngày mới tới đỉnh ; con đường còn hoang dã , đi tới đâu phải chặt cây tới đó , đầy những kỳ hoa dị thảo . Tới đỉnh núi là cả một bãi hoa đỗ quyên trắng đang nở rộ chào đón chúng tôi , khung cảnh thần tiên như chốn thiên thai vậy . Đằng xa phía mặt sau rặng núi cũng vẫn là núi rừng trùng điệp đến tận chân trời mờ mờ sương khói . Người ta nói hôm nào trời nắng tốt đứng trên đỉnh này có thể thấy được bờ biển  Nha Trang ! Hà nói bây giờ đã có đường cho xe lên đến tận đỉnh . Tôi thất vọng , thế là những bánh xe ủi đất , những con đường mới đã cày nát hoa đỗ quyên của tôi !


 Những năm 80 Hà còn đang bận vật lộn với cuộc sống ở Saigon  . Hà là giáo viên dạy Pháp văn ở trường Lê Quí Đôn , lương nhà giáo phải chật vật ngược xuôi mới đủ nuôi 3 đứa con nhỏ . Anh Vinh , ông xã Hà lúc đó đang thất nghiệp laị còn thấp thỏm không biết bị goị đi học tập lúc nào vì cái tội ‘’ chiêu hồi ‘’ .Tôi chợt nhớ lại  những năm tháng đen tối nhất của thời gian đó chúng tôi cũng vẫn có nhau ;  nhà ở gần nhau bên vùng Khánh Hội , chúng tôi vẫn chạy qua thăm hỏi nhau luôn , bữa cơm rau muối cũng có nhau . Tôi nhớ đến những biến động ghê gớm của  thời cuộc lúc bấy giờ , nỗI hoảng loạn của những ngày sắp mất nước . Tôi và mấy đứa em cùng gia đình Hà kéo nhau ra bến tàu với câu hỏi to tướng Đi hay Ở ? Cuối cùng tôi quyết định không đi đâu cả , vì quá nửa gia đình tôi còn ở lại Dalat ; vả lại ‘’đất nước thanh bình rồi mình phải ở lại dể phục vụ đồng bào mình chứ ! ‘’ . Lúc đó tôi mới tốt nghiệp Y-Khoa còn  đang mang đầy lý tưởng . Gia đình Hà cuối cùng cũng không đi được vì vào đến Kho 5 ở bến tàu thì đã quá trễ , con tàu cuối cùng đã rời bến . Số phận lại gắn liền hai chị em tôi để cùng ở lại và chứng kiến cuộc đổi đời chưa từng thấy sau đó .

 Hà ở lại Bruxelles  để làm tiếp những xét nghiệm cần thiết . Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi vớI Hà như thời gian này .Hết bệnh viện này đến bệnh viện khác , không quên tạt qua những khu thương xá tấp nập người qua lại , trên đường đi chúng tôi nói chuyện rất nhiều như để bắt lại những năm tháng ở xa nhau vắng bặt tin tức . Chúng tôi cùng hồi tưởng laị quá khứ , về tuổi thơ , về Dalat , về bạn bè ở trường Yersin.Tôi phục sát đất trí nhớ của Hà . Hà nhớ về các bạn học cũ ở Yersin hơn tôi nhiều.Hồi đó bạn của Hà cũng là bạn của tôi , bây giờ nhắc lại  tôi không còn biết ai học lớp  với ai ! Từ khi rời mái trường cũ đi học xa tôi chẳng còn gặp lại ai quen nữa.Hà kể có lần trở lại thăm trường bất ngờ gặp lại Nguyễn Thị Thu, là bạn cùng lớp với tôi, từ Mỹ về cũng đang lang thang thơ thẩn  ở sân trường cũ . Đúng là ‘’ cố nhân tri ngộ ‘’ ! Ôi những tâm hồn lạc lõng khắp bốn phương ,nay trở lại tìm một chút hương xưa! Hà nói Dalat bây giò khác xưa nhiều lắm , những dấu tích cũ bị xóa dần đi , Hà ở Saigon chỉ cách có 300 cây số mà mỗi lần về đã thấy thật  xa lạ  . Tôi hỏi Hà có về thăm nhà số 7 Yagut ? Không !Buồn lắm ! không còn cô chú và tụi Mai ở đó nữa Hà thấy như chẳng còn gì , Hà về có một lần duy  nhất rồi thôi ! Tôi cố dằn lòng để không hỏi thăm về cây bông giấy đỏ thẫm trước nhà , hai cây hồng nặng trĩu trái , cây loa kèn bông trắng  lớn đong đưa trong nắng , cây trạng nguyên rực rỡ trước  cổng nhà ; sân trước sân sau với giàn đậu , với vườn lan , những căn phòng ấm cúng còn vang tiếng chân đâu đó của chúng tôi. .

Nhắc về  Saigon với cư xá Trần Qui Cáp nằm trên con đường ngập lá me bay . Nơi đây chúng tôi cũng ở chung trong một căn phòng gồm 6 người trên lầu cao nhất . Tôi còn nhớ cái ghế đá bên dàn hoa Ti Gôn rợp bóng mát  , những lối đi trồng hoa sứ trắng và cây tràm bông vàng nở hoa thơm ngát . Trên đầu giường cô nàng  nào cũng có một bình Ti Gôn  hoa màu hồng ‘’ dáng như tim vỡ ‘’và có lẽ trong tập vở của cô nào cũng có chép bài thơ bất hủ của T.T.KH.! Hà tốt nghiệp sư phạm và rời khỏi cư xá trước tôi , sau đó ngoan ngoãn vâng lới bố mẹ lập gia đình ngay. Hà nói với tôi : hồi đó ông Vinh theo Hà dữ quá , đúng là ‘’harceler’’ mình , không trốn đi đâu được mà bố mẹ thì nói vô mãi nên Hà đồng ý đại chứ cũng chẳng yêu thương gì ! Mình chưa kịp yêu ai và cũng chưa kịp nhận một bức thư tình nào xem sao ! Tôi bật cười : Hà nghĩ là nhận thư tình thì Hà sẽ hạnh phúc hơn bây giờ sao ? Cũng không biết được , nhưng để xem cảm giác nó ra  sao ! Cạm bẫy của khổ đau ! Hà không biết được có khi lại hay hơn ! Hồi xưa học Đại học , Hà rất diện , dân Văn khoa , sư phạm mà lị ! Quần áo đúng mốt , son phấn điểm trang không còn thiếu thứ gì , chủ nhật nào cũng dạo phố Bến Thành , Tự Do , Lê Lợi ,  chứ không như bọn tôi , con gái học Y-Khoa  ’’ chỉ có thua nữ cảnh sát ! ‘’ như lời phê bính của bọn con trai . Và thế là Hà lập gia đình và đi vào một cuộc sống bình thường êm ả với chồng và con như ước mơ của bao nhiêu cô gái khác ...nếu như không có ngày 30 tháng Tư năm 75 đã làm đảo lộn mọi số phận .

 
Một buổi tối tôi mới gội đầu đang ngồi chải và sấy tóc thì Hà đi vào và nói : để chị làm cho ! Hà cầm lấy lược chải  tóc cho tôi . Tôi thấy lòng mình chợt như chùng xuống thật đầy khi nghe lại tiếng ‘’ chị ‘’ ngày xưa . Tôi bỗng muốn mình được nhỏ bé lại như ngày nào còn mặc váy đầm tung tăng chạy nhảy với một cái nơ to tướng trên đầu , tôi muốn được làm em để được chiều chuộng , được săn sóc sau những năm tháng dài mệt mỏi bị bắt buộc làm người lớn . Hà nói : sau này thế nào Hà cũng viết hồi ký ! -Hà sẽ viết về cái gì ? Về tuổi thơ của tụi mình ở Dalat , biết bao nhiêu chuyện để nói ! Tôi không biết Hà có viết văn bao giờ không  mặc dầu Hà cũng tốt nghiệp Văn khoa ra;  hình như tôi chưa từng đọc một cái gì của Hà viết nhưng tôi tin là Hà sẽ viết được , chỉ cần nói lên những xúc cảm chân thật của lòng mình. Ừ Hà cứ viết đi , viết thật nhiều , sau này Hà sẽ có dư thì giờ để viết . Tôi chợt se lòng nghĩ tới những ngày sắp tới với Hà , những ngày dài khắc khoải trên giừơng bệnh , Hà sẽ phải phấn đấu không ngừng nghỉ với bệnh tật , liệu Hà có còn nhớ đến những điều đó nữa không hay tuổi thơ hoa mộng cũng phải nhường chỗ cho những ưu tiên khác ! Nhưng chắc chắn Hà sẽ có đủ thì giờ để viết chứ không như tôi lúc nào cũng quay như con vụ , lúc nào đâu để hồi tưởng , để viết lách trên giấy trắng mực đen ?! Hà nói : " Hà sẽ viết cho con cháu mình đọc , tuị nó phải biết hồi đó cuộc sống mình ra sao ! "  . Tụi nó bây giờ chỉ còn dí mũi cả ngày vào mấy cái ‘’games ‘’ , tụi nó không còn chất mơ mộng của tụi mình ; tiếc thật nhưng sống thời nào phải theo thời đó ! Hai đứa tôi nói chuyện như hai bà cụ già đã xế bóng .Cả mấy thế hệ đã ngăn cách chúng tôi  với những đứa trẻ hôm nay , với Cát Tường , đứa cháu nội đầu tiên của Hà mới đang chập chững tập đi ở Việt Nam . Hai đứa lại thở dài : tụi nó khác mình nhiều quá ! Nhưng cuộc đời là thế , là phải xoay vần thay đổi , là phải tiến hóa không ngừng nhưng sao mình vẫn không tránh khỏi những nỗi hoài niệm miên man buồn như một nốt nhạc chùng của cung giao hưởng .


Một buổi sáng ở phòng chờ trong một bệnh viện tôi chợt nhìn ra cửa sổ , bên kia là một khoảng đồi cây  lá đang đổi màu vàng đỏ rực rỡ, có  những chiếc lá run rẩy đang chao mình nhẹ nhàng rơi xuống mặt đất . Trời mưa lất phất , ‘’ ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi ‘’ . Tôi nói : Hôm nào trời nắng Mai sẽ dẫn Hà vào rừng xem lá mùa thu , rừng ở gần  ngay đây thôi , bên cạnh thành phố , Forêt de Soignes ,  lá phổi của Bruxelles . Sau đó tôi không còn kịp thì giờ  dẫn Hà vào rừng dẵm lá mùa thu như Huy Cận , nhưng trên đường đi Hà cũng đã kịp nhận thấy những sắc độ tuyệt vời của mùa thu . Ở Saigon Hà không hề thấy , ở Dalat lại càng không vì ở đó  màu xanh vĩnh cưủ của ngàn thông đã ngự trị rồi ! Mùa thu đẹp thế mà sao lại hay được đem làm biểu hiệu của tuổi già nhỉ ? Tôi nghĩ đến cuốn truyện ‘’ Những Năm Tháng Thu Tàn ‘’ của một tác giả người Nhật kể về đoạn cuối cuộc đời đơn độc thê thảm của một ông già .Phải chăng vì mùa thu gợi đến một cái gì  sắp tàn tạ , một sự mất mát trong quy trình sinh lão bệnh tử  . Phải chăng đã đến lúc cần  phải suy gẫm về bệnh tật , về cái chết không thể tránh được  của moị kiếp người . Tôi không biết Hà  có những ý nghĩ bi quan như tôi không . Có lẽ Hà chưa ý thức được hết những gì đang chờ đợi mình . Tôi lại ở vị trí người biết quá nhiều với những dự tưởng đi trước . Thôi hẵng vui sướng đi với những gì thấy được chung quanh ta hôm nay , khoảnh khắc này có lẽ sẽ không còn lập lại .
Các xét nghiệm đã làm xong , tôi quyết định nói cho Hà biết về căn bệnh của mình với kết luận là Hà cần phải được giải phẫu lại một lần nữa . Tôi không quên được nét lo âu hoảng hốt trên khuôn mặt Hà , Hà chỉ muốn trở về Việt Nam ngay với chồng, với con , với  một ảo giác an toàn không tưởng mà trong đó bấy lâu nay Hà đã quen được nuôi dưỡng ấp ủ . Nhưng Hà phải tự  có một quyết định cho chính cuộc đời mình -  con đường sống -  Lần đầu tiên .Tôi đưa hết tập hồ sơ bệnh án cho Hà .  Hà nói sẽ về Đức một thời gian để suy nghĩ và bàn bạc với gia đình .


Ngày Hà lên xe trở về Đức với cô em  mới sang đón , tôi không có mặt để đưa tiễn . Lúc tôi trở về nhà sau đó , căn phòng lặng lẽ vắng hẳn đi một bóng dáng quen thuộc . Hà để lại cho tôi vài chữ trên bàn : Hà mong được trở lại Bruxelles lần nữa , với Mai . Ừ , lúc nào Mai cũng có mặt , sẽ có mặt với Hà , như mình đã từng có mặt bên nhau trong suốt bao năm cũ .

Một tuần sau , Hà gọi điện cho tôi báo tin đã quyết đinh ở lại Đức để được giải phẫu .
Tố Mai
Bruxelles, 12/2001

2 comments:

  1. Day la mot la thu Hà da viet gui cho Mai :

    Mai oi,

    Ha dang tam ngung vao thuoc sau khi da vao duoc 6 doses.

    Nguyen nhan la thuoc Tay o VN dot ngot tang gia qua cao. Neu truoc day ha phai mat khoang 650 euros moi thang thi bay gio phai mat co 900 euros moi du. Voi muc chi phi nhu the thi qua cao. Lai them Ha qua so nhung effets secondaires cua thuoc.Bat cu cai gi lam Ha nho toi canh vao thuoc o BV va cam giac vo cung kho chiu sau khi vao thuoc .. nhu cai mui bao nylon dung thuoc, mui alcool khu trung deu lam Ha buon oi va rat met...

    Ha suy nghi nhieu ve viec nay... Ha thay cai chance de guerir khong co ... Ong Vinh doi ban nha de chua chay, nhung Ha thay khong can thiet de hy sinh qua nhu vay. Hien nay cai nha cu cua Cuc truoc day Ha dang cho thue,co ca Diep va cac con cua no nua.Va do la mot nguon thu nhap tuy khong nhieu,nhung lai on dinh nhat hien nay. Ban nha di se anh huong den rat nhieu nguoi va roi mai mot Ong Vinh ve gia lay tien dau ma song? Con cai ben VN cung se khong giup duoc Ha va Ong Vinh nhu tui Mai giup Co Chu duoc dau. Ha thay investir vao viec chua chay cua Ha no khong co debouchee ! Va lai Ha cung thay minh song nhu vay la da du roi.Vui co,kho co,sung suong cung da huong... Tuy doi khi cung hoi lo lang nhung Ha khong qua bi quan,sang day som de di bo tap the duc khoang 1 tieng dong ho, hang ngay uong thuoc deu dan va lam viec binh thuong.Ha thay khoe ra la dang khac!

    Nhan co nguoi quen Thu tren Dalat gioi thieu cach uong thuoc nam (herbal medicine)+ tap the duc cung co ket qua,nen Ha cu thu dai xem sao.
    Ong ay bi cancer gan rat nang,bs da cho ve nha.. nhung sau 3 thang uong thuoc thi ong ay da khoi. Mot nguoi nua cung la hang xom tren dalat,bi cancer phoi gan chet,cung uong thuoc nhu vay ma khoi... thoi thi Ha cung uong thu...Ha da uong duoc thang ruoi roi,thuoc dang lam nhung con do hon chimio!

    Sang nay Ha moi di xet nghiem "mau" ve va ket qua Ha attache sang cho Mai xem thu ,va cho Ha biet nhan xet
    Con vu chup CT truoc Tet, cho saigon Medic dong y se save vao CD cho Ha,co le Ha se gui sang cho Mai examiner ho Ha va cho Ha biet nhan xet cua Mai ra sao.

    Ben Bi co bi anh huong gi vi chien tranh khong? O Vn thi tinh hinh lam an kho khan thay ro... tat ca nhung gi lien quan den tourisme deu bi khung hoang,keo theo hang loat nhung thu khac lien quan den no.. Roi thi cai gi cung tang gia. Xang va dien tang gia cung lai tang gia,keo theo du thu khac.

    Saigon luc nay dang mua kho nen nong lam,ca tuan nay nhiet do len den 36 do! Vung nao cung co nguy co chay rung. Ha them duoc cai khong khi mua nay cua Bruxelles qua! Vuon nha Mai da no day hoa chua?ha van chua thay duoc hoa cua gian hoa cho cua bep cua Mai.

    Cat Tuong may hom nay bi viem hong,xo mui va sot.. Toi con be,no ngoan lam,khong quay qua gi ca. Chieu nay no keu nhuc dau. Ha lo qua.

    Thoi,Ha tam ngung da nhe de gui thu cho Mai xem.Cho Ha gui loi tham Ca nha. Co da co e-mail address chua?
    Hen gap nhau sau nhe.

    ThanhHa.

    29/7/2003

    ReplyDelete