Pages

Tuesday, December 2, 2014

Chị ơi (phần 1)


-          (Bình thản) Em này, tháng tới chị đi lấy chồng…Bố mẹ chị đã chọn ngày rồi. Các cụ bảo lấy vợ lấy chồng thì phải lấy liền tay, hơn nữa mẹ chị bảo trong năm nay chỉ có tháng đó ngày đó mới hợp với tuổi chị mà thôi.

-          (Sửng sốt) Sao cơ ? Chị đi lấy chồng à? Sao vội vàng thế? Mà anh ấy là ai mới được chứ?

-          (Thản nhiên) Là ai cũng thế thôi. Mối lái đấy, bố mẹ chị thấy vừa ý, cũng môn đăng hộ đối, gốc gác lại là ngừơi cùng quê với bố chị. Anh ấy cũng có công ăn việc làm vững chắc, lại còn hứa sẽ tìm cho chị một chỗ dạy học ở Saigon khi chị ra trường, thế là các cụ yên tâm qúa, bảo chị không còn gì hơn được.

-          (Ngạc nhiên) Chị bảo gì? Chị không quen biết anh ấy trước à?

-          (Buồn bã) Không, chỉ có gặp nhau một tuần đổi lại đây thôi. (Chặc lưỡi). Mà có hề gì, chị đi lấy chồng đã kịp thương ai đâu.

-          Em không hiểu…

-          (Thở dài) Có gì lạ chứ, em còn nhỏ không biết, những năm tháng mới lớn của mình, chị đã chẳng dám quen ai, và cũng chẳng để ai quen mình. Cái cảnh bác Ba vứt hàng đống áo dài của chị Huyền ra sân rồi nổi lửa đốt, chị vẫn còn rợn. Khói đen cuồn cuộn, mùi vải cháy khét, nhất là những cái áo bằng nylon cháy không được, chỉ bô'c khói đen ngòm,  sộc vào mũi, vào mồm, và vào cả trong nhà. Còn bác Ba thì nhảy chồm chồm quanh đống lửa, mỗi một cái áo vứt vào, được kèm theo một câu nguyền rủa khủng khiếp. Lũ con nít vây chung quanh, thập thò nơi góc nhà, mái hiên, bu bêu bên hàng rào, bên song cửa, hồi hộp, nín thở như thể đang xem xiệc. Chị nhớ chị Huyền ngồi trong phòng khách, không khóc, không nói, mắt mở trừng trừng, răng nghiến lại, nhìn những tà áo của mình uốn lượn trong lửa…Em ơi, chị ám ảnh bởi ánh mắt đó, thù hận, gan lì, liều lĩnh, đủ cả. Và lúc đó chị thề với mình rằng sẽ không để cảnh đó xảy ra cho mình.

-          (Thắc mắc) Mà tại sao thế nhỉ? Lúc đó còn nhỏ em không nhớ được gì hay không biết chuyện gì đã xảy ra.

-          Có gì đâu, chỉ vì chị ấy hẹn hò đi chơi với bạn trai, bác Ba cấm đóan, la mắng bao nhiêu cũng không cản được. Mà các cụ trong họ cũng ghê gớm lắm, bảo chị Huyền làm mất mặt gia phong và cứ bác Ba mà đay nghiến, mà trăm tội đổ đầu. Bác Ba không muốn chị Huyền theo vết chân mình, có con không chồng, nên ra sức kiềm chế chị ấy lại, nhưng mà có đươc đâu. Chị ấy cứ như ngựa chướng, càng cấm càng làm, như thể cố ý chọc tức các cụ chứ chẳng phải vì tính chị như vậy.

-          (Thở dài) Vâng, ai cũng bảo chị Huyền mang mầm mống nổi loạn. Sau đó chị ấy bỏ nhà đi, chẳng biết theo ai, ơ” đâu bẵng một thời gian, rồi chị ấy lại quay trở về nhưng không ở cùng với bác Ba mà vào nội trú với các soeurs. Hồi đó em cứ thắc mắc, tò mò mãi. Nghe người lớn xầm xì bàn tán, nhưng hễ thấy đứa con nít nào léo hánh tới nghe lén thì đuổi như đuổi tà, nhưng cả bọn cũng lõm bõm hiểu rằng chị ấy có đứa con rơi, không dám nhận mà phải đem cho người khác nuôi để còn lấy ông chồng bây giờ.

-          (Xa xót) Phải, rốt cuộc đời chị ấy cũng khổ, chẳng sung sướng gì, sau khi đã quậy tơi bời hoa lá hết cả tuổi trẻ của mình. Chồng chị ấy lúc vui không nói, lúc buồn lôi chuyện đứa con rơi ra dằn vặt, đay nghiến vợ. Chị Huyền nổi lọan ở đâu đâu, chứ không dám to chuyện với chồng vì lỗi mình rành rành ra đó. Làm gì chăng nữa, phận đàn bà chỉ có thiệt thòi. Không biết nên trách ai, chị ấy hay bác Ba. Nhưng riêng chị thì chuyện bồ bịch với chị những năm tháng đó là cấm kỵ, là xấu xa. Gương chị Huyền còn đó, đám con gái trong họ mình không ai dám hó hé gì cả. Để rồi khi nhận ra mình chưa bao giờ viết thư tình, chưa bao giờ hẹn hò với ai thì chị đã sửa soạn đi lấy chồng. (Cay đắng) nhưng như thế cũng hay, chị về nhà chồng, không một mảnh tình vắt vai, không gì lưu luyến cả, không có kiểu em lên xe hoa, chỉ còn mối tình đem theo.

-          Nhưng rồi đám cưới chị liệu có giống như chị Cúc, là hoa khôi một thời, bao kẻ săn người đón, đến lúc lấy chồng, mẹ chị ấy và cả họ xúm vào kén chọn ông con rể tương lai chokỹ vào, rốt cuộc bị lừa một cú trắng cả mắt. Ông ấy qua mặt mọi người cái vèo. Nghe nói các cụ lúc đó như bị bỏ bùa mê, ông ấy nói gì cũng tin, bảo gì các cụ cũng nghe. Dần mụ ăn mày ở miệt quê lên bảo là mẹ ông ấy mà các cụ chẳng nghi ngờ gì. Rồi ông ấy vẽ hươu vẽ vượn những là ruộng vườn mênh mông, cò bay thẳng cánh, của chìm, của nổi đếm không hết. Ông ấy đóng vai công tử miệt vườn thật xuất sắc, các cụ nhà mình cứ bị lừa như bỡn Đến lúc cưới hỏi xong mới biết ông ấy không một xu dính túi\, Các cụ gọi là té ngửa ra nhưng đành cắn răng mà chịu thôi.  Em nghe kể mà cứ tưởng như là chuyện đùa.

-          (Cười) Ừ, còn chuyện đó nữa chứ, chị quên mất. Bây giờ chị Cúc cũng tay giắt nách mang rồi. Chồng chị ấy không chức tước địa vị tiền bạc như ông ấy đã phịa ra lúc di hỏi vợ, nhưng ông ấy một lòng hầu vợ thế kia thì kể cũng sướng. Làm vợ chắc chỉ mong đến thế mà thôi. Chị ấy sống chật vật thật, nhan sắc hoa khôi một thời nức tiếng nay không còn, ngày xưa chưng diện là thế, bây giờ lúc nào cũng đầu bù tóc rối, mặt mũi lấm lem, như con mẹ dại, nhìn mãi nhận không ra, bù lại chị ấy được mấy đứa con ngoan, ông chồng chí thú làm ăn nuôi vợ nuôi con, cũng an ủi lắm. Rồi cũng qua một đời. Rút kinh nghiệm máu xương, chồng tương lai của chị bị các cụ điều tra kỹ lắm.

-          (Thắc mắc) Chị sẽ có hạnh phúc không hả chị?

-          Làm sao biết được? Em cứ xem các cụ nhà mình đấy, đâu có ai lấy nhau vì tình đâu, rồi cũng con đàn, cháu đống, rồi cũng cay đắng, ngọt bùi, sao mình chẳng bao giờ thử hỏi các cụ xem các cụ có hạnh phúc không.

-          Họ không cùng thế hệ với mình, chị ạ. Với các cụ, nghĩa nhiều hơn tình, cho nên có thể ghét nhau đào đất đổ đi đấy nhưng vẫn ở cùng nhau vì một chữ nghĩa hơn ba chữ tình.

-          (Chặc lưỡi) Chị cũng mong được như họ, để yên tâm sống đời mình…

-          (Phì cười) Chị nói y như bà già vậy.

-          (Xua tay) Này thôi, mặc các cụ. Đám cưới chị, chị sẽ mặc áo dài vàng, ôm hoa hồng vàng, chân đi hài cao, tóc bới lên như thế này này, đội khăn vành dây phải đẹp lắm, chị chưa nghĩ ra khăn phải màu gì, nhưng các phù dâu sẽ mặc áo dài màu hoa đào tươi, em thấy sao? Chị không biết nên đi hài hay đi giầy cao gót, nghe chị Hoa bảo đi hài mỏi chân nhưng  mặc áo dài như thế mới đẹp. Còn áo hòang hậu khóac bên ngòai nữa chứ, chị không biết đi may hay thuê.  Chị không thích mặc nó nhưng bác Cả bảo phải mặc cho đúng phong tục. lễ nghi. Chị muốn mặc soirée buổi tiệc chiều nhưng các cụ sẽ xầm xì, nói cho mà nhức óc lên. Thôi thì chìu các cụ một tí vậy, chị sẽ mặc áo dài thêu hoa hồng. Em ạ dù sao chăng nữa chị vẫn thấy nô nức, hồi hộp, đời người một lần, không phải ai cũng được làm cô dâu đâu đấy nhé. Chị sẽ bắt bố mẹ chị may cho chị thật nhiều quần áo mới, để trả thù cho chuyện bố mẹ đặt đâu chị ngồi đấy.  (Cười).

No comments:

Post a Comment